Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [ Tác giả ]

 
Kurt Vonnegut

Tiểu Thuyết Gia Hiện Đại Mỹ

*

Phạm Vũ Thịnh

Kurt Vonnegut là một nhà văn Mỹ hiện đại, được biết đến nhiều nhất về khuynh hướng hoà bình và nhân bản trong văn phong khôi-hài-đen và hậu-hiện-đại. Tác phẩm của ông được ghi vào giáo trình trung và đại học Mỹ, ảnh hưởng đến nhiều nhà văn thời danh trên thế giới.

Kurt Vonnegut sinh năm 1922 đúng vào ngày 11/11 kỷ niệm chấm dứt Đệ nhất Thế chiến, ở Indianapolis, Tiểu bang Indiana, trong một gia đình giàu có, nhưng trở nên nghèo túng vì cơn Đại Khủng hoảng Kinh tế 1929. Từ thời trung học, ông đã sớm tham gia vào sinh hoạt báo chí, và ở đại học Cornell, tỏ ra có khả năng về văn chương hơn hoá học - sinh vật học là ngành ông chọn.

Ông đăng lính năm 1943, năm sau, tham gia trận đánh lịch sử Battle of the Bulge và bị bắt làm tù binh ở Dresden. Tháng 2, 1945, lực lượng Đồng Minh oanh tạc Dresden, giết 135 ngàn người dân thường. Ông và bạn tù thoát chết nhờ nấp trong hầm một trại tù có tên là Lò Sát Sinh.

Về Mỹ, ông vừa theo học đại học Chicago, vừa làm phóng viên hình sự cho nhà báo. Truyện ngắn đầu tay của ông ra mắt người đọc năm 1950 khi ông ở New York. Tiểu thuyết đầu tiên, "Piano Tự Động - Player Piano", xuất bản năm 1952; ông viết truyện ngắn đăng ở nhiều tờ báo, vừa dạy tiếng Anh cho trẻ tâm tính bất thường.

Sự nghiệp văn chương của ông tăng tiến mạnh trong thập niên 60, cuốn tiểu thuyết thứ 6 và nổi tiếng nhất của ông, "Lò Sát Sinh Số 5 - Slaughterhouse-Five" xuất bản năm 1968.

Những năm đầu thập niên 70, ông được mời đón như tiếng nói của thế hệ sinh viên, bận rộn công việc dạy viết văn ở đại học Harvard, soạn kịch trình diễn ở Broadway, và viết tiểu thuyết.

Thập niên 90, ông còn được biết đến như một hoạ sĩ thành công với các tác phẩm hội hoạ hiện đại.

Năm 1999, Hội Lịch Sử Indiana vinh danh ông là Huyền Thoại Sống của Tiểu bang Indiana - Indiana Living Legend.

Ông thụ phong danh hiệu "Tác Giả Của Tiểu Bang - State Author" 2001-2003 của New York.

Các tác phẩm tiêu biểu của Kurt Vonnegut là :

- "Slaughterhouse-Five" (Lò Sát Sinh Số 5 - 1968), quay thành phim năm 1972, đạo diễn George Roy Hill, tài tử Michael Sacks, Ron Leimann và Valerie Perrine.

- "Cat's Cradle" (Nôi cho Mèo - 1963)

- "Breakfast of Champions" (Bữa sáng của các Nhà Vô địch - 1973), cơ sở cho một phim có các tài tử Bruce Willis, Albert Finney, Nick Nolte.

- "Jailbird" (Người tù - 1979)

- "Deadeye Dick" (Dick mù - 1982)

- "Galapagos" (Đảo Galapagos - 1985)

- "Bluebeard" (Râu xanh - 1987)

- "Hocus Pocus" (Trò bịp - 1989)

- "Timequake" (Khe hở Thời gian - 1997)

......

Tác phẩm của ông châm biếm những tệ đoan của con người và xã hội hiện đại. Ông châm chích vào những hành vi phi-nhân-hoá trong xã hội kỹ-thuật-cao: con người trở thành cái máy làm tình thay vì thể nghiệm tình yêu, ưa chuộng sách khiêu dâm thay vì văn chương; thói kỳ thị màu da: xếp dân da đen vào loại người hạng thấp; thói kỳ thị phái tính: khinh miệt vai trò và công việc của phái nữ; thói cường điệu đến cực đoan những chiêu bài nhân bản: bình đẳng, dân sinh; thói sa đoạ vì quyền lợi mà tàn phá môi sinh.

Qua kinh nghiệm quân nhân đã trực diện với cái chết, ông cổ xướng khuynh hướng hoà bình. Ông chống những chiến-tranh-chỉ-vì quyền-lợi của một quốc gia hay tập đoàn chính trị kinh tế nào. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, "Lò Sát Sinh Số 5 - Slaughterhouse-Five" dựa trên kinh-nghiệm-bản-thân suýt chết vì Đồng Minh oanh tạc, là lời kêu gọi khẩn thiết suy nghĩ về việc lạm dụng chiến tranh của các nhà cầm quyền, và sự tàn sát, hủy diệt không phân biệt của chiến tranh hiện đại. Để có thể đảo ngược thời chiến trở lại thời bình, như nhân vật chính trong truyện đã xem phim chiếu ngược: máy bay Mỹ bị bắn rớt đã lành lặn lại, bay lui đuôi trước đầu sau về Mỹ, và được tháo ra thành các vật liệu rời; còn Hitler trẻ lại thành con nít, rồi em bé sơ sinh xong biến mất từ phôi thai.

Ông tự nhận là humanist - người theo chủ nghĩa nhân bản, "một phần có nghĩa là, tôi đã cố gắng ứng xử tử tế xứng đáng không vì kỳ-vọng nào về phần thưởng hay trừng phạt ở đời sau"[1], và là freethinker - người suy nghĩ tự do, không bị ràng buộc vì tín niệm tôn giáo hay gì khác, nhưng vẫn trân trọng những điều rao giảng tốt lành của các tôn giáo. Ông cho rằng người Mỹ càng ngày càng sống cô lập, mất đi hỗ trợ của gia tộc rộng lớn vẫn còn có trong nếp sống của các dân tộc ngoài Âu-Mỹ. Những tranh chấp về quyền lợi, tiền bạc, tình dục, con cái, ... giữa vợ chồng Mỹ sẽ không đến nỗi gay gắt hay nan giải, nếu có được hỗ trợ từ gia tộc mở rộng của cả hai bên.

Ông vận dụng các thủ pháp hậu-hiện-đại và khoa-học giả-tưởng. Thời gian trong tác phẩm của ông phi-tuyến-tính, thậm chí "chaotic - rối tung", và có cả những khe hở, người nào lọt xuống sẽ rơi ngược về quá khứ rồi sống trở lại những năm tháng cũ, như một diễn viên sân khấu, biết trước kết cuộc nhưng vẫn phải giả bộ không biết, để đóng cho trọn vai trò của mình trên đời. Nhiều tác phẩm được thiết định trong những khung cảnh và điều kiện cực đoan tưởng chừng như khoa học giả tưởng, nhưng thực ra phần nào cũng đã hoặc đang được thi hành đâu đó trên thế giới hiện tại. Chẳng hạn : chính sách triệt sản để giữ mức thiết định dân số, chính sách giao việc quản lý tù nhân cho công ty tư nhân ngoại quốc,... Có tác phẩm được viết với giọng giải thích cho trẻ nhỏ bằng những câu văn ngắn gọn dễ hiểu, có thêm những hình vẽ nhỏ để minh hoạ cụ thể. Nhưng cũng trong tác phẩm ấy, ông dùng cả những chữ thường bị cho là thô tục, diễn tả cả những hình tượng không thanh tao chút nào. Ông ưa dùng giọng văn châm biếm hài hước để diễn đạt những ý sâu sắc, nhận định về chiến tranh, xã hội, tình yêu và đời sống. Những lời văn bỡn cợt mạnh bạo của ông được người đọc cho là có "răng bén cắn mạnh vào lương tâm".

Chính ông, hay phân-thân của ông, xuất hiện trong nhiều tác phẩm trong nhân vật Kilgore Trout, một nhà văn không còn xuất bản sách, lang thang đây đó, gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các nhân vật chính, hay cả với tác giả, tương tự như đạo diễn Mỹ Alfred Hitchkock thường xuất hiện trong các vai phụ thoáng qua trong các phim của mình.

Với kinh nghiệm và sự nghiệp văn học trên 50 năm, ông được xem là một Mark Twain đương đại, ngay cả bộ ria mép và văn phong khôi-hài-đen cũng rất giống với văn hào nầy.

Năm 2005, ông xuất bản "Người không có xứ sở - A Man Without a Country" châm biếm chính quyền Bush, chiến tranh Iraq, xã hội kỹ nghệ và người dân Mỹ dễ dàng thuần phục, thiếu ý thức phản kháng. Cuốn tiểu thuyết mỏng nầy trở thành một best-seller trong năm, ông xem là "một ly sâm-banh ngon ở cuối đời". Ngày 11/04/2007, ông qua đời tại New York vì thương tích ở não, hưởng thọ 84 tuổi.

Phạm Vũ Thịnh
Sydney 2004-2007
Tham khảo :

[1] Kurt Vonnegut : "God Bless You Dr. Kevorkian", Seven Stories Press, 1999.

[2] Glenn Berggoetz : "Biography of Kurt Vonnegut", trang mạng http://www.geocities.com/Hollywood/4953/kv_bio.html

[3] Eliska Plackova : "Postmodernist features in Vonnegut's Cat's Cradle" (2002), trang mạng http://www.geocities.com/Hollywood/4953/kv_cat_postmodernism.html

[4] Michael Pardo : "A Heaping Helping of Dehumanization: Breakfast of Champions", trang mạng http://www.geocities.com/Hollywood/4953/kv_dehuman.html

[5] CNN News: "Author Kurt Vonnegut dies at 84"

http://www.cnn.com/2007/SHOWBIZ/books/04/12/obit.vonnegut/
 
 

 
Bình Đẳng Hoàn Toàn

(Harrison Bergeron)

Kurt Vonnegut

Phạm Vũ Thịnh dịch


Lời người dịch :

Truyện ngắn sau đây, ra mắt người đọc năm 1961, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Kurt Vonnegut, được ghi vào giáo trình trung học ở Mỹ, và là cơ sở để dựng nên phim TV "Harrison Bergeron" năm 1995 với đạo diễn Bruce Pittman, và các tài tử Sean Astin, Miranda de Pencier.

Truyện ngắn nầy nằm trong Tuyển tập "Hoan nghênh vào Chuồng khỉ - Welcome to the Monkey House" do Kurt Vonnegut xuất bản năm 1968, nhưng được đăng lại trong hàng chục tuyển tập văn chương Mỹ từ 1961 đến nay.

Bản dịch sau đây dựa trên bản đã công bố trên trang mạng  http://instruct.westvalley.edu/lafave/hb.html.

  Năm 2081.

Cuối cùng, loài người đã đạt được mức bình đẳng hoàn toàn. Mọi người không những chỉ bình đẳng trước Thượng Đế và pháp luật, mà còn thật sự bình đẳng trên tất cả mọi phương diện. Không ai khôn hơn ai. Không ai đẹp hơn ai. Không ai mạnh hơn hay nhanh hơn ai. Toàn bộ sự bình đẳng hoàn toàn nầy là thành quả của những điều khoản tu chính số 211, 212 và 213 trên Hiến Pháp, cùng với công trình cảnh giác không ngừng nghỉ của các công-tác-viên trực thuộc Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi, của chính phủ Hoa Kỳ.

Tuy vậy, một vài khía cạnh của cuộc sống vẫn chưa được toàn hảo. Chẳng hạn, tháng Tư còn làm cho mọi người tức điên lên vì không có khí hậu mùa xuân. Và cũng chính trong tháng Tư ẩm lạnh đó, các công-tác-viên của Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi đã đến bắt đi cậu Harrison, đứa con trai 14 tuổi của ông bà George và Hazel Bergeron.

Quả là một bi kịch, nhưng George và Hazel không thể suy nghĩ quá sâu sắc về điều ấy. Hazel có trí thông minh hoàn toàn trung bình, nghĩa là bà chỉ có thể suy nghĩ tập trung trong những khoảng thời gian ngắn. Còn George, vì mức độ thông minh cao hơn bình thường nhiều, nên phải đeo thêm một máy thu thanh triệt-hạ-ưu-thế nơi tai. Luật pháp buộc ông phải đeo theo máy ấy suốt ngày. Máy được cài trên cùng một tần số thông tín với một máy truyền tín hiệu của chính phủ. Cứ khoảng 20 giây, máy của chính phủ lại truyền đến tai ông một tín hiệu sắc bén để giữ những người như George khỏi lạm dụng ưu thế trí tuệ của họ đối với người khác.

George và Hazel đang xem TV. Nước mắt chảy dài trên má Hazel, nhưng lúc nầy bà đã quên mất lý do của những giọt nước mắt ấy.

Các nữ vũ-công ba-lê xuất hiện trên màn TV.

Một hồi còi vang lớn trong đầu George. Những ý nghĩ của ông hốt hoảng trốn mất tiêu, như kẻ trộm bỗng nghe tiếng chuông báo động.

_"Màn vũ vừa rồi đẹp quá anh nhỉ". Hazel nói.

_"Hả?" George hỏi.

_"Màn vũ vừa rồi đấy, đẹp quá nhỉ". Hazel đáp.

_"ƯØ". George nói. Ông gắng suy nghĩ một chút về những nữ vũ-công ba-lê ấy. Họ chẳng nhảy giỏi gì mấy; dù nói sao đi nữa, cũng không nhảy giỏi hơn bất cứ ai khác. Họ bị buộc thêm vào người những sợi dây cột chì, và những bao đựng đạn chì bắn chim; lại còn phải mang thêm mặt nạ, để người xem, dù có nhìn thấy một động tác thanh thoát duyên dáng hay một khuôn mặt xinh đẹp, cũng không cảm thấy khó chịu hay tức giận. George thử suy nghĩ mơ hồ rằng có lẽ vũ-công thì không nên bị triệt-hạ-ưu-thế như thế. Nhưng ông không thể nghĩ gì xa hơn được vì một tiếng ồn khác đã vang lên trong máy thu thanh nơi tai, xua tán loạn mất ý nghĩ của ông.

George nhăn mặt. Và hai người trong số tám nữ vũ-công ba-lê cũng nhăn mặt như thế. Hazel nhìn thấy ông nhăn mặt. Bà không phải đeo máy móc triệt-hạ-ưu-thế về trí não gì cả, nên phải hỏi George xem tiếng ồn vừa rồi là tiếng gì.

_"Nghe như có ai cầm búa đầu bi sắt đánh vỡ một chai đựng sữa ấy". George giải thích.

_"Em nghĩ nghe được tất cả những tiếng khác nhau như thế hẳn là thích thú lắm". Hazel nói, có vẻ thèm thuồng. _"tất cả những âm thanh mà các công-tác-viên Điều Chỉnh Bất Lợi có thể tưởng tượng ra được".

_"ƯØm".

_"Nhưng nếu em là Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi, thì anh biết em sẽ làm gì không?". Hazel hỏi. Bà quả thật có dáng dấp rất giống Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi, một người đàn bà có tên là Diana Moon Glampers. _"Nếu em là Diana Moon Glampers, em sẽ cho đánh lên từng chuỗi tiếng chuông như mình vẫn nghe ngày Chủ nhật. Như là để vinh danh tôn giáo ấy".

_"Nếu chỉ là những tiếng chuông như thế, thì anh còn suy nghĩ được". George nói.

_"Vậy thì, có lẽ em làm cho tiếng chuông ấy lớn hơn". Hazel nói. _"Em nghĩ em có thể là một Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi giỏi".

_"Cũng giỏi bằng bất cứ người bình thường nào khác thôi".

_"Ai mà hiểu rõ hơn em thế nào là bình thường chứ?". Hazel nói.

_"Đúng thế". George nói. Chợt loé lên trong trí ông ý nghĩ về Harrison, đứa con trai bất bình thường của ông lúc nầy đang ở trong tù, nhưng lập tức, có tiếng ồn như một tràng 21 phát súng lệnh nổ vang trong đầu ông đã chặn đứng ý nghĩ ấy.

_"Trời đất!". Hazel kêu lên. _"Tiếng nầy hẳn là kinh khủng lắm, phải không?"

Nó kinh khủng đến nỗi làm cho George mặt mày trắng bệch, cả người run rẫy, và nước mắt ứa ra ngoài hai viền mắt đỏ ngầu. Hai người trong đám tám nữ vũ-công ba-lê ngã qụy xuống sàn phòng nhảy, tay ôm lấy thái dương.

_"Thình lình anh có vẻ đuối sức đấy". Hazel nói. _"Nằm xuống chiếc ghế dài nầy đi, để anh có thể đặt cái bao triệt-hạ-ưu-thế ấy lên mấy chiếc gối nầy, cưng à". Bà nói đến cái bao bằng vải bạt, đựng 21 kí đạn bắn chim, đang quấn khoá quanh cổ George. _"Nào, đặt cái bao ấy xuống đây một lúc đi. Em chẳng nề hà gì chuyện anh không bình đẳng với em trong một lúc nầy thôi".

George lấy tay ướm sức nặng của bao đạn.

_"Thôi, kệ nó". Ông nói. _"Anh không để ý đến nó nữa đâu. Nó đã trở thành một phần của thân thể anh rồi".

_"Dạo nầy anh có vẻ mệt mỏi như là đuối sức đấy". Hazel nói. _"Phải chi có cách nào mình có thể khoét một lỗ ở đáy bao mà móc ra bớt vài viên đạn nhỉ. Vài viên thôi mà".

_"Cứ mỗi viên lấy ra là bị 2 năm tù và phạt 2 ngàn đô-la đấy". George nói. _"Anh không cho đấy là giá hời đâu".

_"Giá mà anh có thể lấy ra bớt chỉ vài viên thôi khi nào đi làm vềø". Hazel nói. _"Em muốn nói là anh đâu có tranh đua gì với ai ở nhà đâu. Anh chỉ muốn thoải mái ở nhà thôi mà".

_"Nếu anh cố mà làm thế được, thì người khác cũng sẽ trốn tránh luật pháp như thế, thì rồi không bao lâu, mọi người sẽ trở lại thời tối ám trung cổ, mỗi người sẽ lại tranh cạnh với mọi người khác. Em có muốn thế đâu, phải không nào?".

_"Em không thích thế đâu". Hazel nói.

_"Thì đấy". George nói. _"Nếu người ta bắt đầu kiếm cách lừa dối luật pháp, thì em nghĩ xem xã hội nầy sẽ ra sao?".

Hazel không thể tìm ra câu trả lời nào cho câu hỏi ấy, mà chính George cũng không thể cho ra lời giải đáp nào cả. Một hồi còi đã vang động lên trong đầu ông.

_"Chắc là sẽ tan rã mất". Hazel nói.

_"Cái gì tan rã?". George hỏi.

_"Xã hội đấy chứ gì". Hazel nói, không tự tin mấy. _"Không phải anh vừa nói thế sao?"

_"Nào biết chắc được là cái gì đâu em". George nói.

Chương trình TV đột ngột bị ngưng lại, nhường chỗ cho một bản tin. Lúc đầu, chẳng ai hiểu là bản tin về chuyện gì, bởi người đọc tin, cũng như mọi người đọc tin khác, phải mang thêm chướng ngại ngôn ngữ nặng nề. Khoảng nửa phút, trong trạng thái phấn khích cao độ, người đọc tin cố phát ngôn : "Thưa quý vị..." nhưng rồi anh ta đành bỏ cuộc, trao bản tin cho một nữ vũ-công ba-lê đọc.

_"Thế cũng được". Hazel nói về người đọc tin. _"Anh ta đã cố gắng rồi. Đấy là điều quan trọng. Anh ta đã gắng làm hết sức mà Thượng Đế đã ban cho. Anh ta đáng được tăng lương vì cố gắng ấy".

_"Thưa quý vị...". Người nữ vũ-công ba-lê đọc bản tin. Cô chắc hẳn là xinh đẹp lắm, bởi cái mặt nạ cô phải đeo trông thật gớm ghiếc. Và rõ ràng cô là người có sức khoẻ nhất và cũng thanh nhã nhất trong đám vũ-công, bởi những bao triệt-hạ-ưu-thế cô phải đeo thêm là loại dành cho những đàn ông cấp 90 kí-lô. Và cô phải xin lỗi ngay lập tức về giọng đọc của cô, rõ ràng là một bất công đối với phụ nữ bình thường. Giọng cô ấm áp, thanh tao, như một giai điệu vượt thời gian. _"Xin quý vị tha lỗi...". Cô nói, và bắt đầu trở lại, gắng làm cho giọng mình hoàn toàn tầm thường.

_"Harrison Bergeron, 14 tuổi." Cô nói với giọng quang quác của loài quạ đen. _"vừa trốn thoát khỏi trại tù mà hắn bị giam giữ vì tình nghi âm mưu lật đổ chính phủ. Hắn là một thiên tài, và là một thể tháo gia, không bị triệt-hạ-ưu-thế đúng mức, và cần phải xem là vô cùng nguy hiểm".

Một ảnh chụp Harrison Bergeron của cảnh sát chiếu lên màn TV, đảo ngược, xoay ngang, rồi đảo ngược một lần nữa, xong xoay lại đúng chiều. Bức ảnh cho thấy toàn thân Harrison so với tấm phông phía sau có ghi chiều cao theo từng cen-ti-mét. Cậu cao đúng 2.1 thước.

Ngoài chiều cao, Harrison xuất hiện như dưới dạng hoá trang ma quỷ và mang đầy những phế liệu sắt thép. Chưa từng thấy có ai phải đeo lắm thứ triệt-hạ-ưu-thế nặng nề lỉnh kỉnh đến thế. Người cậu đã tăng trưởng vượt quá những chướng ngại bất lợi ấy nhanh hơn là các công-tác-viên của Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi có thể sáng chế ra. Thay vì một máy thu thanh nhỏ gắn nơi tai để triệt-hạ-ưu-thế về trí tuệ, cậu ta phải mang một cặp ống nghe to tướng trên hai tai, thêm với một gọng kính lớn kẹp hai tròng kính uốn cong dày cộm. Mắt kính nầy được thiết kế không những để làm cậu mù mắt phân nửa, mà còn tạo ra những cơn nhức đầu búa bổ đồm độp trong đầu cậu nữa. Khắp thân cậu đeo đủ thứ phế liệu sắt thép. Thông thường, những người có sức mạnh phải đeo thêm sắt thép để triệt-hạ-ưu-thế, sắp xếp cho có vẻ cân đối theo kiểu gọn gàng quân sự. Nhưng trong trường hợp Harrison Bergeron thì quả là một đống phế liệu di động. Trong cuộc đua tranh trên đời, Harrison phải đeo thêm gánh nặng tổng cộng 140 kí-lô.

Để triệt bớt vẻ khôi ngô của cậu, các công-tác-viên của Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi bắt cậu phải suốt ngày gắn một trái banh cao-su màu đỏ trên mũi, và cạo nhẵn hai chân mày, lại niền thêm vào hai hàm răng đều đặn của cậu những mảnh xương đen khập khiểng.

_"Nếu quý vị thấy tên nầy". Cô nữ vũ-công ba-lê nói. _"Đừng bao giờ, xin lặp lại, đừng bao giờ liều lĩnh mà thử phân tích phải trái với hắn".

Đúng lúc ấy, vang lên tiếng kêu "két" của cánh cửa bị giật đứt khỏi bản lề. Từ màn TV vang ra những tiếng kêu thét, rú lên khiếp đảm. Bức hình Harrison Bergeron trên màn TV nhảy đựng lên liên tục, như đang nhảy theo nhịp rung của một trận động đất.

George Bergeron nhận diện được trận động đất ấy ngay. Cũng là điều dễ hiểu, bởi không biết bao nhiêu lần, chính căn nhà của ông đã nhảy đựng lên theo điệu nhảy khủng khiếp ấy. _"Trời đất ơi". George kêu lên. _"Hẳn là Harrison đấy rồi!".

Nhận thức ấy lập tức bị đánh bạt khỏi trí ông bởi một tiếng ồn náo động như xe hơi đụng vào nhau trong đầu ông.

Khi George mở được mắt trở lại thì bức ảnh Harrison đã biến đâu mất. Một Harrison Bergeron sống thực tràn cả khung hình. Trong những tiếng loảng xoảng, lách cách của sắt thép va nhau, Harrison đứng ngay giữa phòng truyền hình, quê kệch, to tướng. Trên tay cậu vẫn còn cái núm vặn của cánh cửa bị đạp đổ. Các vũ-công ba-lê, nhạc công, nhân viên kỹ thuật, người đọc tin, tất cả co rúm người, qùy trước mặt cậu, chờ chết.

_"Ta là Hoàng Đế!". Harrison hét lớn. _"Các người nghe chưa? Ta là Hoàng Đế đây! Mọi người phải làm theo lệnh ta, lập tức!" Cậu dậm chân, phòng truyền hình rung chuyển.

_"Ta đứng đây". Cậu gầm lên. _"dù đã bị làm cho tàn tật, cà nhắc, bệnh hoạn, ta vẫn là người cai-trị vĩ đại hơn bất cứ kẻ nào từ trước đến nay. Hãy xem đây, xem ta trở thành con người xứng đáng của ta".

Harrison vung tay xé nát những quai da buộc khung giáp triệt-hạ-ưu-thế trên người cậu, như xé miếng giấy lau tay. Xé nát loại quai da bảo đảm chịu được sức trên 2 tấn ấy.

Những phế liệu sắt thép triệt-hạ-ưu-thế trên người Harrison rơi xuống sàn phòng, loảng xoảng.

Harrison thọc mấy ngón tay vào dưới cọng khoá của cái niền trên đầu cậu. Cọng khoá gãy gọn như một nhánh cần-tây. Harrison quật vỡ các ống nghe và mắt kính triệt-hạ-ưu-thế vào tường.

Cậu quăng ra xa trái banh cao-su đỏ trên mũi, cho thấy khuôn mặt điển trai xứng đáng để Thần Thor, Chúa Tể của Sấm Sét phải kinh ngạc.

_"Giờ đây, ta sẽ chọn Hoàng Hậu của ta!". Cậu nói, vừa nhìn xuống đám người đang co rúm trước mặt cậu. _"Người con gái đầu tiên dám đứng thẳng lên, sẽ nhận được bạn đường và ngai vàng xứng đáng".

Một hồi sau, một nữ vũ-công ba-lê đứng lên, còn lảo đảo như cành liễu.

Với sự khéo léo phi thường, Harrison tháo chiếc máy triệt-hạ-ưu-thế trí não ra khỏi tai cô gái, bẻ gãy những khoá triệt-hạ-ưu-thế trên người cô.

_"Nào". Harrison cầm tay cô, nói. _"Ta hãy cho mọi người biết thế nào là khiêu vũ thực sự. Nổi nhạc lên". Cậu ra lệnh.

Những nhạc công chen nhau trở lại ghế ngồi của họ, và Harrison bẻ gãy tất cả các khoá triệt-hạ-ưu-thế trên người họ. Cậu bảo :

_"Hãy chơi nhạc ở mức hay nhất của các người. Rồi ta sẽ phong cho làm công hầu bá tước".

Nhạc trổi lên. Lúc đầu còn bình thường, nghĩa là lố lăng, ngớ ngẩn, và rẻ tiền. Nhưng Harrison đã chộp lấy hai nhạc công, xách ra khỏi ghế, vung họ lên như que đánh nhịp, vừa hát lên giai điệu mà cậu muốn họ chơi giống như thế. Xong cậu ném hai nhạc công vào ghế của họ.

Nhạc lại bắt đầu trổi lên, lần nầy nghe hay hơn rất nhiều.

Harrison và Hoàng Hậu của cậu lắng nghe tiếng nhạc một hồi, lắng nghe thật chăm chú, như hòa nhịp tim của hai người vào điệu nhạc. Rồi họ dời sức nặng thân mình lên những ngón chân. Harrison đặt hai bàn tay to lớn của cậu lên bờ hông mảnh mai của cô gái, truyền đến cô cảm giác khinh khoái nhẹ nhàng mà cô sắp lĩnh hội được. Rồi, trong bùng nổ của niềm vui và vẻ duyên dáng, họ tung người lên không trung!

Giây phút ấy, không chỉ luật pháp quốc gia bị bỏ quên, mà cả những quy luật trọng lực, quy luật vận động, cũng bị gạt bỏ.

Hai người quay cuồng trong vũ điệu; chân tay múa lượn, nô đùa, nhảy nhót, xoay vòng, xoay tròn, xoay tít. Họ nhảy vọt lên như dáng nai trên cung trăng.

Trần phòng cao 9 thước, vậy mà mỗi cú nhảy lại càng đưa họ đến gần chạm trần phòng hơn. Dần dần rõ ràng là họ muốn chạm trần phòng. Và tóc họ đã chạm trần phòng thật rồi.

Trung hoà trọng lực bằng tình yêu và ý chí thuần khiết, hai người lơ lửng trong không trung như thế, gần sát trần phòng, họ hôn nhau đắm đuối lâu thật là lâu.

Không để ý rằng Diana Moon Glampers, Tổng Trưởng Điều Chỉnh Bất Lợi, đã bước vào phòng từ lúc nào, với khẩu súng săn hai nòng, khẩu độ 10. Bà ta bắn hai phát. Và Hoàng Đế cùng Hoàng Hậu chết ngay trước khi rơi xuống sàn phòng.

Diana Moon Glampers nạp đạn lại. Bà ta hướng mũi súng vào các nhạc công, bắt họ đeo lại các bao triệt-hạ-ưu-thế trong vòng 10 giây.

Đúng lúc ấy, TV nhà Bergeron cháy bóng.

Hazel quay lại định phàn nàn với George về việc TV đã tắt mất. Nhưng George đã đi vào bếp lấy bia. George trở lại với lon bia trên tay, ngừng chân vì một tiếng ồn triệt-hạ-ưu-thế trí não vang lớn đến giật đầu ông lên. Rồi ông ngồi xuống, hỏi Hazel.

_"Em khóc đấy à?"

_"Ừm".

_"Sao thế?"

_"Em quên mất". Bà nói. _"Có gì đấy thật buồn trên TV".

_"Gì thế em?"

_"Mọi chuyện như lẫn lộn vào nhau trong trí em ấy".

_"Quên những chuyện buồn đi em ạ". George nói.

_"Em luôn luôn quên đi đấy chứ".

_"Thế mới là vợ anh chứ". George nói. Ông nhăn mặt. Có tiếng nổ lớn như tiếng súng tràn ngập đầu ông.

_"Trời đất ơi! Cả em cũng hiểu được tiếng ấy phải là kinh khủng lắm".

_"Em có thể nói thế một lần nữa đấy".

_"Trời đất ơi! Cả em cũng hiểu được tiếng ấy phải là kinh khủng lắm".

Phạm Vũ Thịnh dịch


Trở Về  ]