Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

NGUYỄN TUÂN 
- Chùa Đàn

Thu Tứ

Dựng một duyên cớ
Ba lượt viếng lều gianh
Một trận lên đồng văn chương
*
Về việc viết Chùa Đàn, Nguyễn Tuân kể: "Tôi (...) mải miết viết (...) sau một tuần là xong (...) cái phần chủ yếu (...) cuối năm 1945. Đến năm 1946, tôi thêm phần đầu và phần cuối để dễ xuất bản."(1) Tại sao phải thêm mới dễ? Vì đã Cách mạng mùa Thu rồi, nhà văn đã theo Cách mạng rồi, mà "cái phần chủ yếu" lại quá cũ.

Cũ thì không hợp thời chứ không phải kém giá trị. Về tính hợp thời, mãi đến năm 1981 vẫn chưa ổn: Tuyển tập Nguyễn Tuân ra đời vắng bóng Chùa Đàn. Về giá trị, chính tác giả vào dịp ấy tâm sự: "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".

"Cái gan cắt" đã được đưa lại vào "bụng" từ lâu.

Đọc Chùa Đàn hình như đa số độc giả đặc biệt thích thú những chi tiết quái lạ, trầm trồ óc tưởng tượng phong phú của người viết. Một số bắt bẻ: "Phét, Cậu Lãnh nào phải như em trai Đặng Thị Huệ mà...". "Tiếc quá"! Nguyễn Tuân "mải miết" làm văn chương chứ có phải hết sức nặn óc mình ra chi tiết hấp dẫn để giải trí cho ai đâu. Còn nhân vật trong truyện không giống ngoài đời thì chắc chắn cũng như khi sáng tác tất cả những "Yêu ngôn" khác, Nguyễn Tuân không hề chú ý đến tính hiện thực của bất cứ cái gì, kể cả nhân vật.

"Yêu" dù quái đến đâu cũng chẳng qua cái cớ. "Ngôn" mới là thật. "Ngôn" thế nào cho có "yêu" trong "ngôn" mới là cái lý do khiến "tôi" say sưa viết và xót xa khi...

*

Chùa Đàn là truyện. Nhưng Nguyễn Tuân giỏi về tùy bút...

Không có gì lạ cả. Câu chuyện ở đây chỉ có vai trò dựng lên một cái cảnh tượng để cho Nguyễn Tuân tha hồ tưởng tượng ra những cảm giác cảm xúc độc đáo mà say sưa tùy bút.

Đọc Chùa Đàn, nhiều người nhớ những truyện quái dị của Edgar A. Poe. Hai đằng không giống nhau đâu. Tác phẩm của Poe câu chuyện đặc biệt ly kỳ nhưng cảm giác cảm xúc sơ sài xoàng xĩnh. "Yêu ngôn" của Nguyễn Tuân chuyện có lẽ ít ly kỳ hơn nhưng lại đầy những "cảm" vô cùng tinh tế. Lời kể chuyện mặc sức dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào. Lời gợi cảm không dịch được. Vẫn cái thất thế tự nhiên của thứ văn chương đích thực của dân tộc ta.

*

Chúng tôi thấy tác phẩm có thể chia làm ba phần. Vì dẫn trọn thì bài viết quá dài, sau đây ngoài lời bàn về từng phần, chúng tôi chỉ dẫn phần ba.(2)

Dựng một duyên cớ

Phần đầu của Chùa Đàn dựng cái duyên cớ khiến một người phải kỳ công đi rước cho được một tiếng hát về để cho một người nghe. Vì mới là "nền", nên chưa chứa bao nhiêu "lời (đẹp đến mức) yêu quái". Sau đây chỉ nên coi như chút tín hiệu để báo trước cơn "yêu ngôn" sẽ đến:

"Giấy tranh bồi cọ loạt soạt vào tường phòng vắng rộng (...) Màu xanh tái của tranh gia thêm xa lạ vào khí buồng rộng quạnh và đổ thêm buồn lên vẻ nhớ vợ của người ngắm tranh (...) Cậu Lãnh khóc to dần mãi lên, gợi đến cái thống khổ của toàn thể một đám chuyển cữu (...) Rồi tiếng khóc vụt rống lên in hệt cái tiếng người rừng - mình mẩy mọc lông móng chân móng tay hoá ra vuốt - bỗng phẫn nhớ đến nhân loại bị xa cách lâu ngày. Cơn khóc rống đã đổi sang thành tiếng hú hồn. Gió hiu hiu trên nương dâu, kéo lê thê những tiếng thảm rợn ấy xuống những vùng phụ cận thấp xa (...) Cỏ gò chôn rượu bừng dậy chật xanh bóng thạch sương bồ (...) Những tiếng chìm chìm sương rừng gieo xuống những tiếng đục đục loài kim khảo ruột loài thổ (...) Ánh sáng thản nhiên của bạch lạp tỏa quanh áo tang khăn trắng người tửu đồ tình chủng đang vò võ đối mặt vào tranh lạnh".

À, cái bài hò kéo cây gạo vặt hết "ta" với "dô ta" đi, cũng ngộ:

"Một ngày đã ngả bóng dâu
Trở về ấp Thảo tưới dâu chăn tằm...
Rừng thiêng ngả cỗi sơn lâm
Lần lừa ấp Thảo trông tằm thương dâu
Con người rút ruột con sâu
Đem tơ trả miếng lá dâu xót lòng".

Cái ông nhà văn ngồi đung đưa "trên chiếc võng đay trong ngôi nhà của bà Chu ở Bần Yên Nhân" hí hoáy viết Chùa Đàn, ông ấy đã giác ngộ cách mạng rồi mà còn..., nhỉ. Ờ, thì cũng mới..., chẳng viết cho xong Chùa Đàn, sao gọi được là đoạn tuyệt có hậu với những cái "Vang (và) bóng (của) một thời".

Ba lượt viếng lều gianh

Phần thứ hai của Chùa Đàn kể cái "kỳ công". Bà Nhỡ đến cầu Cô Tơ tất cả ba lần, y như Lưu Bị "tam cố thảo lư" Khổng Minh. Trước lần gặp thứ nhất là công phu liều chết đi tìm; giữa lần thứ nhất và lần thứ hai là "tử công phu" luyện lại ngón đàn đáy; sau lần thứ hai là công phu tự chất vấn mình căng thẳng đến nỗi tóc hóa bạc không chừa một sợi!...

"Ta có nên quyến luyến với cái thể xác ta nữa không? Ta thử nghĩ xem ta có còn để dành ta vào việc gì khác không? Hay những ngày mai ngày kia cũng chỉ là sự tái diễn của ngày này thôi! (...) Hình như ta sắp đọc thấy cái ý nghĩa của thời giờ ta đang tiêu đây. Ta học nghề đàn, ta phải đánh lên thành tiếng, dẫu rằng đời chơi đàn của ta chỉ vẳng được lên có một lần (...) cầm đến cây đàn Chánh Thú ấy mà đánh lên thì cái thác của đời tằm nào mà chẳng là say sưa. Nhả cái tơ lòng ấy ra, đánh lên cái tơ ấy cho dội vang lên một giây phút của thời gian rồi mà hết luôn với tất cả chung quanh! (...) Đã nhìn thấy cây đàn cũ ấy thì phải đánh - đánh cái cuộc đời mình vào đấy - để rồi xem nó thành được ra tiếng gì".

Hạ quyết tâm rồi, Bá Nhỡ ngồi đối ẩm với Cậu Lãnh, vừa rượu vừa đàn cho cậu nghe chơi ngón đàn mình vừa luyện xong sắp sửa đem đi thuyết phục Cô Tơ:

"Hơi rượu ủ lấy hơi tơ. Tiếng gảy kẹp lấy tiếng rót. Thời gian thản nhiên lướt trên hai cái tâm sự. Một người uống để kéo dài đời mình ra bằng sự nhớ thương một cái bóng trắng. Một người đánh đàn để càng cảm thấy rằng đời mình rồi sắp là cuộc đời của một sợi tơ do tay mình cấu đứt".

Ở nhà Cô Tơ, sau chuyến thăm thứ hai của Bá Nhỡ, tình hình cũng không yên ổn gì cả. Nhà vốn có một con ma là ông Chánh Thú chồng quá cố của cô và một cây đàn đáy ma là đàn của ông.

"Đêm nọ gần về sáng, Cô Tơ nửa thức nửa ngủ chờn chợn nghe thấy tiếng người rón rén đi từ trong buồng thờ ra. Cô quay mặt lại phía cửa màn thì đã thấy ông Chánh Thú đứng sững đấy, áo xô gai rộng tay và hoen ố (...) Một con đom đóm vờn bay trên cây đàn nhễ nhại mồ hôi. Trên nền tang đàn gỗ ngô đồng, có những đốm lân tinh lập loè. Cô Tơ lại gần nhìn mới biết đấy là máu của dây đàn đứt. Đầu các dây còn rung lên, ruột sợi tơ rỉ tuôn ra một thứ nước đặc sệt như máu con giời leo và xanh đục như ruột bọ nẹt. Chất ấy đọng thành giọt ở các đầu dây và loé tia xanh lạnh lên dưới cái sáng chờn vờn của lửa con đóm".

Có một người còn sống đang quyết chết là Bá Nhỡ. Có một hồn ma đang quyết bắt Bá Nhỡ chết là hồn Chánh Thú.

Công việc dàn dựng đích đáng cho một chầu hát phi thường coi như đã xong.

Trong phần chót của Chùa Đàn ta sẽ nghe.

Một trận lên đồng văn chương

Đến nơi rồi!

Chầu hát Cô Tơ Bá Nhỡ Cậu Lãnh, hay một trận lên đồng văn chương của Nguyễn Tuân thì cũng thế.

Sao lại có thể có người tưởng tượng ra được bao nhiêu cảm giác cảm xúc ấy nhỉ. Nên nhớ tất cả là thuần tưởng tượng! Một cơn "mơ cảm" kỳ lạ hết sức.

Nhưng nếu chỉ có mơ không thôi, ai biết. Đây mơ đến đâu mực đen giấy trắng lời xuống rành rành đến đấy. Mơ hóa thành lời. Và hẳn lời hiện ra lại khiến mơ tiếp tục...

À, đây là cả một cuộc giao hoan với chữ nghĩa có đầy đủ giáo đầu và đạt khoái cảm tột độ, chứ còn gì nữa!

Hình dung viết xong chữ cuối cùng của Chùa Đàn, Nguyễn Tuân vất ngay bút, nằm vật thiêm thiếp trên chiếc võng đay nhà bà Chu! Nhà văn như là chính nhân vật Bá Nhỡ của mình, chỉ không đến nỗi hồn lìa, xác đợi lên cáng về Mê Thảo! Nguyễn Tuân cho Bá Nhỡ đàn hết cả máu ra, tức là Nguyễn Tuân viết hết cả "cảm" của mình ra. Máu hết thì người chết, còn cảm hết thì tâm hồn chỉ khô đi mất một lúc, sau đó lại bắt đầu ứa cảm...

Cái phần cuối của Chùa Đàn càng nhiều chi tiết dễ trầm trồ.

Tưởng có nghĩa lý gì bất cứ cái chi tiết hay ho nào. Tưởng thành tựu đáng nói đây là việc một người đã diễn được toàn thể cái cơn mơ cảm phi thường của mình ra thành chữ nghĩa cực kỳ gợi cảm.

----

Chiếc cáng điều ấp Mê Thảo đã dựng giữa sân nhà Cô Tơ hai đầu gác lên hai cái trấu gỗ ổi già. Cậu Lãnh vẫn chưa tỉnh rượu. Hai lực điền dân ấp vực Cậu Lãnh vào, đặt Cậu ngả lưng bên gối xếp. Bá Nhỡ ra hiệu cho chủ nhân triệt soạn và mời Cô Tơ đổ phách ra mà gõ ngay đi thôi. Sau khi châm mấy nén hương vĩnh quyết vào bát hương thờ Chánh Thú, Bá Nhỡ đã khệ nệ ôm cây đàn thờ từ trong buồng ra. Cô Tơ cầm phách gõ.

Bá Nhỡ thử dây, vặn trục đàn. Trục nghiến gắt và nấc dần mãi lên. Cần đàn ôm sát vào mặt, Bá Nhỡ ngửi thấy một mùi tanh tanh và gỗ đàn đã truyền sang lòng tay một chất nhờn sánh. Buông đầu gảy xuống dây, đàn vẳng ngân một tiếng cuồng loạn. Và những đầu ngón tay phải - Bá Nhỡ đàn tay trái cũng như cầm đũa cầm bút - nhấn xuống dây đã ran lên những cảm giác buốt nhức. Bá Nhỡ chững chạc buông ba tiếng sòng.

Cậu Lãnh còn đang li bì vội choàng dậy, cầm roi chầu đánh luôn mấy tiếng. Người Cậu Lãnh chỉ còn ở hai cánh tay và hai cái tai, chứ cật và chân cứng đờ và mắt thì nhắm nghiền, cầm vểnh lên giời. Cô Tơ như mất hẳn hồn, cái tâm chỉ còn lên xuống theo với bực đàn. Gỗ bục dưới thân tan loãng đi đâu để cả người Cô Tơ phiêu phiêu lững lờ trôi mãi giữa không.

Chưa bao giờ Cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lí của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm vô danh hiu hiu ngọn vàng so le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vướng vít nửa vời.

Tiếng đôi lá con cỗ phách Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên. Tay phách không một tiếng nào là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre cho trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn. Dưới mười ngón tay hoa múa dẻo quánh, tre trúc bật nảy lên vì thỏa thích. Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng. Cậu Lãnh Út mềm tay roi, càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran. Chưa hồi tỉnh cuộc rượu của ấp, Cậu lại tự bồi thêm trận rượu của đêm nhạc. "Đàn ai đàn..."

Nắn những đường gân ngang nó gò cong mình xuống đàn nó day thịt da tê cóng trên dây sắc buốt như cật nứa, mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ sưng vù và bật máu. Bá Nhỡ đang chịu một nhục hình bá đao tùng xẻo. Nghe phách Cô Tơ, ở những khổ rung thưa rồi mau, Bá Nhỡ say sưa trong cái nhận thức là mình đang chết dần giữa đàn hát và mỗi một tiếng trúc tiếng tơ đánh thêm lên là mình lại càng lả dần về cõi chết. Có người tự tử bằng mùi hoa ngát, có người tự tử bằng hơi nhạc. Người đang luyện phím khảo dây bỗng nở một nụ cười héo sững trên hai môi tái.

Máu chảy ra nhiều quá. Toàn thân Bá Nhỡ đỏ ngòm. Áo quần màu trắng của Bá Nhỡ vụt trở nên vóc đại hồng, trông hệt một người phục sức để ăn thượng thọ. Người Bá Nhỡ đã là một cái vại đựng chất lỏng có nhiều chỗ rò rỉ. Máu trong cơ thể Bá Nhỡ cứ đều một dòng tuôn mà thấm lậu ra ngoài, Bá Nhỡ đã thấy khát nước. Và khắp mình mẩy, xót nhức không biết đến đâu là chừng hạn nữa. Mỗi tiếng đàn là một miếng thịt lẩy ra. Tí một, tiếng đàn đưa nhau về nơi vĩnh quyết. Tùng. Tang. Tùng. Tùng! Tụng. Bá Nhỡ vấp một chỗ nhấn, đầu ngón chừng đỗi giây lát trên mõ phím cao quyện huyết. "Đàn ai... đàn... một tiếng...".

Vừa có một mũi kim nào châm vào cái đốt cuối xương sống Bá Nhỡ, làm cho cây đàn đột ngột bật hẳn cần dọc lên. Rồi không rõ từ đâu vào, vẫn ở đoạn xương sống, có rất nhiều hạt muối lạo xạo đánh loãng chất tủy người đang gò đàn. Ruột nhũn hẳn ra, óc se thắt lại, chỉ còn có cái tâm Bá Nhỡ là điều động với lớp tơ trúc dật dờ.

Gân tay Cô Tơ xuống phách đã có chiều lảo đảo vì chuột rút. Hạt châu lẩy bẩy đọng trên môi người hát, sáng đục như mắt chuồn chuồn. Phải nuốt nước mắt mặn chát tuôn đều với máu người đàn đối diện, tiếng hát Cô Tơ có nhiều chữ buông bắt đã hết vuông hết tròn. Tiếng hát đã sa làn rồi khê và mực hát đã có chỗ bửng. Cả hát cả đàn đang dắt tay nhau sa lầy trên cái mênh mông bùn sũng ngào vỏ ốc, mờ rộng xanh lơ ngút chân trời. Cô Tơ rùng mình. Hình như đây là pháp trường đang có những tiếng mớm chiêng đồng. Như ăn phải bát cháo lú bên sông Hắc Thủy, Cô mê thiếp đi. Tiếng hát méo dần.

Thoáng một tiếng dây đàn đứt. Cô choàng tỉnh để nhận cái đầu tơ ấy bắn vào mặt. Thái dương Cô tê dại trong khoảnh khắc. Rồi vững lại tay phách, chỉnh lại hơi cổ hơi mũi, Cô Tơ hát bây giờ mới vượt qua những đỉnh nhọn của thế giới âm thanh. Tiếng hát mọc cánh, thăm thẳm trong trắng tinh khiết quá pha-lê gọt. Cô đang gọi nước suối đá ngọt trào dâng lên. Tiếng phách trúc díu dan như cô đúc lại được muôn điệu của muôn giống chim. Có những tiếng tre đanh thép, sắc bén đến cái mực cắt đứt được sợi tóc nào vô tình bay qua khoảng nơi phách đang bốc cao vươn mình dựng dậy như vách thành. Đôi tai Cậu Lãnh Út chỉ là hai cái phễu để Cô Tơ rót vào đấy cả một rừng chim và cả một suối thủy tinh.

Cô Tơ giờ mới để ý đến những tiếng trống điểm. Trống người chủ ấp trẻ ấy sát phạt thật. Thật là một thứ trống lợi hại. Trong tiếng trống, có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rời. Hình như tất cả những lâu đài cung điện của cuộc đời nhỡn tiền đều tan rã theo một cái roi quật xuống mặt da loài thú. Hình như phải có được vô vàn vàng lụa lũy thế mà phí đi thì mới đổi được ra thành cái tiếng âm âm đục đục ấy. Chầu, điểm đến như thế thì khỏi nào mà tránh được chuyện oan trái cùng người gõ trúc.

Lúc này, Cậu Lãnh chỉ biết có sự thẩm âm. Âm trúc, âm tơ. Còn ngoài ra Cậu không biết gì hết. Chén tống rượu cứ liên tiếp mà vơi mà đầy, gia nhân đi theo rót đưa đến đâu thì Cậu uống đến đấy. Tưởng lúc bấy giờ, cả quê Nhộn này có phát hoả, cả chung quanh Cậu đất có sụt nứt hết, Cậu cũng mặc. Cậu đang ngủ cái giấc ngủ thôi miên của âm nhạc. Không một tiếng nào lép, roi cứ như ôm lấy tang mít, rồi cứ như dán vào mặt da.

"... Nguyệt dãi tàn nhang... ư... Con sông hồ nước biếc...". Nhưng thật ra Cô Tơ chuyên hướng tiếng hát vào lòng người chơi đàn chứ không bận gì mấy đến người điểm chầu. Bá Nhỡ ngồi trước mặt kia, sinh mệnh chỉ còn dính vào cuộc đời bằng một vài khổ đàn nữa thôi. Tắt bản đàn, là cuộc đời người đang xuống cái đầu gẩy bằng sừng bò tót kia cũng hết luôn. Hơi tơ thiểu não như lời gởi gấm giối giăng. Nó buồn rộng xa nhòe quá một tiếng lên đường. Thôi thì đây cũng là những tiếng cuối cùng của đời, Cô Tơ cố bắt buông từng chữ cho thật chín nục để kẻ sắp hết làm người kia đem đi cho thật đầy đủ cái dư âm của cõi sống. Làn hát chênh đi như lời giã từ ngượng nghịu.

Trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất, kêu đánh xoảng. Riêng Cô Tơ nhận thấy tiếng đổ vỡ này và hiểu nó là điềm báo hiệu của một điều linh thiêng gì. Qua cái màn mỏng nước mắt, người hát trừng trừng vào người đàn. Bá Nhỡ vốn đã còm, giờ lại càng khô sút hẳn đi. Máu tuôn ra nhiều quá, đánh đống quanh chỗ Bá Nhỡ như một khối hồng hoa. Bắt tay đàn để xuống mạnh một cái đầu gẩy thứ nhất ấy là máu trong người Bá Nhỡ vợi đi từ đấy. Và thân hình ngót dần đi và teo tóp mãi lại chẳng khác gì cái xác khô người tăng già khổ hạnh. Hình như tới một chừng mực siêu thanh nào đó, âm nhạc có cái vật tính là làm quắt lại da thịt và chuốt dài thân người ra.

Bá Nhỡ chỉ còn là một cái bóng. Bóng loãng dần và không động. Bóng cứ nhạt mờ thêm mãi qua cái hôn mê của nỗi thảm tình thương và Cô Tơ chỉ còn nhận thấy có mỗi một cái chấm sáng trên thân người ôm đàn là còn linh động. Ấy là cái mặt ngọc chiếc nhẫn ở ngón tay nắn dây. Tất cả sinh khí một kiếp người chỉ còn gởi có vào một cái mặt nhẫn linh động theo âm đàn. Nhưng mà ngón tay cầm đàn gẩy cũng đã uể oải rồi trên con phím. Rồi bẵng hẳn đi trong phòng không có một tiếng đàn nào nữa. Như một thứ keo, máu cũ khô quánh đã gắn chặt mười đầu ngón Bá Nhỡ vào mấy sợi tơ đỏ sẫm và mặt tang ngô đồng hoen ố. Mười ngón như một đã bị đóng đinh liền vào phím cây đàn.

Máu tuôn đã hết chất nồng và chỉ còn tỏa ra một mùi tanh nhạt.

Bá Nhỡ gục vào đàn, nách cắp lấy thành đàn mà nhoài ra giường. Gỗ bục đêm và thân người nhoài ra kia lạnh bằng nhau.

Phía sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng.

Linh hồn Bá Nhỡ đã xuất thoát ra kia đang díu đôi cánh ốm rồi biến dần vào bóng khuya. Một con châu chấu ma nổ ruột trên tim nến lả lay.

Thế là hết hẳn ngân rung của chỉ đàn.

Điệu hát Hoà Mã, chưa quá một phần ba.

Như một hành khách hỏa xa tỉnh giấc lúc tàu đỗ vào ga, Lãnh Út choàng dậy, hất hàm hỏi: "Kìa, sao lại nghỉ lâu thế! Nối lại dây chóng vào".

Cô Tơ bỗng òa lên. Tiếng khóc nức nở thê thảm. Cô chạy lại đỡ xác Bá Nhỡ, đẩy chiếc gối mây vào gáy một tấm thi hài co quắp. Cúi mình xuống cái xác dầm dề đỏ, Cô Tơ đang vuốt mắt cho Bá Nhỡ, bỗng lại giật bắn mình lên vì một tiếng tách nữa nổ ngay cạnh Cô. Cây đàn vừa bị tay người lạnh thả dần xuống mặt bục, đang tự tan vụn ra từng miếng con. Phím long rồi, cần, thành, tang đều tung bật hết mộng chốt, và cùng một lúc nhả hết những đường sơn gắn. Đàn chỉ còn là một đống vụn gỗ linh tinh những bừa bộn bên một cuộc đời đánh đàn đang khô dần lớp máu cuối cùng.

Lãnh Út - nước mắt vận chuyển hết vào nội tâm thành một niềm tư lường im vắng ghê lạnh - chống tay vào cầm, ngây sững như đất tượng nung, ngủ ngồi ngay dưới chân xác chết mất một nửa phần đêm và lan sang nửa ngày sau, mắt mở to, mi không chớp lấy một lần.

Tỉnh giấc ngủ ngồi, Lãnh Út nhẹ đặt thi thể Bá Nhỡ vào cáng đưa về Mê Thảo. Chiếc cáng đi theo cái đà của gió mưa thuận mùa. Lãnh Út bám vào đòn cáng mà lần về ấp. Lẽo đẽo chạy theo sau xa là Cô Tơ, mặt trùm kín vuông khăn lượt trắng mỏng.

Bá Nhỡ được hạ thổ vào lúc xế chiều. Và ngay buổi tối ấy, tửu phần cũng bị khai quật luôn lên. Mặt đất gò rượu ngổn ngang đất đào và vô vàn là chum là hũ bị tháo nút ngả nghiêng ở miệng huyệt rượu. Nhiều vò rượu, nước sánh đặc chảy ra lênh láng. Nhiều hũ cơm ủ đang kết men, - lắm cái hình bó và sắc cốt hiện lên đẹp như phát khanh tướng đến nơi.

Sẵn bó đuốc cháy, Lãnh Út vứt luôn vào tửu phần khai quật. Gò rượu phát hỏa. Lửa men khê nồng bốc lên liên tiếp. Cho đến hết canh ba mà ngọn lửa men rượu xanh lè cũng chưa dịu ngọn. Đêm phóng hỏa tửu phần, thảo mộc chim muông vùng Mê Thảo bị một trận say lây. Cây cành cỏ lá đều mê man rũ rượi rầu nhũn. Thú ngàn rống to lên như cảnh động rừng. Chim bị say, cánh cụp cứng lại mà lìa khỏi tổ, rụng xuống đất như quả chín rời cành mẹ.

Lảo đảo, Lãnh Út lắp bắp ấm ớ nói mê giữa một giấc chiêm bao không ngày tháng: "Sau một cái tử biệt, giờ ta phải tính đến một nỗi sinh ly khác. Đối với đàn, hát, từ bây giờ ta nguyện làm một người điếc, một người cô đơn, một người phản bội. Và trên vong linh Bá Nhỡ, ta thề độc là không bao giờ cầm đến một cái chén nào của cuộc đời này."

TÁI BÚT - Một năm sau, ấp Mê Thảo mọc lên một ngọn chùa. Chùa Đàn. Chùa Đàn nhận tượng mới và chuông mới vào trước kỳ giỗ đầu Bá Nhỡ mười hôm.

Cô Tơ đòi giữ việc kinh kệ cho Chùa Đàn và nhận trông giúp luôn hai mẫu dâu ruộng bầu hậu cho Bá Nhỡ. Dưới nhà thờ, có bia bầu hậu cho Bá Nhỡ, ghi ngày kỵ và lễ vật dâng vào định kỳ ấy. Ngày kỵ Bá Nhỡ, dân hàng ấp đều được nghỉ việc tằm tang bốn buổi liền.

Bệ vôi nhà thờ tổ chưa có pho tượng Phật nào. Nhưng ở đấy, sau bát hương đặt một tảng gỗ đẽo có ngọn vút lên, trông xa như một gốc trầm. Lại gần nhận kỹ thì là cả một cây đàn đáy với những nét chính của nhạc khí tạc chìm vào gỗ mộc. Cứ vào hai buổi chuông chiêu mộ, tảng gỗ thờ đó lại đổ ít mồ hôi dầu và xê động khỏi chỗ. Ngày nào, Cô Tơ cũng phải kê đặt lại tượng đàn thờ.

Được hai năm thì ấp Mê Thảo sang tay chủ khác, người ngoại quốc.

Lúc bán ấp, Lãnh Út cố điều đình vẫn giữ lại hai mẫu tự điền vốn cắt ra làm ruộng hậu.

Chùa Đàn dựng trên khoảnh đó.
_________

(1) Tất cả những chỗ trích lời Nguyễn Tuân đều trong Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, VN, 1997.

(2) Phần một và phần hai có thể xem trên trang gocnhin.net.