Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang Chủ ] [ Tác giả ]
MURAKAMI RYU TIỂU THUYẾT GIA HIỆN ĐẠI NHẬT BẢN
Phạm Vũ Thịnh
|
Tạp chí Time năm 1997 viết rằng Murakami Ryu là "một trong 11 người sẽ cách-mạng-hoá Nhật Bản" ("One of the 11 who will revolutionize Japan").Murakami Ryu sinh năm 1952. Con trai duy nhất của một gia đình song thân làm nghề dạy học, cho đến năm 18 tuổi, ông sống ở Sasebo, Nagasaki, thành phố cảng có căn cứ Hải quân Mỹ, chịu ảnh hưởng văn hoá Âu Mỹ. Thời trung học cấp ba, ông đã là một học sinh ưu tú, tay trống trong ban nhạc Rock, và chủ bút tờ báo trường. Nhằm vào cao trào sinh viên học sinh phản thể chế, phản đế, phản chiến Việt Nam, sự kiện lực lượng Zengakuren - Liên hiệp Sinh viên Học sinh Toàn quốc đến thành phố nầy ngăn chận không cho Hàng không Mẫu hạm nguyên tử của Mỹ vào hải cảng đã tác động mạnh đến ông; năm sau đó, ông cùng bạn bè lập hàng rào phong toả trên sân thượng trường học, chống căn cứ Mỹ ở Sasebo, do vậy mà bị cấm đến trường một thời gian.
Năm 1970, ông lên Tokyo học ở Đại học Nghệ thuật Musashino, ở trọ gần căn cứ quân sự Mỹ Yokota trong hai năm. Ông khởi đầu văn nghiệp với truyện dài "Kagirinaku Tômei Ni Chikai Buru-, Almost Transparent Blue, Màu Xanh Không Ngừng Trong Suốt" năm 1976, mô tả đời sống của lớp người trẻ trong khu vực gần căn cứ quân sự Mỹ, đắm đuối trong văn hoá tính dục, ma túy và nhạc Rock. Tác phẩm đầu tay nầy đoạt ngay giải Tác Giả Mới - Gunzô, và liền sau đó giải Akutagawa, giải văn học cao quý nhất Nhật Bản, và cho đến nay đã bán đuợc trên 2 triệu cuốn. Ông bỏ đại-học, chuyên chú việc sáng tác. Rồi làm việc cho một nhà xuất bản, đảm trách chương trình phát thanh về âm nhạc và phỏng vấn nghệ sĩ, đảm đương chương trình TV, đạo diễn phim ảnh, chứng tỏ tài năng trong nhiều lãnh vực truyền thông.
Ông viết và nói về nhiều đề tài đa dạng: kinh tế, chính trị, giáo dục, sinh học, tính dục, ...; đến được gọi là "enfant terrible, đứa con quậy phá khủng khiếp", là "đứa con không ai dự đoán được của văn học Nhật Bản". Tập tiểu luận "Ano Kane De Nani Ga Kaeta Ka?, What Such Money Could Have Bought?, Đáng Lẽ Đã Làm Được Gì Với Số Tiền Như Thế?" của ông đã gây dư luận sôi nổi do những ý kiến độc đáo, thực dụng hay hài hước, về chuyện số tiền 74 tỉ Mỹ kim chính phủ Nhật đã bỏ ra để cứu một số ngân hàng khỏi phá sản khi kinh tế bọt vỡ tung, mà đáng lẽ nên dùng vào những việc khác có ích cho dân chúng hơn. Cuốn sách nêu vấn đề chính trị gia quyết định những ngân sách khổng lồ người dân không tưởng tượng được, mà lại không bị kiểm soát hay đàn hặc gì cả.
Ngoài "Almost Transparent Blue, Màu Xanh Không Ngừng Trong Suốt", tác phẩm của ông được dịch ra tiếng nước ngoài còn có "Coin Locker Babies", "In The Miso Soup", "69", ...
"Koinrokka-beibi-zu, Coin Locker Babies, Bé Con Trong Ngăn Tủ Khoá Bằng Đồng Xu", xuất bản năm 1980, được giải thưởng Tác Giả Mới - Noma năm 1981, kể chuyện hai đứa bé bị bỏ rơi trong ngăn tủ khoá ở nhà ga, được nuôi trong trại mồ côi, lớn lên tìm cách trả thù những người đã đối xử tàn tệ với mình, trong bối cảnh xã hội lãnh đạm, tàn nhẫn.
"In Za Miso Su-pu, In The Miso Soup, Trong Chén Xúp Tương", xuất bản năm 1997, đúng vào thời kỳ tệ nạn nữ sinh mại dâm dưới danh nghĩa "enjô kôsai, compensating dating, giao tế có viện trơï" lên đến mức khủng hoảng ở Nhật, kể chuyện một thanh niên Nhật được một du khách Mỹ thuê hướng dẫn đi xem những chốn ăn chơi đồi trụy, rồi xảy ra vụ một nữ sinh mại dâm bị thảm sát, xác cắt rời bị vất bỏ trong bao rác trong khu vực "đèn đỏ" Kabukicho ở Shinjuku, khiến anh ta nghi ngờ người Mỹ nầy là thủ phạm, từ hình dung và hành trạng kỳ dị của ông ta.
"69" xuất bản năm 1987, là truyện dài có tính cách tự thuật kể lại thời trung học cấp ba của nhân vật chính, một cậu trai sống ở thành phố cảng có căn cứ quân sự Mỹ, trong năm 1969, thời kỳ sinh viên học sinh phản thể chế, phản đế, phản chiến; ham thích nhạc Rock, phim ảnh Âu Mỹ, bị ảnh hưởng bởi các xu hướng chính trị đang sôi sục, đồng thời quan tâm đến người khác phái và chuyện tình dục. Truyện nầy đã được quay thành phim với đạo diễn Lee Sang Il, tài tử Tsumabuki Sotoshi và Ando Masanobu.
Tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của Murakami Ryu là "Topa-zu, Topaz, Hoàng ngọc" xuất bản năm 1988, thu tập các truyện ngắn phần lớn viết về giới gái mại dâm, ngập ngụa trong vũng lầy dục vọng biến thái của khách đàn ông, nhưng cho thấy những ước vọng nhân tính, khắc khoải hướng thượng. Tập truyện nầy làm nền tảng cho cuốn phim "Tokyo Decadence, Đông Kinh Trụy Lạc" do Murakami Ryu đạo diễn, đã gây sôi nổi ở Đại hội Phim ảnh YÙ năm 1992. Cho đến nay, 5 cuốn phim do ông đạo diễn với cước bản dựa trên các tiểu thuyết của ông, đều làm xôn xao dư luận vì những mô tả thẳng thắn đến sống sượng về những chuyện cấm kỵ của xã hội hiện đại. Đặc biệt, xã hội ấy không những dung nhận mà còn tưởng thưởng những tác phẩm nặng tính tả thực của ông.
Tiểu thuyết và phim ảnh của Murakami Ryu tạo sốc. Lối diễn đạt ngổ ngáo có khi trắng trợn của ông không khiêu khích nhưng vẫn chênh vênh ở bờ vực phong hoá, làm những nhà đạo đức phải nhăn mặt.
Tác phẩm của Murakami Ryu giúp người ngoại quốc thấy được mặt trái của Nhật Bản, đất nước của trà đạo, thư pháp, kimono, kabuki, hoa anh đào, ... còn đầy cả tham nhũng, dâm thư, những hình thái trụy lạc đến phi nhân, ...; nơi mà ai cũng có thể mua được từ máy bán hàng tự động những lon nước ngọt, thức ăn nóng, lạnh, 37 loại lon cà-phê đủ mùi vị, ... mà cả thuốc lá, dâm thư, và quần lót dùng rồi của nữ sinh.
Nhân vật của ông là giới trẻ hiện đại, không tin tưởng vào sự đồng thuận với tập thể để đổi lấy sự an toàn và thăng tiến theo thứ tự, như xã hội truyền thống Nhật Bản hứa hẹn và đòi hỏi. Hiện tượng "hikikomori" (socially withdrawn) thu mình lại, tránh tiếp xúc với xã hội, trong giới trẻ đã trở thành phổ biến, như một hệ quả của những biến đổi xã hội trầm trọng do kinh tế Nhật phát triễn mạnh cuối thế kỷ 20. Giới trẻ không thể nào "thu mình lại" kiểu ấy được nếu cha mẹ không đủ giàu để có thể cung cấp sẵn chỗ ở, thức ăn và cả những tiện nghi xa xỉ như máy móc âm hưởng, video, máy tính, điện thoại di động, ... Kỹ thuật mới, được xã hội tưởng lệ, như Internet, DVD, ... lại tạo nên không gian cá nhân biệt lập, không-gian-ảo mà người ta sống được gần như hoàn toàn trong đó, làm được cả chuyện mua bán, đổi chác, vay trả mà không cần ra khỏi nhà để giáp mặt người khác. Xã hội hậu-hiện-đại Nhật bản đã tạo những sức ép nghẹt thở lên giới trẻ, như "địa ngục luyện thi đại học", các lớp-học-thêm đua tranh ráo riết ngay từ tiểu học, ... Đã có những vụ thiếu niên 14 tuổi thủ dao đến trường đâm chết bạn, hay thiếu niên thiếu nữ qua internet rủ nhau tự sát tập thể, ... là những biểu hiện cực đoan của sự phản kháng đối với xã hội hiện đại, của giới trẻ, mà phản ứng thường nhật, ở cấp độ nhẹ nhàng hơn, là ngôn hành thô tạp, và lối sống theo kiểu hư vô chủ nghĩa.
Ông cho rằng sự gia tăng của số thiếu niên phạm pháp là hiện tượng chung của các nước tiên tiến, không riêng gì Nhật. Quả thật, hiện tượng "văn hoá trẻ" Nhật Bản, nhất là truyện tranh "manga", phim ảnh hoạt hoạ Nhật : Astro Boy, Pokemon, Yu-Gi-Oh phổ biến và được yêu chuộng nồng nhiệt ở cả phương Tây lẫn phương Đông, cho thấy rằng những vấn đề của giới trẻ Nhật Bản hiện nay có thể cũng sẽ phát hiện ở các nước khác, nhất là những nước đồng-văn ở Đông Á.
Sự suy yếu gần như khủng hoảng kinh tế ở Nhật trong những năm gần đây, theo Murakami Ryu, lại có thể là hoàn cảnh tốt cho người Nhật quan tâm khẩn thiết hơn về tương lai mà cố gắng cải thiện xã hội. Bởi kỷ nguyên hiện-đại-hoá khởi từ thời Minh Trị phục hưng đã chấm dứt 20, 30 năm trước rồi; chế độ làm việc chung thân cho một hãng, sự bảo hộ của hãng sở, khu phố, chính phủ, không còn thực chất nữa. Do đấy, cần cổ xướng lối suy nghĩ và hoạt động cá nhân, không phải theo nghĩa chống lại đoàn thể hay xã hội, mà phải là tìm hiểu vai trò của cá nhân để đóng góp hữu hiệu, hay giữ quan hệ thích hợp trong tập thể. Nhất là giới trẻ, không thể cứ chỉ nhắm mắt làm theo lệnh cấp trên hay các bậc trưởng thượng, trong ảo giác an toàn xã hội, mà phải suy nghĩ trong chiều hướng độc đáo cá nhân.
Murakami Ryu cho rằng Nhật bản đang đối đầu với một khúc ngoặc quan trọng, không chỉ về kinh tế mà còn về văn hoá nữa, do đòi hỏi toàn-cầu-hoá về kinh tế và tài chính; như là "lần mở cửa thứ hai" sau lần Minh Trị Duy Tân.
Phạm Vũ Thịnh
Sydney 12-2004
Tham khảo :[1] John Paul Catton : "Big In Japan : Murakami Ryu", trang mạng http://metropolis.japantoday.com/biginjapanarchive299/290/biginjapaninc.htm
[2] Sayuri Saito : "Ryu Murakami: Enfant terrible of literature", trang mạng http://www.yomiuri.co.jp/intview/0223dy17.htm
[3] Jonathan Sprague & Murakami Mutsuko : "Internal Exodus - Novelist Murakami Ryu sees a dim future", trang mạng http://www.asiaweek.com/asiaweek/magazine/2000/1020/sr.japan_ryu.html
[4] Murakami Ryu : "69", bản bỏ túi do nhà Shueisha tái bản lần thứ 40, tháng 8 năm 2004.
Arthur Rimbaud
MURAKAMI RYU
(Aruchu-ru Ranbo-)
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch : Chương thứ 1 trong truyện dài theo thể tự thuật "69" xuất bản năm 1987, được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật "Aruchu-ru Ranbo-" trong bản bỏ túi do nhà Shueisha tái bản lần thứ 40, tháng 8 năm 2004.
1969Năm nầy, Đại-học Đế-quốc Đông-Kinh bỏ không mở kỳ thi tuyển-sinh [1]. Ban nhạc Beatles phát biểu các đĩa White Album, Yellow Submarine, Abby Road; ban Rolling Stones cho ra đĩa đơn nổi tiếng nhất Honky Tonk Women; bọn người tóc dài gọi là Hippy kêu gọi yêu thương và hoà bình. Ở Paris, De Gaulle xuống. Ở Việt Nam, chiến tranh vẫn tiếp tục. Nữ sinh trung học cấp ba dùng băng-vệ-sinh thay cho nút-bông.
1969 là một năm như thế. Năm ấy, tôi từ lớp 11 lên lớp 12, ở trường trung học cấp ba phổ-thông chuẩn bị đại học trong tỉnh ở đầu mút phía tây đảo Kyushu, có căn cứ quân đội Mỹ. Lớp tôi thuộc hệ khoa học chuẩn bị đại học nên nữ sinh chỉ có bảy mống. Đại loại, nữ sinh nhắm các ngành khoa học phần lớn xấu xí. Nhưng có được bảy mống đã là quý hóa lắm, bởi suốt hai năm lớp 10, 11, lớp tôi đã chỉ toàn đực rựa thôi.
Bảy cô lớp tôi thì cũng đến năm cô xấu. Chỉ được hai cô còn lại, trong đó, cô Mochizuki Yuko là con gái nhà bán gỗ, xinh xắn giống con búp-bê Kewpie. Tiếc rằng nàng búp-bê Kewpie nầy chẳng thèm để mắt đến thứ gì ngoài cuốn Toán học B2 Công thức Đồ hình, và cuốn Tự điển Chữ đơn Bỏ túi của nhà xuất bản Obunsha. Nam sinh tụi tôi kháo nhau rằng không chừng cơ quan sinh dục của cô nầy làm bằng gỗ.
Cô còn lại là thiếu nữ xinh đẹp Nagata Yoko, cùng tên với Thủ lãnh của nhóm khủng bố Liên hợp Xích quân làm náo động thiên hạ ba năm về sau. Rất may, nàng Nagata Yoko của tụi tôi thì không bị bệnh Basedow như Thủ lãnh kia.
Trong lớp có một tên nam sinh đã may mắn được học đàn organ với Nagata Yoko thời học lớp mẫu giáo. Tên hắn là Yamada Tadashi, cái tên đơn giản dị thường, chỉ cần nhớ mấy chữ Hán-Nhật ít nét "Sơn-Điền-Chính" học ở lớp vỡ lòng tiểu học là viết ra được ngay. Mà hắn lại là thằng học giỏi xuất chúng, đang nhắm vào khoa Y ở các đại học quốc lập. Xuất chúng đến độ tiếng tăm vang xa đến cả các trường khác; mà hắn lại đẹp trai nữa.
Chỉ tiếc là, nét đẹp trai của hắn không sắc sảo mà có phần ngờ nghệch. Cũng tại quê quán nơi hẻo lánh ảnh hưởng lên khuôn mặt Yamada Tadashi. Hắn không phải là dân sinh đẻ ở thành phố, mà xuất thân từ xóm mỏ than ngoại biên. Nếu người ta chê giọng nói của tụi tôi là thổ âm địa phương, thì giọng nói của Yamada Tadashi còn phải gọi là Đại Thổ Âm mới đúng, vì hắn nói giọng đặc biệt quê mùa của xóm mỏ than còn nặng gấp mấy lần giọng tụi tôi nữa. Thật đáng tiếc. Giá mà Yamada Tadashi xuất thân từ thành phố thì hẳn đã biết đàn ghi-ta, biết chạy xe gắn máy, rành nhạc Rock, vào quán cà-phê biết gọi đàng hoàng cà-phê-đá thay vì cơm cà-ri, và biết lợi dụng cần-sa lúc bấy giờ đang bí mật lưu hành trong giới học sinh, mà dụ dỗ nữ sinh cho một lần ân-huệ rồi.
Dù vậy, cũng chẳng thay đổi được sự thật là Yamada Tadashi đẹp trai. Thời ấy, trong đám bạn bè tụi tôi, hắn có biệt danh là Adama. Vì hắn giống ca sĩ Pháp Adamo.
Còn tôi tên là Yasaki Kensuke, mọi người gọi là Kensuke, Ken, cậu Ken, cu Ken, Kenken, ... nhưng tôi thì thích được gọi là Ken hơn, nên bảo mấy thằng bạn thân gọi tôi là Ken, lý do là vì tôi thích truyện tranh "Thiếu niên sói Ken".
Mùa xuân năm 1969.
Hôm ấy, kỳ thi kiểm đầu tiên cho tất cả các lớp, sau khi tôi lên lớp 12, đã chấm dứt. Tôi làm bài tồi tệ vô cùng. Lớp 10, lớp 11, lớp 12, thành tích của tôi nhảy dù đứt dây. Lý do thì nhiều lắm. Cha mẹ ly dị, em trai tự sát thình lình, tự-thân ngã theo chủ nghĩa hư vô của Nietzche, tổ mẫu bị bệnh nan y, ......; những lý do ấy là xạo hết, thật sự chỉ đơn giản là tôi trở nên ghét việc học mà thôi. Nhưng mà, thời ấy, sự thực đã có phong trào suy nghĩ rằng những kẻ học thi lên đại học là Tay sai của Tư bản. Mặc dù lực lượng Zenkyoto Cộng đồng Đấu tranh Toàn quốc đang suy yếu dần, nhưng chính Đại-học Đế-quốc Đông-Kinh đã bỏ không mở kỳ thi tuyển-sinh rồi.
Có thời kỳ người ta suy nghĩ dễ dãi rằng có thể sắp có thay đổi lớn gì đấy. Để đối ứng với thay đổi ấy, có cái mốt suy nghĩ rằng học thi vào đại học là không đúng, mà hút cần-sa mới đúng.
Ngồi ngay sau lưng tôi là Adama. Thầy giáo vừa bảo "Nào, thu bài bắt đầu từ cuối lớp", tôi quay lại liếc thấy bài làm của Adama. Hắn làm xong gấp ba lần tôi.
Thi xong hết các môn, định sẽ trốn họp lớp và quét dọn, tôi rủ Adama.
_"Ê, Adama, mầy biết Cream là gì không?"
_"Cream à? Kem lạnh phải không?"
_"Đồ ngu! Cream là tên một ban nhạc bên Anh đấy, mầy không biết sao?"
_"Không biết".
_"Thằng chậm tiến! Mầy tiêu tùng rồi!"
_"Tiêu tùng? Tại sao?"
_"Vậy chứ, mầy biết Rimbaud [2] không?"
_"Tên ban nhạc nữa, phải không?"
_"Đồ ngu! Nhà thơ đấy. Đây nầy, đọc thử đi. Đoạn thơ nầy nầy".
Tôi đưa cho hắn bài thơ của Rimbaud. Đáng lẽ phải chi hắn từ chối _"Không cần" thì đâu có chuyện gì. Hắn lại lên giọng đọc lớn mới khổ. Bây giờ nghĩ lại, tôi hiểu ra rằng từ giây phút định mệnh ấy, số phận của Adama đã biến chuyển đến mức kinh hoàng.
30 phút sau, tôi và Adama đã có mặt trước chuồng khỉ tay dài trong Sở Thú thành phố cách trường một đỗi xa. Vừa thi xong, trốn họp lớp, cả ăn trưa, và quét dọn lớp, nên bụng hai đứa đói meo. Adama trọ học trong thành phố vì nhà ở xa tận xóm mỏ không đi về mỗi ngày được, nên mỗi ngày nhà trọ làm cơm trưa sẵn cho hắn mang theo. Còn tôi thì không mang cơm trưa theo, mà đòi mẹ cho 150 Yen để mua thức ăn trưa. Chắc bây giờ có người ngạc nhiên sao chỉ có 150 Yen, chỉ vì lạm phát trong 15 năm qua đó thôi. Nhà tôi chẳng phải nghèo xác xơ gì đâu. Thời bấy giờ, năm 1969, 150 Yen là một món tiền rất lớn. Chứ con trai con gái nhà nghèo xác xơ thật thì chỉ có được khoảng 50 Yen mà thôi, trong đó, 20 Yen để mua sữa tươi, 10 Yen bánh bao đậu, còn lại 20 Yen mua bánh bao cà-ri mà gặm mỗi ngày. "Đã tìm thấy lại rồi đây
Gì kia?
Vĩnh cửu
Là biển tan vào mặt trời.[3] "Có đến 150 Yen thì ăn được tô mì, uống sữa, ăn bánh bao cà-ri, bánh bao dưa melon, và bánh bao mứt trái cây.
Thế nhưng, tôi chỉ mua một cái bánh bao cà-ri mà nhịn tất cả các thứ khác, kể cả sữa tươi; tiền còn lại bao nhiêu thì để dành. Để mua sách của Sartre, Genêt, Céline, Camus, Bataille, Anatole France, Oe Kenzaburo, ......, là nói dóc; thật ra là để có tiền mà đi disco, đi quán cà-phê, tán các cô nữ sinh thuộc "phái Mềm" của trường nữ tư-thục Junwa Thuần-Hoà nổi tiếng vì tỉ-số-gái-đẹp đến 20%.
Thành phố của tụi tôi có hai trường công-lập trung học cấp ba luyện thi đại học, gọi là Bắc Cao và Nam Cao [4], một trường trung học kỹ thuật công-lập do huyện lập nên, một trường trung học thương nghiệp do thành phố lập nên, rồi ba trường nữ tư thục trung học cấp ba, và một trường tư cho cả nam lẫn nữ. Không phải là một thành phố lớn trong nước, nên trường trung học tư là ổ của đám học trò dốt.
Trường trung học cấp ba của tôi, Bắc Cao, là trường nổi tiếng nhất thành phố nhờ tỉ suất đậu vào đại học cao vượt bực, sau đó đến Nam Cao, còn trường trung học kỹ thuật thì mạnh nhất về môn bóng chày. Con gái học trường trung học thương nghiệp thì xấu như ma lem. Tư thục Junwa thuộc hệ thống giáo dục Thiên Chúa Giáo, không hiểu vì lý do gì mà có thật nhiều con gái đẹp, trong khi tư thục Yamate Gakuen thì bị đồn đại là có nhiều nữ sinh liên tiếp bị sẹo vì tai nạn bùng nổ trong trò chơi thịnh hành là thủ dâm bằng bóng đèn chân không dùng trong máy thu thanh loại cổ. Tư thục Koka thì toàn là nữ sinh tính tình u ám đến nỗi hầu như chẳng ai muốn nhắc đến. Còn tư thục cả nam lẫn nữ Asahi thì nghe đâu cả tụi con trai lẫn con gái khi nào lắc đầu lại phát ra những tiếng trống rỗng khô khan.
Đối với đám nam sinh Bắc Cao tụi tôi, muốn được coi là có "địa vị" phải trước hết là có bạn gái là nữ sinh thuộc ban Diễn kịch Anh ngữ của Bắc Cao, có người yêu là nữ sinh thuộc phái đồng phục của trường Junwa, và sau đó, có tình nhân là nữ sinh thuộc phái thường phục của trường Junwa, được nữ sinh trường Yamate Gakuen cho xem vết sẹo, được nữ sinh trường Koka và Asahi cung phụng tiền bạc. Tiêu chuẩn đại khái được quy định như thế. Thế nhưng tất nhiên ở đời thì từ xưa đến nay, có bao giờ mà tất cả mọi thứ như thế đều đạt thành song suốt cả đâu; cho nên tạm thời tôi phải đặt chuyện "địa vị" ấy sang một bên, trước mắt là tìm cho ra đối-tác nào cho phép mình vào đến tận cùng, càng sớm càng tốt. Thế nên, dù có trong tay món tiền lớn đến 150 Yen, tôi đành chỉ dám mua một chiếc bánh bao cà-ri mà lót lòng cho qua bữa.
_"Nầy, tớ đi mua bánh bao cà-ri gì đấy một tí nhé".
Tôi nói, nhìn chăm bẳm vào hộp cơm trưa của Adama, trước chuồng khỉ dài tay.
_"Chia hai với tớ mà ăn chung đi".
Adama nói, rồi sớt nửa hộp cơm trưa, thức ăn trông thật thảm, đúng điệu cơm nhà trọ ấy vào nắp hộp cho tôi. Tiền đi xe buýt từ trường đến Sở Thú cũng đã do Adama trả cho, hắn vốn là học sinh ngoan ngoãn, đáng lẽ đã ở lại trường tham gia họp lớp rồi chùi kính cửa sổ; thấy hắn ân cần đến thế với mình, lương tâm hổ thẹn cắn rứt nên tôi khiêm cẩn mà từ chối ......, tất nhiên là nói xạo thế, chứ thật ra tôi đã nghĩ : tại sao có đến ba viên chả cá mà Adama chỉ chia cho tôi có một viên thôi; thằng nầy hà tiện quá, tương lai chắc chẳng thành y sĩ, mà thích hợp hơn với việc làm kho bạc, ngân hàng cho vay gì đấy; tôi đã nghĩ quyết như thế mà đớp gọn trong vòng ba phút.
Theo thói thường của các cặp mới quen nhau đi chơi chung ngoài trời, cơm trưa xong thì cả hai chẳng còn chuyện gì để làm cả. Mà ngắm khỉ tay dài trong tâm trạng chán chường ấy một hồi thì lại thấy đói bụng. Phải chi bụng no thì lúc nầy có thể đánh một giấc trưa ngon lành rồi, nhưng chỉ với một nửa hộp cơm nhà trọ nghèo nàn thế kia thì làm sao mà ngủ cho yên được.
Chẳng có chuyện gì làm nên dĩ nhiên là tụi tôi ngồi nói chuyện đời.
_"Thế cậu Ken định đi đại học nào?"
_"Đừng gọi là cậu Ken, gọi tớ là Ken hộ đi nhé". Tôi không thích người ta gọi tôi là cậu Ken.
_"Được thôi. Ken định ngành y chứ gì? Từ lớp 10 đã nói thế rồi đấy nhỉ".
Tôi nổi tiếng trong trường vì bốn lý do. Lý do thứ nhất là năm lớp 10, mùa thu có kỳ thi thử do công ty xuất bản sách giáo khoa Obunsha tổ chức chung cho tất cả các học sinh muốn vào học các đại học y khoa, hay ngành y trong các đại học; trong số tổng cộng 20 ngàn sĩ tử trên toàn quốc, tôi được sắp hạng 321. Lý do thứ hai, tôi là một tay trống trong ban nhạc, rành các ngón nghề của các ban Beatles, Rolling Stones, Walker Brothers, Procol Harum, Monkeys, Paul Revere & the Raiders, và nhiều ban khác nữa. Lý do thứ ba là tôi có chân trong ban báo chí, đã từng đăng bài không qua kiểm duyệt của giáo viên hướng dẫn, đến nỗi đã ba lần báo bị thu hồi. Lý do thứ tư là vào học-kỳ thứ 3 của lớp 10, trong buổi hội tiễn học sinh lớp 12 ra trường, đã toan tính diễn kịch dựng lại cuộc đấu tranh của Liên hiệp Sinh viên Học sinh Toàn quốc thuộc 3 hệ phái đã đến thành phố nầy định ngăn chận không cho Hàng không Mẫu hạm nguyên tử của Mỹ vào hải cảng, và bị thầy cô dẹp mất. Nghĩa là tôi bị xem như một thứ học sinh khác đời.
_"Chẳng còn vào được y khoa đâu, đã rõ ràng là không được rồi mà".
_"Nếu thế thì Ken định đi khoa Văn phải không?"
_"Khoa Văn thì tớ đếch thèm!"
_"Thế đọc thơ gì đấy để làm gì?"
Chẳng lẽ phải nói thật với hắn là chỉ để đọc cho các nữ sinh nghe. Bởi Adama thuộc "phái cứng" mà.
_"Thật ra, tớ không thích gì thơ, dù vậy, chỉ có Rimbaud là biệt lệ, bởi Rimbaud thì bây giờ là thường thức rồi".
_"Thường thức kia à?"
_"Rimbaud đã ảnh hưởng lên Godard đấy, cậu không biết sao?"
_"À, Godard thì biết. Học trong Sử Thế giới năm ngoái đấy thôi".
_"Sử Thế giới nào?"
_"Thì ông ấy là thi nhân Ấn độ đấy chứ gì?"
_"Thi nhân Ấn độ là Tagore chứ! Godard là đạo diễn phim ảnh kia mà!"
Tôi giảng cho Adama nghe về Godard[5] khoảng 15 phút. Về ngọn cờ đầu của Đợt Sóng Mới - Nouvelle Vague, liên tiếp sáng tạo ra những bộ phim có tính cách mệnh; xen cuối cùng của phim "Kệ xác mầy", cái chết phi lý trong phim "Phố có người nam và người nữ", bố cục phá-cách của phim "Cuối tuần"[6] , ...... Tất nhiên, tôi chưa xem một phim nào của Godard cả. Bởi phim ảnh của Godard chưa hề đi lạc đến cái thành phố nhỏ bé lẻ loi ở mút phía tây của hòn đảo Kyushu nầy bao giờ.
_"Tớ nghĩ là văn học, tiểu thuyết gì đấy đã cổ lổ quá, đã chết rồi". Tôi nói.
_"Thế chỉ còn phim ảnh thôi à?"
_"Không, phim ảnh cũng đã cũ rồi".
_"Thế thì còn gì chứ?"
_"Đại hội Văn nghệ đấy. Gom chung phim ảnh, diễn kịch, âm nhạc, tất cả vào một. Cậu không biết sao?"
_"Không biết".
Vâng, quả thật tôi đang muốn tổ chức Đại hội Văn nghệ kiểu ấy. Đại hội Văn nghệ, cụm từ ấy làm tôi hưng phấn lên. Đủ thứ tác phẩm được trưng bày : kịch nghệ, phim ảnh, ban nhạc Rock, ...; đủ loại người tham gia, trong đó có lẽ sẽ có đến hàng trăm nữ sinh tư thục Junwa; tôi vừa chơi trống vừa trình chiếu cuốn phim do chính tôi đạo diễn, và đóng vai chính trong vở kịch do chính tôi viết cước bản, để mọi người đến xem và tán thưởng; cả đám nữ sinh Junwa, nữ sinh thuộc ban Diễn kịch Anh ngữ của Bắc Cao, nữ sinh xài bóng đèn chân không, nữ sinh lắc đầu trống rỗng, cả đám nữ sinh thương nghiệp Koka cũng sẽ tràn đến mang theo vòng hoa và tiền bạc ...
_"Tôi muốn tổ chức Đại hội Văn nghệ ngay tại thành phố nầy đấy".
Đột ngột, tôi trịnh trọng nói thế. _"Adama, cậu giúp tôi nhé"
Thời bấy giờ, trong trường Bắc Cao thì thành phần học sinh chống thể chế chia làm ba phái : phái Mềm, phái Rock, và phái Chính trị. Phái Mềm chuyên chú chuyện uống rượu, tán gái, hút thuốc, đôi khi đánh lộn, cờ bạc, và có liên hệ với băng đảng bạo lực nữa; nhân vật trung tâm là Shirogushi Yuji. Phái Rock, còn có biệt danh là phái Nghệ thuật, thì kẹp nách mấy cuốn tạp chí "Nhạc Mới", "Jimmy Hendricks Smash Hits", "Sổ Tay Mỹ Thuật", ...; tóc để càng dài càng tốt, ngón tay ra dấu chữ V trong lúc vừa đi, miệng vừa lảm nhảm "Peace! Peace!" (Hoà bình! Hoà bình!). Phái Chính trị thì móc nối với phái Giải phóng của Đồng minh Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa trong đại học Nagasaki, chung tiền thuê phòng trọ làm căn cứ, vách tường dán hình Mao Trạch Đông và Che Guevara, lén lút phát truyền đơn trong trường; hai nhân vật trung tâm là Narushima Goro và Otaki Ryo. Ngoài ba phái ấy ra, còn có những phái thiểu số không có sức động viên đáng kể, như phái Hữu sùng bái Kita Ikki, phái Thanh niên Dân chủ thích dân-dao folk-song, phái Yêu Xe Gắn Máy, phái Văn nghệ chủ trương tạp chí ái hữu, ...
Tôi không thuộc vào phái nào cả, nhưng vẫn giao tế hoà bình với bọn người trong cả ba phái dòng chính ấy. Tôi chơi trống trong ban nhạc nên thường tập dượt chung với phái Rock, thỉnh thoảng lại đi uống bia với nhóm người trong phái Mềm, và tham gia những buổi hội thảo tại căn cứ của phái Chính trị.
_"Đại hội Văn nghệ là thứ gì kia?"
_"À, nói đơn giản là hội hè đấy. Hội hè liên hoan".
_"Liên hoan à".
Trong ban báo chí có Iwase cũng là bạn tôi, là con trai nhà bán hàng kim chỉ, ra vẻ đúng là con nhà bán hàng kim chỉ. Iwase cùng học chung một lớp với tôi từ thời lớp 10, hắn nhỏ con, đầu óc tối tăm, có lẽ vì sống trong gia đình bố chết và có đến bốn người chị, nên khát khao nghệ thuật, tha thiết muốn kết bạn với con nhà hoạ sĩ, là tôi.
Tôi vẫn thường nói chuyện với Iwase về giấc mơ tổ chức Đại hội Văn nghệ của mình. Tôi và Iwase cùng yêu thích các tạp chí nghệ thuật như Sổ tay Mỹ thuật và tạp chí Nhạc Mới, nên mơ ước những đại hội văn nghệ có chủ thể là Rock và Trình diễn đột xuất. Mà Đại hội Rock cũng thế, và cả Đại hội Trình diễn đột xuất cũng thế, đều có chung sự thật là có nhiều cô khoả thân. Hai đứa tôi không nói ra miệng, nhưng đều có suy nghĩ giống nhau.
Thế rồi một ngày kia, Iwase bảo tôi :
_"Ken nầy, cho Yamada nhập bọn đi. Yamada đẹp trai mà học giỏi nữa, nhập bọn với Ken thì làm gì cũng xong cả".
Bộ hắn muốn nói tôi chẳng đẹp trai mà cũng chẳng học giỏi sao chứ? Tôi cự, thì hắn nói Không phải Không phải Không phải đến ba lần.
_"Nầy nhé, Ken thì ..., nên nói sao nhỉ ..., nói thế nầy không phải theo nghĩa xấu đâu nhé ..., nghĩ ra ý sáng thì không ai bì được, nhưng mà, đấy, có làm gì cho nên việc từ các ý sáng ấy đâu? Ừm, nói không làm gì cả thì nghe kỳ quái, nhưng quả thật, thấy trước mắt có gái hay thức ăn thì chạy theo ngay ấy".
Iwase và tôi thèm quay phim quá nên đã cắc củm để dành tiền ăn trưa trong hai năm cho đủ để mua máy quay phim 8 ly. Tiền túi và tiền ăn trưa tiện tặn dành dụm đấy. Nhưng đến lúc trữ được 600 Yen, tôi đã đem đi đãi đám nữ sinh tư thục Junwa ăn cơm gà và bánh kem mất. Lời Iwase nói, chính là về chuyện ấy đấy.
Đúng như Iwase nói, Adama xuất thân từ xóm mỏ, đẹp trai mà học giỏi nên được lắm người mến thích. Lại đã lập được thành tích là trong hai năm tham gia ban bóng rổ, đã giải quyết được ổn thoả mọi rối rắm trong quan hệ bạn bè, quan hệ trai gái, quan hệ tiền bạc cho mọi người trong ban ấy. Do thế, muốn thực hiện Đại hội Văn nghệ thì không thể không lôi Adama nhập bọn được.
Tôi và Adama rời chuồng khỉ tay dài, leo lên tháp trông xa. Mặt trời đã nghiêng một tí về hướng biển.
_"Giờ nầy hẳn là mọi người đang quét dọn lớp đấy nhỉ".
Adama vừa ngắm biển vừa nói thế, rồi cười lớn. Tôi cũng cười theo. Adama đang nếm cái khoái cảm của việc trốn học, tránh chuyện nhà trường. Hắn nói cho hắn xem lại bài thơ.
Adama đọc lớn. Vừa ngắm biển, trên bề mặt có một dải ánh sáng do mặt trời chiếu lên, vừa hỏi mượn tôi tập thơ Rimbaud. Tôi cho hắn mượn luôn các đĩa nhạc Cream và Vanilla Fudge nữa. "Đã tìm thấy lại rồi đây
Gì kia?
Vĩnh cửu
Là biển tan vào mặt trời."Trong suốt cuộc đời đã trải qua 32 năm từ trước đến nay của tôi, năm 1969, năm vui nhộn vào bậc thứ ba, đã bắt đầu như thế.
Tụi tôi năm ấy mới 17 tuổi.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 12-2004
Cước chú :[1] Đại-học Đế-quốc Đông-Kinh : danh xưng lưu truyền của Đại học Đông Kinh - University of Tokyo, đại học truyền thống nổi tiếng nhất Nhật Bản, nơi đào tạo thành phần quan lại cao cấp từ trước đến nay. Do đấy, là biểu tượng của thể chế, đã trở thành mục tiêu đả phá của phong trào sinh viên học sinh phản thể chế, phản đế, phản chiến thập niên 60. Sự kiện Đại-học Đế-quốc Đông-Kinh phải bỏ tuyển sinh năm 1969 là một biến cố trọng đại ở Nhật.
[2] Rimbaud : nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud (1854-1891).
[3] 4 câu trong bài thơ L'éternité (Vĩnh cửu, 1872), bài thơ nổi tiếng của Rimbaud :
Elle est retrouvée
Quoi? - L'éternité
C'est la mer allée
Avec le soleil.[4] Cao : trường trung học cấp ba ở Nhật được gọi là Cao đẳng Học hiệu - Kôtô Gakkô.
[5] Godard : Jean-Luc Godard (1930- ), nhà đạo diễn Pháp nổi tiếng, là ngọn cờ đầu của phim ảnh Đợt Sóng Mới - Nouvelle Vague, với những tác phẩm phê phán thời đại. Xin xem thêm : http://www.sensesofcinema.com/contents/directors/03/godard.html
[6] Nhan-đề ở Nhật của những phim Bout de souffle (Breathless, 1959), Vivre sa vie (To Live One's Life / My Life to Live, 1962), và Week-End (1967).