Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 

Vang rộn tiếng ve - Semishigure 

Nguyên tác: Fujisawa Shuhei 
Bản dịch Việt ngữ© Phạm Vũ Thịnh 

Lời Ngỏ
Thời đại Edo (1603 - 1868) ngay trước thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản có Thiên hoàng đóng đô ở Kyoto, nhưng thực quyền nằm trong tay Chúa Tokugawa ở Edo (bây giờ là thủ đô Tokyo), tương tự như Vua Lê Chúa Trịnh ở Việt Nam. Sau khi thống nhất nước Nhật từ tình trạng Sứ quân của thời Chiến quốc, Tướng quân (Shogun) Tokugawa phân phối các lãnh địa, gọi là Han (phiên trấn), cho thuộc hạ và đồng minh của mình sao cho chính quyền Phủ Chúa ở Edo được bảo đảm an toàn nhất. Các lãnh địa lớn, giàu, hoặc gần Edo đều vào tay các nhà võ sĩ thân tín trung thành với Chúa Tokugawa.

Phủ Chúa đặt ra lệ bắt các Lãnh Chúa (Daimyo) này mỗi năm phải đổi chỗ trú ngụ, năm này ở Edo, năm sau ở lãnh địa của mình, lại còn giữ vợ con của họ làm con tin trong dinh cơ trú đóng ở Edo. Gia thần hay thuộc hạ của Lãnh Chúa một phần trú đóng ở Edo nhưng phần lớn trú ngụ ở phiên trấn. Họ hình thành giai cấp võ sĩ (samurai).

Thời đại Edo là thời đại cuối cùng mà giai cấp võ sĩ còn được trọng vọng, đứng đầu trong xã hội gồm sĩ nông công thương. Võ sĩ Nhật Bản giúp Phủ Chúa hoặc Lãnh Chúa cai trị, điều hành, thu tô thuế từ nông dân là tầng lớp sản xuất trọng yếu nhất thời bấy giờ, sau đó là giai cấp thợ thủ công và cuối cùng là giai cấp thương nhân chỉ buôn qua bán lại vật phẩm. Thật ra, dưới cùng còn có hạng người Eta hay Hinin(Phi nhân) không được đối xử như con người, bị cưỡng bách phải làm những việc ô uế, nặng nhọc.

Sự phân biệt giữa các giai cấp rất nghiêm ngặt, đặc quyền của giai cấp không thể chuyển nhượng, và con cháu đời đời kế thừa giai cấp, không được tiến thân lên giai cấp cao hơn. Chỉ có giai cấp võ sĩ mới có họ tên đầy đủ, trong khi thứ dân (nông, công, thương) chỉ có tên gọi mà không được có họ, phải dùng tên làng, tên xóm để phân biệt khi cần. Và chỉ có giai cấp võ sĩ mới được phép mang kiếm, một thanh kiếm dài và một đoản kiếm để chiến đấu và tự xử.

Võ sĩ thời Edo từ thuở nhỏ phải học sách chữ Hán: Tứ thư, Ngũ kinh, Chiến quốc sách,... và tập luyện kiếm thuật, võ nghệ. Đến khoảng 13 - 16 tuổi thì làm lễ thành nhân, bắt đầu được mang kiếm, khi trưởng thành thì vào làm việc trong thành, được chia vào các tổ Cận vệ, tổ Xây dựng, tổ Kế toán, tổ Thu mua, tổ Giữ cờ,...

Tùy theo chức vụ, khả năng, võ sĩ được lãnh bổng lộc tính theo số lúa trích ra từ tô thuế do nông dân nạp vào mỗi năm. Các quan lớn lãnh bổng lộc trên 400 hộc (mỗi hộc khoảng 150 kí gạo), võ sĩ mạt hạng lãnh lương dưới 10 hộc.

Han (phiên trấn) là lãnh địa của Lãnh Chúa, cũng được đánh giá mức giàu có, thu hoạch bằng hộc, từ vài vạn hộc cho đến vài triệu hộc. Phiên trấn có thể gồm một hay nhiều xứ là những địa phương có phong thổ khác biệt. Trung tâm cai trị của phiên trấn là thành, chỗ cư ngụ của Lãnh Chúa và gia tộc, cũng là nơi tập trung các cơ quan đầu não trong chính quyền phiên trấn. Thành có tường cao và hào sâu bao bọc. Quanh thành là các xóm nhà riêng biệt cho từng giai cấp võ sĩ, thợ thuyền và nhà buôn. Xa hơn nữa là ruộng đồng, các làng có nhà ở của nông dân, và rừng núi của phiên trấn.

Tác phẩm của Fujisawa Shuhei là những nét chấm phá về sinh hoạt và tâm tình của những võ sĩ Nhật Bản trong thời đại Edo. Ông dựng lại những cảnh và người ấy như những hồi tưởng hoài hương về một chốn quê nhà, nguồn cội của tâm tình người Nhật Bản.

Vang rộn tiếng ve - Semishigure là truyện dài nổi tiếng nhất của Fujisawa Shuhei, đã được dựng thành kịch bản ca-vũ-nhạc, thành phim bộ ti-vi, và phim dài chiếu ngoài rạp.

Đây là chuyện đời thuở thanh xuân của một võ sĩ cấp thấp, có đủ cả: tình bạn, tình yêu, nghịch cảnh, phấn đấu, tài năng,... trong một xã hội thời bình nhưng không thiếu âm mưu, tranh chấp chính trị quyết liệt, đến tàn sát hay bức tử mổ bụng (harakiri).

Tình bạn của ba thiếu niên 15, 16 tuổi cùng học kinh sách chung trường và tập kiếm thuật chung, do hoàn cảnh và khả năng khác nhau đưa đến ba cuộc sống khác biệt, nhưng vẫn chia sẻ được với nhau những tò mò về đời sống, những trăn trở về tương lai.

Tình yêu, chỉ nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, nhưng vương vấn mãi dù năm tháng trôi qua, hay hoàn cảnh chia biệt, để khi gặp được nhau, lại rộn ràng sống lại mùa hè thuở ban đầu, lòng ngây ngất với tiếng ve vang rộn bốn bề.

Bối cảnh của câu chuyện là phiên trấn Unasaka hư cấu, nhưng được biết là mô hình trung thực của quê hương tác giả, phiên trấn Shonai thời Edo, ngày nay là bình nguyên Shonai, thị trấn Tsuruoka, tỉnh Yamagata.

"Semishigure" (Vang rộn tiếng ve) đã được dựng thành phim bộ trên đài ti-vi quốc gia Nhật Bản NHK năm 2003. Bộ phim này và nam tài tử chính (Uchino Masaaki) đều được Huy chương vàng ở Đại hội Phim Ti-vi tại Monte Carlo, năm 2004.

Kịch ca-vũ-nhạc "Wakaki hi no uta wa wasureji" (Bài ca thời thanh xuân thì không bao giờ quên được) trích từ truyện "Semishigure", đã được đoàn ca vũ toàn nữ truyền thống nổi tiếng Takarazuka biên soạn và trình diễn từ 1994.

Năm 2005, "Semishigure" lại được dựng thành phim dài chiếu ngoài rạp, với đạo diễn Mitsuo Kurotsuchi, và các tài tử Ichikawa Somegoro (vai Maki Bunshiro), Kimura Yoshino (vai Fuku).

Năm 2007, kịch nói "Semishigure" được Ðoàn kịch Shochiku Osaka trình diễn kỷ niệm 10 năm ngày mất Fujisawa Shuhei, và 10 năm rạp Shochiku Osaka.

Tác phẩm "Semishigure" (Vang rộn tiếng ve) đã được đăng lần đầu tiên trên báo chiều Yamagata từ tháng 7-1986 đến tháng 4-1987, và Bungei Shunju (Văn nghệ Xuân Thu) xuất bản năm 1988, cho đến nay đã tái bản trên 50 lần. Bản dịch này được thực hiện từ nguyên tác trong bản bỏ túi do Bungei Shunju tái bản lần thứ 51 tháng 12 năm 2006. Trong bản dịch, những hàng chữ nhỏ in nghiêng là chú thích của người dịch.

Hy vọng rằng tác phẩm này sẽ trình bày được với quý độc giả Việt Nam những hình ảnh thực về người võ sĩ - samurai Nhật Bản, cùng những nét gần gũi với hình ảnh kẻ sĩ Việt Nam, trong ý niệm đồng-văn Ðông Á.

Chúng tôi mong nhận được ý kiến, phê bình của quý độc giả, để có thể sửa đổi những chỗ sai sót, và thực hiện hoàn chỉnh hơn trong những lần xuất bản tới. Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.

Người dịch:
Phạm Vũ Thịnh
Sydney, 02-2008
t4phamvu@hotmail.com