Bài số 10  

Thơ nhà thơ mù Semimaru 蝉丸

 

a) Nguyên văn:

これやこの

行くも帰るも

別れては

知るも知らぬも

逢坂の関

b) Phiên âm:

Kore ya kono

Yuku mo kaeru mo

Wakarete wa

Shiru mo shiranu mo

Ôsaka no seki

c) Diễn ý:

Nghe nói ở cửa ải mang tên Ôsaka ( Dốc Gặp Gỡ) này,

Kẻ đi lên kinh đô hay từ đó trở về,

Dù có quen biết hay không,

Gặp nhau rồi rốt cuộc đều phải chia tay.

 

d) Dịch thơ:

Nghe nói người qua lại,
Quen lạ dù là ai.
Qua khỏi Dốc Gặp Gỡ,
Đều cũng phải chia tay.

(ngũ ngôn) 

Trên ải kẻ lại người qua,
Dù quen dù lạ cũng là chia tay.

(lục bát)

 

e)      Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:

Xuất xứ: Gosen-shuu (Hậu tuyển tập), quyển 15, phần tạp thi, bài số 1089. 

    

Seminaru

Tác Giả: Seminaru ( một trong Lục Ca Tiên sống vào hậu bán thế kỷ thứ 9 bước sang thế kỷ thứ 10, năm sinh năm mất và hành tung không rõ). Theo các tiểu thuyết lịch sử Heike MonogatariGenpei Seisuiki , có thể ông là hoàng tử thứ tư con Thiên Hoàng Daigô hay xuất thân quí tộc, vì bất đắc chí nên sống đời phiêu bạt.

Ải Ôsaka là một điểm cao độ 150 m trên một ngọn núi (đúng ra là đồi) tên Ôsakayama (Phùng Phản Sơn逢坂山, còn viết là Hội Phản会坂), được dựng lên năm Taika thứ 2 (646) và phá bỏ năm Enryaku 14 (795), cùng với ải Fuwa ở Gifu và ải Suzuka ở Ise được xem như 3 cửa ải quan trọng (sankan三関).

f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:

Đề tài: Cửa ải mang tên Dốc Gặp Gỡ làm nghĩ đến cảnh người gần để mà ly biệt.

Cụm từ Kore ya kono có ý nói “Nghe đồn rằng” trong đó ya là một từ cảm thán. Cửa ải mang tên Ôsaka逢坂, viết theo lối cổ là Afusaka逢ふ坂, mà Afu (hay Au逢う) có nghĩa là gặp gỡ. Ải này là một nơi trên trục giao thông từ kinh đô về miền Đông. Nó nằm ở biên giới hai vùng Kyôto (xưa là Yamashiro) và Shiga (Ômi). Tuy đã sớm bị phế bỏ nhưng vẫn còn tồn tại như một điển cố trong thơ (gối thơ hay uta-makura). Cụm từ “Ôsaka no seki” 逢坂の関ở đây được xem như một chữ đa nghĩa (kake-kotoba) và được dùng trong nhiều bài thơ.

Bài thơ đặt ra 3 tương quan đối lập (thủ pháp đối cú : taiku): qua / lại, lạ / quen, gặp gỡ / chia tay, chừng đó đủ để làm một bức tranh thu ngắn về cuộc đời con người. Thi nhân trung cổ Nhật Bản hay sử dụng đề tài “hội giả định ly” (会者定離e-sha-jô-ri), “ly hợp tập tán” (離合集散ri-gô-shuu-san), nghĩa là gặp nhau sẽ phải chia ly, không khác gì lối nghĩ Việt Nam về lẽ vô thường của cuộc đời: “bèo hợp để tan, hoa nở để tàn, người gần để ly biệt” vậy.

g)      Dư Hứng:

Hán dịch:

Phùng Phản Quan
逢 坂 関

 

Khứ khứ lai lai khứ lai tần,
去 去 来 来 去 来 頻

Tương phùng tương biệt loạn phân phân.
相 逢 相 別 乱 紛 紛

Vấn hà tương thức bất tương thức,
問 何 相 識 不 相 識

Phùng Phản Quan đa lưu lạc nhân.
逢 坂 関 多 流 落 人

Anh dịch:

Some hence towards the city haste,

Some from the city here speed by,

Here friends and strangers meet and part,

With kindly glance and careless eye;

Apt is the name it seems to me,

Ausaka gate, men give to thee.

(Dickins)

Truly, this is where

Travelers who go or come

Over parting ways,--

Friends or strangers,--all must meet;

'Tis the gate of "Meeting Hill."

(Mac Cauley)

 

Sách Konjaku Monogatari (Truyện giờ đã xưa) có nói đến việc hoàng tử Minamoto no Hiromasa, một nhà quí tộc đa tài, đã đến ải Ôsaka tìm gặp để học khúc tì bà bí truyền Ryuusen Takuboku (流泉啄木Lưu Tuyền Trác Mộc) “Chim gõ kiến bên dòng suối chảy” của Semimaru. Có lẽ nhà thơ mù này vì cất am sống bên cửa ải đầy người qua kẻ lại, nên biết xót thương cho kiếp người cô đơn và trôi nổi. Theo Fukuda Kiyoto, Seminaru từng phục vụ hoàng thân Atsuzane, quan khanh ở bộ Lễ, cũng là một người thiện nghệ về âm luật quản huyền.

Nhà thơ cận đại Hagiwara Sakutarô cho rằng nên để ý về hiệu quả âm thanh của bài thơ. Sau khi đọc Kore ya kono, rồi bước qua Iku mo, Kaeru mo, Shiru mo, Shiranu mo...ta thấy hiện lên trước mắt đủ mọi hạng người, đủ mọi cảnh đời đã chung một định mệnh khi qua ải Ôsaka.

 

 





Bài số 10  

Thơ nhà thơ mù Semimaru 蝉丸

 

a) Nguyên văn:

これやこの

行くも帰るも

別れては

知るも知らぬも

逢坂の関

b) Phiên âm:

Kore ya kono

Yuku mo kaeru mo

Wakarete wa

Shiru mo shiranu mo

Ôsaka no seki

c) Diễn ý:

Nghe nói ở cửa ải mang tên Ôsaka ( Dốc Gặp Gỡ) này,

Kẻ đi lên kinh đô hay từ đó trở về,

Dù có quen biết hay không,

Gặp nhau rồi rốt cuộc đều phải chia tay.

 

d) Dịch thơ:

Nghe nói người qua lại,
Quen lạ dù là ai.
Qua khỏi Dốc Gặp Gỡ,
Đều cũng phải chia tay.

(ngũ ngôn) 

Trên ải kẻ lại người qua,
Dù quen dù lạ cũng là chia tay.

(lục bát)

 

e)      Tác giả và hoàn cảnh sáng tác:

Xuất xứ: Gosen-shuu (Hậu tuyển tập), quyển 15, phần tạp thi, bài số 1089. 

    

Seminaru

Tác Giả: Seminaru ( một trong Lục Ca Tiên sống vào hậu bán thế kỷ thứ 9 bước sang thế kỷ thứ 10, năm sinh năm mất và hành tung không rõ). Theo các tiểu thuyết lịch sử Heike MonogatariGenpei Seisuiki , có thể ông là hoàng tử thứ tư con Thiên Hoàng Daigô hay xuất thân quí tộc, vì bất đắc chí nên sống đời phiêu bạt.

Ải Ôsaka là một điểm cao độ 150 m trên một ngọn núi (đúng ra là đồi) tên Ôsakayama (Phùng Phản Sơn逢坂山, còn viết là Hội Phản会坂), được dựng lên năm Taika thứ 2 (646) và phá bỏ năm Enryaku 14 (795), cùng với ải Fuwa ở Gifu và ải Suzuka ở Ise được xem như 3 cửa ải quan trọng (sankan三関).

f) Thưởng ngoạn và phẩm bình:

Đề tài: Cửa ải mang tên Dốc Gặp Gỡ làm nghĩ đến cảnh người gần để mà ly biệt.

Cụm từ Kore ya kono có ý nói “Nghe đồn rằng” trong đó ya là một từ cảm thán. Cửa ải mang tên Ôsaka逢坂, viết theo lối cổ là Afusaka逢ふ坂, mà Afu (hay Au逢う) có nghĩa là gặp gỡ. Ải này là một nơi trên trục giao thông từ kinh đô về miền Đông. Nó nằm ở biên giới hai vùng Kyôto (xưa là Yamashiro) và Shiga (Ômi). Tuy đã sớm bị phế bỏ nhưng vẫn còn tồn tại như một điển cố trong thơ (gối thơ hay uta-makura). Cụm từ “Ôsaka no seki” 逢坂の関ở đây được xem như một chữ đa nghĩa (kake-kotoba) và được dùng trong nhiều bài thơ.

Bài thơ đặt ra 3 tương quan đối lập (thủ pháp đối cú : taiku): qua / lại, lạ / quen, gặp gỡ / chia tay, chừng đó đủ để làm một bức tranh thu ngắn về cuộc đời con người. Thi nhân trung cổ Nhật Bản hay sử dụng đề tài “hội giả định ly” (会者定離e-sha-jô-ri), “ly hợp tập tán” (離合集散ri-gô-shuu-san), nghĩa là gặp nhau sẽ phải chia ly, không khác gì lối nghĩ Việt Nam về lẽ vô thường của cuộc đời: “bèo hợp để tan, hoa nở để tàn, người gần để ly biệt” vậy.

g)      Dư Hứng:

Hán dịch:

Phùng Phản Quan
逢 坂 関

 

Khứ khứ lai lai khứ lai tần,
去 去 来 来 去 来 頻

Tương phùng tương biệt loạn phân phân.
相 逢 相 別 乱 紛 紛

Vấn hà tương thức bất tương thức,
問 何 相 識 不 相 識

Phùng Phản Quan đa lưu lạc nhân.
逢 坂 関 多 流 落 人

Anh dịch:

Some hence towards the city haste,

Some from the city here speed by,

Here friends and strangers meet and part,

With kindly glance and careless eye;

Apt is the name it seems to me,

Ausaka gate, men give to thee.

(Dickins)

Truly, this is where

Travelers who go or come

Over parting ways,--

Friends or strangers,--all must meet;

'Tis the gate of "Meeting Hill."

(Mac Cauley)

 

Sách Konjaku Monogatari (Truyện giờ đã xưa) có nói đến việc hoàng tử Minamoto no Hiromasa, một nhà quí tộc đa tài, đã đến ải Ôsaka tìm gặp để học khúc tì bà bí truyền Ryuusen Takuboku (流泉啄木Lưu Tuyền Trác Mộc) “Chim gõ kiến bên dòng suối chảy” của Semimaru. Có lẽ nhà thơ mù này vì cất am sống bên cửa ải đầy người qua kẻ lại, nên biết xót thương cho kiếp người cô đơn và trôi nổi. Theo Fukuda Kiyoto, Seminaru từng phục vụ hoàng thân Atsuzane, quan khanh ở bộ Lễ, cũng là một người thiện nghệ về âm luật quản huyền.

Nhà thơ cận đại Hagiwara Sakutarô cho rằng nên để ý về hiệu quả âm thanh của bài thơ. Sau khi đọc Kore ya kono, rồi bước qua Iku mo, Kaeru mo, Shiru mo, Shiranu mo...ta thấy hiện lên trước mắt đủ mọi hạng người, đủ mọi cảnh đời đã chung một định mệnh khi qua ải Ôsaka.