Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Tô Thùy Yên (1)

Thu Tứ

Anh hùng tận
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Trường Sa hành
Trời mưa đêm xa nhà
Góa phụ
Đãng tử
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Qua sông
Vườn hạ
Em nhỏ, làm chi chim biển bắc
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai
*
Tô Thùy Yên khởi thi nghiệp trong nửa sau của thập kỷ 1950, chủ yếu làm thơ tự do, là hình thức thơ đang "nóng" ở Miền Nam lúc bấy giờ. Đến khoảng giữa thập kỷ 1960, Tô Thùy Yên chợt bắt đầu làm nhiều thơ luật. Về nghệ thuật, Tô Thùy Yên rất thành công với thơ luật và không mấy thành công với thơ tự do.

Thơ Tô Thùy Yên chứa thứ nội dung gì? Võ Phiến bảo nó "có chủ đề triết lý".(1)

Triết có mấy "quan". Tô Thùy Yên chuyên trị vũ trụ quan. Cái nhìn vũ trụ của ông ra sao? "Tôi hoàn toàn không tin vào Thượng Đế như một Đấng Toàn Thiện, Toàn Năng."(2) Tức ông không tin Chúa. Mặt khác, tuy Tô Thùy Yên thỉnh thoảng có dùng một đôi từ trong kinh Phật, thậm chí có "đi về" "suốt bãi sông Hằng"(3), nhưng hình như trước sau Phật cũng không xuất hiện lồ lộ trong thơ ông lần nào. Không Phật không Chúa, cũng không xướng lên một triết thuyết mới... Lại Võ Phiến: "Băn khoăn siêu hình là chủ yếu (...) Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ."

Thế thì đối với vũ trụ Tô Thùy Yên có thái độ giống Chế Lan Viên sao? Tưởng không hẳn. Chế Lan Viên thiên về nghĩ, trong khi Tô Thùy Yên thiên về cảm, tuy không cảm nhiều như Huy Cận. Ông Tô lại đặc biệt "nhạy" với thời gian, như ông từng tâm sự: "Thời gian (...) là nỗi ám ảnh lớn lao thường trực của tôi."(4) Vậy người gần ông nhất chính là Võ Phiến chứ ai!(5)

Vẫn về nội dung, Võ Phiến bảo vì thơ Tô Thùy Yên có nội dung siêu hình nên ông "gần gũi miền Bắc tận trong tâm hồn". Như chúng tôi có lần bàn, "nội dung siêu hình có hai loại. Thơ Tô Thùy Yên thuộc loại ngoài truyền thống, tức tâm hồn ông gần Trung, không phải gần Bắc. Thơ ấy gần với thơ Hàn, thơ Chế, thơ Huy, thơ Võ v.v. hơn là với thơ Phạm Thiên Thư chứ. Nó ít giống Ba Vì, mà giống Trường Sơn đi lạc xuống đồng bằng sông Cửu!"(6)

Không Bắc về nội dung, nhưng thơ Tô Thùy Yên có chỗ chia xẻ với văn học miền Bắc. Ấy là việc sử dụng tiếng Việt hết sức điêu luyện. Dĩ nhiên đó không do tình cờ. Nhà thơ đã nhận thức đúng: "Những chữ trong một câu thơ thành công (...) là những chữ (...) không thể thay thế bằng những chữ tương tự nào khác được"(7), và đã ra công thực hiện cho được cái lý tưởng văn chương.

... Tô Thùy Yên là người Nam. Cái chất Nam nó nằm đâu trong thơ ông nhỉ? Ở ngôn ngữ và ở hình tượng, tuy nói chung không rõ ràng lắm.

Tô Thùy Yên làm thứ thơ tiếng Nam cảnh Nam, nội dung Trung, với lời điêu luyện như lời Bắc! Thơ ấy có những bài hay vào bậc nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Vì thơ Tô Thùy Yên nhiều bài rất dài, cho tiện phổ biến phải chia làm mấy tuyển. Sau đây là tuyển 1, chọn từ những bài làm trước 1975.

Anh hùng tận

"Phía phía rừng tràm xanh mịt mịt", chính giữa là rừng "anh hùng tận" "dô, dô tở mở" đến nỗi "muỗi thủy triều" cũng phải tạm rút!

"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi...".(8)

Dĩ nhiên các "hào sĩ" bạn bè không tên của "ta" đã nâng nắp bi-đông đựng rượu đế mà "túy ngọa sa trường"!

Lời bài thơ toát ra được rất mạnh mẽ cái cảm xúc độc đáo trong một buổi chiều đã có thể cuối cùng...

----

Dựng súng trường cởi nón sắt
Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt
Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều
Đây ngã ba sông, làng sát nước
Xuồng ba lá đậu kế chân bàn
Trời mới tạnh mưa còn thấp ướt
Lục bình, mây mỏi chuyến lang thang
Mấy kẻ gặp nhau nào có hẹn
Nên gặp nhau không giấu nỗi mừng
Ta gạn dăm lời thơ tặng bạn
Dẫu từ lâu bỏ việc văn chương
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên...
Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc về thân thế
Có vợ con mà như độc thân
Bạn hỏi thăm ta cho có lệ
Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung:
Còn mươi tháng nữa lên trung úy
Có thể ngày mai chửa biết chừng
Mặt bạn mặt ta còn trắng cả
Như mặt trời chiều mới tạnh mưa
Tiếng hò mời "dô, dô" tở mở
Muỗi thủy triều chừng cũng giạt ra
Phía phía rừng tràm xanh mịt mịt
Sông không bờ, trời cũng không chân
Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
Tiêu xác thân, để lại oan hồn
Ngày nay, ta bạn đến đây nữa
Đất thì không khẩn, vàng không tìm...
Bạn nhủ ta: đừng hỏi khó
Uống mất ngon vì chuyện loạn tâm
Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
Giờ cất quân, đưa tay bắt
Ước cõi âm còn gặp để say.

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ

Đọc tên thi phẩm sau đây, sực nhớ truyện Tam Quốc. Do "bị" Lưu Huyền Đức "tam cố", Khổng Minh phải rời "thảo lư" lên đường giúp Lưu săn hươu. Mấy chục năm đầy sóng gió, quân sư đôi khi có nhớ "gian nhà cỏ"?

Vào năm làm bài Hề... (trước 1975) Tô Thùy Yên đi chưa xa, thế mà ông đã tưởng tượng ngày trở lại. Nói tưởng tượng, vì thời cuộc lúc ấy đâu dễ dàng cho bất cứ ai "lẳng lặng đi đi khuất, trong lãng quên xanh hút thời gian".

Dù sao, thi sĩ "trở lại gian nhà cỏ" là để vui thú điền viên, để "lòng ta vô sự, ta vui vẻ", có thực chăng? E không đâu. Vô sự lối gì mà, chẳng hạn, đứng "ngắm gốc cây nứt nở vỏ" lại "nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn (mà) trí ta không đủ lực đo lường"! Thường xuyên bị "bao điều thầm lặng lớn" ám ảnh, là Tô Thùy Yên đó. Đi hay về, vẫn cứ bị "ám" nặng thôi.

Quân sư tính toán chuyện quân, đánh được một trận Xích Bích thích chí. Nhà thơ băn khoăn chuyện cây nứt vỏ, viết nên trăm câu thơ một hơi, chắc cũng thích chí.

----

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không, bên kia sông
Trống trải hồn ta cơn gió rã
Tiếng tàn tàn rụng suốt mênh mông

Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài

Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh

Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi

Ở đây, ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây, ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây

Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm

Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Mùa hạ tàn trôi trôi đóm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ

Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa
Trận lốc cười tròn trên quá vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta

Buổi trưa như buổi trưa nào đó
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi
Điệu hát ầu ơ hoa cỏ lịm
Nước mây buồn bã chợt quên trôi

Ta thiếp trong vòm xanh đại thọ
Đời đời giương rộng lượng bao dung
Ví dầu ta ngủ không còn dậy
Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng

Chuyện trần thế bấy lâu thanh thỏa
Sống một ngày, ta rõ một ngày
Thôi vướng mắc dài duyên với nợ
Ân oán đời, phong kiếm rửa tay

Còn lại chăng cây đàn lở tróc
Gảy mình nghe đôi điệu xưa xưa
Còn lại chăng chút u hoài mốc
Pha cùng rượu uống đến say thua

Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân

Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm...

Gặp buổi trời trong dàn bát ngát
Ngọn cây ô! đã giát hoàng hôn
Cơn gió mơn man bờ bụi rậm
Kể dạo quanh vườn chuyện trống không

Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường

Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian

Đêm tối êm ru lời thủ thỉ
Bên hè có tiếng dế ca ran
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu
Mọc lại cho ta thuở xế tàn

Hình như mọi sự đều như thế
Kể cả lòng ta cũng thế thôi
Các việc vô công làm miết miết
Quên tiệt đời ta như nấm mai

Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
Ta thức đêm nay chơi với trăng
Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi
Trên mồ ta, trăng phải lang thang

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian, hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô

Xa nghe đợt gió lên cơn bão
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ
Quỉ ma cười khóc rợn đêm thâu

Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
ăn sạch quân, trừ lính được thua
Hỡi ai tráng sĩ mài dao nhọn
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta.

Trường Sa hành

Có lần bảo Hát Ngao Trên Tuyết của Cao Tần là bài hành xuất sắc thứ tư của thơ Việt Nam. Bảo thế là lỗi trầm trọng: năm 1974 Tô Thùy Yên có bài "hành Trường Sa" tuyệt vời.

Lỗi to, vì nỗi: hành Cao Tần cùng loại nội dung với hành Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Thanh Nam, trong khi hành Tô Thùy Yên khác hẳn, khiến đầu óc người đọc tự nhiên xếp nó vào một chỗ khác...

Trong khi bốn "hành sĩ" kia không lúc nào rời mặt đất, Tô Thùy Yên hay đi lạc tận... cõi Vô Biên.

Ngoài Vô Biên, thân "hữu hạn" tha hồ "tủi nhỏ nhoi", tha hồ "đập hoảng" mà gọi "đất liền", mà cố mở cho kỳ được "khoảng cách đặc"!

Trường Sa, có phải bất quá một cái vỏ đặc biệt thích hợp cho ông Tô tuôn những cảm xúc vũ trụ độc đáo của mình vào...

Cảm xúc mạnh, thơ dài mà như làm một hơi. Còn thơ nào hơn.

----

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi ?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi ?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không ?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên

Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Trời mưa đêm xa nhà

Đêm mưa lạnh, "góc ga thưa", có một cái... tượng ngồi chờ tàu.

Gần tượng, có "đường sắt phân ly mấy cành", có "gỗ tênh hênh" trong vòng tay cỏ, có "đèn le lói (như) vết thương tươi".

Xa tượng, nhưng không xa lắm, có núi "khoác rừng dày ngồi lì".

Núi dầm mưa không biết có lạnh không, chứ người không dầm mưa, không bị "giọt cường toan" nào nhỏ trúng, mà tim cứ "quằn quại hàng hàng"...

----
 

Ga dầm mưa chịu co ro
Cưu mang tàu thấm rét chờ sáng đi
Khoác rừng dày núi ngồi lì
Vân vi đường sắt phân ly mấy cành
Vài thân súc gỗ tênh hênh
Cỏ ôm ấp hẳn lãng quên tay người
Đèn le lói vết thương tươi
Trời da thi thể mưa ngùi chấm than
Hiên ga nhỏ giọt cường toan
Xuống tim quằn quại hàng hàng ưu tư
Trong cơ thể máu chần chừ
Ngoài trời khói thuốc vật vờ ngại bay
Làm gì đây để giải khuây
Ngắm tay mới biết mình gầy hơn xưa
Ngồi chờ tàu góc ga thưa
Nghe hồn ẩm mốc một mùa lạnh căm.

Góa phụ

Ai khóc ai đêm khuya, trong tiếng "chó tru thăm thẳm ngây thiên địa"?

Có là không, "em khóc hoài chi" cái nỗi có hóa không.

----
 

Con chim nhào chết khô trên cửa
Cửa đóng tự ngàn năm bặt âm
Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ
Sao người khai giải chưa về thăm?

Em chạy tìm anh ngoài cõi gió
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn

Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu khuya mỏi nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn

Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm

Cỏ cây sống chết há ta thán
Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh
Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình.

Đãng tử

Vào lúc làm bài thơ này, khoảng cuối thập kỷ 1960 đầu thập kỷ 1970, "đãng tử" Tô Thùy Yên đã "tuần du" được mấy đâu, "một đời" đã "biến đổi" được "bao" đâu, thế mà đã tưởng tượng đến ngày "trở lại ngôi Nhà Lớn"!

Từ bấy đến nay, "vũ trụ miên man chuyển động", người "đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê", vừa chèo vừa "thuận tay (...) ngắt một cành sậy" "làm cây sáo thổi cạn hồn sầu", thổi thành thơ "bay tản" khắp trong ngoài nước...

Thiết tưởng "ngày kia" trong "ngôi Nhà Lớn", nếu (hồn) thi sĩ được ngồi đọc lại tất cả mình, đọc đến những bài như Đãng Tử, chắc "lòng những bằng lòng một kiếp thơ"!

----

Ngày kia trở lại ngôi Nhà Lớn
Lòng những bằng lòng một kiếp chơi.
 

Bạn có nghe, này bạn có nghe
Ở bìa rừng bên gió sửa soạn
Tuần du - cuộc tuần du bất tận
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Giữa tầng trời cao chim giục giã
Từng giàn như những thủy triều sôi
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao
Về nơi hẹn nào không định trước
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Vũ trụ miên man chuyển động đều
Chim đã bay quanh từ vạn cổ
Gió thật xưa, mây thật già nua
Nên với một đời bao biến đổi
Mà trong vô hạn có chi đâu
Ly rượu rót mời, xin uống cạn
Bài ca ta hát đến đâu rồi
Xin hát nốt - còn đi kẻo muộn
Cho úp ly - bóng xế đường dài
Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn
Đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê
Đến ngả ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia
Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm
Lược sử ta trong bí lục nào
Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn
Thiên thu lóe tắt vệt phù du
Thuận tay, ta ngắt một cành sậy
Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu
Bay tản khắp vô cùng trống trải
Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau...

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch

Đào Tiềm thì về thật, nên viết Qui Khứ Lai Từ. Còn Tô Thùy Yên thì chỉ mới tưởng tượng đến về, nên viết...

Ông Đào với ông Tô về hay muốn về, đều do không chịu được chuyện xảy ra nơi đang ở, chứ không phải do "nợ tang bồng" đã "trang trắng" mà "vỗ tay reo" mà về như ông Nguyễn (Công Trứ).

Ông Đào trả ấn từ quan về vui thú ruộng vườn. Ông Tô mơ về "bản trạch", nhưng trong giấc mơ ít nhất lúc đầu ông chưa vui:

"Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Là rồi một chuyện kể chưa xong",

"Ta bằng lòng phận que diêm tắt
Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông".

Vì lòng không vui, nên lắng tiếng sóng ông nghe tiếng "biển cử ai rần bãi rã rời", trông hình "tàu chuối xác xơ" ông thấy "nỗi đời bi thiết xé lưa tưa"...

Thơ Đào Tiềm người ta hay nói tuy có cái vẻ bình dị, điềm đạm, nhưng không phải là không gọt giũa mà chính là "gọt giũa đến mức tự nhiên".

Tô Thùy Yên trau chuốt thơ mình cũng rất thành công. Có điều, người có bình dị thì tự nhiên mới là bình dị. Tô Thùy Yên không bình dị, nên thơ Tô Thùy Yên sau khi đến mức tự nhiên vẫn không bình dị.

Cái đẹp muôn vẻ, thơ sao cho lộ được cái vẻ của mình!

----

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Gió đưa nhớ rải dọc trần gian
Trên đồng ngọn cỏ tranh khom mỏi
Đời nặng cơn bi lụy dịu dàng

Rồi thôi, im mãi, im vô vọng
Ta tiếc dài sao đã đến đây
Lờn rờn bóng lá đong đưa nắng
Thảm thiết dây leo quấn quít cây

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Ơn dày chôn trả đất bao dung
Cụm mây trôi rã trong trời lớn
Như giấc chiêm bao thấy giữa chừng

Con đường đi mỏi mà không tận
Lượn sóng trên ghềnh nhọn rách tơi
Ai thở dài chi cho não nuột?
Cơn mưa hư tưởng mơ màng rơi

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Về luôn như một tiếng kêu khơi
Đã buông trong bạt ngàn xanh ngắt...
Biển cử ai rần bãi rã rời

Chuồn chuồn vui đậu trên nhành lúa
Để lại bay đi lúc kịp buồn
Điệu hát nào lan man vướng vất
Như hơi ẩm mục mặt hồ sương

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Đóa hoa buông cánh khi tàn hương
Tiếng rụng tuyệt âm rền tịch mịch
Dòng sông tới biển nức tuôn, tuôn...

Các mùa chuyển động trong trời trống
Di điểu qua sông xẻ luống sầu
Ly biệt chẳng từ hạt cát ngọc
Tuần hoàn đến cả giọt sương châu

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Là rồi một chuyện kể chưa xong
Mùa hè cọ sát điên kim loại
Con quạ kêu ran giữa quãng không

Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất
Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa
Hòn ngói lia bay bay mặt nước
Chìm sâu dĩ vãng đục không dò

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui
Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn
Càng nhẹ tênh trên cõi ngậm ngùi

Ta bằng lòng phận que diêm tắt
Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông
Thôi nói, bởi còn chi để nói
Núi xa, chim giục giã hoàng hôn

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Áo phơi xanh phới nhánh đào hồng
Mùa xuân bay múa trên trời biếc
Ta búng văng tàn thuốc xuống sông.

Qua sông

Bờ sông thường cao hơn mặt sông rõ ràng. "Đứng trên bờ nhìn xuống", "đến bến, lên bờ" v.v. Nhưng ở trong Nam có những nơi bờ sông thấp gần sát mặt nước. Đứng ở những nơi ấy, thấy mặt sông cao như ngang... mặt mình, thấy như đã gần dinh... Hà Bá, sợ lắm!

"Mùa mưa đã tới", ở "châu thổ mang mang trời nước sát" giữa người đã gục với người chưa gục có "độ cao" gì đáng kể đâu. Cho nên trông "đám", người trông rất dễ

"... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới u minh tiếng rền".

U minh "trào lên mắt ngời" trước mặt. Bước tới vài bước, coi như "đời đã bỏ quên"...

----

Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...
Sông cái nước men bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình...
... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời.

Vườn hạ

Tô Thùy Yên năm ấy mới 36 tuổi, sao lại "Tím hận một đời..." với "Tuổi già gom lại..."? Coi vậy, chớ "mùa hạ trước" qua cũng đã hăm mấy năm rồi. "Mai kia mốt nọ", tính đại thêm hăm mấy năm nữa, để khi "anh về chơi" cho đủ tuổi!

Tính năm tính tháng đùa chút thôi, chớ cũng biết người trẻ hồn già là chuyện có xảy ra. Hồn một khi đã "chín" thì thời gian có khi không trôi nữa:

"Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh...".

"Mai kia mốt nọ anh về chơi", nằm một mình dưới gốc cây nghe "ve kêu như biển lâng lâng dậy", nghe "mương nước rì rào sao sáng thở", nghe "thủy triều lui bậc bậc sầu", có lúc cất bước loanh quanh khiến "chú dế giang hồ (quen) hát say sưa dưới cỏ buồn" sợ, nín hát, làm "cô tịch bưng ồn như máu tuôn"...

"Anh", thiệt ngộ hết chỗ nói!

"Thơ ấu, dậy đi, mừng dụi mắt
Cùng anh chạy nhảy tiếp thời vui"!

----

Mai kia mốt nọ anh về chơi
Vườn ủ đêm dư, nắng mật ngời
Thơ ấu, dậy đi, mừng dụi mắt
Cùng anh chạy nhảy tiếp thời vui.

ăn trái chín cây mùa hạ trước
Thấy nhành ớt động bóng chim quen
Hỏi em, em lấy chồng xa xứ
Hỏi bạn, bạn lìa quê bặt tin

Thời gian đứt quãng dài vô định
Như sợi dây diều băng mất tăm
Lòng anh thảng thốt, sông chao sóng
Kỷ niệm buông tay rú ngất chìm

Ai ngắt giùm anh cây cỏ sướt
Làm đôi gà đá, đá ăn cười
Mùa hè đi khuất kêu không lại
Bãi mía điêu tàn gốc cháy thui

Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh

Hàng cây đứng bóng ôm tròn gốc
Đất ẩm vương hương cỏ trở màu
Ai cúi soi mương rong khỏa mặt
Thấy hồn mùa cũ đọng xanh xao

Còn đợi cây mưa lớn bất thần
Ấu thơ, mừng nhá, chạy la rân
Đá bong bóng nước cơn vui vỡ
Mưa tạnh, ngồi nghe tuổi hạ tàn

Ve kêu như biển lâng lâng dậy
Xô giạt hồn anh mộng chập chờn
Ngủ chín giấc chiều trên xác lá
Tàn măng âu yếm đắp thân đơn

Mênh mang lưu thủy trường trăng lạnh
Con chó tung tăng giỡn bóng mình
Mương nước rì rào sao sáng thở
Đài hoa sương nạm hạt lân tinh

Đây rồi, chú dế giang hồ ấy
Vẫn hát say sưa dưới cỏ buồn
Nghe tiếng chân người chợt nín lặng...
Cô tịch bưng ồn như máu tuôn

Thấp thoáng ánh đèn rây lưới lá
Đàn ai lên cổ khúc hoài lang
Tình ơi, ta hát thầm theo nhạc
Lời nhớ, lời quên, dạ xốn xang

Đêm lịm chầy khuya, trăng nhợt sương
Liễu đi đâu tóc xõa canh trường
Con chim lạc bạn kêu trời rộng
Hồn chết trôi miền dạ lý hương

Nằm đây phủ sáng hằng hà sao
Nghe thủy triều lui bậc bậc sầu
Nghe tiếng mõ chùa khô khốc khóc
U minh ngày tháng bóng lao đao

Cát bụi đã đành thân tấm mẳn
Thì danh với phận kể mà chi
Cảm thương con cá thia lia bại
Có sót huy hoàng cũng xếp vi

Cọc xu thảy hết ra ngoài mức
Đồng cái, thua buồn cũng liệng sông
Tím hận một đời tay cứng vụng
Chơi cầu âu cả cái tâm ngông

Em có tìm không mùa hạ trước
Chiếc vành xưa đánh lạc về đâu?
Đám tranh thuở ấy cao là vậy
Vành lạc, chân không ngại bước vào...

Cây cỗi càng sưng vết chặt lồi
Chờ nhau cho đáng kiếp chờ thôi
Tuổi già gom lại bao thương tưởng
Như cuối vườn chiều mót củi rơi.

Em nhỏ, làm chi chim biển bắc

Đọc mấy câu "(em) biệt xứ ra đi, trời bắt tội", "còn anh hệ lụy chằng trăm rễ", "em đẩy làm chi cửa não nề", chợt nhớ một cái truyện ngắn cũng của Tô Thùy Yên. Trong Nơi Chốn Đi Qua, "tôi" và Phụng rất thân nhau, hoàn cảnh khiến xa nhau, cả hai cùng bất như ý trong cuộc sống, một hôm tình cờ gặp lại...

Tôi trách "em nhỏ, làm chi chim biển bắc", nhưng thực ra tôi đâu có đi tìm em ở biển nam. Thực ra, chuyện em và tôi không quan trọng gì cả.

"... Còn vọng hằng hà sa số kiếp
Lai sinh trời đất cũ chưa quên".

Yêu em, chẳng qua tôi yêu trời đất! Nhớ em, chẳng qua là tôi tưởng niệm thời gian!

----

Em nhỏ, làm chi chim biển Bắc
Xa rồi đám lửa cuối thiên thu
Cửa thần phù dựng trường sơn sóng
Mỗi ngọn xô chìm một giấc mơ

Ôi những con đường đến tự đâu
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình bụi của nhau?

Biệt xứ ra đi, trời bắt tội
Dài tơ tưởng rụng tóc mai xanh
Trôi mòn vóc đá tào khê thức
Nhướng mỏi ngàn sao đáy lặng thinh

Còn anh hệ lụy chằng trăm rễ
Cam phận cây rừng tối đẫm rêu
Nấm tủa tầng tầng thân mục tới
Như mùa hoa trối tuổi già xiêu

Em đẩy làm chi cửa não nề
Bản lề khô kẽo kẹt hôn mê
Nhện giăng tơ mốc nhà hoang lạnh
Tiếng gọi rền vang gỗ đá ê

Dựng dậy hồn oan dĩ vãng nào
Con chim thần thoại mắt khoen sâu
Giật mình như đã ngàn năm ngủ
Giũ bụi lông, cất khản tiếng gào

Có nhớ không em rừng bóng lạnh
Gốc cây ngời giọt nắng sao thưa
Gió ru mê mệt trưa tàn tạ
Hạnh phúc đùa xa tiếng thực hư

Khép mắt cho hồn bay diệu vợi
Mà yêu đến khóc, đến u mê
Để khi mở mắt, ta nhìn thấy
Cả cuộc đời ta có đáng chi

Cây rách sâu thân chắt giọt lòng
Nghiệp hờn trả nghĩa đất bao dung
Mùa hè cháy hực cơn cuồng nộ
Ồ, máu thơm còn ứa chẳng ngưng

Đồi lộng đưa nhau xuống cuối ngày
Thấy âu sầu hiện mỗi thân cây
Cỏ cao quấn quíu chân chùng bước
Ghim xót xa đầy vạt áo bay

Làm sao đi hết những con đường
Gió với cây cùng khóc hợp tan
Mỗi đóa hoa trên đồng chói lọi
Cũng xui phù thế ngậm ngùi thân

Cầu hân hoan chết như mưa lũ
Nước kéo nhau đi trẩy khắp miền
Còn vọng hằng hà sa số kiếp
Lai sinh trời đất cũ chưa quên.

Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai

Đọc "những người..." sau đây, nhớ "thập loại chúng sinh".

Xưa đại loạn qua, phần ai nấy tế. Nguyễn Văn Thành xông pha trận mạc, tế riêng tướng sĩ. Nguyễn Du "trải qua một cuộc", chắc "trông thấy" không sót "điều" gì, nên tế chung tất cả cô hồn. Bài tế "mười loài" kết thúc với nội dung tôn giáo rõ ràng:

"Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi"

Hồi Tô Thùy Yên làm thơ, đại loạn chưa qua. Thi sĩ không tế, lại hình như không có niềm tin nhất định, bèn chọn "biểu dương". "Biểu dương cùng tận" xong, "rồi tất cả sẽ nguôi ngoai"...

Hoặc sau bể dâu hoặc trong bể dâu, hoặc đậm màu tôn giáo hoặc không, "cảm sầu dội, xuyên suốt tâm linh" nên thơ để đời.

Để ý, trong thơ xưa chỉ toàn "cô hồn thất thưởng dọc ngang", trong thơ nay ngoài người kia kẻ nọ "thương thay" còn sừng sững "ta lớn lao và ta cô đơn"!

----

Ra đi như nước ao lền đặc
May gặp ngày mưa lớn thoát tràn
Râu tóc rạng ngời, gậy trúc bóng
Nẻo thơm trần thế, gió hân hoan

Ra đi như một bình minh lạ
Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình
Thi sĩ Bắc Nam đều chết rạp
Ba trăm năm lịch sử làm thinh

Ra đi như một âm thanh sáng
Xuyên suốt tâm linh, dội cảm sầu
Hỡi gã du hành, hãy cất tiếng
Bài ca thiên cổ chẳng thành câu

Tự do, ta thết mừng điên đảo
Cuộc tiệc trăm năm nhục thánh thần
Dưới bóng bao trùm hạt cát tỏa
Đền rêu, miếu cỏ lạnh ma hoang

Con đường vô định chưa ai tới
Hay tới nơi, thôi chẳng trở về
Hỡi gã du hành, hãy nói lại
Những điều ngươi thoáng thấy như mê

Ta mò đoán nghĩa dòng hư tự
Mòn nét trong thiên địa ngập ngừng
Ta thấy mặt tinh cầu xếp nếp
Như lằn nhăn tuổi tác hư không

Những người thuở trước giương cung cứng
Cưỡi ngựa điên, hoa kích ngàn cân
Một trận tan tành ba triệu địch
Nửa chiều chết đứng hận giai nhân

Những người thuở trước đi tìm mộng
Lạc suối mê, hoa giạt ngược dòng
Theo tiếng kinh quan san biệt dạng
Buộc sầu, xõa tóc, thả thuyền rong

Những người thuở trước say vô hạn
Mơ thuốc trường sinh lạc xác phàm
Níu cánh chim bằng qua biển gió
Cây minh linh tốt mấy ngàn năm

Những người thuở trước tham chung đỉnh
Áo mũ xênh xang chốn ngọ môn
Sơ thất, thương thay thân xuống lính
Đày ra quan ngoại, chết không chôn

Những người thuở trước như là mộng
Diễm tuyệt dung nhan thảo mộc sầu
Hương phấn bay lừng xa khỏi kiếp
Tiếng cười xé rách núi sông đau

Những người thuở trước bây giờ lạc
Trong dã sử nào như bóng mây
Trong trí nhớ nào như giọng hát
Hỡi ôi, trời đất lạnh tình thay!

Hỡi ôi, gió nổi lên cùng khắp
Giục gã du hành rảo bước thôi!
Ta uống giếng hoang, ăn trái lạ,
Tâm hồn mãi mãi mới tinh khôi

Nhiều khi ta ngước lên ngơ ngẩn
Nghe tiếng chim quen bay trớt qua
Bóng thoáng như bàn tay dịu mát
Lau nhanh hơi mỏi mặt mày ta

Hoàng hôn xô bóng ta trên cát
Ta lớn lao và ta cô đơn
Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng gượng
Thân trần đứng lẻ giữa đồng trơn

Bình minh như một làn da phỏng
Ta dạo men bờ sóng tuyệt mù
Cảm phục bồi hồi biển nhẫn nại
Bắt đầu mãi mãi lượn thiên thu

Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hi hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.

________________

(1) Trong bộ Văn học Miền Nam, phần Thơ.

(2) TTY trả lời phỏng vấn, đăng trong Lê Quỳnh Mai, Tác giả, với chúng ta, nxb. Khôi Nguyên, Mỹ, 2004.

(3) Đi Về và Suốt Bãi Sông Hằng là tên hai bài thơ của TTY.

(4) TTY trả lời phỏng vấn, xem chú thích 2.

(5) Xem bài Nét Siêu Hình Trong Văn Miền Trung của TT, đăng trên trang gocnhin.net.

(6) Xem bài Đất Nào Văn Nấy của TT, đăng trên trang gocnhin.net.

(7) TTY trả lời phỏng vấn, xem chú thích 2.

(8) Bài Lương Châu Từ của Vương Hàn: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi / Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi".