Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
Nguyên
tác: Fujisawa Shuhei
|
|
Maki Bunshiro giam mình trong phòng, đọc sách. Cuốn sách đang mở trên án đọc sách là bản sao cuốn Kinh Thi, trang Thơ Quốc-phong. Trường Ikoma nghỉ từ ngày 25 cuối năm, rồi sang năm, mồng ba Tết sẽ có buổi giảng đầu năm chung với lễ mừng năm mới. Xong buổi giảng đầu năm lại có tiệc bánh trôi do chính tay phu nhân hiệu trưởng nấu nên đám học trò đều mong chóng được tham gia, thế nhưng thầy Ikoma đã dặn phải đọc trước phần Thơ Quốc-phong sẵn sàng cho ngày ấy. Trời nhiều mây nên căn phòng mờ tối. Bunshiro kê án đọc sách ngay sát bên cửa sổ để hứng ánh sáng mà đọc chữ trên bản sao. Thỉnh thoảng lại xoa tay vào nhau, chứ ngồi yên một hồi thì tay chân dần lạnh buốt đến không sao chịu nổi. Đã có tuyết rơi, vài lần có mưa đá nữa. Ngày có nắng ít dần, những ngày bầu trời lãnh địa phủ mây màu tro dần nhiều hơn. Mây mù giăng đầy. Như hết chịu nổi sức dày nặng ấy, thỉnh thoảng lại rơi xuống những cơn mưa đá hay sương lạnh. Tuyết thì có phần trễ hơn mọi năm. Vậy mà những ngày hiếm hoi trời quang, mây tạnh thì nhìn quanh các ngọn núi bao bọc ba phía của lãnh địa này đều đã bảy phần tuyết phủ trắng xóa. Người ta nói chỉ vài ngày nữa thôi, bình nguyên cũng sẽ phủ đầy tuyết. Tuyết rơi, mang theo hơi lạnh cóng buốt khó mà chịu nổi. Khi Bunshiro xoa tay vào nhau trong vô thức như thế, phía cửa trước nghe như có khách đến. Tiếng người đàn ông nào, không phải là cha anh. Ông Sukezaemon thì tiếp theo hôm qua, đã đi chúc mừng năm mới các nhà họ hàng và chức sắc quan trên trong tổ rồi. Lúc sáng thấy cha anh lễ phục chỉnh tề ra đi, Bunshiro nghĩ là giờ này thì còn sớm quá, ông chưa về đến nhà đâu. Tết năm nay, Lãnh Chúa vẫn còn ở trên Edo. Khoảng hai năm trước, đã có thông tin là trong lúc Lãnh Chúa vắng nhà, mọi chuyện mừng Tết đều phải giản lược bớt, tuy vậy ngày đầu năm cũng vẫn bận rộn như thường lệ. Đang thắc mắc không biết khách nào đến, Bunshiro nghe tiếng mẹ bước đến phòng gọi anh. Anh vội vàng gấp sách lại, đứng lên. -"Khách của con đấy". Mẹ anh bảo. -"Xưng là ông Komiya, mang thư của cậu Yonosuke trên Edo. Con ra mà nhận thư và cảm ơn ông ấy". -"Thưa vâng". Bunshiro đáp. Ra cửa, anh thấy có một người võ sĩ trẻ mặc quần áo đi đường, đang đứng ở đấy. Ông khách thấy Bunshiro thì vui vẻ nói: -"Anh là bạn của Shimazaki Yonosuke đây nhỉ". -"Thưa vâng. Tiểu sinh là Maki Bunshiro". -"Yonosuke nhờ tôi mang thư này đến đây". Người võ sĩ trẻ tên Komiya ấy lấy từ tay nải ra một phong thư bọc giấy dầu đưa cho Bunshiro. Sau khi cùng mẹ cảm ơn và đưa người khách ra khỏi cửa, Bunshiro trở về phòng, mở thư Yonosuke ra đọc. "Khỏe mạnh chứ. Tớ cũng mạnh khỏe, cố gắng". Thư Yonosuke cho biết: Nhờ thầy Ikoma Reisuke dàn xếp, Yonosuke đã được vào làm môn đệ trường Sakai. Là môn sinh ở trọ, nên Yonosuke đã sẵn sàng để giúp việc lau chùi trong nhà, chạy việc bên ngoài, giữ giày dép,... việc gì cũng làm, nhưng nhà đã có người tớ gái lau chùi, không cho Yonosuke làm, công việc thì chỉ phải xóa mấy chữ con nít viết bậy trước cửa, thế thôi, còn thì chỉ đi theo ông Hiệu trưởng ra ngoài hoặc được sai đi hiệu sách mà thôi. Ông Hiệu trưởng Kasai Rando là nhà nho không ra làm quan, nhưng được ba nhà Lãnh Chúa tin dùng, nên mỗi tháng vài lần, lại đến các nhà Lãnh Chúa ấy ở Edo, giảng kinh sách. Một trong ba Lãnh Chúa ấy chính là Lãnh Chúa của phiên trấn chúng ta, mỗi tháng hai lần đi theo thầy đến dinh Lãnh Chúa của mình ở Edo nên nhờ vậy mà không đến nỗi nhớ nhà như đã tưởng. Yonosuke viết như thế. Thư Yonosuke còn viết cặn kẽ về chuyện học hành ở trường Kasai, và không có tiền thuê người chạy thư nên lần tới đi theo thầy đến dinh Lãnh Chúa thì sẽ nhờ người nào sắp về xứ đem về hộ. Cuối thư viết là năm nay sắp Tết đến nơi, mà chẳng biết đến năm nào mới về xứ được, cứ nhớ đến bạn Bunshiro và Ippei, trong lòng lại thấy buồn tiếc; lá thư tận cùng bằng những lời sầu thương như thế. -"Hừm, hắn chắc cũng buồn lắm". Bunshiro mỉm cười. Hình ảnh Yonosuke vốn là người nhút nhát, mà đang gắng mạnh dạn sinh hoạt trên đất Edo, hiện lên trong mắt anh, vừa có vẻ tội nghiệp, lại vừa có vẻ oai dũng. Nét bút Yonosuke rõ ràng là đã tiến bộ thêm lên. Ngay từ lúc học ở trường Ikoma, nét chữ của Yonosuke cũng đã vượt hẳn mọi người rồi, nay được mài giũa thêm, lại càng chững chạc ra vẻ người lớn. Bunshiro không khỏi thán phục bạn mình. Anh đứng lên, sửa soạn áo xống để ra ngoài. Đúng 11 giờ, ở võ đường Ishiguri có lễ mừng Năm Mới kiêm lễ khai kiếm đầu năm. Không tập luyện, nhưng thầy Satake Kinjuro và một môn đệ cấp cao trong trường sẽ biểu diễn bài kiếm bái mừng. Sau đó mọi người chia nhau rượu ngọt trước khi giải tán. Bunshiro bước vào phòng khách, chào hỏi mẹ anh rồi nhắc đến thư của Yonosuke. -"Thưa mẹ, Yonosuke có vẻ cố gắng học tập lắm". -"Thế thì tốt quá". Bà Toyo vui vẻ. Bà không thích cái vẻ thô bạo của Ippei, mà thiên về Yonosuke học giỏi hơn. -"Cậu ấy trở thành người tài giỏi nay mai đây thôi". -"Nét bút Yonosuke đã giỏi lắm rồi đấy. Có phong cách chững chạc, cứ như người lớn ấy. Để rồi con đưa cho mẹ xem". -"Con cũng phải cố gắng như thế chứ!". Bà Toyo nói, và đưa Bunshiro ra đến cửa. -"Mẹ chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, xong rồi thì về nhà ngay nhé con". 2 Không đáp lại lời dặn của mẹ, Bunshiro chỉ nói: "Thưa mẹ, con đi", rồi ra khỏi nhà. Ra ngoài, khí lạnh thấm dần vào người. Có lẽ vì trời lạnh quá, nên chỉ có vài đứa trẻ đánh cầu lông ở phía xa, còn đường trước dãy nhà của tổ vắng hoe. Khắp trời, mây thấp như úp chụp xuống đầu người, mây màu tro xám chỉ có chút đậm nhạt, phủ bóng tối ám như sắp có tuyết rơi xuống lúc nào không hay. Có vẻ khó mà về nhà ngay được. Bunshiro nhủ thầm. Trong lòng lại manh nha nỗi phản kháng với lời dặn của người mẹ quá mực thước. Có đi ngay đến võ đường ở thôn Kaji cũng phải mất một giờ, rồi ở đấy lại còn phải tham gia vào nghi lễ nữa. Mà lúc này, chân của Bunshiro cũng đâu có hướng đến thôn Kaji, chúng đang hướng đến nhà của Ippei kia. Những ngày cuối năm, đã không gặp được Ippei, anh cảm thấy bao nhiêu là chuyện muốn nói với bạn tích tụ đầy trong lòng. Trên đường về, có lẽ cũng sẽ đi vòng vèo với Ippei để nói chuyện nữa. Như thế, về đến nhà chắc cũng phải sau hơn 2 giờ chiều. Có khi 3 giờ, nếu hăng nói chuyện với Ippei. Anh thoáng nghĩ, thế là sẽ lại bị mẹ trách mắng cho. Mẹ anh bảo phải về dọn dẹp nhà bếp, nhưng anh nghĩ làm sao mà bỏ chuyện gặp bạn chỉ vì phải dọn dẹp nhà bếp được. Gì chứ chuyện này thì mẹ anh có phần cứng rắn quá. Nhưng ý nghĩ phản kháng lại mẹ chỉ thoáng qua trong chốc lát thế thôi, lòng Bunshiro phơi phới lại ngay. Lúc nào cũng thế. Bước đi trên đường, anh nghĩ lại và hẹn rằng sẽ gắng về sớm. Anh cảm thấy tội nghiệp cho mẹ, bà vốn là người phải để tâm đến mọi thứ chuyện nhỏ nhặt trong nhà, hẳn là bà cũng khổ vì phải tất bật lo mọi chuyện nhà chu đáo cho cả hai người đàn ông trong nhà, mà người nào cũng chẳng hề làm theo đúng ý bà. Đến nhà Ippei, hắn theo ra khỏi nhà ngay. Rồi thình lình nói: -"Này, từ mùa xuân là tớ vào thành làm việc rồi đấy". -"Mùa xuân thì là ngay bây giờ à?" -"Không, từ tháng ba kia". -"Thế cậu làm việc gì?" -"Tổ Hộ vệ". -"Thế thì sắp bận rộn rồi". Bunshiro nói. -"Không đi trường học hay võ đường được nhỉ?" -"Không đâu. Nói là làm việc chứ khoảng đầu thì cũng chỉ tập việc thôi, không bận đến thế đâu. Võ đường thì đến được chứ. Tớ đã xin với tổ như thế rồi". Ippei quay về phía Bunshiro, cười nói: -"Còn trường học thì xin nghỉ. Có gắng gượng mà theo đuổi cũng chẳng có mòi tiến bộ hơn được. Nói thật thì tớ đã chán nghe thầy Khổng nói rồi". -"Nghĩ thế là có lòng với thầy đấy. Thầy Ikoma hẳn cũng mừng vì bớt đi được một đứa học trò khó dạy". Hai người nhìn nhau, khúc khích cười. -"Chứ sao. Tớ là đứa học trò biết thương thầy mà". Trông mặt Ippei hào hứng nói tiếp như thế, Bunshiro hiểu ra. -"Hôm nay sao mà cậu lắm lời thế. Hẳn là đã định được chuyện làm việc trong thành rồi nên vui mừng quá chứ gì?" -"Tất nhiên là thế". Ippei đáp, vẻ mặt thấy rõ đấy là chuyện đương nhiên. -"Như cậu thấy đấy, lâu nay nhà tớ chẳng cần làm gì cũng hưởng được bổng lộc. Nhưng thế thì cảm thấy khó chịu lắm đấy". -"Thế à. Vậy thì bây giờ đã thành người lớn rồi nhỉ". -"Không đâu. Tạm thời chỉ bằng nửa người lớn mà thôi. Nhưng cũng chẳng còn là con nít nữa. Điều đó thì rõ ràng lắm. Nửa người lớn, bắt đầu gia nhập vào nhóm người lớn được rồi. Tổ cũng nhắm điểm đó mà nhận vào đó thôi". -"Quyết định được thế từ lúc nào?" -"Tối hôm qua. Tình cờ, tớ được đi với bà con đến nhà Trưởng tổ, hôm ấy thấy có cả các quan lớn ở đấy nữa. Thế rồi được bảo vào làm trong tổ đấy". -"Thế à. Đáng mừng lắm". Bunshiro mừng bạn. Ippei hỏi: -"Còn cậu có gì lạ không?" -"Có thư của Yonosuke đấy". -"Ủa, lúc nào?" -"Vừa lúc nãy đây. Có người tên là Komiya từ Edo về, mang thư đến". -"Chẳng lẽ nó buồn quá, khóc lóc ở trên đó sao chứ?" -"Chuyện ấy thì cũng có đôi chút trong thư, nhưng nói chung thì nó cố gắng và tiến bộ lắm. Theo nghĩa tương đối của anh chàng Yonosuke nhút nhát ấy mà. Tiếc thật, đáng lẽ tớ phải đem thư nó đến cho cậu xem". -"Không, nghe cậu kể thì tốt hơn là đọc thư". Ippei nói thế, nên Bunshiro kể lại tường tận chi tiết trong thư Yonosuke. Hai người bước đi trên đường ven sông Gokengawa về hướng bắc, qua các phố vắng chỉ có vài người đi lại. Duy ở các phố buôn bán thì thấy có nhiều con nít hơn, các bé trai đánh con quay trên đường, các bé gái đánh cầu lông. -"Như thế thì khỏi lo nó bị người ta sai chạy như đứa ở". Bunshiro nói. -"Vậy à? Đúng là nó quyết chí lên đó học là tốt lắm". -"Nét bút cũng giỏi ra nữa". -"Bút à?" -"ƯØ, nói thế nào nhỉ? Trông ra dáng nét bút người lớn lắm". -"Đúng là phải cho con cưng đi xa một ngày đàng học một sàng khôn đấy nhỉ". Nghe Ippei nói với vẻ mặt nghiêm nghị, Bunshiro hỏi đùa: -"Anh chàng Yonosuke mà là con cưng à?" Khiến cả hai bật cười phá lên. Rồi hốt hoảng nhìn quanh, nhưng chỉ thấy một người phụ nữ đang bước qua đường, còn gần đấy ngoài mấy đứa con nít thì chẳng có ai khác cả. -"Này, Bunshiro". Ippei nhìn quanh quất, rồi hướng về Bunshiro, hỏi thầm thì. -"Vụ ở làng Yamabuki ấy, sau này có nghe gì thêm không?" -"Không", Bunshiro lắc đầu đáp. Làng Yamabuki ở về phía tây của dinh Shirahagi, nhà nghỉ mát của Lãnh Chúa, làng này gồm các nhà trong gia tộc Lãnh Chúa của phiên trấn. Đêm 5 tháng 12 năm ngoái, vừa vào mùa chộn rộn đưa năm cũ đón năm mới không bao lâu, đã có một võ sĩ của phiên trấn bị chém chết phơi xác trên đường làng. Sáng sớm hôm sau mới phát giác, theo báo cáo của quan Kiểm sát thì đã bị giết khoảng khuya đêm trước. Ippei muốn nói về vụ này, nghe đâu có những nghi vấn nan giải làm điên đầu ban điều tra. Người bị giết là Yoshimura Shinjo, võ sĩ làm việc trong kho bạc của phiên trấn. Chẳng hiểu ông ta vì lý do gì mà đi một mình trên đường làng trong lúc khuya khoắc như thế. Làng Yamabuki là chỗ ở của các nhà võ sĩ cấp trung, lãnh lương 100, 200 hộc. Chẳng phải là chỗ ở của Yoshimura. Nhà ông ta, lương chỉ có 20 hộc, thì ở làng Kobune phía đông bên kia sông Gokengawa, ngược hướng với làng Yamabuki này. Hơn nữa, ông ta cũng chẳng có họ hàng, người quen hay thượng cấp gì ở làng Yamabuki cả. Sở kho bạc cũng bị điều tra, nhưng vào ngày Yoshimura bị giết, 5 tháng 12, thì ông ta không được sai phái đi Yamabuki về việc gì cả. Vì thế, đã có người cho là Yoshimura Shinjo có việc gì đấy ở làng nào khác, trên đường đi hoặc đường về, đã đi qua làng Yamabuki mà bị chém chết. Thế nhưng, phía tây làng Yamabuki đã là ruộng của làng rồi, còn phía nam cho đến tận bìa hào thành là khu dinh thự của các quan lớn, trưởng tổ, và phía bắc cũng lại là khu nhà quan cấp trung, ít có ai ra vào được. Quan Kiểm sát đã điều tra khắp cả các làng lân cận một lượt xong, vẫn không tìm ra manh mối gì. Tất nhiên là đã hỏi cung người nhà của Yoshimura rồi, nhưng cũng chẳng ai hiểu vì lý do gì mà người chủ gia đình ấy lại đi trên đường làng Yamabuki ngược hướng nhà, trong đêm hôm khuya khoắc 5 tháng 12. Mà trạng huống bị chém chết cũng đầy những bí ẩn. Chẳng hạn, trước nhất, chẳng phải bị cướp bóc gì. Thanh kiếm, ví tiền trong túi vẫn còn đấy, Yoshimura không bị cướp đi thứ gì cả. Nếu mà Yoshimura đang trên đường đến nơi nào đấy để trao cho ai vật gì đấy rồi bị chém chết để cướp lấy vật ấy đi, thì đấy chẳng phải là trò ăn cướp, mà là sát nhân có dự mưu trước rồi. Lại có một điều khiến ban điều tra phải giật mình. Kẻ giết người, từ sau lưng, chỉ cần chém một nhát là giết gọn được Yoshimura. Mà Yoshimura Shinjo lại là tay kiếm giỏi có bằng cấp ở võ đường Matsukawa trong làng Goyumi. Vì thế, ban điều tra chuyển sang chuyên chú về điểm kẻ sát nhân phải là tay kiếm tài giỏi lắm. Quan Kiểm sát kết luận rằng kẻ sát nhân hẳn là đã lập kế hoạch giết Yoshimura từ trước rồi. 3 Thế nhưng, ban điều tra cũng chỉ hiểu được đến đấy, không tiến thêm được bước nào nữa. Vụ này vẫn còn mới và chứa đầy bí ẩn, nên cái chết của Yoshimura vẫn còn là đề tài để mọi người trong phiên trấn thầm thì bàn tán. -"Có lẽ ông Yoshimura bị người nào đấy thù hận. Hoặc chưa đến nỗi thù hận, nhưng có thể là căm ghét nhau...". Bunshiro nói. Chính Bunshiro lúc học Thơ Quốc-phong trong Kinh Thi, cũng đã vơ vẩn nghĩ đến vụ Yoshimura này. -"Quan Kiểm sát đã điều tra hướng này chưa nhỉ?" -"Quan Ogata ấy, dễ mà bỏ sót điểm này sao chứ". Ippei nói. Quan Ogata mà Ippei nói đấy là quan Kiểm sát Ogata Kumaki nổi tiếng tài giỏi. -"Manh mối từ hướng kho bạc, hướng làng Kobune, hướng võ đường Matsukawa,... đã điều tra không sót hướng nào cả, nhưng vẫn không tìm ra điểm tựa nào cả đấy". -"Cậu rành quá nhỉ". Bunshiro khen. -"Ừm, thật ra thì tớ đứng trong nhà, nghe các người chung quanh bàn tán mà biết đó thôi". Ippei có vẻ ngượng ngùng, đưa bàn tay xoa mặt. Khuôn mặt đầy đặn của anh, chỗ đầu mũi và gò má đã chuyển sang màu tím vì lạnh. -"Nói gì đi nữa, chắc chắn phải là tay kiếm giỏi lắm đấy". Bunshiro nói. -"Cho dù bị chém từ sau lưng, nhưng đến ông Yoshimura mà cũng không kịp mó tay đến cán kiếm nữa". -"Hẳn là đã giết gọn trong khoảng một nhịp thở thôi đấy". Ippei nói. -"Vì thế, có lẽ ông Yoshimura chẳng kịp nghe tiếng chân bước đến nữa". Hai người gật đầu nhìn nhau, bắt đầu thấy cầu Chidori ở phía xa. Qua khỏi cầu là địa phận làng Kaji, thấy ngay cổng võ đường. Hai người đã đến võ đường kịp giờ. Lễ khai kiếm đầu năm của võ đường tưng bừng cử hành, trừ ba người vắng mặt vì cảm cúm, tất cả gần 50 môn sinh đều đến tham gia. Đúng giờ đã định, mọi người đón thầy chủ võ đường là Ishiguri vào bắt đầu phần nghi lễ, trước hết thầy Satake Kinjuro đại diện tất cả môn sinh nói lời chúc mừng năm mới, tiếp đó, thầy Ishiguri ban huấn từ ngắn gọn theo thông lệ, rồi cho người công bố thứ hạng trong năm mới dựa trên thành tích của từng môn sinh trong kỳ thi cuối năm vừa qua. Người đọc thứ hạng là phó trưởng tràng Maruoka Shunsaku. Bunshiro từ hạng 22 năm ngoái lên được hạng 15; Ippei từ hạng 25 lên hạng 18. Sau phần tuyên bố thứ hạng khiến cả võ đường lao xao ồn ào, theo chỉ thị của thầy Ishiguri, thầy Satake cùng môn sinh đứng hạng 3 là Ohashi Ichinoshin đội khăn mặc áo võ sinh, nắm kiếm gỗ tiến ra giữa võ đường, khiến mọi người im phăng phắc. Buổi biểu diễn chiêu thức bắt đầu. Tiếng là biểu diễn, nhưng phong cách trình bày của hai kiếm sĩ hạng nhất trong võ đường Ishiguri năm nào cũng khiến người ta nín thở theo dõi như bị hút hồn vào những chiêu thức xảo diệu dũng mãnh ấy. Năm nay cũng thế, những thế kiếm mãnh liệt đầy khí phách và kỹ thuật đến nỗi chỉ một chút sơ xuất cũng có thể làm nát xương, đã xong rồi mà người xem vẫn còn nắm chặt bàn tay rịn mồ hôi, mà cả hai người biểu diễn cũng mồ hôi đầm đìa. Thầy Ishiguri tuổi đã cao, nên xem xong phần biểu diễn chiêu thức thì rút vào nhà trong. Một nồi lớn rượu ngọt hâm nóng được khiêng ra, và mỗi người được phát chén đựng rượu. Trong tiếng ồn ào huyên náo không dứt, Bunshiro và Ippei cũng nhấp rượu ngọt. Có lẽ vì được lên hạng nên cả hai đều cảm thấy vui sướng vô cùng. Mọi người chung quanh bàn tán chuyện các chiêu thức biểu diễn vừa được thấy, đám này vui mừng vì thứ hạng tăng cao hơn cả dự tưởng, đám kia hậm hực vì thứ hạng không tăng được như ý mong,... Nhưng tiệc rượu xong thì giải tán, khỏi phải tập luyện, cảm giác được giải phóng ấy khiến mồm miệng nhẹ tênh, cậu trai nào cũng lắm lời hơn ngày thường. Tiếng ồn ào náo nhiệt ấy bị cắt ngang khi có người đứng lên quát bảo: -"Mọi người nghe đây". Đó là thầy Satake Kinjuro. -"Có thể có người cho là mới đầu năm, Tết nhất mà lại nói chuyện gở, thế nhưng không thể nhắm mắt làm ngơ được, nên ta phải nói ra đây". Kinjuro nhướng đôi vai gầy trên tấm thân cao sẵn, nói tiếp: -"Hẳn ai cũng biết là cuối năm qua đã có người bị chém chết ở làng Yamabuki. Người bị chém là Yoshimura Shinjo của võ đường Matsukawa đấy. Chuyện này thì nhiều người đã biết. Vấn đề là: Người chém Yoshimura là ai?" -"......". Mọi người chăm chú nhìn Kinjuro. Ông gật đầu: -"Ta đã thấy thi thể của Yoshimura. Và ta muốn nói điều này......". Kinjuro nhìn trừng trừng từ góc phòng này sang góc kia rồi dằn giọng: -"Trong đám người này có kẻ đã giết Yoshimura!" -"Làm gì có!" Người vừa cùng biểu diễn chiêu thức kiếm là Ohashi buột miệng nói, toàn võ đường bỗng xôn xao sửng sốt một lúc rồi im lặng ngay. Sự im lặng rờn rợn bao trùm khắp võ đường, trong đó Bunshiro cũng nắm chặt chén uống rượu, bất động, giương mắt nhìn thầy Satake Kinjuro đăm đăm. -"Chính mắt ta đã được xem vết chém ấy". Kinjuro trả lời Ohashi, rồi quay mắt nhìn mọi người. -"Vết chém không phải của phái Itto, cũng chẳng phải của phái Mugai. Mà là của kẻ nào đấy trong võ đường này đây". Có vẻ Kinjuro đã nắm được bằng chứng gì rõ rệt lắm nên nói một cách xác quyết như thế. Võ đường quanh thành thì có Matsukawa thuộc phái Itto, Ono phái Mugai, và võ đường Ishiguri mà thôi, ba võ đường này dạy cách dùng kiếm kiểu cách khác nhau là điều người ta thường nói đến. 4 Bunshiro không hiểu thầy Satake Kinjuro có thật đã nhận ra được bằng chứng chắc chắn từ dấu vết chém trên xác Yoshimura không. -"Chuyện này, ta chỉ nói với thầy Ishiguri mà thôi". Giọng Kinjuro có phần ôn tồn hơn. -"Chuyện ta nói đây, là bí mật của võ đường này. Nếu được thì giữ kín đừng nói với ai khác, tuy thế nào rồi cũng sẽ lọt ra ngoài. Có thể quan Kiểm sát nghe được mà triệu đến hỏi, nhưng ta không muốn khai tội cho ai". Mọi người im lặng. -"Nói là thấy được chứng cớ, nhưng đó là chuyện sâu kín trong lòng. Thiếu gì cách để nói trớ đi. Thế nhưng,...". Kinjuro gằn giọng. -"Nói thế không có nghĩa là ta muốn bỏ qua chuyện này. Ai đã giết Yoshimura, hãy đến trình với ta. Nếu không muốn nói ra lý do phải giết Yoshimura thì ta cũng không căn vặn làm gì, nhưng ta nhắc lại, ta không cho phép giấu diếm. Ta đã bàn với thầy Ishiguri, và thầy cũng quyết định như thế. Hiểu rõ chưa!" Kinjuro nói xong, buổi tập họp làm lễ khai kiếm đầu năm chấm dứt trong không khí dị thường. Mọi người như khom người lại, vội vã rời khỏi cổng võ đường. Bunshiro và Ippei qua cầu Chidori, ra đường dọc bờ sông, như thường lệ. Mây vẫn trĩu nặng u ám như sẵn sàng trút mưa, tuyết xuống; những ngọn núi xa, các tầng cao vẫn còn bị mây phủ kín. Vài cánh chim lớn, không hiểu là loài chim gì, bay về hướng các ngọn núi ấy. Trong các phố đã có nhiều người đi lại hơn lúc sáng. Tất nhiên phần đông là người mặc áo quần đẹp đẽ ngày Tết, có cả những võ sĩ mặc đủ bộ lễ phục tề chỉnh. Bunshiro chợt nghĩ không biết cha anh đã về lại nhà chưa. -"Chuyện thầy Satake nói nghe ghê gớm quá nhỉ". Ippei nói. Rồi nhìn quanh và hạ giọng. -"Này, người giết Yoshimura Shinjo, cậu nghĩ là ai?" -"Có phải là cậu đấy không?". Bunshiro nói đùa, nhưng thái độ hốt hoảng của Ippei vì lời nói đùa ấy khiến Bunshiro ngạc nhiên. Ippei mặt đỏ bừng, xua tay nói: -"Này, đừng nói bậy bạ thế chứ. Có người nghe thấy thì khốn!" -"Chớ có lo. Ai mà nghi cậu đâu nào". Bunshiro cười khổ sở. -"Phải là tay kiếm giỏi hơn kia chứ. Có khi thầy Satake đã biết là ai rồi cũng nên". -"Chẳng lẽ là anh Ohashi? Nếu không thì là Maruoka, môn sinh giỏi thứ 2 chăng? Anh Maruoka chẳng nói chẳng rằng suốt lúc thầy Satake nói chuyện đấy". -"Chỉ có thế thì chẳng quy kết là anh Maruoka được". Bunshiro nói. -"Còn anh Tsukahara, anh Yada nữa chứ". -"Có lẽ không phải anh Yada đâu". Ippei nói. -"Anh ấy lần này lên một hạng, qua mặt cả anh Tsukahara nữa, nhưng tâm tính hiền lành là thế..." -"Tâm tính hiền lành không là bằng chứng vô tội được". Bunshiro nói. Chuyện thầy Satake nói đã tạo kích động mãnh liệt, kết cuộc, hai người trao đổi hăng hái về chuyện ấy trên suốt quãng đường về nhà Ippei, đến lúc thấy nhà mình, Ippei dừng chân. -"Cậu ghé chơi không, mẹ tớ sẽ vui lắm". Nhà Ippei chỉ có hai mẹ con. Dù vậy, thân phận cao hơn nhà Bunshiro, và có người giúp việc. Mẹ Ippei đặc biệt thích bạn bè của con trai mình, như Bunshiro và Yonosuke, đến nhà chơi. Bà giống con, thân người to lớn, tính tình cũng dễ dãi, không xét nét. Nhưng hôm nay Bunshiro ra về trễ, mà lại còn ghé chơi nhà Ippei nữa thì thế nào cũng sẽ bị mẹ mắng. -"Thôi, không ghé được đâu. Chuyển lời thăm mẹ cậu hộ tớ". -"Thế à?" -"Ngày mai phải đến trường đấy. Đừng quên nhé!" -"Quên thế nào được. Phải đến để ăn bánh Tết chứ". Ippei nói. Vừa đi xong quãng đường nhắm hướng nam của thành, bây giờ Bunshiro lại bước ngược theo hướng bắc để về làng mình. Khí lạnh vẫn phủ trùm căng thẳng không chùng bớt chút nào trên các đường phố, phong cảnh tuyền một màu khô héo, may là không có gió lạnh nên cũng còn chịu đựng được đôi chút. Quả thật mình về trễ quá, Bunshiro thầm nghĩ khi về gần đến nhà. Đã gần 3 giờ chiều rồi còn gì. Lúc đi trên đường, anh đã nghe hồi chuông báo 2 giờ từ chùa Shoen rồi. Lúc đó thì lòng anh chưa thấy nặng, nhưng về gần đến nhà rồi, biết mình đã về trễ quá, anh bắt đầu tự trách mình. Mẹ anh đã bảo là dọn sẵn cơm trưa chờ anh, đáng lẽ anh đã phải chia tay sớm với Ippei rồi về thẳng nhà mới đúng. Tuy là thầy Satake đã đột ngột nói chuyện kia ra, làm buổi lễ kéo dài hơn dự định thật đấy, nhưng lấy đó làm cớ để biện bạch với mẹ thì có nên không? Nếu mẹ lại hỏi thêm về chuyện ấy thì làm thế nào? Chìm đắm trong suy nghĩ như thế ngay trước nhà mình, Bunshiro suýt nữa là đâm sầm vào cô Fuku vừa bước ra khỏi cổng. -"Chúc mừng anh năm mới!" Fuku vừa e ấp giấu món đồ đang cầm sau ống tay áo rộng, vừa thẹn đỏ mặt chào mừng anh. Bunshiro vừa chào lại thì cô đã nhanh nhẹn quay lưng lại, hấp tấp đi như chạy về cổng nhà mình. Bunshiro đứng lại, lơ đãng nhìn theo dáng lưng ấy, chợt anh để ý là mình đang ngắm khoảng mông của cô Fuku, và đôi cổ chân trắng ngà lấp ló dưới gấu áo kimono. Bất giác, anh giật mình định thần lại, tự vấn không biết mắt nhìn của mình có lộ vẻ hiếu sắc gì không. Chắc là không đến nỗi, tuy anh không tự tin lắm. Anh nhớ có lẽ từ năm ngoái đây thôi, thân thể suông đuột của cô Fuku đã bắt đầu có thêm những nét tròn trịa. Năm ngoái anh đã để ý bờ vai của cô bắt đầu tròn đầy, hôm nay lại bàng hoàng thấy làn da cô đã trở nên láng đẹp đến gần như trong suốt từ lúc nào rồi. Anh hiểu là cô Fuku đang ở vào lứa tuổi trổ mã thành người lớn, và lúc nãy, anh đã phải ngạc nhiên vì trước mắt anh là dáng điệu đầy nữ tính của cô bé hàng xóm. Cảm thấy có chút gì buồn tiếc khi nghĩ Fuku sắp thành người lớn rồi, Bunshiro bước qua cổng vào nhà. Cha anh vẫn chưa về. Mẹ anh trách nhẹ: -"Sao về trễ thế con?". Bunshiro không bào chữa gì cả, chỉ xin lỗi mẹ rồi khoe chuyện được thăng hạng trong võ đường. -"Năm nay con được lên hạng 15 đấy mẹ ạ". -"Thế là khích lệ lớn lắm đấy. Chứ con năm ngoái mới hạng 22 cơ mà". Bà Toyo nhớ rõ và khen ngợi con, nhưng có vẻ còn ấm ức chuyện con về trễ nên bà nói thêm: -"Nhưng không lấy đó làm lời biện minh cho chuyện về trễ được đâu nhé". -"Thưa mẹ đúng thế. Con thành thật xin mẹ tha lỗi". Bữa trưa sắp được ăn, bụng trống đến hết chịu đựng nổi, nên Bunshiro mong chóng thoát được những cằn nhằn của mẹ để được bắt đầu ăn. -"Con gặp cô Fuku trước cổng nhà mình đấy". Bunshiro nói. Sau khi ăn xong, có phần vững bụng rồi. -"Có chuyện gì thế mẹ?" -"Cô ấy sang mượn gạo đấy mà". Bà Toyo nói. -"Mới Tết mà đã phải vay mượn thế, cô ấy hẳn cũng khổ tâm lắm, nhưng mẹ cô đang bị cảm cúm gì đấy". -"Thế à?" -"Mà cô ấy cũng đã lớn rồi, chừng đó chuyện thì cũng phải làm được chứ". Bất giác, Bunshiro nhớ lại là Fuku mặc áo quần thường ngày dù vẫn còn là dịp Tết. Nhà Koyanagi bổng lộc còn kém nhà anh 5 hộc. Thường ngày, anh vẫn quên rằng cảnh nghèo của nhà cô còn nhọc nhằn hơn anh tưởng. Nhà anh cũng nghèo, cha anh và anh đều mặc áo quần bà Toyo cần mẫn may vá cho, nhưng không đến nỗi phải mượn gạo nhà ai. Anh dần dần hiểu nỗi khổ cực của nhà Koyanagi có đến hai đứa con, mà bổng lộc lại kém nhà anh 5 hộc. Mượn thì phải trả lại. Không biết nhà cô ấy lấy đâu ra mà trả? Bunshiro nhớ lại hình dáng cô Fuku che giấu gạo vay dưới ống tay áo. Nỗi buồn nhẹ tràn thấm lòng anh. Anh mừng thấy mẹ anh tuy không ưa bà Koyanagi, nhưng đối với Fuku thì tỏ vẻ hiền dịu thương mến. Anh đứng lên đi về phòng mình, vừa nói với vào bếp. -"Mẹ ơi, tối nay con bóp vai cho mẹ nhé?". 5 Môn sinh của trường Ikoma khoảng 20 người. Giọng ôn tồn, trầm tĩnh của thầy Ikoma Reisuke đang đọc giảng Thơ Quốc-phong: "Quan quan thư cưu
(Chim câu kêu
oang oang
Đọc xong, thầy Ikoma giảng giải tỉ mỉ về bài thơ nói lên tâm tình của người con trai mơ tưởng đến cô gái xinh đẹp. Mãi không được đáp lời, tối ngủ cũng còn thao thức vấn vương. Lúc thầy giảng: "Suốt đêm dài cứ trằn trọc xoay qua xoay lại không ngủ được", có cậu học trò ngồi phía sau cười khúc khích. Thầy Ikoma ngẩng mặt hỏi: -"Có phải Emori cười đấy không?" -"Thưa phải. Xin thầy tha tội". Đó là một cậu mặt đầy mụn, một trong đám tay chân của Yamane Seijiro, kẻ chủ mưu đánh Yonosuke. -"Khỏi phải xin tội. Đứng lên mà về nhà đi". Thầy Ikoma ngày thường vốn ôn hậu, lần này trách phạt với giọng gay gắt lạ thường. Emori hoảng hốt rời trường. Thầy Ikoma nói: -"Đức Khổng dạy: Đừng lấy thơ mà hứng khởi huyên náo, trầm trồ, tụ họp bầy đàn hay oán hờn việc đời. Emori có vẻ khinh thị bài thơ này chỉ là lời ca ngợi chuyện giao tình nam nữ, nhưng không phải như thế đâu. Bài thơ này được xem là bài ca cầu nguyện việc nhân duyên hạnh phúc của Lãnh Chúa thời đó, và thầy Chu-tử giảng đó có thể là bài ca xưng tán bà Hoàng hậu của vua Văn Vương nhà Châu. Mà dù là gì đi nữa, cũng diễn tả được tâm tình chất phác của con người mong ước mối nhân duyên hạnh phúc. Kẻ sĩ đứng đầu bốn hạng dân cũng phải biết nuôi dưỡng tâm tình cảm thông lý giải được những tình cảm hỉ nộ ai lạc trong tấm lòng chất phát của thứ dân. Điều đó vô cùng trọng yếu. Ý thức được mình là võ sĩ, lại là chuyện khác. Không được khinh thị thi ca!". Bunshiro thầm nghĩ: Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu à? Anh đang mơ màng nghĩ đến cô Fuku thì bị Ippei thúc đầu gối hỏi: -"Chưa có bánh trôi à?" Bánh trôi thì được ăn thêm chén nữa nên phần lớn các cậu đều ăn hai chén. Vì vậy, hai nồi nấu bánh to tướng thoáng chốc đã vét sạch, khiến thầy cô Ikoma vui mừng thấy học trò vui thích, ăn mạnh như thế. -"Tớ ăn bốn chén!" Xong tiệc bánh trôi, ra khỏi trường, Ippei tự mãn như thế. -"Khiến thầy vui lòng lắm". -"Nhưng ăn vóc có khi lại chẳng học hay. Chưa hẳn thầy có vui được thật không đấy". Bunshiro trêu chọc, làm Ippei hăng hái cãi: -"Chứ gì nữa, chắc chắn là thầy vui lòng lắm rồi. Thầy đã mỉm cười, khen: Ippei ăn được đến chén thứ tư rồi à; còn muốn thêm nữa thì thầy chia bớt cho..." -"Ha ha ha..." -"So với tớ, hãy xem Yamane kìa. Chỉ ăn một chén thôi, rồi làm mặt khinh khỉnh như chê thứ dở ẹc này ai mà thèm. Cái thằng chuyên làm bộ làm tịch!" Ippei hậm hực nói, chân bước chậm lại. Bunshiro cũng đã để ý, bước chậm lại theo chân bạn. Đến góc phố, thấy có Emori lúc nãy bị thầy đuổi khỏi lớp, đứng trong bọn người quanh Yamane Seijiro. Cả bọn thấy Bunshiro và Ippei tiến đến gần thì trừng mắt nhìn, nhưng khi khoảng cách hai bên còn độ vài tầm kiếm, thì chúng đột nhiên quay lưng lại, lũ lượt kéo nhau rẽ theo bờ rào ở góc đường mà bỏ đi. Ippei "Hừm" giọng mũi: -"Tưởng là tụi nó phục kích kiếm chuyện đánh nhau chứ". -"Chúng không can đảm thế đâu". Bunshiro nói. Đi ngang qua góc phố, anh thấy hình dáng sau lưng của đám Yamane nhỏ dần phía xa. -"Kỳ thi đấu với võ đường Matsukawa năm nay, tụi mình có được ra quân chưa nhỉ?" -"Có lẽ chưa được đâu". -"Tớ muốn đấu với Yamane một lần cho biết". Ippei nói, rồi ý nghĩ thình lình nhảy vọt sang chuyện khác, lại nhắc rằng bánh trôi cũng ngon, mà lời thầy giảng cũng hay quá. -"Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu! Năm ngoái, bài thầy giảng cũng hay quá chứ. Gì mà có chim hạc kêu, tiếng vang khắp đồng nội đấy". Thầy Ikoma chỉ giảng thơ trong buổi giảng đầu năm ngày Tết mà thôi, còn thường thì chỉ dạy sách Luận Ngữ và Trung Dung. Ippei nhắc đến bài thơ Hạc Minh (chim hạc kêu) thể thơ Tiểu nhã mà thầy đã giảng trong buổi giảng đầu năm ngoái. -"Ừ, con cá lặn nơi nước sâu hay gần bờ đất... Cậu nhớ giỏi quá chứ". Bunshiro khen. Ippei không đáp, tiếp tục đọc lại. Có lẽ anh thích thơ lắm. -"Vui quá, vườn xưa, nơi đây trải thảm, dưới gốc...... thì là......" Bunshiro nhắc giúp: -"Dưới gốc, bẹ cây khô". -"Đá ở núi khác, có thể lấy làm đá mài, tha sơn chi thạch, khả dĩ vi thác......" Cả hai cùng xướng họa. Hai người bước đi ở góc phố Yamabuki, xóm nhà võ sĩ buổi xế trưa vắng lặng, hiếm thấy bóng người qua lại. Trong lúc họ xướng họa bài thơ Hạc Minh ấy, chỉ có một người vợ võ sĩ dắt đứa bé đi ngang qua mà thôi. Người đàn bà trạc tuổi mẹ Bunshiro thầm lặng đi qua mặt, nghe hai người đọc thơ, thì thoáng mỉm cười nhìn họ rồi đi mất. Xướng họa thơ ấy xong, Ippei quay nhìn Bunshiro nói. -"Này, đừng nói với ai nhé. Có thể tớ sắp lấy vợ đấy". -"Lấy vợ à?". Bunshiro kinh ngạc. -"Ngay lúc này sao?" -"Không, không lấy ngay đâu. Từ bây giờ, phải tìm người đã chứ". Ippei có vẻ thẹn, đưa tay xoa mặt. Mặt anh đôi chỗ tím tái vì lạnh, lúc này lại thêm ửng đỏ, trông như lên ban hai màu tím đỏ. -"Bắt đầu tìm kiếm, rồi nếu được thì gắng sang thu là cưới. Mẹ tớ bảo thế". -"Hừm". Bunshiro có cảm giác Ippei thình lình trở thành người lớn ngoài tầm tay mình, anh bàng hoàng nhìn mặt Ippei đăm đăm. -"Lấy vợ à? Cảm thấy như thế nào?" -"Đã lấy đâu mà biết là như thế nào!" -"Hừm, vì thế nên lời giảng của thầy hôm nay thấm thía vào người cậu lắm chứ gì!" -"Ừ, có người thục nữ yểu điệu nào của tớ không nhỉ?" -"Hẳn là có ở đâu đó chứ". Khi Bunshiro nói thế, anh cảm thấy hình bóng cô Fuku thoáng hiện trong lòng mình. -"Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Thế đấy!" Có vẻ bài thơ học hôm nay được Ippei ưng ý lắm, nên lên giọng đọc đi đọc lại mãi. Rồi anh nói lớn: -"Mà thứ tớ thì là quân tử gì cơ chứ! Đã quyết định thôi học vào mùa xuân tới rồi!". Có vẻ Ippei đâm ra lưu luyến chuyện học vấn. Bầu trời bên ngoài thành, hôm nay cũng giăng mây mùa đông. Ba phía núi vẫn phủ mờ trong tuyết. Làng xóm sẽ phủ tuyết nay mai đây thôi, sắp bị giam kín dưới tầng mây u ám mùa đông rồi, nhưng trong phong cảnh màu tro tối trước mắt, Bunshiro vẫn ngửi thấy hơi hướm mơ hồ của mùa xuân. Có lẽ vì bài thơ được thầy giảng ở trường Ikoma, và lời Ippei báo tin sắp cưới vợ vào mùa thu tới. Bunshiro nói: -"Tối nay tớ viết thư cho Yonosuke. Kể cho nó nghe chuyện cậu sắp cưới vợ nữa". |
|