Bài số 19  

Thơ nữ thi nhân Ise 伊勢の御

 

a) Nguyên văn:

難波潟

みじかき芦の

ふしの間も

逢はでこの世を

過ぐしてよとや

b) Phiên âm:

Naniwagata

Mijikaki ashi no

Fushi no ma mo

Awade kono yo wo

Sugushite yo to ya

c) Diễn ý:

Cũng như những mắt trên đốt ngắn,

Của cây lau trên bãi cạn Naniwa.

Gần đến thế mà chẳng gặp.

Chàng muốn bắt đời chúng ta cứ như thế này sao?

d) Dịch thơ:

Như những đốt lau ngắn,
Trên bãi Naniwa.
Gần nhau mà chẳng gặp,
Trọn đời chịu cách xa?

(ngũ ngôn) 

Hai đốt lau ngắn mà lìa,
Hay người trên bãi đã chia ngấn lòng?

(lục bát)

 

e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:

Xuất xứ: Shin-Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập), thơ luyến ái, phần 1, bài 1094.

Ise no Go

Tác Giả: Bà Ise no Go vì là đàn bà nên sử sách không để lại tên, chỉ biết bà là con gái quan trấn thủ vùng Ise tức Fujiwara no Tsugukage (Đằng Nguyên Kế Ấm). Bà sinh và mất khoảng giữa năm 877? và 938?, từng phụng sự hoàng hậu Onshi (中宮温子Trung Cung Ôn Tử) của Thiên Hoàng Uda (Vũ Đa). Bà được so sánh ngang tầm cỡ với các nhà thơ lớn Ki no Tsurayuki và Ôshikôchi no Mitsune nên phải nói là danh vọng rất lớn đương thời, có để lại tập thơ riêng Ise-shuu (Y Thế tập). Được biết là người tính nết ôn hòa, khả ái.

f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:

Đề tài: Nỗi tuyệt vọng vì không được gặp người yêu dù trong thoáng chốc.

Cây lau mảnh mai mọc bên bờ nước là một quang cảnh quen thuộc trong đời sống người Nhật, từng là nguồn cảm hứng cho bao bài thơ. Bãi cạn Naniwa (nay là một phần của vịnh Ôsaka) có tiếng là một nơi nhiều lau nên đã đi vào văn học như một “gối thơ”. Từ ý niệm khoảng cách giữa hai mắt của một đốt lau ngắn chuyển qua ý niệm khoảng thời gian thoáng chốc, cụm từ 芦の節ashi no fushi (đốt lau) đã được dùng như 序詞jo-kotoba (chữ giáo đầu) để mô tả hiện thực tình yêu cay đắng của người đàn bà trong cuộc. Những chữ ashi (cây lau), fushi (đốt), yo (đốt), yo (cuộc đời) là những 縁語engo (chữ có liên hệ với nhau). Cụm từ 節の間fushi no ma (khoảng cách giữa hai đốt lau) là một 掛詞kakekotoba (chữ đa nghĩa) tạo nên một văn mạch kép vì còn có ý nói “thời gian ngắn ngủi”.

Chính ra, chữ yo cũng hàm ý “mối tình của đôi trai gái” nữa. Tuy nhiên ở đây nó ám chỉ cuộc đời vô nghĩa vì cô độc, thiếu tình yêu của tác giả ở vị trí người đàn bà trong cuộc. Câu cuối là một câu hỏi thống thiết đặt cho người đàn ông, hàm ý trách móc.

 

g)      Dư Hứng:

Hán dịch:

Nạn Ba Loan.
難 波 湾

 

Nạn Ba Loan lý lô vi tùng,
難 波 湾 里 芦 葦 叢

Đoản như vi tiết dã nan phùng.
短 如 葦 節 也 難 逢

Thử sinh dữ quân ngộ bất đắc,
此 生 与 君 遇 不 得

Niên hoa hư độ ngã thương tình.
年 華 虚 度 我 傷 情

Anh dịch:

Scint are the joints of Ashi reed

That grow Nanihagata nigh.

While time o’er e’en as brief space speed

Failst thou to greet my longing eyes.

I fain would die!

(Dickins)

Even for a space

Short as joint of tiny reed

From Naniwa's marsh,

We must never meet again

In this life? This, do you ask?

(Mac Cauley)

 

Nghe nói lúc hầu hạ Hoàng Hậu Onshi, bà Ise dan díu với người em hoàng hậu là Nakahira (Trọng Bình). Hết duyên với Nakahira thì đến lượt se duyên với em ông ta là Tokihira (Thời Bình), cả hai đều là những nhân vật quyền thế của dòng họ Fujiwara. Ngoài ra bà còn được chính Thiên Hoàng Uda sủng ái, sinh hạ cho ông một hoàng nam, sau đi lại với hoàng tử Atsuyoshi (Đôn Khánh), con trai ông ta, sinh được một người con gái tên là Nakatsukasa (Trung Vụ). Được các ông lớn chiếu cố như thế hẳn bà phải là người đa tình và tài mạo song toàn.

Học giả thời Edo, Kamo no Mabuchi, cho rằng “Ise no Go (Bà Ise) danh tiếng tuy cao nhưng tài kém Ono no Komachi”. Nhà phê bình Shirasu Masako không tán thành vì nghĩ rằng thơ Ise có một phong vị riêng, chính cái chỗ không trau chuốt như thơ Komachi là cái đẹp của thơ bà.

 

 





Bài số 19  

Thơ nữ thi nhân Ise 伊勢の御

 

a) Nguyên văn:

難波潟

みじかき芦の

ふしの間も

逢はでこの世を

過ぐしてよとや

b) Phiên âm:

Naniwagata

Mijikaki ashi no

Fushi no ma mo

Awade kono yo wo

Sugushite yo to ya

c) Diễn ý:

Cũng như những mắt trên đốt ngắn,

Của cây lau trên bãi cạn Naniwa.

Gần đến thế mà chẳng gặp.

Chàng muốn bắt đời chúng ta cứ như thế này sao?

d) Dịch thơ:

Như những đốt lau ngắn,
Trên bãi Naniwa.
Gần nhau mà chẳng gặp,
Trọn đời chịu cách xa?

(ngũ ngôn) 

Hai đốt lau ngắn mà lìa,
Hay người trên bãi đã chia ngấn lòng?

(lục bát)

 

e) Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:

Xuất xứ: Shin-Kokin-shuu (Tân Cổ kim tập), thơ luyến ái, phần 1, bài 1094.

Ise no Go

Tác Giả: Bà Ise no Go vì là đàn bà nên sử sách không để lại tên, chỉ biết bà là con gái quan trấn thủ vùng Ise tức Fujiwara no Tsugukage (Đằng Nguyên Kế Ấm). Bà sinh và mất khoảng giữa năm 877? và 938?, từng phụng sự hoàng hậu Onshi (中宮温子Trung Cung Ôn Tử) của Thiên Hoàng Uda (Vũ Đa). Bà được so sánh ngang tầm cỡ với các nhà thơ lớn Ki no Tsurayuki và Ôshikôchi no Mitsune nên phải nói là danh vọng rất lớn đương thời, có để lại tập thơ riêng Ise-shuu (Y Thế tập). Được biết là người tính nết ôn hòa, khả ái.

f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:

Đề tài: Nỗi tuyệt vọng vì không được gặp người yêu dù trong thoáng chốc.

Cây lau mảnh mai mọc bên bờ nước là một quang cảnh quen thuộc trong đời sống người Nhật, từng là nguồn cảm hứng cho bao bài thơ. Bãi cạn Naniwa (nay là một phần của vịnh Ôsaka) có tiếng là một nơi nhiều lau nên đã đi vào văn học như một “gối thơ”. Từ ý niệm khoảng cách giữa hai mắt của một đốt lau ngắn chuyển qua ý niệm khoảng thời gian thoáng chốc, cụm từ 芦の節ashi no fushi (đốt lau) đã được dùng như 序詞jo-kotoba (chữ giáo đầu) để mô tả hiện thực tình yêu cay đắng của người đàn bà trong cuộc. Những chữ ashi (cây lau), fushi (đốt), yo (đốt), yo (cuộc đời) là những 縁語engo (chữ có liên hệ với nhau). Cụm từ 節の間fushi no ma (khoảng cách giữa hai đốt lau) là một 掛詞kakekotoba (chữ đa nghĩa) tạo nên một văn mạch kép vì còn có ý nói “thời gian ngắn ngủi”.

Chính ra, chữ yo cũng hàm ý “mối tình của đôi trai gái” nữa. Tuy nhiên ở đây nó ám chỉ cuộc đời vô nghĩa vì cô độc, thiếu tình yêu của tác giả ở vị trí người đàn bà trong cuộc. Câu cuối là một câu hỏi thống thiết đặt cho người đàn ông, hàm ý trách móc.

 

g)      Dư Hứng:

Hán dịch:

Nạn Ba Loan.
難 波 湾

 

Nạn Ba Loan lý lô vi tùng,
難 波 湾 里 芦 葦 叢

Đoản như vi tiết dã nan phùng.
短 如 葦 節 也 難 逢

Thử sinh dữ quân ngộ bất đắc,
此 生 与 君 遇 不 得

Niên hoa hư độ ngã thương tình.
年 華 虚 度 我 傷 情

Anh dịch:

Scint are the joints of Ashi reed

That grow Nanihagata nigh.

While time o’er e’en as brief space speed

Failst thou to greet my longing eyes.

I fain would die!

(Dickins)

Even for a space

Short as joint of tiny reed

From Naniwa's marsh,

We must never meet again

In this life? This, do you ask?

(Mac Cauley)

 

Nghe nói lúc hầu hạ Hoàng Hậu Onshi, bà Ise dan díu với người em hoàng hậu là Nakahira (Trọng Bình). Hết duyên với Nakahira thì đến lượt se duyên với em ông ta là Tokihira (Thời Bình), cả hai đều là những nhân vật quyền thế của dòng họ Fujiwara. Ngoài ra bà còn được chính Thiên Hoàng Uda sủng ái, sinh hạ cho ông một hoàng nam, sau đi lại với hoàng tử Atsuyoshi (Đôn Khánh), con trai ông ta, sinh được một người con gái tên là Nakatsukasa (Trung Vụ). Được các ông lớn chiếu cố như thế hẳn bà phải là người đa tình và tài mạo song toàn.

Học giả thời Edo, Kamo no Mabuchi, cho rằng “Ise no Go (Bà Ise) danh tiếng tuy cao nhưng tài kém Ono no Komachi”. Nhà phê bình Shirasu Masako không tán thành vì nghĩ rằng thơ Ise có một phong vị riêng, chính cái chỗ không trau chuốt như thơ Komachi là cái đẹp của thơ bà.