Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Niềm tin
(Bisei no shin)Akutagawa Ryunosuke
Nguyễn Nam Trân dịch
Lời người dịch:
Năm 1919, khi viết Bisei no Shin (Chữ tín của Vĩ sinh) mà ở đây chúng tôi dịch là Niềm Tin, lần đầu tiên, người ta chợt nhận ra Akutagawa không giật giây nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử của mình như vẫn thường làm mà để cho chính nhân vật giật giây ông.
Nhân vật Vĩ sinh đã thấy trong tác phẩm của Trang Tử cũng như trong Sử Ký Tư Mã Thiên.Vĩ sinh không ai khác hơn là anh chàng hẹn gái dưới chân cầu, gái không tới, thủy triều lên, anh ta vì giữ chữ tín không bỏ đi nên chết đuối. Ông Tư Mã theo thầy Khổng nên khen "Phải giữ cho được chữ tín như thế!", ông Trang mắng "Chết vì chữ tín kiểu đó là ngu!".
Chữ tín là qui phạm đạo đức do xã hội đặt để nhưng niềm tin là tình cảm tự phát của cá nhân. Hơn hai nghìn năm sau, Akutagawa mở lại "hồ sơ" của Vĩ sinh và trình bày cách nhìn mới của ông về anh chàng "ngu ngốc và dại gái" nầy, nhưng không đưa ra chút phán đoán có tính đạo đức nào.Hãy xem "thuật luyện kim" của Akutagawa trong hai trang giấy ngắn ngủi sau đây.
Xuất xứ của nguyên tác là tập 29 nói về Akutagawa trong Văn Học Nhật Bản Toàn Tập (A Treasury of Japanese Literature) của nhà Chuô-Koron (ấn bản 1964). Ngoài ra, người dịch cũng học tập phong cách dịch của bà Edwige de Chavanes qua bản Pháp văn La Foi de Wei Cheng, in trong Les Noix, La Mouche, Le Citron, tập truyện dịch các tác giả Nhật Bản đời Taishô (1912-26) do nhà Le Calligraphe (Paris) xuất bản năm 1986.
*
Đã một đỗi lâu, Vĩ sinh đứng lặng dưới chân cầu, đợi người con gái đến.
Ngẩng lên nhìn hàng lan can cao của chiếc cầu đá có những sợi giây leo buông chùng, chàng thấy giữa khe hở chốc chốc có bóng người qua lại, tay áo trắng của họ lay động theo làn gió dưới ánh nắng lấp loá của buổi chiều tà. Thế nhưng người con gái vẫn chưa thấy tới.
Vĩ sinh vừa huýt sáo nhè nhẹ, thong dong đưa mắt nhìn quanh bãi sông dưới chân cầu.
Bãi bùn vàng nhạt dưới gầm cầu chỉ rộng có mươi thước dư là đã tiếp giáp với mặt nước. Có lẽ vùng lau sậy trên bờ nước là nơi cư ngụ của lũ cua lớn hay sao mà có vài cái lỗ tròn thật to. Mỗi lần sóng vỗ vào chỗ đó là nghe thoảng như có tiếng óc ách. Thế nhưng người con gái vẫn chưa thấy tới.
Vĩ sinh bắt đầu cảm thấy sốt ruột, mới tản bộ xuống phía bờ nước và đưa mắt ngắm suốt dải sông chiều không có lấy một bóng thuyền.
Lau sậy trên dòng mọc xen khít. Chẳng những thế, đôi chỗ trong rặng lau lại có vài chòm liễu nước với tán lá hình tròn xanh tốt. Vì một phần dòng sông luồn vào cả đám cây cối nên mặt sông tưởng như hẹp lại chỉ còn là dải nước trong leo lẻo in mỗi một áng mây trời như vân mi ca, lượn lờ len giữa ngàn lau.Thế nhưng, người con gái vẫn chưa thấy tới.
Vĩ sinh không men theo bờ nước nữa. Lần nầy. dưới vạt nắng chiều, chàng dạo đôi chỗ trên cái bãi bùn không mấy rộng, lắng tai nghe động tĩnh chung quanh.
Trên cầu, chẳng biết tự lúc nào, đã ngớt người qua lại. Không còn nghe tiếng chân đi, tiếng vó ngựa hay tiếng bánh xe nữa. Có chăng là tiếng gió, tiếng lau lách, tiếng nước chảy, thế rồi không biết từ đâu vọng ra vài tiếng cò xám gáy the thé. Vĩ sinh vừa dừng chân chưa kịp nghĩ ngợi thì đã thấy thủy triều dâng lên không biết tự lúc nào. Màu nước liếm lên bãi bùn vàng đã ánh lên gần hơn khi nãy. Thế nhưng người con gái vẫn chưa thấy tới.
Vĩ sinh chau mày lấy làm lạ. Dưới chân cầu tối mờ mờ, chàng bắt đầu nhanh chân bước lên bãi. Trong lúc đó thì thủy triều bò dần từng phân một, tấc một. Cùng một lúc, mùi rong và mùi nước dậy lên, gây lạnh trên da thịt.Nhìn phía trên thì nắng chiều đã tắt lịm, chỉ còn bóng hàng lan can của chiếc cầu đá cắt thành những vệt đen kịt trên nền trời hoàng hôn xanh mờ. Thế nhưng, người con gái vẫn chưa thấy tới.
Vĩ sinh đứng thừ người một chỗ.
Nước sông đã bắt dầu thấm gót giày.
Nước lóng lánh một thứ ánh sáng lạnh lẽo thư ánh thép, bắt đầu tràn lan dưới chân cầu.Thế rồi, chắc chắn chỉ trong khoảnh khắc thôi, mực nước của ngọn triều đầy sẽ ngập hết đầu gối, đến bụng rồi cả ngực. Mới nghĩ vậy mà mực nước đã dâng thêm lên làm hai ống chân chàng cũng bị nước bủa vây. Thế nhưng, người con gái vẫn chưa thấy tới.
Vĩ sinh cứ đứng dưới nước, chỉ còn nương vào một tia hy vọng mong manh, bao nhiêu lần ngước nhìn lên không trung phía chiếc cầu.
Phía trên làn nước đang bao phủ thân chàng, là màu chiều từ lâu đã trải rộng ngang vòm trời. Từ những hàng liễu, hàng lau xa gần, chỉ nghe vọng lại tiếng lá xào xạc xuyên qua làn sương đục. Một con cá, có lẽ cá vượt, vụt phóng người khoe cái bụng trắng ngay trước mũi Vĩ sinh. Trong khoảng không trung mà con cá vừa nhảy lên, lúc đó đã thấy tản mác dăm vì sao lấp lánh. Hình ảnh của mấy sợi giây leo buông trên thành cầu đá rồi cũng chìm lẫn vào bóng tối. Thế nhưng, người con gái vẫn chưa thấy tới.
Đến nửa đêm, khi ánh trăng đã ngập tràn một bờ đầy lau liễu suốt cả dải sông, làn nước và làn gió nhẹ cùng thì thào với nhau, dịu dàng dìu thi thể của Vĩ sinh từ dưới chân cầu đi về phía biển. Không chừng vì hồn của Vĩ Sinh ao ước nhìn lại ánh sáng của vầng trăng đang treo giữa không gian tịch mịch nên nó đã thoát ra khỏi thể xác để bay lên bầu trời mờ ảo. Như thể, cả mùi nước và mùi rong cũng lặng lẽ rời khỏi mặt sông một lượt cùng về với vầng sáng trên cao.
Rồi cách đó một vài nghìn năm, hồn của Vĩ sinh sau khi lưu lạc qua không biết bao nhiêu đời kiếp, lại phải chịu số phận làm người thêm lần nữa. Linh hồn đó đã đến ngụ trong thân xác của tôi. Cho nên tuy tôi sống giữa thời hiện đại nầy mà chưa làm được dẫu một việc gì có ý nghĩa. Hết sáng lại chiều, tôi như anh chàng đắm chìm trong mơ mộng mông lung, chỉ sống để trông mong một điều kỳ diệu chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi là Vĩ sinh, dưới chân cầu trong ánh sáng nhạt buổi hoàng hôn, mãi mãi đợi chờ bóng một người yêu vĩnh viễn không bao giờ tới.
(Năm Taishô thứ 8 (1919), tháng 12)
[ Trở Về ]