Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]                  [ Tác giả ]

 
Phong Cảnh Hoàng Kim

DAZAI OSAMU

Ogon Fukei

Phạm Vũ Thịnh dịch

Lời người dịch :

Truyện ngắn nầy đã đăng trên "Kokumin Shinbun" tháng 3 năm 1939, được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật "Ogon Fukei" trong bản công khai trên mạng Aozora Bunko (Kho Sách Ngoài Trời) tháng 3 năm 2004.

Thuở nhỏ, tôi không phải là đứa trẻ ngoan ngoãn gì mấy. Cứ hay hành-xách các chị người làm. Tôi ghét sự chậm chạp, cho nên các chị người làm chậm chạp thì thường bị tôi hành hạ nhiều nhất. Okei là một chị người làm chậm chạp ấy. Cho dù chỉ gọt vỏ quả táo, cũng vừa gọt vừa suy nghĩ gì đâu đâu, cứ ngưng tay mãi, những lúc như thế, nếu không bị la mắng thì một tay cầm quả táo, một tay cầm con dao, cứ thế mà ngồi thừ ra đấy suốt buổi. Khiến người ta nghĩ là thiếu đầu óc. Tôi thường thấy dáng chị ấy đứng đờ đẫn trong nhà bếp, chẳng làm gì cả, đến tâm tình trẻ con cũng thấy chẳng được mắt tí nào, khiến tôi bực bội mà quát lên "Ê, Okei! Ngày ngắn lắm đấy nhé!" những lời có vẻ người lớn như thế, bây giờ nghĩ lại thấy những lời ấy nghe tàn nhẫn đến lạnh cả sống lưng. Cũng đã vừa lòng đâu, có lần tôi còn gọi Okei đến bắt phải cắt từ sách hình ra cho tôi hàng trăm hình người trong cảnh xem diễn-binh, lúc nhúc đủ thứ binh lính, có cả những người cưỡi ngựa, người vác cờ, người bồng súng, ..., phải lấy kéo cắt vòng theo hình từng người như thế, mà Okei vụng về cặm cụi cắt từ sáng đến chiều tối, bỏ cả cơm trưa, cũng chỉ được đâu chừng 30 hiønh người, mà hình đại tướng lại cắt đứt mất một bên ria mép, binh sĩ cầm súng thì tay to khiếp, cứ như là tay gấu, ... nên bị tôi la mắng chầm chập từng chút một. Đúng vào mùa hè, Okei lại là người đổ mồ hôi nhiều nên bọn lính cắt ra đều ướt sủng mồ hôi tay của Okei, khiến tôi nổi nóng, đá cho Okei một phát. Ðúng ra là tôi đá nhắm vào vai đấy, nhưng Okei ôm má bên phải khóc nức nở, nước mắt ròng ròng, khóc gập người xuống, khóc mãi không dứt. "Đến cha mẹ tôi ... cũng chưa hề ... đạp vào mặt ... như thế. Tôi sẽ nhớ ... suốt đời tôi ...". Okei rên rỉ đứt quãng như thế, làm đến tôi cũng cảm thấy khó ở. Vậy mà tôi còn ngược đãi Okei nhiều lần khác nữa, làm như đó là sứ mệnh trời giao cho tôi vậy. Mà cả bây giờ, tôi cũng vẫn không chịu nổi những kẻ đần độn ngu xuẩn.

Hai năm trước đây, tôi bị đuổi ra khỏi nhà, chỉ một đêm mà thành ra túng quẫn, lang thang đầu đường xó chợ, khóc kể cầu khẩn nơi nầy nơi nọ, kiếm sống qua ngày, rồi ngay lúc vừa thấy có thể viết văn mà bắt đầu sống sót được thiø lại ngã bệnh. Nhờ lòng thương xót của người nầy người khác mà đến mùa hè thì thuê được một căn nhà nhỏ gần bãi biển bùn lầy ở Funabashi thuộc huyện Chiba, tự mình nấu nướng bồi dưỡng được, đêm đêm phải đánh vật với giấc ngủ đầy mồ hôi đến vắt ra ròng ròng từ áo ngủ, dù vậy vẫn phải làm việc để sống, mỗi buổi sáng chỉ có một cốc sữa tươi, mà kỳ lạ thay, cũng cảm nhận được niềm vui mình đang sống, tuy đầu óc tôi đã đau đớn mệt mỏi quá đến nỗi nhiøn đám trúc đào nở ở góc vườn chỉ thấy những ngọn lửa phừng phực cháy đỏ.

Khoảng đó, có người cảnh sát gầy thấp gần 40 tuổi, đến kiểm hộ khẩu. Ở ngưỡng cửa nhà tôi, anh ta nhìn tên tôi trong cuốn sổ, rồi nhìn gương mặt râu ria lởm chởm lâu ngày không cạo của tôi, đối chiếu so sánh một hồi rồi nói:

_"Ủa, ông là ... cậu nhà đây mà, phải không?".

Giọng người cảnh sát nghe nặng phương-âm quê nhà, nên tôi xấc xược đáp:

_"Đúng đấy. Thế anh là ai?"

Khuôn mặt gầy gò của người cảnh sát ấy nở nụ cười tràn đầy.

_"Ôi, quả đúng là cậu rồi. Thế mà đã 20 năm qua rồi, có khi cậu quên đi mất, chứ tôi là người đánh xe ngựa ở K đây mà".

K là ngôi làng nơi tôi đã sinh ra.

_"Anh thấy đấy". Tôi nói, không buồn mỉm cười. _"Tôi bây giờ đã sa sút thế nầy ..."

_"Cậu đừng nói thế". Người cảnh sát vẫn cười vui mừng. _"Viết tiểu thuyết là thành công lắm đấy chứ".

Tôi cười khổ sở.

_"Mà cậu nầy". Người cảnh sát hạ giọng. _"Okei vẫn thường nhắc đến cậu mãi đấy".

_"Okei nào?". Tôi không nhớ ngay được là ai.

_"Thì Okei đấy, cậu quên rồi à? Người làm cho cậu ngày xưa đấy mà!".

Tôi nhớ ra rồi. "Ôi", tôi chợt than thầm, và ngồi xổm trên bậc thềm, đầu gục xuống, nhớ lại rõ ràng từng hành vi độc ác mà mình đã đối xử với chị người làm chậm chạp ấy, đến nỗi không sao ngồi yên chịu đựng nổi nữa.

_"Chị ấy hạnh phúc chứ?". Bất chợt ngẩng đầu lên, thốt ra câu hỏi đột ngột như thế, tôi nhớ là khuôn mặt tôi lúc ấy hẳn đã có nụ cười sượng sùng của kẻ tội phạm, bị cáo.

_"Vâng, cũng nhờ phúc đức ông bà". Người cảnh sát tươi tắn đáp lời thuần hậu như thế, rồi lấy khăn tay lau mồ hôi trán. _"Thưa, nếu cậu cho phép thiø lần sau sẽ đưa nó đến đây, xin được thong thả mà tạ ơn cậu một lần".

Tôi sửng sốt đến nhảy đựng lên. Không, không nên, đừng làm thế. Tôi dãy nãy từ chối, trong lòng quằn quại một nỗi nhục nhã không tả được.

Thế nhưng người cảnh sát vẫn tươi cười.

_"Cậu nầy, con chúng tôi đã bắt đầu làm việc ở ga nầy đấy. Nó là trưởng nam. Rồi tiếp theo là trai, gái, gái, cháu út năm nay 8 tuổi, lên bậc tiểu học. Chúng tôi an tâm được rồi. Okei cũng đã chịu cực chịu khổ. Nói thế nào nhỉ? Những người được vào làm trong nhà quyền thế như nhà cậu, để tập tành lễ nghĩa, thì thế nào cũng có chỗ hơn người". Mặt anh ta ửng đỏ một chút, và cười lớn. _"Nhờ hồng phúc nhà cậu đấy. Okei cứ trầm trồ chuyện cậu mãi. Lần nghỉ lễ tới, thế nào cũng xin cùng đến cảm ơn cậu". Mặt chợt nghiêm lại. _"Thôi, tôi xin kiếu. Mong cậu giữ gìn sức khoẻ".

Thế rồi ba ngày sau, tôi lo lắng chuyện túng thiếu, đến không làm việc gì được, ở nhà cũng không xong nên cầm cây gậy trúc định ra biển, vừa mở cổng trước rột roạt ra thì thấy trước cửa đã có ba người, bố mẹ khoác áo mùa hè với một cô bé mặc áo đầm màu đỏ, đứng sắp hàng ngang, trông đẹp như tranh vẽ. Gia điønh Okei đấy.

Tôi thốt lên giọng lớn kinh hoàng như quát, đến tôi cũng ngạc nhiên:

_"Đã đến đấy à? Hôm nay tôi có chuyện phải đi ngay. Tiếc quá, nhưng ngày khác hãy đến nhé".

Okei đã trở thành một người vợ trung niên đoan trang. Cô bé 8 tuổi có khuôn mặt thật giống Okei thời còn là chị người làm trong nhà tôi, đôi mắt đục lờ đờ lơ đãng ngước nhìn tôi. Tôi buồn rầu bước như chạy trốn về phía bờ biển, không đợi Okei kịp nói một lời nào. Tôi vung cây gậy trúc vẹt đám cỏ dại trên bãi biển, xăm xăm bước đi, chẳng hề ngoái đầu lại, chân dậm thô bạo, bước thẳng dọc theo bờ biển về phía khu phố. Đến phố thì chẳng biết làm gì. Chỉ thơ thẩn ngước nhìn những tranh quảng cáo nhà hát, ngắm cửa sổ trưng bày của tiệm y phục Nhật Bản, miệng cứ "chậc, chậc" tắc lưỡi, mà trong lòng, từ chốn sâu kín nào đó, nghe có tiếng thầm thì "thua rồi, thua rồi", nghĩ thầm thế nầy thì không được, nên lắc mạnh thân mình mà bước đi, cứ thế chừng 30 phút sau, tôi lại trở về trước cổng nhà mình.

Bước đến ven bờ biển, tôi dừng chân. Trông kiøa! trước mắt tôi là một cảnh tượng thanh bình. Gia đình Okei đang thư thái ném sỏi xuống biển và cười đùa thích thú. Tiếng cười nói vang vọng đến tận chỗ tôi đứng.

_"Cậu ấy thông thái lắm nhé". Người cảnh sát vừa nói vừa dồn toàn lực ném viên sỏi ra biển. _"Thế nào cũng thành công cho mà xem".

_"Thật thế đấy. Thật thế đấy". Tiếng Okei cao vút, kiêu hãnh. _"Cậu ấy thuở bé đã đặc biệt thế rồi. Đối với người dưới thì tử tế, chịu khó hỏi han".

Tôi đứng lặng, nước mắt chảy dài. Nỗi khích động u uất như đã hoà tan trong nước mắt mà biến mất.

Mình thua rồi. Vậy là tốt. Không thế thì không nên. Thắng lợi của gia đình ấy cũng sẽ chia ánh sáng đến cho ngày mai làm lại cuộc đời của tôi.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 12-2005


Trở Về   ]