Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Nobuko là một thiếu nữ tài hoa. Khi còn là sinh viên ở một trường nữ đại học, cô đã nổi tiếng là văn hay chữ giỏi. Bạn cô hầu hết đều tin tưởng không sớm thì muộn cô sẽ trở thành một cây bút mới trong làng văn học. Trong trường có đứa bạn nói với mọi người rằng Nobuko đã viết trên ba trăm trang cho một truyện tiểu thuyết loại tự thuật. Thế nhưng khi Nobuko vừa mới ra trường thì cô đã phải trực diện với một sự tình phức tạp. Mẹ Nobuko góa chồng, vất vả nuôi hai chị em cô ăn học mà đứa em gái tên Teruko chưa học xong trung học. Trước mặt người mẹ tảo tần, Nobuko ít khi có thái độ ích kỷ cá nhân và bây giờ, theo như tập quán của xã hội cô không tránh khỏi việc phải nghĩ đến chuyện lập gia đình trước khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác!
Mùa Thu
AkiAkutagawa Ryunosuke - Nguyễn Ngọc Duyên dịch
Lời người dịch :
Tác phẩm Mùa Thu (Aki) được viết vào năm 1920, hai năm sau khi Akutagawa lập gia đình và đang làm việc cho nhật báo Mainichi với những điều kiện rất ưu đãi. Ông chỉ cần viết tiểu thuyết đăng trên báo mà thôi. Đây là bắt đầu thời kỳ ông viết về những đề tài xã hội đương thời nhưng đa phần mang tính chất tự thuật, yếm thế. Mùa Thu là một trong những sáng tác đó.
Câu chuyện dưới đây diễn tả những tình cảm phức tạp và tình tiết éo le của hai chị em cùng yêu một thanh niên, lồng trong cảnh sắc đẹp, yên tĩnh, u buồn của những mùa thu Nhật Bản. Qua Mùa Thu, có lẽ Akutagawa muốn gói ghém nỗi niềm của chính mình đối với một người con gái thường hay lui tới nhà ông nhưng cuối cùng cuộc hôn nhân đã không thành.
Bản dịch sau đây được dịch từ nguyên tác Nhật ngữ "Aki" đăng trên mạng aozora.gr.jp, có tham khảo bản dịch tiếng Anh "Autumn" của Eji Ukai và Eric. S. Bell cũng như bản dịch tiếng Việt "Mùa Thu" của Phong Vũ.
Cô có một người anh họ tên Shunkichi, một sinh viên học văn chương. Shunkichi cũng nuôi mộng trong tương lai sẽ trở thành một nhân vật trong chốn văn đàn. Từ lâu, cả hai là đôi bạn chí thân và vì cùng thích bàn chuyện văn học nên càng ngày họ càng thân nhau hơn. Cái khác với Nobuko là Shunkichi hoàn toàn không xem trọng trường phái Tolstoi [1] , hồi đó rất thịnh hành. Khi đối thoại, Shunkichi hay nói những lời lẽ châm biếm hoặc những câu cách ngôn dạy đời của Pháp. Thái độ giễu cợt và hời hợt này đôi khi đã làm phật lòng Nobuko, vốn tư chất nghiêm trang. Tuy nhiên, Nobuko không khỏi không cảm thấy ở những lời lẽ của Shunkichi có một cái gì không thể xem thường.
Do đó, khi còn là sinh viên, hai người thường rủ nhau đi xem triển lãm hoặc nghe nhạc. Những lần như thế, hầu như lúc nào cũng có Teruko bên cạnh. Cả ba cùng trò chuyện và cười đùa rất vui vẻ. Chỉ có Teruko đôi khi bị đặt ra ngoài vòng trò chuyện giữa Nobuko và Shunkichi nhưng cô không lộ một vẻ gì bất bình cả. Như đứa trẻ, cô vừa đi vừa ngắm mấy cây dù hay mấy tấm khăn choàng trưng bày ở các cửa hàng. Khi Nobuko nhận ra điều này, cô liền thay đổi đề tài để gợi Teruko nói chuyện lại như trước. Mặc dù vậy, Nobuko chính là người trước tiên quên rằng cô có cô em gái đang đi chơi chung với mình. Shunkichi thì như là vô ý với tất cả sự việc, vừa đi vừa giễu cợt vui vẻ, chậm rãi nghênh ngang trong dòng người qua lại tấp nập trên đường phố.
Tình cảm nồng thắm giữa Nobuko và Shunkichi đã khiến đám bạn cô tin chắc là hai người sẽ kết hôn với nhau. Bạn bè người thì ao ước có được một tương lai như Nobuko, kẻ thì sinh lòng đố kỵ. Đặc biệt, (điều thật là khôi hài là) người không biết Shunkichi thì càng ganh tị nhiều hơn. Nobuko khi thì đính chính, khi thì cố ý làm cho bạn cô ngầm hiểu đó là sự thật. Vì vậy, trước khi hai người tốt nghiệp, hình ảnh tương lai của Nobuko và Shunkichi như đôi vợ chồng mới cưới đã in đậm trong tâm trí của tất cả mọi người.
Khi Nobuko tốt nghiệp đại học thì hoàn toàn trái hẳn với dự tưởng của họ, cô đột nhiên lập gia đình với một thanh niên tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại và mới làm việc cho một công ty mậu dịch ở thành phố Osaka. Sau lễ cưới vài ngày, cô theo chồng đi Osaka. Theo lời người đi tiễn ở nhà ga Tokyo, Nobuko luôn mỉm cười vui vẻ như mọi khi, thỉnh thoảng an ủi vỗ về Teruko, ngày hôm ấy khóc sướt mướt không nguôi.
Tất cả bạn cô, không ai là không thắc mắc. Trong lòng họ, có tình cảm vui sướng và tình cảm ganh tị, một thứ ganh tị hoàn toàn khác với thứ ganh tị hai ba năm về trước, trộn lẫn vào nhau một cách kỳ diệu. Người tin cẩn thì nghĩ rằng cô đã chọn chữ hiếu mà phó mặc định mệnh cho người mẹ quyết định. Kẻ đa nghi thì cho rằng cô đã thay lòng đổi dạ. Họ cố tìm một lời giải thích thỏa đáng mặc dù họ thừa hiểu rằng những cách giải thích đó chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng. Tại sao Nobuko không kết hôn với Shunkichi? Câu hỏi này, khi các bạn cô gặp nhau, bao giờ họ cũng bàn tán sôi nổi như là một đề tài rất quan trọng. Tuy nhiên sau đó chừng vài tháng, họ không còn nhắc đến Nobuko nữa và quên luôn cả quyển tiểu thuyết trường thiên mà họ nghĩ là Nobuko sẽ cho ra đời.
Trong khi đó ở ngoại ô thành phố Osaka, Nobuko đang sống những chuỗi ngày đầy hạnh phúc. Căn nhà của vợ chồng cô nằm giữa một rừng thông yên tĩnh. Khi chồng cô đi làm vắng nhà, chỉ có mùi nhựa thông quyện với ánh sáng xuyên qua khung cửa sổ chiếm ngự bầu không khí tĩnh mịch nhưng đầy sinh khí của căn nhà mới hai tầng. Vào những buổi chiều cô đơn ấy, khi Nobuko cảm thấy lòng mình nặng trĩu, cô thường lấy ra một bức thư màu cam xếp dưới đáy một hộp đựng kim chỉ. Bức thư có những hàng chữ nhỏ đẹp:
" ...Chị ơi ! Hôm nay là ngày cuối cùng em được ở gần bên chị. Khi viết những dòng chữ này em không cầm được nước mắt chị ạ. Em xin chị. Em xin chị hãy tha thứ cho em. Em không biết nói làm sao trước sự hy sinh cao quý của chị. Em biết chị chấp thuận lời cầu hôn là vì em. Chị có nói là không phải thế, em cũng không tin. Em biết rất rõ. Chị có nhớ một đêm khi hai chị em mình đi xem kịch ở Đế Quốc Kịch Trường không? Chị hỏi em có yêu anh Shunkichi không. Rồi chị nói tiếp nếu em có yêu thì em hãy lấy anh ấy đi. Chị sẽ hết sức giúp. Khi ấy, chị đã đọc lá thư em gửi cho anh Shunkichi rồi phải không? Khi em biết mình mất lá thư đó, em đã hận chị. (Em xin lỗi chị, em không biết nói sao). Đêm ấy em đã hiểu những lời lẽ thân yêu của chị như là lời trêu chọc nên em không trả lời thẳng vào câu hỏi quyết định đó. Hai ba ngày sau, nghe tin chị vội vàng chấp thuận lời cầu hôn, em sững sờ cả người. Nếu có phải chết đi để xin lỗi chị, em cũng sẵn lòng. Chị cũng yêu anh Shunkichi! Đừng có giấu em, em biết rõ mà. Em biết chắc nếu không vì em, chị sẽ kết hôn với anh Shunkichi. Chị đã lặp đi lặp lại nhiều lần giữa chị và anh Shunkichi không có gì cả. Rồi bây giờ, chị lập gia đình với một người mà chị không yêu. Chị yêu dấu của em! Chị có nhớ em đã bảo gì với con gà con em ôm trong tay không? "Chào dì Nobuko đi. Ngày mai dì đi Osaka đó". Em muốn cùng con gà mà em nuôi xin lỗi chị. Hôm đó, mẹ không hiểu gì hết chuyện giữa hai chị em mình, cũng khóc.
Chị ơi ! Ngày mai chị sẽ đi Osaka rồi phải không? Chị nhớ đừng bao giờ bỏ Teruko, đứa em nhỏ của chị nhé. Mỗi sáng khi cho gà ăn, chắc em sẽ khóc thầm vì nhớ chị."Nobuko luôn ứa nước mắt khi đọc lá thư này. Nobuko nhớ lại hình ảnh rất dễ thương của Teruko, nhét vội vào tay cô lá thư khi cô sắp bước lên con tàu hỏa rời ga Tokyo. Có thật cô đã hy sinh hạnh phúc của mình như Teruko tưởng tượng hay không? Lòng hoài nghi sau khi hết khóc đã làm Nobuko cảm thấy bứt rứt nặng nề. Để thoát khỏi ý nghĩ tiêu cực đó, Nobuko tìm cách khuây khỏa bằng cách nhìn về phía rừng thông. Một chặp, ánh nắng dần dần đổi sang màu vàng báo hiệu trời sắp tối.
2
Trong vòng ba tháng đầu, như tất cả những cặp vợ chồng mới cưới, họ sống với nhau hạnh phúc. Người chồng là người ít nói nhưng tính tình thì hơi giống đàn bà. Mỗi ngày sau khi đi làm về và sau buổi cơm tối, anh ta luôn dành vài tiếng đồng hồ cho vợ. Nobuko vừa đan vừa kể cho chồng nghe những truyện tiểu thuyết hay những vở kịch đang làm sôi nổi dư luận. Câu chuyện của Nobuko, đôi khi có thêm một vài triết lý về nhân sinh quan, thường thấy ở những nữ sinh tốt nghiệp trường đại học thuộc hệ Thiên Chúa giáo. Người chồng, mặt đỏ vì men rượu, đặt tờ báo phát hành buổi tối đang đọc xuống đùi và chăm chú nghe cô nói một cách thích thú, nhưng tuyệt nhiên không góp thêm một ý kiến riêng tư nào cả.
Mỗi chủ nhật, họ thường đi du ngoạn ở ngoại ô thành phố Osaka. Những khi ở trên tàu điện, Nobuko đều nhận thấy người miền Kansai [2] không được lịch sự cho lắm ở chỗ họ ăn uống bất kể nơi chốn. Cô lấy làm hãnh diện với thái độ hòa nhã của người chồng, trông quý phái hơn một bậc. Nguời chồng ăn mặc chỉnh tề đẹp đẽ, từ cái mũ, bộ veste cho đến cả đôi giày da màu đỏ, trông rất thanh tao. Khi chồng cô ngồi giữa đám quần chúng địa phương, tất cả như tỏa ra một mùi thơm tinh khiết giống như mùi thơm từ cục xà phòng trang sức. Đặc biệt vào lúc nghỉ hè khi họ đi xa để viếng thăm maiko [3] và tình cờ gặp các bạn đồng nghiệp trong phòng trà đạo, Nobuko càng thấy hãnh diện hơn về chồng cô, nhưng cô lấy làm lạ về thái độ quá thân mật của người chồng đối với đám bạn tầm thường trong sở.
Không bao lâu, Nobuko nhớ lại việc sáng tác mà cô đã bỏ dở khá lâu. Vì vậy, mỗi ngày sau khi chồng đi làm vắng nhà, cô thường ngồi vào bàn vài tiếng đồng hồ để sáng tác. Khi người chồng biết cô viết văn, anh ta mỉm cười thông cảm: "Em sắp sửa trở thành một nữ văn hào rồi đấy". Thế nhưng dù ngồi vào bàn, Nobuko cũng không viết được bao nhiêu. Tay chống cằm, cô thả hồn theo tiếng ve sầu phát ra từ rừng thông trong bầu không khí oi ả của mùa hè. Cô không khỏi không cảm nhận thân phận cô trong tiếng ve sầu đó.
Vào một ngày đầu thu nhưng trời nóng nực trở lại, trước khi đi làm người chồng lục tìm một cổ áo sạch để thay cho cổ áo đã ướt mồ hôi. Nhưng không may tất cả đã được mang đi tiệm giặt. Người chồng quen ăn mặc sạch sẽ nên mặt cau lại. Khi thắt lại dây quần trên ngực, người chồng càu nhàu: "Viết tiểu thuyết hoài không lo việc nhà". Nobuko cúi mặt không trả lời, lo phủi bụi áo veste cho chồng đi làm.
Hai ba ngày sau vào một buổi tối, khi đọc báo thấy có vấn đề thực phẩm, người chồng lên tiếng yêu cầu Nobuko nên tằn tiện một chút. Rồi, anh ta nói thẳng thừng: "Nên nhớ em không còn là nữ sinh nữa đâu nhé". Nobuko đang thêu chiếc cà vạt cho chồng, chỉ trả lời một cách miễn cưỡng. Người chồng bồi thêm: "Cái cà vạt đó, mua còn rẻ hơn là làm". Nobuko càng làm thinh không nói một tiếng. Một chặp sau không thấy cô trả lời và cảm thấy nhàm chán, người chồng lấy một tạp chí thương mại ra đọc. Sau khi tắt đèn phòng ngủ, Nobuko nằm quay lưng lại với chồng khẽ nói: "Em sẽ không viết tiểu thuyết nữa đâu". Người chồng không trả lời. Một lát, cô lặp lại với một giọng nhỏ nhẹ hơn, rồi cô bật khóc. Người chồng trách móc cô vài ba câu rồi bảo cô im đi, nhưng tiếng khóc thút thít của cô vẫn không dứt. Một lát sau, Nobuko ôm chặt lấy người chồng.
Ngày hôm sau họ làm lành trở lại. Tưởng là mọi sự sẽ tốt đẹp từ đó nhưng có một đêm quá 12 giờ mà người chồng chưa về nhà. Tới lúc người chồng về thì anh ta nồng nặc mùi rượu và say lúy túy đến nỗi tự mình không cởi áo khoác ngoài được. Nobuko nhíu mày, tận tình thay quần áo cho chồng, nhưng đền bù cho cô là lời nói mỉa và nhỏ mọn như đàn bà: "Đêm nay anh mà không về nhà thì tha hồ em viết tiểu thuyết". Đêm ấy khi Nobuko vừa đặt lưng xuống ngủ thì tự nhiên nước mắt chảy giàn giụa. Nếu Teruko thấy Nobuko khóc như vậy, không biết cô em sẽ buồn và khóc làm sao. Đêm đó, Nobuko không tài nào ngủ được vì hơi thở nồng nặc mùi rượu của người chồng. Trăn trở, nhiều lần Nobuko gọi thầm tên người em: "Teruko ơi, Teruko! Chị chỉ biết tâm sự với em thôi".Sáng hôm sau, tự nhiên họ hòa thuận trở lại.
Khi những câu chuyện như thế tái diễn ngày nọ qua ngày kia thì trời đã vào giữa thu. Hiếm khi Nobuko ngồi vào bàn viết, mà người chồng cũng không còn thích thú nghe Nobuko kể chuyện văn chương như trước nữa. Mỗi đêm, đối diện nhau bên lò sưởi, họ chỉ còn biết giết thời giờ bằng những câu chuyện như thiếu hụt tiền bạc trong gia đình. Ít ra đây cũng là một đề tài hấp dẫn nhất đối với người chồng, sau khi anh ta xong buổi cơm tối và một chầu rượu. Thỉnh thoảng cô theo dõi sắc diện chồng với vẻ thương hại, nhưng người chồng không biết gì cả. Ngậm vài sợi râu để dài trong miệng và vui vẻ hơn hẳn mọi hôm, anh ta đăm chiêu nói: "Bây giờ chúng mình mà có con thì..."
Dạo đó, Nobuko thấy tên người anh họ xuất hiện trên những tờ nguyệt san. Sau khi lập gia đình, Nobuko cắt đứt mọi liên lạc thư từ với Shunkichi, như thể cô đã không còn muốn nhớ đến Shunkichi nữa. Thỉnh thoảng có những tin tức của Shunkichi như đã tốt nghiệp đại học ban Văn hay cùng một số bạn thân ra mắt một tạp chí thì là do các bức thư từ người em gái gửi đến. Tuy Nobuko không muốn biết thêm về Shunkichi mấy, nhưng khi thấy tên của Shunkichi trên những trang tiểu thuyết thì cô nhớ lại những ngày xưa. Nhiều lúc, Nobuko không nhịn cười một mình được khi đọc những trang do Shunkichi viết. Cũng một giọng điệu, vừa châm chọc vừa hài hước. Giống như Miyamoto Musashi [4] dùng hai thanh kiếm cùng một lúc. Có thể từ tiềm thức hay chăng, Nobuko cảm nhận trong những lời văn mỉa mai nhẹ nhàng của Shunkichi có tiềm ẩn một tâm trạng buồn chán, buông thả chưa từng có của người anh họ. Và cô không khỏi cảm thấy hối hận là đã suy nghĩ như vậy.
Từ dạo ấy, Nobuko trở nên chiều chuộng người chồng hơn trước. Những đêm thu lạnh, người chồng nhìn thấy Nobuko, ngồi bên kia lò sưởi lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Guơng mặt cô trông trẻ hơn trước và thường được trang điểm. Vừa may, cô vừa kể cho chồng nghe những điều cô nhớ khi hai người làm đám cưới ở Tokyo. Người chồng, ngạc nhiên và sung sướng trước những chi tiết đó: "Em còn nhớ cả những chuyện như thế à!". Bị chồng trêu, Nobuko không trả lời mà chỉ đưa mắt nhìn chồng tình tứ. Đôi khi cô cũng không hiểu tại sao cô lại nhớ dai đến thế.Không bao lâu, cô nhận một bức thư từ người mẹ báo tin đám hỏi của Teruko đã xong. Trong thư, mẹ cô viết thêm rằng Shunkichi đã tậu một căn nhà mới ở ngoại ô vùng Yamanote để đón Teruko về sống chung. Cô viết ngay một lá thư dài chúc mừng: "Vì nhà không có ai, rất tiếc chúng con không thể lên dự ngày cưới... ". Ngòi bút Nobuko khựng lại nhiều lần (cô không hiểu tại sao) khi cô viết những dòng chữ đó. Cô ngước mắt lên, rồi lại nhìn ra ngoài phía rừng thông. Những cây thông xanh rì và rậm rạp dưới bầu trời mới sang đông.
Đêm ấy, Nobuko cùng chồng bàn chuyện kết hôn của Teruko. Người chồng mỉm cười vui thích nghe Nobuko nhái giọng nói của cô em. Nhưng Nobuko lại có cảm tưởng là cô kể chuyện của Teruko cho chính cô nghe. Hai ba tiếng đồng hồ sau, vuốt bộ râu mềm mại, người chồng đứng dậy rời lò sưởi: "Thôi đi ngủ nhen". Suy nghĩ mông lung không biết tặng món quà gì cho người em và đang dùng đũa gắp than viết vài chữ trên đống tro, Nobuko đột nhiên ngước mặt lên nhìn chồng:
- Nhưng mà lạ thật. Khi nghĩ rằng mình có được một người em trai.
- Lẽ dĩ nhiên rồi. Mình có em gái mà.
Nobuko chỉ làm thinh, cặp mắt như suy nghĩ sâu xa lắm.
Giữa tháng Chạp, Teruko và Shunkichi làm đám cưới. Ngày hôm đó, trước trưa một chút, tuyết bắt đầu rơi lấm tấm, Nobuko ngồi ăn trưa một mình. Sau bữa cơm, mùi cá vẫn còn đọng trong miệng. Tựa mình vào lò sưởi trong phòng khách thiếu ánh sáng và trong tư thế bất động, Nobuko nghĩ: "Ở Tokyo, có lẽ tuyết cũng rơi chăng?" Tuyết rơi thật nhiều, nhưng mùi tanh của cá vẫn không bay khỏi miệng.
3
Mùa thu sang năm, sau một thời gian dài Nobuko có dịp cùng chồng đặt chân lên đất Tokyo, khi người chồng nhận lệnh của hãng đi công tác nơi đây. Vì phải hoàn tất nhiều việc trong một thời gian ngắn, người chồng chỉ đến thăm mẹ Nobuko qua loa. Ngoại trừ ngày ấy, cô không được chồng dẫn đi đâu cả. Khi đi thăm gia đình người em ở ngoại ô Tokyo, cô cũng phải đi một mình. Cô xuống tàu điện ở một ga cuối đường tàu, chung quanh là một khu đất mới. Cô gọi xe kéo rồi sau đó ngồi lắc lư trên con đường nhiều ổ gà dẫn đến nhà Teruko.
Nhà của họ nằm trong một khu phố sát vườn hành. Chung quanh ở đâu cũng là nhà mới, cất san sát chật hẹp, đúng như kiểu nhà cho thuê. Tất cả đều na ná giống nhau từ cái cổng có mái hiên che, hàng rào cho tới đồ giặt phơi trên sào. Phong cảnh nhà cửa tầm thường nầy đã làm cho Nobuko hơi thất vọng.
Khi Nobuko đến một nhà để hỏi thăm, không ngờ người ra tiếp cô chính là người anh họ. Khi thấy mặt người khách ít có dịp gặp được, Shunkichi reo lên, cũng một giọng linh hoạt như trước:
- Ối chà chà!
Nobuko nhận thấy Shunkichi không còn để tóc ngắn như thời sinh viên nữa. Cô chào lại:
- Lâu ngày quá.
- Vào nhà đi. Tiếc quá, chỉ có mình tôi thôi.
- Teruko đâu? Đi vắng hả?
- Teruko đi có việc. Người giúp việc cũng vậy.
Nobuko cảm thấy hơi ngượng. Cô cởi áo khoác ngoài có lớp vải lót bên trong đẹp sặc sỡ, rồi nhẹ nhàng đặt ở một góc thềm nhà.
Shunkichi mời cô ngồi trong một phòng rộng tám chiếu [5] , vừa là phòng đọc sách kiêm phòng khách. Trong phòng, sách vở chất ngổn ngang. Đặt biệt chung quanh một cái bàn nhỏ làm bằng gỗ tử đàn đặt bên cửa kéo, có nắng chiều rọi xuống thì còn tệ hơn nữa. Báo, tạp chí rồi bản thảo bừa bãi đến nỗi không còn muốn dọn dẹp. Chỉ có một món đồ duy nhất trong phòng nói lên sự hiện hữu của người vợ trẻ là một cây đàn koto [6] dựng bờ tường, cạnh phòng ngủ. Nobuko không ngừng quan sát căn phòng với cặp mắt hiếu kỳ.
Shunki châm lửa thuốc điếu, nhìn Nobuko với cặp mắt thân thiện:
- Qua thư từ, mình biết Nobuko sẽ đến thăm, nhưng không nghĩ là ngày hôm nay. Sao? Sinh hoạt ở Osaka như thế nào?
- Còn anh Shunkichi thì sao? Hạnh phúc chứ?
Trong khi trao đổi dăm ba câu, Nobuko ý thức tình thân ái của những ngày xưa đang trỗi dậy trong lòng cô. Cô không còn e ngại lắm về chuyện cô đã không trao đổi thư từ hơn hai năm nay.
Cùng để tay trên lò sưởi, hai người nói đủ thứ chuyện, như tiểu thuyết của Shunkichi, tin tức bạn bè, so sánh giữa Tokyo và Osaka v.v... Giữa họ có rất nhiều chuyện để nói, nói bao nhiêu cũng không hết. Tuy nhiên, như là đã giao ước từ trước, hoàn toàn họ không đề cập đến những vấn đề liên quan đến cuộc sống riêng tư. Điều này đã tạo cho Nobuko có cảm tưởng mạnh là cô đang nói chuyện với người anh họ mà thôi.
Tuy nhiên, im lặng cũng thỉnh thoảng đến giữa hai người. Khi đó, Nobuko mỉm cười, cúi mặt nhìn xuống đống tro tàn dưới lò sưởi. Có vẻ cô đang âm thầm chờ đợi một điều gì (mặc dù nói là chờ đợi cũng không đúng hẳn). Không hiểu ngẫu nhiên hay cố ý, Shunkichi liền tìm ngay một đề tài để phá tan bầu không khí yên lặng. Lần lần, Nobuko không khỏi không ngước nhìn lên gương mặt người anh họ. Nhưng Shunkichi chỉ bình thản hút thuốc, không tỏ ra đặc biệt che giấu một tình cảm không tự nhiên.
Một chặp sau, Teruko trở về nhà. Vừa thấy mặt chị, Teruko mừng rỡ nắm tay Nobuko còn Nobuko thì mỉm cười nhưng mắt đã ngấn lệ từ bao giờ. Hai chị em vồn vã hỏi thăm nhau sinh hoạt từ năm ngoái, trong một thời gian dài mà không màng gì đến Shunkichi. Teruko tươi tắn, đôi má ửng hồng màu máu, đã không quên kể cho người chị nghe chuyện con gà nuôi từ trước đến nay. Ngậm điếu thuốc trong miệng, Shunkichi nhìn hai chị em, cười hề hề một cách thích thú.
Khi đó, người giúp việc cũng vừa về tới. Được trao cho mấy tấm bưu thiếp, Shunkichi vội vã ngồi ngay vào bàn, rồi bắt đầu viết phúc đáp. Teruko thấy làm lạ khi nhận ra người giúp việc cũng vắng nhà:
- Vậy là khi chị đến đây, không có ai ở nhà à?
Nobuko lấy vẻ bình tĩnh trả lời:
- Ờ, chỉ có anh Shunkichi.
Tức thì, Shunkichi quay lại phía Teruko nói:
- Cám ơn chồng đi. Trà đó là do anh rót đấy.
Teruko đưa mắt nhìn cô chị tinh nghịch cười khúc khích, như cố ý không thèm trả lời chồng.
Sau đó, Nobuko bắt đầu dùng cơm tối với vợ chồng cô em. Teruko giải thích tất cả trứng gà trên bàn ăn đều là do con gà cô nuôi đẻ ra. Shunkichi vừa rót rượu vang mời Nobuko, vừa lý sự: "Cuộc sống của loài người có sự bóc lột trong đó. Bắt đầu từ chuyện nhỏ như quả trứng gà". Một nhận xét có tính cách chủ nghĩa xã hội, nhưng điều trớ trêu là Shunkichi là người thích ăn trứng gà nhất trong ba người ngồi ở bàn ăn. Nghe chồng nói, Teruko bật cười giòn giã, tiếng cười trong trẻo như trẻ con, cho rằng đó là điều khôi hài. Trong không khí chung quanh bàn ăn như thế, Nobuko không khỏi không nhớ lại những buổi hoàng hôn trên phòng khách cô đơn của cô trong khu rừng thông xa xôi.
Sau phần tráng miệng bằng trái cây, câu chuyện vẫn chưa dứt. Đêm dài duới bóng đèn điện, ngà ngà vì men rượu Shunkichi vừa ngồi tréo chân vừa thao thao bất tuyệt với những ngụy biện độc đáo của anh ta. Cuộc đàm luận sôi nổi làm Nobuko trẻ lại. Cô mắt sáng lên:
- Tôi cũng sẽ xuất bản tiểu thuyết. Được chứ?
Người anh họ không trả lời, tiếp tục dẫn chứng câu nói của Gourmont:
- Thần Muses [7] là nữ thần nên chỉ có nam giới là có thể tự do sử dụng họ như tù binh mà thôi.
Nobuko cùng Teruko không chấp nhận uy tín của Gourmont, trở thành đồng minh. Teruko làm nghiêm nói:
- Như vậy, nếu không phải là nữ giới thì không thể trở thành nhà âm nhạc hay sao? Thần Apollo không phải là đàn ông chăng?
Đêm tối quá khuya, Nobuko phải ngủ lại. Trước khi đi ngủ, Shunkichi mở một cánh cửa rồi bước ra ngoài vườn nhỏ, bộ đồ ngủ còn mặc trên người. Sau đó, gọi trống không: "Nào ra xem trăng đi. Trăng đẹp lắm". Nobuko đặt chân vào đôi guốc để ngoài vườn rồi một mình theo chân Shunkichi. Sương lạnh thấm vào chân không mang tất. Mặt trăng chênh chếch trên nhánh cây bách èo uột ở góc vườn. Đứng dưới cây bách, người anh họ ngắm nhìn bầu trời lờ mờ ánh trăng. Nobuko rụt rè tiến đến gần Shunkichi, cảm thấy khó chịu trước cảnh xơ xác của khu vườn:
- Cỏ dại mọc nhiều quá.
Tuy nhiên Shunkichi chỉ ngước mặt nhìn bầu trời, nói nhỏ:
- Đêm mười ba rồi nhỉ.
Im lặng giữa hai người. Một chặp sau, Shunkichi quay lại nói với Nobuko:
- Đi xem chuồng gà không?
Nobuko im lặng gật đầu. Hai người sánh vai, chậm rãi đi về phía chuồng gà, ở một góc đối diện với cây bách. Tuy nhiên trong chuồng hôi mùi gà chỉ có ánh trăng nhạt và bóng tối xen kẽ với nhau. Shunkichi ngó vào chuồng gà rồi nói nhỏ với Nobuko như thể nói một mình:
- Ngủ mất rồi.
Nobuko đứng yên trong sân cỏ, chạnh nghĩ:
- Những con gà bị người ta ăn cắp trứng...
Khi hai người trở vô nhà thì thấy Teruko ngồi bên bàn viết của chồng cô, thẫn thờ nhìn bóng đèn điện. Một con châu chấu màu xanh bò bên trong chụp đèn.
4
Sáng hôm sau, Shunkichi bận một bộ veste bóng láng duy nhất rồi vội vã bước ra khỏi nhà sau khi ăn cơm xong. Shunkichi nói anh phải đi thăm mộ người bạn, mất cách đây đúng một năm. Vừa mặc thêm áo ngoài, vừa căn dặn Nobuko: "Nobuko nhớ nhé. Phải ở nhà chờ tôi đấy. Chắc chắn tôi sẽ về trước trưa". Đưa bàn tay thon đẹp cầm nón hộ cho Shunkichi, Nobuko chỉ im lặng mỉm cười.
Sau khi tiễn chồng, Teruko mời người chị ngồi bên lò sưởi rồi ân cần rót trà. Teruko kể đủ thứ chuyện, nào chuyện bà hàng xóm, chuyện ký giả đến phỏng vấn, chuyện hai vợ chồng đi xem kịch ở nước ngoài v.v... và rất nhiều chuyện vui khác. Nhưng Nobuko chỉ thấy buồn chán. Khi sực tỉnh thì thấy ở đó có cô, người lúc nào cũng chỉ trả lời ừ hử cho qua chuyện. Điều này rốt cuộc đập vào mắt Teruko. Người em nhìn thẳng vào mắt người chị, lo lắng: "Chị làm sao thế?" Nobuko cũng không hiểu rõ hôm nay cô ra làm sao.
Khi đồng hồ điểm mười giờ, Nobuko mệt mỏi đưa mắt lên nói: "Anh Shunkichi chắc không về sớm được đâu nhỉ". Nghe người chị nói, Teruko cũng ngước mặt nhìn đồng hồ rồi thản nhiên nói: "Chưa đâu". Nobuko cảm nhận trong câu nói đó tâm trạng của người vợ mới cưới đang sống thật hạnh phúc trong tình yêu chồng vợ. Nghĩ thế rồi Nobuko không khỏi không cảm thấy u buồn.
Nobuko kéo áo che cổ lại rồi nói như nói đùa: "Em Teruko hạnh phúc nhỉ". Giọng cô nói mang âm hưởng xuất phát một cách tự nhiên từ một ao ước chân thật, muốn được hạnh phúc như cô em. Tuy nhiên, Teruko chỉ bình thản vui vẻ mỉm cười, làm ra vẻ trừng mắt giận: "Chị nhớ đấy". Rồi với giọng ngọt ngào: "Chị cũng hạnh phúc vậy. Nói chi chuyện người khác!" Câu này đập thẳng vào Nobuko.
Nhuớng chân mày, Nobuko hỏi lại: "Em nghĩ thế à? ". Hỏi lại, rồi hối hận. Teruko biến sắc một lát, nhìn mặt người chị. Gương mặt không che giấu được nỗi hối hận trong lòng. Nobuko gượng mỉm cười: "Được nghĩ như vậy thì cũng là hạnh phúc rồi phải không?"
Im lặng đến giữa hai chị em. Dưới tiếng đồng hồ đánh tích tắc, hai chị em làm như đang lắng nghe tiếng hơi nước xì xì từ ấm nước treo trên lò sưởi. Một chặp, Teruko nhỏ nhẹ hỏi, giọng lo lắng và với vẻ tội nghiệp: "Anh không đối xử tử tế với chị sao?" Nobuko không thích được ai thương hại, cô đặt tờ báo xuống đùi rồi cúi mặt xuống cố ý không trả lời. Cũng như ở Osaka, tờ báo đăng tin giá gạo đang leo thang.
Khi đó, trong phòng khách yên tĩnh tiếng khóc thút thít nho nhỏ vang lên. Nobuko ngừng đọc, thấy Teruko úp mặt vào vạt áo, ngồi khóc bên kia lò sưởi: "Thôi, đừng khóc nữa." Teruko vẫn không nguôi dù được chị an ủi. Nobuko vừa cảm một niềm sung sướng tàn nhẫn, vừa nhìn đôi vai rung rung của cô em một chặp mà không nói. Một lúc sau, để người giúp việc khỏi nghe, Nobuko nói khẽ bên tai Teruko: "Nếu chị làm em buồn thì chị xin lỗi em thôi. Em Teruko có được hạnh phúc thì không gì làm chị vui suớng hơn. Thật mà. Nếu anh Shunkichi thương Teruko thì...". Trong khi nói, giọng Nobuko dần dần trở nên xúc động vì chính lời nói của cô. Khi đó, đột nhiên Teruko để vạt áo xuống, gương mặt đầm đìa nước mắt. Điều lạ là cặp mắt cô không lộ vẻ buồn cũng không lộ vẻ giận. Mắt cô sáng rực lên như lửa cháy vì không kiềm chế được cơn ghen: "Nói vậy tại sao đêm qua chị, chị cũng..." Chưa nói hết câu, Teruko lại úp mặt vào tay áo rồi khóc nức nở....
Sau chừng hai ba tiếng đồng hồ, Nobuko vội vã gọi chiếc xe kéo rồi hướng về phía nhà ga. Quang cảnh lọt vào mắt cô chỉ là qua một miếng nhựa trong, vuông nho nhỏ phía trước. Những ngôi nhà cuối phố, những hàng cây bách mọc loạn xạ, nhiều màu sắc, chậm chạp nhưng liên tục lui về phía sau. Nếu có cái gì không di động thì đó chỉ là một bầu trời của mùa thu giá lạnh, lửng lơ với những đám mây mỏng mà thôi.Lòng cô thanh thản. Một sự dứt khoát cùng với một tâm trạng buồn cô đơn đang chi phối tâm hồn cô. Sau khi Teruko nguôi cơn khóc, những lời lẽ hòa giải và những giọt nước mắt mới đã dễ dàng biến hai chị em trở lại hòa thuận như trước. Tuy nhiên, những sự việc đã xảy ra cho đến bây giờ không rời khỏi trí não cô, vì sự thật vẫn là sự thật. Khi Nobuko đặt mình ngồi trên chiếc xe kéo mà không đợi người anh họ trở về, thì cô nghĩ rằng từ đây và mãi mãi về sau cô đã trở thành một người xa lạ với em cô. Và tâm tình đó đang đóng băng cứng nhắc trong lòng cô.
Đột nhiên, Nobuko ngước mặt lên. Qua khung nhựa, cô thấy hình dáng của Shunkichi, tay cầm gậy đang đi về phía cô trên con đường khá dơ bẩn. Lòng cô dao động. Ngừng xe ư. Hay đi qua luôn. Trong khi cô không biết xử trí ra sao, thì khoảng cách giữa Shunkichi và cô càng lúc càng ngắn. Anh ta vừa đi vừa cố tránh các vũng nước trên đường, dưới bầu trời nhạt nắng.
Suýt chút nữa thì Nobuko đã kêu lên: "Anh Shunkichi!". Thật ra khi đó, dáng dấp quen thuộc của Shunki đã xuất hiện sát bên cạnh chiếc xe của cô. Cô lại do dự. Rồi Shunkichi, không biết có Nobuko ngồi trong xe, đi qua chiếc xe. Dưới bầu trời hơi u ám, chỉ có những căn nhà thưa thớt, những cây bách cao màu vàng, rồi một khu ngoài phố, ít người đi lại.
Trong chiếc xe kéo lành lạnh, Nobuko cảm một nỗi buồn tê tái và thấm thía nghĩ rằng: "Mùa thu rồi".
Nguyễn Ngọc Duyên dịch
[1] - Lev Nikolaevich Tolstoi (1828 - 1910): tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nga , thuộc giai cấp quý tộc, đã để lại cho hậu thế những kiệt tác như Chiến tranh và hòa bình, Phục sinh...
[2] - Osaka và các vùng phụ cận như Kyoto, Hiroshima
[3] - Những thiếu nữ thực tập để trở thành geisha - những phụ nữ chuyên nghiệp giúp vui khách ở các quán ăn sang trọng hoặc ở những phòng trà đạo. Họ phải có khả năng ngâm thơ, múa, hát, hầu chuyện v.v...
[4] - Kiếm sĩ lừng danh Nhật Bản (1584 - 1645), phát minh nitoryu, phương pháp sử dụng hai thanh kiếm. Ông còn là một họa sĩ vẽ tranh mực tàu.
[5] - Tatami, tấm cói hình chữ nhật, khổ 180 cm x 90 cm, dày khoảng 5 cm, dùng để lót sàn cho các nhà gỗ Nhật Bản. Tatami còn được dùng làm đơn vị đo lường diện tích căn phòng (thí dụ phòng 4 chiếu rưỡi, phòng 6 chiếu v.v...)
[6] - Nhạc cụ truyền thống Nhật Bản, 13 dây, khi đánh ra có âm điệu giống như đàn tranh Việt Nam.[7] - Chín nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, ngự trị văn chương, nghệ thuật và khoa học.
[ Trở Về ]