Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]                  [ Tác giả ]
Đêm kịch câm Mibu
Shiba Ryotaro

Phạm Vũ Thịnh dịch

1

Kyoto, món nấu thập cẩm ngày Tết Ozoni phải nấu với lửa từ cây thuốc Okera (bạch truật) mới đúng tục lệ kinh đô. Mồi lửa Okera thỉnh từ đền Gion ở xóm Yasaka ngay trong đêm trừ tịch. Yoroku người xóm Takaoke phường Mibu, làm nhân viên điều tra phụ giúp cảnh sát, tối Trừ tịch đó từ đền Gion về đến nhà liền trao cho vợ là Okane một thanh gỗ Okera có dây mồi lửa, thanh còn lại anh kẹp vào hai ngón tay, dợm bước trở ra khỏi cửa. Sau lưng anh, Okane nói mỉa:

-"Lại mang sang cho cô vợ goá nhà hàng xóm đấy à?"

-"Chuyện phải làm đây, mà ngài Hijikata cũng đã có bảo nhỏ nữa đấy. Vả lại, cô ấy đang có tang chồng, làm sao dám chui qua cửa Tam quan của đền thần được! Hàng xóm láng giềng với nhau, chia bớt chút đỉnh mồi lửa Okera cho cô ấy cũng được chứ!"

Khi Yoroku bước ra trời đêm, thì từ cửa mắt cáo của nhà bên cạnh, một bóng đen bước nhanh ra ngoài. Khá đẫy người, nhưng cử động nhanh nhẹn có vẻ là một võ sĩ còn trẻ. Nhìn theo bóng đen âm thầm rảo bước trên đường đi xuống phía nam, lòng Yoroku chợt gợn lên niềm ganh tỵ. Quả đúng như Hijikata Toshizo đã nói, Yoroku nghĩ thế, nhưng không để ý đến tình cảm ganh tỵ của mình.

Bản tên treo trước cửa nhà hàng xóm vẫn còn ghi "Anzai". Anzai Kakuemon là lãng sĩ từ phiên trấn Kishu, mới hai tháng trước đây có việc lên Gion, nghe đâu trên đường về đã bị 4, 5 người có vẻ là lãng sĩ vây đánh ở bãi sông Yonjo, bị chém một nhát kiếm vào vai phải và hai nhát kiếm vào lưng mà chết. Yoroku đã làm giúp chuyện thưa lên quan. Dạo gần đây, ở Kyoto hầu như mỗi tối đều có vụ đâm chém nhau. Bọn lãng sĩ rời bỏ phiên trấn nhà lên kinh đô, đâm chém các võ sĩ nhà công khanh trong triều đình, hoặc đội Shinsengumi [1] hay đội lính tuần tiễu chém giết bọn lãng sĩ Cần Vương. Sở Chưởng quản thành phố lại rất xảo quyệt. Chỉ hạ lệnh bắt bọn viên chức trong phường xóm dọn dẹp xác chết rồi thôi, chẳng động đến chuyện điều tra việc đâm chém bọn lãng sĩ ấy. Cái chết của Anzai Kakuemon có lẽ cũng bị xem là chuyện thanh toán lẫn nhau giữa hai phe phái bất đồng chuyện Cần Vương trong đám lãng sĩ cùng phiên trấn Kishu, mà bị bỏ qua.

Người vợ goá là Omoyo đau khổ như điên như cuồng, đã phân trần với Yoroku:

-"Chồng em có phải là lãng sĩ đâu!".

Theo định nghĩa thông dụng ở kinh đô thì "lãng sĩ" là những võ sĩ có tư tưởng Cần Vương Đảo Mạc đã rời bỏ phiên trấn nhà lên Kyoto hoạt động. Cô vợ goá nhà Anzai muốn nói rằng chồng cô không dính dáng gì đến bọn lãng sĩ Cần Vương hoạt động chính trị cả, mặc dù anh ta cũng là võ sĩ đã rời bỏ phiên trấn cũ. Thật tâm Yoroku cũng nghĩ như thế. Theo những thông tin mà Yoroku biết được qua hoạt động thu thập tình báo trong nghề, thì Anzai Kakuemon vốn là võ sĩ của nhà Ando, quan trấn thủ thành Tabe, chức Gia Lão [2], gia thần của nhà Tokugawa phiên trấn Kishu. Do việc tư tình với cô Omoyo bị bộc lộ, tuy chi tiết uẩn khúc không rõ là thế nào, đã phải cùng nhau trốn khỏi phiên trấn nhà, lên kinh đô.

-"Thế nghĩa là anh ấy có thuộc phe phò Mạc Phủ đâu, phải không?"

-"Vâng, chuyện chính trị rắc rối thì chồng em có biết gì đâu!"

Quả thật, Anzai hẳn là đã không quan tâm gì đến chuyện chính trị cả. Yoroku nhớ rõ đã thường thấy người chồng của cô Omoyo đeo hai thanh kiếm thon nhỏ, cử chỉ điệu đà, như có trang điểm tí chút, bước uyển chuyển ra khỏi nhà. Anh ta giúp việc sổ sách cho quán trà Akebono dưới dốc đá đền Gion. Có vẻ hai vợ chồng cũng không túng thiếu gì, vì thấy cô Omoyo có nhiều đồ uống trà quý giá, đã mang theo được khi trốn khỏi phiên trấn cũ.

-"Có phải dây dưa gì từ chuyện bỏ xứ mà đi đấy không?"

Yoroku hỏi xem có kẻ nào trong xứ cũ còn thù hận vì tình không. Nhưng Omoyo nghiêm mặt quả quyết:

-"Không! hoàn toàn không có chuyện ấy đâu. Đã dàn xếp vẹn toàn, không làm phiền đến người nào cả".

-"Thế à. Nhưng võ sĩ gia thần mà tự ý trốn đi thì......"

-"Chủ nhân cho người theo giết chứ gì? Ngày xưa thì có, chứ thời bây giờ làm gì có!"

-"À, đúng thế thật".

Omoyo đối đáp khôn ngoan như thế, Yoroku chẳng làm sao nắm được chút đầu mối gì về vụ này cả. Mà ngay cả đám Thanh tra hay công an cảnh sát trong Sở Chưởng quản thành phố cũng đã tỏ thái độ lãnh đạm về vụ này rồi, Yoroku chẳng có lý do gì phải quan tâm đến nữa. Chỉ vì lòng tử tế của hàng xóm láng giềng với nhau mà thôi. Có điều, chẳng hiểu sao mỗi khi nghe giọng nói của Omoyo, Yoroku lại cảm thấy như cơ bắp trong người mình nổi cuộn lên. Tuy anh không nghĩ đấy là tình cảm mơ tưởng gì, nhưng giọng nói tròn trịa ướt át của Omoyo đã khiến Yoroku dù đã qua tuổi 40, đôi khi bất giác lại bắt chước một cách thầm lén.

Yoroku đã một mình tự tay lo liệu chu đáo tang lễ của Anzai Kakuemon, rồi đến tuần 49 ngày, cũng tự tay anh dựa vào uy tín quen biết của mình mà mời sư thầy chùa Mibu gần đấy, gọi cả những tín hữu quen việc tụng niệm đến làm lễ rất linh đình.

Yoroku định bụng là sau đó sẽ không còn xỏ miệng vào chuyện này nữa, thế nhưng Hijikata lại hướng anh đến một khía cạnh bí ẩn dị thường. Một phần cũng vì nhà ở gần đấy nên Yoroku thỉnh thoảng cũng giúp việc cho đội Shinsengumi đóng bản doanh ở nhà hương sĩ Yagi cũng ở trong phường Mibu này. Hijikata Toshizo là phó tướng của đội Shinsengumi ấy.

Nghe chuyện Hijikata nói, Yoroku đâm hoảng. Bởi không khéo có thể hại đến cả Omoyo nữa. Để giải toả hồ nghi của Hijikata, hẳn phải điều tra cho minh bạch vụ này mới xong. Thế nhưng, thật tình, Yoroku chẳng muốn tra vấn cô Omoyo về chuyện chồng cô bị sát hại. Điều tra thì phải hỏi cặn kẽ về chuyện cũ của vợ chồng cô ta. Chắc chắn làm cô Omoyo khổ tâm thêm về chuyện ấy.

-"Chào cô!". Tối Trừ tịch nên cửa nhà mở sẵn. Yoroku xách mồi lửa Okera sang chia cho cô ấy vui. -"Cô đã quét dọn nhà xong cả rồi đấy à?". Omoyo còn trẻ quá, Yoroku nghĩ là xưng hô như thế vẫn hợp hơn. Yoroku đưa mồi lửa Okera ra trước. -"Đây, có mồi lửa Okera cho cô đây".

-"Okera à?".

Cô Omoyo đang lau các dụng cụ uống trà bày ra giữa nhà đã quét dọn sạch sẽ. Xuất thân từ phiên trấn Kishu, cô không quen với tập quán ở kinh đô, nên Yoroku chia thanh gỗ Okera mồi lửa cho, cô chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên mà thôi, chứ không hiểu, để mừng rỡ đón nhận như Yoroku đã tưởng.

-"Dùng mồi lửa này nấu bếp trong ngày Tết thì suốt năm được tai qua nạn khỏi đấy".

-"Thế ạ?"

-"Đúng thế!". Yoroku từ bục cửa nhích lại gần cô Omoyo mà nói: -"Bộ đồ trà này đẹp quá nhỉ. Cho xem làm phúc cho đôi mắt phàm của tôi đi nào!".

Gần đầu gối cô Omoyo có mấy tách uống trà sắp xếp trang trọng trên tấm lụa đào. Yoroku cầm một tách lên, vuốt ve, lật ngược lại xem đáy tách thật chăm chú.

-"Tách này đẹp quá!"

-"Anh Yoroku đúng là người kinh đô có khác! Cung cách thật là sành điệu quá chứ!".

-"À, ngó thế này chứ trước khi làm nghề điều tra viên để mưu sinh này thì tôi cũng đã từng giúp việc trong tiệm chuyên môn đồ gốm ở xóm Yonjo phường Kawahara đấy chứ!".

Quả đúng như thế. Khi tiệm ấy phải dẹp vì hết vốn, do người quen giới thiệu mà Yoroku bắt đầu làm việc hèn mọn là điều tra viên cho các công sở này.

-"Thế cơ đấy!".

Cô Omoyo còn trẻ nhưng có vẻ yêu thích đồ uống trà lắm, nên cảm thấy thân thiết hẳn lên với Yoroku. Lòng Yoroku khấp khởi mừng thầm.

-"Những thứ này là, khi rời xứ, cha em bảo mang theo để khi nào cần thì bán đi mà chi dùng, nên chọn cho toàn là thứ quý cất giấu kỹ lắm. Do Nonko tác chế cả đấy".

-"Ha ha! Nhưng mà...". Yoroku xem xét chăm chú nơi đáy tách. -"... có vẻ chỉ là đồ bắt chước thôi".

-"Ủa?". Omoyo tái mặt.

Nonko là danh xưng thông tục của tác giả này, tên thật là Donyu (1599-1656), một trong ba danh nhân đồ gốm Rakuyaki, hai người kia là Choyu và Jokei, tác phẩm của họ được người trong giới trà đạo tranh giành nhau mà quý trọng vô cùng.

-"Làm rất giống, nhưng men chỉ tráng một mặt mà thôi. Nếu là Nonko thật, thì cả mặt trong lẫn mặt ngoài đều tráng men. Thêm nữa, lại cho vào lò 2, 3 lần kia. Tách này thì do Fujigo Benzo tiệm Takenokoya làm đây mà".

-"Không phải thế đâu!"

-"Cho dù có chê Fujigo, Fujigo, đi nữa, ông ấy vẫn nổi tiếng là danh nhân trong việc làm giả đồ gốm Nonko đấy. Dù cùng là đồ giả cả, nhưng tác phẩm của Fujigo, danh nhân mô phỏng đồ gốm Nonko, thì phẩm chất vẫn cao, vẫn là đồ dùng quý lắm chứ! So với con người... xin đổi sang chuyện khác một tí, người giả thì không thể chấp nhận được".

-"Ủa!". Omoyo ngạc nhiên, đôi môi nhỏ xinh đẹp ấy mở tròn ra, nhưng rồi như hiểu được ý Yoroku, cô sa sầm nét mặt. Hẳn là Yoroku muốn nói đến người đàn ông ấy rồi.

2

Còn nhớ đêm cuối tháng mười ấy, buổi chiều gió bắt đầu thổi mạnh nên Omoyo đóng cửa ngoài xuống sớm. Trời tối dần, tiếng gió tạt vào cửa gỗ chống mưa càng lúc càng mạnh, mà chồng cô là Anzai Kakuemon vẫn chưa về. Thường thường, có vẻ Anzai cám cảnh vợ chờ một mình bất an ở nhà nên anh có thói quen gắng về đến nhà trước khi trời tối.

-"Lạ quá...". Omoyo cảm thấy hồi hộp lo âu. Vừa lúc có tiếng đập cửa khiến cô an tâm. Mở cả cửa chống mưa ra thì thấy chồng mình gục trên vai của một người đàn ông lạ, cánh tay phải buông thõng, máu nhỏ giọt từ cánh tay qua ngón tay xuống đất.

-"Tội nghiệp quá!"

Người đàn ông kể: đi ngang qua cầu Yonjo thì thấy chồng cô đang bị 4, 5 người vây đánh. Chạy xuống bãi sông định can ra thì bọn côn đồ kia đã chạy mất, bỏ lại chồng cô thoi thóp thở.

-"Phải gọi y sĩ gấp!". Omoyo hốt hoảng nói.

-"Không kịp nữa rồi!"

Mặc cho Omoyo bàng hoàng đứng sững, người đàn ông ấy ra giếng lấy nước lau rửa xác Anzai, lấy khăn vải quấn kỹ chỗ vết thương, rồi bảo Omoyo mang áo quần đến thay cho xác chết. Xong, anh ta đột nhiên nhìn quanh mà bảo:

-"A, nhà này chỉ có mình bà đấy à?"

Sau đó, còn nói thêm gì đấy, nhưng Omoyo không nhớ được. Cô hoảng hốt đến không nhớ cả tên người ấy nữa là. Chỉ nhớ rõ kỳ lạ rằng người đàn ông ấy thở ra mùi rượu thật nồng.

Trong đêm canh xác, Yoroku hỏi:

-"Người vác xác về là võ sĩ đấy à?"

-"Chẳng hiểu có phải thế không."

-"Mặt mũi như thế nào?"

-"Chẳng nhớ được. Có lẽ tóc cạo sạch cả rồi..."

-"Thế thì có lẽ là sư thầy hay y sĩ gì đấy rồi".

Sau tang lễ vài ngày, người đàn ông ấy đột nhiên đến viếng nhà Omoyo. Mang theo quà là món kho Tsukudani (cá nhỏ, nghêu sò, và rong biển kho tương) có lẽ mua từ phố Yonjo.

-"Không biết bà có sao không, nên đến thăm".

Có lẽ anh ta là người kém chịu nóng, nên cái đầu lớn đã cạo hết, chỉ còn chân tóc xanh um. Nhưng lại chẳng phải là sư thầy hay y sĩ gì cả, mà là một võ sĩ trẻ, thân thể cường tráng. Da trắng, khuôn mặt tròn. Hẳn là khoảng 27, 28 tuổi. Vẻ mặt tươi cười có duyên vẫn còn nét trẻ thơ, mà tiếng nói sang sảng thật lớn. Có vẻ là người chất phác, giản dị. Khiến Omoyo an lòng.

-"Xin cứ xem đây là cơ duyên Phật bày, nếu bà không chê thì......"

Không có thân thích họ hàng gì ở Kyoto này nên anh ta mong được cùng Omoyo qua lại bàn bạc giúp đỡ nhau khi cần. Rồi anh ta đứng lên, từ tạ về ngay. Omoyo không dám hỏi tên anh ta, bởi nếu nói thật rằng lần trước nghe anh xưng tên mà quên mất, phải hỏi lại, thì tệ quá.

Chuyện người đàn ông ấy đến, cô cũng không nói với Yoroku. Lần thứ ba anh ta đến thì vợ Yoroku là Okane nhìn thấy. Mới mách lại Yoroku:

-"Đầu trọc như là sư ấy!".

-"A, thế thì là......"

Võ sĩ mà đầu trọc thì Yoroku biết một người, hẳn là Matsubara Tadashi, phụ tá phó tướng, kiêm giáo thụ trưởng nhu đạo của đội Shinsengumi đấy rồi. Yoroku ra vào bản doanh Shinsengumi mấy lần đã thấy mặt Matsubara rồi. Yoroku tả hình dạng, cốt cách của anh ta thì vợ bảo: -"Đúng rồi, đúng rồi!" và gật đầu liên tiếp.

Matsubara là người đã lãnh được ấn chứng nhu đạo của phái Sekiguchi, thường dạy nhu đạo cho đội viên Shinsengumi ở võ đường trong bản doanh. Tiếng cười lớn sang sảng, có khi vang ra tận góc vườn ngoài. Tính tình khoái hoạt, được tiếng là người tử tế. Cả những thị dân sống chung quanh khu Mibu, hễ nghe đến bọn lãng sĩ Mibu tức Shinsengumi là trong bụng đã ghét như ghét sâu róm, vậy mà những ai quen biết Matsubara cũng đặc biệt có cảm tình với anh.

Lúc đầu thì Yoroku hoàn toàn không nghĩ người đàn ông ấy là Matsubara Tadashi. Khi nghe Okane kể là võ sĩ đầu trọc, anh cũng chỉ cười thầm mà nghĩ đúng là hành trạng của anh Matsubara đấy rồi. Bởi khó có người tử tế đến mức như thế. Ít ai chịu khó vác xác chết của người lạ từ cầu Yonjo đến tận xóm Takaoke ở Mibu.

Nhưng đến tháng chạp thì phó tướng Shinsengumi là Hijikata Toshizo cho gọi Yoroku đến. Bản doanh của đội Shinsengumi dưới quyền quan Trấn thủ kinh đô, Cận vệ Trung tướng, Lãnh Chúa Aizu (Matsudaira Katamori) đặt ở phường Mibu này, chỉ có chủ tướng Kondo Isami và phó tướng Hijikata Toshizo dùng công đường đặt ở nhà hương sĩ Maeda Soji gần đấy. Yoroku cũng hiếm khi đến công đường ấy ở cửa tây phố Bojo. Khi Yoroku sợ sệt đến viếng công đường thì được dẫn qua vườn trong.

Dù đội Shinsengumi chẳng phải là gia thần gì của Mạc Phủ, thân phận cũng chỉ là lãng sĩ mà thôi, nhưng cả Kondo lẫn Hijikata đều quy định là mình tương đương với cấp bộ tướng của Chúa Tokugawa lãnh trên một ngàn hộc [3]. Khi Kondo đi công vụ ở thành Nijo chẳng hạn, lúc nào cũng có lính vác thương đi hầu, có hai lính trẻ gánh hành lý theo sau, tự mình cưỡi ngựa trắng, dẫn đầu đám đội viên chừng 20 người. Thế nên Hijikata tiếp Yoroku là thứ phục dịch hèn mọn ở ngoài vườn, là chuyện đương nhiên thôi.

Yoroku vốn chẳng ưa gì Hijikata xuất thân là người bán thuốc dạo ở Edo [4]. Anh ta người gầy, dong dỏng cao, mũi thẳng trông có vẻ điển trai, nhưng gò má cao, mắt lạnh lùng. Rất hiếm khi cười. Nhưng hôm nay, Hijikata bước ra đến hiên, thấy Yoroku thì mỉm cười nói:

-"A, đến rồi đấy à, tốt lắm".

Giọng Edo rõ ràng, mạnh mẽ.

-"Nhà sát vách nhà cậu là ai ở thế?"

-"Thưa, nhà Gobee bán đậu hũ đấy ạ."

-"Hai bên mà..."

-"Dạ, bên phía nam thì là nhà của goá phụ Omoyo, chồng đã chết là Anzai Kakuemon, lãng sĩ xứ Kishu ạ".

-"Người đẹp đấy hả?"

-"Thưa, cũng tùy người nhìn ạ".

Yoroku nhớ lại hình dáng Omoyo. Omoyo người thon nhỏ, đẹp đến nỗi Anzai đã yêu quá đến bỏ cả chủ nhân mà trốn theo. Cô lại có chút hơi hướm đa tình gì đấy, hay đấy chỉ là khứu giác trục trặc của một mình Yoroku mà thôi?

-"Cũng chuyện tùy người nhìn ấy mà ta nghe nói gần đây, có đội viên của ta thậm thụt ra vào nhà Omoyo ấy. Nhà ở ngay bên cạnh, hẳn là cậu đã để ý như thế trước rồi chứ gì?"

-"Thưa, tôi không được biết ạ".

Yoroku đáp dối. Bởi anh chưa đoán được ý Hijikata muốn hướng đến chuyện gì.

-"Làm điều tra viên mà cậu ngó bộ không nhạy mấy nhỉ!"

-"Thưa, tôi không nhận được lệnh phải thám thính chuyện bên trong của công đường..."

-"Trốn tránh giỏi lắm! Đội viên mà ta nói đó, chính là Matsubara Tadashi, phụ tá phó tướng. Nghe nói Matsubara đã đem lòng mơ tưởng người đàn bà tên Omoyo ấy từ lâu rồi. Omoyo đã có chồng, nên cậu ta giết người chồng ở cầu Yonjo đấy". Yoroku nghi ngờ: biết có phải thế không? -"Giết xong lại làm bộ là người khác giết, mà vác xác về để lấy lòng Omoyo ấy. Khi nào ta xác nhận được như thế thì phải xử phạt để giữ thể diện cho đội Shinsengumi. Việc điều tra này, ta giao cho cậu đấy. Nhưng phải giữ kín mới được. Chuyện không hay trong đội Shinsengumi, nên cả sau khi xử trí xong, cũng phải giữ bí mật nữa. Nếu cậu để lộ chuyện ra ngoài, thì tội nghiệp cho cậu thật, nhưng phải nạp mạng đấy".

-"Mạng người như cỏ ấy nhỉ. Có đáng tội phải chết đâu! Nhưng mà, chuyện ông Matsubara như thế, ngài đã nghe từ đâu ạ?"

-"Có đội viên cho biết thế đấy".

-"Đã có người biết như thế rồi thì chuyện người ta sẽ đồn ầm lên, Yoroku này làm sao mà chịu trách nhiệm được chứ?"

-"Cậu khéo nói lắm!"

Hijikata cười rung vai, lấy trong túi ra mấy lạng bạc bọc trong giấy.

-"Cầm lấy mà tiêu vào việc này đi!"

Từ hiên, Hijikata ném lại chỗ đầu gối của Yoroku. Yoroku nhặt lên, lấy tay áo phủi bụi, rồi đặt trở lại trên nền hiên.

-"Xin thu lại giùm cho".

-"Chừng đó chưa đủ sao?"

-"Thưa, không phải thế. Lâu nay, tôi đã được bản doanh đây chiếu cố cho nhiều rồi, nên việc này xin làm để đền ơn ấy. Xin miễn chuyện khách sáo".

-"Thế à!". Hijikata nhăn mặt, cho tiền vào túi lại.

Đã có chuyện như thế.

3

Mặc dù vợ cằn nhằn, Yoroku thỉnh thoảng vẫn sang thăm nhà hàng xóm. Vợ nói mỉa cũng chẳng sao, nhưng cứ sợ bị Omoyo ghét nên Yoroku khổ tâm lắm. Nhiều lúc đã ân hận, phải chi đừng nhận làm việc này. Nhưng rồi anh tin là việc này sáng tỏ ra, kết cuộc cũng sẽ giúp ích được cho Omoyo, nên lại sang thăm, và như thường lệ, không tiếc lời khen tặng đồ uống trà của cô ấy.

-"Ồ, món này hiếm quá chứ! Đúng đây là đồ gốm Takotsuri rồi".

-"Món ấy là do nhà buôn chuyên môn ở Osaka tặng đấy!".

Cứ nói chuyện các món đồ gốm ấy là Omoyo vui vẻ lại ngay. Thỉnh thoảng, giữa các câu chuyện đồ gốm, Yoroku chen vào vài câu nói đùa, thì Omoyo lại lấy tay áo làm bộ đánh anh, trông cô vui tươi khác hẳn ra.

Đồ gốm Takotsuri là tên gọi chung những dụng cụ uống trà mà khoảng những năm Keicho (1596-1614), Toyotomi Hideyoshi (1536-1598, quyền trùm thiên hạ từ 1590) đã ra lệnh cho cận thần Oda Urakusai (Nagamasu, 1548-1622) thu tập những thứ hiếm lạ từ khắp các lò nung đồ gốm trên toàn quốc Nhật Bản. Gia nhân của Urakusai đi khắp các xứ: Chikuzen, Chikugo, Hizen, Higo, Satsuma, Osumi,... thu tập vô số những đồ gốm quý hiếm, chất lên một thuyền lớn, chở về Osaka, đến vùng biển quận Chita xứ Iyo thì gặp bão, phải ghé vào cảng để trốn gió. Trong lúc chờ ở đấy, lại đột ngột có tin Hideyoshi qua đời. Thuyền trưởng là kẻ giảo quyệt, lúc ấy mới nhân sơ hở của Sở Quản lý do Urakusai thiết trí trên cảng ấy mà ăn cắp vài trăm thứ đồ gốm quý hiếm, xong đánh chìm thuyền rồi trốn mất. Quan Quản lý nhận trách nhiệm, mổ bụng tự sát.

Xác thuyền ngủ im dưới đáy biển suốt hai trăm năm. Tháng 5 năm Bunsei thứ 10 (1827), một dân chài ở Kurushima câu lên được con bạch tuộc quấn lấy một món đồ gốm quý, khiến thiên hạ chú ý, người trong làng chài nghe chuyện, bắt chước buộc bạch tuộc vào dây, thòng xuống đáy biển cho ôm đồ gốm mà kéo lên. Từ đấy, bắt đầu có loại đồ gốm Takotsuri(câu bạch tuộc) lưu hành rộng rãi trong giới trà đạo phong lưu.

Món đồ gốm Takotsuri của Omoyo là loại sứ xanh, mặt trong có vỏ hàu dính chặt, những vết rạn có chất hữu cơ dưới biển thẩm thấu vào, nên có vẻ tang thương một cách tự nhiên rất thú vị. Nhưng lại chẳng phải là loại đồ gốm Arita. Theo thường thức của giới trà đạo sành điệu thì đồ gốm Takotsuri vớt được từ đáy biển lên có đủ loại: sứ xanh, sứ có hình vẽ màu đỏ, sứ hoa xanh,... nhưng tất cả đều là loại đồ gốm Arita xứ Hizen cả. Thế thì món này cũng là đồ giả rồi. Nghĩ thế nhưng Yoroku không nói ra.

Có lẽ đám võ sĩ cao cấp ở thôn quê thích chơi đồ cổ ngoạn là khách hàng dễ bị lừa gạt nhất của bọn lái buôn đồ cổ ở Osaka rồi.

-"Toàn là những món đồ quý hiếm cả, thế ông thân của cô là người như thế nào?"

-"Cha tôi là võ sĩ lãnh lương 5 trăm hộc từ Lãnh Chúa xứ Kishu, làm chức trưởng tổ huấn luyện chim ưng đấy".

-"Trưởng tổ huấn luyện chim ưng kia à! Thảo nào trông cô cũng có vẻ phong lưu tao nhã khác người lắm. Nhưng làm nghề ấy hẳn là cực nhọc lắm nhỉ?"

-"Vâng, cực nhọc lắm kia!".

Đúng là đàn bà. Omoyo bị quyến rũ bởi vẻ sành đời của Yoroku, cuối cùng đã cởi mở mà thổ lộ nỗi niềm với anh.

Theo lời cô thì, Omoyo đã hứa hôn với Senda Shinnojo là con nối dõi của nhà quan Quản lý cung nỏ trong phiên trấn. Hai nhà đã giao ước với nhau từ thuở Omoyo mới 7 tuổi, cậu kia 12 tuổi. Thấm thoát, Omoyo trở thành thiếu nữ. Mùa xuân trong năm dự định làm lễ cưới vào mùa thu ấy, Shinnojo làm cận vệ cho Thế tử của phiên trấn, đi theo trông chủ tập cưỡi ngựa, chẳng may con ngựa nổi điên, lồng lộn chực đá vào Thế tử. Anh ta tức khắc nhào đến, lấy thân che chở cho chủ, hoá ra chính anh bị thương mà chết mất. Người quanh thành Wakayama ấy thương tiếc anh như anh hùng đã hy sinh trên chiến trường vậy.

Xứ ấy có tập quán là trên nguyên tắc, không cho phép vợ goá của võ sĩ được tái hôn. Cả trường hợp mới hứa hôn chưa cưới cũng thế thôi, do đó, cô Omoyo cứ thế đành chịu ôm bài vị của người chồng chưa cưới mà sống trong nhà mình, năm này qua năm khác. Bà con họ hàng lắm người thương xót cho tình cảnh của cô. Nhưng khác với những trường hợp thông thường, cái chết của Shinnojo là một gương hy sinh vì chủ đã được mỹ hoá quá trớn khiến cho cô Omoyo cũng phải hy sinh cuộc đời thanh xuân của mình cho danh nghĩa tiết phụ của liệt sĩ. Nghĩa là vợ giả đấy, Yoroku nghĩ thế.

Mùa hè năm Omoyo 27 tuổi, Anzai Kakuemon đến trọ ở nhà cô. Kakuemon là người huấn luyện chim ưng cho nhà quan Gia lão Ando. Phiên trấn này có lệ là những người huấn luyện chim ưng cho các gia thần phải đến trọ mà học nghề ở nhà quan huấn luyện chim ưng của Lãnh Chúa trong một khoảng thời gian nhất định, để được tăng tiến thêm về kỹ thuật chuyên môn. Anzai Kakuemon chỉ là võ sĩ cấp thấp lãnh lương mười hộc, chỉ có được ba người bộ hạ mà thôi, nên lẽ ra chẳng đáng được nói chuyện với cô Omoyo. Thế nhưng, từ lúc nào chẳng biết, hai người bắt đầu thân mật với nhau.

Cha cô biết chuyện, rất là bối rối, chẳng biết xử trí ra sao. Trừng phạt cả hai thì dễ thôi. Nhưng là người cha, ông không đành lòng; mà từ bao lâu nay, ông đã thương xót cho cảnh ngộ của con mình, nên cuối cùng, trên bề mặt ông làm như Omoyo đã bệnh chết, đồng thời dàn xếp với nhà Anzai ở làng Tabe kín đáo giúp hai người trốn khỏi lãnh địa Kishu.

-"Phải rồi! Làm thế thì tránh được cả chuyện phiên trấn cho người đuổi bắt nữa!".

Yoroku nói, nội tâm có hơi thất vọng vì chuyện chỉ có thế thôi. Nếu thế thì Matsubara là kẻ đã giết Anzai đấy chứ chẳng có ai khác chăng?

Ngày hôm sau, Yoroku bắt đầu dọ hỏi ở các xóm quanh vùng Gion. Anh muốn biết có ai mục kích vụ chém giết hôm ấy không. Chung quanh cầu Yonjo thường đông người qua lại, nên cho dù lúc bấy giờ đã sắp tối đi nữa, cũng khó có chuyện không ai thấy đám người đâm chém nhau dưới cầu. Thế nhưng, anh chẳng tìm ra được người nào cả.

Yoroku tìm đến quán trà Akebono mà Anzai thường đến giúp việc sổ sách, hỏi người quản lý xem hôm ấy, Anzai đã rời quán vào giờ nào.

-"Hôm ấy khác hẳn mọi hôm, anh Anzai được nghỉ ngày sau đấy nên đã nán lại làm việc mãi cho đến ngay trước lúc có tiếng chuông thu-không từ chùa sau quán vẳng đến, mới đứng dậy ra về".

Yoroku bèn ước lượng khoảng thời gian tương đương với tầm cao của mặt trời chiều trong ngày ấy, mà bước thử từ Gion đến cầu Yonjo. Đến dưới chân cầu thì chung quanh vẫn còn sáng. Nghe có tiếng chuông chiều của chùa Chion-in từ đỉnh Kachozan vọng lại. Thời bấy giờ, trong thành phố thường có chuyện náo động nên thị dân thường tránh ra ngoài buổi tối. Tuy vậy, đây là cầu Yonjo nổi tiếng của kinh đô mà. Chắc chắn là đã còn ít nhiều người qua lại lúc trời sắp tối. Ngay bây giờ cũng đang có mấy người đi đường ở đấy. Thế thì, hôm ấy có cả đám người đâm chém nhau nơi bãi sông dưới cầu, mà chẳng ai thấy cả, thì là chuyện lạ quá! Có phải vì giông bão gì đấy nên không có ai đi qua chăng? Hay đám người đâm chém ấy chỉ là chuyện anh Matsubara bịa đặt ra mà thôi?

Vừa nhìn ánh đèn trong xóm Bonto ven sông, Yoroku vừa tiếc đã nhận chịu điều kiện không được trực tiếp nghe chính miệng Matsubara kể lại sự vụ này. Anh muốn ít nhất cũng có cơ hội gặp được Matsubara trong tình trạng tự nhiên để tìm hiểu tường tận. Trước đó, cần biết về quá khứ của Matsubara để làm nền tảng cho việc tìm hiểu ấy.

Việc thu tập thông tin về quá khứ của Matsubara đã làm khổ Yoroku rất nhiều. Không lẽ lại đi dò hỏi một cách lộ liễu. Nếu dấy lên tin đồn rằng Yoroku đang đi dò hỏi vòng vòng về chuyện nội bộ của đội Shinsengumi, thì đám đội viên kia sẽ nổi giận, tức khắc chém bay đầu Yoroku mất thôi. Trước hết, chính phó tướng Hijikata Toshizo là người đã ủy thác chuyện điều tra này hẳn sẽ chẳng để cho Yoroku sống được đâu.

Để thu góp thông tin về quá khứ của Matsubara Tadashi 27 tuổi ấy, Yoroku đã mất cả tháng trời. Anh càng nghĩ là việc này chẳng xứng với công mình làm.

4

Matsubara Tadashi là con trai thứ ba của một nhà buôn rau trái ở phường Tenma, thành phố Osaka. Không có họ. Cha là Chobee chủ tiệm Maruya, người trung gian buôn bán được biết tiếng trong giới buôn bán rau trái ở phường Tenma ấy. Tadashi từ thời niên thiếu đã thầm mơ ước được thành võ sĩ. Tên thời con nít là Heikichi. Nhưng tự mình lấy tên Tadashi cho có vẻ võ sĩ, nhân thể đặt họ Matsubara cho mình nữa.

Người cha ngán ngẩm bảo: -"Lớn lên, cha sẽ mua cho chức cảnh sát gì đấy, còn bây giờ thì phải cần cù làm việc buôn bán này đi", mà la rầy, rồi cho đi học việc ở một nhà đồng nghiệp. Nhưng chẳng bao lâu, anh ta trốn về, rồi vào ở trọ làm đệ tử nơi võ đường của Hirano Gennaisaemon phái nhu đạo Sekiguchi, gần Sở Chưởng quản Kyobashi-guchi, mà tập luyện võ nghệ trong nhiều năm. Nhằm vào thời quyền lực Mạc Phủ suy yếu, đến cả nông dân, thị dân cũng chỉ cần đeo theo hai thanh kiếm dài ngắn là đường đường ra dáng võ sĩ rồi. Lui tới võ đường ấy có người đệ tử con của nhà y sĩ châm cứu Hayashi-ya ở Koribashi, Osaka, đã xưng tên là Yamasaki Susumu (1833-1868) mà nhập đội Shinsengumi. Matsubara nghe thế mới nhờ anh ta giới thiệu vào đội theo. Vào đội rồi thì thấy chuyện xuất thân thị dân cũng chẳng bị ai khi dễ; đội viên có cả con nhà bán muối sỉ ở Takasago xứ Banshu, hay tay thợ ở xóm Tanicho trong thành phố Osaka. Phó tướng Hijikata Toshizo xuất xứ lờ mờ, mà ngay cả chủ tướng Kondo Isami cũng xuất thân nông dân từ làng Ishihara xứ Bushu.

Trong đội, những kẻ xuất thân từ những giai cấp thứ dân như thế thường tự ý thức mà mang mặc cảm tự ti, nên lại càng làm ra vẻ là võ sĩ còn hơn cả những đội viên xuất thân võ sĩ nữa. Hẳn là vì không muốn bị chê là xuất thân thị dân hay nông dân. Trong đám người có mặc cảm đó, Matsubara còn thuộc loại bị nặng nhất nữa. Trong chính biến ngày 18 tháng 8 năm Bunkyu thứ ba (1863), Matsubara đã nắm lưỡi phảng lớn chạy tiên phong. Trong vụ Shinsengumi xông vào chém giết ở quán Ikedaya khu Sanjo Kohashi ngày 5 tháng 6 Genji nguyên niên (1864), Matsubara cũng đã lập được thành tích xuất chúng. Khi đội viên Todo Heisuke, nổi tiếng là tay kiếm giỏi của phái Hokushin Itto, bị lãng sĩ phiên trấn Tosa chém trúng giữa hai chân mày, Matsubara đang đâu lưng với Todo chống chọi địch, thấy Todo bị chém, anh đã tạm bỏ đối thủ của mình, giữ nguyên vị trí, xoay lưng lại, chém ngã đối thủ của Todo, rồi quay trở lại đỡ lưỡi kiếm địch thủ của mình vừa chém tới. Tất cả các động tác ấy xảy ra chỉ trong chớp mắt. Khiến đồng đội của Matsubara phục lăn.

Yoroku lắc đầu, nghĩ một người thuần phác, quá đỗi vui mừng đến thần kinh căng thẳng về vinh dự được thành võ sĩ như Matsubara thì làm sao có thể làm chuyện nham hiểm âm thầm bày mưu tính kế giết chết Anzai cho được?

Chẳng bao lâu sau, Yoroku đã có được dịp tự nhiên mà nói chuyện với Matsubara. Yoroku sang nhà cô Omoyo, đang trò chuyện thì Matsubara đến thăm.

-"Matsubara đây!"

Nghe tiếng cửa kéo qua, phía sau lưng, Yoroku có ý mừng rỡ giảo quyệt của con mèo bắt gặt mồi. Anh không quay lại mà liếc xem vẻ mặt của cô Omoyo như thế nào. Nhưng không đúng như Yoroku nghĩ, Omoyo đón Matsubara với nét vui tươi chẳng có chút gì ngượng ngập chùng lén cả.

-"A, Yoroku cũng đến đấy à. Nhà cậu nghe nói là bên cạnh đây phải không?"

-"Đúng thế đấy ạ".

Với ý thức nghề nghiệp thì Yoroku lại bị thất vọng thêm một lần nữa. Bởi vẻ mặt tươi cười của Matsubara cũng chẳng có vẻ là giấu diếm điều gì cả. Không chừng cô cậu này chưa đến mức kết nối thân thể với nhau.

Matsubara kể chuyện ngông trên trời dưới đất khiến cô Omoyo cười vang, rồi chợt quay qua Yoroku, cười nói:

-"Ta cũng vừa được lên chức phụ tá phó tướng đấy".

-"Vâng, tôi cũng nghe như thế".

-"Cấp tiểu đội trưởng trở lên là được phép có nhà nghỉ riêng ngoài doanh trại của đội rồi, nhưng ta thì chưa có ai cả. Ta định xin cô Omoyo đây về làm vợ đấy, cậu thấy thế nào?"

-"Ôi, cái anh Matsubara này!"

Omoyo thẹn đỏ mặt.

Hai người này đối đáp có vẻ vẫn còn trong vòng đùa bỡn với nhau mà thôi. Yoroku xét đoán như thế. Anh chờ đến lúc Matsubara thấm mệt vì nói chuyện bông đùa, rồi mới làm bộ thản nhiên nói:

-"Xin phép đổi sang chuyện khác. Anh Matsubara là người Osaka, hẳn là đã gặp được nhiều người từ khắp các xứ khác đến. Người Osaka hẳn là rành các giọng địa phương lắm nhỉ?"

-"Phần nhiều thì phân biệt được chứ".

-"Thế bọn lãng sĩ vây chém anh Anzai là người xứ nào nhỉ?"

-"Cái đó thì......". Matsubara đột nhiên có vẻ khó ở. -"... bọn xứ Tosa đấy mà. Hôm ấy, ta đi uống ở quán rượu Hatsune ở Gion về thì gặp bọn ấy. Có vẻ chúng cũng đã đi uống rượu ở quán nào trong vùng Gion đó rồi. Ta không định mà như đi theo bọn ấy. Ta đã say rồi, nhưng chợt để ý thì thấy nơi bãi sông đã xảy ra chuyện xô xát như thế. Khiến ta chợt quên cả cơn say. Có lẽ bọn ấy cũng chẳng phải đâm chém người vì chí hướng hay thù hận gì, mà chỉ do say rượu quá đà đó thôi...... Mà thôi... dẹp chuyện này đi. Chỉ càng làm cho cô Omoyo đau buồn thêm cứ có ích gì!".

-"Anh nói phải lắm!".

Ngày hôm sau, Yoroku đến vùng Gion, viếng từng quán rượu, bảo họ cho xem sổ tiếp khách. Quả thật Matsubara đã đến uống rượu ở quán Hatsune trong ngày đó. Thế nhưng, từ trước thường đến uống rượu ở đấy, mà sau ngày ấy, Matsubara không còn đến lần nào nữa, khiến Yoroku lấy làm lạ. Chắc hẳn đã có chuyện gì xảy ra kích động tinh thần lắm, mới khiến anh ta không còn đặt chân đến khu ấy nữa.

Còn bọn lãng sĩ Tosa thì hôm đó không có người nào đến quán ăn uống nào ở Gion cả. Sổ tiếp khách phần nhiều là thứ sổ để ghi nhớ phòng hờ của các quán trà, quán rượu. Ghi những là: ngài Maru ở Ryumaba, ngài quan lớn Aka, ngài Sugi từ Choshu, ngài Sai ở Mibu,...... Yoroku lấy ngón tay rà hết các tên khách nhưng chẳng thấy khách nào gốc phiên trấn Tosa cả. Thế là Matsubara đã bịa đặt rồi. Nhưng tại sao lại phải bịa đặt chuyện ấy chứ?

5

Sau đấy, Yoroku đã có đến gặp Hijikata hai lần vì công vụ, nhưng Hijikata chẳng hỏi gì về vụ Matsubara cả. Dựa vào đấy, Yoroku giao việc điều tra lại cho bộ hạ, tự mình không động đến nữa.

Nhưng một hôm, Yoroku dợm bước ra khỏi cổng dãy nhà dài của doanh trại Shinsengumi thì gặp Hijikata đi ngang qua.

-"Cậu đúng là dân kinh đô, giỏi chuyện bắt người ta chờ đợi!"

-"À, ngài hỏi vụ ấy đấy ạ? Dầu gì cũng đã bắt đầu điều tra trễ mất khá lâu rồi, chứng cớ tiêu tán đi mất! Nhưng vụ ấy có vẻ chẳng phải là do người có tên chữ Matsu kia đâu".

-"Suỵt!"

-"Có lẽ là do bọn lãng sĩ Cần Vương say rượu quá hoá liều mà gây sự với anh Anzai đó thôi".

-"Nói thế thì mắt cậu là thứ mắt thịt rồi!"

-"Ha ha! chẳng biết có phải là mắt thịt thật không!"

Cho dù là điều tra viên, hay người buôn đồ cũ đi nữa, bị gọi là đồ mắt thịt là điều sỉ nhục tàn tệ nhất. Yoroku tức tối. Được, thế thì ta sẽ tận lực điều tra, dù có phải tiêu hết lương bổng vào vụ này đi nữa.

Yoroku về đến nhà thì bộ hạ mang tin phấn khởi đến.

-"Tôi đã xuống bãi sông đến hỏi dò ở lều bọn Eta [5] ".

-"Eta à?"

Dù có hỏi được chi tiết gì từ bọn người hạ lưu không có tên trong sổ sách nào cả ấy, cũng không thể dùng làm bằng chứng gì mà trình được lên Sở Chưởng quản thành phố cả. Vì thế do thói quen mà Yoroku bỏ quên mất sự tồn tại của bọn ăn mày trú ngụ ở bãi sông ấy.

-"Theo lời Eta tên là Jakushu thì ngày giông bão ấy, có ba người võ sĩ tuốt kiếm đâm chém nhau ở bãi sông. Một người đầu trọc".

-"Hừm!"

-"Một người mặt đầy những bớt màu đỏ. Người đầu trọc say rượu, chân bước lạng quạng".

-"Còn người mặt đầy bớt đỏ thì sao?"

-"Anh ta không có vẻ say. Nghe kể là người đầu trọc chém ngã Anzai, thấy vậy người mặt đầy bớt đỏ chạy trốn mất".

-"Rồi người đầu trọc làm gì?"

-"Anh ta vác xác chết lên vai mà chạy đi. Sau đó, thì như ta đã biết đấy".

-"Giỏi lắm! Cầm lấy mà tìm gái gì đấy đi!".

Yoroku cho bộ hạ một nắm tiền lẻ, rồi bước nhanh ra khỏi nhà. Đến thế này rồi thì khỏi phải cân nhắc gì thêm nữa, cứ hỏi thẳng tận mặt Matsubara là được. Vừa rảo bước, Yoroku vừa nghĩ: người mặt đầy bớt đỏ hẳn là Noda Jisuke rồi. Anh ta là kiếm khách có hạng của môn phái Ryugo, xuất thân là thợ làm đồ sắt ở Hikone xứ Koshu.

Yoroku đến doanh trại của Shinsengumi, kéo một đội viên lại hỏi xem Matsubara đang ở đâu.

-"Có ở đây đâu! Nghe anh ấy bảo là đi với phụ tá phó tướng Shinohara đến quán Kadoya ở Shimahara rồi đi mất".

Yoroku đến quán Kadoya, may gặp người đội viên quen, mới hỏi:

-"Có anh Matsubara ở đây không?"

-"Không có đâu. Anh ấy ở võ đường đằng bản doanh ấy chứ gì!".

Yoroku trở lại bản doanh. Gặp người đội viên lúc nãy ở cổng vào dãy nhà dài.

-"Đằng quán bảo là anh Matsubara đang ở võ đường kia mà".

-"Thế à! Ta có nhằm phiên gác đâu mà biết".

Giọng thổ âm miền nam đặc sệt. Chợt anh ta nghĩ ra chuyện gì đấy, kéo Yoroku vào góc tối mà hỏi:

-"Dạo này cậu được thầy Hijikata sai bảo nhiều quá chứ nhỉ?"

-"Ôi, xin tha cho!"

-"Chẳng có gì phải sợ! Ta tuy là đội viên quèn, nhưng cũng được thầy Hijikata thương lắm đây. Mà này...". Người đội viên liếc nhanh chung quanh. -"Cậu đi tìm phụ tá phó tướng Matsubara có dính dáng gì đến việc thầy Hijikata sai làm không đấy? Nghe nói anh Matsubara có chuyện trong quá khứ gì đấy mà..."

-"Tôi có biết gì đâu!".

Yoroku lách khỏi tay anh ta, bước về phía võ đường. Dòm qua cửa sổ có chấn song thì thấy Matsubara đang hùng dũng chỉ dẫn đội viên tập nhu đạo. Là thị dân nên không được bước vào trong võ đường, Yoroku đứng đấy lấy giấy bút trong ống mang theo ra viết vài dòng, đúng lúc có Shinohara Sainoshin, giáo thụ trưởng nhu đạo, đồng đẳng với Matsubara, bước ra, nên nhờ trao lại cho Matsubara.

Yoroku trở về nhà, lấy gối ra ngủ một giấc trưa mê man. Đến tối mới chồm dậy, bảo vợ:

-"Okane à, đem rượu ra đây. Đem chừng 3, 4 chén rượu lạnh ấy".

-"Mới vừa tối đã đòi uống rượu rồi, sao thế anh?"

-"Làm việc nguy hiểm đến tính mạng đây".

-"Ủa?"

-"Đêm nay mà bỏ mạng thì cũng chẳng tiếc gì, nhưng sao trông mặt em lại đẹp kỳ lạ thế không biết!"

-"Lại nói điêu rồi! Anh thì chỉ chuyên liếc mắt đưa tình cho cô vợ goá nhà hàng xóm thôi!".

-"Hừm, cô Omoyo ấy à?". Yoroku cho rượu một chén chảy xuống dạ dày. -"Người đẹp thế mà tội nghiệp không có mắt nhìn đàn ông thứ thiệt hay thứ giả".

-"Hể! Anh là đàn ông thứ thiệt đấy à?"

-"Ta à? Ta thì may mắn chẳng phải là đàn ông thứ thiệt gây náo động trong thiên hạ, mà chỉ là thứ thường, như chén uống trà bằng đất nung Iimori chawan thường ngày mà thôi."

Nốc rượu vào cho hăng hái xong, Yoroku bước ra ngoài. Mặt đất dưới chân đã tối thui rồi.

Yoroku vào trong khuôn viên chùa Mibu. Được sắc phong là chùa bản đường đặc biệt của tông Risshu (Luật tông, Lu zong) thì nghe oai lắm, nhưng bị hoả tai năm Tenmei thứ 8 (1788) nên chỉ còn lại ngôi chính đường nhỏ, chung quanh đất rộng chìm trong bóng tối mù mịt. Yoroku ra khu nghĩa địa ở phía bắc sân chùa.

Trăng lên. Ánh trăng xanh chiếu xuống vô số những tháp đá như chồng chất lên nhau của những nấm mộ không ai thừa nhận. Yoroku đã chỉ định khoảng trống ở phía bắc này, nơi mặt đất phủ lớp rêu dày. Trên mặt rêu, một bóng người chợt lay động.

-"Yoroku đấy à?"

-"Vâng".

Bóng ấy chính là Matsubara Tadashi.

-"Chuyện gì đấy?"

-"Yoroku này đến đây sẵn lòng chịu chém. Chỉ xin hỏi chút chuyện thôi, xin anh đáp cho. Nếu anh không chịu được thì lúc nào muốn, cứ việc chém. Nơi này là mộ của những kẻ không thân thích họ hàng nào thừa nhận, nên tôi có chết ở đây cũng tốt cho kiếp sau. Đang đêm, anh có chém chết một điều tra viên quèn đi nữa, cũng chẳng có ai thấy đâu".

-"Hỏi gì thì hỏi đi!"

-"Anh là người đã giết Anzai Kakuemon đấy chứ gì?"

-"Hả?..."

Yoroku hiểu là Matsubara đang tựa lưng vào tháp đá, đã bị dao động rồi.

-"Có thể cho tôi xem thanh kiếm của anh không?"

Có vẻ Matsubara nín thở, suy nghĩ lung lắm. Yoroku nghĩ là mình sắp bị chém đến nơi, mồ hôi dầu rịn ra đầy trán.

Soạt, cánh tay phải của Matsubara vươn lên, lưỡi kiếm trắng loáng sáng bay đến, ngừng ngay trước mặt Yoroku.

Yoroku khom người, chầm chậm đánh lửa vào cây nến cầm theo.

-"Kiếm xứ Soshu đấy nhỉ!"

-"Cậu biết giám định kiếm nữa à?"

-"Thưa không".

Yoroku rà ánh nến dọc theo lưỡi kiếm, xem xét kỹ, rồi tắt nến đi, nhìn mặt Matsubara trong bóng đêm. Rõ ràng là lưỡi kiếm còn vết mỡ do chém vào thân người ta.

Matsubara làm thinh một hồi, cuối cùng nói:

-"Kiếm dùng cho nghề giết người đấy. Không có vết mỡ trên lưỡi kiếm mới bị quở là đội viên lười biếng chứ!".

Yoroku ghé sát mặt Matsubara mà nói:

-"Lúc bấy giờ, làm gì có lãng sĩ Tosa nào đâu!".

-"Cậu điều tra ra rồi à?"

-"Lại nữa, có cả anh Noda Jisuke trong đội Shinsengumi cùng đi nữa mà!"

-"Hả?... Yoroku! Thật thế sao?". Matsubara kinh ngạc, thân người hơi rung lên. -"Yoroku! tại sao lại điều tra như thế làm gì chứ?"

-"Dạo này, tôi cứ phải dòm chừng xem ngài Hijikata vui buồn như thế nào đấy. Xin anh hiểu cho. Tôi không nói gì hại anh đâu. Xin anh trốn ngay đi thì hơn. Anh đã đem lòng thương tưởng vợ người nào đấy, đến giết người chồng đi, rồi lại làm bộ tử tế mà quyến rũ người vợ goá ấy nữa chứ gì?"

-"Ê, Yoroku!". Giọng Matsubara nghe như lạc đi. -"Để ta chém cậu cho biết!"

-"Anh cứ làm như ý muốn! Nhưng mà, xin cho tôi nói điều này. Kinh đô này là chỗ từ xưa mấy trăm năm đến nay đã có bao nhiêu là người có quyền lực đến hưởng vinh hoa, rồi diệt vong đi mất. Người đất kinh đô này đã chứng kiến suốt mấy trăm năm những thịnh suy máu lửa ấy. Yoroku tôi đây nối tiếp ông cha đã mấy đời là người đất kinh đô này, nên hiểu rằng với thời thế những năm gần đây thì có vẻ triều đại Mạc Phủ đã đến lúc tàn rồi. Anh bỏ trốn đi lúc này, dù thế nào đi nữa, cũng đáng được xem là hiểu đúng thời thế đấy".

Lưỡi kiếm của Matsubara thờ thẫn buông thõng xuống.

-"Ta đã là thằng bé con nhà bán rau trái, một lòng ao ước mà thành được võ sĩ đây. Ta không mơ tưởng gì hơn thế nữa. Cứ thế này mà mục nát đi cũng chả sao cả".

-"Tôi đến đây, chỉ muốn nói điều ấy với anh đó thôi. Vậy xin từ biệt. Tôi chỉ bước chậm thôi, nếu anh muốn, xin cứ chém tự nhiên cho".

Yoroku rời đi, từ tốn. Vừa đi vừa dè chừng phía sau lưng. Nhưng ra đến cửa đông Koraimon vẫn không thấy Matsubara đâm chém gì cả. Ra khỏi cửa ấy, quả nhiên mồ hôi đồng loạt tuôn ra khắp cả người.

Anh ta là thứ thiệt hay đồ giả nhỉ? Đêm nay, cuối cùng Yoroku cũng chẳng có được câu trả lời.

Về được đến nhà, Yoroku la lên một tiếng lớn: "A!".

Vợ hỏi: -"Sao thế anh?"

-"Im đi nào!"

Yoroku lặng thinh suy nghĩ, mắt vẫn còn những tia máu đỏ. Phải rồi! Chắc chắn Noda Jisuke không thể là người cùng đi với Matsubara được. Yoroku chợt để ý đến điều ấy. Bởi sổ tiếp khách của quán ăn nào ở Gion cũng không có tên ấy. Hẳn là Noda đã có mục đích gì đấy, từ hướng khác tiến đến phía cầu Yonjo, và đến gần sau lưng Matsubara đấy rồi.

Yoroku nhớ ra tiệm bán lược ở khoảng cầu Yonjo là nhà quen thân với Noda, nên sáng hôm sau, đã đến tiệm ấy hỏi, thì quả đúng là hôm đó, khoảng giờ đó, Noda đã đi ngang qua, có ghé vào chào hỏi rồi mới đi tiếp.

Hiểu rồi! Noda là bộ hạ tâm phúc của Hijikata mà. Từ đấy suy ra giải đáp: có lẽ Hijikata vì lý do gì đấy cần phải thanh toán gọn Matsubara một cách bí mật, nên giao công tác ám sát này cho Noda, kiếm sĩ phái Ryugo. Noda thì hẳn là chịu làm rồi. Trước đây cũng đã có chuyện tương tự như thế rồi. Takeda Kanryusai, phụ tá phó tướng Shinsengumi, bị nghi ngờ thông đồng với phiên trấn Satsuma làm phản, nên bị chém dưới chân cầu Zenitori trên quốc lộ Takeda, là do Hijikata ra mật lệnh cho Saito Hajime, thầy dạy kiếm cho đội viên, và Noda Jisuke hạ thủ đấy. Và còn có lời đồn rằng: Tani Sanjuro, trưởng đội thứ 7 của Shinsengumi, chẳng rõ vì lý do gì, đã bị thanh toán, xác vất dưới bậc đá đền Gion, cũng là do tay Noda Jisuke đó thôi.

Yoroku đứng suy nghĩ bên cạnh lan can phía đông cầu Yonjo, là chỗ đã phát hiện vết máu đầu tiên của Anzai Kakuemon.

Có lẽ Noda định giết Matsubara nên thình lình chém tới từ sau lưng Matsubara. Nhưng Matsubara đã kịp nhảy tới trước tránh được. Matsubara say rượu, thấy phía trước có người võ sĩ thì nghĩ đấy là thích khách. Đâu có ngờ đó là Anzai chẳng dính dáng gì đến mình. Matsubara tưởng Anzai là địch, nên chém luôn. Nhát đầu tiên hẳn là chém trúng không sâu. Bởi Anzai chỉ hoảng hồn mà vẫn còn đủ sức chạy qua đê, xuống đến bãi sông. Matsubara đuổi theo. Noda cũng lén chạy theo sau. Đến bãi sông, Matsubara chém chết Anzai. Sự việc chuyển hướng bất ngờ khiến Noda kinh ngạc, quyết định dời công tác ám sát sang ngày khác, tạm thời lánh mình, trốn khỏi hiện trường.

Matsubara vác xác chết về nhà Anzai mới thấy mặt di tộc là cô Omoyo, do tình cảm thông thường của con người mà đâu dám nhận mình là kẻ đã giết chồng cô ta. Rồi sau này, anh bắt đầu đem lòng thương tưởng Omoyo nên lại càng không thể thú thật chính mình là kẻ thù đã giết chồng cô ấy, từ lòng hối hận mà càng đối xử tử tế với Omoyo hơn mức cần thiết nữa. Tất nhiên, chuyện bắt gặp bọn lãng sĩ Tosa vây giết Anzai chỉ là do anh bịa đặt ra để đỡ tội cho mình đó thôi.

Lúc đó, Matsubara hẳn đã không biết là có Noda mặt đầy bớt đỏ cũng ở đấy nữa. Anh ta không biết đến Noda, chứng tỏ rằng ở hiện trường thì Matsubara đã say lắm rồi.

Nguyên nhân phạm tội là Noda Jisuke mặt đầy bớt đỏ, đã chém Matsubara trước. Matsubara đúng là người đã giết Anzai nhưng chỉ vì say rượu mà nhìn lầm đó thôi.

Dù nghĩ như thế, nhưng chứng cớ mong manh quá nên Yoroku không thể đem trình lên Hijikata được.

Yoroku đến công đường Shinsengumi ở nhà Maeda. Đợi suốt 2 giờ mới thấy Hijikata ra hiên.

-"Thưa, đúng ông Matsubara là kẻ hạ thủ đấy ạ".

-"Yoroku! Đây là đội Shinsengumi đấy nhé!"

-"Dạ?....."

-"Đội viên thừa lệnh của đội, hay do chí khí người võ sĩ mà chém giết người ta là chuyện đương nhiên rồi. Ta có hỏi ai là kẻ hạ thủ đâu nào. Ta hỏi có phải Matsubara đã có hành vi vô liêm sỉ không xứng đáng là người võ sĩ đấy không?"

-"Thưa, không. Quan hệ với cô Omoyo thì là sau vụ đó mới có".

-"Phải điều tra thêm đi!"

-"Thưa, không sai chạy gì đâu ạ".

-"Cứ điều tra đi!"

Hijikata làm mặt lạnh lùng.

Yoroku đành im miệng mà ra khỏi công đường Shinsengumi.

Thế này thì kỳ lạ thật! Đã rõ ràng Matsubara là kẻ hạ thủ rồi. Và chẳng phải là vụ mưu sát vì ý đồ vô liêm sỉ gì cả. Thế thì đáng lẽ kết thúc việc điều tra ở đây mới đúng chứ! Có lẽ ngài Hijikata có mục đích gì khác nữa.

Yoroku nghĩ nếu mình còn dính thêm vào vụ này nữa, không chừng chuốc hoạ vào thân. Đừng động tới quỷ thần thì khỏi bị quở phạt. Bọn lãng sĩ Mibu (Shinsengumi) này đúng là quỷ thần rồi!

Từ phố Bojo về đến xóm Takaoke, bất đồ sau lưng Yoroku có tiếng Matsubara réo gọi. Yoroku quay lại thấy anh chàng đầu trọc tươi cười có vẻ vui khoẻ lạ thường.

-"Anh Matsubara không làm việc đội à?"

-"Trong người không được khoẻ nên nghỉ việc đây".

-"Ngài Hijikata cho phép à?"

-"Tự ý nghỉ đấy chứ!"

-"Thế thì bậy lắm!"

-"Chuyện đó thì chả sao, nhưng mà này, có lẽ ta đã si mê cô Omoyo rồi đây. Hôm nay sẽ thổ lộ với cô ấy rằng chính ta là người đã giết Kakuemon đấy. Bảo cô ấy trả thù đi. Để cho cô Omoyo trả thù là tấm lòng thành của ta đối với cô ấy đấy."

Quả thật anh chàng này chẳng phải là đồ giả rồi! Trong lòng Yoroku cuồn cuộn nổi lên niềm thương xót đồng tình, chợt muốn vươn tay ra mà vỗ về đôi vai rộng của Matsubara.

-"Có chút chuyện muốn nói với anh đây".

Yoroku đưa Matsubara vào nhà mình.

-"Anh hãy cùng cô Omoyo trốn ngay khỏi đây đi. Chuyện còn lại để tôi lo cho".

-"Nhưng tại sao lại phải trốn đi chứ?"

Matsubara hỏi, mặt có vẻ nghi ngờ.

-"Cái đó thì......". Yoroku định nói cho Matsubara biết về thái độ kiên trì kỳ dị của Hijikata, nhưng lời định nói chỉ ra đến cổ họng thì bị nuốt trở lại mất. -"Tôi là điều tra viên mà. Có những chuyện không thể nói ra được đâu".

-"Chẳng sao đâu. Đừng lo. Yoroku! Xem này!".

Matsubara đang ngồi quỳ gối thẳng người, đột ngột bật hai chân nẩy tung người lên không, quay một vòng, rồi trở lại thế ngồi tề chỉnh cũ. Anh lặp đi lặp lại động tác kỳ xảo ấy vài lần.

-"Ta vui đến thế này đây! Phải nói dối bao lâu nay thật là khổ tâm quá!".

Quả thật anh ta là người có bản chất đơn thuần chất phác.

Nói xong, Matsubara tươi cười bước sang nhà bên cạnh.

Đến tối, Matsubara trở lại, gọi Yoroku, từ nền đất sau cửa, trong bóng tối.

-"Ta đã thổ lộ tất cả với cô ấy rồi đấy".

-"Rồi thế nào?"

-"Nhưng cô Omoyo đã đoán ra được từ lâu rồi. Ta kể hết sự tình thì cô ấy bảo là chỉ vì số phận chồng cô không may đó thôi, mà tha thứ cho ta. Ta đã tạ lỗi trước bài vị của anh ấy. Nhưng bây giờ, ta lại khổ tâm quá. Bởi đã thú tội xong, chẳng lẽ lại thành chồng vợ với cô Omoyo sao được?"

-"Ủa, chứ chuyện vợ chồng, chưa làm với nhau sao?"

-"Yoroku! Đừng có ngốc thế! Ta đâu đến nỗi xấu xa đến mức ấy!"

Matsubara nói như thế, nhưng tất nhiên, quan hệ trai gái đã có đà sẵn rồi thì chẳng còn gì cản lại được nữa. Theo chỗ Yoroku nhận xét thì kể từ đêm đó, hai người đã trở nên khắng khít với nhau rồi. Yoroku một mặt cảm thấy có chút ghen tỵ, nhưng mặt khác, thực tâm lại muốn chúc mừng cho Matsubara và cô Omoyo.

Một ngày kia, anh chàng đội viên có giọng thổ âm miền nam đặc sệt đã đến bảo Yoroku:

-"Phụ tá phó tướng Matsubara nghe đâu đã dùng thủ đoạn vô luân mà chiếm vợ người ta đấy nhỉ!"

-"Làm gì có!"

-"Đừng làm bộ không biết! Tin đồn ầm lên, ai cũng biết cả rồi. Mà cả chuyện cậu đi vòng vòng dọ hỏi về vụ ấy, cả đội cho đến đội viên mạt hạng cũng đã biết rồi đấy".

Yoroku hiểu ra rằng Hijikata đã kiên trì đốc thúc anh đi điều tra vụ ấy, có lẽ chẳng phải để tìm ra sự thực gì, mà mục đích chính là để điều tra viên Yoroku đi vòng vòng dò hỏi, như một cách giúp loan truyền tin đồn ấy rộng rãi ra. Vì tin đồn ấy mà Matsubara càng ngày càng bị cô lập.

-"Phụ tá phó tướng Shinohara cũng đã nói rồi. Cùng là thầy dạy nhu đạo cả, nên phải cảnh cáo Matsubara mới được, kia đấy".

Thế này thì không xong! Yoroku hốt hoảng đi tìm Matsubara, nhưng rủi là trước đó, Matsubara đã đi công vụ ở Sở Chưởng quản Fushimi mất rồi.

Ngày 20 tháng 4 năm Keio thứ hai (1866), Matsubara Tadashi, giáo thụ trưởng nhu đạo của đội Shinsengumi, đã cùng cô Omoyo tự tử vì tình. Tin đồn ngụy tạo của Hijikata cuối cùng đã đến tai Matsubara, dằn vặt anh ta đến nông nỗi như thế.

Nơi hai người tự tử là nhà của cô Omoyo. Người đầu tiên phát hiện là Yoroku.

Hiện trường thật thê thảm. Matsubara đã dùng tay siết cổ Omoyo theo thế nhu đạo. Rồi anh dùng đoản kiếm mổ bụng tự sát. Khá đẫy người nên kiếm rạch bụng mấy nhát vẫn chưa chết được, anh đã cắt luôn động mạch ở cổ, máu tuôn lai láng, phun tán loạn lên cả vách tường.

Xác cô Omoyo nằm ngửa, khuôn mặt có vẻ hạnh phúc. Còn Matsubara có vẻ mặt sầu khổ lạ thường.

Phải chi Matsubara đừng trở thành võ sĩ làm gì, cứ sống cuộc đời người buôn rau trái, thì đâu đến nỗi phải chuốc lấy cái chết điên rồ thê thảm như thế này.

Yoroku ứa nước mắt.

Đúng lúc từ phía chùa Mibu vẳng lại tiếng chuông tiếng trống vui nhộn. Có lẽ dân phố đang tập đánh nhịp sênh phách cho tuồng kịch. Yoroku nhớ ra là ngày mai bắt đầu diễn tuồng kịch câm Mibu.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 11-2008
Chú thích:

[1] Shinsengumi : là đội võ trang cảnh bị Kyoto, do Mạc Phủ chiêu mộ các võ sĩ mất chủ tướng (lãng sĩ, ronin) mà lập ra để truy lùng tiêu diệt các chí sĩ Cần Vương mượn cớ đánh đuổi người ngoại quốc để mưu đồ đánh đổ Mạc Phủ, thực tế là đã khuấy động kinh đô Kyoto. Chủ tướng là Kondo Isami, phó tướng là Hijikata Toshizo, phụ tá phó tướng là Okita Soji.

[2] Gia lão : Karo, cấp quan cao nhất giúp Lãnh Chúa cai trị phiên trấn.

[3] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ, hay lực kinh tế của phiên trấn thì khoảng 150 kí gạo, khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít.

[4] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.

[5] Eta : tận cùng của xã hội Nhật Bản thời trước, không được kể vào bốn giai cấp sĩ nông công thương, còn có hạng người Eta hay Hinin (phi nhân) không được đối xử như con người, bị cưỡng bách phải làm những việc ô uế, nặng nhọc.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Mibu kyogen no yoru" của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 4 trong tập truyện "Armstrong-hou" (Đại bác Armstrong), bản bỏ túi, do nhà Kodansha Bunko tái bản lần thứ 30 tháng 12 năm 2000. Mibu kyogen là loại kịch câm khởi thủy ở chùa Mibu, Kyoto, các vai mang mặt nạ diễn tuồng tích về luân lý Phật giáo, khuyến thiện trừng ác, chế diễu thói xấu của võ sĩ, sư sãi, đàn bà trắc nết,... bằng động tác, trong tiếng chuông, trống và sáo.

Mibu là khu vực có bản doanh của Shinsengumi.



 [  Trở Về  ]