Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]                  [ Tác giả ]
Hoạ sĩ quậy
Shiba Ryotaro

Phạm Vũ Thịnh dịch

Thời bấy giờ ở Edo[1] có hoạ gia mang hỗn danh là "Baikei quậy". Baikei (Mai Khê) là tên hồi còn trẻ của Tazaki So-un đó. Tương truyền mặt ông ấy dài đến 2 shaku (khoảng 60 cm) thì hẳn là khác thường lắm. Được cái là thân người và tay chân đều to lớn tương ứng nên không tạo ấn tượng quái dị gì mấy. Từ thuở niên thiếu, ông đã có mắt nhìn dữ dội đến nỗi người ta kháo nhau là:

-"Ai thấy cũng run lên khi bị Baikei vặn hỏi điều gì".

Ngày nay vẫn còn hình chụp ông ấy. Trong cuốn Đại từ điển Bách khoa do nhà Heibon xuất bản cũng có hình ấy, quả thật trông ông không có vẻ gì là hoạ gia cả. Có nhìn cách nào đi nữa, cũng thấy đó là khuôn mặt của một vị tướng thu đoạt thiên hạ từ trên lưng ngựa.

Cho đến tuổi trung niên, ông sống trong xóm nhà lá Sanya ở phường Asakusa. Chuyện truyền tụng về Baikei thì nhiều lắm.

Khi nào ông bảo vợ: -"Kiku à, hôm nay có hội Thư hoạ đấy" thì vợ ông là Kiku hiểu là sẽ có chuyện gì xảy ra. Thế nào ông cũng vác thân người máu me bê bết mà về nhà.

Hội Thư hoạ thời ấy thì cứ nghĩ như hội triển lãm hoạ phẩm ngày nay là được. Chỉ khác ở chỗ hội trường là ở các tửu quán thôi. Thường thì các tửu quán hạng nhất được chọn; ở đó, các hoạ gia, các nhà thư pháp tụ tập, trưng bày tác phẩm của mình, hoặc vẽ hay viết ngay tại chỗ. Tất nhiên có cả đám người ái mộ thư hoạ của họ nữa. Tụ họp nhau, vừa uống rượu vừa mua qua bán lại các tác phẩm ấy.

Tazaki Baikei, à không, từ đây xin dùng cái tên thông dụng về sau này của ông ấy là So-un (Thảo Vân), So-un ra khỏi nhà với trang phục võ sĩ: quần ống ngắn, dắt thanh kiếm dài, tay cầm cây quạt sắt, dáng ông không khác gì người võ sĩ lên đường tu luyện kiếm thuật.

Ông quen miệng bảo người ta rằng: -"Ta không phải là người vẽ tranh đem bán mà sống đâu nhé!". Bởi ông đường đường là võ sĩ, dù chỉ ở cấp bộ tốt mạt hạng. Mà dù là bộ tốt đi nữa, võ sĩ cũng vẫn là võ sĩ chứ! Ông cứ thế mà ra oai. Và nếu trong hội Thư hoạ mà có tên nào chê bai tác phẩm của ông, thì So-un nhảy ngay qua mâm cỗ, túm lấy cổ áo tên ấy, vật ngã xuống sàn mà đấm đá. Gặp phải kẻ mạnh, ít nhiều cũng xứng tay đối thủ, thì hoá thành trận hỗn chiến, quần thảo nhau cho đến lúc áo quần tả tơi, cuối cùng thì cũng thường ném được đối thủ ra ngoài vườn. Rồi cứ thế mà mang thân hình xác xơ ấy về cho vợ là Kiku ở xóm nhà lá kia.

Nhưng Kiku không hề than trách một lời nào. So-un dựa vào đó mà càng được trớn, thường nói lời khoa trương rằng:

-"Hội Thư hoạ đúng là chiến trường của hoạ gia đấy".

Thời đó, trong đám người được kể là danh vật ở các hội Thư hoạ này, còn có "Undo bợm rượu" là hỗn danh của một nhà thư pháp kiêm thi sĩ. Ông này cũng có cánh tay mạnh lắm. Undo có họ là Takeuchi. Đương thời, là học trò của Yanagawa Seigan chủ toạ nhóm thơ Gyokuchi Ginsha (Ngọc trì Ngâm xã) ở xóm Tamagaike (Ngọc trì, ao ngọc) phường Kanda. Nghe đâu ông ta tập Nhu đạo đã lãnh được ấn chứng phái Sekiguchi, chưa từng thua một cuộc ẩu đả nào ở các hội Thư hoạ cả. Thêm vào đó, lại nghiện rượu nữa.

Có lần trong một hội Thư hoạ, Undo đột nhiên trừng mắt nhìn khắp mặt hoạ gia ngồi đầy trong phòng mà gằn giọng nói:

-"Ở đây có kẻ nào đáng được gọi là hoạ bá không?"

Mọi người im thin thít.

Undo được thế, nói lấn lướt:

-"Từ ngày Tani Buncho chết đi rồi, Edo này không còn hoạ bá nữa. Tất cả chỉ là thợ vẽ mà thôi!"

Lúc đó, chợt có người ném mạnh chén rượu xuống. Đó là Tazaki So-un. Khắp phòng đầy người, cả hoạ gia, thi nhân lẫn khách hàng hâm mộ, ai nấy đều nín thở, nuốt nước bọt.

-"Đúng thế đấy". So-un nói. -"Undo nói không sai. Buncho tiên sinh chết đi rồi, bọn hoạ sĩ trong thiên hạ tất thảy chỉ còn là thợ vẽ cả. Nhưng mà này Undo, ngươi nói vậy chứ còn ngươi thì sao nào? Chỉ là tên thợ làm thơ chứ gì nữa? Thợ thơ mà đi cười thợ vẽ được à?"

Thế là hai bên đá nhào khay rượu, mâm cỗ, xông tới đấm đá nhau. Vách tường đổ ngã, hai người lăn lộn ra hành lang, nhào cả vào hồ nước ngoài vườn mà vật lộn, cuối cùng Undo phải la lên: -"Chịu thua!". Mặt Undo đỏ loét máu mũi.

-"Chịu thua rồi à?"

-"Baikei! Không thắng nổi ngươi được, xin chịu làm đàn em!".

Undo cũng là gã đàn ông có khí phách, từ đó, luôn luôn theo phò So-un. Hội Thư hoạ nào cũng đến chung mà bảo với mọi người:

-"Đất Edo này, hoạ đàn, thi đàn không có ai địch nổi hai chúng tớ cả!".

Tất nhiên, đó là nói về sức mạnh của cánh tay họ đấy.

Vậy thì, hãy nói về So-un. Tên thật là Kaori. Con một nhà võ sĩ bộ tốt ở phiên trấn Ashikaga vùng Shimotsuke. Phiên trấn Ashikaga có Lãnh Chúa thuộc dòng nhà Toda tước Ooi-no-kami, thu hoạch chỉ chừng 11 ngàn hộc [2], không xây nổi thành quách gì cả. Thay vì thành thì chỉ có một tư dinh nhỏ xây kín đáo ở đất Karin Koji thuộc Ashikaga, có đào hào chung quanh.

Ở trong phiên trấn nhỏ mà lại chỉ là thân phận bộ tốt nên không thể sống chỉ bằng bổng lộc hàng năm mà thôi được, nên nhà nào trong dãy nhà chung ấy cũng phải làm thêm cả. Mà việc làm thêm của cha So-un cũng khác đời. Ông xưng hiệu là Sui-un (Túy Vân), bán tài vẽ tranh của mình mà độ nhật.

Thực tế thì thê thảm lắm. Ashikaga là vùng đất có nghề dệt máy làm ra vải vóc Ashikaga nổi tiếng nên có nhiều nhà giàu trong giới công thương hay cả nông dân nữa. Người cha là ông Sui-un, thân là sĩ phu của phiên trấn đấy, mà phải ra vào các nhà giàu có này, vuốt ve điếu đóm họ để được đặt vẽ tranh Nhật Bản lên các tấm bình phong, các vách kéo trong nhà họ. Vì vậy, trong ngoài thành đều có kẻ gọi lén dè bĩu ông là "thợ vẽ xuất thân bộ tốt".

Người cha Sui-un này thường dặn con là So-un thời niên thiếu rằng:

-"Có tài vẽ nửa vời mà thành ra bị coi như ăn mày. Con chớ có học nghề vẽ này".

Do đó, So-un đã theo học kiếm thuật phái Takanawa và binh pháp phái Naganuma. So-un đã tin rằng học võ nghệ và binh pháp để lập thân võ sĩ là con đường nhanh chóng nhất để thoát ra khỏi cảnh nghèo túng, nhục nhã, hơn là học nghề vẽ. May mắn là So-un có được tài năng thiên phú. Về kiếm thuật thì năm 17 tuổi đã được truyền thụ kiếm pháp, 19 tuổi đã nhận được ấn chứng của võ đường, đến năm 20 tuổi thì trong đám thuộc hạ của Lãnh Chúa không có ai bằng được tài kiếm của So-un. Tuy vậy, vốn cũng chỉ là thứ kiếm thuật ở xứ quê mùa mà thôi.

-"Lên Edo đi!".

Thầy Yamabe Sobee dạy kiếm trong phiên trấn đã khuyến khích như thế. Muốn lập thân bằng kiếm thuật thì chỉ có cách là làm sao được xếp hạng trong những võ đường lớn trên Edo mà thôi. Thầy Sobee đã chạy chọt ở các sảnh đường của phiên trấn, cuối cùng đã lấy được cho So-un giấy phép của phiên trấn "biệt phái lên Edo để tu tập kiếm thuật". Nhưng phiên trấn không cấp chi phí lưu học, mà bảo phải tự túc.

Trong nhà làm gì có tiền, nên So-un đành bó tay.

Cuối cùng thì con nhà bộ tốt lại cũng chỉ thành bộ tốt mà thôi! So-un nghĩ thế mà đâm ra oán trời. Nhưng trời ấy đã cho chàng trai này một dị tài khác. Đó là tài năng hội hoạ. Từ thuở nhỏ, khi nào So-un hí hoáy vẽ tranh là bị cha quở mắng, nhưng dù vậy, So-un vẫn thường lấy trộm các bức hoạ của cha ra mà bắt chước vẽ những tranh hoa điểu sơn thủy, thật là xuất sắc. Đến năm 18, 19 tuổi thì ngay cả người cha cũng không bén được đến gót chân người con, đến nỗi các nhà nhuộm vải khắp xứ Ashikaga khi nào cần bản vẽ mẫu thì lại đến nhà, nhờ:

-"Không phải Sui-un tiên sinh, mà xin nhờ cậu nhà vẽ giúp cho!".

Rồi ông Sui-un nhuốm bệnh nặng, lúc hấp hối đã dặn con:

-"Đừng trở thành hoạ sĩ. Con vốn là kẻ có thể tóm thâu thiên hạ được đấy!".

Đó là lời trăn trối cuối cùng của Sui-un.

Có lẽ lúc bấy giờ, những chuyển động của thời thế đã dậy sóng áp đến cả vùng đất Ashikaga này rồi. Uy thế của Mạc Phủ (Phủ Chúa Tokugawa) đã suy yếu hẳn. Để tự vệ, phiên trấn nào cũng dồn sức vào việc khởi dụng nhân tài, chỉ cần là người có học vấn, võ nghệ hay kiến thức, cho dù xuất thân là bộ tốt, võ sĩ mạt hạng đi nữa, cũng có nhiều hy vọng được chọn làm sĩ phu hạng cao trong phiên trấn.

Tóm thâu thiên hạ kia à? So-un nghe mà kinh ngạc. So-un quay nhìn lại mình, cảm thấy mình cũng có thể là người tài trí đến như thế chứ. Nhưng dù vậy, xứ này chỉ là một phiên trấn nhỏ, nếu cứ ở mãi quê nhà thì cuối cùng cũng chỉ có thể thành con ốc trong ruộng mà thôi. Về sau này, So-un đã thuật lại như thế về thời kỳ đó.

Phải đi thôi. Phải sống ở chỗ trời đất to rộng mới được. So-un đã quyết chí như thế.

Người cha chết đi, chỉ còn lại người mẹ kế và đứa em khác mẹ. So-un nối nghiệp nhà làm bộ tốt chỉ một năm, rồi đưa đơn xin quy ẩn, nhường chức lại cho người em. Làm thế cũng tốt cho cả người mẹ kế nữa.

-"Thế anh định làm gì nào?". Người mẹ kế là Orie hỏi.

-"Em con thì phải nối nghiệp nhà mới sống được. Còn con thì có nghề riêng".

-"Võ nghệ đấy à?". Bà mẹ có vẻ lo âu. Bà biết rõ rằng kiếm thuật phái Takanawa mà So-un học được chỉ là loại võ nghệ của một môn phái nhà quê, khó mà thu đồ đệ để mưu sinh được.

-"Thưa, nghề vẽ đấy". So-un đáp, có phần buồn bã.

Vẽ tranh thì cho dù có vụng về đôi chút, cũng còn nhiều nhu cầu nhờ vẽ mẫu vải hay tranh dán tường.

Muốn mưu sinh thì phải lên Edo thôi. So-un quyết ý như thế mà ra đi.

Lên Edo, lúc đầu anh học theo Yamazaki Baion. Baion là loại hoạ sĩ chỉ giỏi chiều theo thị hiếu khách hàng mà sống, kiểu thợ vẽ như Undo đã chỉ trích đấy. Nên So-un ra khỏi cửa đó ngay để theo học Kanai Ushu, rồi đổi qua Tani Buncho, sau khi Buncho chết thì theo học Haruki Nanmei. Trong khoảng thời gian đó, So-un ra vào các nhà buôn vật liệu xây cất, kiếm việc vẽ tranh dán tường để sống.

So-un đến trú ở vùng Asakusa từ thời vào làm môn đệ của Tani Buncho. Khoảng đó, anh đã cưới Kiku là con gái nhà võ sĩ bộ tốt cũng của phiên trấn Ashikaga. Đêm cưới, Kiku mới thấy được mặt chồng. Và cảm thấy sợ hãi hơn là thân cận.

-"Ta không phải là thợ vẽ đâu". So-un nói, tay ôm cẳng chân dài ngoằng đầy lông lá. -"Em cứ nghĩ là đã về làm dâu nhà võ sĩ là được".

Quả thật, mặt mày người chồng có vẻ đúng là võ tướng. Vả lại, lúc bấy giờ, So-un thường đến võ đường nhỏ dạy kiếm pháp phái Itto (Nhất đao) dòng Nakanishi của một võ sĩ không có chủ tướng (ronin) tên là Koshiba Denbee, So-un không phải làm môn đệ, mà là vị khách ghé đến đấy dạy kiếm. Tài nghệ So-un còn vượt hẳn thầy kiếm chủ võ đường ấy là Denbee mấy bậc nữa.

Nhưng thực tế mưu sinh thì công việc chính của So-un vẫn là thợ vẽ, chuyên vẽ tranh dùng trong dụng cụ xây cất vớ vẩn.

Người này là người gì đây nhỉ? Kiku không khỏi hoang mang về chồng mình.

Kiku lãnh việc liên lạc với các nhà buôn vật liệu xây cất. Ngay trước cổng sau của chùa Senso có hiệu buôn Higo của Jubee chuyên bán tranh của các môn sinh của Tani Buncho. Cô vợ mới cưới là Kiku mang 5, 6 bức tranh hoa điểu của chồng đến đấy. Ông quản lý mở tranh ra xem rồi nói:

-"Baikei tiên sinh cũng vụng tay quá nhỉ!"

tuy chỉ lầm bầm nho nhỏ gần như không nghe ra được.

Tranh của anh ấy chỉ đến mức như thế thôi à? Kiku bối rối.

Mà thật tình, thời bấy giờ người ta đồn rằng:

-"Tranh của Baikei thì chim cút vẽ ra bộ dạng như chim ưng. Đến khi vẽ chim ưng thì khí hồn tràn lan ra khỏi khung tranh, trông thô bạo quá".

Không phải là vẽ dở, mà cách biểu hiện có phần quá trớn, thiếu tiết độ. Hào hứng quá đà nên tranh như phá tung cả lên.

So-un cũng biết là người ta phê phán như thế. Đâm ra bận lòng, nên khi Kiku về, So-un đang lau chùi thanh kiếm liền hỏi:

-"Quản lý hiệu ấy nói gì nào?

mà mặt lộ vẻ yếu đuối khác thường.

Kiku không dám nói, chỉ cúi gầm mặt xuống. Nhưng So-un cật vấn mãi, Kiku đành thưa thật:

-"Thưa, ông ấy bảo gì như là vụng tay, hay gì đấy..."

Tức khắc, So-un nắm thanh kiếm, phóng chạy vọt đi, trong lúc Kiku còn ngỡ ngàng.

So-un chạy vào hiệu Higo, nắm lấy cổ áo người quản lý mà vật xuống nền đất, mắng lớn:

-"Thứ nhà buôn như mày mà đòi hiểu tâm cảnh hội hoạ của bậc đại phu võ sĩ được à?"

rồi lấy lại các bức tranh của mình, ném trả tiền tranh xong, phóng đi như giông gió.

Mà chẳng phải chỉ có thế. Về đến nhà, So-un bảo vợ:

-"Kiku à, ta đi du lịch đây!"

rồi bắt vợ sửa soạn hành lý, ngay hôm đó, đến nhà việc của phiên trấn, lãnh tiền đi đường, rồi ra khỏi Edo như đi trốn, lên đường vân du các nơi. Đơn gửi phiên trấn thì, sau này cũng làm nhiều lần như thế, viện lý do là : "Để điều nghiên về kiếm thuật".

Người như thế nên cô vợ mới cưới là Kiku có hoang mang "người gì thế nhỉ?" thì cũng chẳng có gì lạ. Riết rồi, Kiku hiểu ra là ông chồng mình, hễ có chuyện gì uất ức về hội hoạ là quay sang chìm đắm mê mải cứ như là lên cơn điên vào chuyện võ thuật, điều đó đã trở thành thói quen kỳ quái của So-un rồi.

Các cuộc vân du tu tập kiếm thuật của So-un thường hướng về phía Joshu, Hitachi, nhưng cũng có khi xoải chân đến cả các vùng xa, từ Suruga đến tận Mikawa nữa. Trong hành lý có sẵn bút vẽ, nên So-un kiếm thêm tiền đi đường không khó khăn gì. Cứ đến các nhà giàu có trong làng mà trọ lại và vẽ tranh dán vách những phong cảnh trong vùng. Và nhân tiện, nếu vùng đó có võ đường thì thách đấu và học hỏi.

Nghe đâu So-un chưa bao giờ đấu thua ai cả. Tuy sự thực thì có lẽ chẳng phải thế, bởi cũng đã có lời truyền tụng rằng So-un đã thua trận đấu với Ogawa Heibee phái Shinto Munen, chủ võ đường ở chùa Kyorin, phiên trấn Maebashi ở vùng Joshu. Xóm quanh thành Maebashi khi nghe có hoạ gia Baikei đến viếng, đã có lắm kẻ trong đám kiếm khách địa phương tìm đến lữ quán So-un trọ. Vùng đất này vốn là nơi võ thuật hưng thịnh. Liên tiếp không chỉ 2, 3 người, mà đã có rất nhiều kiếm khách xin "chỉ giáo", nên So-un đã nhận đấu ở vườn một nhà nông kia. Tất cả các kẻ thách đấu đều bị So-un áp thắng dễ dàng như đấu với trẻ con. So-un đắc ý cười rằng:

-"Quanh thành Maebashi xưa nay được tiếng là thủ đô về võ nghệ, thế mà chỉ đến trình độ này thôi sao?"

Và như thường lệ, một mặt So-un vẽ tranh độ nhật.

Một buổi chiều nọ, So-un đang ngồi ở hiên nhà một phú nông, giở giấy hoa tiên, vẽ tranh "Quan Vũ ra trận", thì đột nhiên bị che mất ánh sáng. Ngẩng mặt lên nhìn thì thấy có một nông phu trung niên đang đứng chắn, còn mặc áo quần làm ruộng.

-"Che mất ánh sáng rồi. Đi chỗ khác đi!"

So-un ve vẩy bút lông, xua đi.

-"Đẩy đi thử xem!". Nông phu có vẻ ngờ nghệch ấy mỉm cười nói.

So-un nghĩ thầm: tên này chẳng phải tầm thường, rồi vừa cảnh giác, vừa im lìm ôm bút giấy vẽ dời qua góc hiên khác.

-"Thầy vẽ định trốn đấy à?". Nông phu nói.

So-un vẫn im lìm chăm chú vẽ tiếp Tướng quân Quan Vũ.

Nông phu lại đến gần che mất ánh sáng, quấy rầy tiếp. Lần này So-un không thèm nói gì, chỉ im lặng vẽ cho xong thân thể tay chân Quan Vũ, cho đến lúc chỉ còn phải vẽ khuôn mặt nữa mới đặt bút xuống mà nói:

-"Lão kia, coi chừng đấy!"

rồi vào trong nhà lấy ra hai thanh kiếm tre, ném một thanh cho người nông phu kia. Nông phu chộp lấy thanh kiếm thật gọn gàng. Đúng như So-un đã đoán ra, người nông phu đó chính là một kiếm khách địa phương cải trang, đã bị lộ rồi.

Hai người khởi đấu, không cần mặt nạ hay bao tay che chở.

-"Mà này, quên chưa hỏi danh tính. Người nào, thuộc môn phái nào đấy?". So-un hỏi.

-"Chỉ là nông phu thôi".

Vừa đáp thế xong, hình dáng người nông phu như tăng lớn gấp đôi, thâu ngắn khoảng cách, áp đến như gió cuốn, thanh kiếm múa thẳng lên phía trên đầu.

-"Ủa?". So-un kinh ngạc, nhưng không phải vì thanh kiếm ấy, mà vì khuôn mặt người nông phu sao lại giống hệt như khuôn mặt Quan Vũ mà tâm trí So-un tưởng tượng ra định vẽ xuống. -"Đúng là khuôn mặt này rồi!".

Vừa nghĩ như thế, So-un đã lãnh ngay một nhát kiếm mãnh liệt vào ngay đỉnh đầu...... rồi không còn nhớ gì nữa cả.

Theo lời những người đã mục kích trận đấu ấy thì So-un vẫn đứng nguyên đấy, đột ngột vất kiếm tre đi rồi lảo đảo quay lại mái hiên. So-un cầm bút lên, thoăn thoắt vẽ khuôn mặt Quan Vũ nhanh chóng dị thường, rồi bước vào trong nhà, cứ thế mà ngủ luôn một giấc mê man. Nghe đâu lúc So-un thức giấc thì đã là chiều tối ngày hôm sau, vị chi đã ngủ suốt một ngày một đêm. Cứ như là bị mê man bất tỉnh vậy.

Người trong lữ quán thưa với So-un rằng đó là Ogawa Heibee tiên sinh, chủ võ đường ở chùa Kyorin, khi từ biệt đã có nhờ nhắn lại là xấu hổ vì việc mình đã làm. Bên cạnh gối So-un nằm còn có một giỏ khoai núi Heibee gửi đến để chuộc lỗi.

Tương truyền rằng về chuyện này, chính Ogawa Heibee đã nói:

-"Baikei ở Edo đã lấy chuyện thắng dễ dàng những tay kiếm non nớt quanh thành này mà khi dễ kiếm thuật của phiên trấn Maebashi. Vì vậy, ta đã cải trang đến thách đấu để ngăn chận việc chê cười ấy, may mắn sao đã chém được một nhát đấy, nhưng ngược lại, mặt mình đã bị đoạt lấy mất ngay trong khoảnh khắc ấy mà vẽ xuống giấy rồi. Chưa bao giờ ta lâm vào một trận đấu ghê rợn như thế".

Trận đấu hiếm có này nổi tiếng khắp vùng Maebashi, đến nỗi khi Baikei đã rời đi rồi, Lãnh Chúa Matsudaira Naokatsu nghe chuyện đã truyền lệnh: -"Ta muốn thế nào cũng phải xem bức tranh Quan Vũ ra trận ấy mới được", nên người chủ lữ quán mới dâng bức tranh ấy lên. Và Lãnh Chúa cho triệu cả Heibee lúc bấy giờ chỉ là một võ sĩ không có chủ tướng đến để so sánh với bức tranh, thì quả thật khuôn mặt giống hệt nhau. Lãnh Chúa phán rằng: -"Trông ngươi có dung mạo khiến liên tưởng đến Quan Vũ thật đấy", rồi cất nhắc Heibee lên làm thầy dạy kiếm thuật cho toàn phiên trấn. Cũng từ lý do đó mà Heibee sùng kính So-un:

-"So-un tiên sinh là ân nhân của nền võ đạo của phiên trấn chúng ta".

Đến sau cuộc Duy Tân thời Minh Trị, Heibee cũng còn lấy lễ trò đối với thầy mà viếng kính nhà Tazaki So-un.

Nói chuyện bên lề thì đời sau, con thứ của Heibee là Shuzo nối nghiệp cha. Rồi con của Shuzo là Heizaburo thì lại không học kiếm thuật mà sang Mỹ học kỹ thuật làm giấy xong, vào làm việc trong hãng giấy Shoshi là tiền thân của công ty giấy lớn Oji Seishi ngày nay, trở thành "vua giấy", lập nên tài phiệt Ogawa đó. Tất nhiên, chẳng có dính dáng trực tiếp gì đến nhân vật So-un trong truyện này.

*

Ngay cả sau khi đứa con thứ hai được sinh ra ở căn nhà nhỏ hẹp trong xóm Sanya phường Asakusa ấy, tâm tính "Baikei quậy" của So-un vẫn không thay đổi chút nào.

Thôi thì cứ coi như một cậu bé to xác là được. Kiku không khỏi thầm nghĩ như thế. Riết rồi Kiku cũng lý giải được đến mức đó mà yêu thương chồng mình.

Thỉnh thoảng, So-un lại ngồi thẫn thờ ở góc hiên nhà mà lẩm bẩm:

-"Ta cũng chẳng hiểu được mình nữa là!"

Xem thế thì chẳng phải mỗi mình Kiku, mà ngay cả chồng bà cũng chẳng hiểu được chính mình, Tazaki So-un, là cái giống gì!

-"Trong người có thứ gì quái lạ cứ tích tụ đầy cả lên, mà thứ này lại chẳng dính dáng gì đến hội hoạ hay kiếm thuật gì cả. Chẳng biết là cái thứ quái gì".

Nghe chồng nói thế, Kiku cũng chịu, chẳng hiểu là thứ gì.

Có lần So-un hỏi vợ:

-"Này Kiku à, em thấy anh là tay kiếm khách, hay là người vẽ tranh?".

-"Em chẳng hiểu. Chỉ thấy là chồng của Kiku mà thôi".

-"Em nói cứ như là người đã giác ngộ ấy! Anh thì chẳng hiểu anh là thứ người gì nữa".

Thời ấy có hoạ gia tên là Rankei (Lan Khê), ưa vẽ tranh sơn thủy, người đời gọi là "Cụm gai xứ Echigo" vì tính tình nhiều góc cạnh gai góc. Xưa nay chủ trương chỉ có tranh sơn thủy mới đáng gọi là hội hoạ thôi, và khinh khi mọi hoạ gia vẽ tranh nhân vật hay hoa điểu. Một ngày kia, có hội Thư hoạ ở tửu lâu Manpachi xóm Yanagihashi, Rankei đến trễ, mới ngồi vào chỗ, đã đưa mắt nhìn quanh một vòng rồi nói:

-"Ha Ha Ha! Bọn vẽ tranh hoa điểu, nhân vật lại lì lợm chường mặt đầy ra đấy nhỉ".

Thời bấy giờ, So-un vẽ toàn là tranh hoa điểu, nên không nhịn được, mới quát lớn:

-"Rankei, có giỏi nói lại xem nào!"

-"Nghe đây! Vẽ tranh sơn thủy hay hoa điểu, nhân vật mà cũng cứ xếp hạng ngang nhau, ai cũng là hoạ gia cả, nên cõi đời này mới sinh ra lộn xộn thế đấy. Cứ lấy theo 4 hạng sĩ nông công thương mà so sánh xem. Tranh sơn thủy tạo ra hình thể hùng vĩ thanh cao của trời đất mới xứng đáng là cấp sĩ đấy. Vẽ tranh hoa điểu thì chỉ đáng gọi là người thạo nghề vẽ. Còn vẽ nhân vật thì cứ xem tranh phong tục Ukiyo-e cũng hiểu, chỉ là hạng hoạ công, thợ vẽ mà thôi".

-"Nói vậy thì Rankei, ngươi là bậc sĩ đấy à?"

-"Kết luận là như thế đấy".

-"Đi ra kia!". So-un nắm kiếm, đứng bật dậy. -"Có thật ngươi là sĩ không, để ta thử bằng kiếm là biết ngay. Ra phía trước đi!".

-"Chuyện đó với chuyện này thì khác nhau chứ!"

-"Cùng là sĩ cả thì sĩ hồn có khác gì nhau đâu!".

Vừa dứt lời, So-un đã rút phắt thanh kiếm ra. Lưỡi kiếm lượn một vòng cung, sướt qua chót mũi Rankei, chém sả xuống cắt đứt đôi mâm thức ăn ngay trước đầu gối của Rankei. Thế mà canh tương trong chén không đổ ra một giọt nào, và bầu rượu cũng chẳng ngã xuống, chỉ có cái khay gỗ bị cắt ngọt ra làm hai mà thôi. Thật là một ngón nghề siêu phàm!

Rankei thì đã đạp ngã bức vách kéo, chạy trốn qua phòng bên cạnh rồi.

-"Coi được một cảnh thiệt đã con mắt!". Có người xưng tụng So-un. -"Cứ nghe đồn hoài rằng tài kiếm của So-un được kể vào hạng mười người giỏi nhất đất Edo, nhưng cảnh vừa xảy ra trước mắt đây thì quả là chưa từng được thấy bao giờ. Hội Thư hoạ hôm nay thật là hạnh phúc nhất cho đôi mắt của tôi rồi".

Nhưng So-un thì vừa tra kiếm vào vỏ vừa nghĩ:

-"Nói gì thế không biết? Hội Thư hoạ có phải là hội trình diễn võ nghệ đâu nào!".

Bởi So-un thấu hiểu sự thực là như thế.

Vụ này vậy mà đã sinh ra hậu quả bất ngờ: đột nhiên từ đó, chẳng còn ai đặt So-un vẽ tranh nữa cả. Nguyên nhân thì sau đó đã hiểu ra ngay: "Cụm gai Rankei" đã đi vòng các hiệu buôn vật liệu xây cất mà loan truyền bịa đặt rằng So-un đã phát điên lên rồi. Giới thưởng lãm thích tranh của dị nhân độc đáo, nhưng đâu có muốn mua tranh của người điên!

Thằng khốn dám hại ta! So-un tức giận hầm hầm. Nhưng rồi nghĩ lại: Chẳng lẽ mình điên thật sao chứ?

-"Kiku à, em nghĩ sao?"

-"Nghĩ sao gì?". Kiku đành trả lời. -"Đối với em thì vẫn là chồng em đấy chứ có gì thay đổi đâu"

-"Chắc em kiếp trước đã là nhà sư toạ thiền hay sao ấy chứ!"

Các hội Thư hoạ cũng không còn mời So-un nữa. Gia kế So-un lâm vào cảnh khốn cùng. Đám bạn là nhà thơ Undo, hoạ gia Gyozai phải bôn tẩu khắp nơi để vận động giải độc, cố gắng phục hồi danh dự cho So-un, nhưng không có hiệu quả gì mấy. Gyozai cũng phải cười khổ sở mà tự trào:

-"Hay là tại bọn mình vận động mới ra nông nổi này không chừng!"

Gyozai được người đời gọi là "Đười ươi bợm rượu" vì thói quen uống rượu như hũ chìm. Có lần uống rượu thi với So-un, đã uống hết hơn 5 lít (3 sho, mỗi sho 1.8 lít) rồi mà chưa ai gục. Vừa uống, Gyozai vừa trãi giấy vẽ ra, múa bút say vẽ tranh đười ươi múa, chỗ lạc-khoản thì khoanh tròn một vòng, trong đó vẽ một bầu rượu, ngay giữa bầu rượu viết: "Đười ươi bợm rượu Gyozai", ra cái điều tự hào rằng mình thắng cuộc.

Thấy vậy, So-un dù đã say líu lưỡi rồi cũng gắng giật bút vẽ chồng lên tranh đười ươi múa ấy một con rùa to tướng rồi ký tên "Rùa xanh Baikei". Thời bấy giờ, giới động vật học cho rằng loài rùa xanh là uống rượu được nhiều nhất.

-"Sao nào? Chịu thua chưa?". So-un hỏi.

-"Chịu thua! Chịu thua!".

Gyozai đành đầu hàng. Bởi liều mình tranh đua với So-un hơn thế nữa, thì sẽ không chỉ vẽ đùa, mà chắc chắn còn bị ăn đòn tay chân nữa kia.

Một ngày nọ, Gyozai và Undo đến chơi, cho So-un xem một bức hoạ xưa. Tranh thủy mặc vẽ một con cò.

-"Gì thế này? Chẳng phải là tranh của một kẻ tay mơ nào đấy sao?"

-"Thế à?". Hai người bạn có vẻ kiệm lời, như tuồng có mưu đồ gì đấy.

-"Ai vẽ thế?"

-"Niten đấy bạn ạ!"

-"Ồ!". So-un kinh ngạc, nhìn lại bức tranh con cò.

Niten (Nhị thiên) là tên hiệu của Miyamoto Musashi, kiếm hào vang danh cuối thời Chiến quốc [3] sang đến đầu thời Edo. Ông còn là một hoạ gia xuất chúng, để lại cho đời nhiều tác phẩm sớm được đánh giá cao, đến cuối thời Edo thì đã được giới thưởng lãm yêu chuộng lắm rồi.

Đây là tác phẩm của Niten à? So-un lần đầu tiên được thấy tác phẩm của Niten. Xem xét kỹ thì quả thật chẳng phải là bức tranh tầm thường.

-"Cho gửi lại đây đi". Hai người bạn nói, rồi ra về.

So-un treo bức tranh ấy lên ngay tokonoma, hốc tường trang trọng nhất trong phòng khách, mà ngắm nghía. Cứ ngắm nghía bức tranh ấy suốt ba ngày trời. Kỹ thuật thì không thể gọi là giỏi được. Nhưng con cò trong tranh trông sống động vô cùng. Không chỉ sống động, mà còn có thần lạ lùng, đến như thần thái được tôi luyện hoàn hảo đã hoá thân thành con cò ấy mà bay vào giữa trời đất. Chẳng còn là bức tranh thông thường như hàng trăm bức tranh trên đời, mà rõ ràng chính là nghệ thuật hiện thân đấy.

Qua đến ngày thứ ba, So-un gầy đét ra. Bởi có ăn uống gì đâu.

-"Kiku à, thấy được bức tranh này thì rõ ra rằng mấy bức tranh của ta vốn chẳng khác gì trò lấp liếm của bọn thợ vẽ". So-un bảo vợ. -"Cuối cùng, ta đã hiểu ra được rồi. Có lẽ ta chỉ là tên đàn ông hễ vẽ tranh thì là thợ vẽ, mà hễ nắm thanh kiếm lên thì chỉ là người quen tay cầm kiếm đó thôi".

So-un đã thấm thía sự khác biệt giữa mình và Musashi. Musashi đã được trời phú cho thiên tính là khí hồn cao rộng, khí hồn ấy biến thành kiếm thuật, thành tranh. So-un cũng đã được sinh ra với khí hồn trác việt so với người thường, nhưng khí hồn đi đường khí hồn, kiếm thuật đi đường kiếm thuật, kỹ thuật hội hoạ đi đường kỹ thuật hội hoạ, riêng rẽ rời rạc, không hoà hợp được làm một như trường hợp Musashi. Vì vậy, khí hồn bay riêng đi nơi nào rồi, ở hội Thư hoạ, tranh So-un vẽ không biểu hiện được khí hồn trác việt ấy, mà chỉ chăm chú vào khía cạnh kỹ thuật vẽ tranh mà thôi, còn khi So-un thi triển kiếm thuật thì chỉ là sự xảo diệu trong cách quơ kiếm quơ gậy đó thôi, chứ khí hồn thiên bẩm hiếm có kia chẳng hàm chứa chút gì trong kiếm thuật ấy cả. So-un nghĩ thế mà bảo vợ:

-"Kiku à, ta hiểu ra được đôi phần rồi".

Từ đó, suốt khoảng một tháng trời, So-un thẫn thờ, không vẽ một bức tranh nào mà cũng chẳng hề động đến thanh kiếm. Một tháng trôi qua, đột nhiên So-un cầm bút lên vẽ. Nhưng vẽ một bức tranh trông xấu tệ đến Kiku cũng phải ngạc nhiên.

So-un nói: -"Từ đây, ta tập luyện trở lại, quên hết mọi kỹ thuật cũ, coi như mới được tái sinh".

Gia cảnh càng ngày càng bần cùng hơn. Không chỉ thế thôi, lại nhằm lúc Edo có dịch tả hoành hành, Kiku bị nhuốm bệnh. Tay chân lạnh ngắt, rồi tê liệt, liên tục thượng thổ hạ tả, chỉ trong một ngày là chết.

So-un bỏ ăn bỏ uống. Đối với người có tính khí bạo liệt như So-un, việc mất đi người vợ như Kiku ắt hẳn là nỗi đau khổ khủng khiếp lắm. Đổi danh hiệu thành So-un là đúng vào thời kỳ này. Trước bài vị của Kiku, So-un đã thề nguyện bỏ tên cũ Baikei, tái sinh thành một người khác, bỏ rượu, bỏ thói hung bạo cũ.

Chỉ có rượu thì sau một tháng trời gắng nhịn không uống một giọt nào, So-un đã phải xin trước bài vị của Kiku để được uống trở lại.

Từ đó, bắt đầu dần dần được mời đến các hội Thư hoạ trở lại, rồi may mắn nhất là được Fujido tước hầu Izumi-no-kami, Lãnh Chúa phiên trấn Tsu ở đất Ise vời đến cấp cho bổng lộc tương đương với 25 hộc. Tất nhiên không phải trong cương vị kiếm khách, mà là hoạ gia của phiên trấn đấy. Thế nhưng So-un đã từ chối ngay:

-"Tôi biết ơn ngài đến sa nước mắt, nhưng việc này thì không thể nào bái lĩnh được".

Lý do đã hiểu ra là: đã bao nhiêu năm rồi bắt vợ là Kiku chịu cảnh sống cơ cực, rồi lại nhìn vợ chết đi trong cảnh khốn cùng, nên So-un không sao đành lòng mà hưởng phú quý khi vợ mình vừa mất. Vả lại, tuy thân phận là người đã quy ẩn, nhưng vẫn còn giữ hộ tịch ở phiên trấn Ashikaga, đó là lý do So-un đã đưa ra để từ tạ.

Sự việc này được người ta biết và cảm phục, nên giá trị tác phẩm của So-un tăng cao, và các hội Thư hoạ tranh nhau mời So-un. Người ta tán thưởng tác phẩm của So-un là: "nét vẽ thô sơ nhưng chứa đựng khí chất to lớn". Thật ra, khí hồn thiên phú trác việt của So-un vẫn chưa biểu lộ được đầy đủ trong tác phẩm. Bởi kỹ thuật hội hoạ So-un đã tập luyện được thì quá xảo diệu, lấn át mất phần khí hồn, nên dù có cố công gói ghém khí hồn vào đi nữa, tác phẩm cũng chỉ đạt được đến một mức độ nghệ thuật nhất định. Không đạt đến mức của Niten được. Bản thân So-un hiểu được điều đó hơn ai hết.

Hai người bạn Gyozai và Undo không chỉ làm biến đổi phong cách hội hoạ, mà còn làm biến đổi cả cuộc đời của So-un nữa. Bởi Undo là môn đệ của Yanagawa Seigan (1789 - 1858, nhà thơ). Seigan là chí sĩ Cần Vương (phò Thiên hoàng) quá khích, đến nỗi bị phái Tá Mạc (ủng hộ Mạc Phủ) gọi là "tên bán sỉ những âm mưu hiểm ác", đã chết bệnh ngay trước khi sắp bị bắt vì biến cố Ansei-no-taigoku (1858 - 1860). Undo làm thơ không hay, nhưng chí hướng thừa kế từ sư phụ thì rất nhiệt thành, nên chẳng biết từ bao giờ, đã cảm hoá được cả So-un thành một người theo thuyết Cần Vương. Để rồi sau này, So-un trở thành một chí sĩ Cần Vương còn nhiệt thành hơn cả Undo nữa.

Theo với tình hình sôi sục cuối thời Mạc Phủ, So-un đã bôn tẩu bốn phương, đặc biệt là đã kết thân với các chí sĩ Cần Vương thuộc liên minh Choshu-Mito; đám này thỉnh thoảng lại hội họp bí mật ở tửu lâu Manpachi dưới danh nghĩa hội Thư hoạ cũng là do So-un sắp xếp cả. Có lần So-un đã nói với Katsura Kogoro thuộc phiên trấn Choshu rằng:

-"Phải chi tôi sinh ra ở phiên trấn của ngài, thì hẳn là giờ này đã kết hợp các phiên trấn phía tây lại thành đạo quân đi đánh Mạc Phủ, nổi trống ba quân mà tấn công thành Edo rồi. Chứ phiên trấn Ashikaga của tôi thì chỉ cỡ 11 ngàn hộc, chẳng làm gì nên chuyện cả".

Thật ra, thuyết Đảo Mạc (đánh đổ Mạc Phủ) của So-un thì có phần trẻ con.

Thời bấy giờ đã có chuyện truyền tụng như thế này: một hôm ở tửu lâu Manpachi ngoài hội Thư hoạ còn có một nhóm khách khác đang ăn uống ồn ào ở phòng bên cạnh. So-un cũng biết mặt bọn ấy, là đám môn sinh nhà Iba thuộc phái kiếm Shingyo Itto. Nhà Iba đời đời là gia thần của Mạc Phủ nên trong đám môn sinh của nhà ấy có nhiều con cháu của thuộc hạ Mạc Phủ, võ đường của họ nổi tiếng là cao sang. Thêm vào đó, bọn này ưa làm ra vẻ hùng dũng nên trang phục quần cộc võ sinh dắt hai thanh kiếm dài ngắn lồ lộ chĩa ra ngoài, ai thoáng thấy họ bước đi trên đường cũng nhận ngay ra được là môn sinh nhà Iba đấy.

Trong đám ấy có Hattori Kanae, con nối dõi chức Hatamoto, bộ tướng của Chúa Tokugawa, lãnh lương ba ngàn hộc, lại là người bảo trợ cho "Cụm gai Rankei", đã cùng nhau loan truyền bịa đặt chuyện So-un phát điên lúc trước. Hôm đó, tên Hattori này từ nhà cầu trở lại, đã đi ngang qua So-un, rồi gây sự rằng So-un đã chạm vào vai hắn. Có lẽ hắn ỷ vào số đông bè lũ, định xúm vào cho So-un ăn đòn hội chợ.

-"Thợ vẽ, tránh ra!". Hattori quát lớn.

Thói thường, người thường đi ngang qua một vị có vai vế cỡ Hatamoto trên hành lang, thì cho dù là ở tửu điếm đi nữa, cũng phải ép người qua một bên mà khom lưng chờ vị đó đi qua, mới đúng lễ nghĩa. So-un thời đó đã bỏ thói loạn bạo rồi, nên chỉ nói: -"Xin thất lễ", rồi định bước qua êm thấm. Nhưng thái độ ấy đã chạm nọc Hattori, hắn quát:

-"Đồ bộ tốt mạt hạng!".

So-un quay phắt lại:

-"Thì đã sao nào? Bộ tốt, hay cao quan, chẳng qua cũng chỉ là danh xưng giả hình trên đời này. Thiên tử ở kinh đô đó kìa, cũng đâu có phân biệt bộ tốt hay cao quan, ai cũng là thần dân, bình đẳng cả đấy chứ, phải không nào?".

So-un đưa thuyết Cần Vương đang thịnh hành ra giảng cho đối phương, nhưng toàn thân đã rúng động vì giận dữ.

-"Bước ra cổng đi!". Hattori quát lớn.

Đã có phe của hắn, 8 người vây lấy So-un.

-"Ra ngay đây!". So-un nói.

Nhưng nghe thế, "Undo bợm rượu" và "Đười ươi Gyozai" đã vội vàng phóng đến, giữ chặt So-un, kéo vào trong phòng mà năn nỉ đến rưng rưng nước mắt: -"Van cậu! Nhẫn nhịn tí đi mà!".

So-un cũng hiểu chứ. Công lao khó nhọc của hai người bạn đã bôn ba khắp nơi để vận động cho So-un được chấp nhận trở lại hoạ đàn, không khéo lại trở thành vô ích, nếu xảy ra chuyện ẩu đả ngay đây, làm cho So-un trở lại thành người điên trong mắt người ta.

-"So-un, khiếp sợ rồi à?".

Bọn Hattori mở toang cánh cửa, từ ngoài hành lang mắng chửi vào.

So-un nằm vật ra chiếu, hai bàn tay bịt kín tai, mắt nhắm nghiền lại.

-"Ê, bộ tốt, sao nào?". Bọn Hattori mắng nhiếc. -"Ngươi nói lời dối trá rằng dưới Thiên hoàng thì thần dân bình đẳng gì đấy, chứ tuy cũng là đao kiếm cả, nhưng tay kiếm của điện hạ nhà ta thì làm sao mà giống cho được củ cải đê tiện bọn ngươi được chứ! Thế nào, so thử xem sao nhé?"

-"Không nghe!". So-un vẫn bịt kín tai, hai chân dẫm đành đạch.

Bọn Hattori bước vào phòng, vây So-un lại, rồi một tên trong bọn đá vào mặt So-un. So-un né tránh, nhưng việc đó đã khiến So-un nổi điên lên như ngày xưa. So-un bật dậy, chạy nhảy trong phòng, luồn lách dưới mấy lưỡi kiếm, đến lúc cướp được thanh kiếm từ tay một tên nào đấy thì đã bị thương đến nhỏ máu xuống chiếu rồi.

-"Bọn khốn kiếp! Ta chém chết hết tụi bây!"

So-un gầm lên. Lưỡi kiếm dưới tay So-un loáng sáng, cánh tay phải của Hattori Kanae bay bổng lên không rồi rơi bịch xuống chiếu, bàn tay vẫn còn nắm thanh kiếm.

Thời ấy, thế chém vào cổ tay địch của So-un đã vang danh khắp Edo, ngay cả những tay kiếm xuất sắc lắm khi so kiếm với So-un cũng phải thủ kín chỗ bao tay cầm kiếm.

So-un chỉ chuyển mình từng chút thôi, nhưng mỗi lần chuyển động, lưỡi kiếm vút đi sáng loáng, trong khoảnh khắc đã có ba người bị chém đứt cổ tay. Cả bọn hoảng sợ, hè nhau chạy trốn ra hành lang, dồn đống ở đầu cầu thang, rồi 2, 3 tên ngã lăn đùng xuống cầu thang.

-"Mang cánh tay đi nào!". So-un nhặt mấy cánh tay rơi rụng ấy lên, ném từ cầu thang xuống.

Vụ náo động này vậy mà đã không thành to chuyện. Đối với tửu lâu Manpachi, cả hai bên đều là khách quen, nên đã dặn người làm giữ kín miệng. Tất nhiên, chẳng phải làm thế để giúp gì cho So-un, tuy đương nhiên, chủ tửu lâu cũng đã nghĩ về hậu quả của việc bọn Hattori, những kẻ quyền quý như thế mà bị thương tích, nên cũng cám cảnh cho So-un có thể bị xử phạt, nhẹ lắm cũng phải mổ bụng, còn nặng thì bị tước bỏ thân thế võ sĩ mà giáng cấp đời đời làm thứ dân.

So-un nhờ Gyozai thay áo quần cho, rồi ra khỏi tửu lâu bằng cửa sau. Undo đưa theo, bảo:

-"Hãy tránh đất Edo một thời gian!"

-"ƯØ". So-un gật đầu. -"Tớ trở về Ashikaga đây".

-"Rồi sẽ có ngày tình hình sẽ khá hơn mà".

Undo an ủi như thế, nhưng cũng hiểu là có lẽ ngày đó khó mà có được. So-un rời bỏ Edo lần này coi như biến mất khỏi hoạ đàn vĩnh viễn rồi. Thật đáng tiếc cho một tài năng xuất chúng! Undo nghĩ như thế.

*

So-un rời bỏ Edo, trở về phiên trấn Ashikaga đất Yashu vào mùa xuân năm Bunkyu thứ ba (1863). Phiên trấn này hậu đãi So-un là người danh tiếng lừng lẫy ở chốn thị thành Edo. Tuy thân là một võ sĩ quy ẩn không có bổng lộc gì của nhà Tazaki cấp bộ tốt, nhưng So-un được Lãnh Chúa Toda tước Ooi-no-kami gọi bằng "Tiên sinh", bất cứ lúc nào muốn gặp là vời vào gặp ngay. Có thể xem như là làm cố vấn cho Lãnh Chúa đấy. Mà chẳng phải là cố vấn về chuyện vẽ tranh, Lãnh Chúa hỏi ý kiến So-un về quốc sự, về tình hình chính trị kia.

Trong tình thế lúc bấy giờ, tất cả các phiên trấn nhỏ đều hoang mang về xu hướng thời thế, không biết sẽ ra sao. Đương thời, trong nội các của Phủ Chúa Tokugawa cũng đã có khuynh hướng muốn dời cả về vùng kinh đô, Osaka, để hợp tác với Thiên hoàng ở Kyoto, cùng các Lãnh Chúa có thế lực mà gắng gượng điều hành việc nước. Huống hồ phiên trấn nhỏ cỡ Ashikaga chẳng có lấy dinh cơ trú đóng ở kinh đô Kyoto, thì nhà Lãnh Chúa Toda như hoàn toàn bị bịt tai bịt miệng trong tình thế bất trắc ấy. Thế nên, tự nhiên mà cả phiên trấn dần dần phải nương nhờ vào sự phán đoán tình thế của So-un là người hiểu nhiều biết rộng việc đời.

Tiếng gọi là phiên trấn chứ thật sự, nhân số thuộc hạ của Lãnh Chúa Toda chỉ gồm có khoảng 30 gia thần trú ngụ tại xứ, với khoảng 60 người trú nhậm ở dinh của phiên trấn trên Edo, thêm chừng 100 người bộ tốt nữa mà thôi, nên còn thua cả lãnh tụ của một băng đảng tội ác nào kha khá, có đông bộ hạ một chút. Đã vậy, trong phiên trấn cũng đang chia thành hai phe Cần Vương, và Tá Mạc; đám võ sĩ trú nhậm ở Edo thì theo phe Tá Mạc, đám gia thần trú ngụ trong xứ thì Cần Vương, không khác gì tình trạng của các phiên trấn khác. Tuy nhiên, cuối cùng So-un đã thu tóm được mọi người theo về cùng một chủ trương chung cho phiên trấn Ashikaga vào khoảng năm Keio nguyên niên (1865): Trong mọi việc, phải trọng sắc lệnh của Thiên hoàng hơn là mệnh lệnh của Mạc Phủ. Có thể nói là Ashikaga đã trở thành phiên trấn duy nhất theo phe Cần Vương trong số 8 phiên trấn nhỏ ở địa phương Kanto.

Lúc bấy giờ, lệ bắt các Lãnh Chúa phải năm nay trú nhậm ở Edo, năm sau về xứ (lệ Sankinkotai, do Phủ Chúa Tokugawa đặt ra) đã bị bãi bỏ, kinh phí đáng lẽ đã phải dùng cho việc dời đổi chỗ ở đó, bây giờ được chuyển sang dùng vào việc tăng cường binh lực sẵn sàng cho việc đánh đuổi người ngoại quốc (Jo-i, Nhương Di, đánh đuổi kẻ man di mọi rợ). Lãnh Chúa mới đem việc ấy ra hỏi So-un:

-"Lãnh địa này thu hoạch không bao nhiêu, mà cũng chẳng có của cải sẵn. Tiên sinh có mưu kế gì giúp cho không?"

-"Tiện nhân nghĩ chế độ binh bị của Choshu có thể áp dụng được". So-un đáp.

Phiên trấn Choshu gom góp quân chí nguyện từ các lực lượng võ trang không chính quy, gồm những người không thuộc giai cấp võ sĩ, để huấn luyện chiến đấu theo cách thức Tây phương. Thế mà dùng vào chiến đấu thực tế thì quân chí nguyện này lại chứng tỏ khả năng cao hơn cả những đội tiên phong của quân chính quy gồm những người thuộc giai tầng võ sĩ cao cấp hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp của phiên trấn Ashikaga thì phương sách mà So-un đề xướng nghe chỉ là luận thuyết trống không. Bởi súng Tây phương mỗi khẩu giá 25 lạng vàng, mà phiên trấn thì chẳng có bao nhiêu vàng.

-"Không sao, tiện nhân có kế sách rồi. Xin cứ giao cho So-un này, phiên trấn sẽ có ngay một đội quân 200 người võ trang theo Tây phương mà khỏi phải xuất một đồng nào cả".

Lãnh Chúa bằng lòng giao việc cho So-un. Nhưng cũng có kẻ phản đối:

-"Đề án của So-un nghe có vẻ là diệu án đấy, nhưng không thực tế chút nào cả".

Vì vậy, So-un bực bội mà bỏ qua kế sách ấy.

Hai năm sau, nhằm vào tháng 10 năm Keio thứ 3 (1867), Chúa Tokugawa lúc bấy giờ là Tướng quân Yoshinobu thình lình giao trả chính quyền lại cho triều đình Thiên hoàng mất. Có thể nói đó là hành vi độc đoán hoàn toàn từ phía Tướng quân (Shogun), làm cho tất cả gia thần của Phủ chúa ở Edo và cả 300 Lãnh Chúa chư hầu đều bàng hoàng, vì thực chất là họ bị bỏ rơi giữa chợ. Vì thế, các phiên trấn đã trở lại tình trạng sứ quân cát cứ từng địa phương của thời Chiến quốc, ít nhất thì cũng tạm thời cho đến khi chính phủ của Minh Trị Thiên hoàng được xác lập.

Trước nhất, phiên trấn phải tìm cách tự vệ. Phiên trấn Ashikaga nhỏ bé ấy cũng thấy lo sợ vì thực lực phòng vệ chỉ có khoảng 100 võ sĩ trong tình hình chính trị đầy bất trắc như thế này. Thế rồi, ở đất Toba-Fushimi vùng kinh đô, liên quân ba phiên trấn Cần Vương mạnh nhất là Satsuma, Choshu và Tosa đã xung đột với quân phò Mạc Phủ, khiến Tướng quân Tokugawa thua trận phải chạy về Edo. Lãnh Chúa của phiên trấn Ashikaga phải chắp tay khẩn khoản So-un cứu giúp. Và thế là từ đó, quyền chấp chưởng binh mã của phiên trấn Ashikaga đã được giao trọn vào tay một hoạ gia xuất thân võ sĩ tầm thường là Tazaki So-un. So-un năm đó 52 tuổi.

Diệu kế của So-un có lẽ đã thành công được chính là nhờ vào tình trạng đặc biệt của phiên trấn Ashikaga. Bởi lãnh địa này tuy chỉ là một phiên trấn nhỏ, nhưng lại là đất công nghiệp có nghề dệt máy lừng danh thiên hạ nên có rất nhiều nhà buôn giàu có. So-un soạn ra một bố cáo gọi là "Cương lĩnh về việc thiết lập đội quân Thành tâm Chí nguyện" rồi lấy danh nghĩa của Lãnh Chúa mà phổ biến khắp trong phiên trấn. Người nào hưởng ứng gia nhập vào đội quân Thành tâm Chí nguyện này thì bất kể xuất thân từ giai cấp nào, cũng được chấp nhận danh phận võ sĩ. Mà không phải chỉ ở cấp bộ tốt mạt hạng, mà được kể vào cấp võ sĩ cận thần của Lãnh Chúa nữa. Có điều, muốn được như thế, phải tự chi phí mà sắp sửa quân trang cho mình, kể cả một khẩu súng kiểu mới, nạp đạn ở cuối nòng, và hai thanh kiếm dài ngắn. Chẳng phải là thứ rẻ! Súng giá 25 lạng vàng, đạn dược hết 3 lạng, ngoài ra hai thanh kiếm và quân phục đẹp đẽ cũng mua luôn vào thì tổng cộng có thể lên đến 200 lạng vàng.

So-un đi vòng vòng viếng các nhà buôn giàu có vốn là khách mua tranh của mình, thuyết phục họ gầy dựng cho con em, cho cháu họ trở thành võ sĩ samurai (là giai cấp cao nhất thời bấy giờ). Tất cả đã hoan hỉ hưởng ứng, con số chiêu mộ được lên quá dự định 200 người. So-un cho người đi Yokohama mua súng đạn, vũ khí về bắt bọn lính mới trả tiền.

Tư lệnh đội quân mới này chính là So-un. Quân trang của binh sĩ tuy vẫn là quần áo thùng thình, ống quần ống áo suông đuột, nhưng vì toàn quân là sĩ quan cả, nên bên trên còn khoác thêm chiến bào đủ kiểu hào hoa oai vệ, dắt hai thanh kiếm nạm vàng nạm bạc, đầu đội nón trận màu hạt dẻ có ngù đỏ phía sau, có vành che nắng viền hoa văn bằng vàng, cột dưới cằm bằng dây luạ trắng.

-"Nhìn xem! trông cứ như là cấp Hatamoto cả ấy!"

So-un vui sướng mà nói như thế, trên mình ngựa trong ngày tập trận đầu tiên của đội quân mới. Sau đó, cùng với sự sụp đổ của Mạc Phủ, đây đó có những đám cướp nổi dậy, So-un cỡi ngựa, thống suất quân sĩ đi các nơi dẹp yên được cả.

So-un đắc ý vô cùng, nghĩ rằng phải chi Kiku còn sống để khoe với vợ:

-"Kiku em ơi, nghĩ cho cùng thì ta không phải là thầy vẽ mà cũng chẳng phải là tay võ nghệ gì. Ta là như thế này đây!".

Trong số 8 phiên trấn nhỏ ở địa phương Kanto này, không có lãnh địa nào có được lực lượng quân sự trang bị đầy đủ súng ống đến mức như Ashikaga cả. So-un phóng ngựa tung hoành, chỉ huy ba quân, hạ lệnh bắn súng đồng loạt, nghĩ mình chẳng khác gì những võ tướng oai hùng thời Chiến quốc. Ngay cả khuôn mặt So-un lúc này cũng thay đổi. Không còn hung hãn nữa, mà có vẻ nhu hoà. Có lẽ bản chất nguyên sơ của So-un đã sống lại bên trong So-un rồi.

Sau đó không bao lâu, đội quân cũ một ngàn tám trăm người của Mạc Phủ đóng ở Edo không chịu phục tùng lệnh Mạc Phủ thần phục chính phủ Thiên hoàng mới, đã do Tư lệnh Bộ binh Furuya Sakuzaemon chỉ huy, thoát chạy khỏi Edo, định dùng bạo lực mà trấn áp toàn vùng Kanto. Nói gì đi nữa, đây cũng là một đạo quân lớn mạnh, trang bị đầy đủ vũ khí theo lối quân đội Pháp, nên tiến lên phía bắc là khiến cho các phiên trấn vùng Kanto run sợ. Đã có những phiên trấn như Oshi mở cửa thành đón quân ấy vào. Quân Furuya tiến lên hướng Hanyu vùng Musashi, sắp sửa tấn công phiên trấn Ashikaga. Có lẽ chúng định chiếm lấy vàng bạc của dân giàu trong phiên trấn này làm quân phí.

Furuya Sakuzaemon cho quân xích hầu trà trộn vào phiên trấn Ashikaga để do thám tình hình. Báo cáo về đã làm mọi người kinh ngạc. Bởi quân sĩ thủ bị ở đó đều là võ sĩ cao cấp đội nón trận có ngù đỏ phía sau cả, mà cả thảy có tới khoảng 200 người! Sĩ quan đến 200 người thì phải là quân lực của một phiên trấn cỡ 5, 6 vạn hộc! Đương nhiên còn phải có bộ tốt nữa, theo đó mà ước tính thì có thể có đến trên 500 bộ tốt?

Nhà Toda phiên trấn Ashikaga này thì giỏi lắm cũng chỉ khoảng một vạn hộc chứ gì? Furuya không tin được nên đã tự mình đi xích hầu dọ thám, thấy được tận mắt quả như thế thật nên lại càng kinh ngạc. Toàn quân là sĩ quan cao cấp võ trang bằng súng ống Tây phương cả, mà súng lại là kiểu mới nạp đạn cuối nòng, đúng là kiểu súng Minié tối tân!

Furuya bèn thay đổi chiến thuật, chờ cho bộ đội đi sau đến tăng viện, tạm thời đóng quân ở xóm quán trọ Yanada cách Ashikaga hơn một dặm (khoảng 4 km) về phía đông nam, sai sứ giả đến Ashikaga ra lệnh phải đầu hàng.

Trong phiên trấn Ashikaga, phái chịu đầu hàng cũng đông. Bởi địch thủ là đại quân 1800 binh, làm sao mà địch cho lại. Nhưng So-un không muốn đầu hàng, chỉ gửi một sứ giả giỏi biện thuyết đến trại quân Furuya nói rằng: -"Cũng muốn làm theo lời ngài, nhưng trong phiên trấn, ý kiến chưa thống nhất được, đang ở trong tình trạng bất ổn. Xin chờ cho ít lâu, sẽ thống nhất ý kiến mà mở cửa rước quân ngài vào", mục đích là để câu giờ.

Lúc bấy giờ, So-un đã biết được tình hình là quan quân của triều đình phái đi bình định các địa phương phía đông dưới sự chỉ huy của Itagaki Taisuke, sĩ phu của phiên trấn Tosa, đã chiến thắng đạo quân Tá Mạc của Kondo Isami ở phiên trấn Katsunuma vùng Koshu, đang tiến về phía đông, sắp sửa đến vùng Takasaki rồi. Lúc đó là ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1868). Quả nhiên đến ngày 5, đã có một tiểu đội tiên phong của quân triều đình vào đến Tatebayashi.

So-un muốn cấp tốc liên lạc với đạo quân này nên một mình một ngựa rời Ashikaga, đột nhập khu vực bản doanh của Furuya là Yanada, khéo léo luồn lách mà qua được xóm quán trọ này, nhắm hướng Tatebayashi phóng chạy. Lúc đó, quân Furuya đã hay được, một trăm tay súng bắn vói sau lưng So-un, một phát trúng yên ngựa, một phát trúng bao kiếm, nhưng So-un kịp phóng chạy vô sự mà đến được Tatebayashi để liên lạc với quân triều đình.

Sáng ngày 8 tháng 3, quân triều đình, là bộ đội liên hợp của các phiên trấn Cần Vương Tosa, Satsuma, Choshu, Ogaki, Hikone đã chiến đấu và đánh tan quân Furuya ở Yanada.

Lãnh Chúa Ashikaga chắp tay bái tạ So-un:

-"Được thế này là nhờ công lao của So-un tiên sinh đó".

Trận đánh ở xóm quán trọ Yanada đã có trên trăm binh sĩ của quân Furuya chết hay bị thương, quân triều đình chỉ có 3 người bị thương. Còn phiên trấn Ashikaga nhờ vào đội lính kiểng 200 người của So-un mà không cần bắn một viên đạn, không ai chết hay bị thương cả mà vẫn đạt được chiến thắng đáng gọi là "không cần đánh vẫn thắng" ấy.

"So-un là danh tướng" trở thành sự thực được loan truyền lên đến tận Edo, lọt vào tai hai người bạn Undo và Gyozai. Undo sửng sốt:

-"Người ấy đã thay đổi đến thế kia à?"

Chứ nếu vẫn như là thời kỳ "Baikei quậy" trước đây thì trong hoàn cảnh như thế, hẳn là Baikei ấy đã rút kiếm xông ngay vào trận địa của địch mà chém giết náo động, khiến cho nhiều người cả hai bên chết hay bị thương rồi.

Thời Minh Trị mở ra. So-un trở lại thành hoạ gia. Vẫn lưu lại Ashikaga, không hề lên Edo. Khi nào hứng thì vẽ tranh, còn bình thường thì chỉ là một ông già chuyện trò cười nói bình thường với người lân cận mà thôi. Tác phẩm của Tazaki So-un bắt đầu truyền lại được cho đời sau là từ thời kỳ đó. Phong cách hội hoạ đã khác hẳn với thời kỳ ở Edo, lúc này tranh của So-un bắt đầu đượm một khí vị kỳ vĩ khác hẳn trước. Tuy không chú tâm như thế, mà dù lối vẽ có khác nhau, nhưng dần dần tranh của So-un bắt đầu hàm chứa cảm giác sống động lạ thường, tương tự như người ta thường cảm nhận được từ tranh của hoạ bá Niten mà cũng là kiếm hào Musashi.

Chính đương sự So-un thường cười bảo người chung quanh rằng:

-"Thời thế Duy Tân náo động ấy đã giúp ta giải độc được hết sạch rồi".

Nghĩa là quá trình trở thành Đại tướng tư lệnh quân đội trên thực chất của phiên trấn Ashikaga ấy đã giải trừ được tất cả độc khí của thân phận một "tay vẽ tranh xuất thân bộ tốt" từ lâu tiềm tàng trong con người So-un. Dù gì đi nữa, có vẻ là vào thời kỳ ấy, tuy chính bản thân So-un thì không để ý, nhưng võ nghệ, kỹ thuật hội hoạ và khí hồn của So-un đã hoà chung làm một trong bản thể là Tazaki So-un ấy rồi.

Edo đã trở thành Tokyo (Đông kinh). Hoạ đàn của chốn đế đô này đã quên lãng So-un mất rồi. Tuy sự thực thì chính hoạ đàn cũng chịu ảnh hưởng của thời thế biến động vì cơn sốt Duy Tân mà lâm vào tình trạng gần như đóng kín cửa. Mãi đến năm Minh Trị thứ 8, 9 (1875, 1876) mới trở lại náo nhiệt được như cũ.

Tháng 5 năm Minh Trị thứ 9, ở tửu lâu vùng Asakusa, lâu ngày mới có một hội Thư hoạ khai mạc, hầu như tất cả các nhân vật danh tiếng trong giới thư hoạ đương thời đều tham gia. Hội Thư hoạ ấy có triển lãm một bức tranh không có ấn ký của tác giả. Tranh vẽ con ngựa. Chỉ là một bức tranh nhỏ, nhưng phẩm cách kỳ vĩ đến nỗi tạo được cảm giác áp bách lên toàn thể hội trường, khiến người xem nín thở nghẹn lời. Nhưng chẳng biết tác giả là ai.

Người ta bàn tán náo nhiệt một hồi rồi Gyozai bước vào nói:

-"Vẽ tranh đến được mức độ này thì ngày xưa có Niten, còn đời bây giờ thì chỉ có So-un ở xứ Ashikaga chứ chẳng ai khác được".

Mà quả thật đó là tác phẩm của So-un.

Gyozai ngắm bức tranh ấy một hồi thì đâm nhớ người bạn cũ lạ lùng, nên tức khắc sai một người chuyên cung cấp dụng cụ hội hoạ lên đường đi gấp đến phiên trấn Ashikaga. Để chuyển lời khuyên So-un hãy trở lại Tokyo, chứ sao lại phải chịu mai một tài năng ở cái phiên trấn nhỏ bé quê mùa ấy.

Thế nhưng So-un không chịu dời đi. Giữ người sứ giả ấy lại làm bạn rượu, So-un uống một trận thoả thích, rồi nói:

-"Có sao đâu. Tokyo thì đã có gã đàn ông cỡ Gyozai, một người là đủ quá rồi. Đâu cần đến ta phải lên đó làm gì nữa".

Đến cuối đời, So-un cũng không rời đất Ashikaga, đến năm Minh Trị thứ 31 (1898) thì mất, thọ 83 tuổi.

Người đời sau gọi ông là "Niten của thời Minh Trị". Nghĩa là kiếm thuật không bằng được Musashi, nhưng kỹ năng hội hoạ thì xấp xỉ Niten rồi.

Sau khi chết, So-un được truy tặng hàm Tòng Ngũ phẩm do công trạng trong công cuộc Duy Tân.

(Tạp chí Shosetsu Shincho - Tiểu thuyết Tân triều, số tháng 7 năm 1964)

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 03-2008
t4phamvu@hotmail.com
Chú thích:

[1] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.

[2] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ, hay lực kinh tế của phiên trấn thì khoảng 150 kí gạo,

khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít.

[3] Thời Chiến quốc : 1467-1568, các sứ quân cát cứ các nơi đánh nhau hỗn loạn, cho đến khi Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu tiếp nhau hoàn thành cuộc thống nhất, mở ra thời Phủ Chúa Tokugawa.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Kenka So-un" (So-un ưa đánh lộn) của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 3 trong tập truyện "Bajo shonen sugu" (Thiếu niên cỡi ngựa chạy qua), bản bỏ túi, do nhà Shincho Bunko tái bản lần thứ 24 tháng 5 năm 1987.

Tazaki So-un (1815-1898)



  [  Trở Về  ]