Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
HIGUCHI ICHIYÔ 樋口一葉 Nhà văn nữ chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản Nguyễn Nam Trân
Higuchi Ichiyo (1872-1896), ảnh chụp năm 1895
THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP Có lẽ Higuchi Ichiyô là nhà văn phái nữ chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử văn học Nhật Bản và là tác giả nữ đáng chú ý nhất kể từ năm 1280, lúc nhật ký Izayoi (Đêm trăng mười sáu) của bà Abutsuni (?-1283) ra đời, nghĩa là 6 thế kỷ về trước.
Dòng dõi và gia cảnh:
Tên thời con gái là Natsu, sinh vào năm Meiji thứ 5 (1872) ở vùng nội thành Tôkyô (nay là khu Chiyoda), con một gia đình samurai nghèo. Cha bà, Noriyoshi chỉ là một viên chức hành chánh nhỏ, mẹ là bà Taki. Ông bà có 5 người con là cô gái cả Fuji, các cậu trưởng nam Sentarô và thứ nam Toranosuke, thứ nữ Natsu (Ichiyô) thêm em gái út Kuni. Hai vợ chồng dều là dân xuất thân từ một thôn làng gần thành phố Kôfu, tỉnh Yamanashi, dưới ngọn đèo Daibosatsu nổi tiếng nhờ nhà văn đại chúng Nakazato Kaizan (1885-1944). Năm 1857, ông bà mới lên Tôkyô, tuy là gốc nông dân nhưng cố gắng mua được hàm sĩ tộc để thành gia thần cho người ta. Như vậy cô Natsu tuy con quan đấy nhưng trong huyết quản vẫn là dòng máu nhà nông.
Cô chị Fuji lấy chồng nhưng tình duyên trắc trở, tái hôn với người khác. Cậu hai Toranosuke ra ở riêng, làm nghề trang trí đồ gốm. Cậu cả Sentarô chẳng may mất sớm. Năm Natsu 17 tuổi (1889), bố mất, bà trở thành chủ hộ, sống hẩm hút với mẹ và em gái Kuni.
Sơ lược về văn nghiệp:
Higuchi Ichiyo tức Natsu của chúng ta lâm bệnh và mất năm 1896 tức lúc mới có 24 tuổi, còn đang độc thân. Bà vất vả từ bé nhưng nhờ văn tài và nghị lực nên đã bước vào văn đàn rất sớm. Cuộc đời bà tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một lượng tác phẩm đáng kể. Tất cả là 21 tập tiểu thuyết ngắn và trên 4000 bài thơ tanka. Ngoài ra bà còn có một tập sách dạy phụ nữ viết thư (nhan đề Tsuuzoku shokanbun, có giá trị văn học đáng kể) cũng như một số tùy bút. Đó là chưa kể tập nhật ký bà ghi chép mọi việc xảy ra từ tuổi 15 cho đến lúc cuối đời.
Lúc đầu Higuchi Ichiyô chỉ viết với giọng văn cổ xưa nhỏ nhẻ trang nhã mà thôi nhưng đột nhiên, với tác phẩm Ôtsugomori (Ngày cuối năm) ra đời năm Meiji 27 (1894), truyện ngắn cảm động về một cô gái nghèo đi vay tiền trong một ngày cuối năm, bà đã bộc lộ được văn tài của mình. Từ đó, bà tập trung viết về những mối tình nhẹ nhàng của trai gái sống gần kề xóm lầu xanh Yoshiwara trong Takekurabe (So vai) [1] ra mắt năm Meiji 28-29 (1895-96). Truyện này cũng có thể đã lấy cảm hứng từ chương 23 của tác phẩm cổ điển Ise Monogatari (Truyện Ise) thời trung cổ tả tình cảm thơ ngây của đôi nam nữ "thanh mai trúc mã" sau khám phá được tình yêu với nhau, và lồng khung nó trong bối cảnh hiện đại.
Trong Takekurabe (tạm dịch là So vai), Ichiyô trình bày những biến chuyển tâm lý tinh tế và những cảnh ngộ của cô gái nhỏ Midori từ lúc còn trẻ con cho đến khi trở thành thiếu nữ bên cạnh hai người bạn trai cùng trang lứa là Shinnyo và Shôtarô. Cả ba cùng sống trong một xóm nghèo, nơi đây bọn trẻ con chia phe đảng, tranh chấp gây gỗ với nhau nhưng đồng thời, với tuổi dậy thì, chút tình cảm yêu đương thoáng nhẹ cũng đã thành hình giữa Midori và Shinnyo. Thế rồi đến ngày Shinnyo giã từ xóm nghèo để vào chùa tu, mỗi người một định mệnh, mọi chuyện thành ra dang dở. Đây là một tác phẩm có tính cách tự truyện và đầy chất thơ, được các nhà văn như Mori Ôgai (1862-1922) và Kôda Rohan (1867-1947) đặc biệt yêu thích. Nhà phê bình cận đại Nakamura Mitsuo (1911-1988) cho rằng: "Không có tác phẩm nào so sánh nổi với So vai về cách miêu tả thơ mộng và chính xác những tình cảm tinh tế của của nam nữ lứa tuổi mới lớn".
Ichiyô quan tâm đặc biệt đến cảnh đời của hạng người bị khinh thường nhất trong xã hội, nghĩa là các cô gái làng chơi. Bi kịch yêu ghét thương tâm não lòng của họ như trong Nigorie (Vàm nước đục, 1896) nói về mối tình của kỹ nữ Oriki về chiều với một người khách khinh bạc, là đề tài cho những tác phẩm nổi tiếng. Bà còn đặt vấn đề về vị trí của người phụ nữ trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Juusanya (Đêm trăng mười ba, 1895) [2] nói về thân phận một người phụ nữ, Seki, thất vọng với chồng, trở về nhà bố mẹ để mà bị đuổi trở lại bởi vì gia đình cô ta không muốn mất anh con rễ giàu có. Trên đường về tình cờ người phu xe kéo đưa cô lại là anh bạn trai thời con gái, ngày xưa đã thầm yêu và cuộc đời tan nát vì mất cô!
Ichiyô đã đem đến cho văn đàn sau cuộc chiến tranh Nhật-Thanh (1894-95) một nét đẹp riêng cũng như ý thức về thân phận người phụ nữ. Tác phẩm của bà thường bắt nguồn cảm hứng từ thể nghiệm bản thân: một phụ nữ phải gánh vác gia đình nghèo, gặp nhiều nghịch cảnh và phấn đấu để vượt qua. Đúng như thế, vì bệnh lao, bà đã qua đời rất sớm nhưng đã để lại tập nhật ký ghi chép về cuộc đời mình từ năm 15 cho đến năm 24, lúc bị tử thần cướp đi. Nhật ký ấy có giá trị văn học rất lớn lao. Ngoài những tác phẩm vừa kể, bà còn viết Umoregi (Cuộc đời vùi chôn, 1892), Koto no ne (Tiếng đàn cầm,1893), Wakaremichi (Ngã rẽ, 1896) và không chỉ có chừng đó. Với tính hiện đại của nó, văn chương của Ichiyô vẫn tiếp nối được phong cách xã hội và không khí Nhật Bản của văn học Edo gầy dựng bởi tiểu thuyết gia đại chúng Saikaku và nhà soạn giả tuồng kabuki, Chikamatsu.
Nghịch cảnh đẻ ra tác phẩm:
Để tỏ lòng kính trọng, chính phủ Nhật đã in ảnh của bà trên tờ giấy bạc 5.000 Yen và trên tem thư. Lý do là bà được hầu như toàn thể quốc dân Nhật Bản yêu thương và nể trọng. Dù học hành không có bao nhiêu (năm thứ tư cao đẳng tiểu học ở một trường tư) và bị gián đoạn vào tuổi 12 nhưng bà là người rất hiếu học. Vào thời đó, người ta thường bắt con gái bỏ học sớm để ở nhà lo nội trợ hay sửa soạn lấy chồng cho sớm. Đó cũng vì lối suy nghĩ lỗi thời của người mẹ, bà Taki. Thế nhưng cha bà, rất yêu con và bản thân cũng là người có chỉ tiến thủ, hình như cũng khám phá được cái mầm thơ văn mới nhú nơi bà, muốn cho bà học thêm. Năm bà 14 tuổi, người cha đã gửi bà vào Haginoya, một trường dạy làm thơ waka do nữ sĩ Nakajima Utako kinh doanh. Trường này toàn là con nhà giàu đến học, bà thuộc hạng nghèo. Thế nhưng ở đây bà đã chứng tỏ năng khiếu trời cho của mình cũng không thua kém bạn cùng lớp như các tài nữ của Haginoya là Itô Natsuko và Tanabe Ryuuko. Bà Tanabe sau làm học trò đại văn hào Tsuboi Shôyô và trở thành nhà văn Miyake Kaho (Miyake là tên chồng) với tác phẩm Yabu no uguisu (Chim oanh trong lùm bụi) được văn đàn nhìn nhận. Sự thành công (cả về mặt tài chánh) của người bạn gái ấy đã kích thích Ichiyô rất nhiều.
Cha bà cũng gắng gỗ trong việc kinh doanh riêng nhưng xuất thân con nhà samurai thì làm gì thạo việc làm ăn nên sa ngay vào cảnh thất bại. Ông lại lâm bệnh, chết sớm, thay vì để lại tiền của, đã để toàn nợ nần cho vợ con. Anh sinh viên luật xuất thân Đại học Waseda tên Shibuya Saburô, đã ăn hỏi Ichiyô rồi nhưng sau khi cha bà chết, lại bãi bỏ lời giao ước. Tình cảnh của bà lúc ấy thế nào, không nói cũng hiểu, nhất là bà lại thông minh và nhạy cảm. Phải chăng chủ đề bi kịch của người đàn bà bất hạnh trong văn chương của bà đã bắt nguồn từ cảnh ngộ này chăng?
Sau khi cha chết ít lâu, Ichiyô có đến tạm trú nơi ông anh Toranosuke nhưng mẹ và con trai không hợp tính nên ba mẹ con bà lại phải đi mướn nhà ở riêng, họ sống qua ngày bằng nghề may thuê giặt mướn.
Vai trò của nhà văn và nhà báo Nakarai Tôsui:
Cuộc gặp gỡ nhà văn và nhà báo Nakarai Tôsui là bước ngoặc lớn trong đời bà. Ông làm ở tờ Mainichi, đã nhận bà làm đệ tử và từ đó bà bắt đầu viết tiểu thuyết. Lúc ấy bà vừa 19 tuổi, cùng tuổi bước vào làng văn như cô bạn cùng trường và đàn chị là Tanabe Ryuuko. Tôsui năm đó mới 23 nhưng góa vợ và đã đời trải qua nhiều gian truân. Ông sống với em trai và em gái, làm nghề viết tiểu thuyết cho nhật báo. Cô học trò Ichiyô chẳng mấy lúc đem lòng yêu ông thày đẹp trai và tận tình này.
Tôsui lập ra tạp chí Musashino (tên cũ của Tôkyô), trên đó Ichiyô đã đăng những tác phẩm đầu tiên như Yamizakura (Hoa anh đào trong bóng tối), Gogatsu-ame (Mưa tháng năm), Tamatasuki (Giải giây thắt ống tay áo). Bà còn đăng truyện nhiều kỳ nhan đề Wakareshimo (Sương buổi chia ly) trên nhật báo Kaishin (Cải Tiến). Lúc ấy ở Haginoya người ta có điều tiếng chung quanh mối liên hệ bà và ông Tôsui (trong đó có chuyện không có thực là việc một người đàn bà khác có mang với ông) nên họ đành cắt đứt liên lạc dù lòng không muốn. Cô bạn Miyake Kaho (tức Tanabe Ryuuko), lúc đó làm ở nhà xuất bản Kinkôdô, đã vận động để bà được đăng tiếp bài vở. Tạp chí Miyako no Hana (Hoa kinh đô), có tiếng hàng đầu đương thời, đã đăng Umoregi (Cuộc đời vùi chôn), Kyôgetsuya (Bình minh một đêm trăng). Lúc đó một tạp chí danh giá khác, tờ Bungakkai, cũng đăng thêm Yuki no hi (Ngày trời tuyết). Như thế, đã có thể xem như văn tài của Ichiyô được văn đàn chú ý. Tuy nhiên, kể từ lúc đó, bà lại gặp nhiều vấn đề. Dù tiểu thuyết được đăng nhưng như đã nói, bà lại trở thành người thất tình vì mất Tôsui, một người yêu và một người thầy. Bà không sao tìm ra hứng thú để viết được nữa.
Mất hứng sáng tác và dọn về xóm chùa Ryuusenji (Long Tuyền Tự) trong khu Taitô, bà mở một cái tiệm nhỏ bán tạp hóa và bánh kẹo lắt nhắt. Khu này nằm bên xóm đĩ điếm Yoshiwara, sẽ là sân khấu của Takekurabe (So vai) về sau. Chẳng đầy một năm, bà lại dọn về vùng cửa sông ngầu bùn là khu Fukuyama ở Hongô và dĩ nhiên đây là bối cảnh của tác phẩm Nigorie (Vàm nước đục). Nhưng rất tiếc là cũng tại nơi đây, sau khi để lại cho đời những tác phẩm có giá trị như vậy, bà đã vĩnh viễn ra đi.
Ảnh hưởng của Nhóm Bungakkai:
Nếu Ichiyô không giao du với nhóm Tạp chí Bungakkai thì chúng ta ngày nay sẽ không được đọc những tác phẩm có tầm cỡ như thế. Nhờ làm việc bên những nhà văn chịu ảnh hưởng văn học ngoại quốc của nhóm như Kitamura Tôkoku (1868-1894), Shimazaki Toson (1872-1943), Ueda Bin (1874-1916)...mà bà phát triển được tài năng của mình. Với vốn liếng văn học cổ điển Nhật Bản và văn học cận đại thời Edo có sẳn, nay nhận được thông tin về văn học ngoại quốc từ những người kể trên, văn tài của Ichiyô đã hoàn toàn ra hoa kết trái.
Văn của bà đứng giữa nhã và tục (nghĩa là trung gian giữa văn viết và văn nói), chú trọng việc miêu tả tâm lý, tình cảm. Trên văn đàn thời Meiji trung kỳ, đó là một điểm mới mẻ và độc đáo. Thế nhưng có nhà phê bình như Katsumoto Seiichirô đã đưa ra nhận xét là văn phong của bà rất độc lập nếu không nói là cô lập vì về sau, không thấy nhà văn nào viết theo phong cách của bà. Hoặc giả bà là một thiên tài nên không ai bắt chước nổi? Một người khác, Aiba Gôfuu, đã xem như bà là một nhà văn nữ cuối cùng viết theo lối cổ, nhưng cùng lúc, giữa giai đoạn tranh tối tranh sáng, đã đóng vai trò tiên phong của người phụ nữ mới. Đó cũng là ý nghĩ của những nhà phê bình thời hậu chiến sau khi nhiều tài liệu về bà được công bố.
Thời đại và con người Higuchi Ichiyô:
Ichiyô sống cuối vào thế kỷ 19, thời kỳ văn học cận đại Nhật Bản đang thành hình. Lúc đó các nhà văn Nhật đã bắt đầu xông xáo trên văn đàn sau khi đọc được tác phẩm lý luận cơ sở Shôsetsu Shinzui (Tinh túy của tiểu thuyết) của Tubo.uchi Shôyô (1859-1935). Cùng lúc, giáo dục sơ cấp cũng đã được phổ cập đến đông đảo quần chúng, con số người biết đọc thêm nhiều. Kỹ thuật xuất bản đã có những tiến bộ nhảy vọt và hệ thống xuất bản đã có khuôn khổ. Những năm 20 đời Meiji (1887 trở đi) đã thấy bóng dáng một số nhà văn nữ xuất hiện. Họ là Shimizu Shikin, Kimura Akebono, Wakamatsu Shizuko, Tanabe Ryuuko (sau khi lấy chồng, trở thành Miyake Kaho, bà là bạn học và đàn chị của Ichiyô ở trường dạy waka Haginoya). Hầu hết các bà là những người hoặc đã nhận được một nền giáo dục mới, hoặc viết dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, trong số đó, lại có một người mà buổi đầu vốn liếng nhà trường có thể nói không có gì đến từ phương Tây mà chỉ thông qua tác phẩm cổ điển Nhật Bản, có một thế giới quan không ra ngoài phạm vi Phật giáo. Đó là Higuchi Ichiyô, một trường hợp khá độc đáo. Hơn nữa, nếu những nhà văn nữ cùng thời với bà sinh trong giới thượng lưu thì Ichiyô lại xuất thân con nhà nghèo, có một thời gian phải sống trong xóm gái giang hồ và chịu đựng mọi thiếu thốn vật chất cho đến ngày nhắm mắt. Thế nhưng cũng nhờ cảnh bần hàn ấy mà bà đã thu thập được tài liệu sống để miêu tả một cách sắc cạnh, lột trần được cái mặt trái và những mâu thuẫn của xã hội Meiji. Cũng nhờ cảnh bần hàn ấy mà bà đã thông cảm sâu xa và có thể chia sẻ cảnh ngộ của những người phụ nữ khốn khổ ấy nên thành công khi trình bày chiều sâu những bức xúc trong tâm tình họ.
NIÊN BIỂU SÁNG TÁC 1872 : 0 tuổi:
Ichiyô sinh ra tại khu phố Chiyoda, nay thuộc nội thành Tôkyô. Con gái thứ của Higuchi Tamenosuke (tên gốc là Fujiwara Noriyoshi trước khi chưa mua chức). Mẹ Taki, còn gọi là Ryuuko, tên gốc là Ayame, con nhà samurai. Chị là Fuji. Những người này (Noriyoshi, Ryuuko và Fuji) sẽ xuất hiện như ba nhân vật chính của Juusanya (Đêm trăng mười ba). Gia đình Inaba, nơi mẹ tác giả từng làm công, sau đó sa sút và lưu lạc, sẽ xuất hiện trong Nigorie (Vàm nước đục). Tên hộ tịch của tác giả là Natsu. Thường tự xưng là Natsu hay Natsuko (Hạ tử). Anh thứ Toranosuke của tác giả sẽ là "người mẫu" cho nhân vật Irie Raizô trong Umoregi (Cuộc đời vùi chôn). Hachizaemon, người ông tính tình cứng cõi của tác giả - từng bị bắt bỏ ngục - cũng được bà đưa vào tác phẩm Nigorie.
1874: 2 tuổi:
Em gái út là Kuniko ra đời. Sẽ là hình tượng của nhân vật nữ Nui trong Yukugumo (Mây bay đi).
1878: 6 tuổi:
Bắt đầu đọc tiểu thuyết, nhất là truyện kiếm hiệp. Trong nhật ký cho biết vì thế mà cận thị.
1883: 11 tuổi:
Theo ý mẹ, thôi học dù đứng đầu trong lớp. Đã được thầy cô dạy làm thơ waka.
1885: 13 tuổi:
Quen biết với Shibuya Saburô, sau là chồng chưa cưới. Anh sinh viên luật này sẽ là hình tượng các nhân vật như Sugihara trong Gogatsu-ame (Mưa tháng năm) hay Yamaguchi trong Kono ko (Đứa bé này).
1886: 14 tuổi.
Vào học làm thơ waka ở ngôi trường tên Haginoya với Nakajima Utako. Quen biết với các bạn gái cùng lớp như Tanabe Ryuuko, Itô Natsuko, Tanaka Minoko. Hai năm sau, Tanabe trở thành nhà văn và có tác phẩm xuất bản, động cơ kích thích Ichiyô bước vào đời văn.
1889: 17 tuổi:
Bố ốm và mất. Trước khi chết đã gửi gắm Ichiyô cho Shibuya Saburô. Anh này nhận cưới cô làm vợ nhưng sau đó lại bội ước.
1890: 18 tuổi:
Viết tác phẩm đầu tay Mudai 6 (Bài không tên số 6). Tạm giúp việc cho Haginoya. Sau cùng với mẹ và em gái may thuê giặt mướn để sinh nhai.
1891: 19 tuổi:
Viết Kare Obana Hajime mo to (Ngay cả với anh chàng Obana Hajime) và quyết tâm kiếm sống bằng ngòi bút. Được giới thiệu với Nakarai Tôsui, tiểu thuyết gia của nhật báo Mainichi. Ông sẽ là người mẫu cho nhân vật Katsuragi trong Yuki no hi (Ngày trời tuyết) và Keijô trong Nigorie (Vàm nước đục). Tháng 11, bắt đầu viết phần đầu của tập tùy bút Mori no shitagusa (Cỏ nấp dưới lùm cây, quyển 1). Cũng vào năm này, chọn bút hiệu là Ichiyô (Nhất Diệp), ý nói mình nhà nghèo, lấy cảm hứng từ điển cố Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ phương Tây không có vật đỡ chân (ashi) phải đáp một chiếc lá lau (cũng đọc là ashi) mà đến.
1892: 20 tuổi:
Trong một lần đến thăm Tôsui, có dịp cấu tứ cho Yuki no hi (Ngày tuyết rơi). Đăng Yamizakura, Tamatasuki, Gogatsu-ame... trên tạp chí Musashino của Tôsui, Wakareshimo trên tạp chí Kaishin. Được giới thiệu với nhà văn đàn anh là Ozaki Kôyô. Cuộc tình duyên với Tôsui coi như đổ vỡ vì điều tiếng dồn đại trong Haginoya. Hai người bạn trai là Shimada Saburô và Nojiri Risaku đều muốn tiến tới với bà nhưng không thành. Dù sao hình ảnh của họ cũng được bà dùng cho nhân vật tiểu thuyết của mình. Do lời giới thiệu của bạn cũ Tanabe Ryuuko (Miyake Kaho), đăng được Umoregi (Cuộc đời vùi chôn) trong tạp chí có bề thế là Miyako no Hana (Hoa kinh đô).
1893: 21 tuổi:
Đăng Kyôgetsuya (Bình minh một đêm trăng) trong Miyako no Hana và Yuki no hi (Ngày tuyết rơi) trong Bungakkai. Dọn nhà về xóm Ryuusenji (Long Tuyền Tự), một chỗ quen được gọi là Daionji-mae (Trước chùa Đại Âm) và viết Takekurabe (So vai). Cũng ở đây bà đã viết tùy bút Ryuusuien zakki (Tạp ký về Lưu Thủy Viên) và cho đăng Koto no ne (Tiếng đàn cầm) trên Bungakkai.
1894: 22 tuổi:
Đăng Hanagoromo (Tấm áo hoa) trên Bungakkai. Dọn về khu Hongô, làm trợ giáo cho Haginoya. Đăng An.ya (Đêm đen) và Ôtsugomori (Ngày cuối năm) trên Bungakukai. Quen biết với văn hào và thi sĩ nổi tiếng Shimazaki Tôson. Từ chối mối tình của một ông bạn khác khác vì không muốn làm vợ lẻ ông ta.
1895: 23 tuổi:
Đăng Takekurabe (So vai) trên Bungakkai, Yukugumo (Mây bay đi) trên Taiyô, Utsusemi (Xác ve) và tùy bút Sozorogoto (Chuyện lang bang) trên nhật báo Yomiuri và Nigorie (Vàm nước đục) trên Bungei Kurabu.
1896: 24 tuổi:
Đầu năm, đăng Kono ko (Đứa bé này) trên tạp chí Nihon no Katei và Wakaremichi
(Ngã rẽ). Được giới thiệu với nhà văn đàn anh tiếng tăm Futabatei Shimei. Tháng 2, Uramurasaki (Buồn tím) được đăng trên tạp chí Shin Bundan (Tân văn đàn).Nhóm chủ trương tạp chí Mesamashigusa (Thức tỉnh) là Mori Ôgai, Kôda Rohan, Saitô Roku.u nhiệt liệt khen ngợi, nhìn nhận văn tài. Lại cho đăng tải tùy bút Sozorogoto (Chuyện lang bang) trên tạp chí Hototogisu (Chim cuốc). Tháng 5, cho đăng Warekara (Tại mình) trên Bungei Kurabu. Tháng 8, đưa 800 bài waka lên tạp chí của hội thơ Chitokukai. Tuy nhiên, bệnh lao bà mắc phải đã bước vào thời kỳ trầm trọng, vô phương cứu chữa. Ngày 23 tháng 11, bà qua đời. Lễ tang cử hành ở chùa Honganji trong khu Tsukuji, di cốt gửi nhà chùa.
TAKEKURABE, ICHIYÔ VÀ DÒNG VĂN HỌC PHỤ NỮ Nguyễn Nam Trân biên dịch
Takekurabe đã được đăng ngắt thành nhiều đoạn lần đầu tiên trên tạp chí Bungakkai năm 1895 và đăng toàn bộ trên Bungei Kurabu năm 1896. Không bao lâu, tên tuổi của tác giả Higuchi Ichiyô đã dậy như sóng cồn. Các nhà văn đàn anh đều không tiếc lời khen ngợi. Đặc biệt Mori Ôgai đã phát biểu: "Cho dù người đời có cười cho là quá nói tốt cho Higuchi Ichiyô, tôi sẽ không ngượng ngùng gì khi đánh giá cô như một nhà thơ [3] đích thực". Thật vậy, chẳng những người đương thời mà cả hậu thế cũng đã dành cho bà một chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn dù sự nghiệp của bà quá ngắn ngủi.Takekurabe đã được Ichiyô cấu tứ và viết ra với chất liệu là cuộc sống của bà ở vùng Shimotani Ryuusenji (thường được gọi là Daionji-mae). Trong thời gian mở tiệm bán kẹo bánh mưu sinh ở đây, bà đã chứng kiến những cuộc lễ lạc ở đền thần đạo Senzoku, ba đám hội lớn của xóm Yoshiwara, phong tục làm kumade (một vật trang trí trong lễ hội) dành cho chợ phiên Tori no ichi...cũng như có dịp tìm hiểu bọn trẻ con trong xóm để có những chất liệu sống động cho tác phẩm. Quan trọng hơn cả là bối cảnh của câu chuyện, xóm làng chơi Yoshiwara. Từ đó bà đã chụp bắt được cái nhìn đánh giá của người trong vùng đối với phụ nữ ở đó, vốn chỉ có giá trị như một món hàng. Thế rồi từ việc chụp bắt được những cái nhìn như vậy mà tác phẩm này đã ra đời.
Ý nghĩa của từ Takekurabe:
Takekurabe, chúng tôi tạm dịch ở đây là So vai (với một phụ đề là Từ giã thơ ngây) đã được André Greymond khi chuyển ngữ sang tiếng Pháp dùng cụm từ Qui est le plus grand? với nghĩa Đứa nào lớn (cao) hơn?, vốn là một từ khó dịch. Robert Lyoins Danly đã tránh dịch khi chuyển ngữ qua tiếng Anh. Ông chỉ dịch thoát đi là ChildsPlay (Trò chơi của trẻ con). Nguyên lai, chữ takekurabe đã xuất hiện trong 2 bài thơ ở đoạn 23 nhan đề Tsutsui tsu no (Bên bờ giếng) của Ise Monogatari (Truyện Ise), một tác phẩm cổ điển Nhật Bản (phỏng đoán ra đời vào năm 951).
Take là chiều cao thân người và kurabe có nghĩa là đọ hay so sánh, đến từ động từ kuraberu. Hai người trẻ tuổi trong truyện, một trai một gái, vốn là đôi bạn thân chơi với nhau từ thưở ấu thời ở một xóm quê, khi lớn lên họ biết mắc cỡ, không tìm gặp nhau nữa nhưng vẫn mơ một ngày sẽ trở thành vợ chồng. Cho dầu cha mẹ có gả bán cho ai khác họ cũng sẽ không tuân lời. Sau đó, người con trai đã gửi cho cô bạn gái một bài thơ tanka (đoản ca) như sau:
Tsutsui tsu no / itsutsu ni kakeshi / maro ga take / sugi ni kerashina / imo mizaru ma ni /
(Thuở đó vóc người của anh chưa đủ cao so với bờ thành giếng tròn (chỗ chúng mình chơi đùa ngày bé dại). Sau một thời gian không gặp em, anh nghĩ mình bây giờ đã cao hơn bờ giếng rồi em ạ) (nói cách khác, không gặp em một thời gian, nay anh đã trưởng thành và mong gặp lại em).
Người con gái đã đáp lại bằng một tanka hình thức hanka (phản ca, thơ trả lời):
Kurabe koshi furi / wakegami mo / kata suginu / kimi narazu shite / tare ka agubeki /
(Hồi đó mái tóc em còn để rẽ trái đào, vẫn thường đem so với anh xem tóc ai dài hơn. Bây giờ tóc em đã dài, rũ xuống quá bờ vai rồi, anh ạ. Thế nhưng, ngoài anh ra, có ai là người có thể vén tóc cho em đâu. (muốn ngầm bảo chỉ có anh là người em muốn mời đến bới tóc làm lễ thành nhân cho em và kết hôn với em).
Và sau đó, với một kết luận tốt đẹp như trong mọi cuộc tình duyên suôn sẻ, họ đã đạt được ước mơ thành vợ thành chồng. Cho nên khi tác giả Higuchi Ichiyô đặt tựa đề Takakurabe cho tác phẩm, bà đã ví đôi trẻ Midori và Shinnyo như hai thiếu niên trong Truyện Ise nhưng hoàn cảnh của họ trắc trở hơn là kết luận cũng buồn thương hơn, gây xúc động sâu sắc cho người đọc.
Xóm lầu xanh Yoshiwara:
Bối cảnh của câu chuyện là xóm lầu xanh Yoshiwara. Âm Hán của chữ ấy là Cát Nguyên, cát (yoshi) với nghĩa " tốt lành". Thật ra trong tiếng Nhật yoshi còn có một nghĩa là lau sậy (vi lô), hẳn là trước khi thành xóm làng, có lẽ nơi đây là một bãi lau (ashi). Nhân vì ashi, dưới một tự dạng khác, có nghĩa là "ác", để kiêng cữ, người ta đọc ngược thành yoshi (tốt lành).
Nguyên lai, năm 1617, mạc phủ đã lập xóm lầu xanh đầu tiên ở Ashiya (nay là khu Ningyôchô thuộc Nihonbashi, trung tâm Tôkyô) và dồn tất cả kỹ nữ trong thành về đó để tiện bề kiểm soát. Khu ấy trở thành chốn ăn chơi vĩ đại nhất nước. Sau một trận hỏa hoạn lớn, từ năm 1658, xóm này dời về vùng Senzoku, bắc Asakusa, phía tây bờ sông Sumida, con sông lớn chảy qua Tôkyô bây giờ). Đó là một khu vực bao quanh bằng kênh đào và chỉ có một cánh cổng lớn ra vào cho dễ canh gác. Những cô kỹ nữ sống trong xóm này đều ký khế ước với các nhà chứa. Việc làm ăn của họ hoàn toàn hợp pháp và công khai. Nhân vì khu vực này nằm ở phía bắc bờ thành Edo nên được gọi là Hokkaku (Bắc quách). Xóm này được nhiều người thường xuyên lui tới và sự ăn chơi phồn thịnh. Các cuộc hội hè đình đám của xóm đã là động cơ thúc đẩy những ngành nghệ thuật của văn nhân và người kẻ chợ, không những thi ca, sân khấu, âm nhạc mà cả hội họa phát triển nữa. Những tên tuổi như Harunobu, Kunisada, Toyokuni ...với những bức tranh Ukiyo-e vẽ lại cuộc sống của giới chị em ta đã trở thành tác phẩm quốc bảo. Cũng không thể bỏ qua những tác phẩm tiểu thuyết, chưa nói đến các bản tuồng Kabuki hay Jôryuuri như Sukeroku nói về cuộc chết chung vì tình của Manya Sukeroku với kỹ nữ.
Xóm ăn chơi (kuruwa) nào cũng có kênh vây cả bốn mặt. Ở vùng Yoshiwara vào thời Ichiyô, con kênh này rộng khoảng một mét. Tên là Kinh Răng Đen (O-haguromizo) Cái tên ấy có thể hiểu theo nghĩa kinh nước đen vì màu nó hệt như nước thuốcc các bà có chồng dùng để nhuộm răng đen (tục nhuộm răng ở Nhật đã có từ xa xưa). Tương truyền các cô gái làng chơi đem nước thuộc nhuộm răng ra đây mà đổ nên mới có tên đó. Con kênh này định ranh giới cho khu Yoshiwara, lại được dùng vào việc phòng hỏa kể từ khi trận đại hỏa tai năm Meireki (kéo dài từ ngày 18 đến 20 năm 1657 thiệu rụi thành phố và làm chết 10 vạn người). Nó còn có mục đích kiểm tra người ra người vào xóm cũng như ngăn cản các cô gái làng chơi bỏ trốn khỏi nhà chứa. Khu vực trong và ngoài xóm chỉ được thông nhau bằng một cánh cổng, có cầu treo và người canh. Cây cầu này lúc được nhấc lên thì nội bất xuất, ngoại bất nhập và khu Yoshiwara trở thành một không gian bị phong tỏa.
Hai thế giới :
Thời gian của Takekurabe là khoảng từ mùa hè cho đến đầu mùa đông và không gian của nó là khu vực hàng phố Daionji-mae bên cạnh xóm lầu xanh Yoshiwara. Tác giả đã miêu tả khéo léo, cho thấy cái tuổi trẻ và sự thơ ngây của thời mới lớn một khi ra đi sẽ không bao giờ trở lại. Con Midori của cửa hàng Daikoku-ya, thằng Shinnyo con ông từ chùa Ryuukaji (Long Hoa Tự) và thằng Shôtarô của cửa hàng Tanaka-ya đóng vai chính. Bên cạnh bộ ba ấy là thằng Chôkichi, đầu đảng sừng sỏ và thằng Sangôrô gian dối. Tuy tính tình khác nhau và ở trong những hoàn cảnh khác nhau, chúng đều có một điểm chung là đang cùng sống chung những năm tháng cuối cùng trước khi từ giã vĩnh viễn cái tuổi hoa niên. Nhất là lúc đó, giữa Midori và Shinnyo đã nẩy ra một tình cảm quyến luyến thoáng nhẹ mà chúng không hề cho nhau hay biết (không những thế mà còn phản ứng ngược chiều nữa chứ) để rồi đưa đến một lỡ làng vĩnh viễn. Tâm cảnh của chúng chắc đã làm cho độc giả chúng ta không ai mà không có một tình cảm tiếc nuối đến ngẩn ngơ ! Thế nhưng giai điệu buồn thương của Takekurabe đã cất lên từ một không gian bi thảm, đó là xóm lầu xanh Yoshiwara, và khổ thay, tấm thân trong trắng của Midori đã dính líu quá thâm sâu với xóm ấy mất rồi. Mặt khác, lúc đó thì Shinnyo chẳng bao lâu nữa sẽ đi theo tiếng gọi của một định mệnh khác (vào chùa tu) mà xa rời chốn trần tục bụi bặm này. Khi hai nhân vật chính của câu chuyện được Higuchi Ichiyô giới thiệu như " con Midori của cửa hàng Daikoku-ya ", " thằng Shinnyo chùa Ryuukaji " thì hầu như những danh hiệu ấy đã dính liền với chúng nó nghĩa là cuộc đời hiện tại và tương lai của chúng hầu như đã được quyết định trước. Tượng trưng cho sự cách biệt vĩnh viễn của hai thế giới đó là quang cảnh chiều mưa dưới cánh cửa sổ bên hiên cửa hàng Daikoku-ya. Nó giống như một cảnh (act) vở tuồng trên sân khấu hay một đoạn (sequence) trong phim ảnh vậy. Tất cả đều diễn ra lặng lẽ, hai nhân vật không có một lời nào để bày tỏ những gì đang xảy ra trong tâm hồn mình. Sau khi cơn mưa đi qua chỉ còn sót lại mỗi mảnh khăn hồng như chứng tích của cuộc tình thơ ngây và thoáng qua. Tác giả dùng một cảnh gây ấn tượng hết sức đẹp đẻ như thế chỉ để cho ta thấy thế giới của hai đứa trẻ không bao giờ hòa hợp được với nhau. Cái liếp mỏng ngăn cách hai đứa, than ôi, đó là một cánh cửa đã khóa trái.
Rồi đến ngày nào đó, cuộc đời của Midori sẽ thay đổi hẳn. Cô bé biến thành một con người hoàn toàn khác. Cái gì đã xảy đến cho cô ? Cô đã thấy kinh nguyệt lần đầu tiên hay đang sắp sửa đến giai đoạn phải đem thân thể mình rao bán cho lũ đàn ông trăng hoa dưới hình thức nào đó ? Người kể truyện không hề cho chúng ta biết. Thế nhưng rõ ràng là đối với cô bé, trở thành người lớn là trở thành kỹ nữ, nghĩa là phải bắt đầu cuộc đời bán trôn nuôi miệng. Bên cạnh Takekurabe, Ichiyô đã viết song song một loạt tác phẩm tiêu biểu như Yukugumo, Nigorie, Juusanya, Wakaremichi mà trong đó, nhân vật chính là những người phụ nữ với số phậm hẫm hiu như Midori. Qua câu nói: " Không, không, em không muốn thành người lớn đâu ! ", thiếu nữ muốn cho ta biết kể từ đây và không biết cho đến bao giờ, cô chỉ có thể tồn tại như một biểu tượng của tính dục. Có thể nói hình ảnh Midori là điểm khởi hành cho nhân vật nữ trong các tác phẩm vừa kể đến bên trên.
Một buổi sáng chớm đông trời đầy sương, Shinnyo để lại một nhánh hoa thủy tiên bằng giấy và từ biệt con phố ngày xưa. Thế nhưng Midori mà cuộc đời đã nằm đằng sau cánh cửa nhà chứa trong xóm lầu xanh Yoshiwara thì không bước được một bước ra ngoài. Con mắt của người kể chuyện chắc đang chăm chú nhìn cái " màu xanh buồn bã của nhánh thủy tiên giả " biểu tượng cho dáng dấp của Midori, người ở lại trong khung cảnh tối tăm của xóm Yoshiwara. Đó cũng là không khí trữ tình còn vướng đọng trong Takekurabe.
Người phụ nữ : đề tài trong nhiều tác phẩm Higuchi Ichiyô :
Higuchi có lần viết trong tập nhật ký của mình một câu nói nổi tiếng : " Chúng ta trở thành đàn bà " (1896). Đó là thời điểm mà Takekurabe đã ra đời và Ichiyô cũng vừa hoàn tất hầu hết các tác phẩm chính khác. Chúng ta không sinh ra là đàn bà mà chỉ trở thành? Câu nói của bà có thể hiểu theo hai nghĩa chăng ? Một là, con người dầu là nam hay nữ, sinh ra ai cũng giống ai, chỉ có xã hội trọng nam khinh nữ đặt người đàn bà vào địa vị thấp kém và giáo dục họ để chấp nhận thân phận đó. Những O-riki trong Nigorie, Seki trong Juusanya, Midori trong Takekurabe đều như thế. Ngược lại, Ichiyô đã trở thành người đàn bà đúng nghĩa - những kẻ đưa lưng ra gánh vác nửa quả địa cầu - khi biết cầm lấy ngòi bút để thương cảm, bênh vực cho người cùng phái và cùng lúc, chứng tỏ mình đã vượt lên trên muôn ngàn khó khăn (thiếu thốn vật chất, khổ não tinh thần) trở thành một nhà văn chuyên nghiệp sống bằng ngòi bút mà tài năng không hề thua sút nam giới. Bà không dấu được sự thất vọng trước một xã hội Meiji, tiếng là duy tân nhưng hãy còn quá nhiều mảng tối, trong đó nằm im lìm cuộc sống nhục nhằn của người phụ nữ. Tuy vậy, bằng phương tiện của một nhà văn, bà cũng tỏ ra có một quyết tâm tranh đấu khi đưa những cảnh đời đó ra trước ánh sáng.
Vai trò của Higuchi Ichiyô trong dòng văn học phụ nữ Nhật Bản :
Nhân nói về Higuchi Ichiyô tưởng cũng nên nhắc qua vai trò của của các nhà văn nữ trong dòng văn học sử Nhật Bản mà Ichiyô vừa đóng vai trò gạch nối, vừa đóng vai trò tiên phong.
Vai trò gạch nối :
Theo Joan E. Ericson [4], cống hiến của phụ nữ Nhật Bản đối với văn chương của nước mình nhiều hơn là đóng góp của phụ nữ Âu Mỹ đối với văn chương các nước họ.
Thật thế, từ trong bình minh của văn học Nhật Bản, đã thấy bóng người đàn bà. Đó là Hieda no Are, một cung nhân, đã đọc theo trí nhớ (khẩu tụng) về cổ sử Nhật Bản để viên quan tên Ô no Yasumaro chép lại thành quyển Kojiki (Cổ Sự Ký, 712). Chuyện xảy ra dưới triều Nara (685-793) xa xưa. Cũng vào thời đó, trong tuyển tập thi ca Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập, 759) đã có mặt 130 nhà thơ nữ. Thế nhưng, đến đời Heian (794-1185) thì vai trò của người phụ nữ trong văn học mới đạt đến giai đoạn cực thịnh. Trong khi nam giới chạy theo thơ phú kinh điển chữ Hán để lập thân, nữ giới đã bảo vệ và làm giàu ngôn ngữ thuần túy nước nhà (Yamato kotoba). Trong tuyển tập thơ Kokin wakashuu (Cổ kim Hòa ca tập, 905) soạn theo sắc chiếu của thiên hoàng, khuynh hướng thẩm mỹ dùng văn tự quốc âm hiragana và viết nó theo lối phụ nữ (onnade) đã được nhìn nhận. Thế rồi dòng văn học nhật ký, tùy bút và tiểu thuyết của nữ quí tộc cung đình cũng nở hoa và để lại một di sản văn hóa lớn lao mà ngày nay, người Nhật, bất luận nam hay nữ, thảy đều tự hào. Nào là Kagero Nikki (Phận cánh chuồn hay Năm tháng mỏi mòn, khoảng 974) của bà Michitsuna no Haha, tập tùy bút Makura no Sôshi (Ghi nhanh bên gối, khoảng 996) của bà Sei Shônagon, tiểu thuyết Genji Monogatari (Truyện chàng Genji, khoảng 1010) của bà Murasaki Shikibu, Sarashina Nikki (Những ngày ở Shirashina hay Đi qua cầu mộng, khoảng 1050) của bà Takasue no Musume. Đặc điểm của dòng văn học thời này là sự phân biệt giữa công và tư, nam và nữ, giữa văn chương Hán tự biểu ý và văn chương văn tự hiragana biểu âm. Tuy nhiên, văn học viết kiểu đàn bà có một sức quyến rũ đặc biệt đến nổi người thuộc phái nam như Ki no Tsurayuki (870 ?-945 ?), tác giả Tosa Nikki ( Nhật ký Tosa, 934-935) cũng phải bắt chước.
Nữ thi nhân cung đình Ise no Go (877 ?-938 ?),
có cuộc sống luyến ái phóng túngThế mà tiếng nói của người phụ nữ bỗng nhiên chết lặng suốt mấy trăm năm, từ giữa thế kỹ thứ 14 đến giữa thế kỷ thứ 17. Người ta giải thích hiện tượng nói trên bằng việc Khổng Giáo đã ảnh hưởng vào xã hội Nhật Bản trong suốt giai đoạn đó làm cho các định chế thay đổi, đẩy người phụ nữ xuống hàng thấp kém. Ngay cả đến thời Edo về sau, tuy hãy còn các tác giả phụ nữ trong thể thơ liên ngâm (haikai no renga) cũng như trong các ký sự hành trình nhưng con số ấy không đáng kể so với số nhà văn, nhà thơ phái nam. Vài tác giả phái nữ, hầu hết là thi nhân, ở vào giai đoạn đó còn được nhớ tới là Kaga no Chiyojo, Chie no Uchiko, Sessho Kaka cũng như Arakida Reiko (1732) mà thôi. Năm 1901, có 2 tập sách mang tên Joryuu bungakushi (Nữ lưu văn học sử) ghi lại vai trò của nữ văn thi nhân Nhật Bản từ thời trung cổ. Khoảng năm 1918-1919 lại có hai tập chọn lọc tác phẩm của các bà nhưng những người biên soạn gộp chung vào trong mấy chữ joryuu bungaku (nữ lưu văn học) hay keishuu sakka (khuê tú tác gia) tất cả khuynh hướng viết nghĩa là chỉ nhìn các bà qua hình ảnh phái tính (gender) hơn là những nhà văn có cá tính và có chủ đề.
Nữ thi sĩ Yosano Akiko (1878-1942),
tác giả Midaregami (1901)Giữa lúc đó thì Higuchi Ichiyô xuất hiện. Cùng với Tanabe Kaho, bạn học và đàn chị của bà Yabu no uguisu (Chim oanh trong lùm bụi, 1888) và một người đến sau một chút, nữ thi sĩ Yosano Akiko (1878-1942), tác giả những dòng thơ phóng túng trong Midaregami (Tóc rối, 1901), Ichiyô đã đóng vai trò gạch nối giữa văn chương cận đại và văn chương hiện đại. Đặc điểm ở đây là vai trò nổi bật của riêng bà vì tuy nói về đề tài phụ nữ, bà đã viết với tư cách một nhà văn đích thực, bình đẳng và toàn diện chứ không riêng gì từ vai trò của một người phụ nữ. Nữ tính (feminity) dĩ nhiên là có nhưng nó chỉ giúp cho bà diễn tả tinh tế và hoàn hảo những gì mà một nhà văn nam giới khó lòng thành công. Năm 1895, tạp chí Bungei Kurabu (Câu lạc bộ văn nghệ) đã ra số đặc biệt về keishuu shôsetsu (khuê tú tiểu thuyết). Tuy hãy còn giữ cái tên (khuê tú) nói lên một quan niệm " phòng khuê " cũ kỹ của một thời nào nhưng số báo đó đã giới thiệu được một vài cây bút đương thời mà cho đến lúc đó các nhà phê bình thường không thèm ghé mắt đến vì họ là phụ nữ.
Vai trò tiên phong
Ngày nay, các hiệu sách ở Nhật chưng đầy tiểu thuyết của các nhà văn nữ và kể từ thập niên 1980, tác phẩm của họ đã được dịch rất nhiều ra tiếng nước ngoài. Tiểu thuyết của các nữ văn sĩ đoạt giải Akutagawa, Naoki...bán chạy như tôm tươi. Thế nhưng trào lưu tiến hóa xã hội ấy đã có sự đóng góp lớn lao của một nhân vật. Ấy là Higuchi Ichiyô, người được xem là nhà văn nữ chuyên nghiệp đầu tiên.
Hơn thế nữa, kể từ sau Higuchi Ichiyô, văn học phụ nữ không còn có thể định nghĩa được như là " văn học lãng mạn, trữ tình và ấn tượng, thiếu trí thức, xoay quanh việc quan sát những chi tiết đời thường " quanh quẩn trong nhà ngoài cửa và nhà văn nữ chỉ là người viết theo phong cách ấy. Sự thực thì để thoát ra cái định nghĩa đầy thiên kiến đó, các nhà văn nữ đã phải làm một cuộc hành trình rất dài, theo dấu người đàn chị của họ, Higuchi Ichiyô. Chính bà cũng từng viết một cách nhỏ nhẻ chân phương. Đến lúc khám phá được những đề tài xã hội qua cuộc sống bản thân và của người chung quanh thì ngòi bút của bà trở nên linh họat hẳn và đầy sức thuyết phục.
Nói về ý thức vai trò của người phụ nữ - điều cần thiết để đạp đổ quan niệm trọng nam khinh nữ cũng như cái chủ trương có một lối viết văn đàn bà nghĩa là lối viết tầm thường - thì nó đã bắt đầu ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ 20. Đó là sự ra đời của những tạp chí như Seitô (Bí tất xanh, 1911-1916) [5] hay Nyonin geijutsu (Nghệ thuật phụ nữ, 1928-1932). Tuy vậy, sự cố gắng này chỉ đưa đến thành quả giới hạn trong một nhóm người chứ chưa được rộng rãi. Dù có một số nhà văn nữ nổi bật đã xuất hiện từ thập niên 1930 nhưng phải đợi đến thời hậu chiến thì phụ nữ Nhật Bản mới có tự do ngôn luận thực sự, điều này giúp các nhà văn nữ có cơ hội viết được những tác phẩm đắc ý. (Hai biểu tượng của thời hậu chiến Nhật Bản là việc phụ nữ được đi bầu và được đi bí tất dài).
Trên những chặng đường giải phóng thân phận (emancipation) đó, phải kể đến một số tên tuổi tiêu biểu như Hayashi Fumiko (1903-1951) với Hôrôki (Đời phiêu lãng, 1928-30) và Miyamoto Yuriko (1899-1951) với Mazushiki hitobito no mure (Một lũ nghèo đói, 1916). Hayashi là tiểu thuyết gia nữ ăn khách nhất từ trước đến nay, còn Miyamoto là một nhà văn vô sản có tài. Miyamoto Kenji, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Nhật đương thời và cũng là chồng bà Yuriko nhấn mạnh là vợ ông lẫn bà Hayashi không phải là những " nhà văn phụ nữ " mà chỉ là những " người nữ viết văn ". Dĩ nhiên, qua câu nói đó, ông đã nới rộng lãnh vực văn chương đến địa hạt chính trị nhưng đồng thời cũng đả phá quan niệm cũ là có một thứ văn chương đàn bà thấp kém. Riêng về bà Yuriko, nữ thi sĩ Yosano Akiko có đánh giá là bà " thiên về lý tính, khác với kiểu viết theo tình cảm của các nhà văn nữ mới học nghề ". Cũng phải nói là trong đoạn đầu thập niên 1930 và cả sau khi chiến tranh vừa chấm dứt, các nhà văn phái nữ thuộc cánh tả đóng vai trò rất quan trọng dù họ đều có khuynh hướng chính trị ôn hòa hơn Yuriko. Những người được nhớ tới là Tsuboi Sakae (1899-1967), Sata Ineko (1904-1998), Nogami Ineko (1885-1985), Hirabayashi Taiko (1905-1972). Ngoài ra, hãy còn có những nhà văn nữ không chia sẻ quan điểm chính trị với các nhân vật kể trên nhưng không hề thua kém về tài năng và cá tính, ví dụ Yoshiya Nobuko (1896-1973), Uno Chiyo (1897-1996), Enchi Fumiko (1905-1986)... chẳng hạn.
Một cuộc họp mặt tại Hội Nhà Văn Nữ Nhật Bản năm 1932
Kể từ 1945 đến nay, nhiều thế hệ nhà văn nữ đã thay nhau giữ những vị trí trên văn đàn. Họ vừa tranh đấu cho sự bình đẳng của mình đối với nam giới vừa không thua kém nam giới trong việc đặt vấn đề về các sự kiện liên quan đến cuộc sống con người nói chung. Khai thác những chủ đề nhân đạo và quốc tế đã có Sono Ayako (sinh năm 1931), bộc bạch kinh nghiệm luyến ái bản thân đã có Seto.uchi Jakuchô (sinh năm 1922), chú trong đến kinh nghiệm lịch sử đã có Nagai Michiko (sinh năm 1925), mô tả sự đối lập giữa cũ và mới đã có Ariyoshi Sawako (1931-1984), đào sâu lãnh vực truyện ký đã có Tanabe Seiko (sinh năm 1928), phân tích tâm lý con người hiện đại đã có Tsushima Yuuko (sinh năm 1947) và Mukooda Kuniko (1929-81), khai thác loại tiểu thuyết thông tin về những vấn đề xã hội đã có Yamazaki Toyoko (sinh năm 1924)... Chúng ta cũng sẽ thiếu sót nếu không kể đến Koike Mariko (sinh năm 1952), Hayashi Mariko (sinh năm 1954), Uchida Shungiku (sinh năm 1959), Yamada Eimi (sinh năm 1959), Ôgawa Yôko (sinh năm 1962), Ryuu Miri (sinh năm 1968) và Yoshimoto Banana (sinh năm 1964) vv... là những nhà văn nữ đã xác định được chỗ đứng của mình trên văn đàn. Tiếc thay, ngoài Ôgawa và Yoshimoto, sự quá thiên trọng về chủ đề giải phóng tính dục của các nhà văn trẻ nói trên tuy thời thượng nhưng đã có hiệu quả ngược là giới hạn sự phát triển tài năng của họ.
Koike Mariko, sinh năm 1952,
một nhà văn nữ hiện đại sung sứcCòn về Ichiyô, tuy mất quá trẻ ở tuổi 24 vì bệnh lao quái ác nhưng bà đã trình bày được những khổ não cũng như hoài bão của người đàn bà thời Meiji và mở đường cho những nhà văn phụ nữ lớp sau. Không thể nín thinh, bà đã thay mặt những người cùng phái nói lên tiếng nói đau khổ và uất ức của người đồng thời đại một cách nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Ngay cả đến bây giờ, giá trị cơ bản đó vẫn chưa hề mai một vì sự bất công và bất bình đẳng vẫn còn thể hiện dưới nhiều hình thức tinh vi. Vì vậy, lời của bà đã, đang và sẽ còn vang vọng trong tâm thức của các nhà văn nữ trong nhiều thế hệ tiếp nối.
Viết xong ở Tôkyô 17/04/2010
(Xin đón đọc bản dịch Takekurabe của Nguyễn Nam Trân trong một số tới)
TƯ LIỆU THAM KHẢO:
1) Danly, Robert Lyons, 1981, Childs' Play (dịch Takekurabe sang Anh văn) trong The Shades of Spring Leaves (dịch 9 truyện ngắn và bình luận về sự nghiệp Higuchi Ichiyô), Yale University Press, New Haven, USA.
2) Ericson, Joan E., 1997, Be a Woman, Hayashi Fumiko and Modern Womens Literature, University of Hawaii Press, Honolulu.USA.
3) Greymond André dịch Higuchi Ichiyô sang Pháp văn, 1993, Qui est le plus grand? (Takekurabe = So vai), Kimura Sôhachi minh họa, Editions Philippe Picquier xuất bản, Paris, bản bỏ túi, 1996.
4) Higuchi Ichiyô, 1979, Otsumogori, Juusanya, ta gohen (Ngày cuối năm, Đêm trăng mười ba và 5 truyện ngắn khác), với thuyết minh của Maeda Ai, Iwanami Bunko xuất bản, Tôkyô. Bản in lần thứ 12 (1988).
5) Higuchi Ichiyô, 1927, Nigorie, Takekurabe (Vàm nước đục, So vai) với thuyết minh của Suga Satoko, Iwanami Bunko xuất bản, Tôkyô. Bản in lần thứ 7 (2004).
6) Higuchi Ichiyô, 1967, Takekurabe, Nigorie (So vai, Vàm nước đục) do Okada Hachiyo hiệu đính và chú thích, Kadokawa Bunko xuất bản, Tôkyô. Bản in lần thứ 23 (1983).
Chú thích
[1] - Tên một trò chơi của trẻ con, so đo với bạn xem ai cao hơn ai và để xem mình đã lớn đến đâu.
[2] - Đã trở thành cảm hứng cho cuốn phim nhan đề Người Phu Xe, có chiếu ở Việt Nam trong thập niên 1950. Không thể không liên tưởng đến Loan của Nhất Linh và cô giáo Minh của Nguyễn Công Hoan, hai bi kịch của người phụ nữ trong một buổi giao thời khác.
[3] - Ichiyô viết văn thanh nhã như thơ nhờ đọc nhiều tác phẩm cổ điển. Bà còn là tác giả 800 bài tanka.
[4] - Xem sách dẫn trong thư mục tham khảo,trang 18.
[5] - Âm là Thanh đạp ( ? ) hay Bí tất xanh (blue stockings) , biểu tượng cho hội những người phụ nữ trí thức và văn nghệ chung quanh bà E.Montagu, 1720-1800 ở thủ đô London vào năm 1750. Thường thường người ta đi tất bằng len đen nhưng họ lại đi tất xanh cho khác. Để hiệu tường tận hoạt động của nhóm Seitô và phong trào đòi nữ quyền ở Nhật thời ấy xin vào Google tra chữ Seitô để xem luận văn MA (1999) của bà Horimoto Fumiko trình tại phân khoa Châu Á Học Đại Học Toronto.