Chim Việt Cành Nam        Trở Về   ]


 
Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội

Chương 6 - Quốc ngữ và giáo dục thời Pháp thuộc

GS Nguyễn Phú Phong

Như ta đã thấy quốc ngữ hiểu như chữ viết vào đầu thế kỷ 20 đã thắng lợi hoàn toàn bằng cách đưa chữ nôm vào lãng quên, chiếm độc quyền trong việc ghi tiếng Việt. Cuộc thắng lợi này sở dĩ được tương đối dễ dàng vì chữ quốc ngữ éo le thay lại là giao điểm của hai chủ trương đối nghịch nhau. Một bên chính quyền Pháp ở Đông Dương xem chữ quốc ngữ là công cụ hữu hiệu để đồng hoá dân thuộc địa. Bên phía những sĩ phu Việt Nam lại cho đó là vũ khí sắc bén trong công cuộc phổ biến tân học, truyền bá tư tưởng yêu nước tiến tới giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho nước nhà.

Quốc ngữ hiểu như chữ viết kiểu La Tinh đã thế, còn quốc ngữ hiểu như tiếng Việt thì thế nào ? Địa vị của tiếng Việt ra sao, trong một đất nước, giữa một dân tộc mà chữ Hán thống trị trong suốt một nghìn năm đô hộ phương Bắc, thêm mười thế kỷ nữa dưới các triều đại vua chúa Việt Nam lấy Hán học làm giềng mối quốc gia, làm gốc cho đạo lý xã hội, bây giờ lại đứng trước sức tiến công của tiếng Pháp trong chủ trương khai hoá, đồng hoá, của những ông chủ mới đến từ phương Tây. Lẽ dĩ nhiên tiếng Việt là tiếng nói của toàn dân Việt, sinh ra một lần với dân tộc Việt, trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên vẫn còn tồn tại, sống động qua ca dao tục ngữ, câu hò tiếng hát dân gian qua Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15, đạt đến độ ngôn ngữ văn chương tài tình với truyện Kiều của Nguyễn Du ở cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19. Lẽ dĩ nhiên với thắng lợi của chữ quốc ngữ, sự ra đời của nhiều tờ báo, sự phát triển của nhà in, với những lời kêu gọi của những phong trào duy tân, tiếng Việt đã ngoi lên để trở thành một ngôn ngữ viết, khác hơn là một ngôn ngữ nói, một ngôn ngữ thông dụng hàng ngày. Trên con đường này, tiếng Việt vấp phải một số trở ngại, nhất là trước sự phổ biến có tổ chức và có chính quyền của tiếng Pháp.

Như đã nói ở Chương 5, hiệp ước Pentenôtre ký ngày 6.6.1884, đã nhìn nhận nước Pháp thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại ; hậu quả rõ ràng là trong các giao thiệp quốc tế, tiếng Pháp sẽ nói thay tiếng Việt.

1. Quốc ngữ và bộ Học-chính tổng-qui

Bây giờ hãy xem địa vị mà Chính quyền bảo hộ dành cho tiếng Việt trong công cuộc giáo dục ở Việt Nam, qua bộ Học-chính tổng-qui (Règlement général de l'Instruction publique) do Toàn quyền Albert Sarraut ký ngày 21.12.1917, và đăng lên công báo ngày 10.4.1918. Bộ HCTQ gồm những qui định chung tạo nền móng cho cơ sở giáo dục đặt dưới quyền điều khiển duy nhất của Phủ Toàn quyền. Từ đây, học chính đạt được một diện mạo khá rõ ràng với sự hình thành của ba khu vực : trường Pháp (tiểu học, cao đẳng tiểu học, trung học) ; trường Pháp bản xứ (tiểu học, bổ túc, trung học) ; trường chuyên nghiệp.

Thiên thứ II bộ HCTQ về cấp tiểu học có qui định dạy tiếng Pháp và môn Hán tự như sau :

- Dạy tiếng Pháp (tập đọc, ám tả, học mẹo, làm văn) ở lớp nhì và lớp nhất, mỗi tuần ít ra là 12 giờ.

- Hán tự mỗi tuần lễ chỉ dạy 1 giờ ½ vào sáng thứ năm mà thôi. Lại thêm chỉ thị : " Dạy Hán tự phải theo chương trình nhà nước. Buổi dạy Hán tự, giáo viên kiêm đốc học nhà trường phải có mặt ở lớp để giữ kỷ luật, không nên để thầy đồ dạy một mình. "

Rõ ràng là thời gian dạy chữ Hán bị teo lại nhường chỗ cho tiếng Pháp ngay ở cấp tiểu học. Không những thế lớp dạy chữ Hán còn bị theo dõi, kiểm tra, làm như dạy môn quốc cấm. Nhà cầm quyền thuộc địa vẫn còn nghi ngại các thầy đồ còn noi theo chí khí, tư tưởng của các sĩ phu nhà nho thuộc các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục chăng ? Không thấy nói đến việc dạy tiếng Việt ở cấp này. Nhưng theo Phạm Quỳnh (Nam Phong số 18, juin 1918, tr. 333) : " Cứ lệ thời các môn trong chương trình tiểu học đều phải dạy bằng tiếng Pháp cả. " Xem thế là có chủ trương thay thế tiếng Việt bằng tiếng Pháp như một ngôn ngữ dùng để dạy dỗ học tập ở nhà trường ngay cả ở lớp đồng ấu.

Ở cấp trung học, một trong những mục đích nhắm đến là " dạy cho học trò thực thông tiếng Pháp, vì tiếng Pháp là mối yếu cần cho sự học vấn về sau. " Mỗi tuần lễ thời gian học ở lớp là 27 giờ ½. Trong số giờ này phải để ra 12 giờ học tiếng Pháp và học lịch sử" (sở dĩ gộp giờ Pháp văn với giờ lịch sử vì lịch sử đây là lịch sử nước Pháp, viết bằng tiếng Pháp, chú thích NPP).

Hán tự và quốc ngữ, gọi chung là quốc văn dạy 3 giờ một tuần.

Ở  tiểu mục Sự dạy học bằng tiếng Pháp, Nam Phong (số 18 : 339-341) có nhắc đến tờ chu tri của Toàn quyền Sarraut, với đoạn :

" Từ nay phải hết sức làm cho chữ Pháp thông dụng trong các trường tiểu học, bắt đầu ngay từ lớp ba (...) Vả từ xưa đến nay vẫn thi tiểu học tốt nghiệp bằng chữ Pháp thì đủ biết sự dạy học bằng tiếng Pháp ở các trường đã là một sự cố nhiên rồi (...)

" Vì những thứ chữ như chữ quốc ngữ, (...) đã thành ra văn tự gì có tiếng trong thế giới đâu, vả ai cũng biết rằng hãy còn khuyết điểm nhiều lắm, chưa có đủ những danh từ về khoa học để diễn những môn học mới của Thái Tây. "

Xem qua những lời kể trên ta thấy ngay chủ trương bành trướng tiếng Pháp, lấn áp tiếng Việt, thật rõ ràng làm người chủ bút báo Nam Phong cũng phải nhận xét (tr. 340) : " Cho nên cứ như ý riêng của người bàn đây thời dạy học bằng tiếng Pháp trong suốt các trường tiểu học hiện nay e còn chưa được tiện lợi lắm (...) "

Địa vị của tiếng Việt trong nhà trường đã được Hoàng Ngọc Phách, khóa 1914-1918 trường Bưởi, Hà Nội, trong hồi ký của mình, thốt lên câu : " Thật là ngược đời ! Việt văn bị coi như một ngoại ngữ. " Môn quốc văn bị bạc đãi như thế, còn người dạy quốc văn thì sao ? Hoàng Ngọc Phách lại nhận xét : " Cả hai thầy (dạy chữ Hán và Việt văn) đều là thầy giáo phụ. Đến trường thường đứng ở hành lang hoặc ngồi ở các buồng giám thị, không bao giờ vào phòng giáo sư. "

2. Tình hình Hán học

Bộ Học chính tổng qui có hiệu lực từ năm 1917 hướng vào việc Pháp hoá nền giáo dục bản xứ, đưa môn học tiếng Pháp vào cả chương trình tiểu học, không những giới hạn tối đa lớp học chữ nho mà còn đặt lớp học này dưới sự kiểm sát giám thị. Mục đích tối hậu của tổ chức giáo dục theo bộ HCTQ vẫn là đánh bạt ảnh hưởng Hán học, đồng thời khai hoá tạo ra một lớp người mới chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp. Chủ trương này trên thực tế đã gặp phải sức chống mạnh mẽ và dẻo dai của các trường học cổ truyền hay chữ nho. Ngay cả Nam Phong, tờ báo đã giới thiệu và ca tụng bộ HCTQ, vẫn còn nêu điều thắc mắc qua việc đăng bài Bàn về việc học của quốc dân. Chữ nho có bỏ được không ? của Nguyễn Tất Tế, tri phủ Mĩ đức, Hà đông, viết năm 1915, in trong Nam Phong số 19, (janvier 1919, 197- 201). Dưới đây là những đoạn trích dẫn :

" Từ khi khởi ra cái nghị lấy chữ Pháp đổi hẳn chữ Nho, thì ngoài đồn rằng Chánh phủ sợ dân học nho rồi lại theo Tàu nên phải đổi.

" Nhiều người thấy các trường Đốc học, Giáo, Huấn, hầu không có nghe tiếng đọc sách, mà nghĩ lầm rằng : chữ nho là số liệt bại (...) nghĩ thế là chưa xét kỹ. Trường Đốc học, Giáo, Huấn không học trò là vì thơ, phú, sách, luận không thi nữa, có phải dân không học nho đâu ; chúng ta nên biết chữ nho trong nước ta, cha đủ sức dạy con, anh đủ sức dạy em, không cần mượn thầy, tôi thường đi chơi các làng, chẳng ngõ nào không nghe tiếng tiếng học Luận, Mạnh, thành ra mỗi xóm có một trường, mà mỗi làng có năm bảy trường, trước hợp lại học các trường công, chẳng được bao, nay ta về học các trường riêng càng nhiều lắm. Hoa nho tàn hay chửa, hãy xin xem chốn nhà quê.

" Không phải dân nhà quê cố ý thủ cựu, bởi vì ngôn ngữ phong tục trong nước, hết thảy là đạo nho, nếu ai không học, đối với người thì khế khoán không tường, đối với nhà thì phổ chúc không biết, như mù, như điếc, thành một người ngu ngốc ở đời, vậy nên không cứ giàu nghèo, ai có con cũng phải cho học.

" Nhiều khi tôi bảo các tổng sư dạy trẻ thuần bằng quốc ngữ, cho trẻ chóng khôn, không cần học nho, thì bố mẹ đem con ngay về tìm thầy khác dạy ; hỏi cớ sao thế ? Người ta đáp rằng : " Quốc ngữ mất dấu, chữ nọ ra chữ kia, nếu không học nho, chắc sau con cháu lẫn cả tên ông vải ". Thế mới biết chữ nho có nhiều mối vướng vít, làm cho dân gỡ không ra.

" Chữ nho bỏ không xong, chữ Tây thay cũng khó nước nào chẳng thế, mà nước ta càng hơn nữa, trăm người đến 99 người nghèo, bới đất vạch cỏ cả đời, hai tay không đủ vun vào lỗ miệng, nom thấy trường Pháp Việt Chánh phủ mở cửa, cũng biết cho con học đó thì dễ kiếm ăn, mà ngặt về nỗi nghèo không sẵn đồng tiền, một quyển Lecture giá 7 hào, đắt hơn 4 quyển Tứ truyện ; một tập giấy tây giá hào rưỡi, đắt bằng trăm tờ giấy nam ; tính mình (...) không đủ tiền gửi con vào trường học một tháng, (...) đành cho con học nho vậy...

" Phương chi thượng lưu học chữ Pháp, chửa hẳn đã phát đạt (...) nhưng khi cắp sách vào trong lớp học, chả ai không có lòng mơ tưởng cao xa, thế mà Chánh phủ mở trường 40 năm nay kết quả đêán Thông ngôn là cùng dẫu rằng Tân học cử nhân, Tân học tú tài, đổi danh hiệu sang để mới tai mắt người, mà kỳ thực chửa khỏi hai chữ Thông ngôn được. "

Trên đây là tóm lược các lý lẽ về văn hoá, lịch sử, kinh tế của viên tri phủ Nguyễn Tất Tế đưa ra để bênh vực cho các trường dạy chữ nho cổ truyền. Sức sống còn của các trường này khá vững bền đến mức năm 1938, nghĩa là hơn hai mươi năm sau khi áp dụng bộ HCTQ, theo dẫn liệu thống kê cuộc điều tra về nạn mù chữ ở Thanh Hoá, ta có những con số không ngờ. Như tại ba làng không có trường tiểu học, Thọ Lộc, Nam Thôn và Ninh Thôn chỉ có 3% đàn ông ở lứa tuổi 30 biết đọc một trong ba thứ tiếng, quốc ngữ, Hán, Pháp. Còn lứa tuổi cao hơn, tức là lứa tuổi theo học trường dạy nho cổ truyền thì đến 48 % đôc thông chữ Hán (xem Trịnh Văn Thảo, (1995, 35-38). Nhưng sự trường tồn và sức hấp dẫn của các trường thầy đồ chắc chỉ xảy ra ở nông thôn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chứ càng đi vào Nam thì tình hình có đổi khác : giai đoạn 1916-1920, học trò các trường Nhà nước đã đông ; chữ quốc ngữ đã thông dụng ; chữ Hán đã bắt đầu bị chữ quốc ngữ và chữ Pháp thay thế (xem Nguyễn Vỹ, 1969, chương 4).

3. Báo Nam Phong và quốc ngữ

Báo Nam Phong có đăng nhiều bài nói về việc dạy và học quốc ngữ. Nhưng trước khi đề cập đến vấn đề trên, hãy sơ lược tìm hiểu về tạp chí này.

Báo Nam Phong - số 1, juillet 1917 - ra đời gần như cùng một lúc với sự ban bố của bộ Học chính tổng qui mà mục đích là nhắm vào sự khai hoá dân bản xứ rất rõ ràng. Đó là một sự ngẩu nhiên chăng, hay là những sự kiện có điều hợp trước ? Bià ngoài ở đầu tờ có hàng chữ : LInformation Française (Thông tin Pháp). Nam Phong là Văn học Khoa học Tạp chí gồm hai phần : phần quốc ngữ và phần chữ nho. Kể từ số 64, tháng 10, 1922, Nam Phong lại có thêm phần phụ bản tiếng Pháp. Chủ bút phần quốc ngữ là Phạm Quỳnh, phần chữ nho là Nguyễn Bá Trác. Nhưng bắt đầu số 20, 1919, ở trang trong tờ bìa trước, có ghi rõ tên các người sáng lập, ngoài Phạm Quỳnh (Hàn lâm viện trước tác) và Nguyễn Bá Trác (Cử nhân, Hồng lô tự khanh), còn có Louis Marty (trưởng toà Chính trị Phủ Toàn Quyền).

Cũng ở trang này, báo Nam Phong có kê rõ : " Mục đích báo Nam Phong là thể cái chủ nghĩa khai hoá của Nhà nước, biên tập những bài bằng quốc văn, hán văn, pháp văn, để giúp sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân An-nam, truyền bá các khoa học của Thái Tây, nhất là học thuật tư tưởng Đại Pháp, bảo tồn cái quốc tuý của nước Việt Nam ta, cùng bênh vực quyền lợi người Pháp người Nam trong trường kinh tế.

Báo Nam Phong lại chủ ý riêng về sự tập luyện văn quốc ngữ cho thành một nền quốc văn An-nam. "

Tưởng cần lưu ý là hai ông chủ bút Nam Phong đều không phải là những nhà báo độc lập mà là những công chức của chính quyền bảo hộ. Phạm Thị Ngoạn (1973 : 217) có kể là Nguyễn Bá Trác sau khi xuất dương du học ở Nhật về, " hồi chánh ", nên được nhận vào làm việc cho chính quyền thuộc địa như một thông dịch viên ở Sở Chính trị vụ (Direction des Affaires Politiques) thuộc Phủ Toàn Quyền. Ở đó Nguyễn Bá Trác trở thành đồng liêu của Phạm Quỳnh vừa được biệt phái từ Trường Viễn Đông Bác Cổ qua. Và công việc đầu tiên mà hai vị công chức kia cùng cộng tác, là dịch ra chữ Hán cuốn sách của Gabriel Hanotaux Lịch sử Chiến tranh Âu châu (Histoire de la guerre européenne) mà Phủ Toàn Quyền cho phát hành ở Trung Quốc để phô trương uy lực Pháp Quốc. Đó là năm 1917.

Ở vị thế của một công chức ngạch thuộc địa, thì biên độ hoạt động theo ý muốn riêng của hai ông Phạm và Nguyễn chắc không được bao nhiêu ngoài việc phục vụ đường lối đã được ấn định cho tờ báo. Quyền hạn của họ e không thể vượt qua việc cổ xúy chính sách do nhà cầm quyền đề ra. May thay chủ ý riêng này lại trùng hợp với nhiệm vụ được giao phó, nhất là phía chủ bút phần quốc ngữ. Vì quốc ngữ tất nhiên là công cụ nghề nghiệp của Phạm Quỳnh để truyền bá các khoa học của Thái Tây, nhất là học thuật tư tưởng Đại Pháp. Trau dồi, tập luyện quốc ngữ là bổn phận nghề nghiệp của nhà báo, nhà thông dịch Phạm Quỳnh vậy.

Phạm Quỳnh viết khá nhiều và đa dạng : những bài biên tập về chính trị, xã hội hay lịch sử ; những bài văn học ; những bài có tính cách triết học. Vì đụng đến nhiều thể loại nên họ Phạm phải dùng nhiều từ ngữ mới mẻ đối với tiếng Việt thời bấy giờ.

Các từ ngữ này phần nhiều xuất xứ từ Hán văn đã dùng trong các tân thư Trung Quốc và Nhật Bản. Thời ấy hay cả bây giờ cũng vậy, các nhà văn, các nhà nghiên cứu của ta khi cần đến thuật ngữ, từ ngữ để diễn tả một khái niệm mới, một tư tưởng mới chưa có trong tiếng Việt, thường quay qua vay mượn ở tiếng Hán. Đó là phương pháp thông thường để làm tăng trưởng vốn từ tiếng Việt. Báo Nam Phong nói chung và Phạm Quỳnh nói riêng cũng đi theo đường lối này và phần Từ vựng ở các số báo là bản kê những từ mới vừa được dùng. Trên phương diện từ ngữ như vậy, nhóm Nam Phong có góp phần làm giàu cho quốc ngữ. Nhưng trên mặt khác, vì lạm dụng quá nhiều Hán văn nên nhóm Nam Phong đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Sự vay mượn ở mức độ hình vị, từ đơn hay từ ghép tất được thu nhận dễ dàng, song suốt, nhưng nếu bệ nguyên xi cả một nhóm từ, cả một đoản cú trong Hán ngữ để đưa vào tiếng Việt thì sẽ làm cho tiếng Việt lai căng. Vì cú pháp nội tại giữa các thành tố trong một nhóm từ rất khác nhau nếu đem so sánh tiếng Việt và tiếng Hán. Hãy lấy một ví dụ cụ thể : Nam Phong được ghi ở bìa báo là Văn-học Khoa-học Tạp-chí. Nhóm từ này tuân theo trật tự cú pháp của Hán ngữ : các định từ Văn-học Khoa-học đặt trước Tạp-chí, từ bị hạn định. Trái với tiếng Việt theo đó ta sẽ viết : Tạp-chí Văn-học Khoa-học.

Nguyễn Háo Vĩnh, một độc giả người Nam, trong thư ngỏ gửi cho chủ bút Nam Phong (số 1, octobre 1918, tr. 199), có đoạn nhận xét : "  Các bài quốc ngữ, chủ bút Nam Phong cùng các người phụ bút dùng nhiều chữ Hán quá, nên coi khó hiểu lắm ; có chỗ chẳng hiểu các ngài muốn nói cái chi chi !... "

Sự sính dùng chữ nho nằm ngay trong chủ trương của báo Nam Phong (số 1, tr. 5) : " Bản báo không chủ trương sự phổ-thông mà muốn làm cái cơ -quan riêng cho bọn cao-đẳng học-giới nước ta, gồm cả những bậc cựu-học cùng tân-học mà dung hoà làm một. " Như vậy rõ ràng là nền quốc văn mà nhóm Nam Phong muôn xây đắp hướng về cấp " cao đẳng " và Hán văn và cũng vì thế ảnh hưởng của báo này rất giới hạn đối với ngôn ngữ đại chúng. Hơn nữa, cái nhìn của Phạm Quỳnh về quốc ngữ, nghĩa là tiếng Việt, có nhiều điều khinh mạn, qua những lời của tác giả, rút trong bài Bàn về sự dùng chữ nho trong văn quốc ngữ, Nam Phong số 20, février 1919 : " Trước kia quốc văn tức là hán văn, hán văn tức là quốc văn (...), chỉ biết văn thì duy có hán văn mà thôi, mà nôm là lời tục trong dân gian của những kẻ không biết chữ . " (tr. 85) ; (...) vì nôm tức là tục, quá nôm không khỏi tục được. " (tr.91).

Ta không khỏi sửng sốt khi nghe những lời quá đáng như trên về quốc văn của ông chủ bút báo Nam Phong mà chủ ý riêng (là) sự tập- luyện văn quố- ngữ cho thành một nền quốc-văn An-nam. ". Thử hỏi nôm là tục thì văn chương truyện Kiều là tục u ? Nếu quan niệm " hán văn tức là quốc văn " thì thảo nào bài đăng trong Nam Phong không nhan nhản từ ngữ gốc Hán ?

4. Diện mạo quốc ngữ qua một số tác giả, tác phẩm

Xét diện mạo của quốc ngữ qua một số tác giả, tác phẩm của mỗi thời kỳ, ta sẽ thấy những nét như sau.

De Rhodes trong cuốn Dictionarium thế kỷ 17 đặt trọng tâm vào tiếng Việt phổ thông, đại chúng. Trong tác phẩm của mình, ông không hề đưa Hán văn vào. Cuốn Dictionarium của de Rhodes là công trình khai phá về mặt chữ viết cũng như lần đầu tiên đã phác họa diện mạo tiếng Việt với những nét chân phương về âm ngữ, ngữ nghĩa, cú pháp.

Kế đến hai cuốn tự điển của Pierre Pigneaux thế kỷ 18 và của J.L.Taberd thế kỷ 19 đã dành cho chữ Hán một địa vị quan trọng. Tiếng Việt ở hai cuốn sách này đã phải nhường chỗ cho sự có mặt khá nổi bật của chữ Hán. Vả chăng cung cách thực hiện chúng là theo sát quan niệm của hai tác giả : " Phải truyền đạo bằng cách tấn công vào cái tim và cái đầu của xã hội mà ta muốn xâm nhập. Muốn được như vậy phải gây ấn tượng với giới có học, trên mặt khoa học cũng như trên mặt văn hoá. Muốn lôi kéo vào đạo Ki Tô những nhà nho hay những quan chức có thế quyền trong xã hội Đàng Trong, thì phải nhữ họ và chinh phục họ ở lĩnh vực mà họ giỏi. " (xem chương 2, 2.1, sách này).

Tiếng Việt trong sáng tác của ba vị Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký và Huình Tịnh Paulus Của ở buổi đầu chữ quốc ngữ trong Nam, không bị nhuốm đậm màu Hán ngữ như nhóm Nam Phong sau này. Như qua cuốn J.B.-P. Trương Vĩnh Ký, Petit dictionnaire français-annamite, Saigon, Imprimerie de la Mission Tân Định, 1884, ta thấy tác giả không lạm dụng những từ gốc Hán để giải thích các từ tiếng Pháp. Đọc Tập Chuyến đi Bắc-Kì năm Ất-Hợi (1976), ta thấy văn phong tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký rất sáng sủa, gãy gọn, báo trước văn bút ký hiện đại. Còn cuốn Đại-Nam Quốc-Âm Tự-Vị của Huình Tịnh Paulus Của tuy theo lối trình bày trong cuốn Dictionariumcủa Pierre Pingeaux bằng cách đưa chữ tượng hình vào trước chữ quốc ngữ (xem chương 2, 2.1., sách này) nhưng những lời giải thích phần lớn là thuần Việt, có khi là phương ngữ miền Nam. Phương ngữ này hiểu theo Trương Vĩnh Ký (1883, tr.4) là tiếng Việt nói từ tỉnh Quảng Nam đến tận mút ranh giới cực nam Đàng Trong (Basse Cochinchine).

Các nhà nho trong phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục ở đầu thế kỷ 20 nhắm vào việc đả phá tư tưởng lạc hậu của bọn hủ nho, từ bỏ lối học từ chương trong khoa cử, cổ động học quốc ngữ, khoa học kỹ thuật, v.v. Chủ trương rõ ràng là không những đưa chữ quốc ngữ lên làm chữ viết chính thức của nước Việt (Chữ quốc ngữ là hồn trong nước) mà còn tin tưởng vào sức mạnh của tiếng Việt trong việc chuyển tải các tư tưởng mới :

Sách các nước, sách Chi-na
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường

(Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ)

Đường lối hoạt động như vậy nên quốc ngữ trong Quốc văn tập đọc là một thứ tiếng Việt phổ biến, có sức mạnh tuyên truyền dễ đi vào quần chúng. Các tác giả những bài hát trong Quốc văn tuy là khuyết danh nhưng có phần chắc là những nhà mới học chữ quốc ngữ và đến từ những địa phương khác nhau. Do đó có một số viết sai chính tả (xem Vũ Văn Sạch và đtg, 1997, 108-156).

Sau cùng tiếng Việt của nhóm Nam Phong nói chung là một thứ tiếng Việt " cao đẳng ", đậm màu Hán ngữ, với những ưu điểm và nhất là khuyết điểm của nó (xem mục 2 trên đây).

Tưởng cũng nên nhắc đến cuốn Việt-Nam Tự-điển do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo từ 1923 và in năm 1931 do nhà in Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội. Ban biên tập ngoài Phạm Quỳnh còn có Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đổ Thận, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục. Là cuốn từ điển Việt-Việt thứ hai sau cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895-1896) của Paukus Của và Dictionnaire Annamite-Français (1898) của J.-F.-M. Génibrel được dùng làm gốc. Từ ngữ gốc Hán được đưa vào Việt-Nam Tự-điển nhiều hơn ở Đại Nam Quấc Âm vì chủ trương của Phạm Quỳnh là " chữ ta muợn chữ Tàu nhiều, một bộ Việt âm tự điển phải kiêm cả tính cách một bộ Hán Việt tự điển nữa... " (Nam Phong số 74, tr. 112A). Việt-Nam Tự-điển tự nhiên là có sưu tầm những tiếng thuộc phương ngữ miền Bắc và nhất là có phần Văn liệu ở rất nhiều mục từ. Các câu ở phần Văn liệu được lấy từ các tác phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều, Cung Oán, Lục Vân Tiên, v.v. hoặc từ ca dao, tục ngữ, nhắm giải thích hoặc diễn tả cách dùng từ. Tiếng Việt trong Việt-Nam Tự-điển vì thế có màu sắc văn chương hơn.

[ Trang trước ] / [ Trang sau]


Trở Về   ]