Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang Chủ ]               [ Tác giả ]

Cậu chủ ở Kurashiki 

Shiba Ryotaro
Phạm Vũ Thịnh dịch

- 1 -
Kurashiki là khu phố của dân thành thị. Con sông Maegami chảy xuyên suốt khu phố, hai bên bờ san sát những tư thất kiêm kho hàng của những nhà buôn giàu có; những bức tường sơn trắng, mái ngói đen, đường lát đá, tạo thành một phong cảnh độc đáo khiến người ta liên tưởng đến cảnh vinh hoa của thành phố Firenze bên YÙ.

Nhân vật "cậu chủ Ohashi" chẳng phải gốc người ở khu phố này. Cậu ta sinh ra trong một nhà hào lý lớn ở làng Mikazuki xứ Banshu, trưởng thành trong nhà Tateishi cũng là hào lý lớn ở quê mẹ là làng Ninomiya xứ Sakushu, ở đấy đã học kiếm thuật phái Shindo Munen từ thầy Ikumi Yuitsu, học kinh sách từ thầy Morita Sessai (1811-1868, danh nho cuối thời Mạc Phủ), rồi sau này giao du với nhóm Fujimoto Tesseki (1817-1863, lãng sĩ từ phiên trấn Bizen), lãnh tụ đội võ trang Cần Vương quá khích Tenchugumi, được dạy cho tư tưởng cách mệnh Cần Vương. Do duyên may mà cậu vào làm rể nhà Ohashi ở Kurashiki này. Nhà Ohashi là một nhà giàu có, thế lực lớn được quyền mang tên họ, đeo kiếm, có hiệu buôn lớn là tiệm Nakashima-ya. Được nhà lẫn được vợ là Okei. Okei sinh cho cậu ta hai trai một gái. Như thế, "cậu chủ Ohashi" tức là Ohashi Keinosuke có thể nói là đã hoàn tất được bổn phận làm chồng làm rể rồi.

Cuối mùa thu Genji nguyên niên (1864), cậu chủ Ohashi dắt theo người tớ trai là Fujikichi đến xóm gần thành Okayama xứ Bizen, ghé vào tiệm bán đao kiếm, bảo là muốn mua "kiếm thật". "Kiếm thật" là thứ đao kiếm dùng để chém giết thật sự chứ chẳng phải là thứ chỉ để trưng bày cho vui mắt. Chủ tiệm đâm lo. Trông người khách có vẻ là dân thành thị. Dân thường sao lại mua "kiếm thật" làm gì? Chủ tiệm mời Keinosuke vào kho hàng để chọn lựa, trong khi đó, hỏi nhỏ người tớ trai Fujikichi, biết tên khách là "Ohashi ở Kurashiki" thì yên lòng. "Ohashi ở Kurashiki" nổi tiếng là một nhà hào trưởng được tham gia vào chính sách cai trị ở Kurashiki. Nên mặc dù là dân thường nhưng nhà ấy hẳn cũng muốn có sẵn trong nhà một hai thanh "kiếm thật".

Trong kho hàng, Keinosuke thử chừng trăm thanh kiếm, rút xem, có khi múa thử có vừa tay không, cuối cùng chọn thanh kiếm Setsu Tsukaji Kishinmaru Kunishige dài 2 thước 3 tấc (chừng 70 cm). Giá một trăm lạng. Có phần đắt, nhưng người khách trả tiền không mặc cả.

Trên đường về, đến làng Seno-o lúc chiều tàn, qua khỏi cầu Sasagase, Keinosuke múa kiếm chém ba cây liễu non. Đường kiếm siêu quần. Chém ba cây liễu non nhẹ nhàng như chém cỏ.

-"Nhưng mà, cậu dùng kiếm ấy vào chuyện gì thế chứ?". Fujikichi đâm lo lắng mà hỏi.

Fujikichi là người tớ trai đã theo hầu Keinosuke từ lúc nhỏ, đổi sang nhà Tateishi, rồi nhà Ohashi, vẫn theo sát không rời chủ.

-"Ta phải thay Trời mà tru diệt bọn Shimotsui-ya mới được!".

Fujikichi cho là cậu chủ Keinosuke có ý nghĩ trẻ con.

Fujikichi biết Keinosuke ngay từ thời thơ ấu đã có nhiệt tình khác thường về chính nghĩa trên đời, đọc truyện Tam Quốc Chí gì đấy đến chỗ danh thần nhà Thục Hán là Gia Cát Khổng Minh phải trải qua cuộc đời bi kịch, thì cậu chủ không kiềm nổi cơn hưng phấn, có khi nghiến răng, cắn cả vào nướu đến rướm máu ra ngoài môi. Mới chỉ là câu chuyện đời xưa thôi đấy! Fujikichi nghĩ như thế, nhưng có vẻ phía cậu chủ thì không cảm thấy đấy chỉ là chuyện đời xưa của thiên hạ ở đâu đâu! Một phần cũng vì Keinosuke sinh ở xứ Banshu nên ưa thích chuyện trung thần Ako Roshi (lãng sĩ xứ Ako, 1701), mỗi khi có tuồng hát Chushingura (theo tích Ako Roshi) công diễn ở xóm Dotonbori, Osaka, thì thế nào cậu cũng khăn gói lặn lội từ xứ Bitchu lên Osaka xem cho được mới thôi. Mà chẳng phải chỉ tuồng hát. Cả những sự kiện thực tế cũng được cậu mê đắm dị thường. Năm Bunkyu thứ ba (1863), đội lãng sĩ Tenchugumi phò quan thị Nakayama Tadamitsu giương cờ Nhương Di Đảo Mạc (đánh đuổi bọn man di là người ngoại quốc, đánh đổ Mạc Phủ Tokugawa nhân nhượng ngoại quốc) cử binh khởi nghĩa ở Yamato (xin xem truyện dịch "Phá Huyện đường") rồi bị quân Mạc Phủ tiêu diệt, sau đó, Keinosuke đã khăn gói lên đường từ Kurashiki đi Yamato, thăm viếng tất cả các di tích chiến trận của nghĩa quân ấy, cuối cùng, không kiềm chế nổi cơn uất hận, cậu nghe nói bọn Kondo Isami của đội Shinsengumi đang bày yến tiệc trong xóm lầu xanh Shinmachi ở Osaka, bèn mưu cùng mấy người đồng chí nhào vào đâm chém trả thù. Một chàng trai đọc Tam Quốc Chí mà xúc động đến cắn răng bật máu, thì sau khi thực tế nhìn thấy tận mắt những vết tích đẫm máu của đội Tenchugumi đồng chí hướng, hẳn là không thể không nổi giận mà xông vào chém bọn Shinsengumi. Tất nhiên, lần tấn công này vì phía cậu nhân số không bao nhiêu nên đã thất bại, Keinosuke đã phải trốn chạy trong đêm tối.

Sau lần thoát thân từ Osaka về lại Kurashiki đó, lại đến chuyện mua kiếm ngày hôm nay. Keinosuke nói đến chuyện "thay Trời tru diệt nhà Shimotsui-ya" một cách thản nhiên khiến Fujikichi sửng sốt. Bởi thị dân này xông vào chém giết trong nhà thị dân khác, thì đâu phải là chuyện tầm thường dễ xảy ra trong khu phố lâu nay người ta sống hoà bình với nhau như thế này.

-"Vì sao mà cậu lại phải chém ông chủ nhà Shimotsui-ya ấy chứ?"

-"Thì ta đã nói là thừa lệnh Trời mà tru diệt đấy thôi!".

Người thị dân trẻ tuổi, chí sĩ Cần Vương ở Kurashiki đã đáp một cách nghiêm trang đến quá trớn như thế.

Trong đám phú thương ở Kurashiki, nhà Shimotsui-ya là giàu có nhất. Chuyên tom góp lúa gạo mà gần đây đã giàu lên vượt bậc. Từ thời Tenpo (nạn đói Thiên Bảo, 1832-1839) trở đi, khắp nước Nhật Bản bị nhiều nạn mất mùa, đặc biệt năm Bunkyu thứ ba (1863), có biến cố Tenchugumi khởi nghĩa, thêm loạn Tajima Ikuno, năm tiếp theo là Genji nguyên niên lại có biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành, rồi Mạc Phủ kéo chư hầu đi chinh phạt phiên trấn Choshu,... xã hội bất an góp phần vào, nên lúa gạo khan hiếm, đến năm Keio thứ hai (1865), chỉ hai năm sau Bunkyu thứ ba, giá gạo đã tăng lên gấp tám lần. Thứ dân đã có nhiều người đói phải tự tử, trên đường phố Kyoto-Osaka không có ngày nào là không thấy những xác người chết đói. Nhân cơ hội bất an này, nhà Shimotsui-ya cấu kết với các nhà buôn đồng bọn, cho thuộc hạ đi khắp nơi, không chỉ Kurashiki là lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ, mà cả các lãnh địa khác như Niwase, Ashimori, Matsuyama, Okada,... , đem tiền bạc, phân bón, khô cá đổi lấy gạo, gom góp về trữ ở các hải cảng dọc theo bờ biển Seto Naikai, rồi chuyển về bán giá cao ở vùng Kyoto-Osaka, thu được món lời khổng lồ. Vì vậy, giá gạo ở Kurashiki tăng vọt lên, đến nỗi thị dân cũng không mua nổi gạo mà ăn.

Keinosuke bực tức vì chuyện trái đạo nghĩa này, nên dùng khả năng đáng khâm phục của "cậu chủ Ohashi" mà điều tra hoạt động gian thương của nhà Shimotsui-ya, rồi chận bắt hai chiếc tàu chở gạo của nhà Shimotsui-ya, giải cả tàu lẫn gạo làm chứng cớ mà tố cáo lên Quan Huyện lệnh Kurashiki. Lời tố cáo dựa trên chứng cớ phạm pháp rằng: -"Hành vi buôn lậu đấy".

Đương thời, bất kỳ là lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ, hay lãnh địa của chư hầu, luật pháp cấm ngặt việc tích trữ lúa gạo trong lãnh địa rồi tự ý bán lên Osaka, tục gọi là luật "Tsudome" (giữ gạo lại ở cảng). Keinosuke tố cáo bè lũ Shimotsui-ya đã phạm luật ấy. Quan Huyện lệnh là Otake Samataro không thể làm lơ được. Tuy quan rủa thầm: "Cứ bày chuyện không ai cần!". Bởi nhà Shimotsui-ya đã tổ chức đầu cơ trên quy mô lớn như thế hẳn đã lo lót đầy đủ ở cả Huyện đường Kurashiki rồi.

Tuy nhiên Keinosuke còn bám sát sự vụ hơn nữa. Anh tung ra nhiều tiền của thu góp tư liệu, kiên trì nộp lên, cuối cùng quan Huyện lệnh không thể không luận tội, nên phải hạ lệnh lục soát nhà Shimotsui-ya, bắt còng tay chủ nhân là Kichisaemon, bỏ tù con trai nhà ấy là Jutaro.

Nhưng không bao lâu sau, lệnh Mạc Phủ từ Edo cho đổi quan Huyện lệnh Kurashiki, tuy không dính dáng gì đến vụ đầu cơ gạo này. Quan Huyện lệnh mới là Sakurai Hisanosuke, một bộ tướng của Chúa Tokugawa. Bè đảng nhà Shimotsui-ya đón sẵn trên đường vị quan mới từ Edo đến, viếng lữ quán quan trọ lại ở Osaka mà hiến tặng thật nhiều tiền bạc.

Sakurai nhậm chức, tức thì cho mở lại hồ sơ vụ án mà phán rằng:

-"Kurashiki không phải là cảng, do đó không áp dụng luật giữ gạo lại ở cảng"

Với lối giải thích mới này, cả bọn nhà Shimotsui-ya được vô tội, và Keinosuke thua kiện.

Đã xảy ra chuyện như thế nên Keinosuke nghĩ: chỉ từ một chuyện này cũng đủ hiểu chính quyền Mạc Phủ đã thối nát đến thế nào. Quan Huyện lệnh đã hít đủ thuốc mê rồi, nên tiếp tay làm điều bất chính, vậy thì phải dùng đến lưỡi kiếm chứ không còn cách nào khác nữa. Keinosuke đã muốn làm theo đội Tenchugumi tấn công Huyện đường Gojo ở Yamato, mà tấn công vào Huyện đường Kurashiki, chém bay đầu quan Huyện lệnh Sakurai Hisanosuke. Nhưng anh không có binh lực cỡ đó. Nên nghĩ đến chuyện ít nhất cũng phải tấn công vào nhà Shimotsui-ya, gây đổ máu và chém bêu đầu chủ nhân Kichisaemon.

Tư thất nhà Shimotsui-ya ở bờ sông phía nam sông Maegami, căn nhà có kho lẫm ba tầng to bậc nhất ở Kurashiki này có dãy tường sơn trắng soi bóng xuống dòng nước.

Ta sẽ tấn công cho biết tay! Cậu chủ Ohashi coi tư thất ấy như một thành lũy. Tư thất ấy có cả cây cầu gọi là Chuhashi trông không khác gì một cây cầu bắt qua hào nước vào một thành lũy.

Trở về Kurashiki, Keinosuke suy tính phương sách tấn công trong mấy ngày, vẽ ra bản đồ phối trí của "thành" Shimotsui-ya. Có vẻ anh ta có tính thù dai thiên phú. Đêm đêm, mở rộng bản đồ ấy dưới đèn, anh lại rung cả người vì tức giận. Mà giận quan Huyện lệnh còn hơn giận nhà Shimotsui-ya nữa. Quan Huyện lệnh Sakurai Hisanosuke da trắng, mũi khoằm ấy đã cho gọi Keinosuke lên mà báo cho biết anh đã thua kiện, rồi nói:

-"Này Keinosuke, anh là thị dân ở đây mà lại giao du với bọn chí sĩ các nơi, xướng thuyết Cần Vương Nhương Di, bày trò kiếm kích nữa. Phải biết phận mình mà kiềm chế hành trạng đi chứ, nếu không thì không tốt cho bản thân anh đâu đấy!".

Giọng nói hăm doạ ấy, bộ mặt dễ ghét của quan sau này cứ ám ảnh anh mãi thành ác mộng không biết bao nhiêu lần rồi.

Bọn nhà Shimotsui-ya thắng kiện lại càng vênh váo lên mặt quá sức. Vừa ra khỏi cổng Huyện đường, chúng đã nhổ toẹt nước miếng về phía anh mà bảo:

-"Chẳng muốn nhìn mặt mày nữa!"

Ra cái điều: cùng là người có thế lực trong cùng khu phố, nhà ở cũng gần nhau, vậy mà đi tố cáo chuyện riêng tư của nhà người ta, thì chẳng phải là giống người nữa!

Thực tế, người trong vùng này cũng xử tệ với Keinosuke. Thời quan Huyện lệnh cũ là Otake thì anh thắng kiện nên chẳng nói làm gì, chứ từ lúc anh thua kiện, mỗi lần thấy mặt Keinosuke trên phố, người ta quay mặt đi, chẳng thèm chào hỏi nữa. Vì vậy, Keinosuke đã phải từ thoái cả chức vụ hào trưởng tham gia chính sách cai trị ở Kurashiki.

- 2 -

Rồi việc chuẩn bị cũng xong xuôi. Tháng 11 cuối năm Genji nguyên niên (1864), Keinosuke để cha vợ và vợ con ở lại Kurashiki, một mình bôn ba các nơi trong 20 ngày, đến nửa đêm 18 tháng 12 mới dẫn một đội lãng sĩ chín người mặc áo quần đen, mang mặt nạ đen, trở về xóm gần bờ sông Maegami. Đến gần bờ tường nhà Shimotsui-ya, Keinosuke ra lệnh: "Bắc thang!". Tức thì có thang tre bắc lên tường rào. Keinosuke ra lệnh thứ hai: "Tấn công!". Bọn lãng sĩ ùa vào trong nhà. Keinosuke lên tầng ba đứng bên cửa kho mà khéo léo chỉ huy bộ hạ hành động.

Chẳng mấy chốc, gia chủ Kichisaemon cùng con trai là Jutaro bị bắt dẫn tới trước Keinosuke. Keinosuke cũng mang mặt nạ nên cha con nhà Shimotsui-ya đâu có ngờ thủ lãnh của đám lãng sĩ đột nhập vào đây lại là "cậu chủ Ohashi" cũng là người trong xóm này.

"Đọc lên!". Keinosuke ra lệnh ngắn gọn cho thủ hạ.

Lãng sĩ bộ hạ bắt đầu đọc bản cáo trạng Thiên tru thay Trời tru diệt kẻ gian. Bản cáo trạng với đầy đủ luận cứ chi tiết, tỉ mỉ phê phán Mạc Phủ Tokugawa phạm tội cướp đoạt chính quyền của Thiên hoàng suốt mấy trăm năm nay, gần đây lại khuất nhục trước sự hăm doạ của các nước man di mọi rợ mà mở hải cảng cho chúng vào, làm tổn thương uy tín của nước Trời,......

Gia chủ Shimotsui-ya không kiên nhẫn nghe cho hết được, đã hét lên:

-"Chuyện đó thì dính dáng gì đến chúng tôi đây chứ?"

Người con trai im lặng.

Mặc kệ, bản cáo trạng vẫn được đọc cho đến cuối cùng mới nghe có gì dính dáng đến nhà Shimotsui-ya, là "bọn gian thương đã cấu kết với quan Huyện lệnh Kurashiki của Mạc Phủ mà đầu cơ tích trữ lúa gạo, đẩy muôn dân vào chốn đói khổ lầm than. Vì vậy, bọn ta tuân theo ý Trời mà tru diệt!".

Bản cáo trạng vừa dứt, "cậu chủ Ohashi" bước tới, chân vừa ngừng lại thì đã thấy đầu gia chủ bị chém bay lên không. Rồi đầu người con cũng chịu chung số phận.

"Nổi lửa!". Keinosuke ra lệnh.

Thật là có lớp lang mạch lạc. Cả bọn đốt lửa các nơi trong nhà Shimotsui-ya xong, nhảy bay ra đường, chạy xuyên qua phố, ra xóm bên bờ đê, đến dưới cầu Kiyone, lên chiếc thuyền nhỏ đã chờ sẵn. Thuyền này đã do Fujikichi chuẩn bị chu đáo cả rồi.

-"Cậu chủ xem kìa!". Fujikichi chỉ tay.

Ngọn lửa phừng phực bốc cao trên mái nhà Shimotsui-ya.

Thuyền chèo xuôi trên sông về phía hạ lưu. Keinosuke nhìn ngọn lửa mà cảm kích: "Lửa đánh đổ Mạc Phủ đấy!", nước mắt ràn rụa đến như hoà tan cả khuôn mặt. Hẳn là anh ta cảm thấy chính mình đã trở thành nhân vật trong truyền thuyết cách mệnh gì đấy rồi.

Thuyền ra đến biển. Ở cảng Kojima, Keinosuke từ giã các đồng chí, lên thuyền đi Osaka.

Anh cùng Fujikichi đến Osaka, nhưng đúng lúc toàn thành phố đang kiểm soát lùng bắt lãng sĩ Cần Vương gắt gao, nhắm mòi không thể ẩn náu được. Thực tế, có một lần ở Mido, lần khác ở trên cầu Tenjinbashi, anh đã bị đội Shinsengumi đuổi bắt. Do đó, hai thầy trò rời Osaka đi về hướng tây, từ Uno lên thuyền đến đảo Naoshima trú ẩn. Đảo này có ruộng muối do nhà cha vợ anh là Ohashi kinh doanh, Keinosuke trú ở nhà người quản lý ruộng muối ấy mà chờ thời.

Keinosuke rất muốn đến phiên trấn Choshu. Phiên trấn Choshu tuy đã bại tẩu trong biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành, bị Mạc Phủ đe doạ sắp sửa đem quân trừng phạt, nhưng nói gì đi nữa, vẫn là thế lực cách mệnh duy nhất thời bấy giờ. Ngặt là Keinosuke không có người môi giới. Suy đi nghĩ lại lắm lần, cuối cùng Keinosuke định nhờ phú thương ở Kurashiki là Hayashi Fuichi giúp đỡ. Hayashi Fuichi là nhà buôn dược phẩm, nhưng có chí Cần Vương, quen biết nhiều người ở phiên trấn Choshu.

Keinosuke cải trang, đang đêm về lại Kurashiki, đến nhà Hayashi, khẩn cầu viết giúp thư giới thiệu đến phiên trấn Choshu.

-"Chuyện dễ mà!"

Hayashi Fuichi vui vẻ nhận lời. Cho dù Keinosuke có là người bị tình nghi đốt nhà giết người đi nữa, nhưng có chí Cần Vương, thì Hayashi Fuichi vốn ưa thích bọn chí sĩ Cần Vương nên cũng không thể làm ngơ không giúp. Tuy nhiên, Hayashi Fuichi nói:

-"Nhưng nếu chỉ viết trong thư giới thiệu rằng Keinosuke là thị dân Kurashiki cùng quẫn phải chạy vào ở nhờ phiên trấn Choshu, thì người ta không xem trọng được".

Vì thế, đã giúp cho một kế. Hayashi biết nhà mẹ của Keinosuke là nhà Tateishi ở làng Ninomiya xứ Sakushu. Nhà Tateishi bây giờ chỉ là một nhà hào lý lớn trong làng, nhưng ngày trước đã là một nhà võ sĩ ở thôn quê, vào thời thế lực của nhà Mori bành trướng khắp vùng Chugoku thì nhà này đã theo phò Mori Motonari (14971571) rồi Mori Terumoto (15531625), lập được nhiều võ công. Nhất là Tateishi Son-ichiro Hisayasu đã lập được chiến công hiển hách trong trận công thành Iwaya xứ Sakushu năm Tensho thứ 9 (1581), nhận được một giấy ban thưởng 500 hộc và một đoản đao. Về sau, nhà Mori theo phe liên quân phía Tây bị thua trận Sekigahara (1600, Ieyasu thống nhất Nhật Bản, thiết lập Mạc Phủ Tokugawa), nên bị tịch thu hầu hết lãnh địa, chỉ còn giữ được hai xứ Boshu và Choshu, vì thế, nhà Tateishi đành phải về làm ruộng ở làng Ninomiya xứ Sakushu, trở thành hào lý lớn thâu nạp thuế dưới thể chế Mạc Phủ Tokugawa.

-"Nghĩa là, nếu trở ngược về trên hai trăm năm trước, thì anh có duyên với nhà Mori xứ Choshu đấy. Vậy thì, hãy xưng họ mẹ của anh là Tateishi mà vào phiên trấn Choshu, họ sẽ không xử tệ với anh đâu". Hayashi bày cách như thế.

Keinosuke bèn tức tốc đi Sakushu, đến trú tại nhà Tateishi ở làng Ninomiya, trong thời gian đó, lục trong kho chứa tìm được giấy ban thưởng và đoản đao của ngoại tổ anh do nhà Mori ban tặng, mới mang theo mà đi Choshu. Tên họ cũng đổi từ Ohashi Keinosuke sang "Tateishi Son-ichiro" là tên của ngoại tổ ghi trên giấy ban thưởng ấy, như thế dễ có hiệu quả tốt hơn.

Thế là "cậu chủ ở Kurashiki" xuôi nam đến Choshu. Ở Shimonoseki, anh gặp chàng trai trẻ Yamagata Kyosuke (Aritomo, sau này hai lần làm Thủ tướng 1889-1891 và 1898-1900 thời Minh Trị) làm tổng quản đội quân chí nguyện thứ nhất, cho xem giấy ban thưởng và đoản đao ấy, thì chàng này khen là vật quý hiếm mà đem đến cho Takasugi Shinsaku [1] xem. Ai thấy cũng ham thích nên Tateishi Son-ichiro tức thì nổi tiếng.

Nhằm lúc phiên trấn Choshu gặp nguy cơ đến mức có thể bị Mạc Phủ tiêu diệt, nên chỉ một tin có con cháu cùng tên cùng họ của một vị anh hùng hào kiệt thời Chiến quốc đến giúp sức cũng đủ khiến người Choshu phấn khởi hẳn lên sau nhiều biến động bất lợi đã dồn họ đến đường cùng. Đám người Choshu muốn biết:

-"Vị anh hùng Tateishi Son-ichiro được ban thưởng ấy là người như thế nào?"

Theo gia phả của nhà Tateishi thì năm Tensho thứ 9 (1581), lúc quân của Lãnh Chúa Mori bao vây thành Iwaya quận Kume xứ Sakushu, Tateishi Son-ichiro ấy đã cùng với các bộ tướng của nhà Mori là Ono Kazue, Kato Hyobu,... dẫn theo chỉ 32 quân sĩ, lẻn vào trong thành địch, phóng hoả gây náo động, hô ứng với quân công thành bên ngoài mà chiếm ngay được thành ấy.

-"Chỉ cần 32 quân sĩ mà hạ được thành kia à!".

Ai nghe chuyện cũng tán thán! Tình cờ, trong đám gia thần của Lãnh Chúa phiên trấn Choshu có các con cháu của Ono Kazue, Kato Hyobu đã sát cánh cùng chiến đấu với Son-ichiro thời trước, gia phả của họ cũng có ghi những điều phù hợp ăn khớp với câu chuyện Keinosuke kể lại, nên mọi người lại càng thích thú phấn khích hơn nữa.

-"Lưỡi đại đao vô địch của Son-ichiro múa lên thì trong vòng 3 gian (chừng 5 mét 3), mấy cây thương gắn vỏ sò xanh đằng mũi đều bị chém gãy như người ta chém cây đay vậy!".

Chuyện Keinosuke cao hứng kể đã đến chỗ hào hùng quá trớn, nhưng chẳng ai để ý mà hoài nghi gì cả.

Tự nhiên mà khuôn mặt, vóc dáng cho đến giọng nói của Keinosuke dần dần có vẻ gì tương tự như người anh hùng Tateishi Son-ichiro trong truyền thuyết ấy. Keinosuke cầm cây quạt sắt, bước đi ung dung. Tiếng cười sang sảng, trong tiệc rượu thì uống rượu với vẻ mặt thâm trầm. Đến nỗi Fujikichi thấy sao mà hay thế! Cậu chủ hồi còn ở Kurashiki thì một giọt rượu cũng không uống được, thế mà vào ở phiên trấn Choshu, trở thành Tateishi Son-ichiro rồi thì tiệc rượu nào, cậu uống bao nhiêu cũng không say, cứ như là cái thùng chứa rượu vậy! Có vẻ Keinosuke thực sự bắt đầu thay đổi cả sinh lý thành giống hệt như nhân vật Tateishi Son-ichiro chính mình đã tạo ra.

Nhờ danh nghĩa của dòng dõi anh hùng ấy mà Keinosuke đã được phiên trấn Choshu thu dụng làm cán bộ trong đội quân chí nguyện thứ hai đóng ở núi Iwaki, đảm nhiệm chức đội trưởng đội lính bắn súng. Thật ra, loại quân chí nguyện này không phải là quân chính quy gồm các võ sĩ trong phiên trấn, mà gồm những lính chí nguyện chiêu mộ được từ giới nông dân và thị dân, nên làm cán bộ của đội quân này thì cũng chẳng phải là thành đạt to tát gì mấy.

Đội quân chí nguyện thứ hai này do tăng nhân tông Shinshu (Tịnh độ Chân tông) là Ozu Tetsunen tổ chức, quân sĩ phần đông dù là người trong lãnh địa của nhà Mori nhưng xuất thân từ xứ Suo và các đảo xa, hoặc là những lãng sĩ xuất thân nông dân hay thị dân từ các phiên trấn khác lưu lạc đến, giống như trường hợp của Keinosuke. Là thứ mà người ta gọi là "bộ đội lê dương" đó.

- 3 -

Chỗ đóng đồn của đội quân chí nguyện thứ hai này thì đáng gọi là "rừng âm hồn". Doanh trại chỉ là một ngôi chùa cổ trên núi Iwaki là chùa Jingo (Thần hộ) chung quanh có năm ngọn núi: Hoshigamine, Tsurugamine, Tsukigamine, Oumine, Takahimine. Nhìn từ đám cây rừng xuống dưới thì thấy thuyền bè ra vào các cảng Murazumi, Hirao trong vịnh. Nếu quân Mạc Phủ đổ bộ lên đấy thì đội quân này có thể nổi trống hiệu, từ trên núi ào xuống mà nghênh chiến được.

Toàn đội gồm hai trăm quân sĩ. Tổng quản là Shirai Kosuke và Sera Shuzo, hai phiên sĩ chính quy của phiên trấn Choshu. Nhưng chính Keinosuke mới là người được đồng đội mến mộ nhất. Bởi "cậu chủ ở Kurashiki" này giỏi kiếm thuật, có học vấn cao, thêm nữa, là nhà lý luận Cần Vương Đảo Mạc nhiệt thành, hùng hồn đến bật lửa ra đầu lưỡi. Mỗi khi phấn khích lên, Keinosuke lại nói:

-"Chính phủ phiên trấn phải tính sao chứ! Chẳng lẽ đã co vòi rồi sao?"

Sự thật, bản doanh của phiên trấn Choshu ở Yamaguchi quả là có vẻ hèn yếu như thế thật. Phương châm cơ bản của phiên trấn Choshu lúc bấy giờ là chịu khom lưng cúi đầu trước Mạc Phủ, tiếp tục chính sách ngoại giao tùng phục. Mạc Phủ thì đã chuẩn bị doanh trại đóng quân ở Osaka, đồng thời ra lệnh cho ba mươi mấy phiên trấn chư hầu sẵn sàng xuất quân, và đang tập kết hải quân ở cảng Osaka. Nếu Mạc Phủ khai chiến thì các quân đoàn ấy sẽ áp đến bốn phía của Choshu, phiên trấn 36 vạn hộc này sẽ tiêu diệt mất thôi. Chính phủ phiên trấn hiểu rõ như thế. Vì vậy, phải dùng chính sách ngoại giao tùng phục để câu giờ, đồng thời bí mật cải cách chế độ binh bị, chuyển đổi võ trang sang kiểu Tây phương, chờ cho thời cơ chín muồi.

Chiến lược phức tạp ấy làm sao mà các đội lính biết được! Do đó, quân sĩ các đội lính cứ mãi nghi ngờ rằng: phải chăng phiên trấn Choshu đã khuất phục trước Mạc Phủ rồi? Nhất là đội quân chí nguyện thứ hai này đóng đồn nơi hẻo lánh, quân sĩ phần đông là người từ các phiên trấn khác lưu lạc đến, thì đại đa số chẳng thể nào biết được chính xác ý hướng của phiên trấn, nên dễ dàng tin ngay những lời đồn đại thi thoảng vẫn có rằng: chính phủ phiên trấn đã đầu hàng Mạc Phủ rồi!

Trong đội quân luôn luôn có không khí bất an. Hai tổng quản do phiên trấn phái đến gắng hết sức trấn an, nhưng quân sĩ trong đội vẫn không tin: "Làm sao mà tin được người của chính phủ phiên trấn chứ!". Họ cảm thấy xa cách với quan chỉ huy mà bắt đầu đoàn kết quanh trung tâm là đội trưởng đội súng Keinosuke.

Mỗi lần uống say là Keinosuke lại bảo: -"Chỉ còn nước nổ tung lên mà thôi!".

Nổ tung lên để buộc chính phủ phiên trấn phải quyết định khai chiến với Mạc Phủ. Đấy là ý kiến của Keinosuke.

Quân sĩ trong đội bảo nhau:

-"Ngài Tateishi thì nói chuyện được!"

Cả Keinosuke, lúc đầu chỉ vì hùng khí hào kiệt mà tuôn lời hùng dũng cho đội viên hứng chí, đến lúc chợt để ý thì thấy càng ngày càng đông người mê mẩn hào khí ấy mà xem anh mới chính là người chỉ huy thực sự của đội quân. Nhận thức ấy khiến Keinosuke kinh ngạc. Và tự nhìn lại mình. Nguyên chỉ là một thị dân bình thường ở Kurashiki, mà bây giờ trở thành người có đảm lược đến thế này sao? Việc được đồng đội suy tôn như Đại tướng khiến Keinosuke vui sướng một cách ngây thơ, anh cảm thấy phải đáp ứng kỳ vọng của mọi người trong đội. Trời đã phú cho Keinosuke chủ nghĩa anh hùng quá đà đến như trẻ con.

Đồng đội hỏi:

-"Hiện thời, sách lược tốt nhất là làm gì?"

-"Chỉ còn nước nổ tung lên mà thôi!".

-"Nổ tung lên như thế nào?"

Mỗi ngày, những câu hỏi đáp như thế được lặp đi lặp lại không chán, khiến manh tưởng trong đầu Keinosuke càng phồng lớn thêm, nảy sinh ra sáng kiến:

-"Chiếm lấy Kurashiki!".

Keinosuke buột miệng ra như thế. Mọi người kinh ngạc, lặng thinh.

Kurashiki nằm trong xứ Bitchu, là nơi Mạc Phủ đặt một Huyện đường cai quản cả ba xứ Bitchu, Mimasaka và Saneki rải rác chung quanh. Huyện đường Kurashiki thâu gom gạo nạp thuế hằng năm từ khắp các xứ ấy về tích lũy trong khu phố rồi nạp lên trung tâm của Mạc Phủ là Edo, đồng thời nắm quyền hành chính, tư pháp trên các lãnh địa ấy, và giám thị động tĩnh của các phiên trấn lân cận. Rõ ràng là cơ quan cai trị quan trọng nhất trong địa vực Chugoku này của Mạc Phủ. Và Kurashiki là nơi có rất nhiều nhà buôn lớn giàu có tụ tập lại. Chiếm được khu vực ấy thì có thể nói là đã nắm được phần lớn tài sản của toàn địa vực Chugoku rồi.

-"Cậu chủ à...". Ngày nọ, người tớ trai Fujikichi không còn dằn được nỗi lo âu, đã kéo Keinosuke ra gần cổng Nin-o vắng bóng người mà khuyên: -"cậu nói chuyện khoác lác ấy thì không nên đâu".

-"Chuyện khoác lác nào?"

-"Chuyện chiếm Kurashiki gì đấy..."

-"Fujikichi này...". Keinosuke nghiêm mặt. -"Ngươi cho là cỡ ta đây không thể chiếm được Kurashiki à?"

-"Thưa, không chỉ cậu chủ, mà cho dù là danh tướng nào đi nữa, cũng không chiếm giữ được Kurashiki đâu. Vô ích thôi. Vả lại, chiến tranh đã bắt đầu đâu nào!"

Quả đúng thế thật. Nếu chiến tranh đã bắt đầu thì chẳng nói làm gì, đằng này giữa Mạc Phủ và phiên trấn Choshu vẫn còn là giai đoạn ngoại giao qua lại, các bến bờ trên quần đảo Nhật Bản này vẫn còn sinh hoạt bình thường trong hoà bình vô sự kia mà.

-"Fujikichi à, ngươi thấy ta đây là người gì nào?". Keinosuke nói. -"Ta là Tateishi Son-ichiro đây nhé!"

-"Cậu chủ! Ông ấy là người của thời Genki Tensho [2] xa xưa rồi mà!"

-"Tên của ta đấy chứ!"

Keinosuke tức bực quá. Bị người tớ trai Fujikichi chỉ trích, ngược lại càng khiến Keinosuke thêm quyết tâm lập kế hoạch đánh chiếm Kurashiki.

Mỗi ngày, Keinosuke đem kế hoạch ra nói với đồng đội.

-"Nhắm có làm nổi không?"

Có ai hoài nghi thì Keinosuke bảo:

-"Thời Chiến quốc, Tateishi Son-ichiro đã chỉ dẫn theo 32 quân sĩ nhiệt tình mà đánh chiếm được thành Iwaya đấy. Có gì mà làm không nổi?"

Vả lại, Keinosuke là người xuất thân từ Kurashiki. Lại đã là hào trưởng từng tham gia vào việc cai trị ở đấy, biết rõ tình hình trong vùng và nội bộ của Huyện đường nữa. Keinosuke bảo:

-"Chỉ còn chuyện tập họp đủ nhân số là đánh chiếm dễ dàng như hái trộm quả hồng nhà hàng xóm mà thôi!"

Lời nói ấy đã khích động mãnh liệt tâm tình của bọn lính vốn thô bạo và ít hiểu biết. Trong đám lính ấy, có lắm kẻ còn chưa biết viết tên mình nữa là! Trong mắt những người lính ấy, học vấn và võ nghệ, kiếm thuật của Keinosuke là hào quang sáng chói. Đầu óc đáng kính ngưỡng của Keinosuke đã quyết đoán rằng: "Chắc chắn sẽ thành công!", thì còn gì mà nghi ngại nữa chứ!

Kế hoạch tác chiến của Keinosuke còn được nới rộng ra:

-"Trước hết, tấn công Huyện đường Kurashiki, chém đầu quan Huyện lệnh Sakurai Hisanosuke, đoạt tiền bạc làm quân phí. Sau đó, nổi lửa đốt hết". Kurashiki là vùng đất bằng phẳng trãi rộng, nên bất lợi cho việc giữ thành nghênh địch. Do đó, sẽ đốt phá đi, rồi tiến binh lên hướng bắc, tấn công phiên trấn Makita chỉ có một vạn hộc ở xứ Asao, rồi theo sông Takahashi (lúc bấy giờ gọi là sông Matsuyama) lên phía bắc chiếm thành Matsuyama xứ Bitchu (5 vạn hộc, Lãnh Chúa là Itakura Suo), ở đấy mới giữ thành mà chống với quân thiên hạ. -"Giương cờ nghĩa trên thành Matsuyama xứ Bitchu, gửi hịch Cần Vương Đảo Mạc đến khắp các phiên trấn khác, thì trong 10 phiên trấn hẳn là sẽ có 8, 9 phiên trấn theo về phía ta. Ngay như phiên trấn Choshu này cũng sẽ chạy theo đội biệt động chúng ta đã mở đầu cuộc chiến mà phải hành động thôi. Thế là chiến thắng!".

Chẳng có gì bảo đảm cho chiến thắng ấy cả. Nhưng mọi người trong chốn rừng núi này cứ ngày đêm bàn chuyện như thế mãi, riết rồi cảm thấy chuyện ấy có vẻ hiện thực quá đỗi, bắt đầu tin rằng chiến thắng ấy quả thật "dễ dàng như hái trộm quả hồng nhà hàng xóm mà thôi!"

-"Thưa ngài Tateishi, thế thì thế nào cũng phải làm chuyện hào khoái ấy mới được!"

Đồng đội đôn đốc, Keinosuke lúc đầu cũng có chút do dự, nhưng thấy mọi người ai cũng nhiệt liệt hưởng ứng kế hoạch của mình, nên cảm thấy tự tin.

-"Vậy thì, thực hành đi thôi!".

Keinosuke tuyên ngôn như thế vào tháng 2 năm Keio thứ hai (1866).

Chuyển sang thực hành thì Keinosuke chứng tỏ là người rất chu đáo và năng động. Anh âm thầm rời núi Iwaki, lẻn vào hải cảng Shimotsui ở bán đảo Kojima gần Kurashiki, tập họp các chí sĩ Cần Vương ở đó mà anh đã quen biết từ thời ở Kurashiki, cho họ hay về kế hoạch của mình, yêu cầu họ:

-"Các bạn ở địa phương này cũng xin nổi dậy giúp cho".

Mọi người tán đồng. Cả bọn quyết định ngày khởi nghĩa trong tháng tư, rồi Keinosuke trở về doanh trại trên núi Iwaki.

- 4 -

Keinosuke dẫn đội quân chí nguyện thứ hai gồm 150 quân sĩ, trốn đi hàng loạt, bỏ doanh trại xuống núi Iwaki khoảng sau 8 giờ tối ngày 5 tháng 4. May mắn, hay nói đúng hơn là đã nhắm như thế, lúc đó, hai tổng quản do phiên trấn Choshu phái đến đã vắng mặt vì được gọi về sảnh đường của phiên trấn ở Yamaguchi rồi.

Cũng đã có người chống đối quyết liệt. Như thư ký của đội là Narazaki Kojuro đang thế quyền chỉ huy tạm thời. Narazaki Kojuro đã tranh cãi kịch liệt với Keinosuke suốt đêm trước, cuối cùng biết là có cãi cũng không ngăn cản được nên đêm đó, đã dẫn 50 đội viên tâm phúc đến đóng cổng chính Ni-o của doanh trại, dang hai tay đứng chắn mà nói:

-"Không cho phép bất cứ ai xuống núi cả!"

Bên trong cổng, hai phe ra đi và ở lại cãi cọ kịch liệt, rồi Keinosuke vẹt đám đông bước ra trước nói lớn:

-"Narazaki, tội nghiệp cho cậu nhưng đành phải lấy máu tế thần của quân ta!".

Thanh kiếm Kishinmaru Kunishige vung lên, chém đầu Narazaki Kojuro bay ra xa cả chục thước.

Keinosuke đã chém chết sĩ quan của phiên trấn Choshu đấy. Nhưng anh không để ý đến sự trọng đại của việc này, đã cùng đồng đội hét vang mà ùa xuống núi. Cả bọn chạy trên triền núi dưới ánh trăng, đến tập kết ở quán rượu dưới chân núi, rồi hành quân trong đêm đến cảng To-ozaki, lên năm chiếc thuyền ra khơi. Từ đó đến bến xứ Bitchu khá xa. Thuyền trương buồm chạy qua các đảo xứ Geishu, hướng về phía đông.

Đoàn thuyền đến cửa biển Nishinoura cuối sông Takahashi xứ Bitchu vào khoảng 4 giờ chiều ngày 9. Đổ bộ lên bờ biển, nhân thấy bảng hiệu quán sushi Uhei bèn vào đấy, chuẩn bị quân trang tác chiến.

-"Trước tiên, hãy ăn đã!"

Keinosuke ra lệnh cho chủ quán nấu mấy nồi cơm lớn khao quân. Tầng trên tầng dưới quán ngổn ngang náo nhiệt những quân sĩ ăn uống, quấn khăn chiến đấu bằng vải trắng lên đầu, bao vải trắng quanh cán kiếm cho khỏi trơn khi dính máu,......

Chủ quán sushi Uhei bàng hoàng, nghĩ là: bọn cướp đây à?. Nhưng bọn này kéo theo cả đại bác kia mà! Bọn cướp thì làm gì có đại bác!

Keinosuke trấn an:

-"Chủ quán đừng lo. Chúng tôi là người phiên trấn Choshu, sứ giả được bí mật gửi đến phiên trấn Okayama xứ Bitchu đây".

Nhưng chủ quán đã lén cho người đi báo tin đến hào lý trong vùng là Miyake Shohei. Miyake kinh hoảng, cấp báo cho Huyện đường Nishinomiya là cơ quan cai trị trong vùng. Huyện đường Nishinomiya là công đường của Lãnh Chúa Yamasaki tước Kai-no-kami của phiên trấn Nariwa xứ Bitchu chỉ có một vạn hai ngàn hộc, không có binh lực gì, nên nghĩ là: sớm muộn gì rồi cũng sẽ bị buộc phải rời bỏ lãnh địa này thôi, nên chỉ nín thở mà làm lơ như không hay biết gì cả.

Cuối cùng, đoàn quân này bắt đầu cuộc hành quân trong đêm. Keinosuke lên ngựa. Có bà lão nhận ra, vừa chạy vừa la:

-"Ê, chẳng phải là cậu chủ Ohashi ở Kurashiki đấy sao?"

Nhưng dân làng ấy chẳng ai tin. Nhà Ohashi ở Kurashiki vốn là tiệm cầm đồ. Cậu chủ nhà cầm đồ ấy thì làm sao mà kéo đại bác ra trận gì được!

Từ đó đến Kurashiki khoảng 12 cây số. Đoàn quân của "cậu chủ Ohashi" thong thả tiến trên bình nguyên Bitchu lên hướng bắc. Vùng này là chỗ các lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ, lãnh địa của bộ tướng Mạc Phủ và lãnh địa của chư hầu xen kẽ nhau. Điều này hoá ra có lợi cho đoàn quân tấn công do Keinosuke chỉ huy. Bởi làng nào thấy đoàn quân này đi qua cũng chẳng buồn báo tin cho làng bên cạnh thuộc lãnh địa khác. Nhất là chẳng dân làng nào lanh chanh báo cáo cho cơ quan hành chính tối cao trong vùng mà Mạc Phủ đã đặt ra là Huyện đường Kurashiki làm gì. Làng nào, người ta cũng nghe tiếng quân đi bên gối nằm của mình mà làm bộ không nghe gì hết. Kế hoạch của Keinosuke nhờ đó mà đã giữ được bí mật hoàn toàn.

Gần sáng đêm 10, bắt đầu trông thấy các dãy phố Kurashiki nổi màu đen thẫm dưới trời sao.

-"Ngọn đồi kia là đồi Tsurugata. Dưới chân đồi là Huyện đường đấy". Keinosuke giải thích cho các cán bộ trong đoàn quân. -"Ba phía có hào nước rộng chừng 2 gian (khoảng 4 mét). Không sâu mấy. Cổng chính là cổng phía nam, hai phía đông tây cũng có cổng nhỏ. Tường cao. Không có thang thì không leo qua được đâu".

Có vẻ cơ cấu không khác gì một thành lũy cỡ nhỏ. Bên trong khuôn viên Huyện đường có dinh Huyện lệnh, nhà quan chủ quản hành chính, công sảnh, kho hàng, dãy nhà cho các Tuyển quan [3]. Hào có cầu bắc ngang. Cầu vào cổng chính, và cả cầu vào hai cổng nhỏ phía đông và phía tây.

Keinosuke chỉ thị về thứ tự tấn công xong, còn dặn thêm:

-"Dãy nhà cho bọn Tuyển quan ở bên cạnh hào nước thì đừng có đốt!".

Bởi gần nhà dân quá. Cháy lan ra nhà dân thì thị dân sẽ oán hận, gây trở ngại cho việc lập chính quyền lâm thời .

-"Thế thì, xuất phát!"

Đoàn quân tiến vào phố Kurashiki trong đội hình sẵn sàng chiến đấu. Thấy nhà nào cũng cao, tường sơn trắng, gạch ngói liền lặn nặng nề. Trong mắt đám quân sĩ đã chỉ thấy được cảnh nhà dân bần hàn ở các phiên trấn Choshu và Boshu thì nhà nào ở Kurashiki trông cũng to lớn, đẹp đẽ, và kiên cố như thành lũy cả!

-"Nhà của ngài Tateishi là nhà nào thế?"

Đội viên trẻ xuất thân tăng lữ tông Shinshu là Kushibe Sakataro hỏi.

-"Ta quên rồi".

Keinosuke nói dối đó. Chính là ngôi nhà bên phải, ngó ra sông Maegami đấy chứ đâu. Trong ngôi nhà đó, cha vợ của Keinosuke là Heiuemon, vợ anh là Okei, và các con anh Sennosuke, Masakichi và Oyasu say ngủ, đâu có ngờ rằng Keinosuke đang đi ngang trước nhà.

Đoàn quân đi qua trước tiệm buôn Hamada-ya của nhà Koyama An-uemon, rồi tiệm buôn Kojima-ya của nhà Ohara Yobee. Đều là bọn đã tiếp tay với nhà Shimotsui-ya, cấu kết với quan Huyện lệnh hiện tại mà hại Keinosuke ngày trước. Hận thù còn đó. Ta sẽ cho bọn ngươi biết tay.

Đó là chỗ kỳ dị trong tâm lý của Keinosuke. Anh ta đã là hào trưởng trong vùng, thuộc phe chính nghĩa, đã làm khổ bọn gian thương đầu cơ kia tơi bời vì kiện tụng, cuối cùng đã đốt cháy nhà Shimotsui-ya, chém đầu hai cha con nhà ấy, ném xuống dưới cầu Kiyone; vậy mà tự anh ta vẫn nghĩ mình mới là nạn nhân của bọn gian thương ấy! Bọn chúng đã hối lộ quan Huyện lệnh làm cho ta không thể nào ở Kurashiki này được! Keinosuke nghĩ là vì bọn gian thương ấy mà anh đã bị đuổi khỏi Kurashiki. Bây giờ ta đã về đây. Chỉ trong một giờ nữa thôi, tụi bây sẽ biết tay Tateishi!

Có lẽ không có gì sướng cho bằng phục thù được. Keinosuke phải dằn lòng lắm lần muốn huýt sáo miệng vì sướng!

Khu phố chìm trong bóng đêm. Bánh xe chở đại bác nghiến ken két vang vọng trên đường, vậy mà kỳ lạ thay, khu phố vẫn say ngủ.

Cuối cùng, đoàn quân đã đến trước Huyện đường. Keinosuke cho bố trí đại bác trên đồi Tsurugata (bây giờ không còn nữa), cho người canh gác ba cổng vào, cắt đặt quân tấn công thành từng toán 4, 5 người. Ngoài ra, đặt thêm đội biệt động để tấn công vào Sở Giáo chức phụ thuộc Huyện đường Kurashiki, ở ngay bên cạnh đấy. Keinosuke biết rõ cổng phía Sở Giáo chức là yếu nhất.

Chuẩn bị xong xuôi, Keinosuke cho người đến chỗ trí đại bác ở đồi Tsurugata, ra lệnh: "Bắn!". Đại bác này cỡ 4 pound. Đạn đại bác thuộc loại tự nổ nữa. Cỗ đại bác gầm rú, bắn ra liên tiếp ba phát, rơi vào trong khuôn viên Huyện đường, nổ tung lên. Có lẽ thị dân khắp vùng Kurashiki giật mình nhảy đựng lên cả.

Nghe hiệu lệnh là tiếng đạn đại bác nổ, đội biệt động đập nát cổng Sở Giáo chức, ùa vào trong, vòng ra cổng chính của khu Huyện đường, chém chết người gác cổng, tháo then mở cổng ra. Đội quân chủ lực từ cổng chính ùa vào.

-"Nhắm vào quan Huyện lệnh ấy!". Keinosuke vừa chạy vừa hét lớn.

Bắt đầu có chiến đấu ở các nơi. Đạn bay, lửa cháy, ánh kiếm loang loáng, quang cảnh chiến đấu náo động, nhưng bóng dáng quan Huyện lệnh thì chẳng thấy đâu. Keinosuke nắm thanh kiếm đẫm máu nhảy vào dinh quan Huyện lệnh, lục tìm từ phòng này sang phòng kia, nháo nhào như điên như cuồng, xáo tung toé các thứ sổ sách giấy tờ, mà vẫn không tìm ra quan.

Bọn lính tấn công đã bắt đầu say máu. Chạy ngang mặt nhau lại khoe: "Tớ chém chết mấy người rồi!".

Keinosuke thì chỉ chuyên chú tìm quan Huyện lệnh, cuối cùng bắt được vợ chồng tên gia nhân trước nhà quan phán sự, quát hỏi:

-"Quan Huyện lệnh đâu rồi?"

Họ đáp, bất ngờ: -"Thưa, đang đi công vụ ở Hiroshima".

Thảo nào chẳng có mặt ở đây!

Về sau mới biết là lúc bấy giờ, quan Huyện lệnh Sakurai Hisanosuke đã dẫn theo năm người từ phán sự Henmi Kojuro trở xuống, đi Hiroshima xứ Geishu rồi.

Keinosuke gầm lên: -"Hiroshima? Để làm gì chứ?", nhưng đáng lẽ đó là chuyện Keinosuke phải biết chứ!

Thành Hiroshima xứ Geishu lúc ấy đang có đám quan lớn của Mạc Phủ, dẫn đầu là quan Lão Trung [4] Ogasawara Ikinokami, có cả quan Kiểm sát kiêm Chưởng quản việc ngoại giao Nagai Mondonosho, quan Kiểm sát Muroga Iyonokami, quan Chưởng quản việc kế toán Inoue Bingonokami, quan Chưởng quản việc ngoại giao kiêm Chưởng quản quân hạm Kinoshita Dainaiki, thanh tra Makino Wakasanokami, thanh tra Kobayashi Jinrokuro, sứ thần Sakai Kazuma, sứ thần Ishikawa Hachijuro, sứ thần Soga Gon-uemon, trưởng tổ bí thư Katayama Yohachiro,... tụ họp để bàn chuyện xử trí vấn đề phiên trấn Choshu. Mà quan Chưởng quản việc kế toán Inoue Bingonokami đến đó, thì quan Huyện lệnh Kurashiki là thuộc hạ trực tiếp không thể không tới để vấn an quan ngài được. Đáng lẽ Keinosuke đã phải biết đến mức đó mới đúng kế hoạch chứ.

Keinosuke giận dữ lầm bầm: "Xui thật!", tống mạnh tên gia nhân ngã lăn ra, như thể tống vào chính quan Huyện lệnh, rồi chạy đôn đáo khắp sảnh đường, ra lệnh cho quân sĩ tập họp lại.

Lửa đã bắt đầu hừng hực phun ra từ dãy nhà quan Huyện lệnh. Không bao lâu, quân sĩ đã tụ họp lại. Kiểm điểm tổn thất thì chỉ có vài người bị thương nhẹ, không ai tử trận cả. Kiểm xác địch tán loạn khắp nơi thì có 9 người chết. Mà người nào cũng là thị dân trẻ tuổi cả. Keinosuke biết mặt cả đám này. Có cả con trai nhà hàng xóm của anh nữa. Huyện đường này có trường học Meirinkan ngay trong đó. Những người chết là học trò trong trường. Người nào cũng bị chém sả vào lưng. Có lẽ họ không có võ khí mà cũng chẳng có ý định chống cự, chỉ vì chạy không kịp mà bị chém chết.

-"Tất cả đều là thị dân đấy chứ!"

-"Không, có một người là võ sĩ lẫn vào đấy".

Đội viên kéo xềnh xệch một xác chết đến. Đúng là một võ sĩ, đã già. Một Tuyển quan cấp thấp làm việc hành chính trong Huyện đường mà Keinosuke cũng biết, tên là Hasegawa Sensuke. Không chỉ biết thôi, mà ông ta còn là người công chức thời quan Huyện lệnh trước là Otake Samataro, đã đồng tình với Keinosuke từ đầu đến cuối, giúp anh được lợi thế trong vụ kiện năm trước. Ông đã chết vì đạn súng bắn vào lưng.

-"Chỉ có thế thôi à?"

-"Còn hai người bị thương nữa".

-"Người gì?"

-"Vợ tên gác cổng chính, với bà lão nấu cơm".

Tổng số nhân viên trong Huyện đường Kurashiki chắc chắn phải là 16 người kể cả quan Huyện lệnh. 6 người đi Hiroshima, 3 người làm việc ở khu Kasaoka vắng mặt, vị chi đêm nay trong khuôn viên này còn 7 người mới đúng. Vậy là trừ ông già Hasegawa Sensuke bị chết, tất cả 6 người kia đã lành lặn mà chạy thoát được rồi. Và tuy không phải là nhân viên của Huyện đường, Neya Takeshichiro, thầy dạy kiếm ở trường Meirinkan, kiếm khách nổi tiếng trong vùng Kurashiki này, đã có phiên trực ở đây đêm nay, dù bị súng đạn bắn bay dái tai bên trái, cũng đã tẩu thoát được. Trong nhà công của quan Huyện lệnh có vợ con của quan đang ở. Vợ quan là người trầm tĩnh, nghe tiếng súng, tiếng đập phá thì kéo đứa con trai 14 tuổi lại, cắt bỏ chỏm tóc võ sĩ mà búi tóc nó lại theo kiểu con gái, cho mặc áo quần phụ nữ mà cùng trốn ra khỏi cổng sau, chạy lên trốn trên đồi Tsurugata.

Dù sao đi nữa thì cũng đã tấn công chiếm được Huyện đường rồi. Keinosuke tự an ủi, để có cảm giác mãn nguyện đã làm xong công việc ấy.

Trời sáng. Keinosuke dẫn đoàn quân vào chùa Kanryu ở một góc đồi Tsurugata, cho đội viên đi khắp các phố, các ngả tư, lớn tiếng giải thích cho thị dân về việc trừng phạt tay sai Mạc Phủ, kêu gọi mọi người yên tâm buôn bán như thường lệ. Rồi cho gọi các nhà buôn giàu có tụ tập lại tại chùa Kanryu mà hiến tặng quân phí. Khi tất cả những người có máu mặt trong vùng đã tề tựu đông đủ trong phòng lớn, Keinosuke cho mở cửa kéo phía sau để anh hiên ngang bước ra, ngồi vào chỗ sang cả nhất, trước mặt mọi người.

Có lẽ thị dân Kurashiki chưa bao giờ có giây phút nào kinh ngạc đến như lúc này. Cậu chủ Ohashi ấy nay mặc nhung phục oai vệ, mi mắt trĩu xuống nghiêm trọng. Bọn tùng đảng của nhà Shimotsui-ya ngày trước như chủ tiệm Hamada-ya, Kojima-ya,... nghe hỏi đến là lập tức hiến tặng ngay số tiến lớn vào quân phí.

-"Tiệm Hamada-ya hiến một ngàn lạng, tiệm Kojima-ya năm trăm lạng,...".

Có người còn hiến tặng đến năm ngàn lạng! Đó là người cha nuôi mà cũng là cha vợ Keinosuke, ông Heiuemon, bảo đấy là tiền Huyện đường giao cho ông giữ hộ.

-"Chủ nhân gửi tiền là Huyện đường nay đã sụp đổ rồi thì phải thế thôi".

Ông Heiuemon vui sướng thấy chàng rể quý của mình đã thành đạt như thế. Cụ già này đặt kỳ vọng vào chính quyền mới của con rể cụ, đánh cược tất cả vào đấy.

Đoàn quân ăn trưa xong ở chùa Kanryu thì lên đường rời Kurashiki lúc ba giờ chiều. Để tấn công vào Huyện đường Asao của phiên trấn Takita. Đi đầu là đội thiếu niên đánh trống thổi sáo, đúng kiểu phiên trấn Choshu. Trong nhịp trống vui tươi của loại trống lớn Âu Tây ấy, Keinosuke thư thái thúc ngựa tiến bước. Tất cả đội viên đều võ trang bằng súng Goebel, nhiều người còn mang thêm cây thương rỗng ruột nữa. Cuối đoàn quân là cỗ đại bác 4 pound kéo trên xe lăn.

- 5 -

Sự kiện đội quân chí nguyện thứ hai đào tẩu và tấn công Huyện đường Kurashiki đã làm cho phiên trấn Choshu bối rối hơn là Mạc Phủ. Lúc bấy giờ, nắm quyền chính trị ở phiên trấn Choshu đang có chính quyền quân nhân, là Katsura Kogoro (1833-1877, thủ lãnh Cần Vương) lúc đó lấy tên là Kido Takayoshi. Katsura đang ngồi trong sảnh đường ở Yamaguchi, nghe tin thì xanh mặt, ném bút trong tay mà mắng:

-"Bọn ngu xuẩn! Làm chuyện lếu láo!"

Lúc này, phiên trấn Choshu đang chú tâm chiến đấu với Mạc Phủ trên mặt trận ngoại giao và tuyên truyền. Sự tùng thuận ngụy trang của phiên trấn Choshu đối với Mạc Phủ không chỉ nhắm mục đích câu giờ để khuyếch trương và trang bị quân đội mà thôi. Choshu lì lợm tùng thuận như thế còn để Mạc Phủ hết kiên nhẫn mà ra tay đánh trước, lúc đó Choshu có được sự đồng tình của triều đình và các phiên trấn khác. Vì lý do chiến lược, nhóm Katsura tận dụng tất cả trí tuệ của con người để liên tục thi hành mưu lược đóng trò tùng thuận, đến nay đã đạt thành quả gần mức hoàn toàn rồi. Thế mà lại xảy ra vụ bạo động ngu xuẩn này!

-"Chắc chắn là Mạc Phủ sẽ lợi dụng vụ này, sẽ tuyên truyền tới triều đình và các phiên trấn khác rằng mưu đồ thâm độc của phiên trấn Choshu đã bại lộ!".

Nguyên là phần lớn các phiên trấn đã phản đối việc Mạc Phủ định cử binh trừng phạt phiên trấn Choshu lần thứ hai, họ đã đồng tình vì thấy phiên trấn Choshu một mực tùng phục Mạc Phủ. Thế mà thành quả khổ nhọc của thái độ tùng thuận chiến lược ấy của phiên trấn Choshu, chỉ trong thoáng chốc đã đổ vỡ tan tành mất vì vụ này xảy ra.

-"Mạc Phủ ắt phải vui mừng lắm!". Chắc chắn là như thế.

Mạc Phủ đã không ngừng tuyên truyền rằng: -"Lãnh Chúa Choshu mượn danh nghĩa Cần Vương để che giấu dã tâm muốn chiếm cả thiên hạ", hẳn là nhân vụ này sẽ hô hoán tố cáo với chư hầu rằng: -"Rõ ràng phiên trấn Choshu là kẻ xâm lược bị bắt quả tang đây rồi!", để khơi dậy tình cảm giận ghét Choshu của các phiên trấn khác, nương theo xu thế đó mà đưa cuộc chinh phạt Choshu đến thắng lợi. Vụ này xảy ra coi như đã dâng cho Mạc Phủ một miếng mồi ngon lành.

Khiến Katsura thật lòng đoán rằng:

-"Choshu không khéo mà bị tiêu diệt mất!"

Cũng có vài người gắng biện hộ cho bọn đào tẩu ấy:

-"Chúng là những đứa ngu xuẩn, nhưng cũng vì lo nghĩ cho xứ này quá mà làm chuyện bậy bạ như thế".

Nghe họ nói, Katsura bình thường nói giọng nhỏ nhẹ, đã phải quát lớn, tức giận đến như sắp sửa phun máu ra từ các lỗ chân lông:

-"Ngu xuẩn thì cứ chịu phận ngu xuẩn đi cho xong. Đã ngu xuẩn lại còn bày trò lo nghĩ cho đất nước nữa, mới gây ra chuyện manh động này, tác hại biết là chừng nào!".

Katsura liền triệu tập một cuộc họp của tất cả các quan lớn ở sảnh đường Yamaguchi, bàn luận đối sách khẩn cấp. Và quyết định là: trước hết, sẽ tuyên truyền khắp trong ngoài phiên trấn rằng bọn chúng là những kẻ phản nghịch đối với phiên trấn Choshu, một bọn giặc cướp mà phiên trấn không chấp nhận.

Katsura cho gửi văn thư chính thức đến quan đại biểu của Mạc Phủ đang trú đóng ở Hiroshima là Ogasawara Ikinokami. Rồi như chưa an lòng, lại cho người đi nhanh đến Hiroshima, truyền lệnh cho sứ thần của phiên trấn đang đi công vụ ở đó là Shinagawa Yajiro đi khắp các nơi để tuyên truyền cho lập trường ấy của phiên trấn Choshu. Đồng thời gửi thư giải thích cặn kẽ sự tình như thế cho phiên trấn lân cận là Kogura chỉ cách Choshu một eo biển, là một phiên trấn đi tiên phong phò Mạc Phủ, tức là đối địch với phiên trấn Choshu, bảo rằng:

-"Nếu bọn giặc ấy đào tẩu qua đất của quý phiên, thì xin bắt trói giùm cho".

Những thư với nội dung tương tự cũng đã được gửi đến phiên trấn Fukuoka xứ Chikuzen, phiên trấn Wano đất Tsu, để phòng ngừa chuyện hiểu lầm. Còn trong phiên trấn Choshu thì bố cáo phương châm xử trí là chém đầu tất cả bọn quân sĩ đào ngũ ấy.

Bọn Keinosuke đâu có ngờ sự thể như thế. Tối hôm đó, đã tiến đến Asao cách mười cây số phía bắc Kurashiki. Ở đấy có Huyện đường cai quản lãnh địa một vạn hộc này, Lãnh Chúa Takita Gonnosuke đang ở Kyoto, làm tổng quản một cơ quan của Mạc Phủ chuyên việc trấn áp bọn lãng sĩ Cần Vương. Phiên trấn này nhỏ mà Lãnh Chúa lại đang chầu ở kinh đô nên tại đây chỉ có 20 người võ sĩ thủ bị cấp trung và hạ mà thôi. Bọn Keinosuke như tuồng định tấn công vào Huyện đường Asao, nhưng lại thấy đổi hướng, vào chùa Hofuku cũng trong khu vực Asao này, mà đồn trú. Đến tối thì nổi lửa canh gác đỏ cả một góc trời. Nhưng chẳng thấy ra quân đánh đấm gì cả. Có thể nói là các phiên trấn lân cận trong vùng Bitchu này đều lo âu: không biết chúng sẽ đánh nơi nào?

Xứ này gồm rải rác 7 phiên trấn: đầu tiên là Matsuyama 5 vạn hộc của nhà Itakura, rồi đến Ashimori 2 vạn 5 ngàn hộc của nhà Kinoshita, Nariwa 1 vạn 2 ngàn hộc của nhà Yamasaki, Okada 1 vạn hộc của nhà Ito, Asao 1 vạn hộc của nhà Takita, Niwase 2 vạn hộc của nhà Itakura, Niimi 1 vạn 8 ngàn hộc của nhà Seki, toàn là những phiên trấn nhỏ yếu, không có bao nhiêu binh lực. Bây giờ, ngay giữa chốn sơn hà này đang chễm chệ một đoàn quân tổ chức theo binh chế Tây phương kéo theo một đại bác nữa! (Làm sao mà các phiên trấn nhỏ yếu ấy khỏi run sợ cho được.)

Đoàn quân ấy cứ thong thả đóng đồn ở chùa Hofuku 2 ngày 3 đêm, mãi cho đến nửa đêm 12 mới động đậy. Thông báo cho Huyện đường Asao biết là: -"Chúng tôi đi đánh thành Matsuyama ở Bitchu đây, không rớ tay đến quý phiên trấn đâu". Mà quả thật, đoàn quân không ai nhìn nhận ấy đốt đuốc thong thả tiến lên hướng bắc, rồi khuất bóng sau ngọn núi Akiba.

Huyện đường Asao hú vía, mừng quá mới mở yến tiệc uỷ lạo sĩ tốt. Nhưng yến tiệc gần xong thì trời long đất lở vì tiếng súng, đạn bay tứ tung. Quân kia đã tấn công họ bất ngờ! Sĩ tốt của Huyện đường Asao chạy thất tán, bỏ lại 13 xác chết. Quân Keinosuke chiếm cứ Huyện đường.

Vào khoảng này, quân Mạc Phủ trú đóng ở Hiroshima đã bắt đầu động binh. Và Mạc Phủ cũng đã ra lệnh cho phiên trấn Okayama xứ Bizen xuất binh nữa. Phiên trấn Okayama 31 vạn 5 ngàn hộc luôn luôn sát cánh với Mạc Phủ trong các cuộc chinh phạt.

Đoàn lãng sĩ cho người trinh sát đi khắp hướng, rồi qua đêm ở Huyện đường Asao, đến sáng 13, bọn trinh sát trở về báo cáo toàn những tin bất lợi. Đại quân phiên trấn Okayama đã lên đường, thêm vào đó, quân phiên trấn Matsuyama cũng đang từ phía bắc ép xuống Asao. Có vẻ đoàn quân lẻ loi của Keinosuke mà cứ lang thang thế này thì sẽ đi đến chỗ tiêu diệt toàn bộ mất thôi. Keinosuke bảo:

-"Rút về Choshu đi!"

Hội nghị toàn quân đồng ý. Tất cả võ khí, đạn dược cồng kềnh làm vướng vít việc rút quân đều bỏ lại Huyện đường Asao. Sáng 8 giờ, đoàn quân bắt đầu rút lui về hướng nam, định về Choshu bằng đường biển. Nhưng bản doanh Mạc Phủ ở Hiroshima đã gửi một ngàn năm trăm quân lên hai chiếc tàu chạy máy hơi nước đến chặn đường rút lui của họ, lúc này sắp sửa cập bến ở cảng Bitchu. Đoàn lãng sĩ vẫn không hay biết. Họ tiếp tục rút về hướng nam, ngày 14, đã chạm trán quân Mạc Phủ đổ bộ ở Kurosaki, bị đánh chạy tứ tán. Có thể nói là đã tan hàng chỉ trong thoáng chốc. Khi Keinosuke nhìn quanh mình thì chỉ còn vài đồng chí mà thôi. Họ cùng các đồng đội bại tẩu khác chạy ra cảng Kayo ở bán đảo Hiroshima, từ đấy trà trộn lên thuyền đi Sanuki mà qua cảng Tado. Biển Seto Naikai lắm tàu thuyền qua lại. Ở cảng Tado, lên thuyền chở khách qua đảo Uwajima rồi từ đấy thuê thuyền ra các đảo nhỏ trong biển Seto Naikai.

-"Đi đâu bây giờ?"

Trên thuyền, cả bọn hỏi nhau. Ở các cảng vừa ghé qua, họ đã nghe đồn rằng phiên trấn Choshu đã ra bố cáo xem họ là bọn giặc đào tẩu rồi. Trở về Choshu chắc chết!.

-"Đi Ezo (Hokkaido) !".

Có lúc đã quyết định như thế, Keinosuke rút đao đe doạ người lái thuyền, nhưng bị người lái thuyết phục rằng thuyền chỉ chở được cỡ 100 hộc, không làm sao chạy đường biển xa lên tận Hokkaido được, nên đành thôi. Lại cứ lang thang vô định như thế.

Trong khoảng đó, phiên trấn Choshu quen thu tập tình báo trên biển từ thời Chiến quốc, đã bắt đầu để ý đến một chiếc thuyền không rõ xuất xứ đang lang thang nơi vùng biển có nhiều đảo. Bọn Keinosuke đã lọt vào mắt giám thị của các đảo này rồi.

-"Đổ bộ vào một đảo lẻ loi nào đấy để chờ thời cơ".

Cả bọn quyết định như thế, rồi thử cho thuyền đến gần đảo Iwaijima, thì thấy có bóng dáng lính Mạc Phủ trên bờ. Đành bỏ đảo ấy, giương buồm chạy tiếp một hồi. Cuối cùng, Keinosuke đã nói ra điều mà mọi người hiểu là không thể tránh được nữa:

-"Thôi thì trở về Choshu, chân thành trần tình mọi nguồn cơn, mà chờ phiên trấn luận tội cho rồi".

Keinosuke ra lệnh chèo thuyền về phía bắc, vào cảng Asae xứ Suo (hiện nay là thành phố Hikari). Sở dĩ Keinosuke chọn cảng Asae là vì ở đấy có chùa Seikyo (Thanh kính) thuộc hệ chùa Bodai (Bồ đề) của nhà Shimizu Misaka là quan lớn của phiên trấn Choshu đảm trách đội quân chí nguyện thứ hai này. Chùa hệ Bodai của nhà Shimizu thì hẳn là không đến nỗi xử tệ với Keinosuke, hơn nữa, sư trụ trì ở đấy lại là người quen biết của anh. Keinosuke tính là sẽ ở chùa ấy, chờ phiên trấn định tội thế nào.

Thuyền cập bến Asae. Xuống thuyền, các đồng chí định đi theo thì Keinosuke ngăn lại nói:

-"Chỉ mình ta chịu tội là đủ".

Rồi anh bước lên bờ. Chỉ có người tớ Fujikichi đi theo.

Vào chùa Seikyo, xưng tên họ thì sư trụ trì sửng sốt. Nhưng rồi cũng dịu mặt mà lắng nghe Keinosuke trần tình.

-"Xin liên lạc đến ngài Shimizu Misaka giúp cho".

Keinosuke hy vọng là qua Shimizu Misaka mà trần tình được lên sảnh đường của phiên trấn Choshu.

Nhưng sư trụ trì đã đưa anh ta vào tròng. Không liên lạc đến nhà Shimizu mà lập tức báo tin cho quân sĩ Choshu đóng gần đấy, bàn tính xong xuôi với quân ấy rồi trở lại bảo Keinosuke:

-"Ồ, may mắn đáng mừng lắm. Thông qua ngài Shimizu Misaka thưa lên sảnh đường phiên trấn ở Yamaguchi thì có mòi được khoan dung cho vì chí hướng đáng châm chước. Vậy thì, hãy cùng đến quán trọ Shimada gần đây mà uống chén rượu mừng trước. Tuy trời đã tối, nhưng xin cố gắng cho".

-"Thế thì còn gì bằng!".

Người đàn ông vốn tính nóng nảy, lúc vui mừng thì ưa náo nhiệt này đã cầm tay sư trụ trì mà cảm ơn, rồi cùng ra khỏi sơn môn. Sư trụ trì cầm đèn lồng có phù hiệu của chùa, vừa bước đi vừa đung đưa đèn lồng có phần lộ liễu. Người tớ Fujikichi đâm nghi, gọi nhỏ: -"Cậu chủ!", rồi giật tay áo Keinosuke vài lần. Riết rồi, Keinosuke phải nhỏ giọng mà trấn an:

-"Ta từ nhỏ đã ghét cay ghét đắng điều bất chính người ta làm. Vì vậy, đã liên tiếp trải qua nhiều cuộc đấu tranh vô ích với người khác. Đối với một người suốt đời yêu chuộng chính nghĩa như ta đây, chẳng lẽ lại có người ôm lòng tà mà muốn lừa gạt ta hay sao?"

-"Đó là điểm tốt của cậu chủ!". Fujikichi buồn rầu đáp: -"Thế nhưng, cậu là người đã sinh ra lớn lên chưa từng chịu khổ cực, cậu không hiểu được lòng người đâu".

Trên đường có cây cầu lớn và dài bắc ngang qua sông Shimada, là cầu Chitose. Đến chân cầu, sư trụ trì hướng khuôn mặt tươi cười về phía Keinosuke mà nói:

-"Tôi chợt nhớ ra có chút chuyện phải làm. Xin cứ thong thả qua cầu trước, tôi sẽ chạy theo sau".

rồi quay lưng, đi mất.

Keinosuke bước lên cầu, Fujikichi cầm đèn lồng theo sau.

-"Sao nào, Fujikichi đã hết nghi ngại chưa?"

Cậu chủ vừa hỏi vừa bước đi có vẻ vui thích. Bờ bên kia như thấp thoáng ánh đèn của quán trọ Shimada gì đấy. Quán trọ thì có gái. Sư trụ trì nói "đến quán trọ Shimada uống chén rượu" hẳn là có ý gom cả chuyện ca nhi vào rồi!

-"Nhiều đèn quá nhỉ, cậu chủ!"

-"ƯØ, quán trọ sang quá đấy chứ!".

Keinosuke nói xong thì đâm nghi ngờ, vì đám ánh đèn kia lao xao chộn rộn quá. Lúc nhận ra rằng đấy là lửa để châm vào dây dẫn hoả của súng sắt, thì biết là có khoảng 20 tay súng ở bờ bên kia.

-"Fujikichi! nấp xuống!"

Keinosuke hét lên, vừa lúc 20 phát súng nổ vang, đạn bay tới tấp trên cầu.

Keinosuke ngã xuống sàn cầu, mình mẫy đẫm máu, rồi nằm sấp xuống. Tay phải đã rút kiếm ra, cả người nằm đè như ôm kiếm vào lòng.

-"Fujikichi, từ cầu nhảy xuống đi!"

Keinosuke thì thầm. Fujikichi không bị thương tích gì, đã định nhảy xuống rồi. Trong thoáng chốc, Fujikichi ngần ngừ như không muốn bỏ lại Keinosuke một mình, nhưng rồi sự khiếp sợ đã khiến Fujikichi phải hành động ngay.

-"Cậu chủ!".

Fujikichi khóc nấc lên, rồi tung mình qua thành cầu, rơi biến vào dòng nước.

Keinosuke nằm yên. Quân sĩ phiên trấn Choshu tiến lại, nhưng chưa biết địch sống chết ra sao, nên dừng lại trước vài bước.

Keinosuke nhỏm thân người đẫm máu đứng lên, hét lớn:

-"Dám lừa ta à!"

Con người chính nghĩa căm ghét chuyện bất chính đến mức bệnh hoạn ấy xông lên, chỉ với sức mạnh của lòng căm ghét ấy. Đường đường chém địch. Địch thủ là Aiki Konosuke, phiên sĩ Choshu đảm trách cảnh bị ở khu vực này. Aiki tức thì dùng thân súng Goebel đỡ gạt, nhưng bị Keinosuke ào đến chém tiếp, mấy ngón tay cầm súng bị chém rụng cả, cuối cùng đã ngã xuống. Keinosuke cưỡi lên Aiki như cưỡi ngựa, sắp sửa đâm kiếm xuyên qua ngực anh ta, thì đã có một lính xuất thân nhà nông vòng ra sau lưng Keinosuke, giương cao cây súng lên. Keinosuke vẫn không để ý. Báng súng nặng nề dộng xuống, đập nát đầu Keinosuke. Cậu chủ ở Kurashiki giãy chết.

*

Những chí sĩ Cần Vương của đội Tenchugumi đã cử binh gây biến động ở Yamato mà Keinosuke yêu kính đến mức tìm đến viếng thăm di tích chiến đấu của họ, thì sau cuộc Duy Tân, cái chết của họ được báo đền bằng phẩm hàm phong tặng. Còn chính Keinosuke, cũng như họ, đã tấn công vào Huyện đường, rồi thua chạy, không khác gì họ, thì lại chẳng được phong tặng gì cả. Lại còn mang tiếng là làm giặc. Còn lại chỉ là một tấm bia đá trơ trọi bên cầu Chitose.

Phạm Vũ Thịnh dịch
(Sydney 10-2008)
Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Kurashiki no wakadanna" của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ hai trong tập truyện "Armstrong-hou" (Đại bác Armstrong), bản bỏ túi, do nhà Kodansha Bunko tái bản lần thứ 30 tháng 12 năm 2000.
 

[1] Takasugi Shinsaku : 1839-1867, nhân vật Cần Vương chủ yếu, đã cải tiến quân đội phiên trấn Choshu, người đầu tiên tổ chức các đội quân chí nguyện từ nông dân và thị dân chứ không phải từ giai cấp võ sĩ.

[2] Thời Genki : 1570 đến 1573, Thời Tensho : 1573 đến 1592.

[3] Tuyển quan : Tedai, là loại công chức được thu dụng ngay tại địa phương, thân phận thấp hơn Thân quan (Tetsuki) là cán bộ quản lý, phần đông là thuộc hạ trực tiếp của Chúa Tokugawa.

[4] Lão trung : Roju, cấp quan cao nhất trong chính quyền Mạc Phủ (Phủ Chúa) Tokugawa.