Đã
khá lâu, từ thời mới vào trường trung học, ta đã học
văn phạm. Và vì đã khá lâu nên đến nay ta ngờ ngợ giữa
liên từ và giới từ, giữa từ và chữ... Ta thử ôn lại
ẩn dụ và hoán dụ. Ví dụ khi ta viết: "Chiến tranh giáng
xuống một cơn giông bão thời cuộc". Ta đã so sánh chiến
tranh với cơn giông bão, sự so sánh không cần liên từ "như"
làm trung gian đứng ở giữa. Đó là một ẩn dụ, một so
sánh tương đương. Còn như khi ta viết "chiến tranh, cơn khói
lửa" hay "cơn đao binh", thì khói lửa hay đao binh chỉ là một
phần của chiến tranh, một sự so sánh không phải tương đồng.
Đó là một hoán dụ.Vậy hoán dụ là sự so sánh do tương
quan kết hợp. (Xin xem phần mỹ từ pháp trong cuốn "Việt
Nam Văn Phạm" của Trần Trọng Kim, và phần tu từ pháp trong
cuốn "Cấu Trúc Thơ" của Thụy Khuê). Ẩn dụ hay hoán dụ
có thể chỉ ở vài từ, mà có khi gồm trọn bài thơ hay cả
một tập truyện. Trọn bài thơ "Thề Non Nước" của Tản
Đà, truyện "Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời" của Mai
Thảo, đều là những ẩn dụ. Ta cần lưu ý ẩn dụ và nhân
cách hóa, vì cả hai thường đứng cận kề nhau. Ví dụ
"Hoa
đào năm ngoái còn cười gió đông" (Nguyễn Du). Hoa đào
là ẩn dụ, so sánh với người đẹp. Nhưng "hoa đào cười"
là nhân cách hóa, coi sự vật sinh hoạt như con người.
Ta
cũng nên phân biệt ẩn dụ thường và ẩn dụ mỹ cảm. "Ẩn
dụ thường" chỉ dùng để tránh điệp ngữ, nghĩa là dùng
một sự so sánh để tránh lặp lại những từ đã dùng nhiều
lần. "Ẩn dụ mỹ cảm" cần thiết cho thơ. Ẩn dụ mỹ cảm
cần phải sáng tạo riêng, đừng lặp lại của người khác
để tránh khuôn sáo. Khi đặt vấn đề thơ phải tận dụng
ngôn ngữ văn chương (vì cảm hứng về đề tài khoa học)
thì ẩn dụ mỹ cảm sẽ đóng vai trò chính. Ví dụ khi ta
viết về đề tài những thiên thể vĩ đại có trọng-lực
hút lẫn nhau. Thiên thể vĩ đại hơn hết trong vũ trụ là
các Thiên-hà. Ngân-hà cũng là một Thiên-hà, có tên riêng
như vậy vì chi-chít sao của nó trông xa giống như một con
sông bạc màu sữa ngà. Các Thiên-hà khác cũng chi-chít tinh
tú, nhưng ở quá xa nên ta không thể thấy được bằng mắt
thường. Các Thiên-hà tụ thành do hàng tỉ tinh tú, và những
khối hàng tỉ tinh tú ấy quay quần như từng hòn đảo riêng
và phân bố rải rác trong vũ trụ rất xa nhau, nhưng đôi khi
có hai khối lại tao ngộ chỉ cách nhau một hay hai triệu năm-ánh-sáng.
Khoảng cách ấy kể như rất gần đối với vũ trụ bao la
vô tận. Gần kề, nên trọng-lực hai Thiên hà hút nhau, nhưng
đồng thời lại bị sức giãn nở sau trận Big Bang làm cho
tất cả đều bị trôi giạt ra ngoài rìa vũ trụ. Ta so sánh
điều này như một đôi-lứa keo-sơn, gắn bó cùng đi trên
chuyến-tàu-thời-gian, cứ đi mãi cho đến tàn cuộc đời.
Thiển nghĩ đây là một ẩn dụ mỹ cảm do diễn tả bằng
biểu tượng có chất thơ. Cố công thi-hóa những khám phá
vật lý vũ trụ, người viết bài này đã đôi lần thử-nghiệm
sáng tác, xin giới thiệu bài thơ dưới đây (những bài thơ
khác cùng loại, đã tuyển chọn lại, trong http://www.tranvannam.com):
Đỉnh
núi xanh với Viễn-vọng-đài
Khiến
trời bí ẩn đã cung khai
Ngân-hà
không phải nơi cùng tận
Còn
rải rác trời dấu nhạt phai.
Những
đốm mờ mờ như bụi hơi
Bấy
lâu tưởng ở cùng bầu trời
Mà
bao nhiêu triệu quang-niên cách
Những
đảo Thiên-hà tụ lẻ loi.
Từng
đốm Thiên-hà một cõi nơi
Có
khi tao ngộ, hút song đôi
Mỗi
giây vạn dặm gần nhau lại
Vài
tỉ năm là xáp nhập thôi.
Hấp-lực
quần nhau riêng biệt phương
Khi
vòng ngoài, vũ trụ phình trương
Khởi
từ Trận Nổ rồi lan rộng
Những
đảo-trời trôi giạt thảm thương!
Cục-bộ
giao-tình hút-kéo-lôi
Mà
miên-trường, tất cả cùng trôi
Như
hai hệ-lụy đời chung kiếp
Trên
chuyến-thời-gian bất phục hồi.
(Bài
thơ: Ghì Nhau Khi Trôi Giạt - Tạp chí VĂN, bộ
mới, số 2, năm 1997 - California)
Rất
may mắn (vì thật hiếm hoi) khi tìm được một bài thơ ẩn
dụ mỹ cảm rất sát với vấn đề đang bàn tới: bài thơ
của thi sĩ John Updike cảm hứng về những tia vật chất tàng
hình trong vũ trụ. Khoa học gọi là Dark Matter (chất tối),
đó là loại vật chất (có thể là những hạt vô cùng nhỏ,
có thể là những thiên thể vô cùng vĩ đại) mà khoa học
chưa thể dùng viễn-vọng-kính mặt gương để thâu nhận
hình ảnh vì nó không phát ra ánh sáng. Nó cũng không phát
ra những tia vũ trụ khác để thâu nhận hình ảnh qua vô tuyến
viễn vọng (Radio-telescope), hồng-ngoại-viễn-vọng (Infrared-telescope),
cực-tím-viễn-vọng (Ultraviolet-telescope), quang-tuyến-viễn-vọng
(X-Ray-telescope). Vì vậy nó là vật chất tàng hình. Tàng hình
nhưng nó lại chi phối sự vận hành trong vũ trụ, có tới
90% vật chất trong vũ trụ là tàng hình. Nếu không có 90%
vật chất đó thì vũ trụ (bao gồm những-thấy-được bằng
viễn vọng kính mặt gương nắm bắt ánh sáng; và những-thấy-được
bằng các loại viễn vọng nắm bắt tia vũ trụ); tất cả
gọi là vũ trụ đó vẫn không đủ trọng lực để hãm bớt
đà bành trướng giãn nở sau trận Big Bang. Một trong những
thứ vật chất tàng hình là trùng trùng lớp lớp hạt Neutrinos.
Chúng đang đi xuyên qua thân thể con người, xuyên qua cả Trái
Đất, chỉ có thể đặt các máy dò tìm chúng ở dưới đáy
biển sâu, hoặc dưới các hầm mỏ thăm thẳm trong lòng đất.
Một đoạn trong bài thơ như dưới đây:
Những
hạt Neutrinos vô cùng nhỏ
Chúng
không có điện tính,
cũng
không có sức nặng
Và
không kết hợp với bất cứ chất gì khác
Trái
Đất đối với chúng
chỉ
là một khối cầu mềm
Giản
dị, bởi vì chúng đi xuyên qua
...
Từ
không gian đến,
chúng
là những máy chém không đau
Đi
xuyên qua đầu ta xuống đến đồng cỏ
Ban
đêm, chúng đến xứ Nepal
Đâm
sâu qua thân thể hai kẻ đang yêu
Xuyên
lên từ phía dưới giường của họ
(Vì
chúng qua từ hướng bên kia Trái Đất)
Bạn
gọi đó là một điều kỳ diệu
Còn
tôi cho là một sự xâm nhập thô lỗ
(Neutrinos,
they are very small
And
do not interact at all
The
earth is just a silly ball
To
them, through which they simply pass
...
And
painless guillotines, they fall
Down
through our heads into the grass
At
night, they enter at Nepal
And
pierce the lover and his lass
From
underneath the bed - you call
it
wonderful; I call it crass.
(Trích
trong bài thơ
Cosmic Gall của John Updike)
Một
vấn đề khoa học, một khám phá kỳ diệu về vật chất,
lại được diễn tả bằng hình ảnh rất gần với nhân sinh,
gần với thế gian phàm tục, khác với khoa học viễn tưởng
của ngành vật lý lý thuyết. Vật lý lý thuyết gần kề
với truyện khoa học giả tưởng, nhưng tưởng tượng của
nhà bác học dựa vào các phương trình toán học cao cấp;
không phải hoàn toàn giả tưởng. Thuyết tương đối của
Einstein, Baby Universes được hình thành sau khi các Black Holes
tiêu thụ vật chất của vũ trụ này (do Stephen Hawking nghĩ
ra); wormholes (lỗ con sâu) tức là những đường hầm thông
qua các vũ trụ thuộc kích thước thứ tư thứ năm... đều
là những vấn đề của Vật Lý Lý Thuyết (Theoretical Physics).
Đây là một bài thơ viễn tưởng cảm hứng từ vật lý lý
thuyết:
Có
một cô nàng tên là Hào Quang
Nàng
đi mau hơn tốc độ ánh sáng
Nàng
đi trong một ngày, đi vào lẽ Tương Đối
Trở
về khởi điểm trước lúc khởi hành.
(Xin dịch
thoát câu cuối cho dễ hiểu điều nghịch-lý thời-gian trong
Thuyết Tương Đối)
(There
was a lady named Bright
Who
traveled much faster than light.
She
departed one day in a Relative Way
And
returned in the previous night)
(Tác
giả:
A.H.R. Buller)
Dựa
vào vật lý lý thuyết hay dựa vào những khám phá vật lý
vũ trụ mà viết thành truyện hoang đường thì đó là văn
chương khoa học giả tưởng. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn với
tập truyện "Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn" (xuất bản
1960 tại Sài Gòn) dựa vào thuyết tương đối của Einstein.
Truyện con người đi với tốc độ ánh sáng làm thời gian
chậm lại mà trở về thế kỷ 18, trở lại Thăng Long vào
năm vua Quang Trung lâm bệnh nặng, cứu sống nhà vua để hoàn
tất phần lịch sử đã bỏ dở do cái chết lúc còn quá trẻ
của ngài: "Một lít huyết thanh khô đóng bánh ở ngân hàng
máu thành phố Nữu Ước, được Khang cho pha loãng trở lại
và chảy dần dần vào huyết quản vị anh hùng Tây Sơn"
(trang 222, sách đã dẫn). Cũng như loạt phim khoa học giả
tưởng "Star Trek" đã dựa vào những khám phá mới đây của
vật lý vũ trụ, qua phân tích của giáo sư thiên văn Lawrence
Krauss của trường đại học "Case Western Reserve University",
rất rõ ràng dễ hiểu trong chương 9 của cuốn "The Physics
of Star Trek", xuất bản năm 1995 tại Hoa Kỳ (New York).
TRẦN
VĂN NAM
(Kèm
theo dưới đây là 9 bài thơ với đề-tài vật-lý vũ-trụ)
|