Bài số 30

Thơ Mibu no Tadamine 壬生忠嶺

 

a) Nguyên văn:

有明の

つれなく見えし

別れより

あかつきばかり

憂きものはなし

b) Phiên âm:

Ariake no

Tsurenaku mieshi

Wakare yori

Akatsuki bakari

Ukimono wa nashi

c) Diễn ý:

Ngán ngẫm nhìn con trăng tàn vẫn lững lờ trên không

Nào biết cho là trời đã hừng đông.

Lòng của chàng cũng lạnh lùng từ cuộc chia tay buổi sáng ấy

Từ đó em không buồn gì hơn khi thấy cảnh bình minh đến.

d) Dịch thơ:

Trăng tàn treo lạnh lùng,
Nào biết đã hừng đông.
Từ sáng chia tay ấy,
Em hận nỗi phòng không.

(ngũ ngôn) 

Trăng tàn, bạc bẽo là ai?
Từ chia tay, thiếp u hoài sớm mai.

(lục bát)

 

 e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:

Xuất xứ: Kokin-shuu (Cỏ Kim Tập), thơ luyến ái phần 3, bài 625.

Tác giả: Mibu no Tadamine (Nhiệm Sinh Trung Lĩnh) là người sống giữa thế kỷ thứ 9 đến đầu thế kỷ thứ 10. Ông là một trong những nhà thơ đã soạn ra Kokin-shuu. Thân phụ của Mibu no Tadami (Nhiệm Sinh, Trung Kiến, tác giả bài 41). Cũng như Ôshikôchi no Mitsune (tác giả bài 29), tuy tài thơ cao được xếp vào hàng Tam Thập Lục Ca Tiên, ông chỉ là một chức quan nhỏ, leo mãi mới tới được hàng lục phẩm.

Từ thời Teika, có nhiều thuyết về bài thơ này nhưng lối giải thích “người đàn bà oán hận đàn ông bạc tình” là được nhiều người chấp nhận nhất.

Con trăng hạ huyền sau ngày 16 leo lên bầu trời lúc trời đã rạng sáng thường chứng kiến những cuộc chia tay khi người đàn ông đến nhà người yêu ra về. Người Nhật xưa gọi nó là Ariake no wakare tức là Cuộc chia tay hừng đông lúc trăng tàn. Thường chỉ giây phút ngắn ngủi cô đọng tình cảm luyến tiếc nhau của đôi trai gái. Đây là một trong những bài thơ vịnh tình cảm còn lưu lại sau giây phút đó.

 

Mibu no Tadamine

 

f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:

Đề tài: Nhìn con trăng tàn chạnh nghĩ đến mối tình đã phôi pha nhạt nhẽo.

Trên bầu trời về sáng, vầng trăng tàn vẫn hững hờ chiếu giống như thái độ lãnh đạm của người yêu từ buổi chia tay. Nỗi cay đắng không phải nhất thời này hãy còn kéo dài cho đến bây giờ, khiến người đàn bà sống trong chuỗi ngày sầu khổ. Qua mối tình không trọn vẹn đó, nàng ưu tư cho số phận của mình.

Tsurenai có nghĩa là lãnh đạm, vô tình. Cả vầng trăng và người yêu đều có chung một thái độ. Bakari...nashi nên hiểu với nghĩa “không gì ...hơn” “hết sức là...”. Đặc điểm của bài thơ này là mạch thơ đi liên tục, không có ngắt câu (kugire) mà chỉ dùng một chuổi trợ từ (no, yori, bakari, wa) để móc nối.

Tương truyền khi Thái Thượng Hoàng Go-Toba hỏi riêng hai nhà thơ Teika (Sadaie) và Ietaka (một trong những người soạn Shin-Kokin-shuu) rằng trong Bát Đại Tập, đâu là bài thơ hay nhất thì không hẹn mà gặp, hai ông đều bảo là bài thơ này.

 

g)      Dư Hứng:

Hán dịch:

Tàn Nguyệt.
残 月

 

Ngưỡng vọng tàn nguyệt quải cao không,
仰 望 残 月 挂 高 空

Nhất tự y nhân lãnh nhược băng.
一 似 伊 人 冷 若 氷

Tự tùng biệt lai cô độc thậm,
自 従 別 来 孤 独 甚

Tối thị hiểu khởi bội thương tình.
最 是 暁 起 倍 傷 情

Anh dịch:

The Ariake-moonbeams will

In th’morning heaven linger still;

While I from thee – how hard the smart –

By Akatsuki compelled, must part.

 

(Dickins)

 

Like the morning moon,

Cold, unpitying was my love.

Since that parting hour,

Nothing I dislike so much

As the breaking light of day

 

(Mac Cauley)

 

Về Mibu no Tadamine, có một giai thoại nói đến sự nhanh trí của ông.

Quyển Truyện vùng Đại Hòa (Yamato Monogatari) ghi lại việc tướng Fujiwara no Sadakuni (Đằng Nguyên Định Quốc), người anh của Sadakata (Định Phương, tác giả bài 25) một đêm trời đã khuya , say rượu, đột ngột đến thăm nhà quan Tả Đại Thần Fujiwara no Tokihira (Đằng Nguyên, Thì Bình). Tokihira, người sau này sẽ lên nắm chính quyền, tức giận vì bị làng say khuấy phá đêm hôm, chưa biết phải đuổi khách thế nào. Tadamine tháp tùng Sadakuni, mới tiến ra trước và tạ lỗi bằng cách đọc bài thơ Kasasagi no (bài số 6) của quan Trung Nạp Ngôn Ôtomo no Yakamochi:

Sương đêm đã trắng lối sang,
Đêm tàn ô thước lỡ làng cầu qua. 

Tokihira thấy Tadamine nhanh trí và dí dỏm, tha tội cho cả bọn và còn bày tiệc khoản đãi đến sáng.

 

 





Bài số 30

Thơ Mibu no Tadamine 壬生忠嶺

 

a) Nguyên văn:

有明の

つれなく見えし

別れより

あかつきばかり

憂きものはなし

b) Phiên âm:

Ariake no

Tsurenaku mieshi

Wakare yori

Akatsuki bakari

Ukimono wa nashi

c) Diễn ý:

Ngán ngẫm nhìn con trăng tàn vẫn lững lờ trên không

Nào biết cho là trời đã hừng đông.

Lòng của chàng cũng lạnh lùng từ cuộc chia tay buổi sáng ấy

Từ đó em không buồn gì hơn khi thấy cảnh bình minh đến.

d) Dịch thơ:

Trăng tàn treo lạnh lùng,
Nào biết đã hừng đông.
Từ sáng chia tay ấy,
Em hận nỗi phòng không.

(ngũ ngôn) 

Trăng tàn, bạc bẽo là ai?
Từ chia tay, thiếp u hoài sớm mai.

(lục bát)

 

 e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:

Xuất xứ: Kokin-shuu (Cỏ Kim Tập), thơ luyến ái phần 3, bài 625.

Tác giả: Mibu no Tadamine (Nhiệm Sinh Trung Lĩnh) là người sống giữa thế kỷ thứ 9 đến đầu thế kỷ thứ 10. Ông là một trong những nhà thơ đã soạn ra Kokin-shuu. Thân phụ của Mibu no Tadami (Nhiệm Sinh, Trung Kiến, tác giả bài 41). Cũng như Ôshikôchi no Mitsune (tác giả bài 29), tuy tài thơ cao được xếp vào hàng Tam Thập Lục Ca Tiên, ông chỉ là một chức quan nhỏ, leo mãi mới tới được hàng lục phẩm.

Từ thời Teika, có nhiều thuyết về bài thơ này nhưng lối giải thích “người đàn bà oán hận đàn ông bạc tình” là được nhiều người chấp nhận nhất.

Con trăng hạ huyền sau ngày 16 leo lên bầu trời lúc trời đã rạng sáng thường chứng kiến những cuộc chia tay khi người đàn ông đến nhà người yêu ra về. Người Nhật xưa gọi nó là Ariake no wakare tức là Cuộc chia tay hừng đông lúc trăng tàn. Thường chỉ giây phút ngắn ngủi cô đọng tình cảm luyến tiếc nhau của đôi trai gái. Đây là một trong những bài thơ vịnh tình cảm còn lưu lại sau giây phút đó.

 

Mibu no Tadamine

 

f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:

Đề tài: Nhìn con trăng tàn chạnh nghĩ đến mối tình đã phôi pha nhạt nhẽo.

Trên bầu trời về sáng, vầng trăng tàn vẫn hững hờ chiếu giống như thái độ lãnh đạm của người yêu từ buổi chia tay. Nỗi cay đắng không phải nhất thời này hãy còn kéo dài cho đến bây giờ, khiến người đàn bà sống trong chuỗi ngày sầu khổ. Qua mối tình không trọn vẹn đó, nàng ưu tư cho số phận của mình.

Tsurenai có nghĩa là lãnh đạm, vô tình. Cả vầng trăng và người yêu đều có chung một thái độ. Bakari...nashi nên hiểu với nghĩa “không gì ...hơn” “hết sức là...”. Đặc điểm của bài thơ này là mạch thơ đi liên tục, không có ngắt câu (kugire) mà chỉ dùng một chuổi trợ từ (no, yori, bakari, wa) để móc nối.

Tương truyền khi Thái Thượng Hoàng Go-Toba hỏi riêng hai nhà thơ Teika (Sadaie) và Ietaka (một trong những người soạn Shin-Kokin-shuu) rằng trong Bát Đại Tập, đâu là bài thơ hay nhất thì không hẹn mà gặp, hai ông đều bảo là bài thơ này.

 

g)      Dư Hứng:

Hán dịch:

Tàn Nguyệt.
残 月

 

Ngưỡng vọng tàn nguyệt quải cao không,
仰 望 残 月 挂 高 空

Nhất tự y nhân lãnh nhược băng.
一 似 伊 人 冷 若 氷

Tự tùng biệt lai cô độc thậm,
自 従 別 来 孤 独 甚

Tối thị hiểu khởi bội thương tình.
最 是 暁 起 倍 傷 情

Anh dịch:

The Ariake-moonbeams will

In th’morning heaven linger still;

While I from thee – how hard the smart –

By Akatsuki compelled, must part.

 

(Dickins)

 

Like the morning moon,

Cold, unpitying was my love.

Since that parting hour,

Nothing I dislike so much

As the breaking light of day

 

(Mac Cauley)

 

Về Mibu no Tadamine, có một giai thoại nói đến sự nhanh trí của ông.

Quyển Truyện vùng Đại Hòa (Yamato Monogatari) ghi lại việc tướng Fujiwara no Sadakuni (Đằng Nguyên Định Quốc), người anh của Sadakata (Định Phương, tác giả bài 25) một đêm trời đã khuya , say rượu, đột ngột đến thăm nhà quan Tả Đại Thần Fujiwara no Tokihira (Đằng Nguyên, Thì Bình). Tokihira, người sau này sẽ lên nắm chính quyền, tức giận vì bị làng say khuấy phá đêm hôm, chưa biết phải đuổi khách thế nào. Tadamine tháp tùng Sadakuni, mới tiến ra trước và tạ lỗi bằng cách đọc bài thơ Kasasagi no (bài số 6) của quan Trung Nạp Ngôn Ôtomo no Yakamochi:

Sương đêm đã trắng lối sang,
Đêm tàn ô thước lỡ làng cầu qua. 

Tokihira thấy Tadamine nhanh trí và dí dỏm, tha tội cho cả bọn và còn bày tiệc khoản đãi đến sáng.