Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]               [ Tác giả

Nào ai chín suối...
Kìa ai chín suối xương không nát;
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn.
Câu đối nổi tiếng ấy bấy lâu nay được đông người thuộc và bảo rằng của Nguyễn Khuyến.
Kỳ thực, tác giả là Đoàn Triển. Nguyên tác có khác mấy từ.
Đoàn Triển (1854 - 1919)
Bấy lâu nay, quá nhiều sách báo ghi rằng đôi câu đối hào sảng mà thâm trầm ấy do Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) phúng điếu Tú Xương / Trần Tế Xương (1870 - 1907). Xin trưng dăm thư tịch: Thời và thơ Tú Xương của Nguyễn Tuân đăng báo Văn Nghệ tháng 5-1961 rồi in trong nhiều sách như Tuyển tập Nguyễn Tuân tập II (NXB Văn Học, Hà Nội, 1982); Chơi chữ của Lãng Nhân (Nam Chi Tùng Thư ấn hành tại Sài Gòn năm 1961 rồi tái bản lắm lần); Đọc thơ Tú Xương của Xuân Diệu viết xong năm 1969 sau đó in trong hàng loạt cuốn như Thơ Trần Tế Xương (Ty Văn Hoá Nam Hà xuất bản, 1969) và Các nhà thơ cổ điển Việt Nam tập II (NXB Văn Học, Hà Nội, 1982); Nguyễn Khuyến - Tú Xương của Đỗ Đức Dục viết xong năm 1984 để năm sau đọc tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Nguyễn Khuyến đoạn in trong các sách như Nguyễn Khuyến (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1997), v.v.

Tuy nhiên, đã xuất hiện ý kiến phản biện về tác giả đôi câu đối tuyệt vời ấy. Mở đầu chuyên luận Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc, giáo sư Nguyễn Đình Chú nhấn mạnh: "Gần đây đã có người cải chính rằng đó là hai câu đối ở hai cột lăng của Đoàn Triển tại làng Hữu Thanh Oai, Hà Sơn Bình, nhưng từ lâu nhiều người vẫn tin là của Nguyễn Khuyến viếng Tú Xương". Chuyên luận nọ từng in trong các sách Thơ văn Trần Tế Xương (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1984), Tú Xương - tác phẩm, giai thoại (Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh, 1987), Thơ Trần Tế Xương - tác phẩm và dư luận (NXB Văn Học, Hà Nội, 2002).

Hiện trạng bia mộ Tú Xương

Thế mà năm 1991, tu bổ ngôi mộ thi sĩ tài hoa Tú Xương bên bờ hồ Vị Xuyên, giữa TP. Nam Định, Sở Văn hoá & Thông tin tỉnh Nam Định thiếu thận trọng vì dựng bia đá xanh mang những chữ chưa chính xác. Mặt này khắc 2 dòng trích từ bài thơ Sông Lấp của Tú Xương bằng chữ Nôm cùng chữ quốc ngữ:

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò
Ồ, còn tưởng chứ chẳng phải lại tưởng. Bởi thế, nhà thơ Vũ Quần Phương viết bài Hãy gìn giữ những gì liên quan đến nhà thơ Tú Xương đăng báo Tiền Phong thứ bảy 16-7-2005 http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=15905&ChannelID=7 có đoạn: "Tiếng gọi đò trong bài thơ Sông Lấp của Tú Xương làm xao xuyến mọi lòng dân Việt bởi cái âm hưởng như gọi hồn đất nước. Theo tôi, đấy là bài thơ hay nhất của Tú Xương, và cũng là bài thơ của một giai đoạn lịch sử, của hồn vía Việt Nam sâu nặng. Hai câu thơ trích từ bài này đã được các nhà quản lý văn hoá khắc trên bia mộ Tú Xương, nơi vườn hoa Vị Xuyên. (...) Chỉ tiếc trong hai câu thơ trích, khắc quốc ngữ trên bia, có một chữ sai, nên sửa".

Thực ra, bia đá nọ sai cả quốc ngữ lẫn chữ Nôm, đồng thời sai không chỉ một, mà nhiều chữ. Mặt kia khắc:

Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn
                               Nguyễn Khuyến
Đôi câu đối đó không phải của Nguyễn Khuyến, mà của Đoàn Triển, và nguyên tác có khác mấy từ.

Đoàn Triển - sơ lược thân thế và sự nghiệp

Đoàn Triển 段展 tự Doãn Thành, hiệu Mai Viên, chào đời ngày 19 tháng tư Giáp Dần (1854) tại làng Hữu Thanh Oai.

Năm Ất Hợi 1875, Đoàn Triển làm ấm sinh tỉnh Hà Đông. Đỗ cử nhân Ân khoa Bính Tuất 1866, niên hiệu Đồng Khánh thứ nhất. Năm Kỷ Sửu 1889, được bổ Tư vụ rồi Chủ sự, Viên ngoại Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Sau đó, Đoàn Triển lần lượt đảm các chức Tri phủ Bình Giang, Kinh Môn, Nam Sách, Ninh Giang; Án sát Hà Nội; Tuần phủ Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam; Tuần phủ sung Tuyên phủ sứ Bắc Giang.

Là học quan tích cực tham gia vào sự nghiệp giáo dục, Đoàn Triển xây dựng Giang Kiều Học Xá năm Bính Ngọ 1906. Cùng năm đó, ông gửi Thống sứ Bắc Kỳ tờ trình mang nội dung: đề nghị lập Toà Hội đồng Học vụ nhằm biên soạn 18 quyển sách giáo khoa từ vỡ lòng đến trung học. Tờ trình ấy được Emmanuel Poisson khen ngợi qua công trình nghiên cứu Mandarins et subalternes au nord du Vietnam - une bureaucratie à l'preuve (1820 - 1918) / Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 - 1918) (Bản dịch của Đào Hùng & Nguyễn Văn Sự - NXB Đà Nẵng, 2006).

Năm Giáp Dần 1914, Đoàn Triển về hưu, hàm Thái tử Thiếu bảo, Hiệp tá Đại học sĩ. Ngày 12 tháng 7 Kỷ Mùi (15-8-1919), Đoàn Triển mệnh chung, được an táng tại sinh phần do chính ông thiết kế và chỉ đạo xây dựng ở làng Hữu Thanh Oai từ niên điểm hưu trí.

Trước tác của Đoàn Triển hiện còn: An Nam phong tục sách / Tiểu học bản quốc phong tục sách (Bản dịch của Nguyễn Tô Lan - NXB Hà Nội, 2008), Mai Viên thi tập, Mai Viên chủ nhân quy điền lục, Đoàn tuần phủ công độc, Nhi tôn tất độc. Ngoài ra, Đoàn Triển còn có thơ đề ở quán Trấn Vũ, văn bia nhà học xã Hữu Hoà và chùa Quang Ân, câu đối ở đàn tổ họ Đoàn và sinh phần của bản thân.

Xác định tác giả cùng nguyên tác đôi câu đối

Ngày 4-5-2008, giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú nói với tôi:

- Những năm 1955 - 1956, mình là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng lớp với Đoàn Mai Thi. Thi là con của Đoàn Ban, cháu nội của Đoàn Duy Bình, chắt của Đoàn Triển. Mình thân thiết với gia đình đó lắm, nên biết đôi câu đối đang đề cập của cụ Đoàn Triển, chứ mình chưa tận mắt trông thấy trên lăng mộ. Tiếc rằng Thi đã lìa trần. Hôm nay, chúng ta ghé thăm Đoàn Thịnh, em ruột của Đoàn Mai Thi, nhé.

Nhà giáo Đoàn Thịnh, cựu chuyên viên sử học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nay đã nghỉ hưu tại nhà riêng ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi được gia chủ cho xem một số tư liệu liên quan Đoàn Triển, tôi cùng thầy Chú được ông Thịnh đưa đến làng Hữu Thanh Oai để viếng mộ Mai Viên tướng công.

Làng Hữu Thanh Oai, còn gọi Hữu Châu, tên Nôm là Tó Hữu, nằm bên bờ phải dòng sông Nhuệ. Đối ngạn là làng Tả Thanh Oai tức Tó Tả. Xưa, Hữu Thanh Oai là một xã thuộc tổng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1948, nhập với các làng Hữu Lê, Hữu Chung, Hữu Từ, thành xã Hữu Hoà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1961, là thôn Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Ngang chùa Linh Xá, rẽ vào xóm nhỏ một quãng thì gặp mộ Đoàn Triển được tạo tác khá công phu giữa khoảnh đất rộng 1.088m2. Để thắp nén nhang trước huyệt, chúng tôi bước qua cổng bằng đá xanh. Hai cột đá làm trụ cổng được khắc lõm 3 cặp câu đối, gồm 2 cặp Hán và 1 cặp Nôm.

Cặp câu đối chữ Hán thứ nhất:

問心自可無疑塚 
定 論何須俟蓋棺 
Phiên âm:
Vấn tâm tự khả vô nghi trủng,
Định luận hà tu sĩ cái quan.
Tạm dịch:
Hỏi lòng không thiết vun mồ giả,
Xét việc khỏi chờ đậy ván thiên.
Tôi sực liên tưởng thất thập nhị nghi trủng 七十二疑冢  tức 72 mả giả tại huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam, mà Tào Tháo (155 - 220) tạo lập trước khi chết bởi sợ sau này có kẻ đào quật, khiến Nguyễn Du (1765 - 1820) bật lên những vần trong Bắc hành tạp lục đầy cương trực:
枉用一人無限智 
空留萬古許多疑 
臭名滿槨藏何用 
賊骨千年罵不知 
Phiên âm:
Uổng dụng nhất nhân vô hạn trí,
Không lưu vạn cổ hứa đa nghi.
Xú danh mãn quách tàng hà dụng?
Tặc cốt thiên niên mạ bất tri.
Tạm chuyển ngữ:
Uổng phí một người mưu sâu rộng,
Lưu hoài ngàn kiếp mối đa nghi.
Đầy hòm tiếng xấu, chôn gì nổi?
Xương giặc đâu nghe giọng bấc chì.
Cặp câu đối chữ Hán thứ nhì:
生則同室 死則同穴
山不在高水不在深
Phiên âm:
Sinh tắc đồng thất, tử tắc đồng huyệt,
Sơn bất tại cao, thuỷ bất tại thâm.
Tạm dịch:
Sống cùng một liếp nhà, chết cùng một huyệt mộ,
Núi chẳng cốt đỉnh cao, nước chẳng cốt vực sâu.
Vế sau gợi nhớ đôi dòng mở đầu 陋室銘 / Lậu thất minh / Bài minh về căn nhà quê mùa của Lưu Vũ Tích (772 - 842):
山不在高有仙則名 
水不在深有龍則靈
Phiên âm:
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh,
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh.
Nghĩa :
Núi dẫu chẳng cao, có tiên nên danh tiếng,
Nước dẫu chẳng sâu, có rồng nên linh hiển.
Cặp câu đối chữ Nôm rất đáng quan tâm:
Nào ai chín suối xương không nát,
Có nhẽ trăm năm miệng hãy còn.
Giáo sư Nguyễn Đình Chú gật gù:

- Bây giờ, mình mới biết nguyên tác. Đối với xương, rõ ràng miệng chỉnh hơn, hay hơn tiếng. Thành ngữ nghìn năm bia miệng còn khiến cho mọi người hiểu thấm thía hai câu đối của người quá cố.

Nhà giáo Đoàn Thịnh nhấc cặp kính trắng:

- Nhà báo Phanxipăng thấy thế nào?

Tôi cười:

- Văn bản gốc bằng chất liệu bền vững thế này thì... hết ý! Vậy mà suốt bao lâu, thiên hạ vẫn cứ bị nhầm lẫn. Lạ nhỉ? 
 

Đã đăng:
Thế Giới Mới 862 (30-11-2009)
Kiến Thức Ngày Nay 751 (20-6-2011)
Phanxipăng sờ bia mộ Tú Xương trong công viên Vị Xuyên, Nam Định. 
Ảnh: Trần Nam Xuyên
Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú và Phanxipăng viếng mộ Đoàn Triển bên bờ sông Nhuệ, Hà Nội. 
Ảnh: Đoàn Thịnh