Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
(Shinnyusha, 1951) Nguyên tác: Abe Kôbô Dịch: Nguyễn Nam Trân |
Dẫn Nhập Của Người Dịch:Abe Kôbô là một trong những nhà văn hậu chiến Nhật Bản thế hệ Shôwa 30 (từ năm 1955 trở đi) có khuynh hướng đi tìm một thủ pháp mới với mục đích bắt gặp con người toàn thể như một sinh vật có tính xã hội và chính trị. Nhà văn thế hệ nầy đều muốn tìm hiểu đâu là lối sống thích hợp của con người trong điều kiện của xã hội hiện tại.
Abe Kôbô trên giấy tờ được gọi là Kimifusa theo cách đọc âm Nhật của hai chữ Hán Kôbô. Song thân gốc miền bắc (đảo Hokkaidô) nhưng ông sinh ra ở Tôkyô ngày 7 tháng 3 năm 1924. Cha ông, một bác sĩ y khoa tùng sự tại Mãn Châu. Do đó, ông lớn lên ở Phụng Thiên (nay là Thẩm Dương thuộc Trung Quốc) nhưng đã trở về nước để học thuốc và tốt nghiệp y khoa Đại học Đế Quốc Đông Kinh năm 1948. Sau khi Nhật bại trận và cha chết, ông sống cuộc đời nghèo túng nhưng vẫn cố gắng bỏ tiền túi in thơ (1947) và tiểu thuyết (1948). Không hành nghề y như cha, ông theo nghiệp văn như mẹ, một nhà giáo có đầu óc khuynh tả. Đầu tiên, ông sử dụng một bút pháp trừu tượng, xa rời hiện thực, nhưng sau chuyển qua văn phong tiền vệ với khuynh hướng đi tìm những ý tưởng và phương pháp biểu hiện mới mà trung tâm là những câu chuyện ngụ ngôn có tính khoa học giả tưởng.
Đặc điểm của văn chương ông trước tiên là bản chất con người khoa học của ông. Thứ đến là tình cảm thiếu quê hương vì nơi ông gắn bó sâu đậm nhất là Mãn Châu, một nơi về sau đã trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Ở Tôkyô, ông có cảm tưởng như mình sống trong một miền đất lạ. Quê hương ông là Mãn Châu có sa mạc ngút ngàn và những cơn bão cát chứ không phải là thành phố Tôkyô xô bồ, lạ mặt. Đặc điểm thứ ba là kinh nghiệm đau thương của cuộc sống khốn cùng sau những ngày Nhật Bản bại trận, lúc người di dân lập nghiệp ở thuộc địa trong số đó có gia đình ông đã phải vượt qua bao khó khăn để có thể về đến mẫu quốc.
Người có ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của ông là Abe Rokurô, ông giáo dạy tiếng Đức và là nhà nghiên cứu về triết học của Nietsche [1] và Shestov [2]. Qua Abe Rokurô, ông làm quen được Haniya Yutaka [3].
Trước khi ra trường (1947), ông kết hôn với Yamada Machiko, một nữ sinh viên ngành hội họa. Họ sống đạm bạc trong một căn nhà lợp tạm và đeo đuổi hoạt động nghệ thuật. Bà Machiko đã giúp đỡ ông rất nhiều trong việc trang trí hình bìa những tác phẩm và trong việc dựng phông cảnh khi Abe chuyển qua kịch nghệ.
Tài năng của Abe đa dạng. Ông không những làm thơ, viết văn, dựng kịch, vẽ tranh mà còn chen vào các lãnh vực truyền thanh, truyền hình. Ở đâu, ông cũng chứng tỏ một tài năng phi thường và thí nghiệm không mệt mỏi những thủ pháp diễn đạt mới. Vì lúc nào cũng đi trước thời đại nên không phải ai cũng yêu chuộng ông.
Mumyô shishuu "Tập thơ không tên" (1947) là tác phẩm đầu tay. Akai Mayu "Cái kén đỏ" (1950) giúp ông đoạt giải thưởng văn học hậu chiến, Kabe - S. Karuma nohanzai "Bức tường. tội của S. Karma" (1951) đem giải Akutagawa về tay ông lúc mới có 27 tuổi. Sau đó là một loạt tác phẩm như Daishikan Hyôki "Thời kỳ băng hà thứ tư" (1959), Suna no Onna "Người đàn bà trong động cát" (1962), Ta.nin no kao "Gương mặt kẻ khác" (1964), tất cả đều gây nên tranh cãi. Ngoài các vở kịch như Doreigari "Săn nô lệ" (1955), Yuurei wa koko ni iru "Đây có ma" (1958), sau nầy ông còn viết Hako-otoko "Người hộp"(1973) Hakobune sakuramaru "Chiếc thuyền lợp mái tránh lụt tên gọi anh đào" (1984).
Với lối viết tiền vệ, nhà văn Abe Kôbô được sắp vào số tác giả khoa học giả tưởng qua "Bức Tường - Tội của ông Karuma","Thời băng hà thứ tư"nói trên, cũng như Moetsukitachizu "Bức địa đồ cháy rụi" (1967) mà ông viết theo phong cách nhà văn Pháp Alain Robbe-Grillet. Ông đặc biệt chú trọng tới chủ đề tha hóa (alienation).
Abe Kôbô còn nhảy vào sân khấu như lạc bước vào một mê cung lúc nào không hay. Năm 1955, trong một cuốn tiểu thuyết nhan đề Seifuku "Đồng Phục" ngẫu nhiên có một số đoạn, ông trình bày như đối thoại của kịch. Thế rồi, Yuurei wa koko ni iru "Đây có ma" (1958) của ông đã ra đời 3 năm sau như ta đã biết. Ông đưa lên sân khấu những ảo tưởng (phantasm) của thời mới như ảo tưởng tinh thần, tâm lý hay thương mãi và muốn bắt nọn khán giả. Ông xem sân khấu phải là một loại chất dẻo để khán giả có thể nắn theo ý mình và để lại những dấu tích sự tham dự của họ vào quá trình xây dựng chung giữa nhà viết kịch bản, diễn viên và khán giả đó. Khán giả không thể là vô can. Họ được xem như có khả năng phạm tội. Ông muốn nói như thế về vai trò của người xem kịch khi viết vở Omae ni mo tsumi ga aru "Mầy cũng có tội nữa đấy" (1965). Một ví dụ khác với vở Enomoto Takeaki (1967), trong đó ông mô tả cuộc nổi loạn để thành lập một chế độ Cộng Hòa ở Hokkaidô năm 1870 của Enomoto Takeaki nhưng không phải là không muốn chất vấn khán giả về thái độ họ phải chọn lựa trước sự kiện ấy.
Từ năm 1969, Kôbô chuyển qua dàn cảnh và thành lập trung tâm nghiên cứu và thí nghiệm kịch nghệ Abe Kôbô Studio (từ 1973), thử sửa đổi và dựng lại nhiều vở cũ, chuyển một số tiểu thuyết, kịch phóng thanh, kịch bản phim đã viết thành kịch nói.
Danh tiếng ông vang dội trong lẫn ngoài nước. Hầu như cứ một lần viết một tác phẩm mới, ông lại như nới rộng thêm chân trời văn học. Ông được quốc tế đánh giá cao, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, YÙ, Đức.
Tháng 9 năm 1992, ông được Hàn Lâm Viện Khoa Học Nghệ Thuật Hoa Kỳ trao tặng danh hiệu hội viên danh dự. Chẳng bao lâu, một ngày cuối năm, đang ngồi viết trong thư phòng, ông bị tai biến mạch máu não, mê man và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đầu năm sau, lại nhập viện vì vấn đề tim mạch và mất vào ngày 22 tháng giêng năm 1993, khép lại cánh cửa một cuộc đời hoạt động văn học nghệ thuật không ngừng nghĩ.
Linh hồn của sân khấu tiền vệ[1] - Frederic Wilhelm Nietsche (1844-1900) đả phá quan điểm Thiên chúa giáo, tìm về đạo đức chủ ý chí của kẻ mạnh (siêu nhân) và cho rằng thần thánh đã cáo chung. Tác phẩm có Bên kia bờ thiện ác, Khai sinh của bi kịch, Zarathustra (một cái tên khác của nhà tiên tri Ba Tư Zoroaster) đã nói thế. Niestsche còn ảnh hưởng tới chủ nghĩa hiện sinh và hậu cấu trúc.
[2] - Triết gia Nga lưu vong ở Pháp. Lev Shestov (1866-1938) cho rằng chân lý là cái vượt lên trên lý trí và muốn đi tìm cái nguồn cội phi hợp lý của sự tồn tại. Được biết đến sau thế chiến thứ nhất như một triết thuyết nói về sự lo âu của con người. Có viết các tác phẩm như Dostoievski và Niestsche, triết học của bi kịch, Chân lý là gì?
[3] - Haniya Yutaka (Thực Cốc, Hùng Cao, 1909-1997), nhà văn và tư tưởng Nhật gốc Đài Loan, nghiên cứu chủ đề bản chất con người.
Vào Truyện :
|
Đợi mãi mới thiu thiu được thì tiếng chân lao xao của bọn người nào đó ngoài hành lang chợt đánh thức tôi dậy. Họ muốn rón rén, sợ đụng chạm chung quanh nhưng vì thế mà thành vụng về gây hậu quả trái ngược, làm cho tiếng động ùa vào tai tôi. Trùm kín chăn lên đầu, tôi xoay người qua phía khác, những mong dỗ lại giấc ngủ.Những bước chân sàn sạt như có con rết đang trườn lên cầu thang. Sau khi đi ngang khu nhà xí, nó tiến dần về căn hộ của tôi. "Đồ chó đẻ!", tôi bực mình bụng bảo dạ. "Lại cái tụi nhân viên bảo hiểm khốn nạn kết bè với bọn côn đồ móc túi ăn cướp đây!". Thế nhưng, khi tiếng chân gần hơn và đến trước căn hộ số 8, tôi mới rủa thầm "Chết mẹ!". Rồi khi câu hỏi: "Kiểu này thì cái con đĩ chân còng bữa nay phải tiếp một lượt tới năm khứa à?" mới ngoi trong đầu thì tiếng chân cũng vừa vượt khỏi căn hộ số 8. "Vậy thì..." tôi lại đoán thêm. "Căn số 9 sao hả ta?
Thằng tài xế chết bầm đã bị bọn cướp xe hơi thanh toán rồi chăng?"
Tuy nhiên, tiếng chân của đoàn người cũng đi qua khỏi căn số 9, và nếu tôi không tiếp tục nghe được nó từ phía bức tường cuối hành lang nữa thì chỉ còn mỗi một xác suất là tiếng chân đó đang lần đến phòng số 10, căn hộ của tôi chứ không của ai khác. Lúc ý tưởng ấy mới chớm ra trong đầu, tôi đã bật nẩy khỏi giường như một bẫy chuột vừa sập lò xo, dễ chừng bỏ quên cả cái đầu mình lại trên mặt gối. "Mới tờ mờ đất thế này có ai đi công chuyện gì gấp gáp vậy kìa? Mình có làm cái gì xấu xa đâu nhỉ?". Thật tình tôi đoán mãi mà không ra lý do!
Đồng hồ kim dạ quang đặt ở đầu giường chỉ đúng 3 giờ 20 phút. Tôi vội chuẩn bị bằng cách tuột hai ống tay áo sơ-mi đang xắn xuống cho thẳng thớm rồi lò mò tìm cái quần mình vứt bậy đâu đó bên cạnh. Tiếng chân của đoàn người đến trước cửa phòng tôi từ từ dừng lại.Trong khoảnh khắc, sự im lặng sâu hun hút như đáy vực. Tôi cố nén thở lắng nghe, nhưng trong cái không khí nặng nề như đọng lại trước giờ cơn giông kéo tới bỗng có tiếng côn trùng rền lên, làm tôi đâm ra bực bội, thấy màng nhĩ mình căng lên bùng bùng.
Ban đầu nghe như thể ai đang cào cào nhưng sau đó, tuy nhẹ nhàng, rõ rệt là có tiếng gõ cửa. Như để trả lời với nó, trái tim tôi cũng đập thình thịch cùng một cường độ. Có tiếng nói chuyện thì thầm, rồi tiếng gõ cửa lại nghe rõ hơn trước. "Ai đó?" trong bụng trong gan tôi như có tiếng hỏi nhưng không thốt được thành lời. Từ dưới lưỡi phía cổ họng của tôi, một thứ nước dãi nhớt và đặc từ từ ứa ra.Tiếng gõ cửa lúc càng to và dồn dập. Lần này, tôi định lên tiếng hỏi "Ai đó?" nữa nhưng có cảm tưởng âm thanh ấy không vọt ra được khỏi cửa miệng mà bằng lỗ tai.
"Ông K ơi?", giọng của một người đàn ông trung niên ra chiều tử tế gọi đúng phóc tên tôi. "Xin lỗi đến quấy quả ông giữa đêm hôm!" như thể muốn trả lời cái câu hỏi của tôi chắc chắn vừa thoát ra bằng lỗ tai. Sau đó, lại thêm tiếng một người đàn bà trẻ: "Đêm hôm khuya khoắt..." Tiếng của họ giống như lối ăn nói giữa người thân quen với nhau kéo tôi trở về với hiện thực. Lớp sương mù của nỗi bất an vô lý trong tôi bỗng tiêu tan đâu mất như vừa gặp ánh mặt trời. Thế rồi tôi lại nghe vài tiếng đế giày xát nhẹ lên mặt nền nhà như ai đó muốn giữ ý.
Tôi bật đèn và xỏ chân vào quần vừa cười đau khổ, tình trạng tâm lý gây ra bởi hậu quả bị đánh thức vào giữa đêm hôm như thế này. Không hiểu cái thắt lưng lại biến đi đâu, tôi đành đưa hai tay nắm chặt be quần, không chút chần chừ, nói đúng hơn là hầu như tích cực, ra mở cửa đón tiếp những người khách lạ. Ánh sáng ngọn đèn điện làm tôi vững dạ hơn và sự tò mò khiến tôi đã xử sự một cách nhanh nhẩu.
Trước mặt tôi là một ông trang phục đàng hoàng: quần áo đen dạ hội, cổ thắt nơ con bướm đi cùng một bà ra dáng mệnh phụ trong bộ áo mỏng nhẹ và trang nhã, cả hai đều có nét mặt vui vẻ. Bên cạnh họ có một bà cụ già lụm khụm, tay chống gậy, da dẻ nhăn nheo như đã sống hàng trăm tuổi, miệng cười hở cả lợi. Đằng sau bà ta, một lũ trẻ xếp dài chật cả hành lang, mới nhìn không biết có bao nhiêu người. Đi đầu là một anh chàng lực lưỡng tuổi độ đôi mươi và cuối cùng là một cô bé con đang bế trên tay đứa trẻ sơ sinh. Chúng nó đứng thành một chuỗi dài, xoay đầu bên phải bên trái theo cùng một nhịp và cùng có một nụ cười mím chi trên môi.
- Ông cảm phiền cho!
Người đàn ông ăn mặc lịch sự quay lại lên tiếng, và trong khi tôi chưa phát biểu được câu nào thì bọn họ đã đồng loạt cúi chào rồi xô đẩy nhau ùa hết vào trong phòng. Cộng cả thảy là chín mạng. Thoắt cái, căn phòng của tôi bỗng chật ních người.
Ông kia nói:
- Chật nhỉ?
Người đàn bà phụ họa:
- Ừ, chật thật!
Tôi đưa tay cầm lấy tấm nệm, hấp tấp:
- Chờ tôi dọn bớt!
- Thôi được, cứ để thế đi ông!
Bà cụ già dùng cây gậy cản tay tôi lại và tiếp lời:
- Tôi mệt rồi, cho tôi nằm xuống đó nghỉ một lát đã!
Người gì đâu mặt dày mày dạn! Tôi thật không dè. Lúc đó tôi mới quay qua cái ông kia thì thấy ông đã mở hộc tủ bàn viết của tôi và đang loay hoay lục lọi gì trong đó. Ngạc nhiên, tôi mới nắm lấy tay ông, hô hoán:
- Ơ kìa, ông này làm gì vậy hử!
- Thì kiếm thuốc lá.
Ông trả lời như xem điều đó là chuyện đương nhiên.
- Này, các ông các bà vào nhà tôi định làm gì ở đây hả?
- Làm gì à?
Ông kia nhíu mày ra dáng kinh ngạc, bỗng đổi thái độ một cách trâng tráo:
- Tôi tới đây là đi về nhà tôi mà ông lại hỏi tôi đến để làm gì à?
Ngạc nhiên quá thể, tôi cũng đổi ngay sắc mặt:
- Lếu láo vừa thôi. Căn buồng này là nhà tôi! Ông có say đâu mà ăn nói điên khùng thế! Giữa đêm hôm, xâm nhập gia cư người chẳng có giây mơ rễ má gì rồi bảo chỗ đó là nhà của mình. Đùa bỡn cũng phải có giới hạn thôi chứ!
Ông kia bèn ưỡn ngực, môi dưới trề ra, nheo mắt nhìn tôi một cách khinh thị:
-Người đâu mà không biết phải trái. Giữa đêm hôm khuya khoắt phải cãi lý một chuyện đã hai năm rõ mười như thế này, thật tức đếch chịu được. Đây không bực mình thôi thì chớ. Để rồi tớ sẽ cho thấy ngay bằng chứng đây là nhà của chúng tớ chứ không phải của đằng ấy.
Thế xong ông ta đảo mắt một vòng nhìn đám người nhà:
-Thế nào, các bạn. Trước mặt là cái người đã xông vào chiếm cứ ngôi nhà của chúng ta. Để bảo vệ nơi cư trú của gia đình mình, chúng ta phải mở một phiên họp. Nếu tôi đứng ra làm chủ tịch buổi họp thì mọi người có giao toàn quyền điều khiển cuộc thảo luận cho tôi không?
Bọn con nít châu miệng hô lên:
- Hoàn toàn đồng ý.
Tôi bất chợt thụt cổ lại như e ngại tiếng ồn ào do chúng gây ra sẽ làm mấy người ở các buồng bên cạnh nổi cáu. Cái ông ăn mặc lịch sự mới nói.
- Thế thì, tôi xin được chủ tọa buổi họp. Đề tài cuộc họp là tìm hiểu quyền sở hữu của căn buồng này thuộc về chúng ta hay không. Ý kiến các bạn thế nào?
- Dĩ nhiên căn buồng này là của chúng ta.
Câu trả lời phát ra từ cửa miệng của anh chàng lớn tuổi nhất trong đám trẻ con. Cậu ta vừa nói vừa nhún vai. Tướng cậu ta to con, nặng cũng đến gần một tạ.
- Chuyện hai năm rõ mười như thế mà cũng mất công bàn cãi, ngốc thật!
Anh con thứ với vẻ du côn du kề nói như thể đang giận dỗi. Ngoại trừ bà lão với đứa bé ẵm ngữa còn đang say ngủ, tất cả những người còn lại đều đồng thanh:- Xin đồng ý!
Người đàn ông lại tiếp lời.
- Nghe rõ chưa nào, tôi nói có sai đâu!
Tôi giận cành hông:
-Các người định giở trò bỉ ổi gì đấy. Kỳ cục vừa thôi chứ!
Nghe tôi nói, ông ta vênh mặt:
- Kỳ cục cái thớ gì! Anh không biết nguyên tắc dân chủ là đa số quyết định à?
Rồi nói như khạc vào mặt tôi:
- Đồ phát xít!
Tôi cố giữ sự bình tĩnh nhưng lên tiếng phản đối:
- Ông muốn nói gì thì nói nhưng căn hộ này là của tôi và ông không có quyền gì cả. Xin ông vui lòng ra khỏi nới đây. Cút ngay lập tức! Từ rày về sau tôi sẽ không dại dột để cho bọn khùng điên như mấy người vào nhà nữa đâu!
- Đồ phát xít!
Người đàn ông xụ mặt xuống và buông ra câu chửi.
- Thằng như mày thì nếu có gì không hợp ý mình là cả gan dùng đến bạo lực để lấn áp tiếng nói của đa số ngay. Mày phải là giống thú vật mới đành lòng đuổi người già và trẻ con hiền lành đáng thương ra ngoài đường giữa lúc đêm hôm như thế này. Để bảo vệ quyền tự do của mình, chúng tao phải....
Đến chỗ này, thằng lớn tuổi nhất trong đám trẻ con tiếp lời:
- Phải võ trang cho hàng ngũ những người theo chủ nghĩa nhân bản!
Đứa em kế của nó bồi thêm:
- Phải đấu tranh chống cường quyền bằng sức mạnh của chính nghĩa!
Tức thời, tôi đã thấy mình bị ba người nghĩa là gã đàn ông với hai đứa con trai của y, bao vây.
Gã đàn ông đe dọa:
- Tao có đai đen năm đẳng nhu đạo, trước kia từng huấn luyện cho trường dạy cảnh sát đó nghe!
Thằng con trai cả cũng nói:
- Tôi có thời là tuyển thủ đấu vật đấy.
Đứa con trai thứ phụ họa:
- Còn tôi, tôi có học đánh bốc.
Hai đứa con trai từ hai bên trái và bên mặt tiến đến giữ lấy tay tôi trong khi cha của chúng đưa nắm đấm thọi thẳng vào ức tôi một quả trí mạng. Quần tôi bỗng tụt khỏi lưng và rơi xuống đất. Thế rồi trong cái tư thế khuất nhục đó, tôi ngất đi không biết gì nữa.
|
Khi tôi lấy lại thần hồn thì trời đã sáng bảnh.Tôi nằm cong queo. Người ta đã đẩy tối xuống dưới gầm bàn.
Bọn người đến chiếm đóng tối qua chưa có ai thức giấc. Chúng nằm chồng chất đứa này lên đứa kia trên đống quần áo chăn đệm trải ra bừa bãi ngay giữa nhà tôi và ngáy pho pho. Ánh mặt trời ban mai lấp lánh lọc qua mấy tàng lá xanh, nhảy múa bên cửa sổ. Tiếng kèn rao hàng của người bán đậu phụ nghe lanh lảnh trên đường phố. Khung cảnh sinh hoạt thường nhật mà tôi có cảm giác là một hiện thực, nay lại kết hợp với một hiện thực khác - sự hiện diện của những kẻ chiếm đóng ngạo mạn kia - đang bày ra rõ ràng trước mắt tôi và làm cho tôi sợ hãi.
Nằm chính giữa bọn chúng là gã đàn ông ăn mặc lịch sự. Hắn ta đang ngáy, đầu gối lên khuỷu tay, cái áo khoác đắp lên bụng. Phía trái của hắn, bà cụ già, người đã khoảnh mất tấm nệm giường của tôi, nằm ngủ. Cái hàm dưới đong đưa hết bên mặt tới bên trái với sự đều đặn của chiếc đồng hồ quả lắc. Bên cạnh bà ta là người đàn bà với bộ quần áo mỏng nhẹ đang nằm tênh hênh, một cánh tay và một bàn chân lấn cả vào tấm nệm của bà lão. Dưới ánh sáng ban ngày, bộ quần áo óng ánh trên thân người đàn bà trông thật kỳ dị. Nó giống như loại y trang đặc biệt mặc trên sân khấu ôpêra dành cho diễn viên đóng vai người ngoại quốc đến từ một nước nào không rõ. Áo màu xanh lục, xếp thành nhiều nếp và có những dải hồng buông lơi không theo một thứ tự nào cả. Nó giống như miếng da cá được đánh vảy một cách vụng về. Gấu váy bà ta vén lên cao làm tôi nghĩ nó được cố tình để hớ hênh nên cảm thấy xốn xang khó chịu. Bên phải gã đàn ông ăn mặc lịch sự, hai cậu con cả và con thứ, đầu như muốn lọt tỏm vào bụng bố, đang nằm mặt đối mặt và đua nhau kéo gỗ. Mỗi lần tiếng thở cất lên là mớ tóc của người đối diện lại rung rinh. Dưới chân ông bố, cô con gái khoảng trên dưới mười bảy tuổi của hắn, tóc thắt bím, người gấp lại thành hình thước thợ, đang ôm đứa bé sơ sinh mà ngủ. Mặt của cô ta trông khá xinh. Phía trên đầu ông bố, nghĩa là ngay trước cái bàn tôi bị đẩy vào dưới gầm, cậu trai và cô gái, cả hai với vẻ tinh nghịch, đang nằm sấp mặt, đầu đối đầu trong một tư thế khá rắc rối. Cậu con trai chắc đang nằm mơ thấy mình đang chạy nên đôi lúc cổ chân vung lên như bị điện giật. Cô gái thì miệng cứ cục cựa như đang lẩm bẩm, kiểu này coi bộ cô ta ăn nói đáo để phải biết.
Tôi đưa mắt nhìn căn phòng một lần nữa. "Không, đây không phải là một giấc mơ", trong bụng tôi thầm nghĩ và khi vừa rầu rĩ lò mò bò ra khỏi gầm bàn thì đã cảm thấy toàn thân mình kêu răng rắc như những thanh tre bị bẻ đôi. Nghe tiếng động, người đàn bà đưa chân đá vào hông bà lão làm bà ta vội vã trở mình quay lại, nhưng may là cả bọn không ai bị đánh thức cả.
Tay bấu chặt cái lưng quần đang chực rơi vì vẫn chưa đeo thắt lưng, tôi cảm thấy trơ trọi như một chiếc đũa lẻ của một đôi đũa dùng xong vứt đi, khép nép vào đứng một góc phòng. Bất chợt cơn giận từ đâu tràn đến: "Đây là căn buồng của mình. Không thể nào để chúng nó muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Không tức sao được! Đáng lý ra mình phải vùng lên và tống cổ bọn chúng ra ngay từ đầu". Càng nghĩ ngợi, tôi càng thấy đó là một việc hiển nhiên, thế nhưng cùng lúc, hình ảnh bị ăn đòn tối hôm qua đã để lại trong đầu tôi một ấn tượng khiếp đảm. "Thế thì phải giải quyết vấn đề này một cách hợp pháp. Chắc chắn không ai chịu im lặng trước hành vi ngang ngược và trái với đạo lý thông thường như thế này. Xã hội có qui ước của nó chứ!"
Tôi chuẩn bị đi ra khỏi căn phòng không cho ai hay biết. Vừa lấy cái áo khoác móc trên tường xuống, tôi chợt nhận ra sợi thắt lưng mình tìm mãi không thấy đang mắc trên đó. Luồn tay qua ống tay áo xong, tôi kiểm điểm đồ vật bên trong các túi mới thấy cái ví của mình đã không cánh mà bay. Cả cái bật lửa, tẩu thuốc lẫn bọc thuốc lá rời cũng biến đi đâu. Cái thẻ để đi xe hàng tháng vẫn còn đó nhưng ảnh của S (cô bồ của tôi) và mấy tấm vé cơm vẫn quen kẹp vào một nơi thì đã mất dạng. Vật còn sót lại nguyên vẹn chăng chỉ là một mẩu bút chì gãy và quyển sổ tay.
Tôi hơi chưng hửng nhưng thực tình điều đó có gì đáng để tôi ngạc nhiên đâu! Dầu sao tôi cũng muốn đi ra để hít thở không khí của cuộc đời hãy còn biết nghĩa lý của bên ngoài và cũng để thủng thẳng suy nghĩ tìm mưu đối phó. Sau khi men theo bức tường đi lần ra, tôi rón rén tiến được đến cánh cửa ra vào. Thế nhưng khi vừa hết phập phồng vì ngỡ mình đã thoát hiểm, một bàn tay từ đằng sau bỗng đặt nhẹ nhàng lên vai tôi. Đó là bàn tay của cô con gái có khuôn mặt xinh xắn. Cô nhìn quanh với vẻ lo lắng rồi ghé mặt sát bên tôi thì thầm, hơi thở của cô thoang thoảng mùi sữa:
- Này, em khuyên anh thực tình. Trong lúc cả nhà chưa thức giấc, hãy chịu khó đun nước pha trà đi. Nếu được thì sửa soạn cơm sáng luôn thể. Mấy ông anh của em, sáng nào họ cũng dễ phát cáu. Nếu không bằng lòng, thế nào họ cũng triệu tập một cuộc họp và đặt anh vào một tình huống bất lợi cho coi!"
Kiểu đó thì tôi còn biết ăn nói làm sao nữa! Không trả lời cô ta, và vẫn cầm đôi giày trên tay (tôi hạ nó xuống, định xỏ vào chân nhưng nữa chừng lại đổi ý), nhẹ nhàng mở cánh cửa rồi bước ra bên ngoài. Giọng thì thào của cô bé như muốn đuổi theo tôi:
- Giày và quần áo là đồ em cho anh mượn tạm thôi đấy. Hôm qua, sau khi anh đi ngủ rồi, một phiên họp được triệu tập và mọi người đã ra quyết định như thế.
Cô chặn cánh cửa đang muốn đóng sập lại và nói tiếp:
- Giữ kín chuyện em thông tin cho anh nhé. Họ biết được sẽ nổi giận mắng em đó. Em thì em hiểu hoàn cảnh anh. Em có cảm tình với anh.
Người con gái chỉ gửi đến tôi một nụ cười qua ánh mắt rồi lật đật trở vào phía cuối phòng.
Bước được ra đến bên ngoài, điều tôi nghĩ trước tiên là phải tìm người để vấn kế về chuyện này. Cùng lúc, ý tưởng đó đưa tôi đến chỗ vô cùng hối hận về lối sống của mình từ trước đến nay. Bây giờ mới đâm ra tiếc hận: Phải chi mình biết giao hảo thân thiện với bạn láng giềng ở các căn hộ chung quanh. Có ai có thể chia sẻ nỗi niềm của mình đâu. Chẳng những thế, mình còn trở thành trò cười cho họ nữa.
Thận trọng từng bước một, tôi rón rén ra đến phía trước khu nhà xí, lúc đó mới xỏ được chân vào đôi giày. Xả xong cái bầu tâm sự, tôi đến bên bồn rửa mặt, khỏa nước rồi quệt ống tay áo sơ-mi chùi mặt, lúc đó mới sảng khoái đôi chút. Trong người tôi, sự can đảm như được nhóm bùng lên và tôi hạ quyết tâm:
-Được rồi, để mình đi báo mụ quản gia xem sao.
Phải nói đây là một quyết tâm vô cùng to lớn. Lý do người mà tôi sắp đi kể khổ và mong được sự ủng hộ đồng tình là cái mụ quản gia to tướng như con khỉ độc, mặt mũi ngu ngơ khờ khệch, tham lam thì gấp đôi người thường, miệng mồn đanh đá mỗi bận đi thúc tiền mướn nhà. Con người ấy, mỗi khi hình dung ra, tôi chỉ thấy đó là một kẻ địch mà mình chưa bao giờ có gan chạm trán.
Mụ quản gia lúc đó đang chống cùi chỏ trên thành cửa sổ nhìn ra mặt đường, phì phèo ống điếu cầm trên tay theo nhịp chương trình tập thể dục mà máy ra-đi-ô bắt đầu phát thanh ra rả. Đôi mắt ti hí nhiều lòng trắng của mụ liếc xéo một cách hằn học về phía mấy bà nội trợ đang tụ tập bên cạnh vòi nước máy công cộng. Thấy tôi tiến tới, mụ chẳng thèm động đậy, chỉ ném vòng quanh người tôi một tia nhìn lạnh lùng. Mỗi khi đôi môi ngậm ống điếu hé ra, tôi có cảm tưởng trên đó có những đường xếp nếp màu tím nhạt, và khóe miệng mụ như muốn lay động để chuẩn bị bật ra một âm thanh kiểu như "Tiền nhà đâu?". Tôi nghĩ mình phải ra tay trước nên vội vàng tiến đến gần, cúi đầu chào và nở một nụ cười mà chính tôi cũng không thấy có hiệu quả bao lăm:
- Thưa thím, tôi có một chuyện nhờ thím giúp cho.
Nghe tôi nói, cặp môi của mụ căng ra và run lên bần bật làm tôi đâm hoảng, vội cụp vòi:
- Dạ, hôm qua, hôm qua, có một bọn hết sức kỳ cục...
Thế rồi tôi đem nguyên những chuyện xảy ra tối qua kể ra một hơi. Nghe xong, mụ quản gia chỉ gõ ống điếu nghe một cái cộp rồi ngoảnh mặt nhìn ngoái lại:
- Cha mẹ ơi, ông nói cái chi chi, tui chẳng hiểu ất giáp gì hết.
- Khó khăn gì đâu mà thím không hiểu! Chỉ xin thím chứng minh cho bọn đó biết căn hộ số 10 thuộc về tôi thôi mà.
- Tui đâu cần biết căn hộ nào thuộc về ai đâu. Ở đây chỉ cho người nào trả tiền nhà sòng phẳng mướn phòng thôi hè. Hể trả đủ tiền thì dầu người đó là ai, tôi không cần biết.
- Nhưng mà cái việc trả tiền nhà nó phải đi đôi với quyền được cư trú chứ. Nay tôi là người trả tiền mướn căn hộ số 10 đó, cớ sao có những kẻ cha căng chú kiết đâu đâu không liên hệ với tôi lại có quyền xông vào chiếm đóng như thế?
- Quyền với chẳng quyền. Người mướn nhà làm gì cứ việc tự do, điều đó chẳng dính líu tới tui. Nói ngắn gọn cho ông dễ hiểu: căn hộ đó há, tụi tui không cho người mướn mà cho tiền mướn.
Mụ quản gia ngẩng đầu lên nguýt tôi một cái dài rồi tiếp tục:
- Thôi đừng bày đặt chuyện nọ kia. Hình như ông còn thiếu tiền nhà tháng này đó nghe. Để đầu óc thanh thản kiếm cách thanh toán nó đi ông ơi!
Khi xuống dưới nhà gặp mụ, tôi đã nghĩ sự việc sẽ không dễ dàng nhưng đầu ngờ bị đối xử một cách thô bạo như vậy. Chưng hửng, định đi ra ngoài mà rốt cuộc tôi lại đứng ngẩn ngơ trên bậc thang đá trong sân một đổi lâu, quên cả thời gian đang trôi qua.
- Ê, chào ông!
Bất chợt có ai vỗ vai và chụp lấy cánh tay tôi.
-Sao, coi bộ đang tính kế gì đó phải không cha?
Đó là cậu con thứ trong cái gia đình đã đến chiếm đóng nhà tôi. Miệng cậu ta ngậm cái bàn chải đánh răng của tôi mới toanh vừa mua về, quanh miệng bọt còn trắng hếu. Vừa lúc đó thì bà góa tướng dâm dật ở căn hộ số 3 cũng đang cầm cái quạt hỏa lò tình cờ đi tới.
- Dạ, chào bà!
Cậu ta bèn đưa cái tay đang nắm bàn chải đánh răng lên vẫy chào thân thiết như bạn bè quen biết lâu ngày. Bà góa cũng gửi lại một cái nhìn đầy tình ý rồi tiếp tục đi len qua giữa tôi và cậu con trai. Thế mà cậu ta hãy còn chạy theo và nắm lấy tay ả:
- Chết chưa, thuốc đánh răng dây ra cả đây. Xin lỗi nhé!
Câu ta đưa tay ra thoa nhẹ bên hông ả làm bộ phủi phủi rồi quay về phía tôi:
- Cha nội ơi, ông già ổng đang triệu tập buổi họp, liệu mà đến tham dự ngay đi!
Bà góa này từ truớc vẫn thường khi thì đưa mắt tống tình tôi, khi thì nhằm lúc không có ai ngoài hành lang, cố tình vén váy hoặc sửa lại nếp nhăn trên bí tất như muốn mời mọc. Tuy nhiên, tôi chưa hề chứng tỏ mình thiết tha gì đến ả, hay nói cho chính xác hơn, trước mặt ả, tôi chẳng có mảy may hứng thú. Vì lý do đó, cho dù chứng kiến cái cảnh đú đởn sống sượng giữa ả và tên con trai khó thương kia, tôi không hề thấy ghen tuông mà chỉ mường tượng sức mạnh toa rập của các thế lực thù địch. Khi nghĩ rằng kể từ đây chúng sẽ dùng nó để hủy hoại dần dần cuộc sống của mình, tôi không khỏi cảm thấy khó chịu.
Tôi không thèm đáp lời cậu ta và đang sửa soạn đi ra thì lại nghe hắn gọi chận tôi lại:
-Hội nghị sắp bắt đầu, không tham dự là chịu thiệt đó nghe cha. Đi nhanh lên!
Tôi phản ứng như thể muốn chống trả bằng cách nhanh chân bước ra ngoài đường nhưng nói như thế cũng không hoàn toàn đúng. Có thể là tôi chỉ bị động tác mạnh bạo của mình dẫn dắt thôi. Cuối cùng tôi bỗng quyết chí tiến phía bót công an tuy thường ngày mấy ông này không phải là hạng người tôi tin cậy cho lắm. Có lẽ vì tôi lúc đó không biết phải làm gì và rốt cuộc, cái chỗ còn sót lại mà tôi có thể đi tới là chỗ tôi ít muốn tới nhất. Nơi đó đã có hai vị nhân viên nhà nước, một trẻ một già, đang ngã lưng vào thành ghế, miệng hút thuốc với dáng điệu uể oải. Lúc tôi bắt đầu trình bày tình cảnh của tôi thì tay công an trẻ cố tình quay lưng lại để mặc kệ tôi, rồi như chợt nhớ ra điều gì, lật lật mấy trang sổ tay của mình và hý hoáy ghi chép gì vào đó. Chỉ có ông đồng nghiệp lớn tuổi hơn chịu nghe tôi trình bày nhưng với vẻ ủ dột, lâu lâu như thể khuyến khích kiểu chú cứ nói tôi nghe cho bằng cách ừ à chấm câu hoặc lắc đầu. Ông công an già ấy bảo:
- Té ra cơ sự như vậy đó? Mấy chuyện kiểu này, tụi tôi nghe đã ngấy lỗ tai. Anh cũng thấy, ờ, mà chắc anh không thấy không biết chừng, bọn tôi công chuyện ngập đầu đây nè. Chịu khó lần sau trở lại nghe, may ra lúc ấy tôi có chút thời giờ rảnh.
- Thế nhưng, thầy thông cảm cho, đối với tôi chuyện này gấp lắm, không thể chần chừ một phút được. Thầy coi, ví đựng giấy tờ bị họ tịch thu, nhà thì họ chiếm đóng, lộng hành tan hoang...
- Vé đi xe tháng còn trong tay chớ gì. Có gì cản trở việc anh đến sở làm đâu! Hơn nữa, cái trường hợp của anh, đứng ở địa vị tụi tôi, khó can thiệp lắm. Trước hết, anh nói anh không quen biết mấy người đó, điều này chỉ là chủ trương của riêng anh, chớ đã có gì làm chắc! Qua những ví dụ anh đưa ra thì tôi đã thấu hiểu lập trường của anh rồi nhưng nếu họ tự xưng là bạn bè thân thiết của anh , hỏi thử anh có bằng chứng nào trong tay để đánh đổ lập luận của họ không, hở?
- Lẽ phải và thường thức thôi cũng đủ.
- Bậy rồi, bao nhiêu đó không có ý nghĩa gì hết. Đối với chúng tôi, chỉ có chứng cứ cụ thể mới có giá trị. Anh đã thấy dù làm gì thì làm, dàn xếp câu chuyện này theo cách nào cũng đều gặp khó khăn chưa? Nếu anh cho phép tôi trình bày ý kiến cá nhân thì xin nói là tôi rất nghi ngờ khả năng mình giải quyết vấn đề. Nên thôi, đừng nổi nóng làm gì, ráng làm sao cho nó êm thắm.
Tôi chưa kịp lên tiếng đáp lời thì tay công an trẻ đã xen vào với vẻ bực dọc:- Nếu vẫn cứ chộn rộn, chính anh sẽ mới là kẻ phạm pháp đấy nhé.
Anh ta vứt toẹt điếu thuốc lá, làm bộ đưa tay như để bắt lấy ống điện thoại nhưng bất thần quay phắt người lại, đẩy tôi ra bên ngoài.
Cứ như thế, tôi không về nhà, và tuy rằng hãy còn chưa đến giờ làm việc, đi thẳng đến sở luôn.
|
Buổi trưa vào giờ nghỉ, tôi mời cô S đi ăn cơm. Chợt nhớ ra mình không còn ví tiền. Tôi ngượng chín, S bèn an ủi tôi một cách nhẹ nhàng:-Không sao, hôm nay là ngày mình lãnh lương mà!
Nếu như mọi lần nghe nhắc như thế thì tôi đã vui ra mặt nhưng hôm nay, không hiểu vì sao, câu nói ấy nó lại làm tôi buồn thiu. Sự thiếu tin tưởng về quyền sở hữu đối với những gì thuộc về mình làm tôi mỗi lúc thêm lo.
S bảo với tôi cô sẽ đem cái hình mới chụp thay thế cái hình cũ đã tặng tôi (vốn bị bọn người lấn chiếm đánh cắp mất cùng với mớ phiếu ăn cơm rồi). Cái hình cô đưa ra rất dễ thương, ăn đứt tấm hình cũ. Tôi muốn hứa với cô là sẽ giữ chặt nó không cho ai đụng đến hay nói một câu gì từa tựa như vậy, hợp với trạng thái tâm lý của một người đang ở tuổi của cô, thế mà không tài nào thực hiện được. Mấy lần tôi nhấp nhỏm, định nói phăng tất cả sự thực cho cô hay nhưng nghĩ rằng ngay chính bản thân mình lúc này còn chưa nắm rõ toàn bộ vấn đề, dù có giải thích thì chỉ làm đầu óc cô ta thêm rối loạn vô ích, đành bỏ cuộc không đả động tới nữa.
Sau bữa cơm, tôi cảm thấy mình cô đơn như bị hút dần lên không trung, trong khi dòng thời gian thì trôi rả rích, gây đau đớn như đường nước tiểu của một người mắc chứng viêm niệu đạo. Đầu óc tôi mông lung, quên trước quên sau, công việc không tiến lấy một bước và rốt cục, chịu không nổi nữa, tôi đâm ra giận dữ. Đến giờ tan sở thì khuôn mặt tôi hầu như xạm lại như chàm. Chính tình cảm của kẻ đang đứng bên bờ tuyệt vọng đã nung nấu ý chí chiến đấu của tôi. Ra về, tôi quyết tâm phải đánh nhau một trận với bọn chiếm đóng mới được.
S có dáng chờ đến giờ tan sở xem tôi có mời mọc gì không như mọi lần nhưng lúc đó, tôi hầu như không giải thích dài giòng, chỉ dúi vào tay cô phong bì đựng tiền lương và nói:
-Hôm nay em đem cái này về nhà giữ hộ anh. Mai chủ nhật, mình xem xi-nê đi. Anh sẽ đến đón.
Chưa kịp dứt câu, tôi đã vội vã bỏ đi như té chạy, đến khi ngoái lại mới thấy S đang nhìn mình ngơ ngác, khuôn mặt của nàng giống như bức tranh của Picasso, nghĩa là biểu lộ cùng một lúc những đường nét vô cơ không ăn nhập gì với nhau, một sự biểu lộ tình cảm khó lòng dùng lời để miêu tả.
Tôi chạy một lèo qua khỏi cái sân trong của khu chung cư và vừa dợm chân bước lên cầu thang thì có tiếng đàn bà gọi giật tôi lại:
-Ông K! ... Mấy người khách ở đằng nhà ông trông hay đáo để!
Đó là cái bà góa, không kìm hãm nổi tiếng cười đang dán sát vào câu nói.
Tôi nghĩ đến một câu nói gì đó để trả đũa, một câu nói châm chích được cả bà ta lẫn thằng con trai thứ nhà kia, nhưng nghĩ mãi không ra nên đành nhịn chịu cho qua.
Trong căn phòng của tôi, gia đình họ ngồi thành vòng tròn và đang ăn dở bữa cơm tối. Ông bố đưa mu bàn tay lên chùi miệng xong, cất tiếng cười ha hả:
- Trời ơi, anh mới về đấy à. Sáng nay đi đâu mất đất, bỏ cả bữa điểm tâm!
Thế rồi đột nhiên ông ta thay đổi hẳn thái độ một cách kinh hoàng:
- Đi mà chưa pha sẵn cho chúng tôi được bình trà. Anh có biết là chúng tôi thắc mắc lắm không? Xử sự theo kiểu đó thì...
Lúc ấy, bà vợ miệng ngừng nhấp trà trong tách, cũng làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Xử sự theo kiểu đó thì...
Sau đó thì ông chồng lại tiếp lời:
- Thì chúng tôi khó lòng chấp nhận. Chúng tôi đã phải tự phân chia công việc: nào là mua nồi niêu, chụm lò bếp. Thật không thể kham nổi. Toàn là công việc vặt vảnh chưa hề quen tay, nhất là ở một nơi lạ nước lạ cái như ở đây. Tôi mong từ rày về sau anh phải sống có ý tứ hơn. Dù sao, may mắn hôm nay anh vừa lãnh lương chứ với mớ tiền còm sót lại trong cái ví rỗng tuếch của anh, sau khi đi mua những dụng cụ cần thiết, bây giờ chúng tôi không còn một xu dính túi. Tôi phải thông báo anh biết bởi vì chúng tôi không muốn để anh phải khổ tâm. Thế nhưng, từ rày về sau, mỗi khi đi, đứng, vào, ra, anh đều phải có kế hoạch và cần bàn bạc với chúng tôi truớc đã.
Khi về đến nhà, tôi hừng hực khí thế đấu tranh thế đó mà bây giờ chỉ còn là con chó chịu để cho người ta vuốt mõm một cách dễ dàng. Đột nhiên, bao nhiêu câu nói sửa soạn trên đường về, tôi bỗng quên bẵng lúc nào không biết.
- Thôi, đứng tẩn ngẩn tần ngần ở đó làm gì nữa. Lên đây ngồi đi anh!
Cô con gái lớn chiếm cái chỗ ở cuối bàn, hưởng ứng lời ông bố, nhếch qua một bên nhường khoảng trống và đưa mắt như cười với tôi. Không biết làm gì khác, tôi đành ngồi xuống cạnh bên cô.
- Nhưng trước đó...
Anh con trưởng vội nói trong lúc tôi vừa mới kịp thở:
- Dọn dùm đống chén bát rồi pha hộ bình trà cái đã?
Tôi bất giác nhỏm dậy, nói ào ào một hơi như người đang lăn tuột xuống một con dốc đứng:
- Đừng lên có lên giọng lếu láo. Mắc mớ gì tôi phải làm chuyện đó. Không những thế, tôi còn có quyền tống cổ cả đám nhà anh ra khỏi nơi đây. Tôi không còn nhường nhịn nổi gia đình mấy người thêm một nấc nào nữa. Cút đi cho được việc!
- Đi ra khỏi đây à? Bọn mình làm gì có ý định như thế, phải không nào?
Anh con lớn tưng tửng đưa mắt nhìn chung quanh và cả bọn đồng loạt cười hô hố, cả đến thằng bé con cũng hinh hích cười theo. Tôi giận run lên, không biết phải xử trí như thế nào và cảm thấy nước mắt ứa lên, như chực trào ra.
- Cái anh này coi bộ chưa quen với lối diễn tả tình cảm theo trào lưu tân tiến như gia đình mình. Đừng cười cợt người ta tội nghiệp.
Nếu cô con gái không xoa dịu đồng bọn như vậy, tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ có có hành động hung bạo như một người loạn trí đang lên cơn. Lời nói của cô ta giống như một mũi đinh đóng ghịt phản ứng của tôi lại.
Ông bố lúc đó mới bảo:
- Thôi được, tốt hơn hết mình sẽ quyết định mọi việc một cách dân chủ. Anh K này coi bộ chưa được huấn luyện để có một thái độ sống hợp thời. Tuy mất công một chút nhưng trước bất cứ việc gì, chung ta đều cần mở một cuộc hội thảo để giúp anh K thấm nhuần không khí dân chủ mới được. Thế thì, chiếu theo thông lệ, mình bầu người chủ tọa buổi họp, rồi ta sẽ lấy quyết định xem anh K có nhiệm vụ thu dọn chén bát anh đun nước pha trà hay không. Ai làm chủ tọa nào?
Bọn con nít đồng thanh:- Xin trao toàn quyền cho người hướng dẫn chương trình.
Ông bố nói:
- Thế thì tôi nhận sự phân công điều khiển buổi họp và xin đặt vấn đề để quí vị xét xem anh K có những nhiệm vụ ấy hay không. Nếu vị nào nghĩ rằng K phải thi hành nhiệm vụ thì chịu phiền đưa tay lên để bảo vệ ý kiến của mình.
Ông ta vừa dứt lời thì nhanh như cắt, cả bọn hùng dũng đưa tay lên và mắt thì lườm tôi dường như muốn bảo là chuyện hiển nhiên hai năm rõ mười, cần gì bàn cãi. Điều tôi ngạc nhiên nhất là thằng bé oắt tì, tuy chưa biết nói, cũng bi bô, giương cao cánh tay ngắn củn của nó không chút chần chờ.
- Thôi, như thế là xong. Hầu như tuyệt đại đa số rồi. Ngày xưa thì bọn thiểu số dùng võ lực để cai trị đa số, để chống đối lại chúng, ngoài bạo lực cá nhân không có đường nào khác. Thế nhưng trí tuệ con người cho đến ngày nay đã tiến rất xa cho nên tiếng nói của đa số đã được biểu hiện bằng những phương pháp lý luận có tính cách thuần lý. Ta phải kết luận như thế mới thích hợp với bản chất con người hơn, có phải không nào?
Ông bố vừa xoa tay vừa nhìn tôi với vẻ đắc chí. Anh con thứ, Jirô, đứng bên cạnh, lên tiếng hỏi:- Bố, cho xin điếu thuốc!
- Thuốc men cái gì! Mày biết bố đâu phải là chủ sạp thuốc lá mà cứ xin. Đừng có đòi hỏi mấy chuyện lôi thôi chẳng ra đâu vào đâu.
- Bố giỡn con sao? Con đã phải nhịn hút từ ba tiếng đồng hồ rồi. Để tôi nổi nóng thì mọi người sẽ biết tay.
- Thôi, hiểu rồi, Jirô!
Anh con cả lên tiếng:
- Đừng dọa dẫm nhau làm gì nữa, phải suy nghĩ để giải quyết vấn đề. Nếu bố có chia cho mầy một hai điếu thuốc thì chỉ là cách giải quyết nhất thời. Còn bố nữa, tuy là tính bố xưa nay vẫn như vậy, nhưng vừa rồi phát ngôn cũng có hơi quá lố. Tốt hơn nhà mình nên lợi dụng buổi họp này để thảo luận nghiêm túc làm sao giải quyết vấn đề tài chánh có hơn không! Hồi này bố có hé lộ cho biết may mắn hôm nay là ngày lãnh lương của anh K. Chi bằng bảo anh ấy xuất món tiền ấy ra rồi chúng mình thảo một dự án ngân sách.... Anh K, dốc tiền lương anh ra xem nào!
Điều tôi dự đoán đã đúng phong phóc. Một làn sóng nóng hổi chạy suốt người tôi như thể xương cốt tôi đang bị điện giật.
- Tôi không biết các người dựa trên bằng chứng gì để nói như thế nhưng riêng về khoản lương của tôi, hiện nay tôi chưa được lãnh và cho dầu có trong tay đi nữa, không lý chi tôi phải đưa cho mấy người cả.
Ông bố đáp lời:
- Anh nói gì khùng khùng điên điên dễ sợ như vậy. Đã là người lương thiện thì không ai thèm nói dối và đã là trí thức thì khó để bị người khác đánh lừa. Cho nên tôi thấy chỉ có giả thuyết mà anh nhắc tới đoạn cuối cùng trong những lời anh vừa phát biểu là phản ánh được sự thực. Thôi đi anh, còn đống chén bát phải dọn, thằng Jirô nó lại sắp sửa nổi khùng vì đến cử, lại nữa cuộc họp dự thảo ngân sách là việc trọng đại cũng chưa đi đến đâu. Mau mau xùy tiền ra đây!
Thế rồi, ông ta kết luận bằng một dọng đầy hăm dọa:
- Thời giờ là tiền bạc, đừng có chần chừ nữa. Không thôi sẽ bắt trả thêm tiền lãi đấy.
Tôi nói sẳng:
- Không có, biết lấy gì mà đưa!
- À ra thế! Nếu ý anh đã quyết thì chúng tôi sẽ có cách!
Ông ta đưa mắt hội ý thật nhanh với hai cậu con trai và tiếp lời:
- Miệng thì nói túi không có gì trong khi trên thực tế anh đã lãnh lương xong rồi về đây để ăn nói với giọng điệu thiếu trách nhiệm như thế, hỏi có khác gì làm một hành vi bạo lực. Ngôn ngữ là một dụng cụ rất hữu ích, không thể thiếu được trong sinh hoạt cộng đồng với điều kiện là mỗi thành viên của nó phải biết sử dụng một cách văn minh. Thế mà anh, anh lại dùng nó một cách bừa bãi, tùy hứng. Đó là bạo lực của bọn phát xít! Trước thái độ như thế, anh nghĩ chúng tôi phải đối phó bằng cách nào?
Hai cậu con đứng bật dậy và đến kẹp lấy tôi vào giữa. Tarô, cậu cả, hét lớn:
- Chỉ có cách là dùng phương pháp khoa học để xem xét anh ta ngay thực hay gian dối mà thôi!
Cậu hai Jirô bồi thêm:
- Nếu anh cản trở cuộc điều tra, chúng tôi buộc lòng dùng tới võ lực!
Hai đứa hai bên nắm chặt cánh tay tôi, tôi cố gắng vùng vẫy nhưng chúng khỏe hơn tôi nhiều. Cuối cùng, vì kiệt lực, tôi đành đứng im, nghĩ mình đâu có gì trong người, cứ để chúng làm gì thì làm vì dầu sao, cũng chỉ là công cốc. Ông bố, với đôi tay không ngờ được huấn luyện thành thạo đến thế, lục lọi khắp người tôi và tìm ra được cái thẻ đi xe tháng trao lại cho cô con gái đang đứng bên cạnh.
- Không có gì, lạ thật!
Ông ta ngẩng đầu lên để trao đổi một cái nhìn với hai cậu con. Còn tôi, trong bụng tự nhủ:
- Cho bọn mày biết!
Trong lúc đó, bà vợ ông ta đã giật phắt cái bọc đựng thẻ đi xe từ tay con gái, và phát biểu bằng một giọng the thé:
- Ôi cha mẹ ơi, trời đất ơi, cái thằng dê cụ. Lại thêm một tấm ảnh của con nhỏ đó nữa! Thằng này dê chính hiệu. Tởm thật!
Mụ đã khám phá ra tấm ảnh cô S.
- Bà làm gì vậy!
Tôi kêu lên. Cô gái cũng nói:
- Thôi, má trả lại cho người ta.
Tarô, cậu con cả, vẫn khư khư nắm cánh tay tôi, cười khẩy:
- Má ơi, khoan xé tấm ảnh đó đã. Nó được việc lắm. Đằng sau có ký cái tên S không? Đúng là tên con nhỏ đằng sau cái ảnh má mới xé tối qua. Nó thể nào cũng giúp mình truy ra được chỗ cái thằng nhải ranh phát xít này dấu phong bì tiền lương đó má!
- Chắc chắn là như thế, anh K ạ. Nhìn thấy cái tướng anh, tôi cũng đoán được đây chỉ là tình yêu một chiều từ phía anh thôi. Tuy nhiên coi bộ giữa anh với cô ấy cũng có vẻ thân mật đấy chứ!
Ông chồng nói xong thì mụ vợ thêm vào:
- Thân mật? Ai nói với ông là thân mật! Thằng cha này chỉ là một con dê cụ, đáng kinh tởm!
Ông chồng dịu giọng:
- Thôi, đừng nói vậy mà bà! Anh K này là người có mưu lược đấy chứ!
- Này, con có ý kiến!
Tarô buông tay ra khỏi cánh tay tôi một chút, giằng lấy bọc đựng thẻ đi xe từ tay nẹ mình và kêu lên:
- Tại sao ba má không giao việc này cho con, một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành thám tử điều tra.
Jirô vội nhảy ra đứng ngáng trước mặt:
- Anh hai, chờ cái coi! Em không dám nghi ngờ gì anh nhưng đã là chuyện liên quan đến tiền bạc, hành động một mình là thiếu thận trọng. Để cho ai nấy đều cảm thấy thoải mái, em xin anh cho em được đi cùng, anh nhé!
- Chú Jirô có lòng như thế, anh xin cám ơn. Nhưng anh thấy mình nên thực tế. Chuyện không dễ như ngồi đó ăn sẵn đâu. Cần phải đi thăm dò cho ra manh mối và điều đó đòi hỏi một kỹ thuật khá đặc biệt. Chi bằng để anh hành động một mình có lẽ tiện hơn.
Jirô hất hàm ám chỉ tôi, hắn nói:
- Chứ còn cái tên này, bộ mình không có cách buộc hắn khai ra?
- Dùng thuật thôi miên của bố hả. Thực tình anh không có gì để chống đối "phương pháp" ấy nhưng mà...
Môi Tarô thoáng điểm một nụ cười chế riễu. Ông bố của anh ta chận ngang:
- Tarô, ai cho mày ăn nói kiểu đó?
- Thôi thôi, con không có ý nói móc bố đâu. Có điều là giết gà đâu cần phải dùng đến dao trâu của bố. Vấn đề của chúng ta là trong nhà hiện nay không còn một trinh. Nếu nhà mình có xê dịch cũng chỉ còn biết nương tựa vào mỗi cái thẻ đi xe tháng này. Nó cho phép một người sử dụng thôi nên ngoài con ra không ai đi thêm được.
Thế rồi hắn quay sang phía Jirô:
- Hơn nữa, suy đi tính lại anh thấy rằng sau khi dọ hỏi được nhà con nhỏ đó rồi còn phải lập kế nữa. Chắc chắn con này hãy còn non nớt lắm. Để kiếm cách đánh lừa nó thì một mình anh nói chuyện tay đôi coi bộ dễ hơn.
Jirô chưa chịu:
-Ve gái là nghề tủ của em mà. Cho em tháp tùng với. Em đã có cách xoay xở để khỏi tốn tiền vé xe điện, chuyện này xong ngay. Chứ để một mình anh phái đối đầu với đàn bà con gái, em thấy hơi ớn cho anh.
- Chú mày nói gì lạ vậy! Người giỏi chinh phục đàn bà con gái không có ai tán tỉnh sống sượng như chú mày đâu. Hồi nãy, chưa gì mày đã nhanh tay sờ soạng bà góa ở dưới nhà rồi. Kiểu đó sau này sinh sự lôi thôi lắm đó em. Bây giờ, nếu có muốn thử, tao cho đi ngay, để xem giữa tao và mày, con nhỏ chịu đứa nào.
Ông bố cỏ vẻ bực bội, chen vào ngăn hai cậu con:- Thôi đi chớ, mấy cậu. Chưa đứa nào có đủ kinh nghiệm mà đã khua môi múa mỏ. Thôi để tôi...
Lúc đó bà vợ bật khóc, lắc đầu quầy quậy:
- Coi đó, lại dở thói già dê.
Cô con gái cũng lên tiếng:
- Ba ơi là ba!
Cậu con trai và cô con gái nhỏ nhìn nhau khúc kha khúc khích trong khi bà lão đưa tay lên bụm cái miệng sún răng cười ngờ nghệch. Ông bố lại nói tiếp:
- Hừ, thôi muốn sao cũng được. Thằng Tarô đi một mình đi. Cả nhà tin tưởng nơi mày đó. Nếu mầy tỏ ra thành thực thì tụi tao hứa về sau sẽ không đụng đến một sợi lông chân của con nhỏ S ấy. Phải không, Jirô?
- Đồng ý đứt đi chứ. Tôi đâu có thích gì bọn con gái loi choi.
- Vẫn cái giống dê.
Bà mẹ vừa nói, vừa khúc khắc ho.
- Thôi được, tôi đi đây!
Tarô chào mọi người và hướng về phía tôi cười toe toét.
Tôi có cảm tưởng trái tim mình giống như một thân cây chết đã bị côn trùng đục ruỗng, rơi thành từng mảnh vụn xuống dưới chân. Bất chợt, tôi ý thức được cô con gái của họ đang nhìn tôi một cách thương hại nên vội đưa mắt qua nơi khác. Nước mắt không trào ra được, chảy ngầm theo đường mũi, thấm tận đáy lưỡi tôi.
- Thôi, đi nhanh cho được việc
Cậu con thứ đi theo sau người anh, đứng trên ngạch cửa giục như thế rồi ngoái lại đằng sau, lẩm bẩm, không biết nói với ai:
- Tôi cũng ra ngoài một chút. Không phải hẹn hò với mụ góa dưới nhà đâu nhé! Mà có hẹn đi nữa, rút lời lại cũng dễ thôi. Mục đích của tôi là kiếm điếu thuốc lá, hút cho nó tỉnh người.
......................................................................................Tôi thọc tay vào túi quần, thơ thẩn nhìn qua cửa sổ cảnh ngày đang sập tối. Một vầng trăng quái dị trông như lòng đỏ của quả trứng khủng long chín hồng đào từ từ leo lên trên mái nhà hàng xóm. Bất giác, không biết ai xui khiến mà đôi chân tôi tự dưng chuyển động và tôi bắt đầu bước ra khỏi phòng.
- Đi đâu vậy hử?
Tiếng gọi của ông bố khả kính làm tôi giật bắn người, quay lại nhìn. Thì ngay lúc đó tôi cảm thấy có một vật gì mềm và ẩm đập vào trán tôi. Hai đứa bé trai và gái nấp sau lưng bà lão đang rũ ra cười. Vật mềm đó là một miếng kẹo cao su. Ông bố từ từ tiến lại gần tôi và bảo:
-Anh không có chuyện làm à? Còn bao nhiêu công việc kia kìa! Đừng thấy mấy đứa con trai tôi không có nhà mà đã tưởng bở đâu nhé! Tôi từng báo cho anh biết là tôi có năm đẳng nhu đạo, xưa làm huấn luyện viên ở trường dạy cảnh sát công an rồi cơ mà. Thôi, nhanh nhanh bắt tay vào việc đi. Như thế, anh sẽ thấy cuộc sống chung của chúng mình thoải mái, vui vẻ hơn ra.
Nãy giờ đang ở bên cạnh theo dõi mọi chuyện, cô con gái can thiệp vào:
- Ba ơi, anh K có quen mấy công việc này đâu. Ảnh không phải là người xấu, chỉ có cái xã hội cổ lỗ đào tạo ra con người ảnh mới xấu thôi. Cho nên ảnh còn chưa thoát ra được lối suy nghĩ phong kiến coi việc rửa chén bát là phận sự đàn bà con gái. Con chắc chắn như vậy. Thôi cứ giao cho con điều khiển ảnh ít nhất trong bước đầu đi.
- Mày khùng hay sao mà bênh thằng cha này dữ vậy?
Ông bố sa sầm nét mặt mắng con. Cô gái chẳng chịu thua, chống trả:
- Không phải vậy đâu ba. Ảnh làm vỡ chén bát thì mình tính sao? Hơn nữa trong sự dân chủ cũng phải có tinh thần nhân đạo nữa chứ. Cưỡng ép người ta làm gì!
Họ bắt tôi mang một rổ đựng chén bát. Tôi đi theo cô gái như một thằng người máy. Trong những căn hộ, từ kẽ hở những bức tường xám, mấy bà nội trợ tò mò nhìn tôi với cái nhìn xoi mói nhọn tựa kim đâm. Như thế, tôi tiến về phía cái máy nước công cộng tối tăm, chỗ để rửa ráy.
Nếu không nói đến cái tâm tình riêng tư lúc này, chính ra công việc chả nặng nhọc gì.
- Anh thạo hơn tôi nghĩ.
Cô gái khen như vậy và nói thêm nhiều điều nữa như để an ủi tôi nhưng tôi trước sau vẫn ngậm câm. Trong lòng, tôi nghĩ ngay cả sự tồn tại của tôi cũng là một điều chướng mắt.
Trên đường trở lại căn phòng, khi đi ngang qua trước căn hộ số 3, tôi nghe có tiếng động kỳ lạ và tiếng người đang rên rỉ. Tôi nói móc:
- Ông anh hai của cô đấy!
Đến lượt cô gái nín thinh.
Trong căn phòng, hai đứa bé trai và gái đang chơi trò đấu vật với nhau làm bụi bặm tung cả lên. Bà mẹ lưng dựa tường, cái váy hớ hênh lật lên để lộ cả đôi chân to, đang ngủ say. Bà lão thì đang ngắm vầng trăng bên cửa sổ, cười ngờ nghệch trong khi đứa bé con được đặt trên đùi khóc thét lên như nhà cháy. Ông bố ngồi bên bàn viết, chăm chú đọc một quyển sách của tôi, dáng bình thản như không.
Ông ta rứt điếu thuốc đã tắt ngấm ra khỏi môi:
- Xong rồi à? Thế thì bây giờ cho bình trà đi chứ!
Tôi trả lời cụt lũn:
- Không có trà.
- Tôi không hỏi anh có trà hay không! Tôi chỉ bảo anh pha trà cho tôi thôi. Thái độ của anh như thế thì làm thế nào có một sinh hoạt cộng đồng cho được, hử?
- Đã không có thì đành chịu thôi.
- Anh cố gắng ra tay thì việc gì cũng xong tất. Trong Kinh Thánh có dạy ta phải ra sức làm việc thiện. Ai không xao lãng điều ấy thì khi đến lúc, sẽ gặt hái những điều tốt lành. Chúa Giê-su cũng dạy không phải nhận mà cho mới là điều quan trọng. Vậy thì anh hãy làm sao để những người chung quanh có cái hạnh phúc nhận được kết quả việc thiện anh làm. Còn nếu như anh lấy cớ là không đủ tin tưởng nơi chúng tôi mà không làm là anh có ý sĩ nhục chúng tôi đó.
Tôi không thèm trả lời và chực bỏ ra ngoài thì ông ta như chợt nhớ điều gì, kêu với tôi lại:
- Khoan, khoan! Coi bộ anh đang bất mãn. Chớ có dấu tôi. Anh đang định trốn thoát khỏi đây chứ gì? Hừm, Đừng hòng! Ai để anh đi! Đứng đó mà nhen lửa cho tôi. Con Kikuko, mượn người ta ít trà về đây cho ba. Nếu họ không cho thì đằng kia có mấy cuốn sách kìa, lấy năm sáu cuốn đem bán lấy tiền cho tao...
|
Đồng hồ đã điểm nửa đêm. Lúc ấy mới thấy Tarô chân nam chân xiêu về nhà. Rõ ràng cậu cả đã khá xỉn. Mọi người trong nhà bỗng im phăng phắc, chỉ có cậu hai Jirô đưa mắt trừng ông anh trong tư thế như một người đang múa may. Đang cất tiếng hát " Con ếch ngoài sân, con chim trên trời...", anh ta chợt giật mình, nấc cụt một cái rồi chõ đôi mắt nhìn thằng em: "Ê, bộ tao lạ lắm sao mà mày dòm kỹ vậy? Hừm, tao không ưa kiểu mày nhìn. Dang ra, cho tao yên!"Ông bố tiến một bước về phía trước, hỏi:
- Sao, tiền đâu?
- Tiền, tiền gì?
- Tiền chớ tiền gì. Không lẽ mày lấy đi uống hết rồi sao?
- Uống gì? Uống rượu à? Thì uống hết đó. Thấy cái mặt thế này mà còn chưa hiểu à ? Tệ quá sức!
- Ê Tarô, đâu phải cứ nói lấy tiền đi uống hết là xong chuyện. Mày cũng hiểu điều đó chứ!
- Không hiểu gì hết. Tôi chẳng những uống, còn ăn nữa kia! Cũng phải thưa gửi à? Để tôi yên!
Dần dần, hai bên càng lúc càng nóng máy và Jirô cũng tham gia vào cuộc cãi vã. Căn phòng sát khí đằng đằng, chỉ còn không biết bên nào sẽ ra tay trước. Rốt cuộc họ túm lấy nhau và một cuộc ẩu đả đã diễn ra.
Mấy người ở căn hộ bên dưới thọc cán chổi lên trần nhà giộng ầm ầm, còn hàng xóm hai bên thụi nắm đấm vào vách tường. Trong dãy phố, người đang ngủ đều thức dậy hết, tất cả nhốn nháo như ong vỡ tổ. Cuối cùng, coi bộ đuối sức, cả bọn bắt đầu dịu lại. Giữa khi đó, Tarô bỗng phá lên cười và ném ra giữa nhà một phong bì trắng. "Gì đó mày!", ông bố nhảy bổ lại vồ lấy, đếm nhanh tám tấm giấy bạc một nghìn yên và kiểm lại với con số ghi trên phong bì. "Cái thằng ngu thật. Phải chi mày nói trước thì có phải cả nhà đỡ tốn ca-lo-ri rồi không!"
Cậu con cả vẫn tiếp tục cười.
- Lâu ngày được thể thao một bữa, thật quá đã! Mỗi lần có dịp căng thẳng giống như được uống thuốc bổ óc. Chớ cả nhà mấy người thiếu suy nghĩ đến độ tưởng tôi đem hết tiền của chúng mình đi nhậu hết sao? Uống là do con nhỏ nó mời đó! Con S dễ thương đếch chịu được.
Vừa nói, hắn vừa đảo mắt nhìn tôi:
- Chắc tôi mê nó mất. Ngày mai đã hẹn đưa nó đi xi-nê rồi đấy!
- Đồ dê! Đồ mắc dịch! Coi bộ không còn ai ngó ngàng gì đến tôi nữa rồi.
Bà mẹ thút thít nói như khóc.
Tarô chiêu một ngụm trà nguội rồi nằm xuống khoanh thành đống. Cả bọn trở lại tư thế cũ nhưng lần này với vẻ hồ hỡi. Mỗi người mỗi kiểu, ai nấy đều thở dài nhẹ nhõm. Ông bố giữ chịt phong bì đựng nguyên tháng lương của tôi nhưng đồ chừng trong lòng vẫn có gì bồn chồn. Thế nhưng, chính tôi mới là người cảm thấy bồn chồn hơn cả. Đột nhiên một cơn giận khủng khiếp bỗng dâng trào và xâm chiếm toàn thân, tôi bèn can đảm đứng lên thách đố với họ. Kết quả thế nào, không cần phải viết ra cũng hiểu. Phiên họp được triệu tập rồi một nghị quyết đưa ra xác nhận món tiền kia thuộc về bọn người chiếm đóng. Hơn thế nữa, tôi còn được cậu hai tặng cho một đấm như trời giáng khiến con mắt bên phải sưng vù.
Ông bố ra điều khổ tâm:
- Đồ phát xít! Dạy được cái thằng này cho thuần còn khó hơn là dạy chó. Này anh K, tại sao anh không cố gắng để mau có được một nếp sống hiện đại và văn minh như chúng tôi? Tất cả là vì hạnh phúc của anh đấy nhé! Tôi đã có cơ hội nghiên cứu ngôn ngữ của loài chó rồi đấy chứ.
Ông ta nói với một vẻ tự mãn:
- Nếu nghiên cứu của tôi thành công, tôi sẽ đem đến cho xã hội một sự thay đổi rất vĩ đại. Khổ là nếu có nói rõ mọi chi tiết thì cỡ đầu óc như anh không thể nào thâu nhận được đâu. Chỉ cho anh biết việc làm của tôi dựa trên nền tảng công trình nghiên cứu của Pavlov về sự phát sinh có tính sinh vật của ngôn ngữ. Bằng phương pháp thôi miên, tôi đã truyền đạt vào đại não của loài chó một thông tin hết sức đặc biệt và tạo được trong đó một trung khu ngôn ngữ dưới hình thức tiếp thu có tính cách tập đắc. Anh thấy sao? Không hiểu nổi chứ gì! Mà trong nhà này không phải chỉ có mình tôi như thế. Ai nấy đều có lãnh vực chuyên môn cả đấy. Người nào cũng đóng góp về học thuật một cách xuất sắc cho xã hội. Chuyên môn của thằng cả nhà tôi là tâm lý học thực nghiệm về phạm tội, lãnh vực nghiên cứu của thằng hai là tâm lý về tình dục của phụ nữ trong giai đoạn tắt kinh và dĩ nhiên, nó sử dụng vợ tôi như vật thí nghiệm. Còn bà mẹ của tôi, tuy ngày nay không còn xông xáo trên tuyến đầu nữa nhưng ngày xưa là nhà phân tích tâm lý nam giới đấy. Đặc biệt bà còn là chuyên gia có uy tín trong việc thẩm định điểm mù tâm lý nơi nhân viên bán hàng ở những cửa hiệu bách hóa. Hai đứa con nhỏ của tôi, tuy còn thơ ấu, sẽ thừa kế công tác của bà nội. Chị của chúng, tính khí hơi khác đời một chút, nhưng là một nhà thơ đó nhá. Mai mốt thôi, nó sẽ xuất bản thi tập nhan đề "Tình yêu nhân loại". Còn đứa nhỏ nhất, chưa biết nói bao lăm mà nhờ được huấn luyện, đã biết đưa tay biểu quyết rõ ràng trong những cuộc họp. Nó lại giúp tôi tài liệu thực nghiệm trong việc nghiên cứu về giáo dục ngôn ngữ cho loài chó nữa kia. Tóm lại, sinh hoạt của một gia đình văn minh tiến bộ như chúng tôi đại khái là thế. Anh thấy sao, có đáng ngạc nhiên không? Nếu anh chịu tham gia vào công trình của gia đình chúng tôi thì không những việc nghiên cứu của chúng tôi sẽ tiến xa hơn mà bản thân anh cũng trở thành một con người có trình độ văn hóa cao cấp.
Bây giờ tôi mới nhận ra là ngoại trừ cô con gái còn đang rấm rứt khóc, cả nhà họ đã lăn ngủ khì. Ông bố nhìn thấy, ngạc nhiên lên tiếng:
- Sao vậy, con?
Vén mái tóc phủ lòa xòa trên trán qua bên bờ vai, Kikuko để lộ gương mặt xanh xao buồn bã, trả lời:
- Không hiểu sao, con thấy buồn buồn.
Giọng ông bố nghiêm nghị:
- Chớ suy nghĩ vẩn vơ. Chớ đánh mất lòng tin!
Quay lại nhìn những người khác trong gia đình đang ngủ vùi, ông ta bảo:
- Ngủ đi!
Thế rồi, hướng về phía tôi:
- Anh K này! Tôi là người biết chấp hành nguyên tắc dân chủ nên sẽ không bao giờ cưỡng ép anh. Tôi chỉ có một gợi ý, mong anh lắng tai nghe. Căn buồng này chật chội, không đủ diện tích lẫn dưỡng khí cho mười mạng người chất cả vào đây. Thế nhưng ban ngày tôi vừa xem xét thì thấy dưới mái nhà có một gầm dùng làm chỗ chứa đồ, chưa có ai ở. Nếu trong nhà này có một người đơn sơ và khiêm tốn biết được một chỗ như thế, thì ý theo anh, người ấy sẽ xử sự ra sao?
......................................................................................................Suốt đêm, tôi nằm trong chỗ chứa đồ đầy nhện giăng và phải chiến đấu chống trả lũ chuột nên không tài nào chợp mắt. Sợ hãi và khuất nhục làm tôi khó ngủ và cảm thấy toàn thân bứt rứt như nổi gai. Trong bụng, tôi thề sẽ trả đũa và hoạch định được chương trình hành động cho cuộc phản công kể từ ngày mai như sau:
1. Đi gặp cô S bạn tôi trước khi thằng Tarô ra khỏi nhà (cô ta hiện đang lâm vào cảnh nguy hiểm. Tôi sẽ giải thích tất cả về cảnh ngộ của tôi và yêu cầu cô ấy phải hạ quyết tâm đứng về phía tôi trong cuộc chiến đấu này).
2. Kiếm một luật sư đứng đắn.
3. Dán bích chương tố cáo hành vi chiếm đóng của bọn chúng cho người trong chung cư biết (Trước đây đã có tiền lệ là khi anh thủy thủ ở căn hộ số 2 dán bích chương phản đối việc tăng tiền nhà, mọi người trong chung cư đã hứa ủng hộ việc anh ta làm).
.......................................................................................................Tiếng chuyến tàu điện đầu tiên trong ngày đã vọng tới. Trong khi tôi đang chuẩn bị ra khỏi nhà thì có ai đang lục đục đi nhà xí. Cái thang đưa lên kho chứa đồ này lại nằm bên cạnh khu nhà xí nên thay vì đi ra khỏi nhà ngay, tôi thấy tốt hơn nên nán lại một chút. Trong khi chờ đợi, tự nhiên sự mệt mỏi từ đâu đổ ập tới và không biết tự lúc nào, tôi lăn ra ngủ say như chết.
|
Tôi thức giấc khi nghe tiếng ai gõ cốc cốc vào nắp kho chưa đồ.Không biết từ phía nào, một luồng ánh sáng màu da cam len vào bên trong. Ngày đã sáng rõ tự bao giờ. "Nhanh lên, nhanh lên!". Nghe tiếng ai gọi, tôi vội quệt dãi rớt và mở nắp kho ra thì thấy Kikuko, cô con gái lớn.- Em tới kiếm anh đó.
Cô con gái nói xong và ngồi xuống sát cạnh tôi.
- Chắc anh đói bụng!
Nói xong, cô trao cho tôi mấy mẫu bánh mì vụn có trét chút bơ.
- Bây giờ mấy giờ?
- Hơn mười hai giờ trưa rồi.
- Chết cha!
Thấy tôi quờ quạng tìm cách đứng lên, cô gái nở một nụ cười bẽn lẽn:
- Chuyện chị S phải không? Trễ rồi anh ơi!
- Không biết mấy người còn muốn hành tôi tới mức nào!
- Đó là nguyên tắc trong giao tế giữa con người. Tội tổ tông mà anh.
- Đồ quân ăn cướp!
- Tôi nghiệp cho anh.
- Một lũ khùng điên!
- Anh muốn nói ai? Bọn họ hở anh? Họ đúng là những người kỳ cục nhưng không đến độ điên khùng như anh nghĩ. Trừ má em thôi, một mình má em đầu óc bất bình thường. Khi bả nói "Đồ dê, đồ mắc dịch!" này kia là bởi vì bà ấy mơ tưởng những chuyện tình dục hay có khi bà ấy chỉ quen thói lập lại mấy tiếng mà ba em hay nói thôi. Ngoài ra bả đã quên hết tiếng người rồi.
Bô ngạc nhiên nhìn khuôn mặt cô gái.- Vậy cô đứng về phía tôi à?
- Chớ sao? Tại em thương anh mà!
Tôi lập tức thay đổi điểm một trong kế hoạch mà tôi đã soạn thảo. Trước tiên, tôi phải kéo Kikuko về cánh mình và gieo rắc sự chia rẽ trong hàng ngũ kẻ địch.
- Thế cô chịu giúp tôi thực hiện kế hoạch không?
- Giúp chứ. Không giúp thì em đến đây làm gì!
- Tôi muốn thoát khỏi cái cảnh hiện thời. Chắc cô cũng vậy?
- Vâng, em muốn trốn đi đâu cho thực nhanh.
- Trốn đi à? Em nói có lý! Phải trốn đi, mình không thể nào tiếp tục sống mất hết lý trí như thế này.
- Tình yêu, anh ơi. Không phải lý trí, tình yêu mới là vấn đề. Chỉ có sức mạnh của tình yêu giúp mình tiếp tục sống.
- Phải, phải. Bởi vì ở đâu không có lý trí là không có tình yêu.
- Không, ngược lại chứ. Không tình yêu, làm gì có lý trí!
- Dĩ nhiên. Tôi nói sai.
Tôi trả lời, làm bộ ngoan ngoãn và thành thực nghe theo:
- Dù sao chăng nữa, chúng mình suy nghĩ giống nhau và kẻ từ đây, mình phải đứng chung một chiến hào. Lần đầu tiên gặp em, anh đã biết ngay là em không giống họ. Hình như em biết làm thơ. Em còn xinh đẹp như một thiên thần; nếu em ta xa lánh gia đình và biết sống đời độc lập, có thể rồi anh cũng đâm ra yêu em.
- Trong một xã hội dân chủ thì ai cũng độc lập.
- Thế thì mình suy nghĩ đi, tính cách nào để đuổi bọn chúng ra khỏi nơi đây.
- Đuổi họ ra khỏi nhà hở anh. Không phải mình đi trốn họ sao anh?
- Cần gì phải trốn! Việc gì phải chịu khuất nhục như thế nữa. Chỉ cần tống cổ chúng đi thôi!
Gian buồng này rõ ràng là của anh. Còn nếu như mình bỏ trốn, với tình hình khan hiếm nhà đất hiện thời thì biết đi đâu bây giờ!
- Không, anh hiểu sai ý em rồi. Đối với em, trốn đi là một trạng thái tâm hồn thôi. Mình trốn đi nghĩa là nhân danh tình yêu mà chịu đựng mọi khó khăn.
- Nói cái gì, em chấp nhận sự việc đang xảy ra trước mắt hay sao?
- Không đâu anh! Nhưng em thấy mình không thay đổi được gì cả. Bởi vì phải trả lại cho César những gì thuộc về César!
- Thế à, rốt cuộc thì em cũng...
Tôi đứng dậy, đưa tay phủi cái mạng nhện đang dính trên mặt và nói tiếp:
- Em cũng chỉ là kẻ thù của tôi, một nhân viên phản gián mà thôi. Không thể nào tin tưởng em được!
- Em đã thừa biết thế nào anh cũng nghĩ về em như vậy. Em từng bao lần yêu những người như anh mà chưa hề một lần được đáp lại.
Kikuko đứng dậy, mùi thơm mái tóc nàng phả nhẹ vào bên má tôi. Giọng nói của nàng nghe buồn thương, tôi cảm thấy như có âm hưởng của sự chân thực toát ra từ bên trong cơ thể. Lòng tôi bỗng dao động. Nhưng tôi không có quyền để cho mình bị dao động. Câu "Từng bao lần" khe khẽ lập đi lập lại trong tâm trí, bất chợt tôi cảm thấy mình như hiểu được ý nghĩa của mấy tiếng đó. Nó khiến tôi phải buột ra câu hỏi :
- Thế là em muốn nói không chỉ mỗi một mình tôi là kẻ bị gia đình em đến "viếng". Hãy còn có nhiều người chung hoàn cảnh?
Cô gái gật đầu chấp nhận và cúi gầm mặt trong khi tôi gằn giọng:
- Những người đó bây giờ ra sao?
Hai cánh tay trắng trẽo như những con cá đang bơi luồn dưới bóng ghềnh đá duỗi ra về phía ngực tôi, giọng cô gái nghe buồn thương và đẹp làm sao:
- Họ mỏi mệt và đã "yên nghỉ" cả rồi.
- Có nghĩa là họ chết hết phải không?
Hình như cái kho chứa đồ dưới mái nhà có phép mầu. Nó chợt đến phủ lên đôi mắt của tôi hay sao đó mà khiến tôi kéo cô gái lại gần, ôm lấy và lặng lẽ hôn cô nhè nhẹ. Không biết lúc đó nước mắt của ai đã chan hòa trên đôi má và xóa hết khoảng cách giữa hai bên.
|
Đêm hôm ấy, tôi bị bọn chiếm đóng cưỡng ép đóng đinh phong kín cái nắp đậy phía khu nhà xí và khơi một cái lỗ trên trần chỗ chứa đồ trong căn phòng làm cửa ra vào cho mình. Kết quả là muốn đi từ cửa ra vào nằm dưới mái nhà cũng phải thông qua căn phòng mới ra ngoài được. Tôi hoàn toàn trở thành con vật bị chúng canh chừng chặt chẽ.Những ngày sống trong tủi nhục cứ thế mà kế tiếp. Tôi là tên nô lệ của bọn chiếm đóng. Ngày nào đi làm, tôi cũng bị cậu em và cô em gái, hai nhãi ranh được cử theo, kèm sát. Dọc đường, hai đứa thay phiên nhau lúc đi chỗ này lúc đi chỗ nọ, phỗng của người ta hết kẹo cao su đến kẹo ca-ra-men, nhiều khi cả đồng hồ lẫn xâu chuỗi đeo cổ, tệ hại hơn nữa, chúng còn đánh cắp cả mấy thứ như tuốc-nơ-vít hoặc thuốc ngừa thai là những thức mà chúng còn chưa biết dùng để làm gì. Tối về nhà, có lắm lúc bọn chiếm đóng thảy cho tôi mấy thức ăn bỏ mứa nhưng vì đói quá, tôi vẫn phải sục vào.
Gặp S ở sở, cô không thèm cả cúi đầu chào tôi. Có muốn gợi chuyện, cô cũng khéo léo tránh né và như muốn bảo thầm với tôi: "Anh làm sao có thế sống kiểu đó mãi!". Được hai tuần, bỗng cô thôi việc. Thế nhưng tôi nghĩ đúng là mình vẫn còn yêu S.
Thường thường khi trở về căn phòng, vẫn luôn luôn có một người được phân công canh chừng tôi. Ít nhất cũng có bà vợ tính khí bất thường ít khi ra khỏi nhà. Trong một khoảng thời gian đầu xem ra bà cũng có ý tống tình với tôi một cách lạ lùng (chính ra thì bà không phân biệt ai tất, bà ta còn làm điệu làm bộ ngay cả với những vật gì mắt nhìn không thấy được nữa kìa). Khi thấy tôi không thèm đếm xỉa gì tới, bà đột ngột đổi hẳn thái độ và bắt đầu tỏ ra căm ghét. Cô con gái họ thì vẫn tiếp tục cho thấy cô cảm mến tôi nhưng vì không bao giờ có dịp gặp riêng nên tình cảm đó không thấy tiến xa thêm chút nào. Giả sử có tiến thêm đi nữa, thì qua lần gặp gỡ bí mật giữa hai người, tôi đã biết lòng cảm mến của cô ta cũng có đặt một số điều kiện khó vượt qua.
Vì cớ gì tôi lại không bỏ trốn? Không phải sự đi trốn được xem như một trạng thái trong tâm hồn theo kiểu Kikuko đề nghị nhưng là một cuộc tẩu thoát như một hành động thực sự. Thực ra tôi chưa hề vứt bỏ ý chí đấu tranh và tôi vẫn còn nuôi một niềm hy vọng nào đó. Tôi vẫn ngấm ngầm chờ đợi một cơ hội.
Hôm đó, dịp may đã đến với tôi. Trên con đường từ sở về, tôi thấy có một rạp xiếc được dựng lên ở góc đường. Tôi vẫn biết hai nhãi ranh được gửi theo canh chừng tôi ngứa ngáy muốn vào xem lắm rồi. Tôi bèn khôn khéo xúi giục chúng, bảo cứ vào xem, tôi sẽ đợi bên ngoài. Thế là đẩy được hai đứa bé vào bên trong. Một xuất kéo dài tiếng rưỡi, trong khoảng giờ trống đó, tôi vội chạy đến cái văn phòng luật sư mình đã ngắm sẵn. Đó là một gia đình đông đúc đến sợ luôn. Không biết bao nhiêu là người lớn trẻ con, chạy ra chạy vào như đèn cù, lúc biến lúc hiện. Cuối cùng mới thấy một người đàn ông thấp bé, ốm yếu và mệt mỏi nhất bước ra. Đó là ông chủ nhà. Khi tôi mách ông ta rằng có mạng nhện vướng trên đầu thì ông ta tỏ vẻ hết sức bối rối và đưa tay lên gãi một cách máy móc. Cảnh đó khiến cho một người như tôi mà còn phải thấy có cái gì không tin tưởng được.
Khi tôi bắt đầu trình bày lý do đến gặp ông và luật sư có vẻ thoáng hiểu được nội dung thì ông bất thần đưa ngón tay lên môi ra hiệu:
- Suỵt, nói khẽ thôi!
Trong khi tôi tiếp tục phát biểu thì thấy ông cứ dáo dác nhìn chung quanh như có gì lo lắng. Đến khi tôi nói xong thì mặt ông đã xanh như chàm đổ.
- Chỉ có thế thôi à?
Ông nói mà giọng khàn khàn. Sau đó, đứng dậy nắm lấy cánh tay tôi như muốn đẩy ra ngoài:
- Nếu chuyện như thế thì quả đáng thương thật nhưng tôi rất tiếc không giúp gì ông được. Chúng tôi không đủ sức bảo vệ ông. Hiện thời....
Ông bỗng hạ thấp giọng:
...ngay trong nhà tôi bây giờ bọn chiếm đóng cũng đã đột nhập. Ông thấy tận mắt đó! Gia đình chúng có đến 13 người. Ông độc thân nên chưa đến nổi, chứ tôi vợ con đùm đề, bi thảm lắm ông ơi. Bà xã tôi đã dắt lũ con bỏ nhà ra đi, không, chính ra phải nói họ bị bọn chiếm đóng tống khứ thì mới chính xác. Ngoài việc mấy người giúp việc cho tôi bị đuổi cổ, chúng thanh toán gọn văn phòng tôi chừa một người từ thư ký đến thừa phái. Chỉ trong vòng một tháng, tôi sụt đến ba chục kí-lô. Chỉ thêm một tháng nữa thì chắc là tôi không còn kí nào nữa.
Lúc chào từ giã, tôi nắm chặt tay ông và nói:
- Mình làm bạn với nhau đi!
Nhưng ông chỉ buồn bã lắc đầu:
- Không, không. Ông đừng tìm đến tôi làm gì nữa.
|
Đây là cố gắng cuối cùng của tôi.Mỗi lần quay về nhà, tôi đều bị lục soát thân thể một cách tỉ mỉ, thật vô cùng khốn khổ. Tuy vậy cố tìm những kẻ hở của họ, tôi cũng tạo cơ hội lượm lặt đó đây vào mẫu giấy vụn và kiếm được thời giờ để chép ra ba mươi tấm truyền đơn bươm bướm với nội dung như sau:
"Hỡi các bạn trong chung cư,
Cùng những công dân hãy còn lương tâm và lý trí trong thành phố.
Đây là một tiếng kêu uất ức của một người bạn của quí vị hiên đang gánh chịu sự xâm nhập gia tư của một bọn kỳ quái.
Một gia đình tôi vốn không quen biết đã đột nhập vào căn hộ của tôi và chiếm đoạt nó, cai quản toàn bộ sinh hoạt của tôi. Tôi không còn một chút tự do nào và sắp chết đói đến nơi. Thế nhưng tôi vẫn phải lao động để nuôi chúng. Những điều phi lý như thế này đều đã được bọn chúng cho thực hiện dưới mỹ từ là những quyết định do đa số, dựa trên số người của gia đình chúng để hợp pháp hóa. Hỡi các bạn, nếu chúng ta làm ngơ trước những hành động phi lý này, xã hội sẽ bị băng hoại chứ không có một đường nào khác. Đây không phải là vấn đề của cá nhân tôi mà thôi. Nó cũng là số phận mà nay mai các bạn cũng sẽ gặp phải. Chúng ta phải đoàn kết lại để chống lại cái đa số không thỏa đáng đó. Đặc biệt mong những bạn trong chung cư từng đứng lên chống đối vụ tăng tiền nhà, xin hãy vì sự tự do đích thực, đoàn kết lại thêm một lần nữa. Sự đoàn kết của các bạn sẽ bảo vệ được bản thân tôi. Đồng thời nó sẽ bảo vệ chính các bạn.
Đả đảo bọn đa số ngu ngốc và vô nghĩa!
Hoan hô những người đa số chân chính!"
Vấn đề là ai "đem chuông đi buộc cổ mèo" đây! Tôi chưa tìm ra cơ hội để đem mấy tấm truyền đơn đó đi dán. Tuy nhiên, tôi nghĩ ngày lãnh lương kế tiếp lại sắp đến nơi, nếu không quyết định cấp tốc, mình sẽ phải nếm thêm một lần nữa sự thống khổ, viễn ảnh của một tháng rỗng túi. Một hôm, tức quá đâm liều, mượn cớ đi nhà xí, tôi đem mấy tấm truyền đơn vào dán bê bết lên mấy bức tường trong đó.
Chưa dán xong ba tấm, đã nghe giọng mũi của ai "Hừm" mình đằng sau. Quay người lại đã thấy ông bố và cậu trưởng nam.
- Thằng này giỏi!
Cha con chúng đưa mắt nhìn nhau, môi chỉ thoáng nụ cười nhạt, không thèm tháo gỡ mấy tấm truyền đơn đã dán xong mà còn làm như muốn để cho tôi cứ việc tiếp tục dán. Tôi không biết xử trí như thế nào, dán xong độ mươi tấm thì chợt ngừng tay lại.
- Tưởng biết thân biết phận, té ra lại có âm mưu. Bản chất phát xít của tên này đáng sợ thật!
Anh con trai nói với cha như thế và ông bố cũng gật gù biểu đồng tình. Ông ta nắm lấy tay tôi lôi đi:
- Này, mời anh này tới đây!
- Con gỡ hết xuống nghe ba?
- Không, cứ để nguyên đó mà đi kiện chứ! Như thế nó mới biết tay bọn mình!
Tôi bị họ lôi kéo mạnh bạo trên cả mức cần thiết về đến tận nhà. Ông bố hằn học chìa mấy tấm truyền đơn bươm bướm còn sót lại cho cả bọn xem, thuật lại mọi chuyện với giọng bực bội. Anh con thứ hai lúc đó đang sửa soạn đi đâu cũng dừng tay chăm chút sắc đẹp, ưỡn ngực lên gân trừng mắt dọa tôi nhưng rồi không hiểu nghĩ gì lại thay đổi điệu bộ, miệng cười có vẻ đắc chí. Kikuko làm như đau xót, nhìn thẳng vào tôi với dáng buồn bã và trong ánh mắt của cô, tôi thấy có gì như trách móc. Còn tất cả những người khác thì dĩ nhiên chẳng có một chút quan tâm.
Ông bố lúc ấy mới từ tốn bảo tôi:
- Anh K này! Đương nhiên là anh phải chịu mọi trách nhiệm về mấy tấm truyền đơn. Điều thứ nhất: Trong khu chung cư này có qui định là ai muốn dán gì lên tường đều phải đóng món tiền một trăm yên cho mỗi tấm. Đó là chi phí sử dụng tường và bồi thường thiệt hại vì đã làm bẩn tường. Anh đã dán mười tấm, vị chi phí tổn là một nghìn yên. Dĩ nhiên bọn tôi không có trách nhiệm gì trong vụ này cả. Ngoài ra, khi dán truyền đơn, anh đã được sự đồng ý của người quản lý chung cư chưa? Chắc chắn là chưa chứ gì? Phạm luật như thế, anh phải nộp phạt năm trăm yên nữa. Không nói anh cũng rõ là chúng tôi ủng hộ lập trường của người quản lý. Cũng vì lý do đó, người quản lý ngược lại đã hoàn toàn ủng hộ lập trường của chúng tôi. Nhân vì số người cư trú trong chung cư chưa thanh toán tiền nhà có đến hơn phân nửa, anh đừng hòng bọn họ dám theo anh để chống lại cánh quản lý! Lũ còn lại toàn là dân có vợ, hai thằng con nhà tôi đã lập được những mối liên hệ tốt với các bà trên mức độ tình bạn cả rồi. Thế thì anh còn ...
- Đồ dê, đồ mắc dịch!
Đột nhiên bà vợ vừa khóc tấm tức, vừa nói liên tu như để cắt lời ông bố. Bà cụ đưa tay vuốt lưng bà ta, ra chiều an ủi. Bên cạnh mẹ, Kikuko mặt tái mét, cúi gầm mặt. Còn tôi, chỉ biết lẳng lặng bước ra ngoài, đi tìm mấy tấm truyền đơn mình đã cất công dán lên để gỡ hết xuống.
|
Rồi mỗi đêm, gặp hôm trời nổi gió, từ kẻ hở trên nóc nhà của anh K trong khu chung cư, lúc nào cũng có những tấm truyền đơn bươm bướm bay ra. Vài mươi bức, vài trăm bức, rồi con số lên đến vài nghìn bức. Chúng nương theo làn gió, bay tán loạn khắp thành phố. Không ai biết những tấm truyền đơn ấy từ đâu bay đến. Thế nhưng hàng chục, hàng trăm rồi hàng nghìn nạn nhân đã đọc những tấm truyền đơn ấy.Bọn người chiếm đóng một hôm đã làm việc lạ lùng: đâm đơn kiện những tấm truyền đơn ấy. Cái cớ của họ là những tấm truyền đơn ấy đều nhiễm vi trùng. Cục vệ sinh trong thành phố sau khi tiến hành kiểm tra, đã xác nhận quả là trong những tấm truyền đơn ấy có một loại vi trùng nguy hiểm thật. Cho dù ông luật sư có lương tâm của chúng ta đã lên tiếng rằng bất cứ đồ vật nào không được trang bị khử trùng cũng đều có khả năng bị nhiễm thứ vi trùng này thôi nhưng người ta đã làm ngơ trước lập luận của ông. Thế rồi đạo luật cấm lưu hành loại truyền đơn ấy đã được phê chuẩn. Nhưng dù sao, trước khi đạo luật được chính thức bố cáo thì từ cái mái căn hộ trong khu chung cư, không ai còn thấy những tấm truyền đơn đó bay ra nữa. Kiệt quệ vì bị hiếp đáp và đói khát, rốt cuộc anh K đã "yên nghỉ" . Cổ treo lên cái rường quá thấp, chân anh phải gập lên ngang tầm đầu gối.
ABE KOBO
Nguyên tác đăng trên tạp chí Shinchô, số tháng 11 năm Shôwa 26 (1951)
Dịch xong tại Tôkyô ngày 5 tháng 3 năm 2008.
Nguyễn Nam Trân
[ Trở Về ]