Chúng thủy
giai Đông tẩu
Đà Giang độc Bắc
lưu
(Mọi con sông đều
chảy về hướng Đông
Chỉ có Đà Giang
chảy về hướng Bắc)
(Không rõ tác giả)
Tác giả làm các câu thơ
trên hẳn chỉ giới hạn cho các con sông tại Bắc Việt mà
thôi, vì trên thế giới cũng có những con sông chảy về hướng
Tây, hướng Nam, hay hướng Bắc như con sông Đà. Đà Giang
khởi nguồn phía Tây thuộc tỉnh Vân Nam bên Trung Hoa, rồi
chảy suốt một chiều rất dài về hướng Đông, gần như
song song với sông Hồng. Nhưng khi đến vùng Hòa Bình-Phú Thọ-Hà
Tây, nơi bao gồm các núi cao cấu tạo bằng loại đá phun
trào rất cứng, trong đó có hai đỉnh cao khoảng 1200 mét là
núi Ba Vì (còn gọi là núi Tản Viên) và núi Viên Nam, nên
nước sông Đà bị chận lại, không thể tiếp tục xuôi về
hướng Đông mà phải quặt lên phía Bắc, rồi hợp lưu với
sông Hồng tại Việt Trì. Vậy Đà Giang chỉ có khoảng sông
từ Hoà Bình đến Việt Trì mới là "Bắc lưu", còn phần
lớn sông Đà cũng "Đông tẩu" như sông Hồng. Nước đang
chảy dũng mãnh, nhất là vào mùa mưa, mà bị vùng núi cứng
chận lại thì làm cao không xảy ra trận chiến giữa núi và
nước. Trận chiến vào mùa lũ này đã xảy ra hàng chục triệu
năm trước, ngày nay vẫn còn, cao điểm là ngày 13 tháng 7
âm lịch tại ngã ba hợp lưu sông Đà và sông Hồng (tả ngạn
là xã Tam Nông tỉnh Phú Thọ, và hữu ngạn thuộc huyện Ba
Vì tỉnh Hà Tây). Khi định cư ở đây độ ba bốn ngàn năm
trước thì người xưa mới bắt đầu đặt ra truyền thuyết
trận chiến giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh để nói về hiện
tượng do hậu quả đột ngột đổi hướng của con sông Đà;
và cơn thịnh nộ cũng dần dần dịu bớt sau hàng chục triệu
năm trải qua. Đập thủy điện Hoà Bình đã điều hoà mực
nước gây lũ lụt tại đây và đem lại lợi ích về điện
nước cho vùng đồng bằng trải rộng chung quanh đỉnh Ba Vì
và Viên Nam ấy. Nhưng sông Đà rất dài phía thượng nguồn
từ biên giới Vân Nam đến Hoà Bình, khoảng sông đó còn
quá hung hãn vào muà mưa lũ, nên đang có công trình xây dựng
đập thủy điện Sơn La vĩ đại. Nó sẽ làm chìm ngập những
làng mạc định cư của các dân tộc Thái, Tày, Mán, Mèo,
Hmông... và cuộc tái định cư cho họ cũng vô cùng lớn lao.
Người Thái sẽ giữ nguyên mồ mả của tổ tiên họ chìm
ngập dưới nước sâu, chỉ đánh dấu địa điểm để hàng
năm đến tưởng niệm. Còn người Xá thời xa xưa đã từng
có giải pháp đưa quan tài của người chết quàn chơ vơ trên
những hang động và vách núi cao, khi họ bị người Thái đến
xâm chiếm vùng định cư. Gửi quan tài tổ tiên trên hang động
xong, tất cả người Xá đã bỏ đi, không biết ngày nay hậu
duệ xiêu lạc đến phương nào. Đó là chuyện lâu lắm rồi.
Ngày nay, vì đập thủy điện Sơn La mà nước sông Đà dâng
lên khúc sông dài phía trên đập, trong đó có vùng núi Nậm
Ma gần thị xã Lai Châu. Sở dĩ vùng này làm ta chú ý vì nơi
đó có một vách núi ghi bút tích của vua Lê Lợi, khi nhà
vua thân chinh lên đây để đánh giẹp giặc Đèo Cát Hán,
và khắc vào đá bài thơ để xác nhận chủ quyền, ghi tháng
năm như sau: Đề thơ khắc lên núi trấn giữ phía Tây nước
Việt ta - Tháng Chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1 năm 1432).
Bút tích trên vách đá này sẽ bị chìm ngập, nên đang có
dự định đưa nguyên khối núi lên cao, như trước đây đã
từng đưa bút tích khác cũng trên đá của vua Lê Lợi, nay
bút tích này lưu giữ trong viện bảo tàng tỉnh Hòa Bình.
(Xin xem DVD Khám Phá Sông Đà do Thế Giới Ngày Nay sản xuất).
Thuyền nhỏ
sông lam yểu điệu về
Cỏ chen màu liễu
biếc chân đê
Tình xuân ai chở
đầy khoang ấy
Hương sắc thanh bình
ngập lối quê.
(Vũ Hoàng Chương,
trong bài thơ Dịu Nhẹ)
Một chút lưu ý, sông lam
không viết hoa, chỉ màu nước sông Hồng vào mùa xuân, không
phải sông Lam thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Có thật nước
sông Hồng vào mùa xuân ngả màu xanh, hay chỉ tưởng tương
trong tâm trí nhà thơ, chỉ những người ở ven bờ sông Hồng
cả bốn mùa mới biết hư thực. Và chỉ có họ mới biết
đê sông Hồng ở đâu thì cỏ và liễu biếc chân đê. Các
ký sự phim ảnh quay về Hà Nội chỉ thường thấy con sông
Hồng khúc có cây cầu Long Biên bắc qua vào mùa khô trơ ra
những bãi bồi giữa lòng sông, đôi khi ở góc độ có những
mái ngói thấm nâu nhìn suốt qua những nhịp cầu đen xám,
góc độ rất khớp với bài hát về Hà Nội của Trịnh Công
Sơn hay trong tranh vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, không thấy
đê sông Hồng ở đâu cả. Chỉ khu vực xã Giáp Nhất ở
ngoại ô ta mới có dịp thấy đê sông Hồng thoai thoải xuống
mặt nước, cũng màu xanh cỏ nhưng thấy con đê không ngoạn
mục lắm. Và chỉ khi đến Hà Tây, nay cũng đã thuộc Hà
Nội do ranh giới mở rộng bao trùm cả tỉnh này, đê sông
Hồng mới thấy cao như sườn đồi và màu cỏ biếc xanh rờn
phủ lên khắp con đê. So sánh với vài con bò đang gặm cỏ
trên đê hay người đang đi nhỏ li ti mới cảm nhận sự đồ
sộ của con đê ngăn lũ hiện diện đã có từ ngàn năm. Mùa
lũ lụt đã bị ngăn chặn từ ngàn năm qua, nhưng phù sa cũng
ngàn năm không thể bồi đắp cho đồng bằng. Bao nhiêu màu
mỡ đã trôi về đại dương, hoặc tụ lắng ở vùng gần
các cửa sông, cho nên hiện tượng đất lấn ra biển chắc
mau hơn ở các cửa sông Cửu Long. Vùng biển Thần Phù ngày
xưa sóng gió "khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm" lưu
lại chứng tích trong một bài ca dao, nay vùng biển Thần Phù
ấy đã trở thành đất liền, ở trong nội địa đến tám
cây số cách bờ biển, vậy mới rõ việc lấn biển do phù
sa sông Hồng mau chóng đến dường nào. Hành trình của Cửu
Long trước khi ra biển đã san sẻ phù sa ra cùng khắp châu
thổ trong mùa nước nổi, và sở dĩ đất lấn ra biển ở
Cà Mau cũng tụ lắng nhiều sau những san sẻ vì nhờ lưu lượng
nước sông Cửu Long gấp ba lần sông Hồng, tỉ lệ được
kiểm kê cùng vào mùa lũ. Trên Trái Đất, lưu lượng sông
Amazone ở Nam Mỹ vô địch, lưu lượng sông Missisipi ở Hoa
Kỳ đứng vào hàng thứ hai. Người viết bài này biết được
những câu thơ trên khi học lớp Đệ Tam ban Văn chương (lớp
10 bây giờ) tại trường tư thục Hàn Thuyên nằm trên đường
Cao Thắng ở Saì Gòn vào năm 1957, do chính thi sĩ Vũ Hoàng
Chương đem ra làm bài đọc thêm cho học sinh dịp giáp Tết,
chắc ông đang nhớ Hà Nội vì mới rời đi chỉ có ba năm,
1954. Mơ hồ cảm lây cái đẹp ở mùa xuân đất Bắc, mặc
dầu lúc ấy chưa hình dung được hoa đào ra làm sao khi nghe
tới một câu cũng trong bài thơ ấy: "Mươi bông cúc nõn
chờ tay với/ Một chút hoa đào vương gót chân". Con đê
dài thì càng không hình dung ra. Con đê cao ven sông Hồng trong
thơ Vũ hoàng Chương và "con đê dài ngây ngất" trong bài hát
"Tình Hoài Hương" của Phạm Duy cũng phổ biến đồng thời,
bây giờ không lạ gì đối với việc du lịch dễ dàng, còn
như chưa thấy ở thực địa, thì vài DVD cũng đã ghi nhận
được cảnh quang con đê cao xanh rờn cỏ biếc, một đoạn
ngắn thôi nhưng gây ấn tượng cho ta là nó chạy dài ngây
ngất. (DVD "Hà Nội Ngày Nay", Rainbow Entertainment sản xuất).
Nhớ một sớm
mẹ ơi
Tiễn con bên ngõ
vắng
Rồi từ đó tháng
năm
Cổng làng mẹ ngóng
trông
Đợi con về đỏ
mắt...
Nửa đời đã xa
quê
Cổng làng đón tôi
về
Cổng xưa thì vẫn
thế
Mà vắng bóng mẹ
tôi.
(Thơ Quách Đông Phương)
Hình như cổng làng mới
có ở Miền Bắc, còn ở Miền Trung và Miền Nam thì ranh giới
cư trú giữa hai làng mơ hồ, nhất là ở Miền Nam sông rạch
chằng chịt, địa giới làng chỉ các hương chức mới biết
rõ đất nào thuộc làng nào. Làng ở Miền Bắc có biên giới
rõ rệt, được bao quanh bởi lũy tre hay bờ đê cao. Đường
vào làng phải qua một cái cổng bằng gạch xây. Cổng làng
đã có từ lâu đời, nên cổng nào cũng rêu phong trên tường
gạch, nhiều cổng cây cổ thụ bám rể phủ chụp xuống,
dính chặt vào tường thành một khối vững chắc, trông thật
cổ xưa. Trước đây ta đã thấy trong phim truyện Chị Dậu
thể hiện cuốn tiểu thuyết Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất
Tố, và trong phim truyện Thương Nhớ Đông Quê thể hiện một
truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Qua hai
phim truyện ấy, ta thấy cổng làng đóng kín vào ban đêm,
sáng dẫn trâu ra đồng cũng phải đợi người mở cổng làng;
hoặc đã là nơi tập hợp cuộc lên đường nhập ngũ, ra
khỏi cổng làng kể như đã ra khỏi cuộc sống quen thuộc
thơ ấu. Trong khi ở Miền Trung hay Miền Nam thì không như vậy,
điều ta thắc mắc là tại sao "Đàng Trong" không xây dựng
làng theo khuôn mẫu "Đàng Ngoài", phải chăng do tính chất
địa lý thiên nhiên, hay do chính sách khuyến khích tự do tìm
đất sống thời khai hoang mở cõi của các Chúa Nguyễn. Làng
không còn phải là đơn vị phòng thủ nữa nhờ dân cư đã
ổn định, mà làng ở "Đàng Trong" chỉ là đơn vị quần
cư mở ra tiếp đón người đi khẩn hoang. Chính sách khuyến
khích tự do di dời tìm đất khẩn hoang cách nay ba bốn trăm
năm đã thành khuôn mẫu xây dựng làng ở Đàng Trong, thừa
kế cho đến bây giờ (Nay tất cả người trong nước coi như
đã định cư, cho dù vẫn còn vài đợt di trú ở Tây Nguyên).
Trước 1975 ở Miền Nam, nếu nói sự kiểm soát cư trú lơ
là thật không đúng lắm. Nhớ ở Sài Gòn hay ở các thành
phố lớn, đêm đêm cảnh sát vẫn hay gõ cửa kiểm soát người
trú ngụ coi có đúng với người khai trong sổ gia đình hay
không, mục đích truy tầm đặc công đối phương xâm nhập
thành phố, đôi khi cũng tìm được vài thanh niên trốn quân
dịch. Thời chiến tranh ở thôn quê, sự kiểm soát nơi cư
trú càng nghiêm ngặt, nếp sống như vậy cũng gần hai muơi
năm, vậy mà Miền Nam vẫn không làng nào có cổng. Một thời
có chính sách lập "Ấp Chiến Lược", một thời có kế hoạch
"Khu Trù Mật", nhưng rồi cổng ấp chiến lược, cổng khu
trù mật đều đã không thành hình, cũng như cổng làng không
hề hiện diện ở Đàng Trong. Rồi ngay sau năm 1975, sự kê
khai hộ khẩu để bán nhu yếu phẩm cũng là sự kiểm tra
cư trú chặt chẽ, ai cũng cần nhu yếu phẩm trong thời kỳ
khan hiếm, cho nên ai cũng phải minh bạch số người ở trong
nhà. Cư trú tại miền quê ra vào khai báo, nhưng cổng làng
vẫn không thấy cần thiết làm biểu tượng cho chính quyền
làng xã. Riêng ở Nam Bộ vì sông rạch chằng chịt, số người
lấy ghe thuyền làm nhà sống rày đây mai đó với nghề đánh
bắt tôm cá trên sông lớn, hoặc làm nghề mua đi bán lại
sản phẩm miệt vườn, chắc đó cũng là yếu tố tạo ra
hiện tượng chẳng tha thiết vào ra cổng làng. Di sản văn
hóa cổng làng phải tìm về Miền Bắc, nơi có những cổng
làng xưa đến ba bốn trăm năm. Ký sự phim ảnh nhắc nhở
người Miền Bắc những kỷ niệm, kỷ niệm thời thơ ấu
chơi trò đánh đáo dưới bóng mát cây đa, kỷ niệm rằm
trung thu chiếu xuống sương khói huyền ảo của cổ thụ trăm
năm, kỷ niệm tiễn biệt hay trùng phùng với người về,
kỷ niệm một ngày mới trâu ra cổng làng... (Xin xem DVD "Việt
Nam Ngày Nay 9", Đông Đô Productions).
Tiếng ai mềm
mại thân thương quá
Em nói, nghe như người
sông Lam.
(Thơ Huy Trâm)
Sông Lam thuộc tỉnh Hà
Tĩnh, con sông ngắn nhưng khá rộng ở một đoạn chừng 20
cây số khi chảy ra biển, còn trước đó chỉ là một nhánh
nhỏ ngược lên phía Bắc nhập vào con sông Cả thuộc tỉnh
Nghệ An. Khúc sông tuy rộng mà ngắn ấy nên dường như không
thấy ghi chú trên bản đồ nào, dù là bản đồ cỡ lớn
của Việt Nam ấn hành năm 1999 do Xí Nghiệp Bản Đồ Đà
Lạt -Bộ Quốc Phòng; hay bản đồ Việt Nam cũng cỡ lớn
nhiều chi tiết của Tạp chí National Geographic, ấn hành năm
1967. Nhưng khúc sông rộng ghi bằng nét vẽ thì bản đồ nào
cũng có. Khúc sông Lam ngắn, khá rộng và rất đẹp thấy
qua ký sự phim ảnh. Trông nó thật êm đềm với tả ngạn
là dãy Hồng Lĩnh chạy song song ở chân trời, đỉnh cao nhất
là ngọn Hồng Sơn cao 700 mét, trên đó có chùa Hương Tích.
Chùa không lớn, nhưng chùa này là khuôn mẫu để xây dựng
Chùa Huơng ở Miền Bắc thuộc tỉnh Hà Tây (theo ký sự phim
ảnh). Dãy núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn, theo tương truyền mà
thôi. Với thuật phong thuỷ, người Việt thường đặt địa
danh theo những con số huyền bí hơn là đúng sự thật, có
thể dãy núi ở đây nhiều hơn hoặc ít hơn 99, cũng như Cửu
Long thật sự chỉ có 8 nhánh khi ra tới biển. Thuộc tỉnh
Hà Tĩnh, kiến trúc kỳ vĩ mới đây là đền thờ thi hào
Nguyễn Du, tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, có bản chỉ
dẫn bên đường rất dễ tìm ra nơi vinh danh cùng mộ địa
đại thi hào. Huyện Nghi Xuân gần biển nằm bên hữu ngạn
sông Cả, bên kia bờ là địa phận tỉnh Nghệ An. Hà Tĩnh
cũng là nơi quê quán của các nhân vật lịch sử có đền
thờ như Mai Thúc Loan (lên ngôi vua năm 722); Lê Bôi (dũng tướng
của vua Lê Lợi), Phan Đình Phùng (anh hùng thời khởi nghĩa
Cần Vương chống Pháp), Lê Lợi (vua sáng lập triều Lê, khởi
nghiệp gian nan với cuộc khởi nghĩa tại Lam Sơn chống quân
Minh đô hộ). Lam Sơn ở đâu trong tỉnh Hà Tĩnh? Theo tác giả
Lê Bá Thảo trong cuốn "Thiên Nhiên Việt Nam, nhà xb. Khoa Học
và Kỹ Thuật ấn hành năm 1977", Lam Sơn là vùng "các thung
lũng nhỏ và hẻm nằm song song với sông Cả và dãy núi 99
ngọn". Hà Tĩnh là nơi có ngọn đèo Ngang nổi tiếng qua
bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan. Gọi là đèo
ngang vì đó là dãy núi từ phía Tây đâm ngang ra biển, không
hiểm trở lắm, chỉ cao 256 mét. Đèo Ngang hay Hoành Sơn theo
chữ Hán Việt, phải chăng đây là nơi gợi ý cho câu nói
khuyên giòng họ Nguyễn đi lập nghiệp ở phương Nam, khởi
nguồn cho cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn suốt hơn 200 năm trong
lịch sử Việt Nam: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung
thân". Nhưng Trịnh Nguyễn không lấy Hoành Sơn làm ranh
giới mà lấy sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình khá xa về
phía Nam làm biên cương. Đại Giang (thường lầm là sông Gianh)
chảy qua Đồng Hới ra biển ở cửa Nhật Lệ. Còn bản đồ
Việt Nam của National Geographic Magazine in năm 1967 ghi sông Gianh
là Chiang, và bản đồ do Việt Nam ấn hành đã kể trên ghi
sông Gianh là Rào-Nạy với phụ lưu sông Tróc. Hoành Sơn không
cao không hiểm trở nên không đóng vai trò ranh giới phân chia
quyền lực của hai phe tranh chiến, nhưng Hoành Sơn lại đủ
cản trở để làm ranh giới phân chia khí hậu: "Những đợt
gió mùa Mùa Đông đến đây đã suy yếu, phải khó khăn lắm
mới vượt qua được dãy núi này, do đó mà khí hậu Hà Tĩnh
và Quảng Bình chỉ cách nhau hơn 10 km, rất không giống nhau"
(Lê Bá Thảo, sách đã dẫn). Xin xem DVD để thấy sông
Lam êm đền, dãy Hồng Lĩnh kỳ ảo dài theo chân trời, đền
thờ của các anh hùng, và đền thờ thi bá lưu danh của thế
giới (DVD Du Lịch Việt Nam, đĩa thứ 2, đề mục Danh Sơn
Hồng Lĩnh, do Star Music Productions).
Một đoạn trong "Việt
Nam Sử Lược: "Người Chiêm thấy tình thế nước Nam suy
nhược, có ý khinh dễ, cho nên qua năm Mậu Thân 1368,
vua Chiêm cho sứ sang đòi đất Hóa Châu... vua Trần Dụ Tông
chỉ lo việc hoang chơi, không tưởng gì đến việc võ bị;
mà ở bên Chiêm Thành thì có Chế Bồng Nga là một ông vua
anh hùng..."
(Trần Trọng Kim,
trong "Việt Nam Sử Lược", quyển 3, chương 10).
Việc dự định đòi
lại đất này xảy ra 61 năm sau ngày vua Trần gả Huyền Trân
Công Chúa cho vua Chế Mân (sính lễ quan trọng vua Chiêm dâng
lên cho vua Đại Việt là hiến tặng Châu Ô Châu Lý, tức
Quảng Trị và Thừa Thiên bây giờ). Thấy nước Nam suy yếu,
Chế Bồng Nga đòi lại Hoá Châu. Vậy Hoá Châu là ở đâu,
có tầm mức chiến lược ra sao mà Chế Bồng Nga nhắm tới
tối ưu như vậy? Ta thường biết Hoá Châu là Thừa Thiên
ngày nay, tìm hiểu qua ký sự phim ảnh ta mới rõ thêm Hoá
Châu là một thành lũy kiên cố nằm tại ngã ba hơp lưu sông
Hương và sông Bồ, trước khi sông Hương chảy ra Phá Tam Giang.
Thành Hoá Châu nay gần như mất dấu, chỉ còn lại vài vết
tích được xác định do những nhà khảo cổ. Hóa Châu còn
có tên là Thành Lồi (không rõ Lồi do phát âm từ tiếng Chàm,
hay lồi là do dư ảnh về một thành lũy kiên cố có những
tường vách nhô ra gồ ghề). Du khách đến đây chắc không
còn thấy gì, ngoài một bản lớn ghi bằng ba ngôn ngữ Việt
Anh Pháp: "Thành Lồi -Thanh Loi Ancient Wall - Ancienne Muraille Thanh
Loi". Không còn gì, nhưng ở vị trí đóng chốt tại ngã ba
Hương Giang-Bồ Giang và gần bờ biển như vậy, thì ta cũng
đoán thành lũy này để phòng vệ xâm lăng từ Đại Việt
hay từ Trung Hoa (Quân Mông Cổ đã từng kéo quân từ biển
đến đánh phá Chiêm Thành). Xâm lăng từ phía Tây, từ Kampuchia,
thì có lẽ quân Khmer thường mượn đường sông Mekong rồi
xâm nhập vào vùng Phan Thiết-Phan Rang ngày nay (nhớ không lầm
thì sử sách có ghi Thánh Địa Mỹ Sơn của người Chiêm ở
Quảng Nam ngày nay đã từng bị người Khmer tàn phá- đất
Quảng Nam xa như vậy thì quân Kampuchia đến từ hướng nào?).
Một điều làm ta lưu ý nữa là sông Bồ và Sông Hương (chỉ
riêng nhánh Hữu Trạch) đều bắt nguồn từ vùng rừng núi
A-Lưới (còn nhánh Tả Trạch của sông Hương bắt nguồn từ
vùng Nam Đồng, đây cũng là vùng núi non Trường Sơn). Vậy
phía Tây Thừa Thiên tuy là rừng núi nhưng có dân cư sinh sống
nương theo bờ các con sông; và cả hai sông Bồ và sông Hương
chảy thành vòng cung lớn bao bọc chung quanh một vùng phải
đông đảo dân cư nên người Chiêm Thành mới xây dựng Thành
Lồi đồ sộ, khóa chặt đường xâm nhập từ biển để
bảo vệ một trọng điểm dân cư. Từ đó ta suy ra Châu Lý
chẳng phải vùng hoang dã mà vua Chế Mân hiến tặng (không
như Thủy Chân Lạp mới thực sự là hoang địa khi vua Kampuchia
hiến tặng cho chúa Nguyễn nhân dịp cưới được công chúa
Ngọc Vạn). Từ đó ta cũng suy ra, dù Chiêm Việt đã thành
xuôi-gia thì cũng đã có không ít người Chiêm Thành rời bỏ
Thừa Thiên (Châu Lý), nếu không muốn nói là một cuộc di-cư
lớn do nhường đất, vì nơi đây không còn là miền thuộc
tổ quốc Chiêm Thành. Đòi lại thành Hoá Châu không được,
Chế Bồng Ngă đã từng thân chinh đi đánh Đại Việt, có
lần theo đường bộ mà tiến ra, có lần xuôi theo sông Hồng
mà tấn công Thăng Long, để rồi tử trận trong cơn hỗn chiến.
Hình như ngày nay không có Tháp Chàm nào thờ Chế Bồng Nga,
có lẽ thi hài không đem về được để làm lễ hỏa táng
(phải chăng là như vậy?). Nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ
ngậm ngùi trước "Điêu Tàn" của thành Đồ Bàn, nhạc sĩ
Xuân Tiên cũng có bản nhạc "Hận Đồ Bàn" rất hay, nhưng
chưa có sáng tác nào nhắc nhở đến thành Hoá Châu hay Thành
Lồi nay đã mất dấu tại Ngã ba sông Hương và sông Bồ.
Di tích khảo cổ đáng quan tâm, vì đây là tiền đồn dòm
ngó Biển Đông được người Chiêm canh chừng cẩn mật thời
xa xưa (Xin xem DVD Cảnh Đẹp Việt Nam 4: Sông Hương, do PD Productions).
Trên dốc Hòn
Hèo ngồi nhìn xuống
Ninh Hòa, Diên Khánh,
hay Cam Ranh
Buồn nghe rải rác
mồ nằm trắng
Đá thẳm chồm lên
lưng đá tanh.
(Thơ Xuân Phụng)
Ta nghĩ chắc tác giả đoạn
thơ trên đã tưởng tượng khi viết xuống, chứ thực sự
chưa hề tới Hòn Hèo. Hòn Hèo là một đảo nhỏ nằm trong
vịnh Vân Phong. Vịnh nước sâu rất kín gió ở phía Bắc
Nha Trang độ ba bốn chục cây số, và Hòn Hèo ngang với thị
trấn Ninh Hòa trong đất liền. Thời chiến tranh Pháp-Việt
Minh, cư dân làng Phong Thạnh gần Ninh Hòa đôi khi thấy máy
bay Pháp từ Nha Trang ra bắn phá Hòn Hèo, vì Hòn Hèo gần với
đất miền rừng sát dãy Trường Sơn, đã là nơi tiếp nhận
vũ khí do ghe xuồng bí mật tới từ Chiến khu Bốn của Việt
Minh (thuộc Bình Định- Phú Yên), và hải quân Pháp thời đó
cũng không đủ lực lượng tuần tiểu. Vịnh Vân Phong kín
gió, nước rất sâu với đảo Hòn Lớn nằm như chắn cửa
vào vịnh, quanh vịnh có khu du lịch Dốc Lết và xưởng đóng
tàu biển đồ sộ của Đại Hàn. Người địa phương có
câu thành ngữ tiên đoán thời tiết sắp xảy ra. Họ cứ
nhìn ra biển hể thấy hiện tượng mây đen quần trên đảo
trong vịnh như đội nón như mang áo tơi, càng rõ nét thì mưa
bão càng nặng nề: "Hòn Hèo đội nón, Hòn Lớn mang
tơi". Những câu khác chỉ thời tiết cũng thường nghe
ở Khánh Hòa như "Tháng mười, ông chẳng tha bà chẳng
tha", nói đến mùa mưa lớn trong một năm, hình dung nhiều
sấm chớp do thần ông thần bà nổi cơn giận dữ... Có vẻ
do tưởng tượng, khi tác giả nói là từ Hòn Hèo thấy suốt
tới Cam Ranh ở gần cuối ranh giới tỉnh Khánh Hòa về phía
Nam. Ban đêm, họa may từ Hòn Hèo ngoài biển nhìn vô đất
liền thấy được ánh điện của thành phố Nha Trang. Phải
đứng trên những đỉnh núi Trường Sơn nằm dọc dài ở
phía Tây nhìn xuống mới có thể thấy bao quát thấu suốt
từ Ninh hòa phía Bắc cho đến Cam Ranh ở phía Nam, như mô
tả trong bài thơ. Con đường xe lửa Xuyên Việt cũng chạy
dọc dài qua mảnh đất này. Ai đã từng ở vùng này, làm
sao không gợi cảm khi xe lửa đến ga Ba Ngòi, đậu lại chừng
nửa giờ cho hành khách xuống xe vào quán thưởng thức đặc
sản sò huyết rất ngon ngọt của Cam Ranh gần đó; làm sao
không nhớ xe lửa chạy qua vùng trồng cây thuốc lá và sát
bờ biển khá cao ở Lương Sơn; làm sao không nhớ đường
xe lửa như chạy trên con đê dài qua ruộng đồng qua làng
mạc, qua lắm cầu đúc xi măng (vì các suối nước tuy nhỏ
nhưng có thật nhiều từ sườn của Trường Sơn quanh năm
đổ ra biển). Trên hành trình qua Miền Nam Trung Bộ, đường
bộ cũng như đường xe lửa, cảnh vật mang lại cho ta những
xúc cảm do gợi nhớ về các câu thơ một thi sĩ nào đó đã
làm nên bất hủ, mặc dù thực địa chỉ khiêm tốn mà thôi,
như sông Mường Mán trong thơ Nguyễn Bắc Sơn: "Sông Mường
Mán không dung hào kiệt/ Ngàn đời bóng núi đứng chênh
vênh"; hay như tại ngả ba Phan Rí khi xe đò ngừng lại
cho hành khách vào quán ăn trưa, thấy trong nắng trong gió cát
bóng thiếu nữ Chàm mặc áo choàng màu lá chuối non, thấy
sao mà tội nghiệp nơi miền đất khắc khổ. Nó gợi lại
cả một thời thành quách huy hoàng với các cung nữ Chiêm
Thành. Thật cảm hoài khi trên đường xuôi ngược Nha Trang-
Phan Rang, lúc ngang qua hai tháp Chàm nhỏ sát bên đường, tháp
Hoà Lai do vua Chế Mân xây năm 1307, xây xong thì vua mất. Tháp
nhỏ mà gợi đến cái nhớ lớn: Huyền Trân công chúa được
vua cha Trần Nhân Tông gả cho vua Chế Mân này đây. Bây giờ
tháp hoang phế, nhiều sứt mẻ bởi gió cát bờ biển sát
gần, cảnh quang làm ta ta mường tượng thấy có bóng vua và
hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng cờ lộng mờ ảo đi tham quan
trong sương mù. (DVD "Rong Chơi Miền Duyên Hải" do Vina Productions,
và DVD "Nhịp Sống Ba Miền 15" do T&T Productions).
Chiếc cầu
thang bao nhiêu lần lên xuống
Xuống hay lên cũng
ngần ấy bực rời
... Khu trường rộng
một bãi lầy quá lớn
Ta thấy mình ngày
một lún sâu thêm.
(Hạc Thành Hoa: Bậc
Thang Thứ Nhất) * ở nhà trọ Sa Đéc
Chủ ý đề cập đến
vài hiếm quý bắt gặp ở một ký sự phim ảnh, nhưng qua
thơ Hạc Thành Hoa làm cho người viết bài nhớ lại con sông
thân mật chảy qua Sa Đéc, đó là một nhánh từ Tiền Giang
rẽ vào thành phố, nhánh sông vừa phải nên phố lầu hai
bên sông trông thấy rõ nhau. Nhất là phố lầu bên này buôn
bán sầm uất, mùa xuân thầy giáo cô giáo dẫn học sinh đi
lấy quảng cáo không khó khăn, nhờ vậy mà ấn phí in báo
Tết cho trường được trang trải. Bên này, tức là phía bên
có nhà trọ của nhà thơ Hacï Thành Hoa (anh người Thanh Hóa,
có một số thơ đăng trên Tạp chí Văn, thời chủ bút là
Trần Phong Giao; tên thật làNguyễn Đường Thai; giáo sư Việt
Văn ở vài trường Thị xã Sa Đéc. Tập thơ anh được in
lại năm 2006 do Thư Quán Bản Thảo ở New Jersey). Chỗ trọ
của anh trong thành phố Sa Đéc là một căn nhà cổ, khá đồ
sộ; căn phòng phía anh mướn chắc bỏ lâu ngày và có trần
nhà rất cao nên vài con dơi đến trú ngụ cùng người. Cứ
hoàng hôn trời vừa sụp tối, anh lấy cây sào tre dài, quất
qua quất lại phía trên trần thì thế nào cũng có vài con
dơi trúng sào mà rớt xuống. Thành phố Sa Đéc bây giờ rất
nhiều người trên thế giới biết đến, nhất là người
Pháp, nhờ cuốn phim "The Lover" (phổ biến năm 1992) quay vài
bối cảnh tại đây, và có vườn hoa quy mô mà Tổng Thống
Pháp Jacques Chirac từng đến thăm (khi ông còn là đô trưởng
Paris từ 1977 đến 1995). Mặc dù vườn hoa hồng này quy mô,
xuất khẩu hoa hồng sang vài thị trường thế giới, có đến
1500 gia đình nương tựa nhờ nghề trồng hoa tại đây; nhưng
cựu Tổng Thống Pháp có lẽ muốn đến Sa Đéc cho biết trường
Nữ Tiểu Học tại thị xã, nơi mẹ của nhà văn Marguerite
Duras dạy học tại đây trong thập niên 1920. Ngôi Trường
Nữ Tiểu Học bây giờ thấy qua phim ảnh được chăm sóc
khang trang, vì là điểm thu hút du lịch nhờ cuốn phim
The Lover (Người Tình - L'amant). Mẹ của nữ sĩ (Marguerite Duras
có tên trong văn học Pháp) là một người Pháp nghèo, không
phải giàu có như phần lớn thực dân Pháp tại Việt Nam trước
đây. Nhà văn Marguerite Duras (sinh năm 1914 tại Gia Định, mất
năm 1996 tại Paris) còn có cuốn sách cũng từ bối cảnh Đông
Dương, cuốn "Con đê ngăn cản Thái Bình Dương" (Un barragecontre
le Pacifique), nói về gia đình Pháp kiều nghèo khổ của
cha mẹ bà có một thời phải canh tác sinh sống nơi cánh đồng
nhiễm mặn ở gần biển, mà chính quyền thực dân Pháp lúc
đó cũng lơ là không giúp đỡ. Còn cuốn Người Tình (The
Lover - L'amant) là tiểu thuyết gần như tự truyện đời của
bà lúc mẹ làm cô giáo ở Sa Đéc, bà lên trọ học ở Sài
Gòn, có người tình là một công tử người Hoa ở Chợ Lớn;
với lần đầu làm quen trên chuyến phà qua sông Cửu Long ở
bắc Mỹ Thuận. Coi cuốn phim, ta thấy gần gũi do nhà làm
phim Pháp đã nhờ nhà văn Sơn Nam cố vấn về bối cảnh và
cách ăn mặc của người Việt ở Miền Nam thời thập niên
1920; gần gũi với cảnh học tiểu học ở Sa Đéc, cảnh nhộn
nhịp kiểu xưa trên phà qua sông Mekong, cảnh sáng tinh sương
và tửu lầu sang trọng nơi phố Tàu Chợ Lớn, cảnh nữ sinh
Pháp trọ học ở Sài Gòn; cảnh tàu viễn dương rời bến
tại bờ sông Sài Gòn... Phố Sa Đéc ngày nay, Marguerite Duras,
Trường Nữ Tiểu Học xưa, ngôi nhà khá giả của công tử
người Hoa thuở trước tại thị xã này, vườn hoa hồng quy
mô ngày nay ở Sa Đéc, xin xem hai DVD: Mekong Ký Sự tập 17 tiểu
tập 72 (do TL productions), và DVD: Du Lịch Việt Nam, đĩa
2, đề mục Về Đồng Tháp (do Star Music Productions).
Thuyền xuôi
Châu Đốc
Thả xuống Vàm Nao
Thẳng tới Ba Sao
Coi chừng nước chảy.
(Ca Dao)
Nếu sông Mân Thít thông
giao ở chỗ khoảng cách rộng nhất giữa hai dòng Hậu Giang
và Cổ Chiên (một nhánh chảy song song của Tiền Giang), trong
địa phận hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre; thì đoạn hẹp nhất
giữa hai dòng Tiền Giang-Hậu Giang được thông giao bằng sông
Vàm Nao ở trên thượng lưu, thuộc tỉnh An Giang. Sông Vàm
Nao chỉ dài độ hai cây số, nhưng rộng không kém Tiền Giang
hoặc Hậu Giang. Tương truyền, thuở trước sông Vàm Nao chỉ
là con đường trâu lội từ bờ dòng này sang bờ dòng kia.
Vào mùa nước nổi, cuồng lưu từ Kampuchia đổ xuống Cửu
Long, phân phối nước lũ vào đường mòn, cứ xé rộng và
đào sâu nó thành con sông rộng. Bây giờ cứ mùa lũ (hay mùa
nước nổi) thì sức mạnh thiên nhiên này vẫn tiếp tục,
chỗ nước Tiền Giang và Hậu Giang dồn vào và gặp nhau tạo
thành vùng nước xoáy dữ dội tại Ba Sao. Nơi này còn có
tên rất chữ nghĩa do người giỏi Hán Tự đặt ra là Hồi-Hoa-Thủy
(Nước-Xoáy-Tròn). Có thể tin là ngày xưa nó là con đường
trâu lội, căn cứ theo truyện ngắn "Mùa Len Trâu" của Sơn
Nam: mùa nước nổi đàn trâu đi tránh lũ di chuyển hàng hai
ba trăm con. Trâu của mỗi nhà ở vùng trũng An Giang được
cho chăn dắt cùng một lúc, tập hợp lên vùng cao để tạm
trú quanh Bảy Núi. Cỏ thì phải đi cắt đi mua để nuôi chúng.
Lội hàng trăm con qua thời gian tiếp diễn thì làm sao đường
mòn không biến thành sông, lại thêm sức đào sâu do nước
dồn của hai dòng sông lớn. Sông Vàm Nao đã đủ rộng trang
trải bớt nước dồn, nhưng đến chỗ Ba Sao tàu ghe vẫn rất
thận trọng. Nằm trên trục Tiền Giang và đối diện nhau
hai bên sông Vàm Nao là xã Hòa Hảo phía trên và xã Chợ Mới
phía dưới. Trên và dưới theo hướng thượng lưu và hạ
lưu sông Cửu Long. Xã Hòa Hảo, nơi phát sinh Phật Giáo Hòa
Hảo của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, khởi thủy vào năm 1939.
Gần xã Chợ Mới và ở giữa dòng Tiền Giang là Cù Lao Ông
Chưởng rất lớn (ta nghe tưởng nhỏ do từ ngữ cù lao). Cù
lao, hòn, đảo, cồn ở trên sông, mỗi địa phương ở Việt
Nam hiểu khác nhau theo cách dùng quen cho từng miền. Ví dụ
Cồn Hến khá lớn trên sông Hương thì gọi cồn, nhưng những
mảnh đất nổi gần đó chỉ nhỏ thôi mà gọi là đảo.
Những đảo khá lớn trên Vịnh Thái Lan xung quanh Cà Mau thì
người địa phương quen gọi hòn, như Hòn Rái, Hòn Tre, Hòn
Khoai, Hòn Nam Du... Tương đương diện tích, sao không gọi Cù
Lao Ông Chưởng là cồn như Cồn Phụng (Phoenix Island), Cồn
Lân (Unicorn Island, còn có tên Cồn Thới Sơn) trên sông Tiền
Giang (chỗ đang xây Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền Giang
xuyên suốt qua hai cồn). Đủ độ vững chắc để gánh chịu
những trụ lớn cho cầu xuyên qua Cửu Long, xem như vây thì
cồn bề thế tương đương với đảo. Cù Lao Ông Chưởng
(thiển nghĩ nên gọi là Cồn Ông Chưởng), tên đặt để
tưởng niệm Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh (chức vụ có lẽ
tương đương như Thống Soái, Đại Tướng). Thừa lệnh Chúa
Nguyễn đem quân đi dàn xếp những bất ổn nội bộ ở triều
đình Nam Vang, xong nhiệm vụ Nguyễn Hữu Cảnh trở về nghỉ
dưỡng quân tại Cù Lao này. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (đại
thần thời Chúa Nguyễn, quê quán Quảng Bình) rải rác khắp
nơi ở Miền Nam, như tại Chợ Lớn, Châu Đốc, Long Xuyên,
Biên Hòa... Bất cứ đâu có bóng dáng ông trên bước đường
phục vụ ở Miền Nam, như chỗ ông dừng lại đóng quân,
chỗ ông ghé thăm dân tình, chỗ ông thọ bệnh và mất...
nhất nhất đều có đền thờ nhớ công ơn ông vạch đường
đi mở cõi phuơng Nam. "Chiều chiều quạ nói với diều/
Cù Lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm", ca dao xưa nói về
sự ê hề sản vật thời còn là Thủy Chân Lạp sình lầy
chướng khí, lúc vừa mới được Hoàng Hậu Ngọc Vạn cho
dân Việt đến khai khẩn lập nghiệp. Ngọc Vạn là con gái
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua Kampuchia, và vua này chỉ
coi trọng vùng đất cao Lục Chân Lạp mà thôi. Nhưng của
cải thiên nhiên khai thác quá mức và thiếu kế hoạch bảo
vệ sinh sôi trong môi trường tự nhiên, bây giờ không ê hề
nữa, phải đổi chiều đánh bắt thiên nhiên sang nuôi dưỡng
thủy sản. (DVD "Việt Kiều Về Quê Ăn Chơi 9" do Vina Productions,
và DVD "Mêkông Ký Sự", số 16, tiểu tập 70).
Linh đinh bèo
nước biềt về đâu
Đậu bến An Giang
thấy những rầu
Bảy-Núi mây liền,
chim nhíp cánh
Ba dòng nước chảy,
cá vênh râu
(Phan Văn Trị)
Những câu thơ trên của
Phan Văn Trị làm ta bị ám ảnh mơ hồ cảnh trời nước mênh
mông trong mùa nước nổi (là mùa nước lớn hằng năm từ
Biển Hồ dồn về sông Mekong ở Kampuchia, rồi dồn về hai
nhánh Tiền Giang-Hậu Giang, tràn ngập vào hai vùng trũng lớn
ở An Giang và Đồng Tháp Mười). Nhờ thấy cụ thể qua các
ký sự phim ảnh mới đây nên ta không còn mơ hồ tưởng tượng.
Các ký sự phim ảnh, có cái quay hậu cảnh là dãy Bảy-Núi
(Thất Sơn) xa xa ở chân trời, tiền cảnh là những hàng cây
thốt nốt ngập đến lưng chừng thân cây; có cái quay rõ
ràng khi xe hơi chạy trực diện Núi Cấm (ngọn núi cao nhất
của Thất Sơn) với hình dạng một khối khá dài như nửa
vỏ đậu phộng nằm úp xuống; có cái thì quay từ núi Cấm
nhìn xuống kinh Vĩnh Tế vạch một đường dài làm biên giới
giữa Kampuchia và Việt Nam. Nước lũ từ vùng trũng Đồng
Tháp Mười sẽ phân phối vào Tiền Giang, vào sông Vàm Cỏ
Đông và Vàm Cỏ Tây. Nước lũ từ vùng trũng An Giang sẽ
phân phối về nhánh Hậu Giang, mặc dù Hậu Giang vĩ đại
nhưng cũng không kham nổi, cho nên vùng trũng An Giang đành tháo
bớt nước về hướng Tây nuơng nhờ vào thế đất thoai thoải
chảy vào Vịnh Thái Lan. Phải chăng đây là sự phí phạm
trầm trọng nước ngọt vì chưa có hồ chứa nước vĩ đại
nào tích trữ để dành cho mùa khô hạn? Thực sự Thất Sơn
có khá nhiều núi hơn là chỉ có bảy núi, con số bảy có
vẻ huyền bí theo thuật phong thủy. Cũng như ta thường bắt
gặp những con số ước chừng thuộc về viễn cảm, chẳng
hạn trong lời tiên tri: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại
dung thân". Còn các nhà thơ thì thường thi hoá các con số
có dư âm sâu thẳm như "nghìn xưa nối nghìn sau" (sự
thực nghìn còn quá nhỏ so với hơn bốn tỉ năm tuổi của
Trái Đất); hoặc có dư âm hùng vĩ như "trường giang vạn
dặm" (thực sự trên Trái Đất không có con sông nào dài
đến mười ngàn dặm, dài nhất là sông Amazon ở xứ Brazil
chỉ có 3900 dặm). Núi Cấm ở Thất Sơn cao hơn 500 mét, có
200 gia đình sinh sống trên núi cho dịch vụ du lịch. Trên
đỉnh núi Cấm có hòn đá lớn nhô lên chơ vơ gọi là Vồ-Đầu,
đó là nơi giao nhau giữa Trời và Đất; người ta đến đó
để cúng Cửu Huyền Thất Tổ (con số chín cũng gợi biết
bao thần bí). Người viết bài đã có lần di chuyển trong
vùng này, bằng đường xe hơi chạy quanh co, nhưng cũng có
khi trực diện với núi Cấm ở xa xa nên thấy nó như nửa
vỏ đậu phộng úp xuống, rồi xe chạy qua các làng mạc sát
biên giới Kampuchia; qua các nhà cận bên đường, nghe toàn
tiếng nói lạ tai và thấy nhiều chùa tháp rực rỡ kiểu
Khmer, nên biết dân cư ở đây đa số là người Việt gốc
Miên. Và chẳng bao lâu thì xe đến xã Ba Chúc, nơi có chùa
kiểu Việt và khu tưởng niệm lớn để lưu giữ hài cốt
của mấy trăm dân làng người Việt đã bị quân Pol Pot tràn
qua tàn sát. Ta từng đã đọc vài truyện ngắn rồi mường
tượng cảnh mênh mông trong mùa nước nổi ở An Giang; hoặc
đã từng coi phim "The buffalo boy" quay cảnh thực của mùa này
ngay ở vùng Bảy Núi, nay có thêm ba ký sự phim ảnh quay thêm
nhiều khía cạnh của miền trời nước bao la đó, nhờ vậy
sự hình dung trong tâm trí ta chắc sẽ được điều hợp.
(Từ Núi Cấm nhìn xuống An Giang, có trong DVD "Việt Kiều Về
Qưê Ăn Chơi số 13" do Vina Productions; hậu cảnh Thất Sơn
ở chân trời trong mùa lụt, có trong DVD "Du Ngoạn Miền Tây
số 1" do Trống Đồng Entertainment sản xuất; và đi xe trên
đường để trực diện Bảy Núi, có trong DVD "Du Ngoạn Miền
Tây Sông Nước Miền Nam số 1" do Rainbow sản xuất. [Phần
1 và phần 2 của loạt bài này, xin xem ở http://www.tranvannam.com].
TRẦN
VĂN NAM
City of Walnut, California,
tháng 8 năm 2009
|