Chim Việt Cành Nam            [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ]

Những Thân Cây ("Die Bäume")
Câu chuyện cực ngắn của Franz Kafka

Sóng Việt


 
Chuyện Die Bäume là một trong 18 truyện ngắn của tập Trầm Tư Mặc Tưởng (Contemplation / Meditation / Betrachtung) phát hành năm 1913 do Franz Kafka viết trong khoảng thời gian1904-1912. Bản Đức ngữ chép lại từ trang nhà Kafka Project (*), bản Anh và Việt ngữ do người viết dịch.
Die Bäume

Denn wir sind wie Baumstämme im Schnee. Scheinbar liegen sie glatt auf, und mit kleinem Anstoß sollte man sie wegschieben können. Nein, das kann man nicht, denn sie sind fest mit dem Boden verbunden. Aber sieh, sogar das ist nur scheinbar.

The trees

For we are like tree logs in the snow. In appearance they lie smoothly and a little push should be enough to shift them away. No, this can't be done, for they are firmly connected to the ground. But look ahead, even that it is merely a matter of appearance.

Những Thân Cây

Dường như thể chúng ta là những khúc thân cây trong tuyết. Bề ngoài, chúng  nằm trơn láng và một cái đẩy nhẹ cũng đủ  để làm chúng di chuyển. Không, không thể làm thế đuợc, vì chúng đã kết hợp chặt chẽ vào đất. Nhưng, trông đây, ngay cả như thế cũng chỉ là sự kiện bề ngoài.

Chúng ta như những thân cây
Trong tuyết nằm trơ trơn láng 
Dường như một cái đẩy nhẹ 
Cũng đủ làm chúng chuyển di
Không, không thể nào làm thế
Vì chúng đã kết hợp chặt
Với đất đã tự lâu rồi.
Nhưng này, hãy cứ nhìn đi
Có chăng cũng chỉ bề ngoài.

Trong bản chuyện cực ngắn gồm chỉ bốn câu, Kafka đã so sánh người với những khúc thân cây. Nhìn bề ngoài thì dường như một cái đẩy nhẹ chúng cũng có  thể di chuyển được, nhưng không làm thế đuợc vì chúng đã gắn chặt vào lòng đất rồi. Nhưng nhìn như thế cũng chỉ là bề ngoài mà thôi.

Trong câu đầu tiên, tác giả đã dùng đại danh từ, số nhiều, ngôi thứ nhất (chúng ta) để so sánh  với thân cây. Nhưng sang câu thứ hai thì sự chuyển tiếp từ chúng ta đã bắt sang nói về thân cây, và khi nói về thân cây thì tác giả đã chuyển từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba: thay vì nói chúng ta (ngôi thứ nhất) đẩy thân cây, thì tác giả viết thân cây có thể di chuyển khi bị đẩy nhẹ. Sự chuyển đổi ngôi thứ cho thấy tác giả muốn nói về thân cây mà không phải về chúng ta (nhưng ẩn dụ vẫn chính là chúng ta). Sau khi đã chuyển sự chú ý sang những thân cây, sự phát triển ý nghĩ về những thân cây đi vào lý luận: không, không làm thế được, vì cây đã gắn chặt đã gắn bó lâu đời với lòng đất, làm sao mà di chuyển chúng được. Thân cây cũng như con người đã gắn bó với một mảnh đất, với quê cha đất tổ từ đời nọ sang đời kia, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, lòng tin, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ đã  thấm nhập sâu xa thì làm sao mà di chuyển chúng đi được. Nhưng (lại nhưng nữa) câu chót tác giả cho một kết luận đặt nhân loại vào một vị trí không có gì chắc chắn cả, mà chỉ là hiện tưởng (bề ngoài) thôi. Trên thực tế, hiện tưởng cho rằng con người không thay đổi được, nhưng với những dồn đẩy, áp bức cùng với một số điều kiện nào đó, con người có thể thay đổi rất nhiều.

Đọc chuyện của Franz Kafka là đương đầu với thử thách. Tìm mở được một cánh cửa sẽ dẫn đến những cánh cửa tiếp của một mê lộ chằng chịt.

Có thể nói Kafka là một nhà văn hoang tưởng. Những chuyện kể của ông mang những tư tưởng kỳ lạ, phi lý. Và Kafka không hề giải thích những phi lý mang lên, ông để cho người đọc lay hoay tìm hiểu, xoay trở giải thích, biện luận nhiều hướng.

Trong câu chuyện cực ngắn trên đây của Kafka, người đọc có cảm tưởng là Kafka đã nói đến chính cá nhân ông, so sánh con người với thân cây, nói về sự di chuyển có thể xẩy ra với thân cây, tự cho  không thể xẩy ra như thế, rồi lại cho rằng không thể nói chuyện thay đổi không xẩy ra được, vì đó chỉ hiện tưởng (appearance).

Kafka từ lúc còn rất trẻ đã sống và lớn lên trong một một môi trường phức tạp, cùng hoàn cảnh nhiều ngang trái. Là người Tiệp, gốc Do Thái, theo học và thấm nhuần văn hoá Đức, Kafka dường như cảm thấy bị bóp nghẹt không lối thoát và không thể theo một lối đi nhất định. Sự ngang trái mâu thuẫn trong gia đình, sự kiềm chế trong liên hệ tình cảm, sự bó tay trong môi trường làm việc đã tạo ông thành một con người với lối suy nghĩ khác thường, viết nên những tư tưởng khác lạ, với bản năng vượt ngoài quy ước của xã hội đương thời.

Thế giới của Kafka trong câu chuyện ngắn Những Thân Cây là câu chuyện hiện tưởng trong một mảnh đất cô lập với những tạo dựng dăng mắc, với diễn tiến phát triển bản thể và thân phận con người trong thế giới hiện hữu.

Chủ nghĩa Hiện sinh đã được bàng bạc trong nhiều tác phẩm của Kafka, nhưng đề tài thuyết Hiện sinh không được bàn đến trong bài viết ngắn này.

Sóng Việt
12 August 2011
(*) http://www.kafka.org/index.php?betrachtung