Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Nhạc sĩ Phạm Duy đổi lời 
rất đạt ý thơ khi phổ nhạc

Trần Văn Nam

 
Bài thơ đầu tiên của tôi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, bài "Tình Như Biển Xanh Muôn Thuở". ( Bài này đã đăng trong giai phẩm xuân tuần san Dân Chúng của thi sĩ Nguyên Sa, số mùa xuân Kỷ Tỵ 1989). Đây là bài thơ tình viết về những cặp trai gái được cho tạm trú trên bơong tàu bỏ neo ở ngoài khơi biển Thái Lan; họ sống thần tiên với cảnh trời biển mênh mông trong 20 ngày. Nhạc sĩ có sửa một đôi lời trong vài câu thơ cho hợp với nốt nhạc; và cũng có thể nhạc sĩ sửa cho câu thơ đẹp hơn, hoặc có thể do đọc lầm. Ví dụ chữ "lều" thành ra "lầu": Khuya sáng trăng, vải lầu bay phất phới. Tuy đẹp, thấy như từ ngoài khơi nhìn vào thành phố, nhưng lại không đúng với quang cảnh lênh đênh ngoài biển của chúng tôi lúc đó: Thuyền ra đi của chúng tôi xuất phát từ cửa sông Cái Bé Rạch Giá ngày 20 tháng 4 năm 1981, ba ngày sau bị cháy máy, may mắn giạt vào giàn khoan dầu của Mỹ tại hải phận Thái Lan. Chúng tôi được vớt và cho tạm trú trên tàu hàng hải Thái Lan đang có công tác dịch vụ cho giàn khoan dầu, thường trực bỏ neo gần đó. Chúng tôi đã ở trên biển hơn nửa tháng, vì chính phủ Thái Lan chưa cho phép nhập cảnh. Những đêm sáng trăng, chúng tôi thấy vải lều tạm trú trên boong tàu bay phất phới, không thể thấy vải lầu thành phố Thái Lan còn cách xa hàng trăm hải lý. Chúng tôi đã phải chịu đựng cái nóng hừng hực trên boong tàu trong 20 ngày, sợ nhất khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Chúng tôi tìm bóng mát phía sau chỗ có ống khói và có phòng chỉ huy con tàu ở vị trí nhô lên cao trên boong. Đẹp nhất là lúc rạng đông đến 9 giờ sáng, biển phẳng lặng êm ru vì đang ở vào lúc cuối xuân mà thành-ngữ ta thường nói: "Tháng ba bà già đi biển". Thỉnh thoảng, không phải là hiếm khi, những bầy cá heo hụp lặn đi ngang hoặc hướng về chân trời, và sát bên tàu nước trong xanh có những con cá hồng khá lớn lượn lờ ngoạn mục mà đôi khi cũng bị dính mồi do thủy thủ Thái Lan câu được. Hạnh phúc thay, cứ đôi ba ngày lại được tàu Hòa Lan cung cấp nước uống đến từ Singapore do có hợp đồng với giàn khoan dầu Mỹ giữa vịnhThái Lan, thường cũng dồi dào có thể tắm mát. Tàu Hòa Lan một lần ngỏ ý muốn giới thiệu cho chúng tôi qua định cư ở Hòa Lan, nếu Thái Lan từ chối tiếp nhận. Thời gian ấy, nghe đâu phu nhân của đại sứ Hòa Lan ở Thái Lan là một phụ nữ người Việt, chắc do đây mà tàu Hòa Lan này rất tử tế với chúng tôi.Và ban đêm dĩ nhiên rất mát. Chỉ bị ướt sũng những khi mưa trút nước lên những lều vải trên boong, nhưng còn nhiều hạnh phúc hơn ban ngày lúc giữa trưa. Những hạnh ngộ ấy: bầy cá heo đi về hướng bao la; những đàn cá hồng di chuyển dưới đáy sâu; những đêm trăng quá huyền ảo khiến mọi người quay quần đến thật khuya; những đêm mưa không còn chỗ nào có thể trú mưa; những khi tàu đem nước ngọt xuất hiện từ chân mây... làm sao không có nhắc đến nơi bài thơ của một người trong cuộc. Bốn gặp gỡ trên biển đã hiển hiện giữa dòng nhạc, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy bỏ sót sự kiện thứ năm là tàu cung cấp nước ngọt mà đối với người trong cuộc lại là điều đáng nhắc nhở hơn hết:

... Những đêm boong tàu mền ướt gió mưa
Những khuya sáng trăng vải lều phất phới

... Vẫn bầy cá heo ngụp lặn mịt mùng
Vẫn nước xanh con cá hồng di chuyển

... Tàu nước ngọt dăm ba ngày một chuyến
Đến từ bờ tiếp tế người chờ mong
Vào đất liền, ai nấy đều ngóng trông
Nhưng đôi kẻ thích tình nơi boong gió...

Bản nhạc phổ thơ thứ hai với nhan đề "Một Khắc Bay Chơi" gồm ba bài thơ lục bát ngắn góp lại thành một bài dài vì ý thơ tương tự; cả ba bài thơ đó đã đăng trong tạp chí Văn, bộ cũ, ấn hành ở Nam California. Nguyên văn như sau:

MÁI NHÀ LÀ NÚI MƯA

Mấy ngày bão rớt ngoài rèm
Mái nhà lân cận, nửa chìm trong mưa
Nửa nghiêng làm bóng núi mờ
Làm triền mưa trắng, giấc hồ hải thân
Trùm chăn, nhẹ bước phiêu bồng
Bởi đời vương lụy, mình gần giấc mơ.

HÀNG CÂY

Con đường cây cọ thân cao
Xa giăng mường tượng hàng cau quê mình
Vang vang, phố xá rập rình
Quên đi, sống với lưng chừng hàng cây
Thân trời mắc võng mây bay
Ngọn xa gọi bóng nhạn bầy ngao du
Mình nghe ràng buộc cơ cầu
Giấc mơ giao cảm hạc lầu cổ nhân.

BAY QUANH HÈ

Nghe hoài những tiếng rụng khô
Hàng phong cành trống trời lờ lững qua
Lá bay tù túng quanh nhà
Lăn đâu rồi cũng góc hè giam thân
Ai buồn lẩn quẩn tháng năm
Đọc chơi Trang Tử đại bằng về mây.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã rút gọn đoạn đầu và đoạn cuối. Theo tôi, có hai câu nhạc sĩ đổi vài chữ thật đạt ý hơn thơ của mình: Hai câu thơ "Lá bay tù túng quanh nhà/ Lăn đâu rồi cũng góc hè giam thân" được đổi thành "Làm cho bay lá quanh nhà/ Dù lăn đâu nữa, lá ơi, cũng là giam thân". Hai chữ "lá ơi" thêm vào đã đồng hóa thân mật người và chiếc lá bay tù túng. Khi tôi viết "Đọc chơi Trang Tử" thì không được trang trọng như "Đọc người Trang Tử". Đọc chơi có nghĩa chỉ đồng cảm với vài ý tưởng viễn mơ thoát ly qua bốn chương có nhiều văn ảnh đậm đặc chất thơ, như các chương: Tiêu Dao Du, Tề Vật Luận, Dưỡng Sinh Chủ, Đức Sung Phù. Vậy đọc chơi, theo ý riêng của người làm thơ, không phải là đọc hết và thấm nhuần triết lý Trang Tử trong 33 chương của tác phẩm Nam Hoa Kinh. (Xin nghe bản nhạc phổ thơ "Một Khắc Bay Chơi" trong "Youtube Music"ở tiêu-đề "mot khac bay choi tran van nam"; cùng lúc với bài hát"Nhạc Và Truyện" (Nhạc Vĩnh Điện, Thơ Trần Văn Nam) cũng trên "Youtube Music" ở tiêu-đề "nhac va truyen tran van nam").

TRẦN VĂN NAM
City of Walnut, California.
Để nghe :
- Bản "Nhạc Và Truyện", xin click vào LINK này: http://www.youtube.com/watch?v=lAE8rSKX0_k
- Bản "Một Khắc Bay Chơi", xin click vào LINK này:  http://www.youtube.com/watch?v=1Z42_IiHULw