Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả
]
|
|
Châu
thổ Bắc bộ có những quả núi con xinh quá. Xanh um, nổi bật
giữa lúa xanh mởn, từ xa trông, nhất là vào mùa hè, ước
hóa ngay được thành chim mà bay về đỗ trên cành tre, cành
ổi, hay trên chót vót cái mái đầu đao cong vút của một
ngôi chùa.
Núi xinh mọc đâu, thì y như rằng đã sẵn mọc đấy từ đời nào một cảnh chùa. Núi ở đồng bằng gần nơi đông người, có cây xanh, chùa cổ, có khi lại có cả một hay vài cái hang đá kỳ bí, hẳn quanh năm không lúc nào đến nỗi vắng khách? Cũng tùy nơi. * Năm 1922, Nguyễn Ðôn Phục chơi núi Tử Trầm rồi về viết Du Tử Trầm sơn ký: "Trước kia (...) tuy rằng có chùa, nhưng chùa (...) vắng tanh; tuy rằng có bụt, nhưng bụt (...) mốc thếch; tuy rằng có đường vào, nhưng (...) cỏ rậm (...) mây phong; nhân sĩ xứ Đông Đô ta, hình như chỉ biết có hang Sài Sơn hang Hương Tích mà thôi, không biết có hang Tử Trầm là chi cả. Chao ôi! Cái hang thiên nhiên kỳ tuyệt ấy, vả lại gần gỏi thượng đô đây; thế mà quanh năm sớm tối, chỉ phó mặc cho mấy đứa tiều phu ra vào, mấy chú hàn tăng cư trú; chẳng oan lắm ru? Chẳng thiệt lắm ru!"(1) May cho người Hà Nội, vẫn Nguyễn Đôn Phục cho biết, năm Duy Tân thứ bảy (1912?), nhờ mắt xanh của quan Hà Đông Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, chùa được "phú tăng" đến trụ trì, bụt được cọ sạch mốc, đường vào được nâng cấp đón các loại xe, khiến thắng cảnh núi Trầm "từ đấy mới thật là xuất hiện ra ở xứ Đông Đô (...) bảo rằng đỗng này là đỗng cũ từ thủa Hồng Bàng (...) cũng phải, mà bảo rằng đỗng này là đỗng mới của quan Tổng đốc Hoàng mới tìm được ra đây cũng phải."(2) * Than ôi, công đức quan Hoàng không lớn đến vậy. Nguyễn Ðôn Phục là khách du, không phải nhà khảo cổ. Năm 2002, nhân trình bày kết quả việc tìm hiểu di tích chùa Long Tiên, Nguyễn Quang Hà dẫn Đại Nam nhất thống chí: "Núi Tử Trầm (...) dưới có thạch động, trên có chùa (...) vua Lê cất hành cung ở đấy, đào hồ theo dọc núi để bơi thuyền".(3) Vua mà đến ở, bơi thuyền, thì núi Trầm ngày xưa ắt "dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước...", chứ phải đâu cái cảnh đìu hiu sớm tối chỉ những tiều phu với hàn tăng ra ra vào vào khiến kẻ du sơn chạnh lòng than thở! Non nước hữu tình từng đã có đông đảo người thưởng thức, rồi do thế sự thăng trầm trở nên lu lạm trong óc nhân sĩ Đông Đô, rồi đến đầu thế kỷ 20 nhờ quan Thượng Hà Đông để mắt mà tái xuất hiện... * Từ năm 1922 Nguyễn Ðôn Phục du sơn ký sự đến năm 2002 Nguyễn Quang Hà lên núi tìm đọc văn bia, chùa và hang núi Trầm tiếp tục thăng trầm, có bận hang hóa thành trụ sở bí mật của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thôi, tang thương trong quãng ấy đã lắm người biết, không kể làm gì. Cách nay cũng lâu lâu, khoảng cuối xuân, có dịp ghé chốn danh sơn. Trông cảnh đá dựng lởm chởm, cây cối mọc um tùm, kín đáo, nhớ nhận xét của Phan Huy Chú: "Quang cảnh đậm đà..."(4) Dạo quanh co, nghiêng ngó hồi lâu, lại văng vẳng lời vua Lê: "Ta ưa nơi này, núi không cao mà tốt đẹp..."(5) Đẹp, duyên, chao ơi, mà sao vắng thế! Bước qua cổng, bước lang thang khắp trong ngoài, nếu trừ đi đám tượng bụt bằng đá lù lù trong động, trước sau gặp có đúng hai "nhân dạng": một là bà cụ hàng nước đang ngồi ngủ gục, hai là thanh niên đang xách đèn bin lẳng nhẳng theo chân đòi thuyết minh... Chúng sinh, nào chỉ có giống người ta. Bèn đổi mắt nhìn, thì thấy ngay trước cửa hang "có đôi ba hòn đá hình như con qui con tượng" đúng như Nguyễn Ðôn Phục từng ghi chép. Chính xác, có đá đã tạc hẳn thành "qui", còn đá "tượng" thì không rõ nấp ở xó nào. Ngắm rùa đá him mắt phơi mai dưới nắng vàng một lúc, tha thẩn bước trở lại sân chùa. Chợt thấy cái lúc nẫy không thấy, là dưới một gốc cây có bát nhang sờ sờ một tượng chim ngoẻo đầu, không biết bằng gỗ hay đá. Tượng tạc đơn sơ mà linh động, chim có dáng đang tập trung cao độ... Tỉnh ngộ. Chùa có vắng đâu: Thềm rêu trầm mặc
sư chim
____________ (1) Trong Du ký Việt
Nam (bài đăng tạp chí Nam Phong 1917-1934, Nguyễn Hữu
Sơn sưu tầm), nxb. Trẻ, VN, 2007.
|
|