Chim Việt Cành Nam             [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ]

CON ĐÀN CHÁU ĐỐNG

Thu Tứ

Không mất, còn lý do nữa
Cái sọ ta bảo Tàu không tràn xuống ở
Cái tiếng ta nói nó cũng bảo thế
Nhờ đông dân hơn mà còn
Muốn còn, phải cố mà đẻ
Không mất, còn lý do nữa
Đã nói, như nhiều người, rằng sở dĩ người Tàu chiếm nước ta hơn một ngàn năm mà rốt cuộc không "hóa" được ta, ấy bởi ta vốn không phải man di mọi rợ như kẻ xâm lăng tuyên truyền. Nhờ không phải là "cầm thú", chẳng những Việt không hóa Tàu, Việt lại còn hóa tất cả con cháu những ông quan Tàu qua cai trị thành người Việt!

Nói vậy xong, thấy cần phải nói thêm ngay là riêng nghĩ sự tình không đơn giản có vậy.

Truyền thống Việt không chịu mai một, e còn lý do khác.

Cái sọ ta bảo Tàu không tràn xuống ở
Bình Nguyên Lộc đã căn cứ vào chỉ số sọ mà kết luận sau hơn 1000 năm Bắc thuộc người Việt không lai Tàu đáng kể.(1)

Người Tàu nổi tiếng tuy hay chê các giống người khác là "(Nam) man", "(Đông) di", "(Tây) nhung", "(Bắc) địch", thậm chí là "quỷ" (Tây Dương bạch quỷ!), nhưng không hề kỳ thị chủng tộc mà từ chối kết hôn với bất cứ ai.

Tàu không chê lấy ta, mà ta ít lai Tàu, như thế nghĩa là thời Bắc thuộc trên đất nước ta có ít người Tàu.

Tức tuy đô hộ Giao Chỉ rất lâu, trước sau họ không hề có di dân xuống ở đông đảo.

Cái tiếng ta nói nó cũng bảo thế
Tiếng Việt không phải là tiếng Tàu. Cứ so những từ căn bản, so cái cách ráp chữ lại cho thành câu, thì biết.

Có thể tưởng tượng được chuyện người Tàu xua quân xuống chiếm đất Giao Chỉ, rồi xua dân xuống ở um sùm, rồi một ngàn năm sau trên đất ấy cư dân không nói tiếng Tàu hay không?

Dĩ nhiên là không.

Tức cái sự kiện ta nói một thứ tiếng khác hẳn tiếng Tàu, nó cũng bảo dứt khoát rằng không hề có chuyện dân Tàu ồ ạt kéo nhau xuống ở đất ta.

 Nhờ đông dân hơn mà còn
Cái sọ và cái tiếng nói chúng "hai mặt một lời": Bắc thuộc mặc Bắc thuộc, trên đất phương nam người "Nam" (tức người Việt) vẫn ở đông hơn hẳn người "Bắc" (tức người Tàu). Tàu xua quân đánh chiếm được đất ta, nhưng rồi không hiểu tại sao lại không xua được dân xuống ở.

Thế thì sao?

Giải thích sự mất còn của truyền thống khi hai dân tộc đụng độ, các nhà nghiên cứu trước nay chỉ chú ý đến chêch lệch văn hóa. Ví dụ rất thường được đưa ra là người Tàu nhờ có văn hóa cao mà đã đồng hóa được kẻ xâm lược Mông Cổ, Mãn Châu.

Ơ, nếu chỉ có thế, tại sao người Đông Sơn không bắt chước Tàu đẻ con trong chậu mà con cháu các quan Tàu lại bắt chước người Đông Sơn nhuộm răng đen?!

Văn hóa Ðông Sơn tuy cao, nhưng hẳn không cao hơn văn hóa Trung Nguyên. Rõ ràng tổ tiên ta không phải đã nhờ văn hóa cao mà đồng hóa được kẻ xâm lược.

Rõ ràng, truyền thống mất hay còn không chỉ tùy thuộc vào trình độ tương đối của truyền thống.

Hai nền văn hóa đụng độ, nền nào thắng, cái ấy tùy rất mạnh vào tỉ số dân!

Khi Tàu đụng Mông, Mãn bên Tàu, chủ yếu nhờ dân Tàu đông hơn hẳn dân Mông, Mãn, mà truyền thống Tàu còn.

Khi Tàu đụng Việt ở Giao Chỉ - Cửu Chân, chủ yếu nhờ dân Việt đông hơn hẳn dân Tàu, mà truyền thống Việt còn.(2)

Muốn còn, phải cố mà đẻ
 Nói như trên, không phải là coi thường cái sức mạnh của văn hóa tinh thần. Không phải bảo hễ cứ bên nào đông dân hơn thì truyền thống của bên ấy nhất định sẽ còn.

Chỉ là nghĩ, để cho chắc ăn, nhỡ khi đụng độ, xây văn hóa tinh thần cho cao cứ xây, nhưng cũng nên, cùng lúc, cố sinh con đàn cháu đống.

Tuy "đàn" với "đống" chẳng qua... vật chất, nhưng để giữ vững cái tinh thần của tổ tiên, e không có món gì dùng tốt bằng thứ vật chất con cháu ấy đâu.

Muốn đời đời làm người Việt, hễ có điều kiện nuôi con thì toàn dân ta phải cố mà đẻ!

 _________________

(1) Xem Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971, tr. 667-668. Hẳn có người thắc mắc: những sọ Việt sọ Tàu đem ra so sánh đều là sọ của người sống trong thế kỷ 19, 20, sao lại có thể dùng làm căn cứ để nói về người hồi thế kỷ 10. Lý do là dáng sọ rất bền, 1000 năm không làm nó thay đổi bao nhiêu.

(2) Viết đến đây, không khỏi giật mình: nếu hồi cuối thế kỷ 18 vua Quang Trung bắc tiến chiếm được Lưỡng Quảng, nơi rất đông dân Tàu, thì trên cái nước Việt Nam mở rộng ấy có lẽ bây giờ truyền thống Việt đã "lơ lớ" đi mất rồi!