Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

ĐÀO DUY ANH 
nghĩ về văn, triết, sử, địa...

Thu Tứ

Không phải bất dịch
Dụng võ là bất thường
Hai đặc tính
Trí nghệ thuật và trực giác
Âm vần Việt và Hán Việt
Ai cảm được Đạo
Trang khác Lão thế nào
Thiền tôn
Vẫn một nước thôi
Đơn vị địa lý hoàn chỉnh
*
Sau khi tiếp xúc với văn minh Tây phương một thời gian, người Việt Nam bắt đầu chuyển từ cái học để làm người qua cái học tìm tòi chuyện nọ chuyện kia. Nền học mới rất nhanh chóng nẩy sinh những tài năng xuất chúng, trong số đó có Đào Duy Anh.

Đào Duy Anh "học" rất rộng, bao quát văn (hóa), triết, sử, địa và ngôn ngữ. Ông là nhà nghiên cứu khoa học xã hội với tầm đề tài rộng nhất trong thế hệ mình, và cả về sau, vì càng về sau cái học càng trở nên chuyên môn hơn.

Đào Duy Anh đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam, nhất là cổ sử. Công trình nghiên cứu của ông có giá trị động viên những nhà sử học lớp kế tiếp như Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh...

Chúng tôi sẽ trích tuyển đóng góp của Đào Duy Anh nhiều lần. Sau đây là lần thứ nhất.

Không phải bất dịch

Đừng nên xem những tính chất ấy (tức những tính chất căn bản của văn hóa Việt Nam) là bất di bất dịch.(1)

--

Cùng con gà, nuôi lối cũ thịt nó dai và thơm, nuôi lối mới thịt nó nhão như cháo và thơm như... cháo. Người Việt trẻ ăn thịt gà cháo, đã có người suýt soa khen ngon!

Cùng miếng nem chua, gói trong lá ổi ngoài lá chuối nó ráo và thơm. Nem Tuy Phước đã thôi gói lá ổi, chắc vài năm nữa sẽ gói bằng mảnh ni-lông như nem Thái-lan. Người Việt trẻ ăn miếng nem chua thơm như... ni-lông, sẽ suýt soa khen ngon!

Dĩ nhiên nào chỉ thịt gà với nem chua...

"Dịch" mắc dịch! Nhưng vô phương bất dịch!

Dụng võ là bất thường

Sự sinh hoạt bằng nông nghiệp đã gây cho dân tộc ta cái tính tình ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai. Những cuộc đánh nhau với người Tàu ở trong lịch sử, những chiến công lừng lẫy của lịch triều, chẳng qua là tình thế khiến phải ra sức tự vệ, chứ không phải là do lòng thượng võ của quốc dân gây ra. Đến như việc chiếm cứ đất Chiêm Thành và Chân Lạp thời phần nhiều là do công phu tàm thực rất kiên nhẫn của nông dân, chứ chiến tranh chỉ là để giữ lấy những miền đất đã lấn được bằng cách hòa bình thôi. Chế độ sương binh ở đời Lý, chế độ bách tính giai binh ở đời Trần, đều để binh lính bình thời ở nhà cày ruộng, đến khi hữu sự mới triệu ra. Lê Lợi đánh xong quân Minh, rồi thì giải tán quân đội cho về làm nông. Triều Lê và triều Nguyễn, quân lính thường dùng để khai khẩn đất hoang. Cứ thế thì nước ta xem việc dụng võ là bất thường (...) không như các nước Âu châu khi nào cũng cường binh độc võ (...) dân ta vốn trọng hòa bình chủ nghĩa.(2)

--

Tàm là con tằm. Tàm thực là ăn như tằm ăn lá dâu, tức ăn rộng ra dần dần. Người trồng lúa lúc đầu chỉ cần chừng ấy đất, nhưng dần dần sinh con đàn cháu đống, cần thêm đất để con cháu trồng.

Sẵn đất hoang thì tốt, không thì đành trồng lúa trên đất không hoang vậy. Chủ đất kia tất nhiên không chịu, đánh đuổi ra. Ta cũng không chịu, đánh chủ để giữ đất mới "lỡ" trồng...

Có muốn trồng lúa trên đất của người khác đâu, có muốn đánh ai đâu. Nhưng để sống còn, không trồng không đánh mà được ư.

Cũng để sống còn, mình đang đội nón trồng lúa mà bị kẻ đội mũ cưỡi ngựa từ phương bắc chạy xuống đánh là mình nhất định đánh lại kịch liệt. Ngộ, thứ lính nhà quê vốn quen đi cày mà đánh bay quân đội chuyên nghiệp của nhà Tống, đế quốc Mông Cổ, nhà Minh nhà Thanh!

(Nhân nhắc chuyện ta chiếm đất của người Chăm, người Khơ-me, tưởng cũng nên nhắc luôn ở đây cái sự thực là về thành tích bành trướng, dân tộc Việt Nam thua người Tàu, người Tây rất rất xa.

Tàu từ Hoa Bắc nam tiến ngốn không biết bao nhiêu đất của Việt tộc mới thành "vĩ đại" như bây giờ. Tây từ Tây Á và châu Âu tiến lung tung nuốt hơn nửa châu Á, trọn châu Mỹ, châu Úc, một phần châu Phi!

Để ngốn được, nuốt được đất của người, Tàu và Tây đã đánh giết không biết bao nhiêu người. Ngốn xong, nuốt xong, Tàu và Tây, nhất là Tây, lại còn đối xử hết sức tàn tệ với phía bại trận. Thế mà Tàu và Tây có đấm ngực ăn năn, có che mặt xấu hổ bao giờ!

Tại sao đang có những người Việt Nam tự cắn rứt mình về câu chuyện mở nước tương đối rất khiêm tốn, hiền lành của dân tộc ta, hở Trời?!)

Hai đặc tính

Cách nay hơn sáu mươi năm, vào thời có lẽ tiếng Việt chưa có từ "văn hóa học" (mà nay nhiều người ưa dùng), Đào Duy Anh đã viết hẳn một quyển sách để trình bày những ý kiến của mình về lịch sử văn hóa Việt Nam. Trong sách ấy, ông vắn tắt nêu chỗ khác nhau về văn hóa giữa ta với Tàu và giữa ta với Tây như sau.

--

Đặc tính thứ nhất của văn hóa nông nghiệp ấy (tức văn hóa Việt Nam) là xã hội lấy gia tộc làm cơ sở (...)

Gia tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc (...) về địa vị của con cái và địa vị của đàn bà con gái (...) rất là tàn nhẫn (...) pháp luật và phong tục nước ta (...) thể tất nhân tình hơn (...)

Phong tục nước ta thuần hậu, không như ở Tây phương, từ trong gia tộc ra ngoài xã hội việc gì cũng lấy pháp trị làm chủ, là thói khắc bạc phi nhân tình. Văn hóa nước ta lấy cảm tình làm bản vị, đó là (...) đặc tính thứ hai vậy.(3)

Trí nghệ thuật và trực giác

(Người Việt) giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý.(4)

--

"Trí nghệ thuật" nghe lạ. Nghệ thuật do tâm hồn, do tim, do lòng, chứ đâu phải do óc, mà "trí"?

Thực ra, dĩ nhiên, tim với lòng không nghĩ cũng chẳng cảm gì hết, tất cả do óc thôi. Cùng khối chất xám đó, khi cảm xúc là tâm hồn, khi nghĩ ngợi là trí óc.

"Giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học", nghĩa là óc hay cảm hơn nghĩ.

Người Việt vốn ít nghĩ, mà nghĩ thì hay trực giác hơn suy luận.

Không phải cảm thua nghĩ, trực giác thua suy luận đâu!

Hơn thua tùy ứng dụng. Nhưng chuyện rất dài...
 

Âm vần Việt và Hán Việt

Vì hệ thống âm của tiếng Trung Quốc vốn nghèo hơn hệ thống âm của tiếng Việt Nam cho nên so với tiếng Việt Nam thì hệ thống âm Hán Việt cũng nghèo hơn (...)

Chúng ta hãy đối chiếu hệ thống âm vần của tiếng Việt Nam với hệ thống âm vần của tiếng Hán Việt.

Về âm thì trong 22 phụ âm của tự mẫu tiếng Việt, có âm r và âm g là không có trong hệ thống âm của tiếng Hán Việt.

Về vần thì chúng tôi căn cứ vào cách ghép vần thơ thường dùng của ta mà xếp đặt thành một bảng vần theo từng nhóm vần gồm những vần quan hệ gần gũi với nhau (...)

Trong số 150 vần của tiếng Việt, chỉ có 75 vần có trong tiếng Hán Việt thôi. Trong số ấy các vần o, oe, ăn, im lại là những vần rất hiếm trong tiếng Hán Việt.(5)

--

Âm Hán Việt cơ bản là tiếng Tàu đời Đường bị Việt hóa đi.

Đọc Đào Duy Anh sau đây, biết rằng khi Việt hóa tiếng Tàu, các cụ ta xưa kia chỉ mới vận dụng có khoảng một nửa số vần có trong tiếng Việt.

Nước Việt thì bé, nước Tàu thì to, thế mà tiếng Việt lắm vần hơn hẳn tiếng Tàu!

Ai cảm được Đạo

Trong cuộc trao đổi giữa Cao Xuân Huy và Đào Duy Anh, sau khi ông Cao trình bày cái nghĩ của mình về Bản thể, thì ông Đào đáp lại như trích dưới đây.

Già như... ông già (Lão Tử) mà hồn nhiên như mới đẻ, chắc chắn hiếm.

Tìm bản thể, là tìm lại hồn nhiên...

--

Cái Bản thể của Đạo học thì cảm giác của người thường không thể cảm thụ được mà phải là cái thiên chân của đứa trẻ sơ sinh chưa mất gốc hay cái trực quan - không phải là cái trực quan của nhà khoa học - huyền diệu của người nào còn giữ được ít nhiều cái thiên chân của đứa trẻ con, hay nói đúng hơn là của người nào có một trí tưởng tượng rất phong phú, trong trẻo và hồn nhiên (...) (người như thế) mới cảm thụ được một cách tổng quát mông lung gần như đứa trẻ sơ sinh cảm thụ cái thực tại ở xung quanh nó (...) con người hiếm có ấy, như Thích ca, Lão tử, Trang tử.(6)

Trang khác Lão thế nào

Học thuyết Trang tử là trực tiếp thừa kế tư tưởng "đạo" của Lão tử. Nhưng đạo của Trang tử là cái tồn tại khách quan độc lập, là cái phạm trù "tự bản tự căn", không có quan hệ gì với thế giới hiện tượng. Trang tử thì chỉ nhận bản thể là chân thực, và cho thế giới (...) là hư ảo. Vậy Trang tử đã phá cái nội dung biện chứng của "đạo" của Lão tử mà biến thành cái "đạo" tuyệt đối hoàn toàn trừu tượng. Thế giới hiện tượng thì toàn nhiên là tương đối, không có gì là hiện thực cả.(7)

--

Trang bảo vật "tề" (ngang nhau). Trang có ngụ ý vật "hư ảo" hay không nhỉ?
Nếu có, như Đào Duy Anh nghĩ, thì Trang khác Phật thế nào?

Thiền tôn

Trong lúc trình bày kết quả nghiên cứu chữ nôm, Đào Duy Anh tình cờ viết một đoạn về Thiền tôn. Cái viết tuy ngắn mà đủ...

--

Phật ở trong lòng, trau dồi tâm tính tức là nên Phật (...) Người tu hành có thể do giác ngộ thình lình mà thành Phật (...) Đó là hai điều chủ yếu trong giáo lý của Thiền tôn, tức là tâm ấnđốn ngộ, khác với giáo lý của các tôn phái khác cho rằng người khéo tu hành thì khiến nhẹ bớt được nghiệp báo cho kiếp sau rồi trải qua bao nhiêu kiếp luân hồi mới dần dần thành Phật được (...) Thiền tôn là một tôn phái của Phật giáo đặc biệt phát triển ở Trung Quốc, do Đạt-ma tổ sư từ Ấn-độ sang Trung Quốc lập nên ở thời nhà Lương (Nam Bắc triều), được nhiều phần tử trí thức của Trung Quốc ngưỡng mộ, vì giáo lý của nó bao gồm những yếu tố triết học tinh vi. Ở Trung Quốc thiền tôn truyền được sáu đời, đến Tuệ Năng thời nhà Đường ở Tào Khê (tỉnh Quảng Đông) là tổ thứ sáu. Sau vị tổ thứ sáu ấy Thiền Tôn chia làm nhiều phái, có phái truyền sang Cao Ly và Nhật Bản, có phái truyền sang nước ta, đến thời Trần thì nổi tiếng nhất là phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tôn tức Điều Ngự thiền sư làm tổ thứ nhất, căn cứ là chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Trần Nhân Tôn truyền cho Pháp Loa thiền sư là tổ thứ hai, rồi đến Huyền Quang thiền sư là tổ thứ ba, đều ở thời Trần.(8)

Vẫn một nước thôi

Trong suốt gần 200 năm họ Nguyễn cát cứ ở miền Nam, nhân dân hai miền Nam Bắc vẫn không xem nhau là người nước khác (...)

Để phân biệt người ta chỉ gọi nhau là Đường Trong và Đường Ngoài (...) Họ Nguyễn, mặc dầu cát cứ, cũng vẫn theo niên hiệu nhà Lê.(9)

--

Thời mười hai sứ quân, hay thời hai chúa, hay bất cứ thời nào khác, đối với đông đảo nhân dân Việt Nam, nước Việt Nam chỉ một.

Đơn vị địa lý hoàn chỉnh

Lãnh thổ nước ta là (...) một đơn vị địa lý (...) được cấu tạo trên sự phân biệt và sự phối hợp của hai miền đối nhau, miền đồng bằng chạy dài theo dọc biển do những sông lớn phát nguyên từ dải núi xương sống bồi thành, và miền núi cao chạy dài theo triền phía đông của dải núi xương sống và liên tiếp với miền đồng bằng do một dải trung du gồm những đồi và đất cao chân núi; sự phân biệt và sự phối hợp giữa hai miền như thế là điều kiện rất thuận lợi cho việc thành lập một khu vực kinh tế hoàn chỉnh với những nguồn tài sản và những ngành sản xuất khác nhau mà bổ sung lẫn nhau, do đó cũng là điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất chính trị, tức sự kiến lập của nhà nước thống nhất, mặc dầu về điều kiện cư dân thì những miền cao độ khác nhau như trên đã quy định sự tồn tại bên cạnh nhau của nhiều chủng tộc và dân tộc khác nhau.

(...) lãnh thổ ấy (...) bị chia cắt thành nhiều khu vực cách nhau bởi những nhánh ngang của dải núi xương sống nói trên, nhưng mỗi một khu vực tự nó lại cũng là một khu vực địa lý hoàn chỉnh nhỏ với một dải đồng bằng, một dải núi cao liên tiếp nhau bởi một dải trung du, do đó cũng có thể làm thành một khu vực kinh tế tương đối hoàn chỉnh. Những khu vực nhỏ ấy tuy cách nhau bởi những nhánh núi ngang, nhưng lại thông với nhau dễ dàng bằng những đèo thấp và nhất là bằng đường biển dọc theo bờ, cho nên sự ngăn cách thành nhiều khu vực như thế không những không ngăn trở sự giao thông và do đó sự thống nhất kinh tế và chính trị, mà trái lại lại là điều kiện thuận lợi cho sự ổn định tương đối sớm của lãnh thổ nhà nước và cho sự phát triển đều đặn theo từng giai đoạn của lãnh thổ.(10)
--
Những chiếc xương sườn đâm ra tận biển Ðông của bộ xương Trường Sơn không cản trở thống nhất kinh tế vả chính trị, nhưng thiết tưởng rõ ràng chúng đã có vai trò giúp tạo nên những sắc thái địa phương trong văn hóa Việt Nam ở miền xuôi.

Lúc đầu, văn hóa ta đa dạng do chênh lệch cao độ. Khi mở rộng về phía nam, ở miền đồng bằng nó lần lần trở nên đa dạng vì những đèo "ngang"...

Dĩ nhiên, hiện nay phương tiện giao thông và truyền thông tiến bộ đang nhanh chóng đồng dạng hóa văn hóa từ cao xuống thấp, từ Bắc vào Nam!

_________

(1) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương (1938).

(2) ĐDA, sđd.

(3) ĐDA, sđd.

(4) ĐDA, sđd.

(5) ĐDA, Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 1975.

(6) ĐDA, Nhớ nghĩ chiều hôm, 1973, nxb. Trẻ, VN, 1989.

(7) ĐDA, Trung Hoa sử cương - từ nguyên thủy đến 1937 (1942).

(8) ĐDA, Chữ Nôm (...).

(9) ĐDA, Đất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994.

(10) ĐDA, sđd.