Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]                  [ Tác giả ]

 
Fujisawa Shuhei

Tác gia Hiện đại Nhật Bản

*

Phạm Vũ Thịnh

Fujisawa Shuhei là một trong những tác gia nổi tiếng nhất Nhật Bản về truyện lịch sử, truyện samurai. Nhiều tác phẩm của ông đã được quay thành phim chiếu ngoài rạp và phim bộ ti-vi, được hâm mộ không chỉ ở Nhật mà còn trên khắp thế giới.

Fujisawa Shuhei tên thật là Kosuge Tojime, sinh năm 1927, trưởng thành ở Tsuruoka thuộc tỉnh Yamagata địa phương Tohoku phía bắc Tokyo, ngày xưa là phiên trấn Shonai, được dùng làm mô hình tạo nên bối cảnh sinh hoạt địa phương thời Edo (thời Phủ Chúa Tokugawa) trong tác phẩm của ông.

Cha mẹ làm nghề nông nên từ nhỏ ông đã giúp và quen việc đồng áng. Sau này, nông thôn và nông dân được ông mô tả tỉ mỉ với tình cảm sâu đậm. Từ nhỏ, đã ham đọc sách, khi vào trường Sư phạm năm 1946, ông bắt đầu sinh hoạt văn học, làm báo chung với bạn bè cùng sở thích. Tốt nghiệp năm 1949, ông dạy Quốc văn ở trường trung học, và tiếp tục làm báo. Năm 1951, nhuốm bệnh lao phổi, phải nghỉ việc, và năm sau lên Tokyo trị bệnh, bị mổ bỏ phần trên của lá phổi bên phải. Trong thời gian này, ông tham gia hội thơ Haiku, vẫn cộng tác làm báo, và đọc nhiều sách, kể cả tiểu thuyết ngoại quốc, bồi dưỡng cơ sở cho hoạt động sáng tác sau này.

Từ 1957, ông làm việc cho các toà báo ở Tokyo, vì tình hình báo chí khó khăn nên đã phải đổi chỗ làm nhiều lần. Năm 1959, kết hôn với Miura Etsuko là người đồng hương trẻ hơn ông 8 tuổi. Từ 1960, vào làm ký giả cho báo Kinh tế Thực phẩm, nhưng lòng yêu thích văn chương không nguôi được, nên hễ có giờ rảnh thì sáng tác, thời kỳ đầu nhắm vào loại văn học thuần túy.

Năm 1963, sinh con gái đầu lòng, nhưng không bao lâu sau, vợ ông đột ngột bị bệnh mất. Trong sầu khổ, ông bắt đầu viết truyện lịch sử, truyện samurai; những tác phẩm đầu tiên có không khí bi ai và nhân vật nữ chịu số phận bi thảm. Những năm sau đó, ông liên tục gửi tác phẩm dự thi Giải Tác giả Mới của tạp chí văn học O-ru Yomimono. Từ 1965, ông dùng bút hiệu Fujisawa Shuhei.

Năm 1969, tái hôn. Năm 1971, ông được Giải Tác giả Mới của tạp chí văn học O-ru Yomimono, và năm sau đó, tác phẩm "Ansatsu no Nenrin" (Kinh lịch của kẻ ám sát) được Giải Naoki, giải thưởng Văn học cao quý nhất chung cho các thể loại văn học của Nhật Bản. Năm 1973, tập truyện đầu tiên của ông được xuất bản, năm sau, ông nghỉ việc ký giả, bắt đầu sáng tác toàn thời gian. Văn phong của ông định hình từ 1976 với lối mô tả tỉ mỉ, tình tự nồng nàn, có chút hài hước trong những cốt chuyện đoan trang tề chỉnh. Tác phẩm của ông dần dần được nhiều độc giả yêu thích, và từ 1978, ông được xếp chung với các tác gia hạng nhất của Nhật Bản về truyện lịch sử.

Thập niên 1980 là giai đoạn sung mãn trong sinh hoạt tác gia của Fujisawa Shuhei, nhiều kiệt tác liên tục xuất bản, trong đó có các tiểu thuyết "Uminari" (Biển gầm), "Semishigure" (Vang rộn tiếng ve),..., các tập truyện "Kakushiken Shufusho" (Kiếm ẩn trong gió thu), "Tasogare Seibei" (Võ sĩ hoàng hôn),... Từ 1985, ông liên tiếp được các giải thưởng lớn, như giải Văn học Yoshikawa Eiji (tác giả của tiểu thuyết lịch sử kiếm thuật nổi tiếng thế giới "Miyamoto Musashi"), giải thưởng Nghệ thuật của Bộ Văn hoá Giáo dục Nhật Bản, giải Kikuchi Kan cho công trạng cống hiến văn học, giải Văn học Asahi, giải thưởng văn hoá của thủ đô Tokyo,...

Năm 1995, ông được Nhật hoàng ban thưởng Huân chương (có dải băng) màu xanh chàm, dành cho người có công cống hiến cho lợi ích của công chúng, hay tận lực làm việc công cộng. (Honda Soichiro, Giám đốc sáng lập công ty Honda cũng là một người được ban thưởng Huân chương này.)

Năm 1996, bệnh viêm gan khởi từ việc tiếp máu trong những lần giải phẫu cũ nhiều năm trước, trở nặng, làm ông phải vào bệnh viện lắm lần. Tháng Giêng 1997, ông qua đời, hưởng dương 69 năm.

Từ 1980 đến nay, đã có khoảng 20 tác phẩm của Fujisawa Shuhei được dựng thành phim bộ ti-vi. Một số tác phẩm của ông đã được dựng thành kịch nói hoặc kịch ca-vũ-nhạc. Gần đây, lại có phong trào làm phim dài chiếu ngoài rạp, từ các tác phẩm của Fujisawa Shuhei, được nhiệt liệt yêu chuộng ở Nhật: "Tasogare Seibei" (Võ sĩ hoàng hôn) 2002, "Kakushiken Oni no Tsume" (Truyện Bí kiếm - Móng tay quỷ) 2004, "Semishigure" (Vang rộn tiếng ve) 2005, "Bushi no Ichibun" (Danh dự của người võ sĩ) 2006,... Các phim này cũng được khán giả yêu thích đặc biệt ở nhiều nước ngoài Nhật.

Tập truyện Fujisawa Shuhei được dịch và xuất bản ở các nước nói tiếng Anh là "Bamboo Sword and Other Samurai Tales" (Thanh kiếm tre, và các truyện samurai khác). Ông là một trong những tác gia Nhật Bản được nghiên cứu trong giáo trình của khoa Ngôn ngữ Á Châu ở Đại học Stanford, California, Mỹ.

Fujisawa Shuhei dùng biểu hiện văn học thuần túy trong tác phẩm của ông, không chú trọng lắm về quá trình tu tập kiếm pháp của nhân vật chính như trong loại truyện dã sử kiếm hiệp Trung Quốc, mà đặt nặng việc mô tả tâm lý nhân vật, nếp sinh hoạt và suy nghĩ của giới võ sĩ (samurai) Nhật Bản, tinh thần võ sĩ đạo trong bối cảnh thời Phủ Chúa Tokugawa là thời kỳ cuối cùng mà giai cấp võ sĩ được xem là cao nhất trong xã hội, ngay trước thời Minh Trị Duy Tân. Nhân vật chính của ông thường là các võ sĩ cấp thấp, sống trong tiết độ, tiết tháo, chịu cực khổ nhưng giữ trọn tinh thần, danh dự võ sĩ và tự hào về nếp nhà, trong một xã hội điên đảo vì tranh chấp chính trị còn nhiều tính chất phong kiến. Những người võ sĩ này sống âm thầm gần như cam phận mặc dù có tài năng về kiếm thuật mà họ không hề muốn phô trương, nhưng rồi cảnh ngộ, biến cố, cuối cùng đã bắt họ buộc lòng phải thi thố để làm cho đời sống của họ và của tầng lớp bị trị được bảo vệ hay cải thiện.

Đời người võ sĩ Nhật Bản thời Edo trải qua ba giai đoạn: ở nhà với cha mẹ, thừa kế nghiệp nhà, và quy ẩn. Nhưng đó là trường hợp cuộc đời trôi chảy song suốt của những người trưởng nam nối dõi mà thôi. Những đứa con trai thứ trong gia đình thì không có được phần số may mắn như thế. Bởi ngoài trưởng nam được thừa kế mà giữ nếp nhà, tất cả các con trai thứ đều phải kiếm chỗ đi làm rể nhà nào chỉ có con gái, hoặc vì sự tình gì đó muốn bắt rể về để tiếp tục giữ nếp nhà là võ sĩ thuộc hạ của Lãnh Chúa. Không khác gì các cô con gái chỉ dễ lấy chồng trong khoảng tuổi tươi trẻ nhất của đời mình, những người con trai thứ này cũng phải gắng làm sao để đi làm rể được nhà nào cần con rể nối dõi, trong khoảng tuổi từ 20 đến 26. Quá khoảng tuổi đó thì coi như khó có hy vọng gì thoát được cảnh tiếp tục sống bám vào nhà cha mẹ. Rất nhiều nhân vật chính của Fujisawa Shuhei chịu thân phận những người con trai thứ này, thuộc vào dòng phụ-lưu không ai thèm để ý bên cạnh dòng chính là những nếp nhà võ sĩ do con trai trưởng nối dõi. Dòng chính không chỉ nắm trọn địa vị cao quý trong xã hội mà còn nghiêm thủ các chuẩn mực đạo đức nho giáo và truyền thống võ-sĩ-đạo nữa. Bên cạnh đó, dòng phụ chỉ là cái bóng mờ, có làm được gì cũng không ai để ý đến. Fujisawa Shuhei cũng là một người con trai thứ, có lẽ một phần cũng vì lý do đó mà nhiều tác phẩm của ông chú tâm soi rọi vào những gương phấn đấu, những đóng góp đáng khâm phục từ những thân phận rủi ro như thế trong xã hội phong kiến thế tập. Điển hình là những nhân vật như Maki Bunshiro trong "Semishigure" (Vang rộn tiếng ve), Mizaki Shunsuke, Hattori Hannojo,... bọn 5 người trong "Ankokuken - Chidori" (Kiếm pháp Thiên điểu trong âm mưu đen tối thuộc tập truyện "Kakushiken Shufusho" - Kiếm ẩn trong gió thu),...

Cũng đóng góp to lớn cho gia đình, xã hội mà vẫn bị rẻ rúng như thế, còn là thân phận của người phụ nữ Nhật Bản nữa. Tác phẩm của Fujisawa Shuhei vẽ nên những hình ảnh đáng yêu quý của người đàn bà hết lòng thương yêu và hy sinh cho chồng con và anh em chồng. Điển hình như Takae mặc võ phục, chít khăn đầu, tất tả chạy trở về mong cho kịp cùng chiến đấu hay cùng chết với người chồng lúc vinh quang thì đã sinh rượu chè sa đoạ rẻ rúng vợ, bây giờ đang phải đối đầu với đối thủ cao tay trong trận quyết đấu chí tử. Hay Kayo xả thân chịu nhục nhã mong giúp được cho chồng bị mù vì tai nạn nghề nghiệp, cố giữ lại nếp nhà cho chồng, đến nỗi bị lừa gạt thất thân và bị chồng đuổi đi, rồi cũng ráng quay về để tự tay mình âm thầm săn sóc chồng,... Tuy cũng có những nhân vật nữ thi thố tài năng kiếm thuật không kém gì nam giới, nhưng phần nhiều, người đàn bà trong tác phẩm của ông phát huy lợi khí riêng của phái nữ là sự hiền dịu, kín đáo, đức hy sinh, tình nghĩa và nhan sắc,... cũng sắc bén không kém gì lưỡi kiếm của võ sĩ.

Bên cạnh những đặc trưng Nhật Bản, những câu chuyện thế thái nhân tình, tình nghĩa vợ chồng, tiết tháo của kẻ sĩ, sinh hoạt và cảnh trí nông thôn,... trong tác phẩm của Fujisawa Shuhei, là những nét gần gũi với văn hoá Việt Nam.

Tham khảo :

[1]. Fujisawa Shuhei - Từ điển Bách khoa mạng Wikipedia

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E8%97%A4%E6%B2%A2%E5%91%A8%E5%B9%B3

[2]. Fujisawa Shuhei - Profile

http://www.shonai-nippo.co.jp/square/feature/fujisawa/profile.html

[3]. Fujisawa Shuhei - Outstanding japanese samurai fiction

http://ummagumma.wordpress.com/2007/04/13/fujiwara-shuhei-outstanding-japanese-samurai-fiction/

[4]. Abe Tatsuji: Bài giải thuyết cuối tập truyện "Kakushiken Koeisho" (Truyện Bí kiếm - Kiếm ẩn trong bóng người lẻ loi)
 
 
 

Danh dự của người võ sĩ

Fujisawa Shuhei

Phạm Vũ Thịnh dịch

1
Mimura Shinnojo đứng dậy rời phòng gia đình. Đã gần một năm rưỡi trôi qua từ khi mắt anh mất ánh sáng. Anh đã quen nhiều với thế giới tăm tối rồi, nhưng vẫn chưa bước đi trong nhà được nếu không sờ tay vào đồ vật gì đấy. Vẫn chưa thoát khỏi nỗi bất an như có cạm bẫy gì bất ngờ ở ngay trước bước chân anh. Bàn tay trái sờ soạng vách phòng, chân anh dò dẫm bước. Ve vuốt cột trụ ở góc nhà, quẹo qua hiên thì ra đến trước phòng uống trà. Anh mò mẫm kéo một cánh cửa qua, rồi ngồi bệt xuống hàng hiên. Khí đêm phả trùm mặt anh, có phần lạnh hơn lệ thường vào mùa này. Nhưng trong hơi lạnh ban đêm vẫn có hàm chứa chút hương từ những chồi non đang nở.

Trễ quá! Shinnojo hơi nhíu mày. Cái lạnh của không khí ban đêm cũng là dấu hiệu đêm đã về khuya. Vậy mà Kayo, vợ anh, vẫn chưa về nhà.

Mỗi tháng một lần, Kayo đi chùa Rinmatsu ở làng bên cạnh cách chân thành này một dặm, để cầu nguyện cho anh, vì ở đó có tượng Phật trong chính điện nghe nói là đặc biệt có hiệu quả trị các bệnh về mắt. Kayo vẫn còn hy vọng là mắt Shinnojo còn có thể chữa khỏi.

Không biết là từ lúc nào, anh bắt đầu cảm thấy có bóng dáng đàn ông lấp ló trong chuyện đi chùa của Kayo. Từ mùa thu vừa rồi, anh đã bị y sĩ chữa mắt là Kusanagi Kosuke bỏ rơi. Ông ta bảo có tiếp tục chạy chữa cũng vô ích thôi. Nghe thế, Shinnojo cũng không hoảng sợ gì lắm. Anh đã cầm bằng như thế rồi. Trong thời gian nhờ Kusanagi chữa bệnh, dần dần anh càng hiểu là bệnh anh không còn chữa trị được nữa. Thế rồi, khi đã quyết tâm sống thử cuộc sống của người mù, lòng anh từ trước đến nay đã hướng trọn ra bên ngoài với niềm hy vọng mong manh được chữa lành, thì nay lại chìm đắm sâu vào bên trong. Và cũng vì vậy, hình tích đàn ông mờ ảo ẩn nấp phía sau những chuyến đi chùa của vợ anh trước đây anh đã lơ là không để ý, thì nay lại hiện hình cồm cộm trên tâm tình trầm đắm ấy.

Thoạt đầu, anh đã cho là manh tưởng vô lý mà thôi. Nếu không có Kayo bên cạnh, Shinnojo không thể tự mình thay quần áo, mà cả chuyện ăn uống cũng không xong. Nên anh bực bội cho rằng mình đã nhiễm thói ghen tương bẩn thỉu của loại đàn ông có mặc cảm hèn kém đối với vợ. Thế nhưng, dù anh đã cố gắng xua đuổi ý nghĩ ấy cách mấy đi nữa, cũng vẫn lưu lại mãi một niềm nghi hoặc. Từ khi mắt mù đi, anh cảm thấy tai anh dần thính hơn trước, và mũi anh phân biệt mùi tinh tường hơn trước bội phần. Nói thế chứ cũng phải mất đâu một năm trời. Chẳng phải khả năng nghe tiếng và ngửi mùi ấy đột ngột mà tinh nhuệ lên được như thế. Chỉ vì cần phải bù đắp vào thị giác bị mất đi, chỉ còn cách dựa vào các giác quan còn lại, nên mũi anh, tai anh đã phải tăng tiến hiệu quả hơn trước đó thôi. Dù gì đi nữa, dần dần tai anh đã bắt được không sót dù những tiếng động thật nhỏ, và mũi anh cảm nhận được cả những hơi hướm mơ hồ nhất.

Ngay cả xúc giác của anh cũng truyền đạt được những cảm xúc mới mẻ khác hẳn hồi mắt anh còn trông thấy, đến nỗi có lúc anh nhận ra sự vật mà thầm ngạc nhiên vì rõ ràng không kém gì người mắt sáng cả.

Và tai thính, mũi thính của anh đã cảm nhận được có gì khác lạ nơi vợ anh. Chẳng phải là chứng cớ gì rõ ràng, chỉ là cảm giác có gì đấy là lạ, thế thôi. Cảm giác ấy còn mơ hồ lắm, nhưng không còn xua tan được nữa.

Shinnojo ngồi bệt, bất động, hướng ra vườn. Từ nhà bếp thoang thoảng mùi cơm đang nấu. Hẳn là vợ anh về trễ nên người lão bộc Tokusuke phải nấu thế. Thỉnh thoảng lại có tiếng ho trầm thấp của ông. Tokusuke đã đến giúp việc nhà Mimura từ trước khi sinh ra Shinnojo, và sống đến già ở nhà này. Bây giờ thì nhà chỉ còn hai vợ chồng anh và người lão bộc thân tín ấy. Cha mẹ anh mất sớm, Kayo vào làm dâu được năm năm nay nhưng chưa có con. Nhà quạnh vắng. Và quạnh vắng quá nên niềm nghi hoặc của Shinnojo khỏi phải hướng vào đâu khác mà tập trung ngay vào Kayo.

Shinnojo nhận ra ngay những tiếng động chứng tỏ Kayo về đến nhà. Tiếng đóng cửa nhẹ nhàng, tiếng guốc êm nhẹ vọng đến tai anh. Rồi đột ngột Kayo đứng khựng lại. Có vẻ đã kinh ngạc khi thấy dáng anh ngồi nơi hiên tối.

-"Anh làm gì ở đó vậy?"

-"À, ra đón không khí ban đêm đây".

-"Trời lạnh thế này mà...". Kayo cứ thế đi vòng ra vườn, đến đứng trước Shinnojo, cầm tay anh. -"Xin anh tha lỗi. Em mải trò chuyện ở chùa nên về trễ mất". Vừa nói, Kayo vừa xoa lưng bàn tay anh.

Hồi mắt anh còn thấy đường thì cử chỉ như thế thật bất ngờ, nhưng từ khi đã biết là Shinnojo đành phải chịu mù thôi thì Kayo dần dần bạo dạn chạm tay vào thân thể chồng nhiều hơn.

Shinnojo im lặng để yên tay mình cho vợ xoa. Hơi thở của Kayo gấp gáp. Có lẽ bởi đã phải bước vội về nhà trên đường đêm, nhưng cũng có thể vì đã bất ngờ thấy dáng chồng nơi hiên tối.

-"Anh ăn tối chưa?"

-"Tokusuke đang nấu cơm đấy".

-"Xin lỗi anh. Em dọn cơm ngay đây".

Tiếng guốc của Kayo khua rộn rã vòng ra phía cửa trước. Shinnojo đứng lên, đóng cửa ra hiên.

Kayo bước lên nhà, dắt Shinnojo vào phòng uống trà. Chờ cho anh ngồi yên vị xong, Kayo nhanh nhẹn đốt đèn lồng lên rồi bước vào bếp.

Mùi son phấn nồng quá! Shinnojo nghĩ thầm. Mùi hương son phấn nồng hơn lúc trưa rời nhà ra đi, hẳn là đã gặp trai, rồi phải trang điểm lại mà trở về nhà.

Lòng anh chìm đắm trong nỗi đau xót vì niềm nghi hoặc ấy. Nếu được thì anh mong nó chỉ là manh tưởng vô cớ mà thôi. Thế nhưng, niềm nghi hoặc đối với Kayo càng ngày càng chồng chất thêm những dấu hiệu khả nghi như lúc này, đã thành một sự thực kiên cố không còn lay chuyển được nữa rồi.

Dù sao, Kayo cũng không giận ghét hay bỏ bê gì người chồng bị mù. Shinnojo không nhận thấy ở vợ thái độ gì như thế, mà ngược lại, anh còn cảm thấy Kayo càng có vẻ gần gũi mật thiết với anh hơn trước nữa. Người vợ ấy chăm sóc chồng tật nguyền thật chu đáo, đến như anh ngứa chỗ nào là gãi hộ cho ngay chỗ đó. Lòng Kayo không xa lánh người chồng bất hạnh. Điều đó thì Shinnojo không nghi ngờ gì được.

Ngoại trừ bóng đen của nghi hoặc về trinh tháo của người vợ trong đôi mắt không còn ánh sáng của Shinnojo ra, sinh hoạt thường ngày của nhà Mimura vẫn tiến hành bình thường không có gì trở ngại cả. Nhưng cũng chính vì vẻ bình thường vô sự thường ngày ấy mà bóng đen đàn ông lấp ló phía sau lưng Kayo lại càng nổi rõ đậm màu lên dần dần. Nhịp thở thường ngày của Kayo cứ mỗi tháng sau ngày đi lễ chùa về lại lộ ra những lệch lạc dị thường. Suốt vài ngày sau đó, thế nào cung cách của Kayo cũng có vẻ lấm lét dè chừng phản ứng của chồng, cử chỉ và lời nói có phần lúng túng, như là kẻ phạm tội đang cố che giấu tội lỗi của mình. Mà cũng có vẻ như kẻ đã trở về từ một thế giới nào khác, còn lúng túng vì khoảng cách khác biệt trong nếp sinh hoạt thường ngày. Trạng thái như thế hẳn không thể chỉ vì chuyện đi lễ chùa.

Giả thử là có hẹn hò với trai... thì kẻ đó là ai nào? Shinnojo thật bối rối về điểm này. Shinnojo không sao hình dung ra được tên đàn ông càng ngày càng lộ nhiều dấu hiệu anh cảm nhận được ấy. Ngay cả chuyện Kayo ngoại tình cũng đã là quái dị đối với anh. Bởi ngược hẳn với đám đàn bà mà thiên hạ bảo là lẳng lơ, Kayo thuộc loại phụ nữ tiết chế, chừng mực. Lòng ghen giận của anh cũng vì thế mà không sâu đậm vì chưa biết dựa vào cơ sở nào. Thế nhưng, đâu phải là chuyện có thể bỏ qua được. Thế nào anh cũng phải truy cứu cho ra lẽ, nếu quả thật vợ anh ngoại tình thì phải đoạn tuyệt mà thôi.

2

Thông tin về tên đàn ông của vợ anh đến tai Shinnojo lần đầu tiên là từ người chị họ Ine.

-"Cô Kayo đi vắng à?". Ine nói, sồng sộc bước vào phòng gia đình của Shinnojo. Anh nghe giọng Ine nói chuyện với lão bộc Tokusuke ngay từ cửa trước, thì đã chán ngán rồi. Ine là người lắm mồm và ồn ào xưa nay. -"Trà hả? không cần, không cần." Ine nói oang oang từ chối lời thưa của Tokusuke định pha trà mang đến. -"Ôi, nóng quá, nóng quá". Ine ngồi xuống trước Shinnojo, tay quạt phành phạch. Mùi son phấn trộn lẫn mùi mồ hôi uà trùm lên mặt Shinnojo. -"Anh Shinnojo dạo này mắt ra sao rồi?"

-"Chẳng khá hơn mà cũng chẳng tệ hơn. Vẫn thế thôi".

-"Hoàn toàn chẳng thấy gì cả sao?"

Shinnojo cảm thấy trước mặt có chút gió, có lẽ Ine phất tay qua lại trước mắt anh. -"Không thấy gì cả".

-"Tiếc quá nhỉ. Chứ anh vẫn đẹp trai có khác gì ngày trước đâu!".

Đôi mắt của Shinnojo vẫn mở như người mắt sáng, con ngươi của anh vẫn đen không khác gì người bình thường cả.

Ine thở dài. Ine thuộc dòng chính trong gia tộc anh, lớn hơn anh hai tuổi. Vào làm dâu nhà Hatano, có hai đứa con rồi, nhưng thời con gái đã muốn vào làm dâu nhà anh. Đã thưa với cha mẹ, rồi nhà ấy cũng đã đánh tiếng với mẹ anh, nhưng mẹ anh không thuận vì lý do Ine có họ xa với anh, do đó bà đã chọn Kayo là cô gái không thân thích. Vì chuyện ấy, bà đã làm mất lòng dòng chính, nhưng mẹ Shinnojo chẳng bận tâm. Có lẽ bà nghĩ dòng chính, dòng thứ gì gì đi nữa, cũng chẳng nên ràng buộc nhau đến thế.

Dòng chính là nhà lãnh 120 hộc [1], còn nhà Shinnojo chỉ được 30 hộc. Người cha đã mất của Shinnojo đáng lẽ được nối dõi dòng chính lãnh 120 hộc ấy, nhưng ông nội của anh lại thương yêu người con gái, tức là bác gái của Shinnojo hơn, nên đã nhận rể vào nối dõi, và cho cha anh ra ngoài. Cha anh vào làm rể nối dõi nhà Mimura, cũng là thuộc hạ của Lãnh Chúa. Đã trải qua chuyện như thế nên cha mẹ anh bất hoà với dòng chính, và có lẽ cũng vì thế mà mẹ Shinnojo đã không muốn nhận Ine vào làm dâu. Lúc cha anh vào làm rể nối dõi nhà Mimura, cũng đã được dòng chính chi cấp cho, và mỗi khi có dịp gia tộc tụ họp chia vui chia buồn thì cha mẹ anh cũng được đối xử theo vai vế dòng thứ, nên cha mẹ anh vẫn xưng tôn họ là dòng chính, nhưng hai họ khác nhau, Ine là dòng nhà Takikawa.

Shinnojo thì khác với cha mẹ anh ở chỗ vẫn giao tiếp thân mật với dòng chính, nhưng sau khi mẹ anh từ chối chuyện nhân duyên nhà Ine dạm hỏi thì anh cũng hiếm khi đến viếng nhà Takikawa. Còn Ine thì ngược lại. Sau khi lấy chồng, Ine vẫn thường lui tới thăm viếng nhà Shinnojo, nhất là từ ngày mẹ anh mất, nhà chỉ còn hai vợ chồng trẻ, thì Ine lại càng bàn xen vào chuyện nhà anh nhiều hơn. Có lẽ trong lòng Ine vẫn còn luyến tiếc rằng giá mà chuyện ngày trước song suốt thì có khi đã thành nàng dâu trong nhà Shinnojo rồi. Điều khác thường là tâm tình ấy không hề thay đổi sau khi Ine đã có hai con, hay cả sau khi Shinnojo đã bị mù mắt, Ine vẫn thường viếng thăm nhà Shinnojo, tấm thân đã mập mạp thêm ấy xách theo quà cáp mà đến xen vào chuyện gia đình anh.

-"Nghe nói anh đang tập luyện nhạc Nô đấy à?"

-"Ừm, không còn làm việc trong thành nữa, nên định có thể sau này dạy nhạc Nô cho học trò..."

-"Sáng kiến ấy hay lắm chứ". Ine khen, rồi với lối nói liếng thoắng thường lệ, kể cho Shinnojo nghe chuyện người nọ người kia trong nhà, chuyện chồng mình được đề cử vào chức Chưởng quản Địa phương vào mùa thu tới, chuyện con cái,... liên tu bất tận. Nhà Hatano lương 100 hộc, nhưng vốn là nhà giàu sẵn, nên Ine đã vào làm dâu một nhà rất tốt.

Toàn là những chuyện Shinnojo không đặc biệt muốn nghe gì mấy, nhưng anh im lặng nghe kể. Nhà anh chỉ có hai vợ chồng và người lão bộc nên nhiều lúc im vắng quá. Lời kể chuyện của người chị họ này, tuy không là thuốc độc mà cũng chẳng phải là thuốc bổ, nhưng cũng vui nhộn được trong chốc lát.

Nhưng thình lình, Ine ngậm miệng lại. Rồi gọi: -"Này anh Shinnojo..." và thầm thì: -"Tôi vừa nghe Hatano nói một chuyện này quái lạ lắm...".

-"......"

-"Chuyện về cô Kayo đấy. Nhưng có nên nói ra không nhỉ?"

-"Chuyện gì thế? Nói cho nghe đi". Shinnojo bình tĩnh đáp thế, nhưng trong bụng nghĩ chắc là chuyện ấy rồi. Bất giác, anh cảm thấy như máu trong thân mình chảy ngược lại. Như bị ai đánh thình lình. Chuyện có bóng dáng tên đàn ông nào lấp ló sau lưng Kayo ấy, cứ tưởng chỉ là chuyện giữa hai vợ chồng anh, nhưng tất nhiên, cũng có thể đã bộc lộ ra ngoài như thế này.

Dù đã ướm hỏi là có nên nói ra không, nhưng Ine lại ngậm miệng im lìm. Điều lạ thường ở một người đàn bà lắm mồm. Shinnojo phải nói thêm: -"Có nghe chuyện gì đi nữa, tôi cũng không sao đâu".

-"Hatano bảo là đã thấy cô Kayo ở xóm Somekawa đấy".

-"Ồ!"

-"Mà nếu chỉ có một mình cô ấy thôi thì chả nói làm gì, nhưng lại đi cùng với một người đàn ông nữa, nên Hatano mới lấy làm lạ chứ..."

-"......"

-"Thế anh có biết là ai đấy không?"

-"Chuyện đó là lúc nào thế?"

-"Đêm mồng sáu vừa rồi đấy. Đêm ấy, Hatano từ thành về, đi cùng bạn đồng sự đến quán trà ở xóm Somekawa. Tôi cứ phải dặn mãi là đi uống rượu thì phải về nhà thay áo quần trước đã rồi hãy đi, thế mà các ông uống rượu thì thật là dơ bẩn, cứ muốn uống rượu ngay tức thì, tiếc cả thì giờ phải quay về nhà nữa kia".

Shinnojo chỉ nghe được phân nửa lời nói của người chị họ. Ðêm mồng sáu thì đúng là đêm Kayo đi chùa về trễ. Shinnojo nghe lòng xao động nỗi uất hận. Nỗi căm tức tất nhiên có lẫn chút hổ thẹn nữa.

-"Thế anh Hatano có thấy mặt người đàn ông đó không?". Shinnojo hỏi.

-"Cái đó thì anh ấy bảo là trời tối quá, mà còn cách một khoảng khá xa nên không nhìn rõ được. Lúc đầu anh ấy không nghĩ là hai người đi chung với nhau. Bởi họ đi cách xa nhau. Hatano dù trong tối cũng đã nhận ra cô Kayo nên định gọi rồi. Nhưng thấy cô ấy gật đầu chào ai đấy, nhìn qua thì thấy người đàn ông gật đầu chào lại, rồi rẽ sang góc phố mà đi mất, nên chỉ thấy dáng lưng thôi..."

-"......"

-"Không thấy mặt, nhưng dáng lưng có vẻ là một người còn trẻ..."

-"......"

-"Thế nào? Trong đám bạn bè quen biết, anh có nghĩ ra là ai đấy không?"

-"Xà..."

-"Này anh Shinnojo, anh không sao chứ? Mắt không trông thấy được, có phải vì thế mà anh không nhìn ra chuyện gì trong nhà nữa đấy không?".

Ine dùng lối nói quanh co như thế để nói có lẽ anh không để ý đến những dấu hiệu khả nghi rằng có thể vợ anh ngoại tình. Có lẽ vợ chồng Ine đã nói với nhau chuyện ấy. Xóm Somekawa là xóm chơi bời, bước chân vào xóm thì thấy san sát những quán trà dùng làm chỗ hẹn hò, những quán nhậu tha hồ cho trai gái tự do tình tự chùng lén. Tất nhiên là khu vực mà đàn bà con gái nhà võ sĩ không lui tới, nhất là vào ban đêm, cho dù là võ sĩ mạt hạng lương chỉ có 30 hộc chăng nữa. Chồng của Ine có kinh ngạc mà nghi ngờ thì cũng là chuyện đương nhiên thôi.

-"Chị Ine à...". Shinnojo rướn thẳng lưng, nói. -"Chuyện đó để tôi hỏi Kayo ngay tối nay xem sao. Nhưng mà, chuyện vừa nói ấy, không nên nói ra ngoài làm gì thêm phiền phức"

-"Tôi có nói ra ngoài với ai đâu nào". Ine nói, giọng có vẻ giận dỗi. -"Tôi chỉ lo ngại cho thanh danh của anh mà thôi. Một người như anh, thuở bé đi học được gọi là thần đồng, lúc tập kiếm ở võ đường Kibe thì được xem là tay kiệt xuất, thế mà số phận đưa đẩy thế nào đến nỗi mắt không còn thấy được nữa. Tôi không muốn thấy anh phải chịu đựng thêm điều gì trên tình cảnh bất hạnh này đâu".

-"Tôi hiểu thế chứ". Shinnojo nói, và mỉm cười vỗ về. -"Tất nhiên là chị Ine có hảo ý đến cho tôi biết chuyện như thế. Cảm ơn chị lắm. Tôi sẽ hỏi ngay cho rõ sự tình".

-"Nhưng mà, anh căn vặn khe khắt quá thì cũng không tốt đâu nhé". Giọng Ine đổi sang e dè. -"Giả thử Hatano không nhìn lầm đi nữa, cũng có thể cô Kayo đã có sự tình gì đấy mà phải đến xóm Somekawa. Chứ tôi đâu có tin là cô Kayo lại có thể phản bội anh. Vì thế, anh nên kiếm lời nhỏ nhẹ mà hỏi cô ấy xem sao nhé".

3

Ine về rồi, Shinnojo đứng dậy, sờ sẫm bước trong phòng, với tay lấy thanh kiếm gỗ móc vào đà ngang trên đầu tường. Anh lần ra cửa trước, gọi lão bộc đỡ anh ra ngoài.

-"Không cần dép đâu". Shinnojo bảo. Chân trần dẫm lên đất cho anh cảm giác dễ chịu.

-"Thưa, cậu tập kiếm đấy à?". Tokusuke nói, dắt tay anh đưa ra vườn. -"Ðã lâu lắm rồi, cậu nhỉ. Ngày trước thì cậu tập luyện đều đặn là thế! Sáng tập chiều tập..."

-"Đưa tôi ra chỗ vẫn tập ngày trước đi. Ông biết chỗ nào rồi chứ?"

-"Thưa vâng, tất nhiên là biết chứ cậu"

-"Trời tốt quá nhỉ, Tokusuke". Shinnojo nói. Nắng chiếu vào trán anh thật nóng, nhưng có được chút gió nhẹ. Shinnojo cảm thấy làn gió như lông chim nõn mơn man trán anh. Nhưng trải rộng trước mắt anh là khoảng trống đen thẫm bao la.

-"Vâng, trời tốt lắm. Nhưng cậu có nóng không?"

-"Không. Dễ chịu lắm".

Shinnojo đứng dừng lại khi nghe lão bộc nói "Thưa, đến nơi rồi". Ðó là khoảng giữa vườn, đất nện cứng nhất. Đứng đấy hướng mặt về phía mặt trời thì giữa anh và hàng rào nhà bên cạnh hẳn có cây mai và cây lý, bên tay phải hẳn là nhà anh, bên tay trái có luống trồng hoa chạy dài ra tận cổng. Thoang thoảng hương các đoá hoa mà mắt anh không thấy được.

-"Được rồi, ông vào nhà đi". Shinnojo chờ để xác nhận động tác rời đi của người lão bộc, rồi cầm kiếm vào thế tấn. Võ đường Kibe của anh dạy kiếm phái Togun, nghe đâu thầy Kibe Sonhachiro đã học được từ sư phụ Takagi Kyozai ở xứ xa.

Shinnojo vung nhẹ thanh kiếm gỗ. Anh có cảm giác như mới vung kiếm lần đầu, bởi đã lâu lắm rồi anh không cầm đến thanh kiếm gỗ này. Anh bấm chân vững chãi, sửa lại thế tấn rồi múa kiếm mạnh dạn theo đúng chiêu thức. Nhưng lập tức, Shinnojo mất phương hướng. Chân anh dẫm hụt hẫng, mũi kiếm gỗ quật xuống nền đất nẩy tung lên. Tay anh tê điếng, thân thể chao đảo. Shinnojo loạng choạng chống tay xuống đất. Vậy mà thân người anh vẫn còn nghiêng đi. Một luồng khí lạnh chạy xuyên qua thân thể anh, như ánh nắng vừa bị che khuất mất. Phải một lúc sau, cảm giác dị thường ấy mới dứt, và trán anh lại cảm thấy ấm nóng tia nắng mặt trời.

-"Hừm. Lại thành chuyện khó khăn rồi đây". Shinnojo nghĩ thầm.

Anh gượng đứng lên, toàn thân toát mồ hôi lạnh.

Từ ngày mắt không nhìn thấy nữa, Shinnojo hầu như không ra khỏi nhà. Sau khi y sĩ cho biết là mắt anh không chữa được nữa vào mùa thu năm ngoái, vợ anh cứ phải khuyến khích anh ra ngoài mãi. -"Chứ anh cứ ở trong nhà mãi không ra ngoài thì có hại cho thân thể lắm". Thỉnh thoảng Kayo lại nhắc thế, rồi dắt tay anh ra vườn tản bộ. Đến lúc đã quen được đôi chút với chuyện ra ngoài nhà, định lúc nào đấy sẽ một mình chống gậy ra vườn bước đi xem sao, thì mùa đông lạnh lại đến, Shinnojo lại phải ru rú trong nhà.

Cũng bởi đã lâu không ra ngoài nên thân thể Shinnojo bối rối, tạo ra cảm giác lạ lẫm như thế. Thêm vào đó, lại đột ngột múa thanh kiếm gỗ nặng nề ấy nữa, nên có lẽ anh đã bị một cơn chóng mặt nhẹ. Mắt anh chìm đắm nơi đáy vực sâu thẳm. Dù với nguyên cớ gì đi nữa, thực tế vẫn là người từng được gọi là nhân tài kiệt xuất của võ đường Kibe ấy, nay đã lâm vào tình cảnh thảm hại như thế này.

Shinnojo cười không thành tiếng. Anh đã nghĩ rằng lòng Kayo không rời xa anh, nhưng đó chỉ là ảo tưởng của anh mà thôi. Có thể là từ bao lâu nay, lòng Kayo đã ngã theo người đàn ông khác rồi. Cứ nhìn hình trạng thảm hại này của anh, cũng đủ hiểu được điều ấy.

Shinnojo lại cầm thanh kiếm gỗ đứng tấn. Tự mình cũng hiểu là mặt mình không còn chút máu. Sớm muộn gì rồi cũng phải xác nhận việc ngoại tình của vợ anh và giải quyết dứt điểm. Ðể làm được điều đó, thế nào anh cũng phải khôi phục khả năng dùng kiếm đã tập luyện được ấy cho thân thể mù lòa này.

Shinnojo chuyển kiếm từ thế Thanh nhãn [2] sang thế tấn giương cao kiếm lên quá đầu. Chân dẫm xoạc ra, anh chém vụt xuống khoảng không trước mặt, đồng thời với tiếng thét tấn công bằng tất cả khối hơi trong ngực anh. Nhưng lần này anh không cảm thấy cảm giác loạng choạng dị thường lúc nãy. Bàn chân anh dẫm vững vàng trên mặt đất.

Anh nín thở xác nhận như thế xong, lại cầm kiếm đứng tấn. Giương kiếm nghếch mũi lên cao rồi chém vụt xuống. Lặp đi lặp lại những động tác ấy 20, 30 lần, mồ hôi chảy ràn rụa trên da anh. Mặc, anh vẫn tiếp tục tập cùng một thế kiếm ấy.

Sau lưng anh, có tiếng chân bước nhẹ lại gần. Anh nghĩ là Kayo đấy, nhưng vẫn cầm chặt kiếm, xoay mình lại thật nhanh. Hẳn là mặt anh đanh lại.

Tiếng chân ngừng bặt. Có vẻ Kayo giật mình đứng khựng lại.

-"Anh tập kiếm đấy à?" Tiếng Kayo nói. Anh nghe có vẻ giọng cao hẳn lên. -"Thế thì hay quá. Em mừng lắm đấy".

-"Ừm, lâu lắm rồi mới được đổ mồ hôi thế này". Shinnojo nói, bình thản đổi kiếm sang tay trái. -"So với lúc còn thấy đường thì cảm giác khác đi. Làm quen lại được, chắc là còn khó nhọc lắm đây".

-"Tất nhiên phải thế chứ. Nhưng y sĩ cũng đã bảo là cần phải tập từ từ cho quen mới được đấy... Anh à, em lấy thuốc xong, vòng về qua xóm Hatsune thì thấy có rau warabi mà anh thích đấy. Tối nay em làm món gỏi rau ấy cho anh nhé".

-"Món ấy thì hẳn là ngon rồi".

-"Anh còn tập kiếm nữa không? Hay là vào nhà, em nấu nước ngay để lau mồ hôi cho anh?"

-"Mồ hôi nhiều lắm à?"

-"Vâng, áo quần anh ướt đẫm rồi đấy".

-"Thế thì hôm nay tập đến đây là đủ rồi". Shinnojo nói.

Kayo đến ngay bên cạnh, nắm tay anh. Thoảng mùi hương rau warabi có lẽ vợ anh ôm nơi ngực.

-"Anh bước cẩn thận nhé". Kayo nói, và dắt anh đi, những ngón tay đan chặt giữ tay anh. Bàn tay hơi ẩm nhưng có sức lắm. Bất giác, một tình cảm mãnh liệt dậy sóng trong lòng Shinnojo. Mất người vợ này, chắc mình không sống nổi. Anh nắm chặt bàn tay vợ, nhỏ nhắn, mềm mại. Không hiểu lúc nãy, Kayo có nhận thấy sát khí đã hiện lên một cách vô thức trên mặt anh không?

4

Nhưng quả thật là Kayo đã phạm tội rồi. Điều đó đã hiển hiện rõ ràng khoảng hai tháng sau ngày người chị họ Ine đến cho biết là chồng Ine đã bắt gặp Kayo trên đường trong xóm Somekawa. Trước đó thì từ cử chỉ thái độ của Kayo, Shinnojo vẫn còn nghĩ rằng cho dù vợ anh có thật đã đi gặp người đàn ông nào khác, như anh đã đánh hơi thấy đi nữa, vẫn chưa hẳn là đã thật sự phạm vào tội ngoại tình. Kayo là con mồ côi đã được bà con họ hàng thay nhau nuôi dạy từ tấm bé, cha mẹ không có mà quyến thuộc gần gũi cũng không. Anh không nghĩ là Kayo có bà con thân cận gì mà phải giấu chồng đi gặp họ, thế nhưng vẫn có thể vợ anh có sự tình gì đấy cần kíp phải làm thế. Shinnojo đã gắng nghĩ đến như thế cho vợ, nhưng sự thực đã tàn nhẫn đập nát hy vọng mong manh ấy của anh. Bởi đã bại lộ ra tên đàn ông chùng lén hẹn hò với Kayo chính là Shimamura Fujiya, cấp trên cũ của Shinnojo.

Người xác nhận điều ấy là lão bộc Tokusuke. Shinnojo đã cho Tokusuke theo dõi Kayo hai lần. Anh đã cắn răng mà thổ lộ chuyện anh nghi ngờ vợ anh ngoại tình, để bảo Tokusuke đi theo rình lúc Kayo đi chùa. Tokusuke đã sửng sốt, rồi lộ vẻ ngần ngừ không muốn làm, đến Shinnojo phải quát lớn mới chịu đi cho.

Lần đầu tiên thì Tokusuke không thấy ra được ai. Chuyện Kayo đi chùa có vẻ không phải là kiếm cớ để gặp trai, Kayo quả thật đã đi một dặm đường đến chùa Rinmatsu mà bái nguyện Phật. Nhưng đến chiều tối, trên đường về, Kayo đột ngột không về xóm ở chân thành mà lại rẽ vào đường về hướng đông của bờ sông Gomagawa. Phía trước đó là xóm bán rau trái mới lập, có vài quán trà lâu đời. Không nhộn nhịp như xóm Somekawa ăn chơi còn được gọi là xóm Trà thất, nhưng xóm này, phía sau có ngọn đồi thoai thoải, phía trước có dòng sông, nên cũng không thiếu gì khách ưa thích khung cảnh êm đềm yên tĩnh này mà tìm đến. Dần dần, quanh các quán trà ấy, nhà ở được dựng lên nhiều, tạo thành một xóm dân cư khá đông.

Kayo đến xóm này, bước vào trong một quán trà. Đó là quán Hanai. Nhưng lần đó, Tokusuke không thấy tên đàn ông. Chỉ đâu chừng một giờ sau, Kayo bước ra một mình, vội vã bước lên đường về nhà. Trên đường, cũng đã có bóng dáng vài võ sĩ ra vẻ đang tìm đến quán trà để uống vài chén, nhưng Tokusuke chẳng thấy ai có vẻ hẹn hò gì với Kayo cả.

Phải đến buổi tối lần thứ hai, Tokusuke âm thầm theo dõi, mới thấy Kayo, rồi sau đó một lúc, một người đàn ông rời quán Hanai, đến quãng qua khỏi cầu, hai người trao đổi cử chỉ từ biệt thầm lén trước khi rẽ đi hai ngả. Lòng già phập phồng, lão bộc Tokusuke theo sau người võ sĩ cao lớn ấy cho đến lúc ông ta bước vào nhà Shimamura ở xóm Sanai.

-"Nhưng mà, cậu chủ à. Có khi mợ ấy có sự tình gì đấy mà phải gặp người ta đấy. Thế nào cũng cần nghe mợ ấy giãi bày mới rõ ra được". Tokusuke thuật chuyện cho Shinnojo vào ngày hôm sau, khi Kayo đã đi chợ. Giọng người lão bộc run run tỏ rõ nỗi kinh ngạc không tin nổi những gì đã mục kích tối hôm qua, thêm với nỗi lo sợ chuyện gì sắp xảy ra. Vẻ lo âu hằn rõ trên khuôn mặt đầy nếp nhăn sâu của Tokusuke.

-"Tất nhiên rồi, Tokusuke à. Chuyện này không thể xem nhẹ được. Để tôi lấy lời mềm mỏng mà hỏi cho ra lẽ. Ông đừng lo". Shinnojo nói, mỉm cười, nhưng cảm thấy nụ cười nửa chừng đanh lại. Thế này thì chuyện ngoại tình của vợ anh là sự thực rồi.

Shimamura thuộc dòng dõi danh giá, và là một đội trưởng cận vệ của Lãnh Chúa. Tất nhiên là đã có vợ con. Hắn 34 tuổi, đẹp người mà tài năng cũng được đánh giá cao, chỉ có tật háo sắc ai cũng biết. Thời đôi mươi đã nổi tiếng là tay chơi ở xóm yên hoa Somekawa, nhưng từ ngày nối nghiệp nhà, vào làm việc trong thành thì tất nhiên đã phải bỏ những trò chơi đã tạo cho hắn thứ danh hão ấy, thay vào đấy, thói háo sắc của hắn chuyển vào nấp trong bóng tối. Nghe đồn là hắn chuyên tằng tịu với đám quả phụ trẻ trong thành. Lời đồn đại thì có phần khoa trương, nhưng cũng có đôi, ba lần là sự thực, trong đó có một lần xảy ra sự kiện người đàn bà kia tìm cách tự sát, nên chuyện bại lộ trước mắt mọi người. Chuyện chơi bời thời trai trẻ của Shimamura thì đã được khoan dung bỏ qua, nhưng lúc này hắn đã là người chủ một gia đình, có vợ có con rồi, nên chuyện bêu diếu ấy đã bị tầng lớp cao cấp trong phiên trấn đưa ra nghiêm trị. Shinnojo nghe nói Shimamura đang đêm bị gọi đến tư dinh quan Gia lão [3] thứ nhì Nomura Sukezaemon để chịu quở trách nghiêm khắc. Tuy nhiên, tầng lớp cao cấp trong phiên trấn có cau mặt trước hành vi ấy của Shimamura đi nữa, cũng muốn giữ kín sự vụ trong nội bộ mà thôi. Quan Gia lão thứ nhì chỉ quở trách như thế là xong, bởi hắn thuộc dòng thế gia vọng tộc, nhà Shimamura từ ngày xưa đã có ba đời liên tiếp làm quan đến cấp Gia lão, cha hắn khi còn sống đã là một trưởng tổ, tham gia vào việc cai trị phiên trấn.

Những lời đàm tiếu trong giới thuộc hạ của Lãnh Chúa, những suy xét châm chước của tầng lớp cao cấp trong phiên trấn không biết đã được Shimamura nhận thức như thế nào. Shimamura cao lớn, có khuôn mặt cân chỉnh ra vẻ con nhà dòng dõi. Nhưng khuôn mặt ấy thường thoảng nét cười khinh khỉnh không ai hiểu có ý nghĩa gì. Nét cười như thế vẫn không đổi khi hắn nghe tin cô vợ goá trẻ nhà Komano cắt cổ tay quyên sinh, hay cả khi hắn bị quan Gia lão thứ nhì quát mắng ầm ĩ về thói trăng hoa.

Một chuỗi những lời đàm tiếu vừa êm đi thì có tin vợ con của Shimamura bỏ về nhà bên vợ. Tin đồn ấy một thời đã là đầu đề bàn tán trong tổ Cận vệ, nhiều người công nhiên lộ vẻ chê cười nữa, nhưng chính đương sự thì vẫn nở nụ cười khinh khỉnh cố hữu, và vẻ mặt bất cần mặc cho gió thổi bên tai.

Tuy vậy, Shimamura không phải là thứ người bất tài thường thấy ở đám con cháu các thế gia vọng tộc. Hắn vẫn được biết là người có tài năng, làm việc trong thành rất nhanh nhẹn đắc lực. Thông minh, giỏi kiếm thuật, ngày xưa đã có thành tích là một trong những môn sinh cấp cao nhất trong võ đường Miyagi phái Itto. Tầng lớp cao cấp trong phiên trấn sở dĩ hạn chế việc xử phạt hắn ở mức quở trách mà thôi như thế, có lẽ không chỉ vì châm chước cho người thuộc gia tộc có danh vọng, mà còn từ suy tính rằng chỉ cần bỏ thói trăng hoa ấy đi thì hắn là nhân vật sau này sẽ tham gia vào việc cai trị trong phiên trấn nữa.

Sau vụ đó, bẳng đi khoảng ba năm không nghe một lời đồn đại nào về thói háo sắc của Shimamura nữa. Tất nhiên, vợ con hắn cũng đã trở lại trong nhà hắn. Lúc tưởng là Shimamura đã chừa thói trăng hoa ấy rồi, thì đùng một cái, lại xảy ra chuyện vợ Shinnojo bị hắn dụ dỗ.

-"Ai chứ Shimamura thì đúng rồi!". Shinnojo hiểu ra. Hành vi đê tiện đến mức ấy thì chỉ có tên này làm được mà thôi. Dù vậy, anh vẫn không hiểu được vì sao Kayo lại có thể phản bội chồng mà tiếp tay với hắn trong hành vi đê tiện ấy. -"Ngoại tình từ nguyên nhân nào mới được chứ?"

Tokusuke rón rén bước ra khỏi phòng xong, Shinnojo vẫn còn ngồi thừ ra suy nghĩ. Kayo chẳng phải là loại đàn bà chỉ vì thấy kẻ kia là cấp trên của chồng mình mà sa ngã theo. Quái lạ thật!

Nhưng sự quái lạ ấy đã được giải minh một cách đơn giản khi Shinnojo căn vặn Kayo tối hôm ấy.

Lúc đầu Kayo không nhận tội. Trước những lời tra vấn nghiêm ngặt của chồng, Kayo ngồi im lìm suốt gần một giờ, khiến Shinnojo phải than thầm sao mà vợ mình có thể ngoan cố đến như thế. Nhưng cuối cùng, bất chợt Kayo khóc oà lên và thú nhận chuyện ngoại tình.

Số là Shinnojo bị mù mắt trong lúc làm phận sự nếm độc trong thức ăn cho Lãnh Chúa. Lãnh Chúa Ukyo Dayu Yorichika có thói quen dùng bữa trưa trong phòng làm việc. Vì thế, tổ Cận vệ cắt người thay nhau từng tháng làm việc nếm thử xem có độc trong thức ăn không. Rủi là vào ngày làm việc của mình, Shinnojo nếm thử thức ăn, đã thình lình phát bệnh mà ngã ngay ra sàn. Cơn đau kịch liệt cuồn cuộn ở cả bụng lẫn ngực anh, thân nhiệt bốc cao đến làm anh bất tỉnh phải khiêng về nhà. Người nóng hầm hập suốt mười ngày, khi hạ nhiệt thì mắt Shinnojo không còn thấy được gì nữa cả.

Thân thể Shinnojo trở nên không còn thích hợp cho công việc nữa. Đương nhiên, anh đã cầm bằng bị truất hết lương bổng rồi. Thế mà, sau này sứ giả của phiên trấn đã đến thông báo là bổng lộc được giữ nguyên, anh hãy cẩn trọng dưỡng sinh.

Thật ra, chính thông báo ấy đã do vợ anh, Kayo đổi chác trinh tháo mà có. Không bao lâu sau ngày mắt Shinnojo không còn nhìn thấy nữa, y sĩ chữa mắt Kusanagi đã bảo riêng với Kayo là không còn chữa trị gì được nữa rồi. Shinnojo thì nghĩ là Kusanagi đã đầu hàng trước bệnh mắt của anh từ mùa thu năm ngoái, chứ thực ra trước đó một năm, Kusanagi đã chẩn đoán như thế rồi. Lúc nghe Kusanagi phán như thế, Shinnojo đã kinh động đến muốn nhảy nhỏm lên khỏi sàn bệnh.

Không đành lòng nhìn chồng bị dày xéo trong bất hạnh, Kayo đã trăn trở loay hoay tìm đủ cách để giúp chồng, cuối cùng đã tìm đến cấp trên của Shinnojo là Shimamura để nhờ nói giúp cho nhà Shinnojo được sống sót. Shimamura đã nhận lời. Sau khi hứa hẹn chắc chắn sẽ tận lực giúp việc ấy, hắn đã nở nụ cười khinh khỉnh cố hữu mà đòi hỏi chuyện đền bù cho hắn bằng thân thể của Kayo. Không còn cách nào khác hơn, Kayo đành trao thân cho số phận, cầm bằng như người đã chết rồi. Bởi lời hứa chắc của người dòng dõi thế gia vọng tộc ấy thế nào cũng sẽ mang lại kết quả, chỉ cần trao cho hắn điều hắn muốn. Tất nhiên là Kayo định chỉ một lần mà thôi. Thế nhưng Shimamura thì đâu có thể thoả mãn với chỉ một lần ăn vụng được. Hắn đã cưỡng bách Kayo những lần sau đó. Quả thật, nhà Mimura đã nhận được thông báo đặc biệt may mắn từ phiên trấn. Nhưng Kayo đã rơi xuống địa ngục rồi.

-"Em hiểu là sẽ có ngày chuyện vỡ lỡ ra, lúc đó sẽ cam chịu mọi hình phạt xứng đáng. Xin anh cứ tận tình xử phạt em".

-"Thật là ngu xuẩn!". Shinnojo quát lớn khi nghe vợ kể xong. -"Quý báu gì món bổng lộc chỉ 30 hộc ấy! Có bị truất đi mà phải sống đầu đường xó chợ thì đã sao nào? Chứ nhà này đã giữ lại được nhờ môi mép của thằng đàn ông trộm cướp vợ người ấy, thì càng nghĩ đến càng muốn nôn mửa ra. Nhà này rồi cũng đến vứt đi mà thôi!"

-"Thưa anh, không phải em vì nhà Mimura đâu". Shinnojo cảm thấy như vợ anh nãy giờ cúi gục xuống chợt ngẩng mặt đẫm nước mắt lên. Kayo lết lại gần, bàn tay nắm lấy đầu gối anh. Rồi nói giọng thầm thì. -"Anh quên rồi ư? Lúc anh nhỏm dậy như bật lên khỏi sàn bệnh ấy, anh đã đòi mang kiếm đến cho anh mổ bụng tự sát đấy. Anh bảo là thân thể không còn làm việc được thì sống nữa mà làm gì..."

-"......"

-"Cả em lẫn Tokusuke đều không dám mang kiếm đến nên anh đã tự mình lết đi mà tìm cho được thanh kiếm đấy." Ðầu gối Shinnojo rung lên dưới bàn tay Kayo. Nghe như nước mắt nóng ấm đẫm ướt đầu gối anh. -"Em không muốn anh chết. Cho dù thân em có ra sao đi nữa..."

-"Lại càng ngu xuẩn hơn nữa!"

Shinnojo từ từ kéo đầu gối rời khỏi bàn tay Kayo, rồi gọi Tokusuke. Nghe tiếng đáp ngay, có vẻ lão bộc nãy giờ vẫn ở gian bếp ngay bên cạnh để lắng nghe. -"Kể từ giờ phút này, ta ly hôn với người đàn bà này. Lập tức tom góp đồ đạc, đưa ra khỏi nhà này ngay đi!"

-"Nhưng, thưa cậu..." Tokusuke vội nói. -"Trời đã khuya quá rồi mà..."

-"Thôi, Tokusuke khỏi nói nữa". Kayo nói, giọng trở lại bình thường. -"Cậu chủ đã tha chết cho rồi. Xin cảm tạ mà bái lĩnh".

Kayo thu xếp đồ đạc chỉ trong vòng nửa giờ là xong. Shinnojo im lặng nghe động tĩnh Tokusuke đưa Kayo ra khỏi nhà. Đến lúc ấy, Shinnojo mới chợt nhớ là Kayo đâu có chỗ nào để trở về, nhưng anh quyết liệt đè nát quan tâm ấy. Anh chỉ muốn nghĩ đó là người đàn bà đã lừa dối, phản bội anh mà thôi. Nhưng lạ thay, tình cảm căm ghét Kayo không nổi lên được trong lòng anh, chỉ tràn ngập nỗi niềm cô độc hiu quạnh.

Không bao lâu, Tokusuke quay trở vào.

-"Đi rồi à?"

-"Thưa vâng. Cô dặn là ráng chăm nom săn sóc cậu, rồi cứ khóc mãi thôi...". Giọng nói của Tokusuke cũng đẫm nước mắt lẫn tiếng sụt sịt khịt mũi rõ to. -"Rồi cô đi thất thểu thật tội nghiệp quá. Mà...". Tokusuke chợt đổi sang giọng lo âu. -"cô đi đâu được bây giờ? Có ai là thân thích gì đâu! Chao ôi...".

Có vẻ Tokusuke đứng ngồi không yên, giọng nói chợt sắc nhọn hẳn lên. -"Đêm đã khuya thế này, còn đi đâu được nữa chứ. Mà cậu cũng nhẫn tâm quá. Phải chi cậu nhẫn nhịn cho một đêm nay nữa thôi... Hay là để tôi chạy theo gọi cô ấy lại..."

-"Thôi, đừng nói nữa. Yên đi nào!". Shinnojo mắng.

Anh như trông thấy hình dáng Kayo thiểu não ôm gói áo quần trước ngực, lảo đảo lầm lũi bước xa dần trên đường đêm tối ám. Nhưng chỉ là dáng sau lưng, có đuổi theo cũng vô ích!

-"Hãy quên chuyện Kayo đi. Mà này Tokusuke, có chuyện cần nhờ đây. Đã tối rồi mà còn làm phiền ông đấy, nhưng mà hãy đến ngay nhà Yamazaki Hyota, nhắn anh ấy sáng mai trước khi vào thành, ghé lại đây hộ tôi đi".

5

Yamazaki Hyota dò hỏi theo lời nhờ của Shinnojo, đã đến cho anh biết kết quả vài ngày sau đó. Lúc ấy, Shinnojo đang đứng ngoài vườn, vung tập thanh kiếm gỗ.

-"Chao ôi, quang cảnh này sao mà gợi lên lòng thương hại của người ta đến thế!". Yamazaki vừa bước vào vườn đã quay nhìn Shinnojo mà châm chọc thẳng thừng.

Giọng anh thật to. -"Múa kiếm gỗ thế thì đã nhớ lại được ngày xưa chút nào chưa? Nhưng mà, tay kiếm nổi tiếng ngày xưa bây giờ đã thành ra mù loà thế thì còn gì nữa đâu. Đáng tiếc. Chẳng bù với tớ, thân thể lành lặn thế này, mà kiếm thuật thì lại chẳng tiến thêm được chút nào cả. Ông Trời thật là hà tiện quá, chẳng cho ai được hoàn toàn cả".

Shinnojo cười đau khổ. -"Thế chuyện đã nhờ thì xong chưa nào?"

-"À, điều tra ra rồi đây". Yamazaki lững thững tiến lại gần, nhưng chợt dừng chân, nín thở rồi thốt lên. -"Ồ". Có vẻ anh vừa nhìn thấy vô số xác côn trùng la liệt dưới chân Shinnojo.

Không khí xao động mạnh trước mặt Shinnojo, hơi hướm Yamazaki rời ra xa. Có vẻ Yamazaki bất chợt nhảy lùi lại rồi.

-"Này, không đùa đấy chứ?". Yamazaki nói. -"Chả lẽ mấy xác côn trùng ấy là do cậu chém rơi đấy sao?"

-"Ừ, thì thế..."

-"Thế thì đưa kiếm gỗ ấy cho tớ. Chứ bọn kiếm sĩ này, không đề phòng cẩn thận thì nguy hiểm quá".

Shinnojo phì cười, nhưng cũng nghe lời, trao thanh kiếm gỗ cho Yamazaki và nói:

-"Khỏi lo, cậu thì khác với ruồi muỗi chứ!".

-"Ai mà biết được. Chẳng phải cứ vật gì cử động là cậu chém cho một nhát ngay đấy sao?".

Chỉ là lời nói đùa của Yamazaki, nhưng lại đúng với kiếm pháp mà Shinnojo mới hội đắc được mấy ngày gần đây.

Trong vườn mùa hè có vô số côn trùng bay lượn. Lớn có nhỏ có. Có loại bay nhanh vút qua, cũng có loại bay vòng, vỗ cánh thành tiếng nặng nề. Ruồi trâu và ong thì thường uy hiếp Shinnojo mù loà nhất. Nhưng một hôm, tình cờ nhát kiếm vô thức của Shinnojo phát ra tiếng nhỏ lúc đánh rớt một côn trùng nhỏ bay đến. Shinnojo chợt cảm thấy tay kiếm tưởng đã thành vô dụng của mình bỗng nhiên có được một sinh lộ mới. Chuyện đã hơn một tháng trước rồi.

Từ đó, buổi tập kiếm của Shinnojo đổi dạng. Sau khi vung kiếm gỗ một hồi cho thân thể dẻo dai ra, Shinnojo đứng yên, tấn kiếm theo thế Thanh nhãn. Ánh nắng mùa hè nóng hực. Trên mặt anh dần dần mồ hôi rịn ra thành hạt chảy tràn qua cổ xuống lưng xuống ngực, nhưng Shinnojo vẫn đứng yên, chờ côn trùng bay đến. Anh nhìn đăm đắm vào khoảng tăm tối bao la. Chợt có vật gì bay tới. Nhắm vào chút động tĩnh ấy, Shinnojo vung kiếm nhanh như chớp. Lúc đầu, kiếm anh chém vào khoảng trống không, lũ côn trùng hẳn đã diễu cợt mà đậu xuống mặt xuống tóc anh. Nhưng dần dần, thanh kiếm gỗ của Shinnojo đã chém trúng vào côn trùng thật chính xác. Bây giờ thì anh có thể chém mười phát trúng đến chín.

Khoảng đầu, cảm giác của anh còn nghễnh ngãng, ngay cả đối với vật gì có ngay trước mặt anh nữa, nhưng dần dần được mài giũa bén nhọn thêm, cuối cùng anh đã có thể chém trúng vào vật di động trước mũi kiếm, rồi còn có thể cảm nhận được hơi hướm, động tĩnh của vật gì đang từ xa bay đến, để tiến bước mà chém trúng nữa. Những kỹ thuật đã tập luyện ở võ đường Kibe bao lâu nay ngủ im nay lại khai nhãn được cho anh trong thế giới tối tăm này.

-"Thế nghĩa là...". Yamazaki nói, sau khi dắt Shinnojo vào dưới mái hiên rồi cùng ngồi xuống. -"cậu đã hội đắc được kiếm pháp gọi là <Chém ngược vào tiếng vọng> rồi đấy sao?"

-"Không đâu. Còn khó khăn lắm mới đạt đến mức ấy". Shinnojo đáp.

"Chém ngược vào tiếng vọng" là kiếm pháp bí truyền đắc ý cùng cực của võ đường Kibe. Tổ phụ của chủ võ đường Kibe là Une Masanosuke đã được truyền thụ kiếm pháp Mumyogiri (Vô minh kiếm) của phái Togun, rồi khổ công nghĩ ra thêm chiêu thức mà bồi đắp thành kiếm pháp cùng cực ấy. Nhưng chủ võ đường Kibe Sonhachiro chưa hề truyền lại cho môn sinh nào cả. Chỉ nghe truyền tụng rằng ngày trước, trong cuộc đấu tế lễ vào mùa đông một năm nọ, Kibe Une Masanosuke đã bất giác phải dùng mà lộ ra kiếm pháp ấy, nhưng đến nay thì hầu hết những người đã may mắn thấy được kiếm pháp ấy đã qua đời cả rồi, nên thực hư ra sao, chẳng ai trong đám môn sinh biết được cả.

Nghe người ta đồn rằng, lúc ấy Masanosuke chọn bốn môn sinh, trao kiếm gỗ cho, còn mình thì chỉ nắm một thanh kiếm tre, quát bảo bốn môn sinh nhất tề tấn công ông. Nhưng bốn môn sinh hò hét xông tới chém ấy, chỉ trong thoáng chốc, đã ngã lăn quay quanh Masanosuke.

Nghe đâu lúc sử dụng kiếm pháp thần tốc ấy, Masanosuke đã nhắm mắt một nửa, mặt đổi sang màu xanh xám như mặt xác chết. Đến sau khi đã chém ngã cả bốn môn sinh, mặt ông vẫn còn xanh xám như thế và ông còn đứng yên một hồi rõ lâu.

-"Làm sao mà bì được với kiếm pháp ấy!". Shinnojo nghĩ thầm. Thế kiếm chém côn trùng của mình chỉ là phần kỹ thuật mà thôi, còn kiếm pháp bí truyền <Chém ngược vào tiếng vọng> ấy còn vượt lên trên kỹ thuật nữa. Tuy vậy, anh hiểu được tâm tình của Yamazaki khi thốt lên tên gọi của kiếm pháp bí truyền ấy. Shinnojo đã từng được gọi là nhân tài kiệt xuất của võ đường Kibe, đến khi trình độ kiếm thuật của anh đạt đến mức ngang ngửa với thầy dạy là Kamisaka Shonosuke thì đã có lời đồn là thầy chủ võ đường định sẽ truyền thụ kiếm pháp bí truyền ấy cho anh chứ không ai khác. Yamazaki thì, đúng như anh ta đã nói, không tiến bộ mấy về kiếm thuật, nhưng cũng là môn sinh có nhiệt tình tập luyện không thua kém người nào trong võ đường Kibe. Nay lại thấy Shinnojo cầm kiếm, mắt nhắm một nửa, mặt xanh xám mà đứng yên như thế, hẳn đã nhìn thấy chồng lên hình ảnh ông Kibe Une Masanosuke như lời người ta đồn đại ngày xưa. Tuy chỉ có thế mà bất chợt liên tưởng đến kiếm pháp bí truyền ấy thì có lẽ vì Yamazaki chưa tinh thông về kiếm lắm.

-"Thế điều tra ra được gì rồi?". Shinnojo hỏi.

Yamazaki không chỉ là đồng môn của anh ở võ đường Kibe, mà còn là đồng sự ở tổ Cận vệ, và là bạn tâm đắc nhất trong tổ. Anh đã nhờ Yamazaki bí mật dò hỏi về những chuyện đã xảy ra khoảng trước sau lúc anh ngộ độc trong thành, và tiến trình đưa đến việc cho anh giữ nguyên bổng lộc cũ thay vì chỉ cấp cho mức lương bố thí. Anh đã không nói lý do, nhưng Yamazaki sốt sắng nhận lời hỏi giúp ngay. Giờ đây, Yamazaki cũng thản nhiên nói: -"À, đã đi vòng vòng dò hỏi rồi, nhưng chẳng có gì đáng nghi cả. Không có chút gì đáng cho cậu phải e dè..."

-"......"

-"Nghĩa là, cậu cứ việc đường đường ăn ngủ bình thường là được rồi".

Sau khi người nếm thử kiểm độc trong thức ăn của Lãnh Chúa, là Shinnojo ngã xuống đau đớn, thì chung quanh Lãnh Chúa đã náo động cả lên vì lo sợ thuốc độc. Thế nhưng, cuộc điều tra thận trọng sau đó đã vạch ra nguyên nhân là chất độc từ sò Kasagai dùng để nấu món canh trong bữa cơm trưa ấy. Đầu bếp đã vô ý dùng phải sò cũ, nên sau đó bị xử đuổi ra khỏi phiên trấn, và cả các quan chức liên hệ cũng bị xử phạt, thế là sự kiện đã được giải quyết xong xuôi.

Tất nhiên khi biết là Mimura Shinnojo phát nhiệt cao rồi bị mù mắt, các quan lớn cũng đã bình nghị chuyện đối xử với nhà Mimura. Có một ngài bàn là hãy lấy nhà lại, cấp cho lương bố thí chừng 20 hộc một năm cho đủ sống sót là được rồi. Nhưng đa số đã nghiêng về phía muốn che chở anh. Có ngài chủ trương rằng Shinnojo đã mất cả thị giác lẫn chức vụ thì nên thưởng thêm cho anh nữa. Phần lớn thì tán đồng ý kiến chỉ giảm một ít bổng lộc thôi và cho anh tiếp tục giữ nếp nhà Mimura. Quyết định cuối cùng của chuyện bình nghị ấy là từ chính Lãnh Chúa Ukyo Dayu: cho Shinnojo giữ nguyên bổng lộc và khuyến khích cố gắng trị bệnh.

-"Quyết định ấy của Lãnh Chúa...". Shinnojo nói, thận trọng. -"có tham khảo ý kiến vị nào dâng lên không, để có được kết quả khoan dung đến như thế?"

-"Không, không. Chẳng có chuyện đó đâu". Shinnojo nghe hơi gió, biết là Yamazaki xua tay mạnh mẽ mà nói. -"Cuộc bình nghị ấy không nhất trí được nên quan Gia lão đến phiên trực tháng ấy là ngài Nose mới trình lên thỉnh ý Lãnh Chúa. Lãnh Chúa suy nghĩ một lúc rồi phán rằng nếu không nhờ Shinnojo nếm độc đến mắc bệnh, thì hẳn là chính Lãnh Chúa mà cả người trong nội cung nữa, cũng đã bị ngộ độc thê thảm rồi. Nghe nói Lãnh Chúa đã truyền quyết định như thế ngay lập tức kia mà. Tớ đã nghe chính miệng ngài Nose cho biết thế đấy, không nghi ngờ vào đâu được..."

-"......"

-"Thực tế, khi cậu nếm xong ngã ra đấy, thì thức ăn đã được mang vào nội cung cả rồi, đúng là chỉ còn khoảng cách một sợi tóc là cả nội cung bị nguy hiểm, thế nên Lãnh Chúa đã cảm kích lắm đấy".

-"Thế thì, chuyện cấp trên của mình là ngài Shimamura đã dâng lời xin với trên cho mình được giữ lại bổng lộc cũ, chắc là không có?"

-"Nói gì thế?". Yamazaki lên giọng, bộc lộ rõ rệt ác cảm thường ngày anh vẫn ôm trong lòng đối với cấp trên ấy. -"Ông ấy mà nói gì để giúp cho người nào được à? Ở sở làm, khi nghe đồn mắt cậu đã mù đi thì ông ta cười khinh khỉnh như thường lệ mà bảo thế là Mimura giờ cũng thành kẻ vô dụng rồi. Chính tai tớ đã nghe như thế đấy".

Yamazaki nhỏm dậy, bước xuống vườn, vươn vai ngáp. Rồi trở lại giọng ôn tồn: -"Chuyện là như thế. Cho nên cậu không cần phải e dè gì cả. Cứ thung dung mà chữa bệnh là được rồi. Tớ cũng phải ganh tỵ với cậu đấy. Hay là tớ cũng nếm thử thứ sò độc ấy cho được như cậu".

-"Đừng có nói điên thế".

-"Mà này, chị ấy về quê chưa trở lại à?". Yamazaki hỏi. Yamazaki chưa được anh thổ lộ chuyện chia tay với Kayo. Cũng chẳng phải là chuyện gì nên loan truyền ra ngoài. -"Nhà không có đàn bà thì có vẻ bẩn bẩn thế nào ấy! Sao mà u ám quá!". Có vẻ Yamazaki đã dòm vào bên trong nhà nên nói như thế. Rồi phàn nàn: -"Khách đến viếng thế này mà một chén trà cũng chẳng có!".

Yamazaki về rồi mà Shinnojo vẫn ngồi yên ở hiên nhà. Khí nóng đã hạ bớt phần nào, có lẽ trời đã xế chiều.

-"Thằng đê tiện!". Shinnojo nghĩ về Shimamura. Kết quả dò hỏi của Yamazaki có vẻ khả tín. Kayo vẫn tin rằng nghiệp nhà Mimura sở dĩ được bảo tồn như thế là do công của Shimamura nói giúp vào, nhưng sự thực thì tiến trình quyết định ấy đã chẳng có chỗ trống cho Shimamura chen miệng vào lúc nào cả. Mà có thể hắn cũng chẳng hề muốn xen vào làm gì. Như thế, chỉ là chuyện hắn thấy tự nhiên mà ngay trước mắt lại có được cơ hội để tha hồ lợi dụng một người đàn bà son trẻ, nên đã quáng mắt mà làm điều đê tiện đó thôi. Kayo đã bị hắn lừa rồi.

Trước mắt Shinnojo dần dần hiện lên hình ảnh một người đàn bà nhẹ dạ và một thằng đàn ông đê hèn. -"Không thể để mặc như thế này được!" Shinnojo cảm thấy chút phân vân cuối cùng đã tiêu tan, lòng anh đã quyết! Anh đứng lên, gọi lão bộc. -"Mấy giờ rồi, Tokusuke?"

-"Thưa cậu, đã gần 6 giờ chiều rồi đấy. Ðể tôi làm cơm..."

-"Cơm thì để đó đã". Shinnojo nói. Giờ này thì hẳn là Shimamura đã rời thành về đến nhà rồi. -"Đến ngay nhà Shimamura hộ tôi đi". Anh hiểu là lão bộc giật mình, run rẩy. -"Nói với ông ấy thế này: chiều ngày mốt lúc 6 giờ, tôi sẽ chờ ông ấy ở bờ sông bên cạnh bãi thả ngựa ấy. Chỉ cần nói thế là được rồi".

-"Thưa cậu..."

-"Đừng cho người nhà nghe, cứ nhờ Shimamura đưa vòng qua phía hiên sau mà nói như thế trực tiếp với ông ấy thôi. Chẳng có gì phải lo ngại cả". Shinnojo vươn tay vỗ lên vai Tokusuke đang run lẩy bẩy. -"À, nói thêm thế này nữa: cậu chủ tôi bảo là đừng thấy kẻ mù mà khinh thường".

6

Shimamura đến đúng giờ hẹn.

Shinnojo đang ngồi khom người chợt đứng lên, xoay mặt về hướng có tiếng chân bước đến. Lúc ấy, tiếng người nói từ xa trên bãi thả ngựa đã im bặt, cả Tokusuke dắt anh đến đây cũng đã ẩn nấp nơi xa như lời anh dặn rồi nên bốn bề im phăng phắc. Chỉ có tiếng chân bước lại gần trong khoảng im lặng đó. Shinnojo nghiêng mặt nghe ngóng. Tiếng chân chợt ngừng lại. Có vẻ Shimamura chuẩn bị các thứ trên người. Từ đó, hắn đột ngột chuyển sang những động tác thầm lén mà từ từ tiến tới, có vẻ dép cũng đã tháo vất đi rồi.

-"Nghe nói đã bỏ vợ rồi đấy nhỉ?". Shimamura nói. Giọng có vẻ mai mỉa. -"Nếu thế thì đã xong cả rồi, thế mà vẫn chưa bằng lòng sao chứ?..."

-"......"

-"Chém nhau với kẻ mù thì ta không nỡ. Nhưng nếu cậu thế nào cũng phải quyết đấu mới bằng lòng thì cũng được thôi. Khỏi phải khách khí. Hiểu chưa?"

-"Ta đã bảo là đừng thấy kẻ mù mà khinh thường!". Shinnojo gằn giọng.

Shimamura cười lớn ra vẻ khinh bỉ.

Đột nhiên, Shinnojo cảm thấy sát khí bao trùm mình. Shimamura đã tuốt kiếm ra rồi.

Shinnojo cũng tuốt kiếm đứng tấn. Phía trước mũi kiếm của anh, trong tăm tối, có chút di động nhẹ. Nhưng khoảng cách giữa hai người vẫn còn xa. Một lúc sau, có dấu hiệu địch thủ dời qua bên phải. Các ngón chân của Shinnojo quay sang phải. Có vẻ Shimamura ngừng lại, đứng yên một hồi như để dò chừng tình hình, rồi lại dời sang bên phải một chút nữa. Shinnojo xoay người theo. Chắc chắn lúc này Shimamura đang đâu lưng về phía hàng rào của bãi thả ngựa.

Thình lình, dấu hiệu động tĩnh của Shimamura ngưng bặt. Shinnojo cảm thấy luồng khí lạnh khủng hoảng chạy suốt sống lưng anh. Trước mắt anh là cả khoảng tăm tối bao la vô tận, vắng bặt mọi động tĩnh dù nhỏ đến đâu. Ngay cả tiếng thở nhẹ cũng không có. Nhưng chẳng phải là Shimamura đã bỏ chạy đi đâu. Hắn hẳn là đang còn ở gần đây. Bởi sát khí nồng đượm đến nghẹt thở vẫn còn bao phủ thân người Shinnojo. Toàn thân anh toát mồ hôi.

Mình thua rồi sao? Shinnojo nghĩ thầm. Nếu là thứ gì động đậy thì dù là côn trùng nhỏ tí, anh cũng có thể chém rơi được, nhưng nếu không có chút dấu hiệu cử động nào cả thì anh đành chịu thôi. Shimamura là một tên đàn ông đáng phỉ nhổ, nhưng hắn lại là một kiếm sĩ tài ba của phái Itto. Có thể hắn đã có nghiên cứu chiêu thức gì đặc biệt để đối phó với kiếm pháp của người mù rồi.

Thế nhưng, nỗi hoang mang trong lòng anh đã lắng đọng ngay được. Thắng hay thua không phải là tất cả. Anh chỉ cần bảo vệ được danh dự của người võ sĩ. Kẻ địch chắc chắn sẽ ra tay ngay đây. Lúc ấy chính là giây phút quyết định thắng bại đối với anh, dù sẽ sống hay chết.

-"Ra tay đi Shimamura. Ta sẵn sàng rồi đây". Anh nghĩ.

Ở võ đường Kibe, lúc được trao ấn chứng, môn sinh được dạy cho hiểu điều này: "Giữ lòng ở điểm hai bên cùng chết. Thắng được là nhờ đó" và "Hết sức làm cho đến chết thì tìm thấy đường sống". Ngay lúc này đúng là trạng huống cùng cực để anh áp dụng lời dạy đó.

Shinnojo buông thả mình chìm xuống trong khoảng không tăm tối, để lòng xa lánh chuyện thắng bại, cách ly với chuyện sống chết. Nghĩ rằng mình đã một lần định chết rồi, thì lòng anh nhẹ nhàng rời xa cái chết. Shinnojo đứng yên, hoà mình làm một vào cõi hư không tăm tối.

Vật nặng ấy rơi xuống từ hư không. Như trên trời rơi xuống vậy. Shinnojo lùi lại một bước, chém thẳng vào hư không, như trong vô thức. Anh cảm thấy cánh tay trái nhói đau như bị xước, cùng lúc, anh nghe tiếng thét đau đớn của Shimamura. Tiếp theo đó là tiếng vật nặng bị ném xuống đất.

-"Cậu chủ ơi!". Tokusuke chạy lại, gọi anh với giọng run run.

-"Coi chừng! Có thể hắn còn sống đó!".

Shinnojo quát lớn, khiến Tokusuke sợ hãi đứng khựng lại, nhưng rồi nói ngay: -"Thưa, khỏi lo rồi. Ngài Shimamura không còn thở nữa".

-"Vậy à?"

-"Ôi, nguy hiểm quá chứ! Ngài Shimamura đã leo lên hàng rào, đứng như chim đậu trên ấy. Cứ sợ không biết cậu chủ có nhận ra được thế không, đến nỗi gan mật tôi cứ co rút cả lại".

Hoá ra đấu pháp đặc biệt của Shimamura là thế đấy. Hắn đứng yên trên hàng rào cao và xa để anh không cảm nhận được động tĩnh gì, rồi từ trên không lao xuống mà chém một nhát chí tử.

Còn thế kiếm của anh, có phải gần với kiếm pháp "chém ngược vào tiếng vọng" đó không?. Shinnojo đã chém banh thân người của Shimamura ra chỉ bằng một nhát chém ngược hầu như trong vô thức. Lưỡi kiếm không có thời gian để dò tìm động tĩnh của kẻ địch, nên đã hầu như tự động phản ứng theo động tác của đối thủ. Ðường kiếm đó quả là đã phát sinh từ tấm lòng trống như hư không của Shinnojo.

Nhưng anh không định nhờ thầy Kibe Sonhachiro xác nhận điều đó. Bởi anh nghĩ sẽ không còn so kiếm với ai nữa cả.

Chỉ một nhát kiếm của Shinnojo đã cắt đứt động mạch ở cổ Shimamura. Khỏi cần đến nhát kiếm ân huệ nào nữa. Shinnojo giở đùi đứng dậy, bảo Tokusuke: -"Thôi, ta đi".

*

-"Ta đã ớn mấy món Tokusuke nấu rồi. Kiếm thứ gì thay đổi đi chứ". Shinnojo nói.

-"Thì lúc nãy tôi đã thưa với cậu rồi đấy. Xin thuê một cô người làm để lo chuyện nấu nướng".

-"Được rồi, kiếm người ngay đi. Phải là người quen việc bếp núc mới được đấy. Bà già cũng được, cho ông có người nói chuyện."

Cái chết của Shimamura đã được người nhà hắn thưa lên quan như một cái chết khả nghi, và quan Kiểm sát đã cho điều tra ngay, nhưng sau đó được cho qua nhanh chóng. Thây Shimamura còn quấn khăn đầu, mặc quần võ sinh, nên rõ ràng là đã đấu kiếm sinh tử với người nào đấy rồi, nhưng đối thủ là ai thì quan Kiểm sát đã đành mà người trong thành cũng chẳng ai nghĩ đó có thể là người mù Shinnojo. Anh đã lo là lão bộc Tokusuke có thể bị tra vấn vì đã đến nhà Shimamura đưa lời thách đấu hộ anh, nhưng điều đó cũng không xảy ra. Người nhà Shimamura hôm ấy chẳng ai buồn để ý đến một lão già lưng còng như Tokusuke.

Chẳng bao lâu, không còn ai nói gì đến cái chết thô bạo của Shimamura nữa.

Ngày tháng trôi qua, mùa xuân lại đến. Trong khoảng thời gian đó, nhà Shinnojo trải qua những ngày sống bình thường tẻ nhạt, không có gì đáng nói, trừ đôi khi, người chị họ Ine đến chơi với ý định mai mối cho Shinnojo tái hôn. Ine nhiều lần nhiệt tâm thúc giục Shinnojo tái hôn đến sôi bọt mép, nhưng lần nào Shinnojo cũng từ tạ, nên đành hậm hực ra về.

Ba ngày sau khi Shinnojo bảo tìm người làm, Tokusuke dắt một người tớ gái về. Bảo tên là Chiyo, 25 tuổi, quả phụ nhà nông đấy. Chỉ một mình Tokusuke nói suốt, người đàn bà kia thì hầu như chẳng hề lên tiếng. Hai người ra khỏi phòng xong, không lâu sau, đã nghe tiếng dao thớt rộn ràng trong nhà bếp. Chỉ thế thôi, nhưng cũng đủ làm cho căn nhà trước nay chỉ còn hai người đàn ông ấy có lại vẻ tươi vui sáng sủa hẳn lên.

-"Hừm, có vẻ là người siêng năng làm việc đấy". Shinnojo khen thầm. Không vướng mùi son phấn, mà ít nói nữa thì thật là hợp ý anh.

Thế nhưng, lúc sắp xong bữa cơm tối, Shinnojo bất giác ngưng đũa, ngẩng mặt lên. Rồi cảm nhận được cử động giật mình của Chiyo đang hầu cơm, anh lại im lặng ăn nốt cho xong.

-"Hừm, Tokusuke bày trò đây!". Đêm ấy nằm ngủ, Shinnojo cười khổ sở. Anh đã hiểu ra người đàn bà xưng tên Chiyo, bây giờ đang nằm ngủ trong phòng nhỏ bên cạnh nhà bếp ấy chính là Kayo, người vợ mà anh đã ly hôn. Bởi vị canh tương ấy, lối nêm thức ăn, mức cơm chín ấy, tất cả đều đã quen thuộc với lưỡi anh rồi.

Nhưng Shinnojo không nói gì với Kayo lẫn Tokusuke về việc mình đã để ý mà biết như thế. Mà Kayo như cũng sợ anh để ý nên hiếm khi đến gần Shinnojo, hầu như chỉ ru rú trong bếp.

Vài ngày sau, Shinnojo tập kiếm ngoài vườn xong, trở vào nhà, hướng về phía bếp, bảo mang trà đến cho anh. Nghe tiếng Kayo đáp, rồi không bao lâu, cửa phòng mở ra và Kayo mang trà vào. Đặt chén trà gần đầu gối anh xong, Kayo cầm bàn tay anh đặt chạm chén trà. Có vẻ đã làm như thế trong vô thức, theo thói quen. Nên Kayo giật mình, co người lại.

Shinnojo giả bộ không để ý. Từ nhà bếp thoảng mùi thơm thức ăn. Mùi rau warabi mà anh thích. Lúc nãy trong nhà bếp vang tiếng dao thớt đều đều, hẳn là Kayo đã thái rau này rồi.

-"Tối nay có món gỏi rau warabi đấy à?". Shinnojo nói. -"Món rau warabi năm ngoái cũng ngon quá chứ. Thức ăn thì đúng là phải nhờ đến tay em thôi. Chứ mấy món nhà làm của Tokusuke thì làm sao mà so bì được".

Anh biết Kayo cứng người lại như đá rồi.

-"Sao thế? Vắng nhà một thời gian thì mất cả lưỡi rồi sao chứ?".

Bất giác, Kayo xoay mình chạy trốn. Nghe tiếng cánh cửa nhà bếp đóng lại, rồi không bao lâu có tiếng khóc sụt sùi.

Làn gió từ hiên nhà thoảng đến mùi hương của lá non. Có vẻ lão bộc Tokusuke đang chẻ củi bên hông nhà, vọng đến tiếng chẻ củi thỉnh thoảng xen lẫn tiếng hách xì. Tiếng khóc của Kayo đổi sang thổn thức áo não. Bao bọc trong đủ thứ tiếng động của đời sống, Shinnojo ngồi ung dung nhắp trà.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney, 02/08-06/08
t4phamvu@hotmail.com
Chú thích:

[1] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc hàng năm của võ sĩ thì khoảng 150 kí gạo.

[2] Thanh nhãn : Seigan, thế tấn giương thẳng kiếm, chĩa mũi kiếm vào mắt đối thủ.

[3] Gia lão : Karo, cấp quan cao nhất, giúp Lãnh Chúa cai trị phiên trấn.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Momokuken - Kodamagaeshi" (Kiếm pháp của người mù - Chém ngược vào tiếng vọng) của Fujisawa Shuhei, đăng lần đầu trên tạp chí văn học O-ru Yomimono tháng 7 năm 1980, đã được quay thành phim "Bushi no Ichibun" (Danh dự của người võ sĩ - Love and Honor) năm 2006, với đạo diễn Yamada Yoji (nổi tiếng với loạt phim "Otoko wa tsurai yo - Đàn ông khổ lắm" 48 cuốn từ năm 1969 cho đến 1996), và nam tài tử ăn khách nhất Nhật Bản hiện nay là Kimura Takuya thủ vai chính.



Trở Về  ]