Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
THƠ WAKA TRĂM NHÀ
(Hyakunin Isshu)
*
Thiên nhiên và luyến ái trong cổ thi Nhật Bản
*
Fujiwara no Teika biên tập
Nguyễn Nam Trân dịch chú
III - Dịch Chú và Bình Luận Dịch, chú và bình luận từng bài một với các mục chính:
a- Nguyên vănCách chia thành năm phần là do người dịch tùy tiện đặt ra để trình bày cho sáng sủa và tiện lợi trong việc đăng tải, không liên quan gì đến nguyên tác.
b- Phiên âm.
c- Diễn ý
d- Thoát dịch ra thể thơ Việt Nam (theo hai thể ngũ ngôn và lục bát).
e- Tiểu truyện tác giả và hoàn cảnh sáng tác.
f- Thưởng ngoạn và bình phẩm.
g- Dư hứng (Hán dịch, Anh dịch và giai thoại).
Phần I (Bài 1 đến 20)
Bài số 1: Thơ Thiên hoàng Tenji 天智天皇 a) Nguyên văn:
秋の田の
仮庵の庵の
苫をあらみ
わが衣手は
露にぬれつつb) Phiên âm:
Aki no ta no
Kario no io no
Toma wo arami
Wa ga koromode wa
Tsuyu ni nuretsutsuc) Diễn ý:
Bên bờ ruộng thu (vào mùa lúa chín),
(Lều là) túp lều cất tạm để canh thú rừng phá hoại.
Mái lợp gianh sơ sài nên sương khuya từ từ nhỏ giọt,
(Làm ta chợt thấy lạnh vì) ống tay áo,
Đã thấm ướt không biết tự hồi nào.d) Dịch thơ:
Vào thu đồng lúa chín,
Chòi canh, mái lợp thưa.
Chợt nhìn ống tay áo,
Sương thấm lạnh bao giờ!
(ngũ ngôn)Ruộng thu lều tạm mái thưa,
Tay áo người để sương khuya thấm dần.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Gosen-shuu (Hậu tuyển tập), quyển 6, thơ thu, phần trung, bài số 302.
Tác giả: phỏng định là Thiên Hoàng Tenji (Thiên Trí, 626-671).
Ông là vị thiên hoàng thứ 38 trong lịch sử Nhật. Con thứ hai Thiên Hoàng Jomei và nữ Thiên Hoàng Kôgyoku, ngày còn trẻ, Tenji có tên là hoàng tử Naka no Ôe (Trung Đại Huynh). Đã cùng với bầy tôi là Fujiwara no Kamatari lật đổ họ Soga, thực tiện cuộc đổi mới năm Taika (Đại Hóa) và thiên đô về vùng Ômi (tỉnh Shiga ngày nay). Thơ của ông có chép trong Man.yôshuu, các tập 13, 14 và 15. Mất năm 46 tuổi, trị vì từ 668 đến 671.Ông có bài thơ vịnh Đại Hòa Tam Sơn nói về mối tình tay ba giữa mình, cậu em trai (Thiên Hoàng Tenmu) và công chúa Nukata.
Nguyên bài này đã có trong quyển 10 (bài thứ 2.178) của Man.yô-shuu, với nội dung khang khác, và chỗ tên tác giả ghi là "không rõ" (yomibito shirazu) có lẽ là một câu ca dao nói về sương khuya. Được truyền khẩu lâu năm, nó mất dần hình ảnh về nỗi khó nhọc đồng áng của người nhà nông trong nội dung, chỉ có cảm giác mùa thu tiêu sơ là còn đọng lại.
Rốt cuộc khi đưa vào Gosen-shuu (Hậu Tuyển tập), bài thơ được xem là một "ngự chế" của Thiên Hoàng Tenji (bài số 2.001, thơ thu, phần trung). Phải chăng vì Thiên Hoàng Tenji đã khai sáng ra triều Heian và là một thiên hoàng vĩ đại trong lịch sử Nhật Bản nên người ta muốn nối kết bài thơ với hình ảnh ông vua lý tưởng biết thương dân chăng?
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Phong cảnh đồng quê tịch mịch vùng Asuka một chiều cuối thu.
Nói chung, các nhà bình luận thường cho rằng trong bài Aki no ta no này, thiên hoàng Tenji (nếu thực sự là tác giả) đã đặt mình vào cảnh ngộ của nhà nông qua đêm trong vựa chứa lúa đặt tạm giữa ruộng vào vụ gặt đề phòng thú rừng phá hoại để vịnh kiếp sống gian khổ của họ, khi mà những giọt sương khuya thấm áo cũng có thể là nước mắt:
Bài thơ tả cảnh cánh đồng một ngày giữa mùa thu, thê lương tịch mịch. Chữ lều tạm ( 仮庵 kariiho đọc nuốt âm thành kario) và chữ bông lúa đã gặt ( 刈穂 kariho) chồng lên nhau thành ra 刈穂の庵 kariho no io theo kỹ thuật kake-kotoba (chữ đa nghĩa). Tuy nhiên, theo thi hào Teika, bài này xứng đáng tiêu biểu cho loại waka u huyền bởi vì để lại dư vị sâu lắng, nói được những điều ở ngoài từ ngữ.
Nữ thi sĩ Baba Akiko xem việc đưa một bài thơ gán cho một thánh quân sáng nghiệp, đã rút quân khỏi Triều Tiên và chấn chỉnh nền móng triều đình, lên đầu quyển sách là chuyện đương nhiên trong xã hội cổ xưa. Người chủ biên Teika không thể làm khác. Huống chi nông nghiệp là nền tảng của kinh tế trong nước. Nhật Bản thời mới lập quốc chẳng được xưng tụng là Mizuho no kuni (nước của bông lúa thiêng) là gì? Như thế, sự quan tâm của nhà vua đến nông vụ có thể giải thích được. Nhà bình luận Shirasu Masako cho rằng bài này chính là bài thơ số 2174 bắt đầu bằng câu Akita karu kariho chép trong tập thứ 10 của Man.yôshuu, nhưng vì âm vận trúc trắc, khó lòng đọc mà không vấp váp, nên nó đã được nhiều bàn tay gia công sửa chữa, không biết tự lúc nào đã trở thành lưu loát. Shimazu Tadao cho rằng thuyết này đã bắt nguồn từ học giả quốc học Kamo no Mabuchi (1697-1769), đến nay được nhiều người cho là hợp lý.
g) Dư Hứng:
Hán dịch:
Thu Dã
Thu nhật điền dã gian,
Am ốc sơ tháp tựu
Phúc cái thảo tịch sơ
Lãnh lộ thấp sam tụ.Anh dịch:
My lowly hut is thatched with straw
From fields where rice-sheaves frequent stand,
Now autumn's harvest well-night o'er,
Collected by my toiling hand:
Tatter'd roof the sky I view,
My clothes are wet with falling dew..Nhân vì Thiên Hoàng Tenji, người được xem là tác giả tác bài thơ đầu tiên cửa thi tập này, xưa từng dời đô về vùng Ômi nên kể từ năm 1940 (Shôwa 15), các cuộc thi bốc quân bài Hyakunin Isshu toàn quốc được tổ chức ở đền thần tỉnh Ôtsu (Ômi Jinguu) trong vùng. Riêng về lý do những cuộc thi tài nói trên, xin xem lời giải thích trong bài Bạt cuối sách.
Bài số 2: Thơ Nữ thiên hoàng Jitô 持統天皇 a) Nguyên Văn:
春過ぎて
夏来にけらし
白妙の
衣干すてふ
天の香具山b) Phiên Âm :
Haru sugite
Natsu kinike rashi
Shirotae no
Koromohosu tefu
Ama no Kaguyamac) Diễn Ý :
Mùa xuân đi qua mất rồi,
Mùa hạ hình như đã đến thì phải.
Áo ai đem ra phơi trắng
Trên ngọn núi Kagu linh thiêng.d) Dịch thơ:
Mùa xuân đi qua rồi,
Hạ cũng vừa đến nơi.
Trên Kagu lớp lớp,
Áo phơi trắng núi đồi.
(ngũ ngôn)Xuân vừa đi hạ đến rồi,
Áo ai phơi trắng núi đồi Kagu.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Shin Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập), quyển 3, thơ mùa hạ, bài số 175.
Tác giả: tương truyền là Nữ Thiên Hoàng Jitô (Trì Thống, 646-702).
Bài thơ vịnh cảnh dân chúng đem áo vải thô màu trắng ra phơi giữa nền xanh lục của ngọn núi Kaguyama khi trời mới vào hè, nói lên được sự nhạy cảm của người Nhật thời cổ trước những biến chuyển của thiên nhiên. Nó tương tự bài ca gốc mang số 28 trong Man.yôshuu và chỉ khác đôi chút.
Về việc bài thơ này có phải của bà hay không thì vẫn còn nhiều nghi vấn nhưng nội dung của nó cũng không ngoài mục đích ca tụng các vua hiền, hết cha (Tenji) đến con (Jitô). Theo hình ảnh gợi ra ở đây, bà là một vị quân chủ biết hòa mình với đời sống của người thường dân, một buổi sáng đứng từ cung điện Fujiwara nhìn ra cảnh núi non một thời thái bình và tức cảnh sinh tình.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Mùa hạ vừa đến mang đến cho cảnh vật màu trắng và màu lục tươi mát.
Ở vùng Yamato (Đại Hòa), nay thuộc Nara có ba ngọn núi Unebi, Miminashi và Kagu, (cao 148m) gọi là Đại Hòa Tam Sơn. Chính ra đó chỉ là ba quả đồi nhưng có vai trò rất quan trọng trong tâm hồn người Nhật cổ xưa vì nó kết hợp với bao nhiêu truyền thuyết linh thiêng. Theo Suzuki Tadao, cảnh "áo trắng đem phơi" (shirotae no koromohosu) theo lời chú thích đã có từ xưa, không phải là cảnh thực mà chỉ là ví dụ. Nhà biên tập Teika trong Shuui Guusô (Thập Di Ngu Thảo, 1216) của mình cũng có bài thơ nói đến hoa u no hana (tiếng Anh là deutzia, một loài bên trên cánh màu trắng, bên dưới xanh) nở trên hàng dậu như áo trắng đem phơi. Do đó Suzuki chủ trương đây chỉ là một vần thơ sử dụng thể Tỉ (so sánh hoa với áo) mà thôi.
Các nhà chú giải khác không nhắc tới quan điểm độc đáo của Suzuki Tadao mà chỉ đơn thuần nghĩ về cảnh "áo trắng đem phơi". Áo trắng (shirotae no komo) ở đây tuy viết là "bạch diệu" (áo màu trắng mỹ miều) nhưng chỉ là một từ trang sức vì nó vốn là một loại vải tầm thường tướt từ vỏ cây 梶kaji non và có màu trắng, được dân chúng yêu chuộng. Shirotae no là chữ gối đầu (makura-kotoba) khi nói về những vật màu trắng như áo (koromo), ống tay (sode) , tay áo (tamoto), giải thắt (himo), tuyết (yuki), mây( (kumo)... Còn cụm từ Ama no Kaguyama muốn ví ngọn Kagu như núi thiêng (thần sơn) tự trời cao xuống nhưng cũng chỉ là một hình thức tu từ. Trong tâm thức người Nhật, màu trắng nói ở đây là màu sắc có tính tôn giáo, màu của cô đồng (miko), của thần đạo. Kaguyama (Hương Cụ Sơn) cùng với Minebiyama (Mẫu Bàng Sơn) và Miminashiyama (Nhĩ Thành Sơn) đã họp nhau lại thành ba ngọn thần sơn. Tuy nhiên, nữ sĩ Shirasu Masako cho rằng không nên nghĩ xa xôi đến thế. Màu trắng chỉ là màu thường dân thời ấy hay mặc, chung quanh Kaguyama lại có những người Triều Tiên (chuộng màu trắng) vượt biển qua sinh sống nữa.
g) Dư Hứng:
Hán dịch:
Xuân Phương Tiên Tiên [4] Khứ
Xuân phương tiên tiên khứ,
Hạ hựu đáo nhân gian.
Bạch y vô số điểm,
Lượng[5] mãn Hương Cụ Sơn.Anh dịch:
The pleasant spring hath passed away,
Now summer follows close, I ween,
And Ama's secret summit may
In all its grandeur now be seen;
Of yore the drying ground,
Whitened with angels' robes, spread far around.
Nữ thiên hoàng Jitô là công chúa thứ hai, con thiên hoàng Tenji đã nói ở trên. Bà là hoàng hậu của Thiên Hoàng Tenmu, thực ra ông là vai chú của bà. Khi chồng mất, bà buộc con riêng của chồng là hoàng tử Ốtsuu (Đại Tân) vào tội mưu phản và xử tử. Tuy nhiên vì con ruột của bà là hoàng tử Kusakabe mất sớm, bà tự lên ngôi và thiên đô về Fujiwara. Trị vì 8 năm, nổi tiếng là người cứng rắn nhưng đức độ. Lúc chết, khi hỏa táng, được mọi người khóc than thương xót. Bà thường cùng quần thần (có cả đại thi hào Kakimoto no Hitomaro) tuần du vùng Yoshino nhiều phong cảnh đẹp và những nơi khác nên vua tôi có dịp làm nhiều thơ. Thời bà trị vì là một cao điểm của thơ Waka. Giỏi về chính trị nên đã giúp chồng thoát hiểm trong việc tranh ngôi với người cháu (Hoàng Tử Ôtomo sau là Thiên Hoàng Kôbun) của chính bà mà sử gọi là loạn năm Nhâm Thân (Ninjin no ran, 672). Bà có làm nhiều thơ theo thể banka (vãn ca) than khóc cái chết của ông (xem Man.yôshuu 159, 160, 161).
Bài số 3: Thơ Kakinomoto no Hitomaro 柿本人麻呂 a) Nguyên Văn:
あし引きの
山鳥の尾の
しだりをの
ながながし夜を
ひとりかも寝むb) Phiên Âm:
Ashibiki no
Yamadori no o wo
Shidario no
Naganagashi yo wo
Hitori kamo nemuc) Diễn Ý:
Giống như đuôi chim trĩ núi kéo lướt thướt,
Đêm mùa thu cũng dài dằng dặc.
Không gặp được người thương nhớ,
Phải nằm ngủ một mình, buồn biết bao!d) Dịch thơ:
Lướt thướt đuôi chim trĩ,
Như đêm dằng dặc dài.
Trong núi không sao ngủ,
Vì mình nhớ mong ai!
(ngũ ngôn)Đuôi chim buông dài thật dài,
Đêm khuya dằng dặc, nhớ ai khôn nằm.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Shuu-i shuu (Thập di tập) phần luyến ca (thơ ái tình), bài số 778.
Tác giả: có lẽ nhà thơ Kakinomoto no Hitomaro (Thị Bản, Nhân Ma Lữ, không rõ năm sinh năm mất) .
Kakinomoto no HitomaroÔng Hitomaro, một thi nhân lỗi lạc vào thời kỳ thứ hai của Man.yô-shuu, giỏi về chôka, là thi nhân cung đình tiêu biểu nhất. Thơ ông trang trọng, hùng hồn. Đời sau tôn kính, gọi ông là "ca thánh" tức đại thi hào, lại có chân trong Tam Thập Lục Ca Tiên. Ông sống khoảng thời gian hai thiên hoàng Jitô (ở ngôi 690-697) và Mommu (ở ngôi 697-707) nhưng đến thời điểm thiên hoàng Genmei (Nguyên Minh) lên ngôi (707) thì dường như ông đã mất. Khi còn trẻ, ông giữ chức xá nhân tức người hầu cận Thiên Hoàng Tenmu, sau đó tiếp tục theo hầu các hoàng tử Kusakabe và Takechi. Bài thơ đầu tiên của ông thấy chép trong Man.yôshuu được làm ra vào năm đầu thời nữ thiên hoàng Jitô. Có lẽ ông chết lúc đang làm chức Kokushi ở vùng Iwami nghĩa là hàng quan lại địa phương. Nói chung tuy tài thơ cao, thân cận với vua chúa, nhưng ông không có chức phận cao sang trong triều đình.
Không có chứng cớ gì cho biết bài thơ này do Hitomaro làm nhưng không biết từ bao giờ, được truyền tụng như thế và Teika đánh giá nó cao..
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Đêm thu dài, một mình trằn trọc không ngủ được vì nhớ đến người yêu.
Bài này nói về nỗi cô đơn lẻ bạn khi ngủ một mình.Tương truyền, loài chim trĩ núi (yamadori = copper pheasant) , trống mái đến đêm tẻ ra đi ngủ riêng ở núi khác. Tâm sự chờ người yêu nên khó ngủ của Hitomaro cũng giống như con chim trĩ trống. Cái đuôi chim dài được ví von với dòng thời gian.
Trong Man.yôshuu, bài thơ này được liệt vào loại thơ không rõ tác giả và xem như một bài thơ thuộc loại "khuê oán" (đàn bà hận cảnh phòng không). Theo bà Shirasu Masako, một bài khác trong tập 11 của Man.yôshuu cũng có câu Yamadori no o no, Nagaki kono yo wo (Cái đêm nay dài như đuôi chim trĩ) mà không thấy ai nói bài ấy là của Hitomaro. Tuy nhiên, đến thời Heian thì người ta dồn phiếu cho, xem bài số 3 Ashibiki no nhắc đến trên đây chính tác phẩm tiêu biểu của ông. Ngoài ra, không ít những nhà bình luận cho rằng ý thơ làm liên tưởng đến những cặp vợ chồng hay người yêu bị chia cách, tỏ lòng thương nhớ nhau, chứ không riêng gì tâm sự của một người nghĩ đến một người khác mà thôi.
Chữ naganagashi (dài thật dài) nối liền với chữ khơi mào (jo-kotoba) tức là cả tiểu đoạn "ashibiki no yamadori no o no shidari o no" sử dụng thủ pháp điệp ngữ, láy đi láy lại hai âm naga để đi vào ý chính (honshi). Chữ gối (makura-kotoba) ashibiki no (hay ashihiki, không rõ nghĩa) là một qui ước dùng khi viết về núi.
g) Dư Hứng:
Hán dịch:
Trường Dạ
Du du trường dạ trường,
Trường tự trĩ kê vĩ.
Cô linh chỉ nhất nhân,
Triển chuyển như hà thụy.Anh dịch:
The hill-side fowl his long dropped tail,
Sweeps o'er the ground - so drags the night.
My lonely plight
I mourn - my sleepless wretchedness bewail.Yamadori (chim núi) trong câu thứ hai chỉ một giống chim trĩ (kiji) nên được dịch là "trĩ kê" ở đây. Phong tục Nhật Bản tránh không tặng chim trĩ núi trong ngày cưới vì đó là điềm gỡ báo sự chia ly, có lẽ bắt đầu từ khi có bài thơ này.
Bài số 4: Thơ Yamabe no Akahito 山部赤人 a) Nguyên Văn:
田子の浦に
うち出でてみれば
白妙の
富士の高嶺に
雪は降りつつb) Phiên Âm:
Tago no ura ni
Uchi idete mireba
Shiratae no
Fuji no takane ni
Yuki wa furitsutsuc) Diễn Ý:
Từ bãi biển Tago mà nhìn,
Đỉnh núi Fuji xa xa,
Như đang khoác lớp áo trắng,
Tuyết vẫn rơi không ngừng.d) Dịch thơ:
Bãi Tago đứng ngắm,
Đỉnh Phú Sĩ xa xa.
Tuyết vẫn còn đổ trắng,
Ngọn núi ánh như sa.
(ngũ ngôn)Bãi Tago nhìn xa khơi,
Tuyết còn rơi mãi trắng trời Fuji.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Shin-Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập), thơ mùa đông, quyển 6, bài 675.
Tác giả: Yamabe no Akahito (Sơn Bộ, Xích Nhân, năm sinh năm mất không rõ).
Akahito sống giữa thế kỷ thứ 8 và là nhà thơ tiêu biểu của thế hệ thứ ba trong Man.yôshuu. Ông tuy có tài thơ lớn ngang hàng với "ca thánh" Hitomaro (theo ý kiến của Ki no Tsurayuki) nhưng cũng như ông ấy, chỉ là một chức quan nhỏ trong triều. Giỏi về thơ vịnh cảnh, được xưng tụng là một trong 36 "ca tiên". Trong Man.yôshuu ông có 13 bài chôka và 37 bài tanka, có bài được viết vào khoảng năm 783 nên có thể suy luận ông sống trong khoảng này.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Ngọn núi Fuji chiếm lĩnh trung tâm toàn bộ phong cảnh.
Trong bài thơ, tác giả đã tả núi Fuji từ xa, khi đứng trên bãi biển Tago, nay thuộc vùng Shizuoka, một nơi ông có thể nhìn thấy toàn bộ ngọn núi hùng vĩ trang nghiêm.
Chữ gối shirotae (白妙bạch diệu) hay tấm vải trắng đẹp, để nói lên màu trắng tinh khôi của núi tuyết. Hai chữ tsutsu để diễn tả cảnh tượng tuyết vẫn tiếp tục rơi, làm cho cảnh vật có một không khí huyền ảo.g) Dư Hứng:
Hán dịch:
Điền Tử Phố
Nhất xuất Điền Tử Phố,
Dao kiến Phú Sĩ Sơn.
Cao cao thanh phong thượng,
Phân phân bạch tuyết hàn.Anh dịch:
From where my home, -
My lonely home, - on Tago's shore
Doth stand, the wandering eye may roam
O'er Fusiyama's summit hoar,
Whose lofty brow
Is whitened by th' new-fallen snow.Thơ vịnh núi Fuji đã có nhiều tự thời xưa. Thi nhân thời Vạn Diệp như Takahashi no Mushimaro (Cao Kiều, Trùng Ma Lữ), các tác giả của Truyện Ise (Ise Monogatari), Truyện Ông Già Đốn Trúc (Taketori Monogatari) đều có ghi lại thơ về cảnh núi ấy.
Nói thêm về tài vịnh cảnh của Yamabe no Akahito, cần nhắc lại bài thơ của ông được ghi lại trong tập số 6 của Man.yô-shuu như sau:
Waka-no-ura ni
Shio michi koreba
Kata wo nami
Ashibe wo sashite
Tazu naki wataru(Bến Waka nước triều đầy,
Bãi cạn ngập hết xua bầy hạc bay,
Vừa kêu, đáp xuống lau dày)
Bài số 5: Thơ Sarumaru-Dayuu 猿丸大夫 a) Nguyên Văn
奥山に
紅葉踏みわけ
鳴く鹿の
声きく時ぞ
秋は悲しきb) Phiên Âm:
Okuyama ni
Momiji fumiwake
Nakushika no
Koe kiku toki zo
Aki wa kanashikic) Diễn Ý:
Rẽ lối lá phong đỏ,
Trong núi sâu.
Chính là lúc nghe tiếng nai kêu,
Mới thấy mùa thu buồn làm sao.d) Dịch thơ:
Bước ai trong núi vắng,
Rẽ lá phong lao xao?
Khi nghe nai gọi bạn,
Tình thu buồn đến đâu!.
(ngũ ngôn)Núi sâu, rẽ lối lá phong,
Nai kêu chi để chạnh lòng sầu thu.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ Kim Tập), quyển 4, phần thu thượng, bài số 215.
Tác giả: Sarumaru Dayuu (Viên Hoàn Đại Phu, không rõ năm sinh năm mất). Ông là một nhân vật truyền thuyết, sống khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Chính ra bài này được ghi lại từ hồ sơ lưu trong một hội bình thơ (uta-awase) ở phủ đệ hoàng tử Koresada với chú thích "không rõ tác giả" nhưng nhà biên tập Teika đã đưa vào Hyakunin Isshu với danh nghĩa tác phẩm của Sarumaru.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Tiếng nai kêu làm cho nỗi buồn mùa thu lên đến chỗ tột cùng.
Trong bài này Sarumaru-dayu vịnh cảnh nai đực đi tìm nai cái, gọi bạn giữa rừng thu lá đỏ. Có thuyết nói là tác phẩm đã gợi hứng cho Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Vì chủ từ của động tác "rẽ lá phong" có thể là người ta mà cũng có thể là một cặp nai đang đi tìm nhau cho nên bài thơ thêm phần thi vị trong sự mơ hồ. Các nhà bình luận Nhật Bản phần nhiều cho rằng chủ từ là nai vì họ thấy trong Man.yô-shuu có nhiều bài có thể loại tương tự với nó. Còn người chỉ nghe tiếng nai kêu mà tưởng tượng ra cảnh nai rẽ lá phong, gọi bạn mà thôi. Từ đó suy diễn được là tác giả đã mượn chuyện nai để nhớ về người vợ hay người yêu của mình.
Momiji là lá phong 楓 (kaede, Japanese maple) vào thu đổi ra màu đỏ. Tuy nhiên đi với nai kêu (naku shika) thì trong thơ cổ phải là lá cây "thưu" 萩 (hagi, lespedeza clover) và viết chữ hán là "hoàng diệp" thay vì "hồng diệp". Lá cây hagi đổi màu vào tiết sơ thu trong khi kaede đổi màu sau đó. Có điều bản Teika tuyển viết là "hồng" nên có thể hiểu là lá phong và lúc ấy mùa thu đã sâu rồi (vãn thu).
Khác với mùa thu ở nông thôn là mùa của gặt hái thu hoạch, nỗi buồn nếu có thì cũng là buồn cho kiếp sống lao động nhọc nhằn (xem bài 1), mùa thu của người đô thị trong bài này buồn man mác với tình cảm thương xót cho cuộc đời tàn tạ theo năm tháng.
g) Dư Hứng:
Hán dịch:
Thâm sơn hồng diệp.
Thâm sơn hồng diệp mãn địa phiêu,
Túc đạp hồng diệp, lộ thiều thiều [6] .
Văn đạo lộc minh thanh ai khổ,
Bi cảm phong hàn thu khí cao.Anh dịch:
Now ' mid the hills the Momiji
Is trampled down ' neath hoof of deer
Whose plaintive cries continually
Are heard both far and near;
My shivering frame
Now autumn's piercing chills doth blame.Danh xưng Sarumaru có nhiều thuyết. Có nơi nói là một tên của Yuge no ôkimi, một hoàng tử dòng dõi Thái Tử Shôtoku (Thánh Đức), nơi đưa ra thuyết Yuge Dôkyô (tăng Đạo Kính), một nhà sư được nữ thiên hoàng Shôtoku (Xứng Đức, trị vì 764-770) yêu dấu và suýt chiếm được cả ngôi thiên hoàng. Lại có nơi cho là một nhân vật có khuôn mặt giống khỉ (saru) mới bị chế là Sarumaru như thế. Còn chữ Dayuu (Tayuu khi đọc ghép, đại phu / thái phu) có thể ám chỉ ông này xuất thân là một người diễn trò, chứ không phải là một chức hàng ngũ phẩm như âm Hán của chữ này có thể làm ta liên tưởng. Thời Edo, gái làng chơi hạng sang hay người kể truyện rong cũng được gọi là Tayuu.
Ngày nay, từ thành phố Uji ngược dòng sông Uji đi lên, bên tay phải và ở trong núi có một thị trấn nhỏ tên là Ujitawara, nổi tiếng trà ngon. Gần đó có đền thờ Sarumaru Dayuu và một ngọn đèo mang tên ông. Khu rừng bên cạnh có khi là nơi xưa kia ông đã từng nghe tiếng nai kêu.
Bài số 6: Thơ Ôtomo no Yakamochi 大伴家持 a) Nguyên Văn:
かささぎの
渡せる橋に
おく霜の
白きをみれば
夜ぞふけにけるb) Phiên Âm:
Kasasagi no
Wataseru hashi ni
Okushimo no
Shiroki wo mireba
Yo zo fukenikeric) Diễn Ý:
Trên bậc thang lối vào cung cấm,
Như cầu chim ô thước giăng cánh bắc cho.
Thấy cảnh sương giá mùa đông trắng xóa,
Biết rằng đêm khuya khoắt lắm rồi.d) Dịch thơ:
Trên cầu vào cung cấm,
Ô thước bắc qua cho.
Sương đông đà trắng xóa,
Đêm sắp hết bao giờ!
(ngũ ngôn)Sương đông đã trắng lối sang,
Đêm tàn, ô thước lỡ làng cầu qua.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ : Shin Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập), quyển 4, phần thơ mùa đông, bài số 620.
Tác giả : Ôtomo no Yakamochi (Đại Bạn Gia Trì, 718? - 785)
Yakamochi là con của quan Dainagon tức tham nghị cấp cao tên Ôtomo no Tabito (Đại Bạn, Lữ Nhân, 665-731), một nhà thơ nổi tiếng phong lưu vào thời kỳ hậu bán của Man.yô-shuu (Hitomara là người tương đương của thời tiền bán). Ông được phong Chuunagon tức tham nghị bậc trung, hàng tam phẩm, sau về địa phương Etchyuu làm quan đầu tỉnh. Ông là một thanh niên công tử đa sầu đa cảm, sinh trong một gia đình quí tộc có nền nếp văn chương, cuộc đời lắm bóng hồng, làm nhiều thơ tặng qua đáp lại với họ. Đây có lẽ là một bài thơ tình mà đối tượng là người trong cung cấm.
Ông có nhiều thơ nhất trong Man.yô-shuu (479 bài, kể cả 46 chôka). Thời kỳ ở Etchyuu là lúc ông sáng tác sung sức nhất (220 bài). Sau đó, trong những năm còn lại, ông được chuyển đi trấn nhậm khắp nơi từ nam chí bắc và rốt cuộc, mất ở miền bắc (vùng Mutsu). Ông được biết như là người cuối cùng có công chỉnh lý tập thơ Man.yô-shuu.f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài : Huyễn tưởng yêu đương khi nhìn cảnh trời đêm mùa đông giá lạnh.
Quan tham nghị Ôtomo no Yakamochi khi ngắm trời sao, nhìn thấy giá băng đêm mùa đông đã đóng trên bậc thang lên điện trong cung cấm mà ông ví với cầu trên dòng sông Ngân do đàn chim ô thước đã bắc giúp trong đêm thất tịch để đưa Khiên Ngưu đến gặp Chức Nữ. Ông biết đêm hầu tàn và ước mơ gặp gỡ với người ấy trở thành vô vọng.
Tuy nhiên nữ sĩ Shirasu Masako lại hiểu là không có cái tình cảm vô vọng (ý tại ngôn ngoại) như nhiều người thường nghĩ. Bà cho rằng chính lúc đêm thật khuya và giá lạnh như vậy như vậy, trong lòng Yakamochi, niềm hy vọng gặp gỡ mới bừng lên nồng nàn hơn bao giờ hết.
Kasasagi là loài chim thuộc giống quạ, ức trắng, đuôi dài và đen. Trung Quốc gọi là ô thước. Điển xuất từ sách Hoài Nam Tử: "Ô thước trấn hà thành kiều". Còn cầu bắc qua sông Ngân chỉ là cách ví von (thủ pháp giả tá = mitate) với bậc thang để đi vào trong điện bởi vì hai chữ
"cầu" 橋 tức kiều và "bậc thang" 階 tức giai đều đọc là hashi. Cung cấm như một cõi trời, cần có một chiếc cầu bắc qua để đến nơi. Tác giả đã chuyển hình ảnh đàn quạ đêm thất tịch Trung Quốc vào giữa bầu trời đầy sao và giá lạnh của mùa đông Nhật Bản. Thủ pháp mitate này được sử dụng thường xuyên trong thơ waka đời Heian.g) Dư hứng:
Hán dịch:
Thước Kiều.
Cung giai nhược Thước Kiều,
Thu sương mãn địa phiêu.
Mang mang bạch nhất phiến,
Hàn dạ chính thiều thiều.Anh dịch:
Upon the bridge where ravens, aye,
Do love to pass where hoar-frost's sheen.
When hoar-frost's glittering film is seen;
I trow the break of the day is nigh.Yakamochi có bài thơ nói về mùa xuân rất nổi tiếng, có chép lại trong Man.yô-shuu, nói về chim sơn ca (hibari):
Uraura ni
Tereru kasuga ni
Hibari agari
Kokoro kanashi mo
Hitorishi omoeba(Ngày xuân ngập nắng lung linh,
Sáo tung trời biếc, riêng mình lẻ loi)phong vị mới mẽ, nối tiếp được với dòng thơ cận đại.
Bài số 7: Thơ học tăng Abe no Nakamaro 阿倍仲呂 a) Nguyên Văn:
天の原
ふりさけ見れば
春日なる
三笠の山に
出でし月かもb) Phiên Âm:
Ama no hara
Furisake mireba
Kasuga naru
Mikasa no yama ni
Ideshi tsuki kamoc) Diễn Ý:
Ngoảnh nhìn lên bầu trời cao,
Ở phía xa xôi kia.
Vầng trăng thấy bây giờ ở Trung Quốc,
Có phải cũng là vầng trăng xưa trên núi Mikasa,
Ở vùng Kasuga quê hương mình chăng?d) Dịch thơ:
Nhìn lên bầu trời lạ,
Vầng trăng quê người ta.
Có là trăng làng cũ,
Chiếu núi Mikasa?
(ngũ ngôn)Trời cao, trăng mọc xa xa,
Phải chăng trăng núi quê nhà xuân xưa?
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập) phần thơ lữ hành, bài số 406.
Tác Giả: Abe no Nakamaro (An Bồi, Trọng Lữ, 701-770)
Bài thơ này của học tăng Abe no Nakamaro, tức là tăng Triều Hành, sang nhà Đường học Phật, tương truyền có lưu lạc đến Việt Nam, được triều đình Huyền Tông phong chức thứ sử Giao Châu. Ông nhìn vầng trăng trên trời nước người nhớ về vầng trăng quê hương núi Mikasa vùng Kasuga (gần Nara) nước Nhật trước ngày lên đường về nước.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Tâm tình nhớ về quê hương trong khi du học ở nước người.
Núi Mikasa là một ngọn núi hay đúng hơn là một quả đồi hình như cái nón lá (kasa), cao 283m, nằm phía đông đền Kasuga ở Nara, tượng trưng cho hình ảnh quê hương của tác giả. Đền này cũng là nơi sứ bộ và du học sinh đến khấn nguyện cầu xin đi đường bình yên. Tương truyền, Nakamaro làm bài thơ này khi từ Trung Quốc bước xuống thuyền ở Minh Châu để về nước và được bạn bè đưa tiễn. Hai chữ kamo (có phải chăng) ở cuối câu thơ nói lên sự hoài nghi nhưng cũng là niềm hy vọng của ông. Thời ấy đường biển nhiều sóng gió, tai nạn, số người chết rất nhiều nên ta có thể hiểu tâm tình này.
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Trường không vọng nguyệt.
Liêu khoát [7] trường thiên ngọc kính thăng,
Ngưỡng thủ dao vọng động hương tình.
Tự thị đương niên Xuân Nhật nguyệt,
Tằng tại Tam Lạp Sơn đính minh.Anh dịch:
On every side the vaulted sky
I view: now will the moon have peered,
I trow, above Mikasa high
In Kasuga's far-off land upreared.Nakamaro người vùng Yamato, mới 16 tuổi (716) đã du học ở Trường An, rồi làm quan bên đó, kết bạn với Vương Duy, Lý Bạch, đến năm 753 mới dược theo sứ bộ Nhật Bản để về nước. Nhân đấy, Vương Duy có tặng bài thơ ngũ ngôn "Tống bí thư Triều giám hoàn Nhật Bản quốc" với tình ý hết sức nồng đượm. Chẳng ngờ thuyền bị đắm và ông trôi dạt đến Giao Châu. Mọi người ngỡ ông chết đuối, do đó, Lý Bạch mới làm thơ than khóc như sau:
Nhật Bản Triều khanh từ đế đô,
Chinh phàm nhất phiến nhiễu Bồng Hồ.
Minh nguyệt bất qui trầm bích hải,
Bạch vân sầu sát mãn Thương Ngô.(Khốc Triều khanh Hành)
Bạn Triều nước Nhật giã kinh đô,
Dong buồm một lá trẩy Bồng Hồ.
Trăng sáng không về, chìm bể biếc,
Một màu mây trắng dãi Thương Ngô.Sau đó, Abe no Nakamaro được Đường Túc Tông phong làm Trấn Tây Đô Hộ ở Hà Nội nhưng có lẽ đây chỉ là một tước hiệu chứ ông không trực tiếp cai trị. Ông mất ở Trung Quốc, không hề thấy lại quê hương. Bài thơ này đã được Ki no Tsurayuki trích dẫn trong tác phẩm Tosa Nikki nên người đời mới biết là thơ của ông.
Bài số 8: Thơ pháp sư Kisen 喜撰法師 a) Nguyên Văn:
わが庵は
都のたつみ
しかぞ住む
世をぢ山と
人はいふなりb) Phiên Âm:
Wa ga io wa
Miyako no tatsumi
Shika zo sumu
Yo wo Ujiyama to
Hito wa iu naric) Diễn Ý:
Am của ta ở phía Đông Nam kinh đô,
Cứ như thế này, sống cuộc đời bình thản.
Đâu phải như người đời cứ nói là,
Ta muốn làm ngọn núi Uji để lánh ưu tư.d) Dịch thơ:
Dựng am xa thành phố,
Lòng không vương thị phi..
Đâu như người ta bảo,
Bắt chước ngọn Uji.
(ngũ ngôn)Phía nam thành, ẩn một am,
Vui đời, nào bắt chước làm núi xanh..
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập) tạp thi, phần hạ, quyển 18, bài số 983.
Tác Giả: Kisen Hôshi (Pháp sư Hỷ Soạn hay Hỷ Tuyển, người sống vào hậu bán thế kỷ thứ 9, một trong Lục Ca Tiên và cũng có chân trong 36 ca tiên về sau).
Người ta chỉ biết ông là một nhà tu sống trên núi Uji 宇治, ngoài ra không có chi tiết gì khác về cuộc đời của ông.f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Cuộc sống ẩn dật bình thản ở vùng núi Uji.
Tác giả chơi chữ (thủ pháp chữ móc nối kake-kotoba) giữa Uji 宇治, tên núi Vũ Trị, một danh thắng đất Kyôto và ushi (憂し ưu tư). Ông biện bạch rằng mình muốn ra sống xa kinh thành là để hưởng cuộc sống thanh nhàn chứ trong lòng, không có gì khúc mắc với chuyện ở kinh đô cả. Cho dù người đời có nói gì thì mặc nhưng đó không phải là chủ tâm khi lập am của ta.
Vùng Uji là nơi các nhà quí tộc trong đó có cả quyền thần Fujiwara no Michinaga thường đến lập biệt thự sau khi rời chính trường. Ở đó khí hậu mát mẻ và là chỗ sản xuất trà ngon của Nhật. Nó cũng là nơi người ẩn dật có thể di dưỡng tính tình, suy nghĩ về cõi tây phương tịnh độ. Trong Truyện Genji có 10 chương lấy bối cảnh vùng đất thơ mộng này. Các kiến trúc thuộc loại quốc bảo như Byôdôin (Bình Đẳng Viện) và Hôôdô (Phượng Hoàng Đường) đều được xây dựng ở Uji.
Chữ "thìn tỵ" 辰巳 chỉ vùng đất thuộc hướng đông nam thành phố cũng cùng có cách đọc tatsumi theo âm Nhật của chữ Hán sen 撰 trong tên của tác giả Kisen 喜撰 . Ngoài ra chữ shika然 trong câu shika zo sumu vừa có thể hiểu "sống (tự do) như thế này" vừa có thể hiểu "sống (tự do) như đàn nai" (shika 鹿). Do đó, có thể dịch bài này theo cách một khác như sau đây nữa:Cất am đông nam thành,
Thân nai đời tự do.
Đâu như người ta bảo,
Vì sợ vướng âu lo.
(ngũ ngôn)g) Dư hứng:
Hán dịch:
Thảo Am.
Ngã kim u cư kết thảo am,
Viễn ly Kinh phủ tại đông nam.
Ngã tự du nhiên, nhân ưu hoạn,
Nhân vị nhân gian Ưu Trị Sơn.Thay vì 宇治山 Vũ Trị Sơn, nay gọi là 憂治山 Ưu Trị Sơn, ngọn núi chữa bệnh lo âu?
Anh dịch:
My cabin doth in Tats'mi lie
Miyako's city near,
Yo-uji men my mountain call,
Yet still do I dwell here.Ẩn sĩ thế kỷ thứ 12 鴨長明 Kamo no Chômei trong tùy bút 方丈記 Hôjôki (Phương Trượng Ký) có nhắc đến việc mình lập am ở một nơi không xa nơi Kisen Hôshi sống ngày xưa là mấy. Tuy là một trong sáu ca tiên lỗi lạc đương thời, trong lời tựa Kokin Waka-shuu, nhà tuyển lựa chính Ki no Tsurayuki có đánh giá về ông "dùng chữ không biết móc nối, trước sau thiếu rõ ràng, khác nào trăng thu đẹp lại bị mây buổi sáng mai che khuất".
Bài số 9: Thơ bà Ono no Komachi 小野小町 a) Nguyên Văn:
花の色は
うつりにけりな
いたづらに
わが身世にふる
ながめせしまにb) Phiên Âm:
Hana no iro wa
Utsurini keri na
Itazurani
Waga miyo ni furu
Nagameshi ma nic) Diễn Ý:
Ôi, anh đào đã nhạt màu hết rồi,
Trong cơn mưa dầm đìu hiu.
Nhìn lại thân phận của mình nào có khác,
Mãi ngậm ngùi nhìn nhan sắc héo tàn đi.d) Dịch thơ:
Mưa xuân dài, luống trông,
Anh đào nhạt sắc hồng.
Dung nhan mình sớm úa,
Vì sớm buồn mông lung.
(ngũ ngôn)Màu hoa phai, nhan sắc tàn,
Cảm thương thân thế, trông hàng mưa sa.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập) quyển 2, thơ mùa xuân, phần hạ.
Tác giả: Nữ thi nhân Ono no Komachi (Tiểu Dã, Tiểu Đinh, sống khoảng hậu bán thế kỷ thứ 9, không rõ năm sinh năm mất).
Ono no KomachiBài thơ này của trang tuyệt thế Nhật Bản Ono no Komachi, một trong Lục Ca Tiên đầu thời Heian. Ono là họ của bà còn Komachi là một khu vực (町 machi) nhỏ (小 ko) - còn gọi là cục (局 tsubone) - trong hoàng cung, có lẽ là nơi bà có thời phục vụ như một nữ quan. Bà đẹp đến nỗi bây giờ trong tiếng Nhật còn có thành ngữ komachi-musume小町娘 để chỉ một nàng con gái đẹp. Trong Kokin Waka-shuu có chép lại nhiều bài thơ tình nồng nhiệt mà các ông làm ra để gửi cho bà. Nhiều truyền thuyết, ca từ, tuồng tích nói về bà. Ngay cả có một loại truyện chỉ chuyên kể về hành trạng của bà có tên là komachi-mono 小町物.
Ki no Tsurayuki trong lời tựa tập Kokin-shuu cho rằng "thơ của bà não nùng buồn thảm như cô con gái nhà quí phái đang lâm bệnh".f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Đau buồn vì nhan sắc sẽ héo tàn như hoa anh đào tàn trong cơn mưa.
Để ý đến lối chơi chữ theo thủ pháp kake-kotoba: Chữ furu viết theo hai lối khác nhau vừa có nghĩa là (hoa) "rơi rụng" 降る vừa có nghĩa là (đời) "trôi qua" 経る, còn chữ nagame vừa là "mưa kéo dài" 長雨 vừa là "nhìn về xa xăm" 眺め. Điều này đã trình bày trong mục nói về qui ước và văn phạm thơ waka ở bên trên. Nó tạo cho câu thơ hai lối hiểu (nijuu bunmyaku = nhị trùng văn mạch) làm ta có thể hiểu là " hoa chưa rụng đã bị mưa làm rụng sớm, khác nào nhan sắc chưa tàn đã vì chìm đắm trong suy nghĩ vẩn vơ mà cuộc đời lỡ làng lúc nào không hay". Đây là lời than thở của một mỹ nhân đa sầu đa cảm đang ở giữa tuổi xuân đã nghĩ đến lúc nhan sắc tàn phai.
Hana (hoa) nếu nói trống không nên hiểu là sakura (anh đào) như qui ước trong thơ Nhật. Utsurikeri là tàn phai. na dùng như tán thán từ "Hỡi ôi!".g) Dư hứng:
Hán dịch:
Hảo hoa.
Hảo hoa chuyển thuấn tức phiêu linh,
Chỉ hận không không độ tử sinh.
Thương tâm hồng lệ hà sở tự,
Liên miên tế vũ bất năng tình [8] .Anh dịch:
Thy love hath passed away from me,
Left desolate, forlorn,
In winter-rains how wearily,
Thy summer past I mourn!Người ta kể rằng Ono no Komachi có đủ điều hiện nhan sắc và gia thế để trở thành hoàng hậu nên tiếp tục từ chối lời cầu hôn không biết bao nhiêu vương tôn công tử và hành hạ các ông đến nơi đến chốn. Có giai thoại: để thử thách tình yêu, bà bắt ông tướng Fukakusa phải đi qua đi lại nhà đủ mình đủ 100 đêm và phải đánh dấu mỗi lần (dĩ nhiên, ông chỉ đi được 99 đêm). Rốt cuộc, lúc quá lứa lỡ thời, bà phải lấy một ông thợ săn. Bà có được một đứa con với ông này nhưng cả chồng lẫn con đều chết trước, để lại bà cô độc trong cảnh góa bụa. Tương truyền bà về sau đi ăn mày và phải van xin Thần Phật cứu độ cho thoát nghiệp báo.
Bài số 10: Thơ nhà thơ mù Semimaru 蝉丸 a) Nguyên Văn:
これやこの
行くも帰るも
別れては
知るも知らぬも
逢坂の関b) Phiên Âm:
Kore ya kono
Yuku mo kaeru mo
Wakarete wa
Shiru mo shiranu mo
Ôsaka no sekic) Diễn Ý:
Nghe nói ở cửa ải mang tên Ôsaka ( Dốc Gặp Gỡ) này,
Kẻ đi lên kinh đô hay từ đó trở về,
Dù có quen biết hay không,
Gặp nhau rồi rốt cuộc đều phải chia tay.d) Dịch thơ:
Nghe nói người qua lại,
Quen lạ dù là ai.
Qua khỏi Dốc Gặp Gỡ,
Đều cũng phải chia tay.
(ngũ ngôn)Trên ải kẻ lại người qua,
Dù quen dù lạ cũng là chia tay.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Gosen-shuu (Hậu tuyển tập), quyển 15, phần tạp thi, bài số 1089.
SeminaruTác Giả: Seminaru ( một trong Lục Ca Tiên sống vào hậu bán thế kỷ thứ 9 bước sang thế kỷ thứ 10, năm sinh năm mất và hành tung không rõ). Theo các tiểu thuyết lịch sử Heike Monogatari và Genpei Seisuiki , có thể ông là hoàng tử thứ tư con Thiên Hoàng Daigô hay xuất thân quí tộc, vì bất đắc chí nên sống đời phiêu bạt.
Ải Ôsaka là một điểm cao độ 150 m trên một ngọn núi (đúng ra là đồi) tên Ôsakayama (Phùng Phản Sơn逢坂山, còn viết là Hội Phản会坂), được dựng lên năm Taika thứ 2 (646) và phá bỏ năm Enryaku 14 (795), cùng với ải Fuwa ở Gifu và ải Suzuka ở Ise được xem như 3 cửa ải quan trọng (sankan三関).h) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Cửa ải mang tên Dốc Gặp Gỡ làm nghĩ đến cảnh người gần để mà ly biệt.
Cụm từ Kore ya kono có ý nói "Nghe đồn rằng" trong đó ya là một từ cảm thán. Cửa ải mang tên Ôsaka 逢坂, viết theo lối cổ là Afusaka 逢ふ坂, mà Afu (hay Au 逢う) có nghĩa là gặp gỡ. Ải này là một nơi trên trục giao thông từ kinh đô về miền Đông. Nó nằm ở biên giới hai vùng Kyôto (xưa là Yamashiro) và Shiga (Ômi). Tuy đã sớm bị phế bỏ nhưng vẫn còn tồn tại như một điển cố trong thơ (gối thơ hay uta-makura). Cụm từ "Ôsaka no seki" 逢坂の関ở đây được xem như một chữ đa nghĩa (kake-kotoba) và được dùng trong nhiều bài thơ.
Bài thơ đặt ra 3 tương quan đối lập (thủ pháp đối cú : taiku): qua / lại, lạ / quen, gặp gỡ / chia tay, chừng đó đủ để làm một bức tranh thu ngắn về cuộc đời con người. Thi nhân trung cổ Nhật Bản hay sử dụng đề tài "hội giả định ly" (会者定離 eshajôri), "ly hợp tập tán" (離合集散 rigôshuusan), nghĩa là gặp nhau sẽ phải chia ly, không khác gì lối nghĩ Việt Nam về lẽ vô thường của cuộc đời: "bèo hợp để tan, hoa nở để tàn, người gần để ly biệt" vậy.g) Dư hứng:
Hán dịch:
Phùng Phản Quan
Khứ khứ lai lai khứ lai tần,
Tương phùng tương biệt loạn phân phân.
Vấn hà tương thức bất tương thức,
Phùng Phản Quan đa lưu lạc nhân.Anh dịch:
Some hence towards the city haste,
Some from the city here speed by,
Here friends and strangers meet and part,
With kindly glance and careless eye;
Apt is the name it seems to me,
Ausaka gate, men give to thee.Sách Konjaku Monogatari (Truyện giờ đã xưa) có nói đến việc hoàng tử Minamoto no Hiromasa, một nhà quí tộc đa tài, đã đến ải Ôsaka tìm gặp để học khúc tì bà bí truyền Ryuusen Takuboku (流泉啄木 Lưu Tuyền Trác Mộc) "Chim gõ kiến bên dòng suối chảy" của Semimaru. Có lẽ nhà thơ mù này vì cất am sống bên cửa ải đầy người qua kẻ lại, nên biết xót thương cho kiếp người cô đơn và trôi nổi. Theo Fukuda Kiyoto (tư liệu 2), Seminaru từng phục vụ hoàng thân Atsuzane, quan khanh ở bộ Lễ, cũng là một người thiện nghệ về âm luật quản huyền.
Nhà thơ cận đại Hagiwara Sakutarô cho rằng nên để ý về hiệu quả âm thanh của bài thơ. Sau khi đọc Kore ya kono,rồi bước qua Iku mo, Kaeru mo, Shiru mo, Shiranu mo...ta thấy hiện lên trước mắt đủ mọi hạng người, đủ mọi cảnh đời đã chung một định mệnh khi qua ải Ôsaka.
Bài số 11: Thơ quan tham nghị Takamura 参議篁 a) Nguyên Văn:
わたの原
八十島かけて
漕ぎ出でぬと
人には告げよ
海人の釣り船c) Phiên Âm:
Wata no hara
Yasoshima kakete
Kogiidenu to
Hito wa tsuge yo
Ama no tsuribunec) Diễn Ý:
Biển rộng bao la, nhắm phía tám mươi hòn đảo nhỏ,
Ta đã chèo được ra khỏi bờ rồi.
Xin nhờ chiếc thuyền đánh cá,
Nhắn hộ người ở kinh đô như thế nhé.d) Dịch thơ:
Biển rộng, đảo lô nhô,
Chèo mãi mới xa bờ.
Thuyền câu, xin nhắn hộ,
Người tựa cửa kinh đô.
(ngũ ngôn)Thuyền ra biển rộng, đảo khơi,
Nhờ ông câu nhắn hộ người kinh đô.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu, (Cổ kim tập), quyển 9, bài 407, thơ lữ hành.
Tác giả: Sangi (quan tham nghị) Ono no Takamura (Tiểu Dã, Hoàng, 802-852).
Ono no TakamuraOno no Takamura 小野篁 là con trai của Ono no Minemori (嶺守 Lĩnh Thủ), dòng dõi họ Ono, một gia đình quí tộc bác học, đa tài. Cháu ông, Ono no Tôfuu (道風 Đạo Phong, 894-966) và Yoshifuru (好古 Hiếu Cổ, 884-968) đều có cao danh. Ông giỏi văn chương Hán Hòa từ trẻ (đã theo chiếu chỉ soạn ra tập thơ chữ Hán, 凌雲集 Lăng Vân Tập, 814), và được xem như học giả hàng đầu đương thời. Được Thiên Hoàng Saga (một ông vua yêu văn học) sủng ái nên hoạn lộ thông suốt, năm 834 được cất nhắc vào chức phó sứ trong sứ bộ qua nhà Đường. Thế nhưng, hai lần chẳng may gặp bão lớn, không khởi hành được. Lần thứ ba (838), thuyền chánh sứ Fujiwara no Tsunetsugu (Đằng Nguyên,Thường Tự) bị vỡ, chánh sứ mới lấy thuyền phó sứ dùng cho mình. Tuy nhiên, vốn là người không khuất phục ai, ông phẫn nộ về sự chuyên quyền này nên thác bệnh không nhận mệnh. Vì lẽ ấy, thiên hoàng Saga khép ông vào tội tử hình vì phạm phép nước nhưng giảm một cấp thành án phối lưu ra ngoài hoang đảo Oki giữa biển Nhật Bản, một vùng khí hậu khắc nghiệt. Lúc đó ông 37 tuổi. Giữa mùa đông lạnh, cô đơn, nhắm những hòn đảo nhỏ, chèo mãi mới ra khỏi bờ. Ông làm bài thơ này để nhớ về mẹ già và vợ con còn ở kinh đô. Dù vậy, chỉ hai năm sau đó, ông đã được triệu về kinh lãnh chức tham nghị (sangi) hàng tứ phẩm, một chức vụ quan trọng nên còn được hậu thế gọi là Sangi Takamura.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Nỗi buồn và sự lo âu trên bước đường lưu ly tội đồ.
Thời đó, khi bị đày ra đảo Oki, tội nhân phải lấy đường thủy từ cảng Naniwa ở Ôsaka, đi trong biển nội địa Seto rồi mới quanh ra biển Nhật Bản vì Oki nằm ở ngoài khơi tỉnh Shimane, trông ra hướng Hàn Quốc. Hành trình do đó rất dài. Ở đây, cũng như các nhà chú thích đã nêu ra, dĩ nhiên Ono no Takamura nhớ về gia đình ở kinh đô Kyôto nhưng tình cảm của ông dường như rộng lớn hơn, nỗi buồn cô độc và bất an, tuyệt vọng vượt khỏi phạm vi khung cảnh gia đình và người quen biết.
Chữ yasoshima 八十島 (tám mươi hòn đảo) ý nói vô số đảo. Còn tsuribune 釣舟(thuyền câu) được sử dụng theo thủ pháp gijin.hô (nhân cách hóa). Trong thơ waka, thuyền câu tượng trưng cho sự cô đơn trong bước lữ hành. Kogiidenu to có nghĩa "Chèo đã ra khỏi được" (idenu, " ra khỏi" vì nu là trợ động từ để chỉ một việc đã hoàn thành) như lời ông tự nhủ với mình (to). Thủ pháp này gọi là shikugire (四句切り tứ cú thiết) vì nó chấm hết (cắt) lời ông muốn nói ở cuối câu thứ tư.g) Dư hứng:
Hán dịch:
Hải thượng.
Viễn phương dương diện đảo thành quần,
Nhất diệp khinh phàm ly hải tân.
Ký ngữ ngư chu thừa điếu giả,
Kỳ truyền tiêu tức dữ y nhân [9] .Anh dịch:
Ye fishermen, who range the sea,
In many a barque, I pray ye tell
My fellow-villagers of me -
How that far o'er vast ocean's swell.
In vessel frail,
Towards Yasoshima I sail.Vì tính tình cứng cõi, không khuất phục quyền thế và hay nói thẳng, có tư cách đại trượng phu nên Takamura rất được kính trọng. Người đời xưng tụng là Tại Dã Tể Tướng (Tể Tướng ở bên ngoài triều đình) hay Dã Tướng. Bà Shirasu Masako cho biết ông còn có hiệu Dã Cuồng nhưng để ngầm chỉ cái tính ăn ngay nói thẳng của ông thôi. Sách Konjaku Monogatari nói rằng ban ngày ông làm quan trong triều nhưng tối về lại đi chơi ở âm phủ vì quen biết với Diêm La. Ở Nhật, tên Takamura có dính líu đến tín ngưỡng về âm phủ.
Dickins dịch "many barques" và "fishermen" theo số nhiều trong khi tiếng Nhật không phân biệt giống và số. Tuy không sai nhưng vô hình trung đã làm mất mát nhiều thi vị.
Bài số 12: Thơ quan tăng chính Henjô 僧正遍照 a) Nguyên Văn:
天つ風
雲の通い路
吹き閉ぢよ
乙女の姿
しばしとどめむb) Phiên Âm:
Ama tsu kaze
Kumo no kayoimichi
Otome no sugata
Shibashi todomemu (todomen)c) Diễn Ý:
Hỡi ngọn gió trên không trung,
Hãy ngăn lối mây bay lên xuống!
Để hình bóng những tiên cô đang múa,
Còn lưu lại trên mặt đất thêm ít lâu.d) Dịch thơ:
Hỡi làn gió bên trời,
Xin chắn lối mây trôi.
Để người tiên ở lại
Ca múa giữa lòng đời.
(ngũ ngôn)Gió ơi hãy khóa lối mây,
Để cho tiên nữ ở đây không về.
(lục bát)d) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập), tạp thi, phần thượng, bài số 872.
Tác Giả: Sôjô Henjô (Tăng Chính Biến Chiếu, 816-890), tên ông còn viết là Biến Chiêu 遍昭. Tục danh 良嶺宗貞 Yoshimine no Munesada (Lương Lĩnh Tông Trinh), trước khi xuất gia là một cận thần của Thiên Hoàng Ninmyô (Nhân Minh, 810-850). Tương truyền ông là người tướng mạo khôi ngô và có tài thơ nên được bổ nhiệm vào việc tiếp sứ bộ đến từ Bột Hải năm 849. Qua năm sau, Thiên Hoàng băng, ông lên núi Hieizan, trở thành đệ tử của tăng chính 慈恵 Jike (Từ Huệ) phái Thiên Thai. Sau ông còn giữ chức tăng chính tức tăng quan cấp cao nhất. Có lúc ông tu ở Hoa Sơn Tự nên còn được gọi là Hoa Sơn Tăng Chính. Cũng là một trong Rokkasen (Lục Ca Tiên).
Đương thời, những cảnh ca múa với y phục hoa lệ, trang trọng là thú vui của quí tộc và cũng là một nghi thức định kỳ trong cung. Có lẽ với tư cách tăng quan cao cấp, lại được thiên hoàng sủng ái, Henjô đã chứng kiến những buổi trình diễn như thế. Vì cảm động trước vẻ đẹp của các nữ vũ công trông cung đình nên ví họ với những nàng tiên nữ. Ông nhờ gió thổi chắn lối mây làm họ không về được thiên cung để giữ thêm ít lâu cái vẻ đẹp ấy cho trần gian.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Vẻ đẹp của những nàng vũ công trình diễn trong lễ hội giống như tiên cô trên thượng giới.
Chữ tsu dùng như no cho nên Ama tsu kaze là gió (của) trời. Trong bài này, tác giả đã sử dụng thủ pháp mitate (giả tá, giả trang), để qua đó, thấy được người tiên (ama tsu otome) trong hình dáng của những nàng vũ công cung đình. Người tiên vốn không ở lâu trên cõi trần cũng như sau cuộc trình diễn, các vũ công phải ra về, để lại cho đám khán giả niềm luyến tiếc. Shibashi todomen có nghĩa là "hãy ở lại thêm dù là một chút".
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Đại Phong.
Đại phong hạo hạo khởi trường thiên,
Vân lộ qui đồ tận tỏa nghiêm.
Thiên nữ phiên phiên [10] qui bất đắc,
Tạm lưu vũ thái tại nhân gian.Anh dịch:
In fitful path across the sky,
By various winds of heaven forced,
Cloud-borne Otome glideth by -
Now hath the breeze its vigour lost
An instant, and her form so bright
For a fleeting moment greets my sight.Trong Kokin-shuu, có chú thích là bài thơ đã được làm ra trong dịp Gosechi (五節 Ngũ Tiết) tức là một nghi thức trong cung vào ngày 23 tháng 11 âm lịch hằng năm nhân dịp Niinamesai (新賞祭Tân Thưởng Tế), lễ cúng lúa mới cho thiên thần thổ địa nếm trước. Lúc đó con gái các nhà lương gia quí tộc (乙女 otome) được tuyển chọn làm vũ công và tranh đua trình diễn. Tương truyền cảnh ca múa bắt đầu có từ đời Thiên Hoàng Tenmu (trị vì 673-686) để ghi nhớ việc ông đi tuần thú ở vùng Yoshino, đã gặp người tiên từ trên trời xuống múa hát.
Có truyền thuyết giữa ông và Ono no Komachi có liên hệ luyến ái nhưng chẳng qua do sự giải thích ý nghĩa của một bài thơ đối đáp giữa hai người.
Bài số 13: Thơ thái thượng hoàng Yôzei 陽成院 a) Nguyên Văn:
筑波嶺の
峰より落つる
男女川
恋ぞつもりて
淵となりぬるb) Phiên Âm:
Tsukubane no
Mine yori oturu
Mina no gawa
Koi zo tsumorite
Fuchi tro narinuruc) Diễn Ý:
Nước cuồn cuộn từ đỉnh núi Tsukuba đổ xuống,
Làm con sông Minagawa (sông Nam Nữ) tràn ngập.
Tình yêu của ta cũng chan chứa,
Như vực sâu đầy ắp mà dòng sông tạo ra.d) Dịch thơ:
Nước tuôn dào dạt ra,
Từ đỉnh Tsukuba.
Tình ta cũng chan chứa,
Như vực sông Mina.
(ngũ ngôn)Sông thu hết nước trên ngàn,
Lòng ta, vực thẳm chứa chan ái tình.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Gosen-shuu (Hậu tuyển tập), loại luyến ca, phần ba, bài số 778.
Tác giả: Yôzei-in (Dương Thành Viện, 868-949) tức Thái Thượng Hoàng Yôzei.
Tác giả vốn là hoàng tử con của Thiên Hoàng Seiwa (Thanh Hòa, 850-880), vì đau ốm, nên mới 16 tuổi đã nhượng vị để nghĩ hưu. Theo lời thuyết minh trong Gôsen-shuu thì qua bài thơ này, nhà vua bày tỏ tình cảm của ông đối với công chúa Suishi (hay Yasuko, Tuy Tử), con gái Thiên Hoàng Kôkô (Quang Hiếu, tục gọi là Điếu Điện, Tsuridono hay Tiểu Tùng Điện, Komatsudono). Sau này bà Suishi trở thành hoàng hậu của nhà vua và Tsuridono, người cha vợ, lúc đó đã 51 tuổi, sẽ kế vị khi chính Yôzei bị triều đình kết tội là có triệu chứng điên cuồng. Tác giả sau khi thoái vị còn sống thêm 65 năm bi thảm, chỉ mất lúc 81 tuổi (948).
e) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Cùng với thời gian, tình yêu chất chứa đầy tràn trong vực sâu của mối tình cô đơn.
Núi Tsukuba ở tỉnh Ibaraki hiện nay, có hai ngọn, núi đàn ông (Nantai) và núi đàn bà (Nyotai), là nơi trai gái Nhật thời thượng cổ tụ tập để hát đối đáp trong những ngày có utagaki, lễ hội múa hát mừng mùa màng. Tên con sông 皆川 Minagawa, mina 皆 nghĩa là tất cả, lại được viết với chữ Hán 男女川 Nam Nữ Giang, hay 水無之川 Thủy Vô Chi Giang cho nên hai địa danh Tsukuba và Minagawa đều hàm ý tình yêu trai gái mãnh liệt như nước trên núi cao ( các chữ ne 嶺và mine 峰 (đỉnh, ngọn) để nhấn mạnh độ cao của núi) đổ xuống sông thành vực sâu. Địa danh Minagawa được xem như một chữ mào đầu (jo-kotoba) cho nhiều bài thơ. Chữ fuchi 淵 chỉ vực sâu của giòng sông (kawa no fuchi) cũng còn hàm ý mối tình sâu xa của tác giả (koi no fuchi) , lúc đầu chưa là bao nhiêu nhưng dần dần vì sức mạnh ồ ạt đã tích tụ thành vực sâu trong sự cô đơn mong nhớ.
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Trúc Ba Phong gian thủy.
Trúc Ba Phong gian thủy,
Lưu xuất hội [11] thành xuyên.
Luyến tình tâm tận tích,
Thâm thâm như cự uyên.Anh dịch:
The Minagawa's waters fall
From Ts'kubane yama's lofty peak:
In loving haste the waters all
For aye accumulate, and seek
The end of all their constant flow,
The sea that doth no limits know.
Bài số 14: Thơ tả đại thần Kawara 河原左大臣 a) Nguyên Văn:
陸奥の
しのぶもぢずり
誰ゆゑに
乱れそめにし
われならなくにb) Phiên Âm:
Michinoku no
Shinobu mojizuri
Dare yue ni
Midare somenishi
Ware nara naku nic) Diễn Ý:
Tấm áo nhuộm bằng màu cỏ cây,
Của vùng Michinoku, mẩu hình sao mà rối loạn!
Chắc tại người , vì ta có chủ động đâu,
Em gây ra chuyện này chứ ai vào đây.d) Dịch thơ:
Mẩu hình áo rối bời,
Bấn loạn thay tình tôi!
Ta nào gây nên chuyện,
Trăm sự tại em thôi.
(ngũ ngôn)Để tình áo rối lòng trai,
Em gây nên tội chứ ai lỗi lầm.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập), luyến ca, phần 4, bài số 724.
Tác Giả: Kawara no Sadaijin (Hà Nguyên Tả Đại Thần, 822- 895)
Tả đại thần Kawara no Sadaijin 河原の左大臣, con trai Thiên Hoàng Saga, được ban họ Minamoto và người ta thường biết đến với tên thật là Minamoto no Tôru 源融. Phủ đệ đình tạ tráng lệ của ông ở Rokujô no Kawara bên bờ sông Kamo ở Kyôto mô phỏng cảnh trí đời sống của dân làm muối ở ven biển của vùng Matsushima Shiogama trên miền Bắc (Michinoku) thuộc Tôhoku bây giờ, nên có vẻ đẹp hoang dã. Bài thơ này được trích dẫn ở trong đoạn đầu tiên của tập 伊勢物語 Ise Monogatari (Truyện Ise). Theo đó, vào một ngày xuân, có chàng công tử sau khi làm lễ thành nhân (genfuku), đi săn ở vùng Kasuga gần kinh đô đã gặp hai chị em mỹ nhân nọ và tâm hồn dao động vì vẻ đẹp của hai nàng nên đã cắt vạt áo bào đề thơ tặng họ. Bài thơ ấy lấy từ thơ Kawara no Sadaijin.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Con tâm rối loạn vì đi yêu một người mình không có quyền yêu.
Mẩu hoa văn trên tấm áo đơn sơ nhuộm màu cỏ cây của vùng Michinoku có bị lệch lạc cũng vì nó giống như tấm lòng của chàng trai mới lớn đang bị dao động vì tình yêu. Chữ Shinobu 信夫vừa có nghĩa tên địa danh ở vùng Fukushima thuộc Michinoku, nơi sản xuất ra mặt hàng (tấm áo) ấy, còn có nghĩa là shinobugusa 忍草, tên một loại cây thân thảo mà người ta chắt nước từ lá để làm thuốc nhuộm. Nó lại được viết là shinobu 忍ぶ nghĩa là nhịn chịu, ẩn nhẫn, trạng thái của một mối tình đơn phương, ngấm ngầm, sợ người khác biết (shinobu koi 忍ぶ恋). Đây có thể là bài ca vịnh mối tình âm thầm của tác giả đối với một mệnh phụ đã có chồng rồi.
Xứ Mutsu (Áo Vũ) hay Ôshuu (Áo Châu) , miền bắc Nhật Bản lúc ấy, bao gồm ba khu vực: Áo Tiền là các tỉnh Fukushima, Miyagi và một phần tỉnh Iwate, Áo Trung là Iwate và một bộ phận lớn của Akita, còn Áo Hậu là tỉnh Aomori và một phần của Iwate bây giờ.
Cụm từ shinobu mojizuri được sử dụng ở đây như một chữ mào đầu, jo-kotoba. Dare yue ni nghĩa là "vì ai" (nên nỗi) midare somenishi, bắt đầu rối loạn. Some có hai nghĩa : 初め "bắt đầu" và 染め "nhuộm màu". Hai chữ midare (lệch lạc, rối loạn) và some (nhuộm) đều cùng có liên hệ với mojizuri (mẩu áo in thô sơ bằng cỏ shinobugusa). Như vậy, bài thơ này dùng lần lượt 4 thủ pháp: jo-kotoba (chữ mào đầu), engo (chữ liên hệ), shikugire (cắt ở cuối câu thứ tư) và tôchi hô (倒置法 phép nghịch đảo vị trí).
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Áo Châu hoa bố.
Áo Châu hoa bố sắc phân phân,
Hoa sắc lăng loàn (loạn) tự ngã tâm.
Ngã tâm vị thùy loạn như hứa,
Trừ quân chi ngoại cánh vô nhân.Hán dịch:
Ah me! My soul with cares is vext,
Unnumbered, crowded, and perplext,
Than varied pattern more confus'd,
On Mojidsuri fabric used,
The produce of Shinobu's loom,
Shinobu in Michinolu land;
For whose sake whose but thine doth gloom
Hold o'er my failing heart command.
Bài số 15 : Thơ Thiên Hoàng Kôkô 光孝天皇 a) Nguyên Văn:
君がため
春の野に出でて
若菜つむ
わが衣手に
雪は降りつつb) Phiên Âm:
Kimi ga tame
Haru no no ni idete
Wakana tsumu
Wa ga komode ni
Yuki wa furitsutsuc) Diễn Ý:
Bởi vì muốn tặng người,
Mà ta phải cất bước ra cánh đồng xuân
Hái những đọt lá non.
Làm cho trên ống tay áo.
Tuyết rơi hết lớp này đến lớp khác.d) Dịch thơ:
Vì người ta cất bước,
Hái lộc trên đồng xuân.
Tuyết trắng rơi rơi mãi,
Tay áo lạnh ướt dầm
(ngũ ngôn)Yêu người, kiếm lộc đồng xuân,
Để cho tay áo ướt dầm tuyết rơi.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập), phần Xuân, Thượng, bài 21.
Tác Giả: Thiên Hoàng Kôkô (Quang Hiếu, 830-887) là con trai thứ ba của Thiên Hoàng Ninmyô và là người đã nối ngôi Thiên Hoàng Yôzei, rể của chính mình.Ông là người tính khí ôn hòa, dung tư u nhàn, thông hiểu về lịch sử. Suốt thời trị vì, ông giữ niên hiệu Ninna (Nhân Hòa) nên được gọi là Ninna no Mikado.
Theo lời giải thích (gọi là kotobagaki 詞書) trong Kokin-shuu thì đây là bài thơ Thiên Hoàng Kôkô đã làm ra khi đi hái rau non để tặng người ông yêu quí khi ông hãy còn chưa tức vị. Người này là trai hay gái thì không thể xác quyết nhưng nhất định phải là một người thân.Biếu rau non là để chúc trường thọ. Các bậc đế vương thời cổ Nhật Bản có nhiều người rành về dược thảo và việc hái thuốc là một trong những thú vui và hoạt động của họ.
Thiên Hoàng KôkôTuy nhiên, bà Shirasu nói thêm rằng việc hái rau đầu năm cũng là một tập tục thấy trong dân gian cho nên có thuyết bảo việc Thiên Hoàng Kôkô vịnh cảnh hái rau chứng tỏ ông là người - như Thiên Hoàng Tenji - biết thông cảm với cuộc sống nhọc nhằn của người dân. Ngoài ra, tập tùy bút cổ điển Buồn Buồn Phóng Bút (Tsurezure-gusa) của tu sĩ Kenkô cho biết hồi chưa lên ngôi, Thiên Hoàng Kôkô phải đi chợ mua bán và khi làm vua rồi vẫn còn quen thói thích nấu nướng.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề Tài: Bày tỏ tình cảm trìu mến đối với người mình yêu bằng cách không ngại giá lạnh cuối đông đầu xuân ra ngoài đồng hái những đọt rau non để cầu cho người đó được hạnh phúc.
Rau non (wakana) ở đây gọi là thất thảo (nanakusa) tức bảy loại rau có hoa tượng trưng cho mùa xuân: hotokenoza, seri, hakobe, suzuna, suzushiro, gogyô và nazuna. Chúng tương tự như các thứ rau cần, rau cải của ta. Mùa thu cũng có thất thảo nhưng lại là những thứ rau khác. Các thứ rau này bỏ vào cháo ăn được, còn dùng để làm thuốc và để đuổi tà khí. Theo cuốn cổ sử 古事記 Kojiki thì người ta còn hái rau non để bói xem năm đó mùa màng có trúng không. Ngày mồng 7 tháng giêng, thiên hạ ăn rau non để mong được sống lâu.
Trong bài thơ, tác giả đã để cho màu xanh của rau non và màu trắng của tuyết đối chọi với nhau nói lên sự chịu khó lặn lội giữa giá rét của người đi hái rau và việc khí hậu đang chuyển mùa từ những ngày cuối đông để bước vào tiết sơ xuân.g) Dư hứng:
Hán dịch:
Chỉ vị trì tặng quân,
Giao dã thái nộn thái.[12]
Xuân tuyết phân phân phiêu,
Lạc mãn y tụ đái.Anh dịch:
Thy wishes, love, have I obeyed,
And' mid the meadows have I strayed
In this spring-time, and sought with care
The wakana plaut that groweth there.
Lo on my sleeve
The falling snoe its trace doth leave.
Bài số 16: Thơ quan tham nghị Yukihira 中納言行平 a) Nguyên Văn:
立ち別れ
いなばの山の
峰に生ふる
まつとし聞かば
今帰り来むb) Phiên Âm:
Tachiwakare
Inaba no yama no
Mine ni ouru
Matsu to shi kikaba
Ima kaeri komu (kon)c) Diễn Ý:
Dù chia tay người để đi về vùng Inaba,
Ngọn núi Inaba nơi có nhiều tùng (matsu) mọc.
Tuy đây không có tùng (matsu) như núi kia,
Nhưng khi nghe nói người đang chờ đợi (matsu).
Ta sẽ trở lại với người ngay.d) Dịch thơ:
Hôm nay dù chia tay,
Đến chốn xa tùng dày.
Nhưng nếu người mãi đợi,
Ta quyết trở về ngay.
(ngũ ngôn)Núi xa dù có rợp tùng,
Nếu người chờ đợi, ta không ở chầy!
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập), phần Biệt Ly, bài 365.
Tác Giả: Quan trung nạp ngôn ( tham nghị bậc trung) Yukihira không ai khác hơn là 在原行平Ariwara no Yukihira (Tại Nguyên, Hành Bình, 818-893), con của hoàng tử Abo (thân vương A Bảo) và cháu nội của 平城天皇 Thiên Hoàng Heizei (Bình Thành, 774-824). Ông cũng là người anh khác mẹ của nhà thơ và vương tử đa tình在原業平Ariwara no Narihira, nhân vật chính của Truyện Ise và được phỏng định là tác giả của nó. Yukihira bị đày đi Suma trong thời Thiên Hoàng Montoku trị vì (850-858).
Đây là bài thơ ghi lại cảnh chia tay lúc tác giả lên đường phó nhậm chức trấn thủ ở Inaba (thuộc tỉnh Tottori bây giờ) vào khoảng năm 855. Tác giả bày tỏ lòng quyến luyến, rời ra không rứt, với người ở lại kinh đô.
f)Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Tỏ bày sự luyến tiếc lúc chia tay để đi phó nhậm ở địa phương,
Đầu tiên, bài thơ nói về cuộc chia tay giữa hai người, sau đến tả cảnh tượng vùng Inaba đang diễn ra trong trí. Sau lại trở về liên kết cảnh vật với tâm tình của hai người. Bố cục khá phức tạp nếu không nắm được hai kakekotoba (chữ đa nghĩa) chính. Đó là inaba và matsu. Lợi dụng đặc tính đồng âm dị nghĩa của hai chữ này:
Inaba là tên đất 因幡国 Inaba no kuni , tên ngọn núi稲羽山 Inabayama nhưng cũng là inaba 往なば hay 去なばvới nghĩa là "giả thử có ra đi". Matsu là cây tùng 松, còn hàm ý chờ đợi待つ. Ý thứ nhất (tùng) được sử dụng khi tả phong cảnh đẹp đẽ nhiều tùng mọc của núi Inaba, nơi mình đi phó nhậm (cho dù Inaba có thể chỉ là một tượng trưng chứ không cứ gì phải đi đến đó). Ý thứ hai (chờ đợi) để nhấn mạnh rằng tình cảm muốn ở lại kinh đô mạnh hơn tình cảm muốn đi. Kakekotoba thứ hai này (chung quanh chữ matsu) rất phổ thông trong thơ waka.g) Dư hứng:
Hán dịch:
Ly Biệt.
Biệt quân viễn phó Nhân Ba Quốc,
Tâm tự Đạo Diệp Sơn đính tùng.
Thiên biên nhược văn quân tương đãi,
Tự [13] đương tốc tốc tựu qui trình.Câu thứ hai có lẽ đã được Đàn Khả đã dịch theo chủ trương của một học giả Nhật Bản. Ông ấy cho rằng người ra đi lúc đó nhắn kẻ ở lại là lòng mình cũng trung thành bền bĩ với nàng như cây tùng (Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bạch chi hậu điêu dã - Luận Ngữ).Tiếng Nhật không phân biệt giống và số nên khó tìm ra một lối giải thích thỏa đáng.
Anh dịch:
Inaba's lofty range is crowned
By many a tall pine-tree;
Ah quickly were I homewards bound
If thou shouldst pine for me.Tương truyền khi nhà thơ Yukihira bị đày ra vùng biển Suma, ông có quen và yêu hai chị em người con gái thợ lặn. Cô lớn tên Matsukaze (Tùng Phong) và cô em là Murasame (Thôn Vũ). Trong tuồng Nô hãy còn có một vở nhan đề Matsukaze tức là "ngọn gió tùng".Khúc hát chủ đề của nó lại mang tên Tachiwakare (Chia tay lên đường) như câu đầu của bài thơ thứ 16 này.
Bài số 17: Thơ vương tử Ariwara no Narihira 在原業平 a) Nguyên Văn:
ちはやぶる
神代も聞かず
竜田川
からくれなゐに
水くくるとわb) Phiên Âm:
Chihayaburu
Kamiyo mo kikazu
Tatsutagawa
Karakurenai ni
Mizu kukuru to wac) Diễn Ý:
Ngay cả thời các thần xưa,
Cũng chưa nghe điều kỳ lạ như thế này
Nước sông Tatsuta,
Nhuộm nguyên một màu son đỏ .d) Dịch thơ:
Đời xưa lắm chuyện lạ,
Cũng chưa từng nghe qua.
Nhuộm một màu son đỏ,
Nước sông Tatsuta.
(ngũ ngôn)Xưa nay hiếm cảnh lạ lùng,
Son đâu ai nhuộm thắm hồng nước sông.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ Kim Tập), phần thơ Thu, quyển hạ, bài 294.
Tác Giả: Như đã nhắc ở trên, Ariwara no Narihira là cháu Thiên Hoàng Heizei (Bình Thành), con thân vương Abo và em khác mẹ của quan tham nghị bậc trung Yukihira. Giỏi thơ, được xem là một trong sáu thi hào đương thời (Rokkasen) và đa tình như một Don Juan. Còn được gọi là Zaigohuujô (Tại ngũ trung tướng) hay Zaichuujô vì có tước võ (trung tướng) trong ngự lâm quân. Tên ông còn được viết với chữ 朝臣 Ason ở cuối xác định vị trí dòng dõi hoàng thân quốc thích của ông. Ason còn là chữ được đặt sau tên một người trong tôn thất hay ông quan tước vị từ ngủ phẩm trở lên để tỏ ý tôn kính.
Theo lời thích nghĩa trong Cổ kim tập, đây là một bài 屏風歌 byôpuu-uta tức là thơ lấy đề tài cảnh trên bình phong trong một buổi ca vịnh. Bức bình phong này để ở 春宮 Xuân Cung (Tôguu, còn viết là 東宮) , nơi nghĩ ngơi của hoàng hậu Nijô, có vẽ theo kiểu tranh Nhật (Yamato-e) hình cảnh lá đỏ mùa thu trôi trên dòng sông Tatsuta. Cảnh này đã trở thành một ước lệ trong thi ca Nhật Bản. Thơ này sẽ được đề vào bức bình phong. Đây là một phong tục có từ cuối thế kỷ thứ 9 và lan rộng vào thế kỷ thứ 10.
f)Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Vẻ đẹp hoa lệ của cảnh lá thu trôi đỏ rực trên dòng Tatsutagawa.
Tác giả hơi phóng đại cho rằng tự đời các thần (kamiyo) đến giờ vẫn chưa nghe nói có cảnh nào lạ lùng như vậy, chỉ để thậm xưng cái đẹp hoa lệ và tươi tắn của màu lá đỏ trôi trên dòng sông Tatsuta. Nó có thể làm cho độc giả bối rối, không biết khung cảnh thực thì như thế nào.
Chihayaburu (Nhiều chuyện lạ lùng) là một 枕詞 makura-kotoba (chữ gối đầu) để tô điểm như một qui ước cho chữ kami (thần) trong kamiyo (thời chư thần, thời xa xưa). Còn Tatsutagawa là con sông chảy ven núi Tatsuta ở gần cố đô Nara. Kara kurenai là "màu son tươi đem từ ngoại quốc" (Kara, nhà Đường) về. Khi so sánh dòng sông nhuộm đỏ với cảnh lá đỏ trôi, tác giả đã dùng thủ pháp 見立て mitate (giả trang hay giả tá). Ngoài ra khi để lời giải thích (sông nhuộm đỏ màu lá) đến sau nhận xét (là chuyện chưa từng nghe), tác giả đã sử dụng thủ pháp 倒置法 (tôchihô) để đảo nghịch bài thơ từ sau ra trước.
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Long Điền Xuyên Hồng Diệp.
Thần đại linh tích xứ xứ sinh,
Viễn cổ vị kiến thử kỳ tình.
Hạo hạo Long Điền Xuyên lý thủy,
Tận bị hồng diệp nhiễm thành hồng.Anh dịch:
O Tatsta! When th'autumnal flow
I watch of thy deep, ruddy wave -
E'en when the stern gods long ago
Did rule. Was ne'er beheld so brave,
So far the stream as thine, I vow.Sandai Jitsuryoku (Tam Đại Thực Lục), tác phẩm gốc của Truyện Ise, kể lại rằng nhà thơ vương tử Narihira "dung mạo đẹp đẽ, tính tình phóng túng", dù đã có vợ con và đến tuổi trung niên rồi vẫn là một "playboy". Ông và người anh, Yukihira và Tả Đại Thần Kawara (Minamoto no Tôru) sẽ là những "người mẫu" để Murasaki Shikibu đúc khuôn cho nên nhân vật tiểu thuyết Hikaru Genji về sau. Ông có một mối tình lớn với công nương Fujiwara no Takai-ko (Đằng Nguyên, Cao Tử) lúc đó tuổi vừa đôi tám và đã hứa gả cho thiên hoàng. Hai người đã dắt nhau đi trốn và bị các anh nàng đuổi theo bắt lại. Chính bà này sau trở thành Hoàng Hậu Nijô ( Nijô no Kisaki), chủ nhân bức bình phong được đề thơ. Chàng trai đa tình vì thế bị đày về miền Đông.
Bà Shirasu Masako cho rằng việc Hoàng Hậu Nijô và Narihira là đôi tình nhân bị gia đình bắt phải chia lìa trước khi tiến cung là việc được ghi chép lại ở nhiều nơi. Do đó, bài thơ bình phong này không chỉ thuần túy tả cảnh. Nó còn giúp Narihira đưa ra "tuyên ngôn" trước công chúng là mối t ình bỏng cháy của mình vốn có một không hai.
Bài số 18: Thơ đại thần Fujiwara no Toshiyuki 藤原敏行 a) Nguyên Văn:
住みの江の
岸による波
よるさへや
夢の通ひ路
人めよくらむb) Phiên Âm:
Suminoe no
Kishi ni yoru nami
Yoru sae ya
Yume no kayoi ji
Hitome yoku ranc) Diễn Ý:
Không giống như những ngọn sóng,
Vỗ mãi vào bờ sông Suminoe.
Người đi qua đi lại ban đêm trong mộng ấy,
Ta không làm sao gặp được,
Có phải vì người muốn tránh mắt đời dòm ngó?d) Dịch thơ:
Người không bằng ngọn sóng,
Vỗ bờ sông Sumi.
Trong mộng không cho gặp,
Hay sợ đời thị phi?
(ngũ ngôn)Không bằng con sóng vỗ bờ,
Trong mộng còn tránh, hững hờ sao đang!
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Kokin-shuu (Cổ kim tập), thơ luyến ái, phần thứ hai, bài 559.
Tác giả: Fujiwara no Toshiyuki (Đằng Nguyên Mẫn Hành, ? - 907?, cũng là một nhà quí tộc dòng dõi gia đình quyền thần Fujiwara. Vợ ông là em gái của vợ Narihira nên hai người đàn ông đi lại thân thiết. Ông cũng có chân trong nhóm 36 ca tiên.
Ban ngày dĩ nhiên không rồi. Đêm đến, vẫn chẳng có cách gì gặp người mình yêu. Đây là bài thơ nói lên nỗi cay đắng đó. Người đàn ông đi qua đi lại trước nhà (ngày xưa đàn bà chỉ ngồi nhà chờ) vì sợ tiếng đời thị phi, không đến gặp mặt nàng. Tác giả đã sáng tác bài này khi đặt mình ở vị trí một người đàn bà. Lời giải thích trong Kokin-shuu cho biết đây là bài thơ sáng tác trong một buổi bình thơ ở cung hoàng hậu của Thiên Hoàng Uda vào năm Kanpyô (Khoan Bình, 889-898).
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Nỗi cay đắng không gặp được người yêu ngay cả trong giấc mộng.
Suminoe là vùng sông thuộc khu vực Sumiyoshi gần cửa biển Ôsaka bây giờ, nổi tiếng nhiều tùng (松 matsu) đẹp nên dễ làm liên tưởng với sự chờ đợi (待つ matsu) người tình. Ở đây, tác giả còn chơi chữ bằng cách lập đi lập lại từ よる yoru vốn có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Đêm cũng là 夜 yoru. Sóng tấp vào bờ cũng là 寄るyoru. Ngoài ra, chữ yoru đã được đặt giữa cụm từ Kishi ni yoru nami (Sóng đánh vào bờ), ở đây, được sử dụng như một jo-kotoba nghĩa là chữ giáo đầu để gây ấn tượng mạnh cho hành động đi qua đi lại trong đêm của người đàn ông như sóng vỗ liên miên.
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Giang Đào Phách Ngạn.
Giang đào phách ngạn tự dư tình,
Tự triêu chí dạ bất khẳng đình.
Mộng lý vãng lai hoang dã đạo,
Vị đào nhân mục, ám trung hành.Anh dịch:
Tho' softly as the waves do break
On Suminoye's shore; I seek
To meet thee, love e'en in a dream,
To dread men's curious eyes i seen.Gặp nhau trong mộng hay yêu nhau trong mộng là một cách diễn tả từng thấy nhiều lần trong Man.yo.shuu.
Ngoài tài thơ waka, Fujiwara no Toshiyuki còn viết chữ đẹp, danh tiếng ngang hàng với Tam Bút tức bộ ba gồm Thiên Hoàng Saga (Tha Nga), cao tăng Kuukai (Không Hải) và Tachibana no Hayanari (Quất, Dật Thế). Vì viết quá đẹp nên được nhiều người nhờ chép kinh Pháp Hoa, có đến 200 bộ.
Bài số 19: Thơ nữ thi nhân Ise 伊勢の御 a) Nguyên Văn:
難波潟
みじかき芦の
ふしの間も
逢はでこの世を
過ぐしてよとやb) Phiên Âm:
Naniwagata
Mijikaki ashi no
Fushi no ma mo
Awade kono yo wo
Sugushite yo to yac) Diễn Ý:
Cũng như những mắt trên đốt ngắn,
Của cây lau trên bãi cạn Naniwa.
Gần đến thế mà chẳng gặp.
Chàng muốn bắt đời chúng ta cứ như thế này sao?d) Dịch thơ:
Như những đốt lau ngắn,
Trên bãi Naniwa.
Gần nhau mà chẳng gặp,
Trọn đời chịu cách xa?
(ngũ ngôn)Hai đốt lau ngắn mà lìa,
Hay người trên bãi đã chia ngấn lòng?
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Shin-Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập), thơ luyến ái, phần 1, bài 1094.
Ise no GoTác Giả: Bà Ise vì là đàn bà nên sử sách không để lại tên, chỉ biết bà là con gái quan trấn thủ vùng Ise tức Fujiwara no Tsugukage (Đằng Nguyên Kế Ấm). Bà sinh và mất khoảng giữa năm 877? và 938?, từng phụng sự hoàng hậu Onshi (中宮温子 Trung Cung Ôn Tử) của Thiên Hoàng Uda (Vũ Đa). Bà được so sánh ngang tầm cỡ với các nhà thơ lớn Ki no Tsurayuki và Ôshikôchi no Mitsune nên phải nói là danh vọng rất lớn đương thời, có để lại tập thơ riêng Ise-shuu (Y Thế tập). Được biết là người tính nết ôn hòa, khả ái.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Nỗi tuyệt vọng vì không được gặp người yêu dù trong thoáng chốc.
Cây lau mảnh mai mọc bên bờ nước là một quang cảnh quen thuộc trong đời sống người Nhật, từng là nguồn cảm hứng cho bao bài thơ. Bãi cạn Naniwa (nay là một phần của vịnh Ôsaka) có tiếng là một nơi nhiều lau nên đã đi vào văn học như một "gối thơ". Từ ý niệm khoảng cách giữa hai mắt của một đốt lau ngắn chuyển qua ý niệm khoảng thời gian thoáng chốc, cụm từ 芦の節ashi no fushi (đốt lau) đã được dùng như 序詞 jo-kotoba (chữ giáo đầu) để mô tả hiện thực tình yêu cay đắng của người đàn bà trong cuộc. Những chữ 芦 ashi (cây lau), 節 fushi (đốt), 節 yo (đốt), 世 yo (cuộc đời) là những 縁語 engo (chữ có liên hệ với nhau). Cụm từ 節の間 fushi no ma (khoảng cách giữa hai đốt lau) là một 掛詞 kakekotoba (chữ đa nghĩa) tạo nên một văn mạch kép vì còn có ý nói "thời gian ngắn ngủi".
Chính ra, chữ yo cũng hàm ý "mối tình của đôi trai gái" nữa. Tuy nhiên ở đây nó ám chỉ cuộc đời vô nghĩa vì cô độc, thiếu tình yêu của tác giả ở vị trí người đàn bà trong cuộc. Câu cuối là một câu hỏi thống thiết đặt cho người đàn ông, hàm ý trách móc.
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Nạn Ba Loan.
Nạn Ba Loan lý lô vi tùng,
Đoản như vi tiết dã nan phùng.
Thử sinh dữ quân ngộ bất đắc,
Niên hoa hư độ ngã thương tình.Anh dịch:
Scint are the joints of Ashi reed
That grow Nanihagata nigh.
While time o'er e'en as brief space speed
Failst thon to great my longings eye.
I fain would die!Nghe nói lúc hầu hạ Hoàng Hậu Onshi, bà Ise dan díu với người em hoàng hậu là Nakahira (Trọng Bình) Hết duyên với Nakahira thì đến lượt se duyên với em ông ta là Tokihira (Thời Bình), cả hai đều là những nhân vật quyền thế của dòng họ Fujiwara. Ngoài ra bà còn được chính Thiên Hoàng Uda sủng ái, sinh hạ cho ông một hoàng nam, sau đi lại với hoàng tử Atsuyoshi (Đôn Khánh), con trai ông, sinh được một người con gái tên là Nakatsukasa (Trung Vụ). Được các ông lớn chiếu cố như thế hẳn bà phải là người đa tình và tài mạo song toàn.
Học giả thời Edo, Kamo no Mabuchi, cho rằng "Ise no Go danh tiếng cao nhưng tài kém Ono no Komachi". Nhà phê bình Shirasu Masako không tán thành vì nghĩ rằng thơ Ise có một phong vị riêng, chính cái chỗ không hoa lệ như thơ Komachi là cái đẹp của thơ bà.
Bài số 20: Thơ hoàng thân Motoyoshi 元良親王 a) Nguyên Văn:
わびぬれば
今はた同じ
難波なる
みをつくしても
逢はむとぞ思ふb) Phiên Âm:
Wabi nureba
Ima wa onaji
Naniwa naru
Mi wo tsukushite mo
Awan to zo omouc) Diễn Ý:
Kẹt vào thế bí không biết làm thế nào,
Giờ đây có sao cũng đành lòng.
Phải làm cọc phao cắm trên vịnh Naniwa đi nữa
Nát thân ta vẫn tìm cách gặp em.d) Dịch thơ:
Sự thể đã như vầy,
Làm sao gặp em đây.
Giữa dòng như phao cắm,
Cũng chẳng tiếc thân này.
(ngũ ngôn)Dù làm phao cắm giữa dòng,
Thân danh nào tiếc chỉ mong gần người.
(lục bát)e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Xuất xứ: Gosen-shuu (Hậu tuyển tập), thơ luyến ái, phần thứ 5, bài 960.
Tác giả: Hoàng thân Motoyoshi hay Nguyên Lương thân vương (Motoyoshi shinnô, 890-943) là con trai trưởng của Thiên Hoàng Yozei. Ông nổi tiếng là người phong lưu đa tình, để nhiều giai thoại nói về mình.
Theo lời giải thích trong Gosen-shuu, bài thơ này làm ra sau khi mối tình tội lỗi giữa ông và bà 褒子 Yoshiko (Bao(14] tử), con gái đại thần Fujiwara no Tokihira, còn gọi là hoàng phi Kyôgoku, thiếp yêu của Thiên Hoàng Uda, gây ra tai tiếng. Chuyện ngoại tình phát giác, bị du vào thế kẹt đường cùng, trong cảnh bị giam lỏng, ông vẫn hứa với nàng là làm hết sức mình có nghĩa là hy sinh cả địa vị xã hội, cho dù có thân bại danh liệt, để sống trọn vẹn với tình yêu.
f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:
Đề tài: Tình yêu mãnh liệt đến độ dám hy sinh cả thân danh.
Hai câu đầu nói lên tình cảnh đường cùng thế bí khi vụ ngoại tình vỡ lỡ. Hai câu 3,4, trọng tâm của bài thơ, trong đó, tác giả dùng thủ pháp kake-kotoba (chữ đa nghĩa). Theo đó, 澪標 Miotsukushi vừa có nghĩa là cọc phao nổi căm sâu dưới nước dò mực nước nông sâu, để dẫn đường cho thuyền đi trên mặt biển, vừa được hiểu như Mi wo tsukushi 身を尽くし "thân danh tàn mạt". Còn Naniwa chỉ là phong cảnh nổi tiếng hay dùng trong thơ tình, ở đây có tác dụng tô điểm cho câu thơ mà thôi.
Bài thơ này đã được trích dẫn trong Truyện Genji, vốn có một chương mang tên Miotsukushi. Hành động của ông cũng được dùng làm mẫu để đúc khuôn hành động của Hikaru Genji.
g) Dư hứng:
Hán dịch:
Tịch mịch tân toan độ tử sinh,
Chí kim nhưng thị khổ phiền trung.
Trữ phó Nạn Ba giang trung tử,
Dã nguyện dữ quân tương tụ phùng.Anh dịch:
Distracted by my misery
How uteerly forlorn am I;
Oh that might thee once more see,
Tho' it should ecst my life to me!Sách chép khi bà Kyôgoku (Kyôgoku Miya Sundokoro) sống ở Teiji-no-in (Đình Tử Viện), ly cung của Thiên Hoàng Uda, nghĩa là đang là vợ của thiên hoàng, Motoyoshi đã đem lòng quyến luyến. Một năm, nhân tiết Trùng Dương, ông có làm bài thơ vịnh cúc để tặng bà, rồi lén lút đi lại. Ngoài bà ra, ông còn là một vương tử có giọng ngâm tốt, làm thơ tặng đáp các bà các cô rất nhiều. Trong thi tuyển của ông, tính đến có tới hơn 160 bài như thế, nên không hiểu lời ông bày tỏ với bà Kyôgoku ở đây có thành thực hay không.
Nữ sĩ Shirasu Masako cho rằng ở dĩ Motoyoshi dám cả gan "vuốt râu hùm" thiên hoàng Uda như vậy vì ông là con trai trưởng của Thiên Hoàng Yôzei và đáng lý ra đã phải trở thành thiên hoàng rồi.
(CÒN TIẾP)
[1] - Như Alfred Marks (1970), Howard S.Levy (Langstaff, 1976), William Porter (Tuttle, 1979), Tom Galt (Princeton, 1982), Steven D. Carter (Stanford, 1991) vv...
[2] - F.V. Dickins, 1866, Hyaku Nin Is’shiu (Japanese Lyrical Odes), Smith Elder &Co, London.
[3] - Địa danh. Nay là một khu trong thành phố Kyôto.
[4] - Tiên tiên (san san): chậm rãi, tha thướt.
[5] - Lượng: hong, phơi.
[6] - Thiều thiều, còn đọc là điều điều: xa xôi, thăm thẳm.
[7] - Liêu khoát: mênh mông, bát ngát.
[8] - Tình: tạnh mưa.
[9] - Y nhân: người ấy, thường thường chỉ nữ giới.
[10] - Phiên phiên: nhẹ nhàng, thoăn thoắt.
[11] - Hội: tụ lại, ngập.
[12] - Chữ thái đầu nghĩa là hái, chữ sau nghĩa là rau.
[13] - Chữ Tự câu 2 có nghĩa là giống như, ở câu 4 có nghĩa là tự nguyện.
[14] - Bao nghĩa là khen ngợi.
[ Trở Về ]