Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 

Vang rộn tiếng ve - Semishigure 

Nguyên tác: Fujisawa Shuhei 
Bản dịch Việt ngữ© Phạm Vũ Thịnh 

Fujisawa Shuhei
Fujisawa Shuhei là một trong những tác gia nổi tiếng nhất Nhật Bản về truyện lịch sử, truyện samurai. Nhiều tác phẩm của ông đã được quay thành phim chiếu ngoài rạp và phim bộ ti-vi, được hâm mộ không chỉ ở Nhật mà còn trên khắp thế giới.

Fujisawa Shuhei tên thật là Kosuge Tomeji, sinh năm 1927, trưởng thành ở Tsuruoka thuộc tỉnh Yamagata địa phương Tohoku phía bắc Tokyo, ngày xưa là phiên trấn Shonai, được dùng làm mô hình tạo nên bối cảnh sinh hoạt địa phương thời Edo (thời Phủ Chúa Tokugawa) trong tác phẩm của ông.

Cha mẹ làm nghề nông nên từ nhỏ ông đã giúp và quen việc đồng áng. Sau này, nông thôn và nông dân được ông mô tả tỉ mỉ với tình cảm sâu đậm. Từ nhỏ, đã ham đọc sách, khi vào trường Sư phạm năm 1946, ông bắt đầu sinh hoạt văn học, làm báo chung với bạn bè cùng sở thích. Tốt nghiệp năm 1949, ông dạy Quốc văn ở trường trung học, và tiếp tục làm báo. Năm 1951, nhuốm bệnh lao phổi, phải nghỉ việc, và năm sau lên Tokyo trị bệnh, bị mổ bỏ phần trên của lá phổi bên phải. Trong thời gian này, ông tham gia hội thơ Haiku, vẫn cộng tác làm báo, và đọc nhiều sách, kể cả tiểu thuyết ngoại quốc, bồi dưỡng cơ sở cho hoạt động sáng tác sau này.

Từ 1957, ông làm việc cho các toà báo ở Tokyo, vì tình hình báo chí khó khăn nên đã phải đổi chỗ làm nhiều lần. Năm 1959, kết hôn với Miura Etsuko là người đồng hương trẻ hơn ông 8 tuổi. Từ 1960, vào làm ký giả cho báo Kinh tế Thực phẩm, nhưng lòng yêu thích văn chương không nguôi được, nên hễ có giờ rảnh thì sáng tác, thời kỳ đầu nhắm vào loại văn học thuần túy.

Năm 1963, sinh con gái đầu lòng, nhưng không bao lâu sau, vợ ông đột ngột bị bệnh mất. Trong sầu khổ, ông bắt đầu viết truyện lịch sử, truyện samurai; những tác phẩm đầu tiên có không khí bi ai và nhân vật nữ chịu số phận bi thảm. Những năm sau đó, ông liên tục gửi tác phẩm dự thi Giải Tác giả Mới của tạp chí văn học O-ru Yomimono. Từ 1965, ông dùng bút hiệu Fujisawa Shuhei.

Năm 1969, tái hôn. Năm 1971, ông được Giải Tác giả Mới của tạp chí văn học O-ru Yomimono, và năm sau đó, tác phẩm "Ansatsu no Nenrin" (Kinh lịch của kẻ ám sát) được Giải Naoki, giải thưởng Văn học cao quý nhất chung cho các thể loại văn học của Nhật Bản. Năm 1973, tập truyện đầu tiên của ông được xuất bản, năm sau, ông nghỉ việc ký giả, bắt đầu sáng tác toàn thời gian. Văn phong của ông định hình từ 1976 với lối mô tả tỉ mỉ, tình tự nồng nàn, có chút hài hước trong những cốt chuyện đoan trang tề chỉnh. Tác phẩm của ông dần dần được nhiều độc giả yêu thích, và từ 1978, ông được xếp chung với các tác gia hạng nhất của Nhật Bản về truyện lịch sử.

Thập niên 1980 là giai đoạn sung mãn trong sinh hoạt tác gia của Fujisawa Shuhei, nhiều kiệt tác liên tục xuất bản, trong đó có các tiểu thuyết "Uminari" (Biển gầm), "Semishigure" (Vang rộn tiếng ve),..., các tập truyện "Kakushiken Shufusho" (Kiếm ẩn trong gió thu), "Tasogare Seibei" (Võ sĩ hoàng hôn),... Từ 1985, ông liên tiếp được các giải thưởng lớn, như giải Văn học Yoshikawa Eiji (tác giả của tiểu thuyết lịch sử kiếm thuật nổi tiếng thế giới "Miyamoto Musashi"), giải thưởng Nghệ thuật của Bộ Văn hoá Giáo dục Nhật Bản, giải Kikuchi Kan cho công trạng cống hiến văn học, giải Văn học Asahi, giải thưởng văn hoá của thủ đô Tokyo,...

Năm 1995, ông được Nhật hoàng ban thưởng Huân chương (có dải băng) màu xanh chàm, dành cho người có công cống hiến cho lợi ích của công chúng, hay tận lực làm việc công cộng. (Honda Soichiro, Giám đốc sáng lập công ty Honda cũng là một người được ban thưởng Huân chương này.)

Năm 1996, bệnh viêm gan khởi từ việc tiếp máu trong những lần giải phẫu cũ nhiều năm trước, trở nặng, làm ông phải vào bệnh viện lắm lần. Tháng Giêng 1997, ông qua đời, hưởng dương 69 năm.

Từ 1980 đến nay, đã có khoảng 20 tác phẩm của Fujisawa Shuhei được dựng thành phim bộ ti-vi. Một số tác phẩm của ông đã được dựng thành kịch nói hoặc kịch ca-vũ-nhạc. Gần đây, lại có phong trào làm phim dài chiếu ngoài rạp, từ các tác phẩm của Fujisawa Shuhei, được nhiệt liệt yêu chuộng ở Nhật: "Tasogare Seibei" (Võ sĩ hoàng hôn) 2002, "Kakushiken Oni no Tsume" (Truyện Bí kiếm - Móng tay quỷ) 2004, "Semishigure" (Vang rộn tiếng ve) 2005, "Bushi no Ichibun" (Danh dự của người võ sĩ) 2006,... Các phim này cũng được khán giả yêu thích đặc biệt ở nhiều nước ngoài Nhật.

Tập truyện Fujisawa Shuhei được dịch và xuất bản ở các nước nói tiếng Anh là "Bamboo Sword and Other Samurai Tales" (Thanh kiếm tre, và các truyện samurai khác). Ông là một trong những tác gia Nhật Bản được nghiên cứu trong giáo trình của khoa Ngôn ngữ Á Châu ở Đại học Stanford, California, Mỹ.

Fujisawa Shuhei dùng biểu hiện văn học thuần túy trong tác phẩm của ông, không chú trọng lắm về quá trình tu tập kiếm pháp của nhân vật chính như trong loại truyện dã sử kiếm hiệp Trung Quốc, mà đặt nặng việc mô tả tâm lý nhân vật, nếp sinh hoạt và suy nghĩ của giới võ sĩ (samurai) Nhật Bản, tinh thần võ sĩ đạo trong bối cảnh thời Phủ Chuá Tokugawa là thời kỳ cuối cùng mà giai cấp võ sĩ được xem là cao nhất trong xã hội, ngay trước thời kỳ Minh Trị Duy Tân. Nhân vật chính của ông thường là các võ sĩ cấp thấp, sống trong tiết độ, tiết tháo, chịu cực khổ nhưng giữ trọn tinh thần, danh dự võ sĩ và tự hào về nếp nhà, trong một xã hội điên đảo vì tranh chấp chính trị còn nhiều tính chất phong kiến. Những người võ sĩ này sống âm thầm gần như cam phận mặc dù có tài năng về kiếm thuật mà họ không hề muốn phô trương, nhưng rồi cảnh ngộ, biến cố, cuối cùng đã bắt họ buộc lòng phải thi thố để làm cho đời sống của họ và của tầng lớp bị trị được bảo vệ hay cải thiện.

Đời người võ sĩ Nhật Bản thời Edo trải qua ba giai đoạn: ở nhà với cha mẹ, thừa kế nghiệp nhà, và quy ẩn. Nhưng đó là trường hợp cuộc đời trôi chảy song suốt của những người trưởng nam nối dõi mà thôi. Những đứa con trai thứ trong gia đình thì không có được phần số may mắn như thế. Bởi ngoài trưởng nam được thừa kế mà giữ nếp nhà, tất cả các con trai thứ đều phải kiếm chỗ đi làm rể nhà nào chỉ có con gái, hoặc vì sự tình gì đó muốn bắt rể về để tiếp tục giữ nếp nhà là võ sĩ thuộc hạ của Lãnh Chúa. Không khác gì các cô con gái chỉ dễ lấy chồng trong khoảng tuổi tươi trẻ nhất của đời mình, những người con trai thứ này cũng phải gắng làm sao để đi làm rể được nhà nào cần con rể nối dõi, trong khoảng tuổi từ 20 đến 26. Quá khoảng tuổi đó thì coi như khó có hy vọng gì thoát được cảnh tiếp tục sống bám vào nhà cha mẹ. Rất nhiều nhân vật chính của Fujisawa Shuhei chịu thân phận những người con trai thứ này, thuộc vào dòng phụ-lưu không ai thèm để ý bên cạnh dòng chính là những nếp nhà võ sĩ do con trai trưởng nối dõi. Dòng chính không chỉ nắm trọn địa vị cao quý trong xã hội mà còn nghiêm thủ các chuẩn mực đạo đức nho giáo và truyền thống võ-sĩ-đạo nữa. Bên cạnh đó, dòng phụ chỉ là cái bóng mờ, có làm được gì cũng không ai để ý đến. Fujisawa Shuhei cũng là một người con trai thứ, có lẽ một phần cũng vì lý do đó mà nhiều tác phẩm của ông chú tâm soi rọi vào những gương phấn đấu, những đóng góp đáng khâm phục từ những thân phận rủi ro như thế trong xã hội phong kiến thế tập. Điển hình là những nhân vật như Maki Bunshiro trong "Semishigure" (Vang rộn tiếng ve), Mizaki Shunsuke, Hattori Hannojo,... bọn 5 người trong "Ankokuken - Chidori" (Kiếm pháp Thiên điểu trong âm mưu đen tối thuộc tập truyện "Kakushiken Shufusho" - Kiếm ẩn trong gió thu),...

Cũng đóng góp to lớn cho gia đình, xã hội mà vẫn bị rẻ rúng như thế, còn là thân phận của người phụ nữ Nhật Bản nữa. Tác phẩm của Fujisawa Shuhei vẽ nên những hình ảnh đáng yêu quý của người đàn bà hết lòng thương yêu và hy sinh cho chồng con và anh em chồng. Điển hình như Takae mặc võ phục, chít khăn đầu, tất tả chạy trở về mong cho kịp cùng chiến đấu hay cùng chết với người chồng lúc vinh quang thì đã sinh rượu chè sa đoạ rẻ rúng vợ, bây giờ đang phải đối đầu với đối thủ cao tay trong trận quyết đấu chí tử. Hay Kayo xả thân chịu nhục nhã mong giúp được cho chồng bị mù vì tai nạn nghề nghiệp cố giữ lại nếp nhà cho chồng, đến nỗi bị lừa gạt thất thân và bị chồng đuổi đi, rồi cũng ráng quay về để tự tay mình âm thầm săn sóc chồng,... Tuy cũng có những nhân vật nữ thi thố tài năng kiếm thuật không kém gì nam giới, nhưng phần nhiều, người đàn bà trong tác phẩm của ông phát huy lợi khí riêng của phái nữ là sự hiền dịu, kín đáo, đức hy sinh, tình nghĩa và nhan sắc,... cũng sắc bén không kém gì lưỡi kiếm của võ sĩ.

Độc giả Việt Nam sẽ cảm thấy gần gũi với những câu chuyện thế thái nhân tình, tình nghĩa vợ chồng, tiết tháo của kẻ sĩ, sinh hoạt và cảnh trí nông thôn,... bên cạnh những đặc trưng Nhật Bản, trong tác phẩm của Fujisawa Shuhei.

Tham khảo:

[1]. Fujisawa Shuhei - Từ điển Bách khoa mạng Wikipedia

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E8%97%A4%E6%B2%A2%E5%91%A8%E5%B9%B3

[2]. Fujisawa Shuhei - Profile

http://www.shonai-nippo.co.jp/square/feature/fujisawa/profile.html

[3]. Fujisawa Shuhei - Outstanding japanese samurai fiction

http://ummagumma.wordpress.com/2007/04/13/fujiwara-shuhei-outstanding-japanese-samurai-fiction/

[4]. Abe Tatsuji: Bài giải thuyết cuối tập truyện "Kakushiken Koeisho" (Truyện Bí kiếm - Kiếm ẩn trong bóng người lẻ loi)

[5]. Semishigure - Từ điển Bách khoa mạng Wikipedia

http://wiki.d-addicts.com/Semishigure

[6]. Semishigure :

http://www.asahi-net.or.jp/~WF3R-SG/ntfujisawa2.html#semishigure