Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]               [ Tác giả

Tìm mộ Nhất Linh ở Hội An

Phanxipăng

Nhà văn kiêm nhà báo tài năng Nhất Linh (1905 - 1963) hiện được an táng đâu?
Những tư liệu khả tín cho biết: năm 2001, di cốt Nhất Linh đã được chuyển từ Sài Gòn về chôn ở Hội An.
Kỳ lạ thay, từ ấy tới nay, tôi ghé phố cổ bên bờ sông Hoài, 
hỏi thăm nhiều người địa phương, kể cả các cán bộ ngành văn hoá, thì họ đều trả lời:
- Hội An không có mộ Nhất Linh!
Nhất Linh mang họ tên thật là Nguyễn Tường Tam, chào đời ngày 25-7-1905 (Ất Tị) tại thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, em ruột của Nhất Linh là Nguyễn Thị Thế viết trong Hồi ký họ Nguyễn Tường (NXB Sóng, Sài Gòn, 1974) rằng thẻ căn cước của anh mình ghi ngày sinh 1-2-1905 do Nhất Linh từng làm lại giấy khai sinh nhằm đủ tuổi dự thi, chứ thực tế năm sinh lại là 1906 (Bính Ngọ). Cần thêm rằng nguyên quán của Nhất Linh là làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; hiện thời là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Thời học sinh trường Bưởi ở Hà Nội, Nguyễn Tường Tam đã đăng thơ trên báo Trung Bắc Tân Văn và đăng bài bình luận Truyện Kiều trên tạp chí Nam Phong. Năm 1923, thi đỗ tiểu học, rồi kết hôn với Phạm Thị Nguyên, quê làng Phượng Dực (1). Năm 1924, học y lẫn mỹ thuật ở Hà Nội, nhưng chỉ thời gian ngắn thì bỏ. Năm 1926, vào miền Nam, đoạn qua Cao Miên tức Campuchia. Năm 1927, sang Pháp, nghiên cứu nghề báo và nghề xuất bản. Năm 1930, tốt nghiệp cử nhân khoa học giáo khoa chuyên ngành lý hoá tại Pháp.

Trở về nước, Nguyễn Tường Tam dạy học tại các trường Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội. Năm 1932, làm giám đốc báo Phong Hoá. Năm 1933, thành lập Tự Lực Văn Đoàn gồm bản thân Nhất Linh và Khái Hưng (Trần Khánh Giư còn gọi Nhị Linh), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ). Sau, Tự Lực Văn Đoàn thêm Xuân Diệu và Trần Tiêu (2). Năm 1936, tờ Phong Hoá bị đóng cửa, tờ Ngày Nay kế tục phong trào.

Năm 1938, Nhất Linh lập Đảng Hưng Việt, rồi đổi tên thành Đảng Đại Việt Dân Chính. Từ ấy, Tự Lực Văn Đoàn công khai chống Pháp. Năm 1941, tờ Ngày Nay bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh dạt qua Quảng Châu, Trung Hoa, bị bắt giam 4 tháng, hoạt động trong Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Cách. Năm 1945, Nhất Linh trở về nước, ở Hà Giang thời gian ngắn liền quay lại Trung Hoa, chỉ đạo Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách tục bản báo Ngày Nay tại Hà Nội. Tháng 5-1945, tại Trùng Khánh, Trung Hoa, Nhất Linh sáp nhập Đảng Đại Việt Dân Chính và Đảng Việt Nam Quốc Dân thành Đảng Đại Việt Quốc Dân, gọi tắt là Việt Quốc.

Đầu năm 1946, trở về Hà Nội, Nhất Linh ra báo Việt Nam, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, và được đặc cách tham gia Quốc hội khoá 1 mà khỏi cần bầu cử. Cũng năm đó, dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, Nhất Linh làm trưởng đoàn Việt Nam đàm phán với Pháp. Được cử đứng đầu phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau nhưng Nhất Linh không đi mà trốn qua Trung Hoa, tham gia thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Việt Nam nhằm ủng hộ Bảo Đại.

Năm 1951, Nhất Linh về nước, mở Nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn. Năm 1954, sang Pháp chữa bệnh. Năm 1955, lên Đà Lạt sống, mê sưu tập phong lan. Năm 1958, xuống Sài Gòn, trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội Văn bút Việt Nam. Cũng tại Sài Gòn, từ năm 1958, Nhất Linh thực hiện giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay, phát hành được 11 số thì bị đình bản.

Năm 1960, Nhất Linh thành lập Mặt trận Quốc dân đoàn kết, ủng hộ đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông đảo chính nhằm lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Ngày 11-11-1960, cuộc đảo chính thất bại, chính quyền đương thời giam lỏng Nhất Linh trong nhà riêng gần chợ An Đông, dự định đưa ra toà án xét xử ngày 8-7-1963. Noi gương hoà thượng Thích Quảng Đức, Nhất Linh dùng độc dược tự tử vào ngày 7-7-1963, lưu lại những dòng tuyệt mệnh:

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả."

Thơm danh liệt sĩ - nổi tiếng văn hào
Nhất Linh trút hơi thở cuối, để lại người vợ thân yêu Phạm Thị Nguyên cùng 7 con gồm 5 nam Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thạch, Nguyễn Tường Thái, Nguyễn Tường Thiết, và 2 nữ Nguyễn Thị Kim Thư, Nguyễn Thị Kim Thoa. Nhất Linh còn lưu cho đời cả loạt tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị, bao gồm các tập truyện ngắn Nho phong, Người quay tơ, Anh phải sống (viết chung với Khái Hưng), Đi Tây, Hai buổi chiều vàng, Thế rồi một buổi chiều, Thương chồng, các tiểu thuyết Gánh hàng hoa (viết chung với Khái Hưng), Đời mưa gió (viết chung với Khái Hưng), Nắng thu, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Bướm trắng, Xóm cầu mới, Dòng sông Thanh Thuỷ, tiểu luận Viết và đọc tiểu thuyết, cả bản dịch Đỉnh gió hú của Emily Brontë.

Ngay sau khi Nhất Linh tự huỷ mình, nhà cầm quyền thuở ấy lập tức ra lệnh chôn ông gấp trong nghĩa trang chùa Giác Minh ở Gò Vấp vào sáng thứ bảy 13-7-1963 mà không chờ đợi con trai cả của người vừa khuất là Nguyễn Tường Việt từ Pháp về phục tang.

Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ bệ, lễ truy điệu Nhất Linh được tổ chức rất trọng thể tại sân Tao Đàn ở Sài Gòn. Bấy giờ, vang vọng áng văn tế Nhất Linh do thi sĩ Vũ Hoàng Chương soạn ngày 5-1-1964 mà đây là đoạn kết:

Hỡi ơi!
Tố Đoạn tuyệt thành hồ đoạn tịch, mộng dẫu chơi vơi nửa cuộc, sử còn thơm danh liệt sĩ Tường Tam;
Phượng Nhất Linh hề thiên nhất phương, lầu tuy ngơ ngác bên sông, gió vẫn nổi tiếng văn hào họ Nguyễn.

Năm 1975, tại Sài Gòn, Nguyễn Tường Thạch hoả thiêu di cốt cha, đoạn gửi bình tro trong chùa Kim Cương trên đường Trần Quang Diệu, quận 3.

Năm 1981, quả phụ Phạm Thị Nguyên từ Việt Nam sang Pháp đoàn tụ với các con. Bà mất năm đó, được an táng trong một nghĩa trang tại thủ đô Paris.

Năm 2001, toàn gia quyết định di dời hài cốt mẹ Phạm Thị Nguyên từ Paris và cha Nhất Linh từ Sài Gòn về Hội An. Sự kiện này được Phạm Phú Minh tường thuật trong bài Nấm cỏ đưa về tấc đất xuân đăng tạp chí Thế Kỷ 21 số tháng 7 năm 2002, và Khúc Hà Linh ghi nhận trong bài 12 năm cuối đời của người đứng đầu Tự Lực Văn Đoàn đăng báo Tiền Phong 24-2-2008 rồi in trong sách Anh em Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam: ánh sáng & bóng tối (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2008).

Hội An với nấm mồ Nhất Linh
Sau khi tiếp nhận các nguồn tin trên, tôi mấy lần ghé Hội An, hỏi một số người địa phương về nấm mồ Nhất Linh, đều nghe đáp:

- Ở Hội An có từ đường Nguyễn Tường, chứ không có mộ Nhất Linh.

Mùa hè 2010, lại về thăm phố cổ, tôi quyết định dành thời gian tìm kiếm âm phần thủ lĩnh của Tự Lực Văn Đoàn, người từng chủ trương: "Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ". Thoạt tiên, tôi liên hệ với một số cơ quan chức năng tại đây. Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao thành phố Hội An là Võ Phùng cho biết:

- Chắc chắn không có mộ Nhất Linh ở Hội An.

Công tác tại Trung tâm kia, lại dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời lẫn sự nghiệp Nhất Linh, song nhà thơ Phùng Tấn Đông vẫn nhấn mạnh:

- Chưa hề dời mộ Nhất Linh từ Sài Gòn ra Hội An.

Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An là Nguyễn Chí Trung nói:

- Hội An không có mộ Nhất Linh. Nhân vật nổi tiếng vậy mà chôn ở Hội An thì dân địa phương biết liền chứ. Tuy nhiên, anh thử tìm hiểu thêm, biết đâu...

Trần Tuấn - trưởng phòng kỹ thuật Palm Garden Beach Resort & Spa ở Cửa Đại - vừa lái xe đưa tôi đi, vừa cười:

- Chẳng khác mò kim đáy bể, anh Phanxipăng ạ!

Từ đường phái nhì Quảng Nam của dòng họ Nguyễn Tường trên đường Lê Quý Đôn, toạ lạc giữa các di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Khổng miếu và lăng ngài Tham tri Trần Ngọc Dao (3). Tôi tạt vào từ đường, gặp chị Nguyễn Thị Quyên. Chị tươi cười:

- Mộ nhà văn Nhất Linh cùng vợ và con gái Nguyễn Thị Kim Thư đã được gia quyến cải táng về Hội An ngày 28-4-2001. Dạo đó, các con của Nhất Linh gồm Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Thị Kim Thoa cùng đến đất này lo hiếu sự.

Trong từ đường, gian phía Tây có thờ chân dung Nhất Linh.

Nội dung bia mộ Nhất Linh đan xen Hán tự phồn thể lẫn giản thể và Việt ngữ. Chữ Hán: 錦江阮祥门第十世顯考号一灵阮府君之佳域 (4). Phiên âm: Cẩm Giàng. Nguyễn Tường môn đệ thập thế. Hiển khảo hiệu Nhất Linh Nguyễn phủ quân chi giai vực. Nghĩa: Cẩm Giàng. Họ Nguyễn Tường, đời thứ 10. Mộ thân phụ có hiệu Nhất Linh của chúng tôi. Chữ Việt: Sinh năm 1906. Mất năm 1963. Nam: Tường Việt, Triệu, Thạch, Thiết, nữ: Kim Thoa, cháu nội: Tường Anh, Phong, Thao phụng lập 4-2001.

Chị Quyên nhiệt tình đưa tôi ra xã Cẩm Hà, tới Nghĩa trang nhân dân thành phố Hội An, bước vào khu âm phần dành cho tộc Nguyễn Tường. Trông thấy mộ vợ chồng Nhất Linh, ngay lập tức, Trần Tuấn thảng thốt:

- Hỡi ôi! Mộ Nhất Linh dời về đây từ năm 2001, lẽ nào người Hội An lâu nay mù tịt? Mộ bậc tài danh lẫy lừng mà sao nhỏ nhắn quá, bị chìm khuất quá, khó tìm kiếm quá!

Chị Quyên cất tiếng:

- Nghe tin tỉnh Hải Dương đang xúc tiến tạo dựng Khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn. Đúng không anh Phanxipăng?

Quả đúng vậy. Tại thị trấn Cẩm Giàng thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản cố trạch của Tự Lực Văn Đoàn đã được tổ chức ngày 9-5-2008. Ngày 17-12-2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành công văn chỉ đạo quy hoạch khu vực cố trạch của Tự Lực Văn Đoàn tại thị trấn đó. Tháng 4-2009, UBND huyện Cẩm Giàng lập ban chỉ đạo quy hoạch; và theo kế hoạch thì giai đoạn 1 tạo dựng Khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn đạt diện tích 1,2ha, trong đó có công viên văn hoá, thư viện, nhà khách.

Thế thì với ngôi mộ của vị chủ soái Tự Lực Văn Đoàn là nhà văn kiêm nhà báo Nhất Linh, thành phố Hội An nên sớm trù hoạch và triển khai biện pháp tôn tạo khả thi nhằm mở thêm chốn giao lưu văn hoá bổ ích, đồng thời là điểm du lịch thú vị thừa khả năng cuốn hút đông đảo tao nhân mặc khách muôn phương.

____________
(1) Phượng Dực hiện là 1 trong 3 làng thuộc xã cùng tên ở huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Xưa, Đồng Khánh dư địa chí ghi nhận rằng "xã Phượng Dực thuộc tổng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội". Năm 1888, Pháp lập tỉnh Hà Đông, có phủ Thường Tín gồm 3 huyện Thanh Đàm, Thượng Phúc, Phú Xuyên.

(2) Qua bài Phải chăng Trần Tiêu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn? đăng tạp chí Văn Học 7-2008, Cù Huy Hà Vũ cho rằng Trần Tiêu chưa bao giờ là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn.

(3) Có thể tham khảo bài Phó bảng của Phanxipăng đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 868 (11-1-2010) rồi truyền lên mạng Chim Việt Cành Nam ngày 18-12-2010 http://chimviet.free.fr/giaoduc/phanxipang/phanxipn_phobang.htm

(4) Bút hiệu / bút danh chính của Nguyễn Tường Tam 阮祥叄 là Nhất Linh được ghi kiểu kép 壹零 còn bia lại khắc kiểu đơn 一灵. Qua bài Nấm cỏ đưa về tấc đất xuân, Phạm Phú Minh phê bình tấm bia này: "Riêng chữ thứ 9 từ trên xuống, có lẽ do thợ khắc sai, không có nghĩa, được đoán là chữ chi ". Kỳ thực, chữ chi cũng được thể hiện theo dạng "thượng sơn, hạ nhị" như vậy, chẳng hạn bia nơi mộ Tăng Bạt Hổ trong khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở Bến Ngự, Huế. Có thể tham khảo bài Tăng Bạt Hổ có họ tên thật là gì? của Phanxipăng đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 752 (22-10-2007) và truyền vào mạng Chim Việt Cành Nam http://chimviet.free.fr/lichsu/phanxipang/phanxipn_tangbatho.htm


Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1905 - 1963). 
Tranh: Nguyễn Gia Trí
Di ảnh vợ chồng Nhất Linh được thờ tại Từ đường phái nhì 
dòng Nguyễn Tường ở Hội An. 
Ảnh: Phanxipăng
Bia mộ Nhất Linh ở Hội An. 
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng viếng mộ vợ chồng nhà văn Nhất Linh ở Hội An. 
Ảnh: Trần Tuấn