Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang Chủ ] [ Tác giả ]
Lady Jane Murakami Ryu
Redi.Je-n
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch : |
1969Thời bấy giờ, làm phim là hoạt động rất thịnh hành. Từ khi học sinh trung học cấp ba ở Tokyo đè bẹp tất cả các nhà làm phim tiền vệ độc lập mà đoạt giải Grand Prix ưu tú nhất ở Đại hội Phim ảnh Nghiệp dư, việc chế tác phim ảnh bắt đầu thịnh hành khắp nơi. Ai cũng nghĩ làm phim là dễ dàng mà lại là phương cách biểu hiện mũi nhọn nữa. Chuyện kỳ lạ thế nhưng có thật đấy. Cả tôi lẫn Iwase lẫn Adama và cả mọi đứa khác, mặc dù chưa hề xem một phim nào thuộc loại phim-dưới-hầm do bọn người không chuyên nghiệp chế tác, thế mà cả bọn đều ngưỡng mộ và mơ ước làm loại phim ấy. Không khác gì dân Pháp dọc bờ biển Đại Tây Dương đã ngưỡng mộ và mơ ước quân đội Mỹ mà họ chưa hề nhìn thấy bao giờ.
-"Được rồi, tụi mình nên làm thế nầy. Dẹp kiểu Godard [1] làm phim tùy hứng đột xuất đi, mà hãy viết cước bản đàng hoàng, nói thế nào nhỉ ... phải làm cho rầm rộ như kiểu Kenneth Anger [2] ấy, rồi thu hình thì làm theo kiểu Jonas Mekas [3] ..."
Nghe tôi nói thế, cả Adama lẫn Iwase đều gật gù "Ừm, ừm" tán thành; nhưng muốn làm phim gì thì chẳng đứa nào hiểu cả. Giống như con gái, biết thế nào cũng phải yêu mới được, bọn tôi biết thế nào cũng phải làm phim mới được, thế thôi.
Một buổi chiều tươi đẹp hạ tuần tháng Tư, tôi cùng với Iwase và Adama, lồng ngực phập phồng khấp khởi, đến tham quan buổi diễn tập của Ban Diễn kịch Anh ngữ. Nhắm đến giải vô địch Đại hội Diễn kịch toàn đảo Kyushu, các thiếu nữ xinh đẹp nhất, niềm tự hào của trường Bắc Cao [4] đang đánh vật với kịch thơ Shakespeare.
Gần cửa vào giảng đường đã đông nghẹt bọn nam sinh. Phần lớn là tụi "phái Mềm" [5] , ngay chính giữa là tay thủ lĩnh Shirogushi Yuji, cổ áo đã tháo miếng độn cứng, chơi quần loe và giày da rắn. Từ hồi năm thứ nhất, Shirogushi Yuji đã mê mệt Matsui Kazuko, biệt danh "Lady Jane"[6]. Thật chẳng hiểu vì sao mà tất cả mấy thằng học trò du côn băng đảng lại đều mê say các em thiếu nữ xinh đẹp con nhà lành. Thế nhưng tất nhiên là Matsui Kazuko thì hoàn toàn chẳng đoái hoài gì đến tên trùm du đãng ấy cả.
-"Ê, cu Ken, đến đây làm gì đấy mầy?"
Shirogushi vẫy tay gọi khi nhìn thấy tụi tôi.
-"À, tớ nghĩ hay là ghé vào học hỏi thêm ba chữ tiếng Anh đây mà".
Tôi bịa chuyện cho qua, nhưng Shirogushi làm mặt nghiêm.
-"Mầy xạo đấy phỏng?"
Sao mà mấy thằng du côn nầy lại giỏi lật tẩy xạo của người hiền lương thế nầy không biết. Hắn tiếp :
-"Đến xem ai đấy mầy? Yumi? Masako? Mieko? hay Sakiko? Hử?"
Vâng, Ban Diễn kịch Anh ngữ có nhiều người đẹp nổi tiếng thế đấy. Tôi, Iwase và Adama đưa mắt nhìn nhau. Shirogushi đã nhìn thấu tim đen của tụi tôi rồi.
-"Ê, không phải mầy nhắm vào cô bé cưng Kazuko đấy chứ? Chẳng lẽ, mầy đến đây để ngấm nghé Kazuko sao chứ?"
-"Đâu có, có phải thế đâu ..."
Tôi chưa kịp dứt lời, Shirogushi đã rút dao trong túi ra, đâm phập vào đùi tôi ... là nói dóc, thật ra hắn chỉ chộp lấy cổ áo tôi.
-"Chạm đến Kazuko thì ngay cả cu Ken, ta cũng không tha đâu".
Shirogushi gằn giọng doạ nạt. Nhưng khi nghe Adama can thiệp -"Yuji, đừng làm thế" thì hắn buông cổ áo tôi ra ngay và cười giả lả.
-"Đùa đấy, đùa đấy mà".
Adama giải thích.
-"Yuji, không phải thế đâu. Ken định làm phim đấy. Hôm trước mới cuỗm máy quay phim 8 ly từ nam sinh năm thứ hai Masugaki đấy thôi, Ken dùng máy ấy để làm phim đấy mà".
-"Làm phim à? Rồi sao? Có dính dáng gì đến Kazuko chứ?"
-"Thì bởi tôi muốn mời Matsui Kazuko đóng vai nữ chính đấy mà".
Tôi đột nhiên trịnh trọng nói bằng giọng chuẩn.
-"Yuji nầy, học sinh Bắc Cao mà làm phim thì đây là lần đầu tiên từ khi trường được thành lập cho đến nay, mà dịp nầy có ai khác đóng vai nữ chính được chăng? Hử? Ngoài Matsui Kazuko ra, thử hỏi còn có ai xứng đáng với vai chính ấy không?"
Adama giải thích khéo léo như thế. Mặt mày Shirogushi Yuji bừng sáng. Thế à? À ra thế. Ừm, ừm, có ai khác đâu, tớ cũng nghĩ thế, ngoài Matsui Kazuko ra, chẳng có ai khác đuợc, ...
-"Phải thế không nào? Cho nên, Ken phải đến đây xem Matsui Kazuko cho kỹ càng, chứ nếu không thì ấn tượng không làm sao mà có được ..."
Nghe Adama nói thế, Shirogushi gật đầu lia lịa, rồi nắm lấy tay tôi mà nói.
-"Tớ hiểu ra rồi. Cậu phải thu hình Kazuko sao cho đẹp còn hơn Asaoka Ruriko [7] nữa mới được".
Rồi hắn đá đít mấy thằng đang đứng ở hàng trước nhất ngang cửa vào giảng đường, cho dạt cả ra, để chừa chỗ tốt nhất cho tụi tôi. Nghe nói Matsui Kazuko đóng vai chính, Shirogushi Yuji đột nhiên phấn khích hẳn lên, to giọng gợi ý nào là nhạc chủ đề thì Ishihara Yujiro [8] hát là được nhất, Matsui Kazuko đóng vai cô hướng dẫn du lịch xe buýt, xuất thân trẻ mồ côi là tốt nhất, nào là chính hắn cũng muốn đóng một vai, chẳng hạn một tên giết mướn, ...... làm cho Adama đâm lo, ghé tai tôi thì thầm : "Thế nầy thì không xong rồi". Trước hết, Matsui Kazuko mà thấy đám nầy ồn ào thế nầy thì sẽ chẳng làm sao mà nhận lời đóng phim được. Bởi hễ nghe la lối rằng mình sẽ đóng phim đóng phim đóng phim với Shirogushi Yuji ... thì Matsui Kazuko sẽ ghét lắm. Matsui Kazuko vốn chẳng ưa Shirogushi Yuji. Adama là đứa nhanh trí nên nghĩ ra thế.
-"Ken, cậu vào một mình đi. Matsui Kazuko hẳn là còn đang chuẩn bị trong phòng đấy".
-"Đến nói gì được chứ, ở cái chỗ toàn con gái ấy?"
-"Ken vẫn còn trong ban báo chí đấy chứ?"
-"Ừ".
-"Thế thì cứ bảo là đi quan sát để viết báo là được chứ gì."
Thế là tôi một thân một mình dấn bước về phía trong cùng của giảng đường, nơi đất thánh của những thiếu nữ xinh đẹp nhất, nơi có phòng của Ban Diễn kịch Anh ngữ Bắc Cao. Quay đầu nhìn lại, thấy tất cả các nam sinh đang vẫy tay tiễn tôi. Gắng lên. Có đứa còn vẫy cả mũ học sinh. Adama đang vỗ về Shirogushi Yuji đòi đi theo tôi mà không được.
Trong phòng thoảng hương hoa. Tôi chợt muốn hát lên bài ca "Chiếc vòng cổ bằng hoa" [9] của ban Tigers. Bởi các thiếu nữ tươi đẹp như hoa đang ríu rít tập luyện tiếng Anh bên đồng hoa tươi nở. Làm tôi thật khó mà cất tiếng chào hỏi. Dạ thưa, chào các cô, xin chào, xin lỗi, ..., những ngôn từ như thế ngay từ đầu đã thất bại rồi. Tôi cố tìm lời nói nào cho điệu nghệ, nhưng chẳng nghĩ ra được lời nào. Hay là nói thử bằng tiếng Anh? ... Đang suy nghĩ như thế thì thầy Yoshioka, hướng dẫn Ban Diễn kịch Anh ngữ bước đến. Một gã đàn ông đáng ghét, tự phụ là lúc nào cũng ăn mặc vét-tông Anh quốc, trung niên, đầu bết mỡ chải tóc.
-"Cậu là thứ gì mà đến đây?"
Yoshioka nói, nghe như là: cái thứ mầy thì có chuyện gì mà đi lạc vào vùng đất thánh nầy!
-"Dạ, em là người của Ban báo chí".
-"Yazaki, phải không? Ta biết tên cậu mà, bởi ta dạy văn phạm cho lớp cậu chứ đâu".
-"Thưa vâng".
-"Thưa vâng cái gì! cứ trốn giờ học, có thấy ở lớp đâu nào".
Chịu thua. Đâu có ngờ lại có thầy giáo kiểu nầy xuất hiện mắng nhiếc cho như thế nầy đâu. Thật bất lợi. Một gã đàn ông đáng ghét thật đấy, nhưng có phần ôn hoà, không đánh đập học trò, nên hầu hết các giờ của Yoshioka thì tôi trốn. Lần thi kiểm cuối học kỳ mới, tôi cũng đã bị điểm kém, tô đỏ rồi. Từ sâu bên trong mắt kính vành đen, đôi mắt đăm đăm nhìn tôi.
-"Rồi sao? Đến đây làm gì? Cậu xin nhập vào Ban Diễn kịch Anh ngữ thì không được đâu nhé"
Nghe có những tiếng cười rộn lên từ trong phòng. Các cô thiếu nữ xinh đẹp ấy đang quan sát chúng tôi ứng đáp với nhau. Thế nầy thì không thể nào chịu thua cho được.
-"Em đến xem để viết bài báo đây mà".
-"Bài báo về chuyện gì?"
-"Về chiến tranh Việt Nam."
-"Ta chẳng nghe nói gì cả. Cậu cũng biết chứ? Trước hết phải thưa với thầy hướng dẫn ban báo chí để xin phép, rồi thầy ấy nói chuyện với ta, ta có cho phép mới được chứ, tự ý mà làm thì không được đâu".
Ở Tokyo hay ở Kyushu cũng thế, ban báo chí là ổ tụ tập những phần tử phản kháng. Nhà trường đã gắng cắt đứt các dây liên kết hàng ngang giữa các ban, bởi trường ghét nhất là việc học trò tổ chức chặt chẽ. Chuyện kết tập ban nầy hội kia gây phiền nhiễu. Ban đại diện học sinh trong trường cũng đã chịu phép rồi. Nhà trường đã lợi dụng thứ ban đại diện theo đuôi lúc nào cũng ngoan ngoãn nghe lời ấy để làm ra vẻ chính học trò đã tự chủ mà quyết định tùng phục theo nguyên tắc như thế. Cứ như là nhà tù. Cứ như là thuộc địa thực dân do quân đội quản thúc. Tức thật.
-"Nếu thế thì không vì chuyện viết bài báo gì cả".
-"Không thế thì là vì chuyện gì?"
-"Thưa, chỉ đến nói chuyện chơi thôi".
-"Nhìn xem, ai cũng bận rộn công việc cả, không ai rảnh để nói chuyện chơi".
Trong phòng, các cô đang viết cước bản kịch tiếng Anh lên giấy sáp để in. Nghe tiếng cạo giấy sột soạt. Một nửa tảng lờ, nửa kia đang nhìn tôi và Yoshioka đối đáp. Matsui Kazuko đang tựa bút vào má, nhìn chúng tôi. Đôi mắt đẹp như mắt chú nai tơ Bambi. Đôi mắt gây sóng gió chiến tranh nơi phái nam.
-"Chuyện bá láp!". Tôi chậc lưỡi, rồi nói lớn.
Yoshioka sửng sốt.
-"Gì đấy? Dám nói là chuyện bá láp hả?"
-"Chứ Shakespeare là cái thứ gì? Bá láp cả! Ở Việt nam mỗi ngày người ta đang chết cả ngàn đấy thầy ạ!"
-"Cậu nói gì?"
-"Nhìn ra ngoài cửa sổ kia mà xem! Chiến hạm của Mỹ đi giết người mỗi ngày đấy, không thấy sao?"
Yoshioka lộ vẻ bối rối. Giáo viên tỉnh lẻ không quen đối ứng với thứ học sinh phản kháng. Nếu chỉ là học trò du đãng thì chỉ cần đập chúng một trận là xong, còn với học trò phản kháng có lý luận thì không dễ thế được.
-"Ta sẽ báo cáo cậu lên thầy hướng dẫn ban báo chí".
-"Thế thầy thích chiến tranh à?"
-"Đừng có nói bậy!"
Yoshioka thuộc lớp người đã sống qua Thế chiến thứ hai. Hẳn là đã trải qua nhiều khổ ải, nên mặt mày đổi sắc. Chiến tranh thật tiện lợi. Dùng rất tốt trong việc cãi cọ với thầy giáo. Thầy nào nghĩ rằng chiến tranh là không nên, thì lập trường yếu. Bởi vậy, thế nào cũng cố tránh đả động đến.
-"Yazaki, về đi! Ban nầy đang bận rộn lắm".
-"Thế thầy ghét chiến tranh hay sao?"
Yoshioka là người yêu thích nghệ thuật. Thân thể cũng không to lớn. Có vào quân đội không nhỉ? Nếu có thì hẳn đã là thứ lính bị hiếp đáp rồi.
-"Nếu thầy ghét chiến tranh, mà không phản đối, thì hèn nhát".
-"Có dính dáng gì đến ta chứ?"
-"Có đấy. Quân đội Mỹ sử dụng hải cảng nầy để đi giết người đấy".
-"Chẳng phải là chuyện học trò các cậu phải suy nghĩ đến".
-"Thế ai phải suy nghĩ?"
-"Yazaki, chuyện ấy thì đến lúc trò lên được đại học, ra đời, làm việc, lấy vợ, sinh con, thành người lớn rồi hẵng nói".
Cứ làm tàng! Người lớn cái quái gì chứ!
-"Không là người lớn thì không phản đối chiến tranh được sao? Thế, chiến tranh không giết chết trẻ em à? Không giết chết học trò trung học cấp ba sao?"
Mặt mày Yoshioka đỏ ké. Đúng lúc ấy, thầy giáo thể dục Kawasaki, chủ nhiệm điền kinh đi ngang qua. Cùng đi lại có cả thầy Aihara của ban nhu đạo nữa. Vậy mà tôi chẳng để ý, đang thao thao những là không làm gì cả tức là tán đồng đấy, tán thành chiến tranh đấy, nhà giáo dục mà tán thành chuyện giết người được hay sao, ... nói với Yoshioka như thế thì bị Aihara nắm tóc, tát tai ba cái rồi vật ngã xuống sàn. Aihara hét: Yazaki-i-i-i. Aihara-nhu-đạo là kẻ đần độn, ra trường đại học hệ sắc tộc đấy, nhưng đã từng vô địch nhu đạo toàn quốc hạng trung nên rất đáng sợ, có thể tát nát tai như chơi. Aihara lại hét lớn: Đứng dậy! Vật người ta ngã lăn kềnh xuống sàn rồi lại bảo người ta đứng dậy là thế nào? Tôi tức lắm, nhưng tai và mũi cảm thấy như bị đập nát ra rồi nên đành lảo đảo gượng dậy. Lại nghe hét: Mầy dám nói hỗn với thầy giáo thế hả-ả-ả, rồi lại bị tát tai. Bàn tay dày mà cứng ngắc ấy tát cái nào đau điếng cái ấy. Thằng Yazaki nầy, chỉ có cái miệng dẻo quẹo thế thôi, chứ chạy đua thì chả bao giờ xong cho hết một cuốc, thế mà cứ lắm mồm nói dóc ...... Bài bản của Kawasaki đấy. Tại sao ngay lúc nầy lại mang chuyện chạy đua ra nói chẳng hiểu nữa. Tôi thật tức tối, nước mắt cứ ứa tràn lên phía trong mắt. Hễ khóc là tiêu tùng mất. Matsui Kazuko đang nhìn đấy. Chớ khóc. Aihara cười tủm tỉm. Aihara vốn mang mặc cảm xuất thân từ trường đại học chẳng ra gì nên muốn xả mặc cảm ấy bằng cách đánh đập học trò như tôi một cách tận tình vui thú như thế. Bọn học trò du côn như đám Shirogushi Yuji cũng thường bị tay Aihara nầy hành hạ. Trong giờ nhu đạo, cứ hay bị vật ngã rồi chẹt cổ, bị chận ép đến gần dập dái, bị quật tung vào tường, bị nắm tai rồi quét chân cho ngã nhào xuống, ...... Nói gì đi nữa, thầy giáo mà có sức trâu thế thì mạnh hơn tôi là cái chắc. Tôi bị nắm tóc lôi lên phòng giáo chức. Bọn Shirogushi Yuji, Adama, Iwase, ... nhìn sững. Không lẽ ... không lẽ ... Shirogushi Yuji lầm bầm. Không lẽ Kazuko ... Kazuko bị cưỡng hiếp rồi sao ...
Tôi bị phạt đứng ở phòng giáo chức suốt một giờ đồng hồ. Lúc bị bắt đứng đấy, tôi ghét nhất là thầy cô giáo đi ngang qua lại hỏi: Trò làm gì mà bị phạt thế? Mỗi lúc bị hỏi lại phải giải thích. Rồi thầy hướng dẫn lớp và thầy đảm đương ban báo chí lại phải tạ lỗi với Yoshioka, Kawasaki và Aihara. Ra cái điều hai thầy đã vì tôi mà chịu nhục.
Dù thế nào đi nữa, kết cuộc, tôi đã chẳng nói gì được với Matsui Kazuko cả.
*
Cậu học trò năm thứ hai bị Adama "mượn đỡ" máy quay phim 8 ly đã đến gặp tụi tôi. Tên cậu ta là Masugaki Tatsuo. Tôi và Adama chế giễu tên gì mà lại Masugaki, nghe dâm tục quá [10] nhưng cậu ta thì nghiêm chỉnh lắm. Masugaki gia nhập nhóm Chính trị do Narushima và Otaki lãnh đạo, nên đến bảo tụi tôi là nếu không dùng máy quay phim vào chuyện có chủ đề đấu tranh thì hắn không cho mượn đâu. Adama phải ôn tồn phủ dụ hắn rằng không cứ gì phải trương chủ đề đấu tranh lộ liễu, mà trình bày biểu tượng tư tưởng đấu tranh như kiểu Godard cũng được chứ gì. Masugaki đành dặn tụi tôi đến gặp mà giải thích cho Narushima và Otaki hiểu, rồi bỏ đi.
*
-"Chào anh".
Giọng nói mát dịu ấy vọng đến tai tôi. Buổi sáng, đang trên đường đi học ở dốc lên ngay trước cổng trường. Tôi quay đầu nhìn lại thì ngay trước mắt là nàng nai tơ Bambi! Matsui Kazuko đấy. Tôi run lên.
-"À, chào em". Tôi nói, vừa cười tươi, và khoác tay lên vai Matsui Kazuko, vuốt nhẹ mái tóc nàng ... là nói xạo, chứ thật ra, chẳng thốt ra được lời nào cả.
-"Anh Yazaki đi xe buýt à?"
Chỉ là chuyện đi học bằng phương tiện gì đấy thôi.
-"Không, tôi đi bộ. Còn Matsui thì sao?"
-"Em đi xe buýt".
-"Xe buýt đông lắm phải không?"
-"Ừm, cũng thường thôi".
-"Nầy, biệt hiệu Lady Jane là do ai đặt thế?"
-"Các chị học lớp trên đấy".
-"Từ bản nhạc của Rolling Stones, phải không?"
-"Ừm, đúng thế. Bởi em thích bản nhạc ấy".
-"Bản ấy thì hay thật. Thích Stones lắm à?"
-"Không, Stones thì không biết nhiều đâu. Thích Dylan, Beatles hơn, mà thích nhất vẫn là Simon and Garfunkel [11] "
-"Thế à. Tôi cũng thích lắm".
-"Anh Yazaki có đĩa nhạc của ban ấy không?"
-"Ừ, có các đĩa như Sáng Thứ Tư Lúc 3 Giờ; Parsley, Sage, Rosemary and Thyme, hay là Tôi Muốn Sớm Trở Về Nhaø."
-"Thế có đĩa Bookends không?"
-"Có chứ".
-"Ồ, cho mượn được không?"
-"Được chứ"
-"Ồ, thế thì thích quá. Trong đĩa ấy, em thích nhất bản Trong Vườn Thú, lời ca cũng tuyệt vời nhất rồi".
-"Ừ, tuyệt vời nhất thật chứ".
Tôi nói, vừa nghĩ phải làm cách nào để có được đĩa Bookends ấy. Góp nhặt tiền nong lại, rồi bắt cả Adama lẫn Iwase góp thêm vào, nếu được thì ngay hôm nay phải mua đĩa Bookends. Chẳng làm sao hơn, một khi nữ tài tử chính đã muốn đến như thế.
-"Anh Yazaki lúc nào cũng suy nghĩ như thế à?"
-"Gì kia?"
-"Hôm trước anh đã nói với thầy Yoshioka thế đấy mà".
-"À, chuyện Việt Nam ấy à?"
-"Vâng".
-"Dù chẳng suy nghĩ đi nữa, cũng đập vào mắt mình đấy. Như tin tức báo chí chẳng hạn".
-"Anh thường đọc sách nữa?"
-"Ừm, đọc chứ".
-"Có cuốn nào hay, cho mượn đi".
Tôi thầm mong con đường dốc lên trường nầy kéo dài đến vô tận. Để tôi được chuyện trò với Matsui Kazuko như thế nầy mãi mãi. Lần đầu tiên tôi biết được, chỉ cần bước song đôi với thiếu nữ xinh đẹp yêu kiều, tim mình nhảy những nhịp nhanh vui đến thế nào.
-"TV hay gì khác, thường cho thấy những cảnh học sinh xuống đường biểu tình, hay phong toả trường học đấy, phải không? Mình cũng là học sinh mà sao cứ thấy như là thế giới nào hoàn toàn xa lạ. Mà có lẽ cũng hiểu được vì sao".
-"À?"
-"Anh Yazaki đã nói Shakespeare gì gì đấy là chuyện bá láp cả đấy chứ gì? Em cũng nghĩ thế".
-"Thế à?"
-"Simon and Garfunkel chẳng hạn, họ đi sát với thời đại chúng mình. Shakespeare thì chẳng thế được".
Vậy mà, rồi cũng đến trường mất. Hai đứa nói "bye, bye" chia tay sau khi hứa hẹn về đĩa nhạc Bookends. Nàng đi rồi mà tôi vẫn còn cảm giác mình đang đứng giữa cánh đồng đầy hoa.
*
Đột nhiên, tôi nói "Tụi mình dựng rào phong toả trường học đi!" làm Adama sửng sốt. Tôi có cảm tưởng là Matsui Kazuko đã nói gì như em thích con trai dám xuống đường biểu tình hay phong toả trường học.
Adama bàn "Masugaki cũng đã nhắn nhủ đấy, vậy thì ta đến căn cứ của tụi Narushima và Otaki một lần xem sao".
Dịch xong 04/2005
Cước chú:[1] Godard : Jean-Luc Godard (1930- ), nhà đạo diễn Pháp nổi tiếng, là ngọn cờ đầu của phim ảnh Đợt Sóng Mới - Nouvelle Vague, với những tác phẩm phê phán thời đại. Xin xem thêm :
[2] Kenneth Anger (1927-) : nhà làm phim tiền vệ Mỹ nổi tiếng với các phim-dưới-hầm (underground), phim thử nghiệm (experimental) như "A midsummer night's dream" (1935), "Fireworks" (1947), "Scorpio Rising" (1963), ...
[3] Jonas Mekas (1922-) : nhà làm phim tiền vệ Mỹ gốc Đức, một trong những người chủ xướng phong trào New American Cinema (1959), nổi tiếng với phim "Guns of the Trees" (1962), và mới đây, "Letter from Greenpoint" (2004).
[4] Cao: trường trung học cấp ba ở Nhật được gọi là Cao đẳng Học hiệu - Kôtô Gakkô. Bắc Cao, là trường nổi tiếng nhất thành phố Sasebo nhờ tỉ suất đậu vào đại học cao vượt bực trong toàn tỉnh.
[5] Phái Mềm : chuyên chú chuyện uống rượu, tán gái, hút thuốc, đôi khi đánh lộn, cờ bạc, và có liên hệ với băng đảng bạo lực.
[6] Lady Jane : là nhan đề của một bản Rock nổi tiếng của ban Rolling Stones, nhạc và lời của Keith Richards và Michael Phillip Jagger, trong tập nhạc "Rotary Connection" phát hành năm 1967. Trong lịch sử Anh quốc có Lady Jane Grey (1537-1554), người đẹp não nùng với số phận bi thảm, lên ngôi nữ hoàng Anh được 9 ngày thì bị giam, và sau nầy bị xử tử, nạn nhân của việc tranh giành quyền lực sau khi vua Edward VI bệnh mất.
[7] Asaoka Ruriko (1940-) : nữ tài tử có vẻ đẹp quý phái, tài tử chính của hãng phim Nikkatsu.
[8] Ishihara Yujiro (1934-1987) : nam tài tử có vẻ đẹp đàn ông, tài tử chính của hãng phim Nikkatsu, nổi tiếng với các phim về tuổi trẻ và người hùng, được xem là Elvis Presley của Nhật, em ruột của tác gia/chính trị gia Ishihara Shintaro.
[9] Hana no kubikazari : bản nhạc thanh xuân của ban Tigers thịnh hành vào thập niên 1960 ở Nhật.
[10] Masugaki: nghe như masu (masturbation - thủ dâm) kaki (gãi).
[11] Simon and Garfunkel: Ban nhạc/song ca Paul Simon và Arthur Garfunkel của Mỹ, nổi tiếng thế giới thập niên 1960 với các bản "The Sounds of Silence", "Mrs Robinson", "Bridge Over Troubled Water", "Scarborough Fair", ..., đã nhiều lần đoạt được giải thưởng ca nhạc Grammy và được đưa vào điện- đường kỷ niệm các ban nhạc Rock bất hủ - Rock and Roll Hall of Fame.