Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]                  [ Tác giả ]
Shiroyama Saburo

Tiểu thuyết gia Hiện đại Nhật Bản

Phạm Vũ Thịnh 
Shiroyama Saburo (1927-2007) là người mở đầu thể loại tiểu thuyết kinh tế Nhật Bản thời hiện đại (business novels), thể loại văn học rất được ưa chuộng trong giới doanh nhân, tư chức, và gia đình của họ, cùng với giới sinh viên học sinh; sách bán chạy không kém loại truyện trinh thám, hình sự, tức là gấp đôi loại văn học thuần túy. Đến nỗi từ năm 1979, nhật báo kinh tế Nihon Keizai Shimbun đã lập hẳn Giải thưởng văn học dành cho loại tiểu thuyết kinh tế, và các nhà xuất bản văn học lớn nhất Nhật Bản như Shincho, Kadogawa, Kodansha, Shueisha, Bungei Shunju cũng hăng hái xuất bản loại tiểu thuyết này. Đặc biệt, tất cả các tác phẩm của Shiroyama Saburo đã lập được thành tích là những sách bán chạy nhất ở các nhà sách lớn như Trung tâm Sách Yaesu, Tokyo,...

Shiroyama Saburotên thật là Sugiura Ei-ichi, sinh năm 1927 ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, tình nguyện vào Hải quân năm 1945 thời sinh viên ở Đại học Kỹ thuật Nagoya, nhưng đang được huấn luyện thì chiến tranh chấm dứt. Năm sau, ông vào học Đại học Thương nghiệp Tokyo (bây giờ là Đại học Hitotsubashi), tốt nghiệp năm 1952, vì cha bị bệnh nên ông trở về quê nhà, vào làm trợ giảng ở Đại học Giáo dục Aichi, sau thăng giảng sư về môn kinh tế. Năm 1963, từ chức ở Đại học để chuyên chú vào việc sáng tác.

Tác phẩm "Yushutsu" (Du xuất) của ông được giải Tác gia Mới của tạp chí Bungakukai (Văn học giới). Qua năm sau, ông được Giải Naoki, giải thưởng Văn học cao quý nhất chung cho các thể loại văn học của Nhật Bản, với tác phẩm "Sokaiya Kinjo" (Kinjo, tay tống tiền các công ty). Tác phẩm "Rakujitsu moyu" (Mặt trời lặn cháy đỏ) do nhà Shincho xuất bản năm 1974, được giải Văn hoá Mainichi cùng năm, rồi giải Văn học Yoshikawa Eiji 1975, quay thành phim bộ ti-vi năm 1976. Tác phẩm "Mo kimi niwa tanomanai" (Thôi, không nhờ cậu nữa đâu) được giải Kikuchi Kan năm 1996. Ông được giải thưởng của nhật báo Asahi năm 2002 cho những cống hiến kiệt xuất của ông về khoa học xã hội.

Ông chết vì bệnh viêm phổi, vào tháng 3 năm 2007, thọ 79 tuổi.

Nhiều tác phẩm của ông tiểu thuyết hoá những nhân vật và sự kiện thực tế, pha trộn khéo léo nhiều chi tiết hư cấu hay giả định, như thêm da thêm thịt vào những cái sườn là người thật việc thật để tạo nên những hình tượng hấp dẫn người đọc. Bút pháp của ông đặc biệt thành công trong việc mô tả nhiều khía cạnh thiết thân của xã hội hiện đại, và ảnh hưởng đến nhiều tiểu thuyết gia hậu sinh, nhất là trong thể loại tiểu thuyết hiện thực, phi hư cấu (non-fiction). Mặt khác, ông thường bị các nhà bình luận phê phán là đã làm cho nhiều độc giả mỹ hoá các nhân vật đến mức có nguy cơ xa rời thực tế, qua những phần hình tượng hư cấu phản ánh cảm tình hay suy đoán chủ quan của ông, mà độc giả cứ tin là sự thật.

Ông chú trọng đến sự xung đột giữa tổ chức và cá nhân trong sinh hoạt kinh tế hiện đại. Cơ cấu của tổ chức hay tập thể càng vững mạnh thì cá nhân càng có được cảm giác an toàn khi là một thành viên, nhưng ngược lại, cá nhân càng bị hy sinh cho quyền lợi của tổ chức. Tác phẩm của ông luôn luôn đề cao những đức tính và cố gắng cá nhân như động lực chủ yếu thúc đẩy và hoàn thành những tiến bộ về kinh tế và xã hội Nhật Bản trong giai đoạn toàn dân cùng nỗ lực đóng góp vào chính sách xây dựng quốc gia bằng xuất khẩu hàng hoá công nghệ.

Ông không thích sự ồn ào, cho rằng một tiệm buôn có hàng tốt, rẻ thì không cần phải quảng cáo ầm ĩ vẫn có nhiều khách hàng, và ngược lại, tiệm buôn quảng cáo ồn ào thường là vì hàng hoá thiếu hấp dẫn, thiếu phẩm chất. Nhân vật chính diện điển hình của ông thường là những nhân viên ít nói mà cần cù, kiên nhẫn, có khả năng, nghị lực và tiết độ trong các công ty kỹ nghệ tiên phong trong phát triển của Nhật Bản, như công ty xe gắn máy, xe hơi Honda,...

"Yushutsu" (Du xuất, Export) là tập truyện gồm những tác phẩm đầu tiên của thể loại tiểu thuyết kinh tế Nhật Bản thời hiện đại, biểu lộ tình cảm ân hận của những tư chức phải hy sinh lạc thú của đời mình, làm việc đến mức gần như điên cuồng trong vai trò những tên lính tiên phong trong chiến lược khai phá những thị trường xuất khẩu của các công ty mậu dịch tổng hợp quốc tế. Họ là mẫu người bị giới truyền thông Tây phương gọi là "economic animals" (những con vật kinh tế), trong tác phẩm của Shiroyama Saburo, được mô tả với những khía cạnh rất "người".

Thành công của tập truyện này đưa đến các tác phẩm sau như "Mahiru no one man office" (Văn phòng một người giữa trưa đứng bóng), "Mainichi wa nichiyobi" (Mỗi ngày là Chủ nhật) khai thác cùng một mô-típ là sự đối kháng giữa cảnh ngộ và tâm tình trong cuộc đời của nhân viên các hãng mậu dịch tổng hợp quốc tế.

"Sokaiya Kinjo" (Kinjo, tay tống tiền các công ty, Kinjo the Corporate Extortionist) viết về một sokaiya, người chuyên nghề tống tiền các công ty bằng cách hăm doạ dùng quyền cổ-đông để phá rối các đại hội vận doanh thường niên của công ty. Có đến 70% các công ty lớn đã bị hăm doạ như thế và nhiều công ty đã phải trả những món tiền lớn để bịt miệng đám người này, một cách phi pháp, nếu chuyện vỡ lở có thể bị bãi chức hay truy tố. Đến nỗi 90% các công ty có tên trên thị trường chứng khoán Tokyo phải dàn xếp để tổ chức đại hội vận doanh thường niên cùng ngày cùng giờ để tránh bớt bị đám sokaiya này phá rối.

"Rakujitsu moyu" (Mặt trời lặn cháy đỏ) là tiểu thuyết dựa trên cuộc đời của nguyên Thủ tướng Hirota Koki, người bị quân đội chiếm đóng Mỹ quy vào loại tội phạm chiến tranh cấp A nặng nhất, ra Toà án Chiến tranh Tokyo, đã tạo hai luồng dư luận tranh chống nhau kịch liệt, cuối cùng đã là nhân vật dân sự Nhật Bản duy nhất bị xử tử vì tội ác chiến tranh trong Thế chiến thứ hai.

"Kanryo tachi no natsu" (Mùa hè của các quan lớn) là truyện dài về các công chức cao cấp trong Bộ Công nghiệp và Ngoại thương Nhật Bản (MITI - Ministry of International Trade and Industry). Nhân vật chính lấy mẫu từ Sahashi Shigeru (1913-1993) đã làm đến chức Thứ trưởng trong Bộ này, vào thời kỳ kinh tế Nhật Bản tăng tiến vượt bậc, một phần nhờ vào hệ thống chỉ đạo hành chính từ chính phủ đến các tổ hợp công ty lớn. Có thời đã là biểu tượng của Bộ, được gọi là "Mister MITI", ông là người giỏi sắp đặt nhân sự, tính khí cương trực và mạo hiểm. Ông đã động viên toàn Bộ tận lực chuẩn bị và trình phương án dùng chỉ đạo hành chính để chấn hưng các kỹ nghệ quan trọng, nhưng gặp phải sự chống đối mãnh liệt từ các công ty, nhất là kỹ nghệ xe hơi, cuối cùng đã không thành luật được. Tuy nhiên, tinh thần của phương án đó về sau đã được thể hiện trong các chính sách hiệp lực mật thiết giữa chính phủ và doanh nhân, làm cơ sở cho chính sách kinh tế thành công của Nhật Bản.

"Nottori" (Tiếp quản cướp đoạt, "The Takeover") thuật chuyện nhân vật chính Aoi Fumimaro dùng mưu lược tài chính để tiếp quản cưỡng chiếm cửa hàng bách hoá Akashiya ở một khu vực sang trọng trong đô thành Tokyo, từ chủ nhân là một gia đình có truyền thống lâu đời nhưng bị thiếu vốn kinh doanh; dựa trên sự kiện thực tế là vụ doanh gia Yokoi Hideki thu mua cổ phần định tiếp quản cửa hàng bách hoá Shiroki-ya ở Nihonbashi, mở đầu cuộc tranh chấp kéo dài từ năm 1949 đến 1955.

"Ogon no hibi" (Những ngày hoàng kim) là chuyện đời hào khoái của Naya Sukezaemon còn có tên là Luzon Sukezaemon (1565-?), nhà buôn từ vùng đất nổi tiếng về thương nghiệp là cảng Sakai, Osaka, đã sang tận đảo Luzon của Phi Luật Tân lập nghiệp thành công, cống hiến những thứ quý hiếm như sáp ong, hương liệu, đồ gốm,... cho Toyotomi Hideyoshi thời bấy giờ là người quyền uy trùm thiên hạ, được Hideyoshi bảo trợ nên sự nghiệp phát triển cả trên đất Nhật Bản. Tiểu thuyết này đã được quay thành phim-bộ Taiga Drama (Đại Hà Drama - phim kịch tràng giang, cần nhiều tiền quay và giờ chiếu) trình chiếu trên đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK năm 1978. Đây là lần đầu tiên phim-bộ Taiga Drama của NHK có nhân vật chính không phải thuộc giới võ sĩ, mà là một thương gia, nhìn lịch sử từ quan điểm thứ dân và kinh tế, nên được khán giả ưa thích đặc biệt, mặc dù phần lớn là dựa trên hư cấu tiểu thuyết của Shiroyama Saburo hơn là sự thực lịch sử từ một nhân vật đã lưu lại nhiều truyền thuyết hơn là di tích cụ thể hay sử liệu.

"Kakaku hakai" (Phá giá, Price smashing) lấy mẫu từ Nakauchi Isao (1922-2005), giám đốc sáng lập công ty Daiei, dùng sách lược mua gom sản phẩm và tiết giảm kinh phí để bán hàng với số lượng lớn và giá rẻ hơn giá thông thường từ trước đến nay. Tiểu thuyết này đã được quay thành phim-bộ đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK năm 1981. Thuật ngữ "Kakaku hakai" (Phá giá) được cho là đã khởi đầu từ tên cuốn tiểu thuyết của Shiroyama Saburo.

"Yusha wa katarazu" (Người hùng thì không kể lể lắm lời) viết về kỹ nghệ chế tạo xe hơi, lấy mẫu từ Honda So-ichiro (Giám đốc kỹ thuật sáng lập công ty Honda) và các nhân viên then chốt đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ xe hơi Nhật Bản, từ số lượng sản xuất năm 1960 khoảng 160 ngàn xe (xuất khẩu qua Mỹ 2400 chiếc), đã vượt lên mức 7 triệu 330 ngàn xe (xuất khẩu qua Mỹ 1 triệu 900 ngàn) mỗi năm từ 1980; và phẩm chất được đánh giá cao hơn cả xe sản xuất từ các công ty lớn có truyền thống lâu đời của Mỹ. Hai nhân vật chính là bạn đồng ngũ cùng chiến đấu chung trong Thế chiến thứ hai, một người trở thành Trưởng phòng rồi Phó Giám đốc của công ty chế tạo xe hơi, người kia trở thành Tổng Giám đốc của công ty phụ thuộc, cung cấp linh kiện xe hơi, cả hai là "người hùng" đóng góp vào cuộc cách mạng chế tạo xe hơi của Nhật Bản từ những đổ nát ngay sau chiến tranh, rồi tiến xuất qua Mỹ, chịu nhiều bài xích thậm chí thoá mạ từ dân địa phương mà vẫn âm thầm phụng sự, bất chấp những khổ nạn, bi kịch gia đình của chính họ. Đã quay thành phim bộ trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia NHK năm 1983, diễn viên chính là tài tử nổi tiếng Mifune Toshiro (trong phim Rashomon - La Sinh Môn, Shichinin no samurai - Bảy Người Hiệp Sĩ,...).

.........

Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Anh, như "War Criminal - The Life and Death of Hirota Koki" (John Bester dịch "Rakujitsu moyu", Mặt trời lặn cháy đỏ, 1977), "The Takeover" (Keiko Ushiro dịch "Nottori", Tiếp quản cướp đoạt, 1991).

Shiroyama Saburo là điển hình của người Nhật Bản sinh vào những năm cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, trưởng thành từ đổ nát hoang tàn sau Thế chiến, tham gia vào đà tiến như bão táp của kinh tế Nhật Bản trên đường phục hồi và phát triển thành cường quốc kinh tế. Tác phẩm của ông là những tư liệu đáng tham khảo trong việc tìm hiểu nghiên cứu về bí quyết thành công của kinh tế Nhật Bản hiện đại, mà yếu tố con người được ông đặc biệt chú trọng.

Phạm Vũ Thịnh
Sydney 08-2008
t4phamvu@hotmail.com
Tham khảo :

[1] Shiroyama Saburo - Wikipedia : bản tiếng Nhật
http://ja.wikipedia.org/wiki/%E5%9F%8E%E5%B1%B1%E4%B8%89%E9%83%8E

[2] Sahashi Shigeru - Wikipedia : bản tiếng Nhật
http://ja.wikipedia.org/wiki/%E4%BD%90%E6%A9%8B%E6%BB%8B

[3] Tamae Prindle : "Romance in Money: The Phenomenon of Japanese Business Novels",
http://www.jstor.org/pss/489260.

[4] Geraldine Sherman : "Visiting Japan is one thing, but explaining it - now that's tricky", Book review, http://www.geraldinesherman.com/Outnation.html

[5] Henry Laurence : "The Big Bang and the Sokaiya",
http://www.jpri.org/publications/critiques/critique_VI_8.html
 

Gã Cà-phê Sữa ở San Diego

Shiroyama Saburo 

Miruku kohi- no otoko - San Diego

Phạm Vũ Thịnh dịch

Máy bay cất cánh rời phi trường Los Angeles không bao lâu, nhìn xuống đã thấy một đám lửa bốc lên.

-"Lại sinh chuyện rồi đấy!". Miyagawa nhăn trán, nói như phỉ nhổ.

Seki không đáp, áp mặt vào kính cửa sổ, chăm chú nhìn xuống khu thị tứ Los Angeles trãi rộng như khung vải nền xanh đậm, trên đó rải rác vô số những vụn ngọc. Ở một góc gần khu da đen, những lưỡi lửa tím đỏ le liếm phất phới. Thi thoảng lại có có những lằn chớp sáng nhọn màu bạck kim loé lên, có vẻ là ánh chớp máy hình. Một hồi sau, cách đấy một đỗi lại có thêm một đám lửa khác bắt đầu cháy sáng.

Chẳng phải là đám cháy rừng thường. Hoả công từ bạo động ở khu vực người da đen đấy.

-"Cuối cùng......"

Vừa đăm đăm nhìn ngọn lửa, Seki vừa lẩm bẩm với giọng khàn đặc.

Trên đường đến phi trường, bọn Seki đã thấy hai chiếc xe cảnh sát hú còi, chạy hối hả ngược lại. Lúc ấy,

-"Tụi đen lại bắt đầu sinh chuyện gì rồi!"

Người lái taxi trung niên mập mạp nói, rồi liếc nhìn qua kính chiếu hậu xem vẻ mặt của bọn Seki. Có vẻ muốn dò chừng xem bọn Nhật da vàng này nghĩ gì, đứng về phía nào. Tức thì, Miyagawa đáp:

-"Trời nóng bức thế này, hẳn tụi nó quên tuốt mất là mình đang được sống trên một đất nước may mắn đến như thế nào!"

-"Quả đúng thế đấy. Trắng đen học chung, bảo đảm an sinh xã hội, phụ cấp nhi đồng, rồi trợ cấp này nọ,... Tụi nó được nuông chiều quá trớn. Đến phát khùng lên thì cũng đương nhiên thôi!".

Nghe thế, Seki đằng hắng.

Người lái taxi da trắng cùng người khách da vàng đều thuộc giai cấp trung lưu điển hình của miền Nam California. Suy nghĩ và phát ngôn của họ về người da đen vẫn còn là cuộn băng cũ thâu từ mười năm trước lặp đi lặp lại. Chính vì vậy mà bạo động mới bùng nổ. Seki bức xúc muốn thuyết giảng ngay cho một trận. Anh nghĩ: <Tôi thì khác loại đầu đá ấy. Tuy mới đến xứ Mỹ được hai năm nay, nhưng về chuyện người da đen bị kỳ thị và bách hại, thì tôi hiểu bằng trăm lần các anh kia. Họ căm phẫn là chuyện đương nhiên đấy chứ. Ngay cả sự kiện xảy ra ngày hôm nay, có lẽ cũng lại là bạo động khởi từ chuyện cảnh sát da trắng đem người da đen ra làm bia tập bắn gì đấy chứ gì>. Nhưng Seki vẫn im lặng. Bởi nói ra một lời thì thành chuyện tranh cãi lôi thôi không dứt được, bên nào rồi cũng sẽ nổi nóng lên mà lời qua tiếng lại sinh chuyện thêm mà thôi. Anh chẳng muốn tái diễn chuyện tranh chấp như thời sinh viên tranh đấu nữa. Khó khăn lắm mới thoát ly (Nhật Bản) mà đến được nước Mỹ, lúc này anh sắp lấy lại được sự yên tĩnh trong lòng mình rồi.

Mặc kệ Seki im lặng trầm mặc, người lái taxi và Miyagawa tiếp tục nói chuyện.

-"Đàn ông da đen cứ biến hết cả đi thì hơn. Còn đàn bà da đen thì cứ để tụi này chăm sóc cho là được!".

-"ƯØ, con cái sinh ra, hẳn là chỉ chọn đứa da trắng thôi thì dễ khai hoá đấy".

Miyagawa vừa nói thế, lại thấy một chiếc xe cảnh sát nữa chạy vút ngang qua. Trông mặt của hai người cảnh sát đội nón sắt buộc dây qua cằm, có vẻ căng thẳng như sắp ra mặt trận. Người cảnh sát bên ghế phụ ôm chặt thanh súng carbine......

Máy bay chao nghiêng, rướn cao lên trên vùng đen đại dương.

-"Sao nào, còn thấy không?". Miyagawa hỏi.

-"Không". Seki quay mặt lại.

Trong máy bay, đây đó đã bắt đầu có khói thuốc lá toả lên. Nhưng trong mắt của Seki vẫn còn lưu lại hình ảnh đám lửa cháy phất phới.

Miyagawa cũng rút điếu thuốc Kent ra châm lửa.

-"Nói gì đi nữa, mùa hè này cũng nóng quá đấy".

-"Thế nhưng, bạo động là do trời nóng quá hay sao?"

-"Thì tất nhiên là cũng do bất mãn này nọ nữa chứ". Miyagawa quay sang, như thổi khói thuốc về phía Seki. -"Ngay cả cậu đấy, cũng có bất mãn chứ gì?".

Tuy cùng làm việc ở chi nhánh San Diego của công ty Q, một công ty mậu dịch tổng hợp khổng lồ, nhưng thân phận của Seki chỉ là nhân viên tạm thời thuê tại địa phương (Mỹ), thiệt thòi hơn nhiều so với nhân viên chính thức (thu dụng ở Nhật) về mọi mặt: lương bổng, điều kiện làm việc,...

Phía bên kia làn khói thuốc, Miyagawa nhìn Seki đăm đăm qua mắt kính vành mỏng, rồi chợt thở dài.

-"Ngay cả tôi đây, cũng có bất mãn đấy".

Miyagawa phục vụ trong công ty mậu dịch Q này được gần 20 năm rồi, nhưng quá tuổi 50 thì bị đổi thành nhân viên phù động, lãnh bổng lộc như bố thí. Cũng bởi đã di trú qua San Diego và nhận quyền công dân Mỹ. Vì thế, chi nhánh San Diego của công ty mậu dịch Q hiện nay được điều hành bởi một cơ cấu dị thường, ít tốn tiền nhân sự, gồm chỉ một nhân viên phù động lớn tuổi và một nhân viên tạm thời mới được thuê vào tại địa phương. Tuy nhiên, chẳng phải Miyagawa bất mãn sâu đậm gì. Nói thế xong, Miyagawa đã tiếp lời chung chung rằng:

-"Ở đâu mà chẳng có bất mãn. Chính vì có bất mãn, người ta mới vươn lên, hướng thượng..."

-"......"

-"Chỉ có bọn người không có lòng hướng thượng mới hầm hét chuyện trời nóng bức, la lối chuyện trời lạnh giá, mà phát tán bất mãn tứ tung ra đó thôi".

Seki im lặng gật đầu. Anh nhớ lại thời tham gia sinh viên tranh đấu. Thời đó đúng là đầy bất mãn. Và đã nhắm vào các giáo sư mà phát tán tứ tung. Nhắm vào đám giáo sư gầy còm chưa hề ôm vác thứ gì nặng hơn sách vở, mà khua gậy gộc rượt đuổi, đánh đập, đâm thọc. Đã có giáo sư phải quỳ gối hay khóc lóc, thề sẽ thay lòng đổi dạ. Đã có sinh viên bị bắt giam, bị thương tích, và tuy không bao nhiêu, nhưng một phần quy chế đại học cũng đã được sửa đổi. Nhưng cũng chỉ có thế thôi, không khí đại học rồi cũng chẳng có gì thay đổi cả.

Ngay trước ngày rời Nhật Bản, Seki đã đến viếng các giáo sư mà anh đã có nhiều tiếp xúc cá nhân, để chào từ biệt. Lúc đó, một giáo sư hệ Vật lý đã cười cay đắng mà thổ lộ rằng:

-"Thời đó, không đến phòng thí nghiệm được nên tôi ở nhà, mỗi ngày giúp vợ giặt áo quần, làm việc nhà. Cũng nhờ vậy mà chuyện giặt giũ, tẩy màu thì đã rành như thợ chuyên môn ấy..."

Giáo sư khác cũng cười đau khổ:

-"Dạo đó, cứ họp Hội đồng giáo sư liên miên, sau mỗi lần họp lại bày bia ra ủy lạo. Tôi vốn ghét rượu, thế mà dần dần cũng chìa tay ra lãnh. Đến nỗi bây giờ bụng phệ ra thế này!".

Về sau này, dù có bị hỏi vặn về "thành quả" gì đã đạt được từ cuộc đấu tranh ấy, Seki cũng chẳng còn nổi giận gì nữa. Mà chỉ còn cảm giác trống vắng rã rời. Phải chăng nỗi bất bình bất mãn mà mình đã cho là to lớn kia, rốt cuộc chỉ là cơn bão tố trong chén trà mà thôi?

Seki hướng mắt nhìn ra ngoài. Ngọn đèn đỏ ở cuối cánh máy bay chớp nháy lập loè trong khung trời tối đen, chiếc Boeing 707 bình thản tiếp tục bay về hướng nam. Nhưng trong trí Seki như vẫn còn nghe vọng từ phía bên kia tiếng động cơ máy bay, còn có tiếng còi xe cảnh sát hú, tiếng súng nổ, tiếng lửa bùng cháy, tiếng kêu thét của những người da đen. <Chẳng lẽ đó cũng chỉ là cơn bão tố trong chén trà sao? Lẽ nào cũng sẽ chỉ là chuyện kẻ nào đấy bị bắn lủng bụng rồi thôi? Không! nhất định không thể như thế mãi được!>. Lâu lắm rồi Seki mới có lại cảm giác lòng mình bừng nóng lên. Trường hợp của họ thì chẳng phải là bất mãn gì đâu. Hẳn là phải có nguyên nhân sâu xa, phức tạp từ nguồn gốc kia. Phải là thứ phẫn nộ, căm uất mấp mé giới hạn nhân tính kia.

Bất giác, bàn tay Seki nắm chặt lại. Nhưng anh dằn lòng để niềm hưng phấn ấy không chi phối mình, chỉ nói như chuyện thiên hạ với Miyagawa:

-"Chẳng hiểu vấn đề người da đen rồi sẽ ra sao".

-"Khỏi lo. Lúc nào đấy, cũng sẽ êm xuôi thôi".

Miyagawa nói, thản nhiên, nhưng cũng khẳng định như thế.

-"Vì sao?".

-"Bọn chúng sẽ từ từ mà được khai hoá thành văn minh ra. Nhờ đó, tất cả đều trở thành người lịch sự như anh chàng Forbes ấy, thế thì làm sao mà còn có thể xảy ra bạo động được nữa!"

-"Forbes kia à?"

Miyagawa khẳng định một lần nữa với giọng mạnh mẽ.

Seki chẳng đồng cảm được. Anh vốn ghét Forbes. Forbes là y sĩ nhãn khoa, thân cao, da màu cà-phê sữa. Đã quá tuổi 40 mà vẫn cứ độc thân. Mỗi tuần hai ngày đánh golf, vui thú với đời sống phong lưu hào hoa. Bạn đánh golf của Miyagawa đấy. Là người da đen hiếm thấy ở chỗ ít nói, dịu nhẹ. Khuôn mặt không ngừng tươi cười, mà sao Seki thấy có vẻ gì âm hiểm và tự mãn. Điểm thiệt thòi trong môn đánh gôn thì chỉ ở mức một con số, anh ta được kể vào hạng cao thủ trên các sân golf ở Tijuana. Lúc cùng đi vòng vòng trên sân golf với nhau, Seki thỉnh thoảng cũng đã ướm hỏi về vấn đề người da đen, nhưng lúc nào anh ta cũng kiệm lời, chỉ đáp mơ hồ: "Xà...", "Chả hiểu thế nào", "Vấn đề không rõ ràng...",... không nắm bắt được ý kiến anh ta thật sự ra sao cả. Da đen nhưng chẳng ra vẻ người da đen tí nào. Quả thật, bảo là người đã được văn minh hoá, thì cũng đúng đấy, nhưng đối với Seki thì Forbes có vẻ là một người da đen âm hiểm, thiếu tình người. Thế nhưng, anh ta đã được cấp trên của mình là Miyagawa ưa thích, thì Seki không thể mở miệng chê bai Forbes gì được.

Không biết tự lúc nào, máy bay đã bắt đầu giảm cao độ. Đã thấy được hàng dãy đèn lao chao rộn rịp trên những chiến hạm đậu san sát trên mặt biển phía dưới. San Diego có nhiều cây xanh, là thành phố nghỉ mát có nhiều sân golf chung quanh, đồng thời cũng là hải cảng quân sự khổng lồ nữa.

Miyagawa nói, như chợt nhớ ra:

-"Chủ nhật này, tổ chức buổi đánh golf để tiễn biệt cậu,... à không, để chúc mừng cậu lên đường, đi nào! Với khí thế ấy, cậu phấn khởi lên đường qua Vicam thì tốt."

-"Tổ chức buổi đánh golf để đưa lên đường thì lớn chuyện quá nhỉ!". Seki nói với vẻ ngần ngừ.

Miyagawa lắc đầu. -"Chứ quả là có thể nguy hiểm đến tính mạng kia mà. Công tác như thế mà người trẻ tuổi như cậu dám nhận làm giúp cho thì tốt lắm đấy".

Hôm đó, trong hội nghị của công ty mậu dịch Q chi nhánh Los Angeles, Seki đã nhận lãnh việc đi thu mua bông vải Mễ Tây Cơ ở địa phương thuộc khu tự trị của tộc Yaqui gần Vicam, một nơi chưa có công ty mậu dịch nào dám đặt chân tới cả. Tộc Yaqui là một chủng tộc thổ dân miền núi hiếu chiến mà cả quân viễn chinh từ Tây Ban Nha lẫn quân đội Mễ Tây Cơ đều nể tránh, đến bây giờ cũng vẫn không giao dịch gì với bên ngoài, nghe đâu người nào sơ ý bén mảng đến gần thì không còn trở về nữa. Vì vậy chính phủ Mễ Tây Cơ mới chừa ra một khu vực tự trị rộng lớn để cách ly họ, thế nhưng tộc Yaqui tập trung ở vùng rừng núi sâu phía trong khu tự trị ấy nên gần đây vùng đất bằng ở bìa ngoài khu tự trị đã bắt đầu có những nhà nông người Mễ Tây Cơ lén lút trồng cây bông vải.

Bông vải ấy thu mua với giá rẻ là sứ mệnh của Seki đấy. Đúng là một sáng kiến không chừa khe hở nào, điển hình của các công ty mậu dịch Nhật Bản, nhưng lại có kèm theo nguy cơ về tính mệnh. Mà thật ra, đó cũng là điều đã giúp Seki quyết định nhận công việc ấy. Anh muốn người ta biết kẻ đã từng sống sót qua cuộc đấu tranh sinh viên học sinh (thời 60) hẳn phải có can đảm hơn người. Lại nữa, công việc nguy hiểm thì cũng dễ đưa đến việc thăng cấp thành nhân viên chính thức của công ty.

Máy bay chuẩn bị đáp xuống. Seki nhớ lại ngọn lửa bạo động ở Los Angeles, anh lại cảm thấy phấn khích. Có điều không phải là từ niềm đồng cảm với bạo động, mà đã chuyển thành nỗi phấn khích vì sắp lao mình vào một công tác nguy hiểm.

*

Chủ nhật. Seki qua biên giới, xuyên phố xá Tijuana, đến sân golf. Người bạn đánh golf lâu nay là Forbes đã đến trước rồi, đang đợi trong hội quán. Vốn chẳng ưa Forbes nhưng bữa đó là trận golf đưa Seki đi làm công việc đánh cược cả tính mệnh nữa. Seki nghĩ cũng nên tạo ấn tượng nam nhi trong mắt kẻ đã được "khai hóa văn minh" là Forbes.

Nhưng thình lình, từ phía sau Forbes cao lớn ấy có một cô gái nhỏ nhắn chạy đến đón Seki. Một bên mắt cô che mảnh băng trắng.

-"Hiromi đấy à?". Seki bất giác kêu lên.

Hiromi là cô gái làm hầu bàn trong quán ăn Trung Hoa gần phi trường San Diego. Đôi khi mắt cô nhìn trông có phần soi mói, nhưng đôi môi cong cớn, khuôn mặt hấp dẫn đàn ông. Nghe đâu cô đã lấy chồng Mỹ, nhưng sang Mỹ không bao lâu thì chia tay, chỉ mới khoảng giữa lứa tuổi đôi mươi. Cùng là lứa trẻ cả nên hợp chuyện với Seki và có cảm tình với nhau. Nếu Seki muốn sống luôn ở Mỹ thì cô là đối tượng kết hôn tốt nhất. Mà không, ngay cả để lấy quyền công dân trước khi vĩnh trú đi nữa, chuyện kết hôn với Hiromi cũng đã thường lảng vảng trong trí Seki từ lâu rồi.

Nếu là người Mỹ cả thì đã ôm nhau chào hỏi ngay rồi, nhưng hai người chỉ nắm vai nhau mà thôi.

-"Em hẳn là đánh golf thì..."

-"Mới bắt đầu tập đây thôi. Nhưng mà hôm nay tất nhiên em đâu phải đến để đánh golf..."

-"Vậy thì để làm gì nào?"

-"Thì đến gặp anh đấy chứ gì nữa". Hiromi nói giọng mũi nũng nịu. -"Dạo này, lâu lắm rồi anh có đến đằng quán em đâu. Em muốn gặp anh quá. Vả lại, nghe nói là ngày mai, anh đi vào nơi nguy hiểm kia nữa. Nghe thế, em lại càng muốn gặp mặt..."

Seki thật muốn ôm chặt cô vào lòng, nhưng chợt để ý đến mảnh băng trắng, bèn hỏi cô.

-"Có tí mụn nhọt nổi lên. Em đã nhờ bác sĩ Forbes xem hộ đấy".

-"Forbes à?". Seki bất giác lên giọng khó chịu.

Nghe nói đến tên mình, Forbes quay khuôn mặt màu cà-phê sữa sang, có vẻ như muốn hỏi: -"Gì thế?".

Seki mặc kệ anh ta:

-"Sao em không đến bác sĩ da trắng?"

-"Nhưng bác sĩ Forbes mát tay lắm chứ. Bệnh nhân khen lắm đấy".

-"Thế nhưng, đám bệnh nhân ấy là..."

Như đoán được Seki định nói gì, Hiromi chợt đổi giọng cứng rắn:

-"Em ngạc nhiên lắm đấy. Tưởng anh Seki thuộc phái tiến bộ kia chứ!".

Seki lặng thinh. Anh muốn biện minh rằng: chẳng phải vì Forbes là người da đen. Chỉ vì anh không thích con người anh ta đó thôi. Nhưng nói như thế lại chỉ kéo dài chuyện tranh cãi ra thêm mà thôi.

Đã có chút bất hoà đấy, nhưng người thuần phác là Miyagawa tạo không khí hoà thuận được ngay. Ba người làm thành nhóm cùng đi chơi golf, còn Hiromi giữ chân yểm trợ, quấn quýt như đứa trẻ bên cạnh Seki.

Chung quanh là một vùng bằng phẳng trãi rộng màu đất nâu đỏ, nhưng sân golf như chìm trong khoảng cỏ xanh đậm. Những con chim lớn đan lượn trên bầu trời, đây đó nở tràn lan những chùm hoa dâm bụt cùng hoa giấy. Trận golf trở nên vui thích chưa từng có. Cũng nhờ mảnh băng trắng mà trông Hiromi có vẻ xinh xắn hơn lệ thường, và cô cố ý hành xử thật dễ thương. Cô nũng nịu, cô ca hát, cô chạy nhảy. Cô chạy theo trái gôn trắng, cô đuổi theo cánh bướm bay. Có không khí của một cuộc hẹn hò hơn là một trận golf. Phần nhiều thì chỉ có hai người bước đi bên nhau, nhưng khi có Forbes nhập bọn, Seki như chợt nhớ lại mà đem vấn đề người da đen ra nói, một mặt, anh cũng nói xa xôi về sự đáng sợ của khu tự trị người Yaqui mà mình sắp phải đến. Anh muốn tạo ấn tượng mạnh nơi Hiromi và cả Forbes rằng mình là người mạnh dạn dám làm những công việc nguy hiểm đến tính mệnh.

Về chuyện bạo động tối hôm trước, Forbes chỉ nói: -"Thật là phiền! Thật là khó giải quyết!", rồi cúi mặt có vẻ bối rối. Thấy Forbes như thế, Seki càng hỏi tiếp nhiều câu như kim đâm. Cuối cùng đã khiến Forbes phải kêu lên lạc giọng: -"Tôi không còn ở trong cảnh ngộ đó nữa, nên không có tư cách hay khả năng để phát ngôn về vấn đề người da đen!".

Seki có cảm tưởng rằng ngày hôm ấy, Seki chơi golf vui thú gấp đôi lệ thường, còn Forbes thì chắc chắn là chán ngán gấp đôi! Thế nhưng Forbes vẫn tiếp tục chơi golf với nụ cười mỉm gượng nhẹ mà không lộ vẻ tức bực hay giận ghét gì, cứ như là người đã không còn tình cảm gì nữa cả. Điều đó lại càng làm cho Seki thấy Forbes thêm đáng khinh.

Ngày hôm sau, Seki đã từ thành phố Vicam của bang Sonora đi ngược dòng sông Yaqui, đến khu tự trị của tộc Yaqui. Ngay cửa vào con đường thông đến khu tự trị đã có gần một tiểu đội binh sĩ võ trang dàn rào cản canh chừng. Seki nghĩ quả thật là công tác nguy hiểm đến tính mệnh rồi đây, trong lòng chợt hoảng sợ. Nhưng giây phút căng thẳng nhất ấy rồi cũng qua đi. Seki chẳng phải đi sâu vào con đường ấy làm gì, anh chỉ rẽ qua vùng ven bìa khu tự trị ấy, tìm gặp các nông dân Mễ Tây Cơ mà thôi.

Bản tính vô tư lự, người Mễ Tây Cơ hầu như chẳng sợ hãi gì tộc Yaqui cả. Rõ ràng là họ xâm nhập vào khu tự trị mà trồng cây bông đấy, nhưng biên giới khu tự trị cũng chẳng có rào hay cọc mốc gì đánh dấu, nên thấy có đất trồng trọt được thì họ trồng thôi. Đám nông dân này chưa ai thấy tộc Yaqui cả. Họ bảo tộc Yaqui ở tuốt đâu trong vùng núi ít nhất cũng 20 cây số sâu trong kia. Tộc Yaqui sinh sống bằng bắp trồng rẫy trên núi nên không thể có chuyện họ vượt qua mấy dãy núi xuống tới đất bằng này mà rải phân trồng cây bông được.

-"Họ ở trong kia. Tụi tôi ở đây. Chỉ có vậy thôi".

Đơn giản thế thôi.

Rẫy trồng cây bông trãi rộng uốn lượn ven sườn đồi thoai thoải phơi màu đất. Đây đó có những đám cây rậm, mấy con lừa thơ thẩn nghỉ chân cạnh đấy. Vài cây xương rồng to lớn vươn lên như những trụ bằng đồng xanh. Phong cảnh thanh tĩnh không khác gì ở các làng quê khác của xứ Mễ Tây Cơ. Nhưng đối với Seki, việc tộc Yaqui không thấy đâu, ngược lại khơi dậy nỗi bất an và suy đoán mông lung.

<Có vợ chồng một nhà thám hiểm người Mỹ, không nghe lời cảnh cáo của người chung quanh đây, đã bước chân vào bộ lạc Yaqui. Một tuần sau, trên con đường dẫn đến bộ lạc Yaqui thấy có bộ áo quần của hai vợ chồng ấy treo trên sào tre. Từ đó, chẳng còn thấy bóng dáng hai vợ chồng ấy nữa>.

Chuyện kể về tộc Yaqui thì chỉ có loại truyền tụng, tin đồn kiểu như thế mà thôi. Thực tế, gần đây chính phủ Mễ Tây Cơ đã dàn xếp với một tù trưởng của bộ tộc Yaqui cho một ký giả vào thăm khu tự trị lần đầu tiên, đã công bố một ký sự thám hiểm ghi rằng: không thấy bóng dáng phụ nữ trẻ con; từ thời con nít, người Yaqui đã biết dùng cung tên thành thạo,...... đại loại cũng chỉ là những chuyện thường được kể về các bộ tộc bán khai đó thôi, chẳng có gì đặc biệt gây sợ hãi, và sự thực thì chính người ký giả ấy cũng đã vô sự mà trở về rồi.

Dù gì đi nữa, cũng nhắm có thể thu mua bông vải rẻ được, nên chừng mười ngày sau, Seki lên đường trở về. Có cảm giác hơi hụt hẫng thế nào! Bởi đã loan truyền hơi quá trớn rằng đây là chuyến đi đánh cược cả tính mệnh kia mà! Thêm với sự phản tỉnh rằng chẳng biết mình có thật đã nghĩ đến chuyện đánh cược cả tính mệnh của mình như thế không.

Để chúc mừng thành công trong việc thu mua ấy, Miyagawa đưa Seki đến uống rượu ở quán ăn Trung Hoa Swan (Thiên Nga). Trên xe, Miyagawa bảo:

-"Hiromi cứ lo cho cậu mãi. Đã 2, 3 lần điện thoại đến hỏi có tin tức gì không, tình hình cậu ra sao. Cứ như cậu là chồng hay người yêu gì của cô ấy".

-"Không, chẳng đến thế đâu".

Seki đáp, cảm thấy vui sướng. Chừng đó cũng bõ công anh lặn lội vào khu tự trị của tộc Yaqui. Càng khiến anh muốn thực hiện chuyện kết hôn với cô Hiromi càng ngày càng thấy đáng yêu ấy.

Thế nhưng, vừa làm Seki sung sướng thế xong, Miyagawa đã vọt miệng đảo ngược lại tất cả:

-"Mà này, cậu có lúc nào nhìn kỹ cô ấy không nhỉ?"

-"Nghĩa là sao ạ?"

-"... Nếu cậu không để ý, thì là chuyện hơi khó nói đấy..."

Nghe thế, Seki lại càng muốn biết. Miyagawa có vẻ đã tính toán mà nói như thế. Miyagawa bật lửa châm thuốc lá, đôi mắt mang kính loáng sáng sau màn khói thuốc.

-"Tôi nghĩ rằng cô ấy là người Triều Tiên sao ấy chứ".

-"Ủa?"

-"Khuôn mặt đã thế, mà lại chẳng chơi với người Nhật nào khác cả. À, có lần đã nghe nói cô ấy là người Triều Tiên rồi đấy"

-"......"

-"Dù sao, tôi cũng đã rời Nhật khá lâu rồi. Người Triều Tiên hay người Nhật Bản hay người Trung Quốc thì cũng không còn phân biệt được một cách tự tín nữa. Nhưng tôi nghĩ là cậu mới từ Nhật sang thì hẳn là phân biệt được rõ ràng".

Seki tức giận hỏi: -"Thế anh bảo tôi giám định cô ấy đấy à?"

-"Không, không phải thế..."

-"Thế thì sao nào? Mà cô ấy thuộc giống người nào đi nữa, cũng đâu có quan hệ gì? Anh muốn đặt vấn đề gì kia?"

Nghe Seki hỏi vặn, Miyagawa khoát tay cầm điếu thuốc, đấu dịu:

-"Đừng giận chứ. Có gì mà cậu phải nổi giận đâu. Cậu tức giận thế thì lạ quá".

Trong lúc hai người đôi co, xe đã đến quán Swan. Thấy dáng hai người, Hiromi vồn vã chạy ra đón. Cô như nhảy chồm đến, nắm chặt cánh tay Seki mà nói:

-"Mừng anh về. Bình an vô sự được là tốt lắm"

-"Xin lỗi đã làm em lo lắng".

-"Anh đã gặp chuyện nguy hiểm chứ gì? Có bị thương tích gì không?".

Hiromi hơi lùi lại, nhìn kiểm khắp người Seki. Seki cảm thấy sung sướng lắm. Anh cảm động vì có người lo âu cho mình đến như thế. Seki nhìn Hiromi đăm đắm. Hiromi cũng nhìn lại anh với tia mắt nồng ấm, tuy chỉ trong thoáng chốc. Có vẻ mụn nhọt nơi mắt đã chữa lành, cô không còn mang mảnh băng trắng kia nữa.

Được đưa vào bàn vẫn thường ngồi, Seki gọi rượu Scotch đá, Miyagawa gọi Bourbon pha Soda. Hiromi đi vào trong đưa phiếu ghi, còn lại hai người đàn ông, chuyện tranh cãi lúc nãy trở lại trong trí Seki. Điều Miyagawa nói có phải là sự thật chăng? hay chỉ là chuyện không có căn cứ gì? Người dân ba nước ấy, về màu da, khuôn mặt hay thân hình, thì ngay cả Seki cũng không thể phân biệt rành rọt được. Chỉ là, nghe người ta nói cho biết thế nào thì nghĩ ra theo như thế đó thôi. Trường hợp của Hiromi, hình dáng đôi mắt thì sao nhỉ? Xương gò má thì sao? Không biết tự lúc nào, Seki bắt đầu bị ám ảnh bởi những điều như thế. Đáng lẽ ngay từ đầu đừng chấp nhất gì những lời Miyagawa nói, anh lại muốn tìm cách phản biện rằng Hiromi không phải như thế. Anh đã lọt vào tròng của Miyagawa mất rồi.

Hiromi mang hai ly rượu cùng đĩa hạt hạnh nhân và hạt điều đến. Hai người định cụng ly thì Hiromi nói: -"Em nữa", rồi nhanh nhẹn rót nước vào cốc, tham gia vào.

-"Chúc mừng anh. Thật là... thật là tốt đẹp, vô cùng".

Hướng về Hiromi nói thế, Seki cúi đầu nhẹ cảm ơn. Anh cảm thấy vui sướng, nhưng mặt khác, lại xôn xao một nỗi hoài nghi chưa từng có. Nếu thật là người Nhật thì có nói "Thật là... thật là..." như thế không nhỉ? Và nói "vô cùng" cũng có hơi kỳ dị chứ nhỉ?

Thấy Seki uống một ngụm rồi ngừng lại, Hiromi hỏi:

-"Sao thế anh? Vô sự mà trở về được, nên cảm thấy nhẹ tênh cả người đấy à?"

Seki nghĩ: "nhẹ tênh cả người" nghe cũng lạ tai quá. Thường thường, người ta chỉ nói "nhẹ cả người" thôi chứ nhỉ? Trước nay chưa hề có chuyện này, nhưng giờ đây, Seki cứ vướng vít vào từng lời nói của Hiromi.

Nghe gọi từ trong, Hiromi đi vào. Miyagawa nhìn đưa theo dáng lưng cô rồi nói:

-"Cuối tuần tới là trận golf mừng cậu sống sót trở về đấy. Lại gọi cả cô ấy nữa nhé?"

-"Thôi, đủ rồi mà anh".

-"Sao thế?"

-"Sống sót trở về, thì nghe có vẻ cường điệu quá. Vả lại, cô ấy cứ luẩn quẩn theo cũng mệt người, mà tôi cũng không tập trung được nên không sao chơi golf cho có điểm cao được".

Trận golf lần trước, thành tích của Seki rất tệ, đã bị Miyagawa lấy mất nhiều tiền cược.

-"Nhưng mà, có thứ còn quý hơn điểm thắng nữa chứ?"

-"......?"

-"Forbes cũng đã bảo là khi nào cậu trở về thì lại cùng nhau chơi golf đấy".

-"Anh ta bảo thế à?".

-"Chứ sao".

-"Hiếm có nhỉ".

-"Chẳng hiếm có gì đâu. Anh ta có vẻ là người coi golf là cả cuộc đời đấy".

-"Không phải thế. YÙ tôi muốn nói là, anh ta lại bảo muốn chơi golf, không phải với anh, mà là với tôi kia".

Trận golf lần trước, Seki đã tha hồ mà nói những lời châm chích Forbes rồi. Mà không chỉ lần đó, hầu như lần gặp nào cũng thế. Đối với Seki như thế, chắc chắn là Forbes chẳng ưa gì. Vậy thì Forbes bảo muốn cùng Seki chơi golf là do ý đồ gì mới được chứ? Mà không, có lẽ anh ta chẳng có gan thách đố gì đâu. Phải chăng để được chấp nhận vào xã hội người da trắng, anh ta dù có bị nói gì đi nữa, cũng vẫn luôn luôn khom mình xuống, không ngừng mỉm miệng cười cho qua mọi tình huống?

Seki cảm thấy lòng khinh miệt Forbes càng đậm đà thêm.

Ly rượu của hai người đã cạn mất. Miyagawa ra hiệu, Hiromi mang rượu đến. Seki lại nhìn chòng chọc như kiểm điểm khuôn mặt của Hiromi.

Lúc đầu nghĩ là Seki nhìn mình với cảm tình, nhưng rồi Hiromi cũng nhận ra tia nhìn của Seki có phần khác với lệ thường.

-"Mặt em có dính gì à?"

-"Không, có gì đâu".

-"Anh này kỳ quái nhỉ. Sao lại nhìn em chằm chằm thế kia?"

-"Thì đã bảo là không có gì rồi mà!"

Seki định nói thế để Hiromi bỏ qua mà đi vào, nhưng đã có hiệu quả ngược lại. Hiromi quay sang nhìn thẳng vào mặt Seki.

-"Quái lạ thật!"

Làn môi cong cớn ấy mất hẳn vẻ kiều mỵ, đổi thành dáng đanh nhọn giận dữ. Có lẽ là cô đã được người khách nào đấy mời uống rượu rồi, nên có cả chút hơi men lẫn vào nữa.

-"Anh đã nghe ai nói gì về em rồi chứ gì?"

-"Có gì đâu!"

Seki lắc đầu mạnh. Trong lòng như muốn nói thêm: dù có nghe ai nói gì đi nữa, cũng hoàn toàn là điều không quan trọng gì cả. Nhưng Hiromi vẫn giữ tia nhìn hung hiểm:

-"Chắc chắn là anh đã nghe gì rồi. Vì thế mới nhìn em với bộ mặt kỳ quái thế kia".

-"Đã bảo là không phải mà!"

Seki quay sang Miyagawa như cầu cứu. Chuyện này cũng bắt đầu từ Miyagawa mà ra!

Nhưng Miyagawa vẫn nhìn lảng đi, tiếp tục hút thuốc.

-"Anh nghe chuyện chồng cũ của em đấy phải không?"

Hiromi lì lợm cật vấn.

-"Có phải chuyện đó đâu. Mà không, anh có nghe ai nói chuyện gì đâu nào!"

-"Cứ nói dối đi!". Giọng Hiromi run lên. -"Chuyện em làm gái phục vụ cho lính Mỹ ở căn cứ Yokosuka chứ gì?".

Seki mới nghe điều này lần đầu.

-"Thế à? Em đã..."

Thoáng chốc, Hiromi khựng lại, "Chết rồi!", có vẻ giật mình, nhưng cô lập tức đổi ra giọng hờn lẫy:

-"Cứ nói hết đi cho xong. Cứ hạch hỏi cho đến cùng đi! Đằng nào thì em cũng chỉ là thứ đàn bà không đáng gì mà!". Cô nói một hồi thì như đã thấm rượu, mắt ngưng tụ lại. -"Anh là nhân viên của công ty mậu dịch Q lừng danh thiên hạ. Còn em chỉ là con đàn bà cùng khổ thô bỉ. Càng lau rửa càng lộ ra cáu bẩn. Anh đến đây để bôi tro trát trấu vào mặt con đàn bà ấy đấy chứ gì..."

Chủ quán người Trung Quốc bước đến, nói nhỏ gì đấy để cảnh cáo, nhưng Hiromi không nghe theo.

-"Thế anh là người gì cơ chứ? Tự mình nghĩ mình là ông gì chứ? Biết thế thì đừng trở về, cứ để cho tộc Yaqui ấy ăn thịt đi cho xong còn hơn!".

Seki lặng thinh, không còn nói gì làm gì được nữa.

-"Ngay cả buổi đánh golf trước đây cũng thế. Một mình anh làm oai làm phách, nói như là oai lắm đấy. Chỉ tội nghiệp cho bác sĩ Forbes thôi".

-"......"

-"Chuyện ông ấy, anh có hiểu được tí nào đâu, mà cũng nói!".

Seki muốn cãi lại: Gã bạc nhược, được khai hoá ấy! Thứ đàn ông như thế thì có gì đáng nói chứ!

Miyagawa đưa ngón tay lên ra hiệu cho người pha rượu cho thêm rượu vào ly của mình. Hiromi rền rĩ:

-"Này, anh đừng làm thế, cứ bảo em đi lấy cho anh cũng được chứ!"

rồi cô ngả người lên vai của Miyagawa.

Seki đứng lên. Giữa anh và Hiromi đã không còn gì nữa rồi. Vườn địa đàng nho nhỏ của anh bỗng chốc mà tiêu tán đi mất. Chỉ còn lại, là trận golf với người đã được khai hoá kia mà thôi.

*

San Diego được ân sủng từ mặt trời, mưa, và núi đồi thoai thoải, là thiên đàng cho những người chơi golf. Từ trung tâm thành phố ra đến bán kính khoảng 30 phút lái xe, có đến 20 sân golf, còn trong vòng một giờ chạy xe, thì có đến 50 sân golf. Vậy mà, bọn Seki vẫn vượt biên giới sang đến sân golf ở Tijuana trong lãnh thổ Mễ Tây Cơ, không chỉ vì chi phí chơi golf và thuê người vác bao gậy rẻ, mà còn vì có thể chơi thoải mái, hầu như hoàn toàn không có chuyện kỳ thị chủng tộc. Đối với người da đen như Forbes thì đấy là điểm hấp dẫn vô cùng.

Sáng Chủ nhật, Seki lên xe rời San Diego. Từ con đường ven bờ biển nhìn thấy thấp thoáng trong màn sương mù buổi sáng những dãy chiến hạm đậu thành hàng lớp chỉnh tề. Ba hàng, mỗi hàng năm chiếc khu trục hạm. Phía trước đó là khoảng một tá hàng không mẫu hạm xếp hàng ngang. Phần lớn số chiến hạm đông đảo ấy đã mãn hạn trưng tập, đậu tạm ở đấy chờ phá bỏ. Trong đám đó, có nhiều chiếc đã từ Việt Nam trở về. Cũng là đám chiến hạm đã liên tục ra vào khu căn cứ quân sự Mỹ ở Yokosuka nữa. Hẳn cũng có cả chiến hạm đã chở người chồng cũ của Hiromi qua Nhật, làm xáo trộn vận mệnh của cô ấy.

Dù gì đi nữa, cuộc chia tay với Hiromi cũng đã để lại dư vị chua chát trong lòng Seki. Tại sao mình lại nhìn cô ấy chòng chọc soi mói đến nỗi làm cho cô phải ngờ vực? Dù Hiromi có là người gốc gì đi nữa, đối với mình cũng đâu có sao! Mà không, chưa chắc mình đã nghĩ được như thế đâu. Seki cảm thấy chua chát. Anh không thể khẳng định rằng trong lòng anh hoàn toàn không có chút tị hiềm về chủng tộc. Có lẽ điều đó đã lộ ra đâu đó trên nét mặt anh rồi. Vì vậy mà câu chuyện đã triển khai về hướng không ngờ, quan hệ giữa anh và Hiromi đã tan nát mất. Nói gì đi nữa, vấn đề cũng đã phát sinh từ dao động trong niềm tin của anh. Và như vậy thì đối với Forbes, anh cũng chẳng thể nào lên mặt cao thượng được.

Nghĩ như thế xong, Seki lại suy luận ngược lại. Không, đối với Forbes, thì mình có thể lên mặt được chứ! Mình băn khoăn đến thế này thì có thể nói là có lương tâm hướng về xã hội chứ. Đâu có như Forbes, anh ta hoàn toàn trơ trơ ra. Về vấn đề người da đen ở Mỹ, mình là người Nhật mà còn phẫn nộ cùng cực, trong khi anh ta có thể nói là hoàn toàn vô cảm trước tình cảnh của đồng bào anh ta.

Hôm đó, vừa chơi golf, Seki vừa tới tấp đặt những câu hỏi gai góc đối với Forbes, như thường lệ. Mà cũng có vẻ anh cố đem hư thế áp đảo Forbes để che giấu nhược điểm về chuyện bất hoà với Hiromi, chắc hẳn đã loan truyền rộng rãi rồi.

Trận golf đã xong, lúc buớc lên hội quán, Seki chợt nhớ ra mà nói:

-"Hiromi bảo rằng tôi chẳng hiểu gì về anh cả. Đó cũng là một chuyện đã làm cô ấy cãi nhau với tôi đấy".

Nụ cười mỉm trên khuôn mặt Forbes chợt biến mất.

-"Anh muốn biết à?"

-"Tất nhiên muốn biết cặn kẽ chứ".

Seki gật đầu mạnh, vừa nói vừa cười khanh khách. Có cảm giác khiêu khích: anh cứ phô ra tất cả xem nào!

Forbes nói: -" Hôm nay, tôi cũng vào tắm vòi sen rồi về".

Chuyện hiếm có đấy. Forbes chưa bao giờ cùng vào tắm vòi sen cả. Seki cứ nghĩ anh ta là người cao ngạo thì không thể chịu đựng được chuyện phơi màu da đen trần trụi ra ngoài.

Lúc Seki đang tắm vòi sen thì từ gian bên cạnh Forbes nói vói qua:

-"Anh qua nhìn xem cho biết".

Seki nghĩ anh chàng này nói lạ! Quá 40 tuổi rồi mà còn độc thân đấy. Chả lẽ là người đồng tính sao chứ? Seki cười khổ sở, ghé sang bên nhìn xem. Một khoảng vai rộng màu tro đen bốc hơi nước nóng ngùn ngụt. Seki chợt sững người. Vết thương loáng sáng màu hồng trông như bị phỏng lửa. Mà chẳng phải chỉ một vết. Trông cứ như là những lằn roi quất hằn sâu trong thịt.

-"Những vết thương đó là......"

Phía bên kia màn khói toả mùi xà phòng vẳng lại lời đáp ngắn: -"Đòn thù!".

Forbes quay sang, nói tiếp: -"Anh bảo là muốn biết nên tôi cho anh biết".

Từ trong dòng nước nóng vòi sen chảy như thác, Forbes nẩy người đưa phần dưới bụng ra. Seki thảng thốt kêu lên, giật mình lùi lại. Forbes không có dương vật. Bị cắt mất.

-"Đòn thù!". Forbes lặp lại với giọng phẫn uất. Khuôn mặt anh ta trông nghiêm khắc chưa từng thấy, như mặt tượng Ông Ác. -"Thời trẻ, tôi đã tham gia phong trào đòi triệt phế nạn kỳ thị chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ. Đã nhiều lần bị bọn da trắng tấn công, bắt giam, rồi cuối cùng......". Nước nóng nẩy bật lên thành tiếng trên trán Forbes. -"... bọn chúng đã chạy xe cán chết đứa con gái duy nhất của tôi. Và làm cho thân thể tôi ra thế này, khiến vợ tôi bỏ đi".

Màu da Forbes không còn là màu cà-phê sữa nữa. Nỗi phẫn hận phủ hơi nước nóng khiến màu da đen ấy đỏ ửng lên.

-"Tôi đã bỏ miền Nam, rồi do bạn khuyến khích mà đến vùng này, bắt đầu tập chơi golf. Nhờ vậy, chỉ lúc chơi golf thì quên đi được mọi chuyện..."

-"......"

-"Đối với tôi, chỉ còn gắng mà sống, thỉnh thoảng chơi golf cho qua, chỉ có thế thôi".

Trong tiếng nước nóng tuôn chảy, Forbes cất giọng khàn khàn mà cười:

-"Đúng như anh chế nhạo đấy, tôi bây giờ không còn muốn đánh cược sinh mệnh của mình nữa."

Seki không thốt ra được lời nào, bàng hoàng đứng chôn chân tại chỗ. Anh cảm thấy như từ trong màn hơi nóng và nước đổ như thác ấy, Forbes chỉ cần đẩy nhẹ một ngón tay ra, chắc là anh sẽ ngã quỵ thành tiếng xuống đám tia nước tung toé dưới sàn.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 08/2008
Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Miruku kohi- no otoko - San Diego" của Shiroyama Saburo được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 8 trong tập truyện "Mahiru no one man office" (Văn phòng một người giữa trưa đứng bóng), bản bỏ túi, do nhà Shincho Bunko tái bản lần thứ 7 tháng 5 năm 1982.



Trở Về  ]