Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
Chủ ]
[ Tác giả ]
|
Nakajima
Ramo
|
Lời người
dịch:
Nakajima Ramo, 1952-2004, là nhà văn, kịch sĩ tấu hài, ca sĩ Rock, nhạc sĩ Rock Guitar, diễn viên sân khấu, ti-vi, điện ảnh và truyền thanh. Ông tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Osaka, sáng lập kịch đoàn "Lilliput Army" (Quân đoàn tí hon Lilliput) năm 1986, sáng lập ban nhạc Rock "PISS" năm 1996. Tác phẩm "Konya, subete no bar de" (Đêm nay, ở tất cả các quán rượu) được giải thưởng văn học Yoshikawa Eiji cho Tác gia Mới năm 1992. Tác phẩm "Gadara no buta" (Heo Gadara) được giải thưởng của Hiệp hội Tác gia truyện Trinh thám Nhật Bản năm 1994. Ông viết nhiều tác phẩm làm nền cho việc tấu hài "rakugo" (lạc ngữ : chữ rơi), là hình thức kể chuyện hoạt kê trên sân khấu truyền thống của Nhật Bản từ thời Minh Trị (1868-1912). Một trong những tác phẩm ấy, "Thần đồng đi lạc" được dịch từ nguyên tác "Maigo no tatsujin" của Nakajima Ramo, là tác phẩm thứ năm trong tập "Ramo banashi - Chuyện kể của Ramo" từ Nhà xuất bản Kadogawa Shoten tháng 12 năm 1991. |
Từ
xa xưa đã có lời nói rằng: cứ ba người tụ họp lại là
có chuyện chia thành phe phái ngay. Quả đúng như thế. Ngay
cả cỡ công ty nhỏ chỉ có ba người cũng có thể có phe
phái rõ rệt. Chủ hãng thuộc phe chủ hãng. Đương nhiên là
thế! Chứ chủ hãng mà lại thuộc phe chống chủ hãng thì
rắc rối chẳng ai hiểu được! Nhân viên tác nghiệp mới
là phe chống chủ hãng. Còn cô nhân viên hành chánh là phe
trung lập. Tùy theo phe nào kéo được cô này về phía mình
mà quyết định thế lực của các phe. Thực tế thì công
ty nào chia bè kết phái kiểu đó hẳn không sống được bao
lâu! Nhưng chỉ là tệ nạn phe phái trong công ty mà thôi thì,
nếu không chịu nổi, chỉ cần từ bỏ công ty là được,
chứ trong gia đình mà xảy ra chuyện tranh chấp phe phái thì
khó giải quyết lắm! Mà ở thời đại gia đình phân liệt
đến mức nhỏ nhất như thời bây giờ, thì lại càng lộ
rõ chuyện khó giải quyết đó. Như trường hợp gia đình
cha mẹ con ba người, ông cha nghiện làm việc, tối ngày chỉ
biết đến công việc, tất nhiên là vì thời gian gần gũi
mẹ nhiều hơn nên đứa con đương nhiên đứng về phe bà
mẹ. Thảng hoặc có ở nhà đi nữa, người cha cũng chỉ uống
bia, xem ti-vi chương trình bóng chày đến khuya, lè phè, nhếch
nhác, chẳng ra vẻ uy nghiêm tí nào cả. Đứa con lại càng
khinh thị thêm mà đứng hẳn về phía mẹ. Người cha rồi
cũng phải để ý tình trạng như thế, hiểu ra là không nên,
mới kiếm cách trò chuyện với con, hầu cải thiện tình hình.
Nhưng khổ nỗi, bởi thời gian cha con gần gũi nhau quá ít
nên chẳng có chuyện gì chung để nói với nhau cả! Bởi vậy
mới có chuyện ông cha cố chọc cười đứa con bằng những
lời diễu chơi chữ kỳ quái, kiểu như: "Này Yoshio, con hay
bị táo bón thế là vì ăn nhiều bí quá đấy! Ha ha ha ha!".
Cứ như là trong nhà có anh hề diễu dở, khiến ai cũng ngán
tới tận cổ! Thói thường, người làm cha thì phải cố gắng
tiếp xúc hàng ngày với con cái mới được chứ!
Mẹ: -Này ông, này ông! Cha: -Hả! Cái gì mà hét to ngay bên tai thế chứ! Làm mở mắt thức dậy rồi đây này! Mẹ: -Thì phải khiến ông mở mắt ra mới đánh thức ông dậy được chứ! Định ngủ đến bao giờ kia? Cha: -Mấy giờ rồi? Mới mười một giờ sáng mà! Hôm nay là chủ nhật đấy! Để cho người ta ngủ thêm tí nữa chứ! Mẹ: -Ngủ suốt mười hai tiếng đồng hồ rồi còn gì! Cha: -Cứ càm ràm ồn ào quá! Mẹ: -Càm ràm càm ràm! Cha: -Đã bảo đừng có càm ràm nữa mà! Mẹ: -Càm ràm càm ràm! Cha: -Thôi! Thôi! Thức dậy rồi đây này. Có chuyện gì thế chứ? Mẹ: -Này ông, hôm nay tôi định quét dọn khắp nhà đấy. Cha: -Hả? Bà định bắt tôi phải quét dọn giúp bà sao chứ? Mẹ: -Này ông, đừng có tự tin quá trớn! Người đã vụng về mà lại kiêu ngạo thế thì làm sao giúp gì được chuyện quét dọn nhà cửa! Bày thêm rác ra, cản trở việc quét dọn thôi chứ ích gì! Cha: -Chê bai ghê nhỉ! Bà này mới sáng đã muốn kiếm chuyện gây nhau sao chứ? Mẹ: -Phải chi ông là người quả cảm, ai gây sự là ưỡn ngực ra mà đối đầu, thì đã thăng tiến đến đâu rồi kia, chứ đâu có mãi là ông chồng chỉ có ba xu lận lưng thế này! Cha: -Nói nghe dễ ghét! Chẳng hiểu sao tôi lại lấy bà! Phải chi đêm đó tôi đừng uống rượu... Mẹ: -Lầm bầm gì thế chứ! Ông ở nhà thì cản trở chuyện quét dọn, lâu lâu mới có ngày nghỉ đấy, ông dắt thằng Yoshio đi chơi thương xá gì đấy hộ tôi đi! Cha: -Dắt thằng Yoshio đi chơi à? Mà lại ra thương xá làm gì kia? Mẹ: -Đằng nhà Dì Ikeda có đứa cháu mới sinh tuần trước đấy chứ gì! Quà mừng chưa mua, ông ra thương xá mua gửi hộ tôi đi! Cha: -Tưởng gì chứ chuyện đó thì cứ bảo thằng Yoshio đi một mình cũng được chứ! Mẹ: -Ông bảo đi một mình là thế nào? Yoshio mới sáu tuổi kia mà! Cha: -Thì đã sao? Tôi đây lúc sáu tuổi đã xuống sông bắt lươn nuôi gia đình rồi đấy! Mẹ: -Ông này cứ xem mãi phim truyện "Khúc hát trên xà kép" (Tenbinbo no uta) đến nhập tâm rồi! Cha: -Đúng thế! Trong chuyến huấn luyện nhân viên... Không, không phải thế! Chứ ông bà ta từ xưa đã nói "Thương con thì đẩy vào miệng cọp" đấy thôi! Mẹ: -Ông này, vợ chồng với nhau mà còn cố chọc cười bằng chuyện đời xưa nữa sao chứ! Cha: -Người xưa còn bảo "Sư tử quẳng con xuống vực thẳm" nữa kia! Mẹ: -Ông lại dẫn truyện tranh "Ngôi sao đội bóng Người Khổng lồ" (Kyojin no hoshi) đấy rồi! Cha: -Phải chi nhân vật Kajiwara Ikki sống thêm được ít nữa! Mẹ: -Ông cố viện dẫn lý do này lý do kia ra thế, bởi vì trong bụng không muốn dắt thằng Yoshio đi chơi thương xá chứ gì! Cha: -Ừm, thực ra là thế đấy. Dắt nó ra thương xá thì lúc đi êm thấm, mà đến lúc về là thế nào cũng có chuyện đôi co đến không còn muốn nói gì với nhau, quan hệ cha con thành ra hung hiểm lắm kia! Mẹ: -Đối với con nít mà ông đôi co làm gì chứ? Con: (bật khóc) -Hu hu hu... Cha: -Ủa, Yoshio! Con đứng đấy từ bao giờ? Nghe hết cha mẹ nói chuyện rồi sao? Con: (càng khóc lớn hơn) -Hu hu hu... Mẹ: -Con, Yoshio! Sao lại khóc? Cha nói thế chứ sẽ dắt con đi chơi thương xá mà! Con: -Hu hu hu... Quả thật con không phải là con ruột của ông ấy rồi! Mẹ: -Cái gì? Con đừng có nói điên thế chứ! Con: -Hu hu hu... Lâu nay con đã nghi ngờ rồi. Chứ con có giống ông ấy tí nào đâu! Mẹ: -Làm gì có chuyện đó hả con? Con: -Có đấy chứ! Con thì mũi thẳng, mặt mày cân chỉnh thế này, còn ông ấy, mặt giống như con cua bị gót giày đạp nát trên bãi biển thế kia! Cha: -Thằng bé này! Mày nói gì thế hả! Có giỏi nói lại nghe coi! Con: -Quả thật con không phải là con ruột của ông ấy rồi! Trước kia, con là con cưng nhà giàu tỷ phú gì đấy, nhưng mới sinh ra thì bị ông ấy lẻn vào trộm rồi bắt cóc mang đi mất! Lúc đầu thì chỉ nhắm vào việc đòi tiền chuộc, nhưng thấy con xinh quá mới đem lòng thương mà nuôi luôn cho đến bây giờ đấy chứ gì! Cha: -Cái thằng nhóc này! Cha mày mà lại dám gọi là kẻ trộm đấy hả! Không thể tha thứ được, ngày hôm nay, ta phải cho mày biết tay! (giơ nắm đấm lên) Con: -Đấy, thấy chưa! Bởi chẳng phải là con ruột mình nên mới thản nhiên mà đánh đập ngay đấy! Cha: -Ựng... (uất nghẹn thu nắm đấm lại) Con: -Giá là con ruột của mình thì đã nghĩ thấy chuyện hành hạ con nít sẽ gây ra tổn thương tâm lý lâu dài, mà đâu có doạ nạt thế chứ! Cha: (Thằng bé này học đâu ra mấy chữ ghê gớm thế nhỉ? Có khi nó là thần đồng không chừng!) -Yoshio! Đừng có tiếp tục nói nhăng thế! Con là con ruột của cha đấy, không sai vào đâu được cả! Con: -Thật không? Cha: -À, thật đấy! Con: -Thế bữa trước cha bảo: con nít là do chim phụng mang đến cho người ta, chẳng phải là mâu thuẫn hay sao? Cha: -Hả? Con: -Trước đấy nữa, cha còn bảo: bé con sơ sinh nở ra từ bắp cải trong đám ruộng, nữa đấy chứ gì! Mẹ: -Ông này! Dạy con mấy chuyện bá láp thế kia à? Cha: -Không! Đột ngột bị hỏi, kẹt không biết trả lời sao ấy mà! Đang tắm với nó mà nó hỏi thình lình quá... Con: -Dù gì đi nữa, nếu thật là con ruột của mình thì đâu có chuyện không muốn dắt con đi thương xá chứ, phải thế không mẹ? Mẹ: -Đúng đấy, đúng đấy! Cha: -Này, này... Hai người đánh một đấy à! Đi ra thương xá làm gì? Ở đây cũng có khác gì đâu nào! Con: -Đây là cư xá chứ có phải là thương xá đâu! Mẹ: -Ông này! Lại cố chơi chữ nữa rồi! Cha: -Nhưng mà, quả thật tôi chả muốn dắt Yoshio ra thương xá tí nào! Mẹ: -Tại sao? Cha: -Thằng bé này, lần nào cũng thành trẻ đi lạc cả, trăm lần như một! Chẳng lần nào mà nó không đi lạc! Ở thương xá cũng vậy mà ở Sở thú cũng vậy. Mới đây cũng đã đi lạc ở Vườn triển lãm hoa đấy chứ đâu. Làm sao mà khờ dại thế không biết! Con: -Uả? Cha hoàn toàn chẳng hiểu gì cả ấy! Cha: -Chẳng hiểu gì cả là sao? Hiểu gì kia? Con: -Con thành trẻ đi lạc có phải vì khờ dại đâu! Đi lạc, nói cho đúng, là sở thích của con đấy chứ! Cha: -Sở thích? Thành trẻ đi lạc mà lại là sở thích à? Con: -Đúng thế! Thành trẻ đi lạc, xem thế chứ cần có mánh khoé thâm sâu lắm nhé. Đời bây giờ, ngay trong thú chơi cũng cần đến kinh nghiệm nữa là! Cha: -Trẻ đi lạc thì vui thú ở chỗ nào? Con: -À, ở trình độ vỡ lòng thì do tự mình lơ đễnh mà thành trẻ đi lạc thật đấy. Có thứ gì hay ho lọt vào mắt nhìn thì mê mẩn đi theo. Đến lúc chợt nhận ra, thì chung quanh mình toàn là ông này bà kia lạ hoắc. Nhìn quanh quất chẳng thấy cha mẹ mình hay người nào quen biết cả! Cha: -Hừm... hừm... Con: -Lúc bấy giờ, từ dưới bụng dâng lên nỗi tuyệt vọng, nỗi cồn cào lo sợ, nỗi cô độc trộn lẫn vào nhau thành một thứ gì đấy cuồn cuộn dâng trào lên... Cha: -Tràn ngập... Con: -Thế nên mới cuống quýt tìm kiếm chung quanh mình. Chạy tìm một hồi lại càng cùng quẫn chẳng còn biết mình đang ở chỗ nào nữa! Giá mà cứ ở yên chỗ ban đầu thì có lẽ cha mẹ đã trở lại mà gặp được rồi, thế nhưng bây giờ thì chỗ ban đầu là hàng bán đồ chơi ấy chẳng còn biết là ở đâu nữa rồi! Thế là đợt sốc lần thứ nhì ập đến. Lần này thì tối tăm mặt mũi, trước mắt chỉ còn là khoảng trống đen ngòm. Bất chợt thấy mình khóc oang oang... Cha: -Ra thế! Con: -Thế nhưng, người ngay thì thánh thần phù hộ, như người ta thường nói đấy. Vả lại, con nít dễ thương đứng khóc một mình thế kia, người lớn ở chung quanh đấy, ai mà chẳng mủi lòng! Thế nào cũng có người phụ nữ trẻ, hiền dịu, không bỏ mặc được, mới đến vừa xoa đầu vừa dịu dàng hỏi: "Sao thế em? Đi lạc rồi à?" Có người còn ẵm lên dỗ dành cho nín khóc nữa chứ... Cha: -Thế thì an tâm nhỉ! Con: -An tâm mà được sao? Trong lòng lúc ấy, một nửa là tình cảm mừng rỡ vì được cứu, một nửa còn là nỗi lo sợ không biết có gặp được cha mẹ hay không? Hai nửa ấy trộn lẫn vào nhau thành thứ gì như là nỗi buồn chua chát mà ngọt ngào, cuồn cuộn dâng lên đầy ngực! Thế là lại nức nở khóc. Không khóc ào ạt như lần trước, mà hức hức nấc nghẹn một cách nhõng nhẽo kia! Cha: -Lắm công đoạn phức tạp nhỉ! Con: -Chứ con đã bảo là mánh khoé sâu sắc lắm mà! Có phải chỉ có chừng đó mà thôi đâu! Bởi, thế là được dắt đến phòng giữ trẻ đi lạc trong thương xá. Phòng này lúc nào cũng có một chị trẻ đẹp dịu dàng chuyên môn ứng xử với trẻ đi lạc, mình tha hồ được chị ấy nâng niu chìu chuộng. Chị ấy kề má như áp sát vào má mình, toả mùi nước hoa ngọt ngào thơm ngát. Rồi chị xoa tóc mình, ẵm ngồi lên đùi nữa chứ! Chị hỏi mình: "Em bé tên là gì? Em mấy tuổi? Em bé có biết tên cha tên mẹ là gì không nào?",... những câu hỏi ngây thơ như thế. Nghe mình trả lời xong, chị ấy nựng nịu mình mà khen: "Ôi, em tôi khôn ngoan dễ thương quá!" Cha: -Nghe sướng thật chứ nhỉ! Con: -Có phải chỉ có thế mà thôi đâu! Cha: -Còn nữa cơ à? Con: -Thông thường, phòng giữ trẻ đi lạc còn có bánh trái, nước ngọt để sẵn, phục vụ chu đáo lắm đấy. Khoảng này thì sướng đến không chịu nổi nữa ấy chứ! Cha: -Phục vụ cả bánh kẹo nữa kia à! Con: -Bởi thế, nếu định làm trẻ đi lạc thì nhắm ngay sau bữa ăn trưa với cha mẹ ở hàng ăn ấy. Sao cho đúng vào cái lúc mà mình ước muốn có món tráng miệng... Cha: -A! Thảo nào mày lúc nào cũng đi lạc ngay sau bữa ăn trưa ở tầng quán ăn đấy! Con: -Rồi loa phóng thanh sau đó cũng là niềm vui thích nữa chứ. Bởi việc của mình được quảng bá đi khắp thương xá, khiến mình có cảm giác mãn nguyện giống như các siêu sao nghệ sĩ ấy! Thoạt đầu là: "Xin thông báo trẻ đi lạc. Chúng tôi đang giữ em Ueda Yoshio, bé trai sáu tuổi", nghe có vẻ đạm bạc quá! Mình mới làm bộ khóc thảm thiết hơn nữa. Thế là người ta phóng thanh chi tiết tỉ mỉ hơn: "Kính coong! Xin thông báo trẻ đi lạc. Chúng tôi đang giữ một bé trai chừng năm, sáu tuổi, mặc quần ngắn vải bông màu xanh biển, áo thun in hình gấu trúc, đội mũ lưỡi trai của đội bóng chày Hanshin Tigers. Xin thân nhân của em Ueda Yoshio khẩn cấp đến đón em tại phòng giữ trẻ đi lạc ở tầng sáu, bên hông hàng bán bàn ghế trong nhà". Cho dù mình đang mặc quần áo vấy bẩn đi nữa, mà phóng thanh như thế nghe cũng có vẻ thật là đúng mốt thời trang! Cha: -Thật thế sao? Con: -Phóng thanh như thế xong, đâu chừng hai phút sau là có cha mẹ hớt hải chạy đến. Có lẽ thời điểm này là đỉnh cao của trẻ đi lạc đây. Cha mẹ mặt mày xanh mét, giận mà mắng rằng: "Này, đi đâu mà không nhìn trước nhìn sau đến nỗi đi lạc thế hả!" nhưng vẫn không giấu được vẻ an lòng rồi. Thế là cha mẹ cúi đầu xin lỗi chị giữ trẻ đi lạc, thái độ khúm núm trông thật đã con mắt! Cha: -Xin cậu tha thứ cho thái độ khúm núm ấy! Tức thật! Hoá ra thằng bé này lúc nào cũng nhìn cha nó với lối nhìn như thế đấy! Con: -Cứ nhìn vào thái độ khúm núm lúc này mà mình xác nhận lại được mức độ thương con của cha mẹ. Lẩm bẩm gì đấy trong miệng, hay xoa đầu dỗ dành, đằng nào thì cha mẹ cũng đang ở thế yếu rồi! Thế nào cũng đang có cảm giác là đã thiếu trách nhiệm đối với con. Đúng lúc ấy mà mình nhõng nhẽo thì rất dễ được quà cáp, như đòi mua mô hình nhựa chẳng hạn... Cha: -Lần sau thì đừng có hòng ta mua cho! Nhớ đấy! Con: -Mà đấy mới chỉ là cách thức trẻ đi lạc trong thương xá, dành cho cấp vỡ lòng thôi! Chứ còn ở những chỗ rộng lớn hơn nữa, như Sở thú hay Vườn triển lãm hoa như lần trước đấy, thì còn mánh khoé phức tạp khó khăn hơn kia, tuy cơ bản vẫn không khác gì nhau. Trình độ cao nhất thì là cách đi lạc ở các trung tâm buôn bán rộng lớn dưới hầm, hay các nhà ga tàu điện, hay ngoài trời. Đến như ở núi, rừng mà làm trẻ đi lạc thì có khi phải đánh cược cả đến tính mạng nữa, khổ nhọc thì nhiều mà lợi ích chẳng bao nhiêu... Cha: -Làm sao mà để mày đi lạc ở những chỗ như thế được hở?! Con: -Kết cuộc, về chuyện làm trẻ đi lạc thì, càng tích lũy nhiều kinh nghiệm, lại càng đi trở lại điểm khởi đầu. Khởi đi từ thương xá, cuối cùng cũng trở lại thương xá. Thế thì hôm nay, ta làm một chuyến đi thương xá xem sao nhé? Cha: -Đã nghe chuyện như thế rồi, ai còn muốn dắt mày đi chứ! Con: -Hèn nhát! Cha: -Mày nói gì? Con: -Không tự tin là sẽ thắng được kỹ năng trẻ đi lạc của con chứ gì! Cha: -Thằng bé này! Được rồi, ta sẽ dắt đi thương xá. Dắt đi, nhưng phải buộc dây lại mới được! Con: -Bó buộc vì bó tay đấy nhỉ! Cha: -Đừng chơi chữ! Đây, buộc dây vào cổ tay cha và cổ tay con như thế này, thắt chặt lại! Con: -Ối, đau, đau quá! Buộc chặt thế, máu ngừng chảy đấy nhé! Cha: -Im đi! Nào, bước! Thế là, ông cha sợ thằng con chơi trò trẻ đi lạc đến nỗi lấy dây buộc cổ tay hai cha con lại với nhau, rời nhà lấy tàu điện đến thương xá. Cha: -Ôi! sao mà đông người thế này! Có vẻ đúng vào lúc bán hàng đại hạ giá mùa Thu đây. Bước đi không thôi cũng đã khó khăn rồi! Này Yoshio, bước ngay bên cạnh cha đây chứ đừng rời xa nhé! Con: -Có muốn rời xa cũng đâu có được, dây cột này chỉ có năm mươi phân chứ mấy! Cha: -Hừm, nói thế chứ ta nhất định không sơ hở đâu nhé! Này, đừng lôi kéo thế chứ! Đã bảo đừng kéo mà! Ủa, gì thế này? Dây cột nào lại tròng tréo vào đây thế? Người đàn ông: -Xin tha lỗi cho! Dây cột thằng bé nhà tôi lại quấn vào dây của ông rồi. Cha: -Hả? À ra thế! Ông đây cũng buộc dây cậu nhà đây ạ! Người đàn ông: -Vâng, thật là khổ với thằng con này. Hở ra tí là nó thành trẻ đi lạc ngay ấy! Cha: -Ha ha! Này Yoshio, nghe chưa con? Trên đời cũng có người giống ta đấy. Cậu bé kia cũng bị cột tay để khỏi thành trẻ đi lạc đấy nhé! Con: -À, con biết chứ. Cậu Kazunori học cùng lớp con đấy chứ ai! Cha: -Ủa! Cùng lớp con kia à? Con: -Vâng, Kazunori cũng là trẻ đi lạc tài giỏi trong xóm, tranh nhất nhì với con đấy mà. Cha: -Ủa? Cậu ấy cũng thế kia à! Kazunori: -Chào bác. Cháu là Kobayashi Kazunori, lâu nay vẫn được cậu Yoshio giúp đỡ. Mong bác chiếu cố cho. Người đàn ông: -Thế thì, xin lỗi ông anh, đã chậm trễ chuyện tự giới thiệu. Tôi là cha của cháu Kazunori đây. Cháu vẫn thường kể cho nghe chuyện cậu nhà ta đấy. Thật là một cậu học trò ưu tú đặc biệt. Cha: -Không dám. Cháu đâu có được như thế. Ha ha ha! Thật khó mà hiểu là đáng khen hay đáng chê... Con: -Này Kazunori, dạo này đằng ấy thế nào? Làm trẻ đi lạc thành công chứ? Kazunori: -Ừm, mới làm thử ở Vườn triển lãm hoa đây thôi... Con: -À, tớ cũng thử đi lạc tuần trước đây... Kazunori: -Kết quả thế nào? Con: -Ừm, chị giữ trẻ đi lạc đối đãi có phần... Kazunori: -So với ở thương xá thì có hơi vụng về nhỉ. Con: -Đúng thế. Và nhất là... Cha: -Này các cậu! Đừng có thừa dịp mà trao đổi mấy thứ thông tin tai quái ấy chứ! Con: -Cha cứ nói thế! Người đàn ông: -Thôi thì cứ mặc tụi nhỏ nói chuyện của chúng nó. Mà... có phải ông anh đây cũng khổ vì cậu nhà... Cha: -Vâng, đúng thế. Nó bảo làm trẻ đi lạc là sở thích gì đấy, để diễu cợt người lớn, thế nên hôm nay tôi mới buộc dây mà dắt nó đi... Người đàn ông: -Thế ạ! Thật ra thì đằng tôi cũng khổ vì chuyện này đấy. Như năm ngoái đây, nó nằng nặc đòi dắt đi Disneyland ở Urayasu nên tôi đã phải chìu nó. Mà ở đấy, chỉ chuyện lên xe lăn Jet Coaster chạy vòng đường sắt thôi mà người ta cũng đứng sắp hàng đợi dài dài (định dang hai cánh tay diễn ý dài ấy, nhưng một cánh tay vướng dây cột, không giở lên được) Ủa? (giật cánh tay) Cha: -Ủa? (thấy cánh tay mình bị giật lên theo cánh tay người kia) Hai người cha giật mình nhận ra là cổ tay họ đã bị buộc nối vào nhau từ lúc nào rồi. Mà hai cậu con thì chẳng còn thấy hình tích đâu cả! Hai người cha ngượng ngùng nhìn mặt nhau, vừa lúc có loa phóng thanh khắp thương xá: "Kính coong! Xin thông báo đến hai người cha tuổi trên dưới bốn mươi, cổ tay buộc dây vào nhau. Xin mời đến phòng giữ trẻ đi lạc ở tầng sáu, hai cậu con đang đợi quý vị ở đấy". Phạm
Vũ Thịnh dịch
Sydney 05/11 |
|