Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]

GẶP LẠI BÀI THƠ "THÁP NẮNG"
TRONG THƯ VIỆN

(mạn phép bình lại, khác với nhà thơ Huy Trâm)

Trần Xuân An
Thành thật cảm ơn Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
TXA.

tôi xin trố mắt lặng nhìn
dáng mơ Chiêm nữ xưa in chân trời
bước từ tháp nắng về đời
áo xiêm chói đỏ trên lời hát xa (*)
TXA.

Khi viết về thơ Inrasara (1), tôi không thể không nhắc lại một chút kỉ niệm thơ ca: "Từ những năm còn học trung học, tôi đã đọc thấy ở cuốn sách "Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại" của Huy Trâm một bài thơ có tên là "Tháp nắng" (2). Đó là một trong số không nhiều bài thơ được Huy Trâm tuyển chọn và ca ngợi. Rất tiếc là tôi không còn nhớ tên của thi sĩ tác giả. Nhưng từ đó, mỗi lần trông thấy tháp Chăm ven đường quốc lộ hay nhìn thấy bất kì tấm ảnh tháp Chăm nào, hai chữ "Tháp nắng" đều vang lên trong tôi như vọng âm từ bài thơ ấy. Vì thế, phải nói là tôi xúc động như thể gặp lại một người thương mến cũ, khi đọc thấy tập thơ "Tháp nắng" của Inrasara. Thật ra, hai chữ "Tháp nắng" ấy không phải là một cụm từ độc sáng về mặt cấu tạo từ hay nội dung hàm chứa trong đó, đến nỗi phải chua là chữ của ai...", "Bài thơ của tác giả nào đó trong "Những dòng châu ngọc của thi ca hiện đại" có ngợi ca không, ở mức độ nào, tôi không nhớ rõ. Không ai nhắc lại, ngâm lại, hát lên thành ca khúc nên không ai còn nhớ".

Trong bài viết, đó là một chi tiết không quan trọng, có thể lược bỏ đi, nhưng là một kỉ niệm sách báo đáng yêu trong đời.

Tuần qua, những khi có việc phải đi, tôi đều dừng xe lại ở vài ba tiệm sách cũ, nhưng không tiệm nào có cuốn ấy. Sáng nay, tôi may mắn tìm được tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.. Thế là tôi có thêm một kỉ niệm nữa. Kể ra, đó cũng là một niềm vui nho nhỏ.

Tôi lại đọc thấy một cái tên ít người biết: Châu Liêm. Như đoạn trên, tôi đã viết như một lời xin lỗi, tôi cũng không nhớ nổi tên thi sĩ tác giả "Tháp nắng". Ngay trong lời bình của Huy Trâm về bài thơ "Tháp nắng" đó, ông đã viết ở dòng kết: "Thơ của Châu Liêm dù ít người biết, vẫn là trường thơ điêu luyện vậy" (sđd., tr. 96). Dẫu sao, vẫn là điêu luyện, một từ nhận định không thấp chút nào! Ở đoạn trước, Huy Trâm cũng đã đánh giá cao về bài thơ này: "Ý thơ mạnh, tràn đầy nhựa sống, tuy nhiên đó vẫn chưa phải là yếu tố tạo nên giá trị tuyệt tác của bài thơ. Cái đặc sắc nằm trong phần hình thức. Tôi chưa thấy bài thơ tự do nào, về nhạc điệu, đọc nghe thích thú như bài này. Rõ ràng là thơ tự do mà âm điệu thật dồi dào, phong phú, chỉ đọc vài lần, người ta có thể nhập tâm ngay" (sđd., tr. 95).

Đây, trọn vẹn bài thơ ấy là thế này:

THÁP NẮNG

Châu Liêm

Dừng chân nơi biên cương
Ngút trời nắng lửa
Đá dựng thành trì ngăn đại dương
Lối về bụi đổ
Núi tiếp mây trời xây tháp nắng dặm trường!
Dừng đây sau bóng núi
Dăm kẻ không nhà mơ cố hương
Gạch, đá ngậm ngùi phơi đổ nát
Ngói đỏ giờ ai xây
Như môi cười say tiếng hát
Nơi đây:
Suối độc - Rừng sâu
Nắng trưa ngời khoé mắt
Có người tay đã nâng cao
Tình đằm sương gió
Ánh thép nở hoa bừng lửa đỏ
Tiếng đục dậy lên đường
Tháp nắng rưng rưng ngùi trông bốn phương
Ôi! tháp nắng muôn trùng
Chiều xưa qua đây câu ca trên môi còn rung
Chiều nay qua đây lòng say yêu thương
Tháp nắng lưng trời!
Ôi! lửa sáng đại dương.

(trích tạp chí "Đời mới")


1. Huy Trâm có lẽ cũng chỉ phỏng đoán, khi ông cho rằng, nơi hình tượng người thơ trong bài thơ dừng chân lại chính là "vùng biên giới Lào - Việt, ngay dưới chân rặng Trường Sơn" (sđd., tr. 94). Chẳng qua, do các từ ngữ "biên cương" "đá dựng thành trì ngăn đại dương" nên Huy Trâm nghĩ thế:

Dừng chân nơi biên cương
Ngút trời nắng lửa
Đá dựng thành trì ngăn đại dương
Lối về bụi đổ
Núi tiếp mây trời xây tháp nắng dặm trường!
Là người Việt, chúng ta biết từ chân dãy Trường Sơn phía đông, cho đến bờ biển, cảm giác về không gian là không phải gần, huống chi tại chân Trường Sơn phía tây, nơi biên giới Lào - Việt, liên tưởng về đại dương quả là quá xa xôi như quãng cách địa lí vậy, cho dù "tháp nắng" rất hùng vĩ, cao vút ở lưng trời và cho dù với cách nói phóng đại của thơ ca. Châu Liêm với cảm nhận tinh tế của mình, khi đã trải nghiệm thực tế, không thể phóng đại đến quá mức cho phép. Chính Huy Trâm cũng nhầm lẫn khi viết: "Khung cảnh thiên nhiên khá hùng vĩ với núi cao và biển rộng" (sđd., tr. 94), "giữa cảnh nắng lửa nơi núi cao và biển rộng ấy..." (sđd., tr. 95). Thực ra, vùng biên giới Lào - Việt không phải là "nơi núi cao và biển rộng" mà chỉ có núi rừng tiếp núi rừng mà thôi. Hai câu ở đoạn giữa và hai câu kết lại càng rõ, điểm dừng chân phải là một nơi hội tụ cả biển, núi và biên giới, như Kiên Giang (biên giới Việt - Cam-pu-chia) hay Quảng Ninh (biên giới Việt - Trung):
Nơi đây:
Suối độc - Rừng sâu...
... Tháp nắng lưng trời!
Ôi! lửa sáng đại dương!
Nơi có thể thấy "tháp nắng lưng trời" phản chiếu trên mặt biển thành "lửa sáng đại dương", như Huy Trâm bình thơ (sđd., tr. 97), phải là nơi rất gần biển. Do đó, lại càng không thể là biên giới Lào - Việt như Huy Trâm sơ suất!

Trên đây, tôi đã bình lại với hướng tiếp cận theo phương cách tả thực.

Với hướng tiếp cận theo phương cách nhìn nhận văn bản bài thơ có sử dụng thủ pháp tượng trưng, người đọc có thể nghĩ đó không phải là khung cảnh thực, mà khung cảnh thực được phóng chiếu bởi tâm cảnh hoài nhớ cố hương. Nguyễn Du từng viết: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu", với ý nghĩa mọi cảnh tượng khách quan đều được phóng chiếu bằng tâm cảnh chủ quan của chủ thể. "Dăm kẻ không nhà mơ cố hương" hẳn là một nhóm dăm người thợ đang trĩu nặng hình ảnh Phan Rang (Panduranga) trong tâm thức. Chính trong những năm còn là học sinh trung học, tôi đã cảm nhận theo hướng này.

2. Ở một vài chi tiết khác, Huy Trâm còn cho hình tượng trung tâm của bài thơ là "đoàn người" với "cảnh tượng súng, gươm sáng loá đi giữa nắng trưa hừng hực". Có lẽ cần phải xác định chăng, nếu thế, đoàn người ấy cũng chỉ "dăm kẻ", vì Châu Liêm đã viết rõ:

Dừng đây sau bóng núi
Dăm kẻ không nhà mơ cố hương
Đó cũng không phải là đoàn quân xưa có súng và có cả gươm. Xin đọc kĩ đoạn này:
Nơi đây:
Suối độc - Rừng sâu
Nắng trưa ngời khoé mắt
Có người tay đã nâng cao
Tình đằm sương gió
Ánh thép nở hoa bừng lửa đỏ
Tiếng đục dậy lên đường
Đó chỉ là "dăm kẻ", một nhóm kiểm lâm chẳng hạn, phải chăng đang dừng lại ở một nơi đang được dọn dẹp những gạch đá ngói vữa đổ nát hay đang khai thác đá núi? Không. Có thể cảm nhận: Tác giả, nhà thơ Châu Liêm, người đang dừng lại chốn ấy, "sau bóng núi", một mình ông thôi, ông đang gặp những người thợ -- "dăm kẻ không nhà mơ cố hương" (3). Mặc dù lòng đã "đằm" lại bởi "sương gió" nếm trải, cánh tay những người thợ vẫn "nâng cao" xà beng, búa và dùi, nên "ánh thép nở hoa bừng lửa đỏ", "tiếng đục [vang] dậy" cả núi rừng, nhắc nhở tác giả "lên đường" (4) sau phút những người thợ giải lao giữa buổi. Chính hai chữ"tiếng đục"[đục đẽo](5) quyết định nghĩa của đoạn thơ vừa trích.

Với hướng tiếp cận theo phương cách sử dụng thủ pháp tượng trưng, người đọc cũng có thể cảm nhận về khung cảnh trùng tu tháp cổ ở Phan Rang hay nơi nào đó đã hoang vu đến mức trở thành nơi "suối độc - rừng sâu".

Tuy vậy, những chi tiết trên cũng chỉ là những hình ảnh phụ. Mặc dù là phụ, nhưng có lẽ cũng cần xác định rõ để khỏi hiểu lệch một cách đáng tiếc, có khi dẫn đến bỏ phí cả bài thơ.

3. Hình tượng trung tâm của bài thơ vẫn là"Tháp nắng" (5). Huy Trâm đã viết: "Chữ "Tháp nắng" dùng làm đề bài ngụ ý chỉ một tảng mây to lớn, sáng loá đầy ánh nắng hạ, đứng sừng sững ngang trời như một cái tháp" (sđd., tr. 94). Theo ông, đó không phải là cái tháp có thực.

Núi tiếp mây trời xây tháp nắng dặm trường!...

... Tháp nắng rưng rưng ngùi trông bốn phương
Ôi! tháp nắng muôn trùng
Chiều xưa qua đây câu ca trên môi còn rung
Chiều nay qua đây lòng say yêu thương
Tháp nắng lưng trời!
Ôi! lửa sáng đại dương.

Quả là như vậy, cảm nhận của Huy Trâm đã rất tinh tế ở điểm này, bởi lẽ, cho đến nay, hình như chưa có phát hiện nào cho biết là từng có tháp Chăm tại một nơi hội tụ cả biển, núi và biên cương của đất nước ta, như Kiên Giang hay Quảng Ninh chẳng hạn. Theo Huy Trâm, như đã nói, đó chỉ là những khối mây tụ nắng thành hình tháp. Nhưng cũng có thể hiểu khác đi. Những nơi như vậy, đúng là không có tháp Chăm; may chăng là chỉ có tháp chùa Phật giáo với cả khối sáng loà, được xây dựng trên đỉnh đồi, đỉnh núi. Ngày xưa cũng như ngày nay, có một số ngôi chùa được xây dựng xa cách với phố thị, xóm làng, để đạo hữu có dịp tìm đến những nơi thanh tịnh. Còn Thiên Chúa giáo chỉ xây lầu chuông, chứ không xây tháp. Lầu chuông của họ thường không xây kín. Giáo đường Thiên Chúa giáo cũng không xây trên đồi, núi, mà tuyệt đối "nhập thế", xây ngay giữa xóm làng, phố thị. Nghĩ cho cùng là vậy. Tuy nhiên, hai chữ "Tháp nắng" trong câu thơ "Núi tiếp mây trời xây tháp nắng dặm trường!" vẫn cho ta một nghĩa duy nhất: Tháp Chăm, Tháp Chàm, Tháp ở Xứ Nắng Phan Rang (Panduranga). Tại sao như thế? Vâng, núi tiếp mây trời như xây tháp nắng, những tháp nắng dọc theo dặm trường quốc lộ, đặc trưng nhất là ở Phan Rang (5). "Tháp nắng" chỉ một nghĩa nhưng câu thơ gợi cho người đọc nhiều liên tưởng...

Trong chừng mức nào đó, người đọc cũng có thể hình dung ra tâm cảnh của tác giả -- một tâm cảnh đang nhập thân với nhóm người thợ có quê quán Phan Rang. Tác giả và họ đang nhìn thấy ảo ảnh Tháp Chăm rực nắng đang phóng chiếu trên nền trời chiều ở một nơi xa cách quê nhà. Và điều có thể đồng thời thấy được: nỗi nhớ Phan Rang vẫn không bi luỵ, thống thiết.

4. Huy Trâm rất chú trọng đến nhạc tính của bài "Tháp nắng" này. Xin trích lại: "Ý thơ mạnh, tràn đầy nhựa sống, tuy nhiên đó vẫn chưa phải là yếu tố tạo nên giá trị tuyệt tác của bài thơ. Cái đặc sắc nằm trong phần hình thức. Tôi chưa thấy bài thơ tự do nào, về nhạc điệu, đọc nghe thích thú như bài này. Rõ ràng là thơ tự do mà âm điệu thật dồi dào, phong phú, chỉ đọc vài lần, người ta có thể nhập tâm ngay" (sđd., tr. 95).

5. Tuy vậy, mọi cảm nhận thơ ca hay bất kì tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều là tiếp nhận đồng sáng tạo, miễn sự đồng sáng tạo ấy phải tuân thủ nguyên tắc tối thiểu và căn bản nhất là không thoát li văn bản. Người chọn công việc bình thơ là sự nghiệp chính của mình cũng vậy.

Châu Liêm nhìn cảnh rừng và thấy trên nền trời chiều hình ảnh "Tháp nắng" chói loà, hùng vĩ Điều ấy đã thành văn bản thơ. Từ thực thể văn bản đó, Huy Trâm cũng có cách cảm nhận đồng sáng tạo của riêng ông (có thể ông sai lạc chút ít).

Cũng bài thơ ấy, tôi lại thấy "tháp" và "nắng" trong bài thơ của Châu Liêm chính là hình ảnh biểu tượng của Phan Rang, mảnh đất cuối cùng của vương quốc Champa và là nơi ít mưa nhất nước, vùng đất đặc trưng về tháp và nắng (có thể tôi đã chủ quan khi đồng nhất Tháp nắng với Tháp Chăm - Phan Rang?) (5).

Đối với các hình ảnh phụ kể trên, cũng thế.

Tất cả đều là cảm nhận có tính thơ ca với tri kiến (địa lí, lịch sử...) chứa đựng trong thẩm thức của mỗi cá nhân.

Dẫu sao, cũng vẫn có một cách tiếp nhận "Tháp nắng" của Châu Liêm được nhiều người tán đồng nhất, đặc biệt là đối với một tác giả như Châu Liêm, cho đến nay những thông tin về Châu Liêm, nhất là hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Tháp nắng" là hoàn toàn không có -- một trường hợp rất dễ gặp phải những suy diễn sai lạc (6).

Tôi không chủ quan cho rằng tôi đã cảm nhận đúng, khi những dữ liệu cần thiết quanh bài "Tháp nắng" như đã nói là không có gì trên bàn viết.

Mặt khác, có thể tác giả Châu Liêm cũng không ngờ rằng văn bản tác phẩm "Tháp nắng" của mình lại chứa đựng những ý tưởng mà khi viết, Châu Liêm cũng không nghĩ đến. Trong mối quan hệ hiện thực - thời đại - tác giả - tác phẩm - các thế hệ người đọc, đó là một việc không có gì lạ (7). Dĩ nhiên, nếu càng đầy đủ dữ liệu, sự cảm nhận tác phẩm có thể sẽ gần với thực chất hơn.

Sau 37 năm, gặp lại trọn vẹn văn bản bài thơ "Tháp nắng" trong thư viện, tôi chỉ được lại một điều, ấy là nhớ lại tên của nhà thơ Châu Liêm, một nhà thơ ít người biết đến. Những gì tôi viết bên trên, chỉ là cảm nhận của tuổi học trò trung học.

Trần Xuân An
Viết từ khoảng 15:00 đến 18:42, ngày 17-9 HB9 (2009)
Chỉnh sửa dăm câu chữ: 18-9 HB9
____________________________

(*)Trần Xuân An, tập "Kẻ bị ném vào bão", bài "một-đi-không-trở-lại và ảnh ảo", Nxb. Trẻ 1995, tr. 12.

(1) Trần Xuân An, "Inrasara làm sáng tên năm đoá hoa champa của riêng anh" (hay "Inrasara, và hành trình thơ..."). Đầu đề thứ hai do Phong Điệp Net đặt.

(2) Huy Trâm, "Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại [1933-1963]", Nxb. Sáng, Sài Gòn - 1969, 225 tr. (kể cả 2 tr. đính chính): Châu Liêm, bài "Tháp nắng", và lời bình của Huy Trâm, tr. 93-96.

(3) Cũng có thể cảm nhận: Tác giả gặp một nhóm người ("dăm kẻ không nhà mơ cố hương"),"sau bóng núi". Họ chính là những người chủ nhà đã trở thành "không nhà" vì nhà cửa của họ đang bị đổ nát, và đang được phục hồi, xây dựng mới: "Gạch, đá ngậm ngùi phơi đổ nát / Ngói đỏ giờ ai xây / Như môi cười say tiếng hát". Và tâm cảnh trong bài thơ chủ yếu là tâm cảnh của chính tác giả mà thôi.

(4) Cũng có thể hiểu, nếu không có dấu phẩy ("Tiếng đục dậy lên đường", chứ không phải: "Tiếng đục dậy, lên đường"): Tiếng đục đá làm dậy lên mặt đường (?). Và "Tháp nắng rưng rưng ngùi trông bốn phương" vì quang cảnh nay đã khác rồi...

(5) Nhấn mạnh: Tôi in đậm hai cụm từ, theo tôi là nhãn tự của bài thơ: "tiếng đục" [đục đẽo], "tháp nắng", và cũng in đậm mệnh đề "đặc trưng nhất là ở Phan Rang" (trước đây cũng như hiện nay, người ta gọi Phan Rang là xứ Tháp Nắng).

(6) Tạp chí Thơ, ấn hành tại Hà Nội, số tháng 10-2008, có đăng bài của Châu Liêm Nguyễn Xuân Thiệp. Có phải Châu Liêm Nguyễn Xuân Thiệp chính là tác giả Châu Liêm của bài thơ "Tháp nắng" trên?

(7) Xem thêm: Trần Xuân An, "Một vài yếu tố trong sáng tạo và tiếp-nhận-đồng-sáng-tạo", Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM., số 9/98, 02-4 - 08-4-1998, Tạp chí Cửa Việt, số 42 (03-1998), in trong: Trần Xuân An, "Ngẫu hứng đọc thơ", Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 182-183.



  Trở Về   ]