Có gì vui hơn, khi những
thành quả nghiên cứu văn học của mình được bè bạn Hội
Kiều Học trong nước hưởng ứng viết thành tiểu thuyết.
Nhận được sách anh Hoàng Khôi, Nguyễn Du trên đường gió
bụi với lời đề tặng : " Thân tặng anh Phạm Trọng
Chánh. Cám ơn anh vì những bài viết của anh đã gợi ý nhiều
và tạo cảm hứng cho tôi hoàn thiện cuốn sách này ". Người
viết vội vàng viết bài về quyển sách anh gửi tặng, giúp
anh " nhặt sạn " những sơ sót trong lúc say sưa viết. Tiếc
là không được đọc bản thảo lúc sách chưa ra đời để
công trình anh được hoàn hảo hơn, thôi thì góp ý kiến để
lần tái bản anh xem xét lại. Bài viết cũng trả lời các
thắc mắc nhiều bạn khi thấy dàn bài sách anh Hoàng Khôi
trùng hợp với tên tựa các bài tôi đã viết đăng trên nhiều
site trong nước và hải ngoại, gửi Email hỏi tôi, mong rằng
bài viết này giải toả các nghi ngờ về sách anh Hoàng Khôi.
Người nghiên cứu văn
học sau bao năm tìm kiếm giải quyết những thắc mắc của
các học giả đi trước : Tại sao Nguyễn Du có những bài
thơ làm ở Trường An, Hàng Châu không nằm trên đường đi
sứ năm 1813 ? Tại sao trong Thanh Hiên thi tập có các địa
danh : Liễu Cao Lâm, Trường An, Giang Hán, Giang Bắc, Giang Nam,
Nam Đài, Long Thủy, những địa danh ấy ở đâu ? Những người
đi trước không nghĩ tới chỉ dịch phớt qua hay bỏ quên
! Nhân vật Nguyễn Đại Lang trong Thanh Hiên thi tập là
ai ? Nguyễn Du trong thơ tiễn biệt có nói đã cùng kết nghĩa
sinh tử, cùng tồn vong, chia tay tại đâu mà hẹn gặp lại
tại Trung Châu ? Trung Châu là Hà Nội hay ở Trung Quốc. Nguyễn
Du từ năm 1783 làm Chánh Thủ Hiệu Quân Hùng Hậu hiệu tại
Thái Nguyên. Sách sử các tài liệu rãi rác : Nguyễn Khản
làm Thượng Thư Bộ Lại kiêm trấn thủ Thái Nguyên, Hưng
Hóa, Hoàng Lê Nhất Thống Chí có nói đến Cai Gia, tay giặc
già, thuộc hạ của Nguyễn Khản nắm binh quyền tại Thái
Nguyên. Lê Quý Kỷ Sự của Nguyễn Thu có nói đến cuộc khởi
nghĩa tại Tư Nông của cựu Trấn Thủ Thái Nguyên Nguyễn
Đăng Tiến, tước Quản Vũ Hầu, bị tướng Tây Sơn bắt
giải về cho Vũ Văn Nhậm, Nhậm trọng khí khái dụ hàng,
lại tha bổng cho phép muốn đi đâu thì đi. Gom lại các tài
liệu, tôi tìm được một nhân vật, vừa là thầy, là anh
kết nghĩa Nguyễn Du và cũng là Từ Hải, mở cách cửa Nguyễn
Du đã vào bước đường đi giang hồ khắp Trung Quốc thời
thanh niên..
Những chi tiết rành
rành trong Thanh Hiên thi tập có những bài tả cảnh tuyết,
núi non trùng điệp, lá vàng, trưởng giả ăn mặc còn theo
nhà Hán (không theo nhà Thanh để tóc bính đuôi sam, áo quần
Mãn Châu), dân chúng theo lịch nhà Tần, xử dụng nhạc cụ
" tù và " ? Nguyễn Du có hư cấu, ở Quỳnh Hải, Hồng Lĩnh
theo sách vở mà tưởng tượng làm thơ, hay thơ chữ Hán Nguyễn
Du là những trang nhật ký ?
Tại sao Nguyễn Du có
những câu thơ kỳ lạ : Tôi đọc kinh Kim Cương nghìn lượt
?. Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế ? Giang Bắc, Giang Nam cái
túi không ? Nguyễn Du làm gì mà đọc kinh Kim Cương trong ba
năm, đội mũ vàng nhà sư đi muôn dậm (khoảng 5000 km), làm
gì không tiền mà đi hết các sông phía bắc đến sông phía
nam Dương Tử Giang ? Nguyễn Du ở đâu mà cách Trường An ngàn
dậm về phía Nam ?
Theo Nguyễn Hành, cháu
Nguyễn Du, có viết ông có một cuộc đời giang hồ như cuộc
đời làm quan : Giang hồ long miếu hai điều đủ, Thi họa
cầm thư bốn nghệ tinh.
Theo gia phả từ năm
1786 đến 1796 Nguyễn Du về quê vợ tại Quỳnh Hải, Thái
Bình hợp cùng Đoàn Nguyễn Tuấn khởi nghĩa chống Tây Sơn.
Nhưng điều này không đúng vì từ năm 1788 Đoàn Nguyễn Tuấn
ra làm quan Tây Sơn và đi sứ trong đoàn 158 người năm 1790.
Đoàn Nguyễn Tuấn có hai bài thơ viết tặng một văn nhân
họ Nguyễn, gặp tại Hoàng Châu, Trung Quốc vào mùa thu bàn
luận về văn chương sôi nổi chuyện gì ?, Đoàn Nguyễn Tuấn
phải lên Nhiệt Hà nơi vua Càn Long đang nghỉ mát ? Văn nhân
họ Nguyễn đi xe song mã về Nam và hẹn gặp lại tại nước
nhà vào mùa xuân. Trên đường đi cớ gì mà Đoàn lại viết
một bài thơ Vô Đề về Hồng nhan đa truân khi gặp một ca
nhi hát cho sứ đoàn tại bến sông Hán ?.
Mang những thắc mắc
bao nhiêu năm, năm 2009, tôi đi Trung Quốc qua những thành phố
Nguyễn Du đi sứ và các địa danh trong thơ, tôi nghiên cứu,
tham khảo sách vở từng con sông, từng hồ, từng thắng cảnh
Nguyễn Du đã đi qua, tôi dịch lại toàn bộ thơ chữ Hán
Nguyễn Du, do không nghĩ đến Nguyễn Du có một thời gian đi
giang hồ tại Trung Quốc thời trẻ, những địa danh bị người
đi trước không hiểu nên bỏ qua hay dịch sai và tôi hoàn
thành quyển Nguyễn Du mười năm gió bụi và mối tình Hồ
Xuân Hương. Khuê Văn Paris Xb 2011. Và gần đây tôi viết thành
nhiều bài nhỏ để phổ biến trên các báo điện tử.
Nghiên cứu không phải
là chuyện độc quyền của riêng ai, không phải chuyện người
sau đánh đổ người trước để được nổi danh hơn mà người
đi sau nối tiếp người trước , làm giải quyết những nghi
vấn còn tồn động, làm cho việc nghiên cứu ngày càng phát
triển, sáng tỏ. Điều may mắn trong nghiên cứu về Nguyễn
Du, Hồ Xuân Hương tôi có dịp gặp gỡ bàn bạc với Giáo
sư Hoàng Xuân Hãn và Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.
Những thắc mắc về
Nguyễn Du tôi đã từng bàn với Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, từ
những năm 1980 thuở còn thanh niên trong những lần tôi về
nghỉ hè hàng tháng trời tại dã thự Cam Tuyền, tại Trouville
bờ biển Normandie, Giáo sư khuyến khích, chỉ dẫn tôi những
điều giáo sư nghi ngờ và chưa tìm ra câu giải đáp. Tôi
mang nặng những lời hướng dẫn của giáo sư suốt mấy mươi
năm, nên đọc lại, dịch lại từng câu từng chữ thơ chữ
Hán, chữ Nôm Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du. Ở Paris mà nghiên
cứu Văn Học Việt Nam quả thật là chuyện gàn, vì ban ngày
nói tiếng Pháp, làm ăn sinh sống bằng tiếng Pháp, mà ban
đêm cứ thao thức ngồi viết bằng tiếng Việt, dịch thơ
tiếng Việt chữ Hán, chữ Nôm. Được tiếp xúc với kho tàng
văn hóa Hán Nôm lưu trử tại Trường Viễn Đông Bác Cổ
Paris, di sản cha ông mình nhiều quá, mà người nghiên cứu
lác đác như lá mùa thu, vì việc làm chẳng ai trả lương,
chỉ để tiêu khiển. Ngày xưa, tôi tò mò hỏi giáo sư Hoàng
Xuân Hãn : Vì sao Bác tốt nghiệp trường Bách Khoa Paris, tốt
nghiệp Kỹ sư Hầm Mỏ, Thạc Sĩ Toán mà lại dành cả đời
đi nghiên cứu văn chương Việt Nam ? Bác trả lời : " Việc
ấy các anh em trẻ có nhiều sẽ làm giỏi hơn bác, nhưng kho
tàng văn học Việt Nam nếu không ai làm, di sản tổ tiên sẽ
mất đi rất nhiều ". Rồi từ lúc, ngồi trên ghế trường
Bách Khoa Paris, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết tự điển
danh từ Khoa Học bằng tiếng Việt, đặt nền tảng cho việc
giảng dạy tiếng Việt, chỉ một năm làm Bộ Trưởng Bộ
Giáo Dục và Mỹ Thuật, giáo sư đã đặt nền tảng cho Chương
Trình giảng dạy bằng tiếng Việt còn tồn tại cho đến
ngày nay. Trong tiếng súng chiến tranh Pháp Việt, giáo sư Dương
Quảng Hàm lao vào cứu thư viện của mình và bị chết cháy.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn vẫn tiếp tục đi mua hàng gánh sách
vở các đại gia bị con cháu đem bán làm giấy bổi, rồi
mang nó ra xa nơi chiến tranh ngồi tiếp tục nghiên cứu, chẳng
màng đến danh lợi. Bác Hãn viết sách cả đời, công sức
như cả một Viện Văn Học nhưng không hề hưởng được
một đồng nào do sách vở mang lại. Với địa vị, bằng
cấp tại Pháp, Bác Hãn có thể trở nên giàu có, nhưng Bác
biết dừng lại khi đã có đầy đủ và dành thì giờ nghiên
cứu di sản tổ tiên.
Tôi vốn nặng nợ với
nghiệp văn chương, thuở học trung học đã làm thơ viết
báo, nhiều khi tự nhủ lòng : Trang Tích xưa khi bệnh mới
rên bằng tiếng Việt, chứ tôi đi du học từ năm 19 tuổi,
mà cứ rên bằng tiếng Việt suốt hơn 43 năm. Thôi thì như
Tú Xương : Một chè, một rượu, một đàn bà.. mình thì chẳng
rượu chè, cờ bạc chỉ mê có cô Hồ Xuân Hương và cô Kiều..
Công trình Nguyễn Du,
mười năm gió bụi và mối tình Hồ Xuân Hương sau khi hoàn
thành từ Paris năm 2011, tôi gửi sang Moscou tặng Giáo sư Nguyễn
Tài Cẩn trong những ngày cuối đời, giáo sư cho biết bị
phong thấp tê liệt cả nửa người, chỉ còn một tay gỏ
chữ, bao ngày tháng trông đợi, thường xuyên viết Email hỏi
thăm khuyến khích, không có quyển Hoàng Lê Nhất Thống Chí
tại Moscou, Giáo sư nhờ môn sinh từ trong nước gửi qua, cầm
quyển sách trong tay, giáo sư đánh Email hỏi gấp : Cai Gia ở
trang mấy, anh nói gấp cho tôi biết, giáo sư rất vui khi đọc
được những khám phá mới của tôi về Nguyễn Du, nhất là
về Cai Gia Nguyễn Đại Lang sẽ mở ra cánh cửa về cuộc
đời giang hồ của Nguyễn Du và Giáo sư vui vẻ nói rằng
khám phá này rằng " sẽ làm mưa làm gió "... không ngờ đây
là quyển sách cuối cùng Giáo sư đọc trước khi nhắm mắt
lìa đời.
Được Giáo Sư Nguyễn
Văn Hoàn, vốn đã quen biết từng sang chơi Paris hơn 30 năm,
nay là Chủ Tịch Hội Kiều Học, mời tham gia Hội Kiều Học
vừa mới thành lập, nay được anh Vũ Ngọc Khôi, một hội
viên Kiều Học viết chuyện Mười năm gió bụi của Nguyễn
Du thành tiểu thuyết còn gì vui hơn. Hy vọng có một đạo
diễn tài ba, một nhà sản xuất phim, một nhà viết kịch
bản phim.. sẽ có cảm hứng làm phim truyện nhiều tập về
Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương chắc chắn sẽ ăn đứt các bộ
phim Trung Quốc - Hàn Quốc, sẽ phục hưng văn hóa Việt đánh
bạt được các ảnh hưởng văn hóa tình cảm lẩm cẩm, giúp
cho giới trẻ Việt Nam biết lịch sử Việt Nam nhiều hơn
là sử Trung Quốc, Hàn Quốc. Hàn Quốc đã làm được bộ
phim Xuân Hương, một truyện thơ hàng đầu của Triều Tiên,
còn Việt Nam chờ đến bao giờ ?
Mơ ước nhiều, nhưng
trước tiên đề nghị với anh Hoàng Khôi, xây dựng lại quyển
tiếu thuyết hoàn hảo hơn, và mắc các sự kiện trên chiếc
đinh lịch sử vững chắc.
Trước tiên, để đóng
những chiếc đinh sự kiện vào lịch sử, cần tóm lược
các sai lầm năm tháng trong Thanh Hiên thi tập, và mười năm
gió bụi. Thời gian các tài liệu cũ dựa theo gia phả cho rằng
Nguyễn Du theo vua Lê Chiêu Thống không kịp về ẩn lánh quê
vợ ở Quỳnh Hải, hợp cùng Đoàn Nguyễn Tuấn chống Tây
Sơn 1786-1796 và từ 1796-1802 là thời kỳ dưới chân núi Hồng,
Vợ chết năm 1796, Nguyễn Du cõng con Nguyễn Tứ về Hà Tĩnh,
làm Hồng Sơn Liệp Hộ. Năm 1802 Nguyễn Du đón đường vua
Gia Long tại Hà Tĩnh dâng sớ và được đưa ra Bắc phong làm
Tri huyện Phù Dung trấn Sơn Nam.
Cách chia này không đúng
vì có các mâu thuẩn : Ngược lại Đoàn Nguyễn Tuấn ra làm
quan Tây Sơn. Bài thơ Quỳnh Hải Nguyên tiêu : Nguyễn Du hạnh
phúc bên vợ : Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên, Trăng
sáng đầu xuân tỏa ngập tràn., và mình đã trải qua chân
trời góc biển đến 30 tuổi. Các tài liệu cũ không biết
vợ Nguyễn Du tên gì, không biết năm sinh, làm sao biết năm
mất ? Tại Hồng Lĩnh, Nguyễn Du bị tù, Trấn thủ Nguyễn
Văn Thận giữ vững Hà Tĩnh cho đến năm 1802, Nguyễn Du không
thể chiêu tập thủ hạ và không thể có lương thực, bò,
ngựa để dâng vua Gia Long. Người đã làm quan được mời
ra (cùng Nguyễn Thiếp) năm 1802 và đi theo vua Gia Long từ Phú
Xuân ra Bắc là Nguyễn Nể chứ không phải Nguyễn Du. Bài
thơ Chí Hiên tặng của Nguyễn Du lưu trong Lưu Hương Ký của
Hồ Xuân Hương , có hai câu : Ra Bắc phen này mong nổi việc,
Vào Nam ngẩm trước cũng hoài công . Chứng tỏ Nguyễn
Du không tìm được ai ủng hộ mình tại Hà Tỉnh (Tụ đầu
nan đắc thường thanh mục - Họp bạn khó tìm người mắt
biếc) Hà Tĩnh trải qua cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh,
làng Tiên Điền bị làm cỏ, không ai còn muốn phiêu lưu chống
Tây Sơn,(Tiếu đề tuẫn tục can qua tế - Khóc cười thời
loạn theo trần thế. Tạp thi II). Nguyễn Du không thể ở
lại dạy học vì người bạn thân là Thực Đình dạy học
cũng không sống nổi, cái tên Thực Đình tự cười mình,
nói lên số phận chỉ ăn no khi có đám tiệc ở đình làng.
Nguyễn Du thất bại, bị tù tại Hà Tĩnh, mới ra trở lại
Thăng Long, thì Hồ Xuân Hương đã đi lấy chồng thầy Lang
xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn Du về Quỳnh Hải cưới vợ
Đoàn Nguyễn Thị Huệ, do hai ông anh Nguyễn Nể - Đoàn Nguyễn
Tuấn thu xếp năm ấy Nguyễn Du 30 tuổi. Tại Quỳnh Hải Nguyễn
Du dạy học văn võ, chiêu tập thủ hạ, hoàn tất Truyện
Kiều, làm ăn khấm khá mới có bò ngựa lương thực dâng
vua Gia Long. Từ Quỳnh Hải, Nguyễn Du dẫn thủ hạ đi không
xa đến Phù Dung cùng trấn Sơn Nam, thì gặp vua Gia Long, vua
phong ngay làm Tri huyện tại đây cho nên có danh hiệu là Phi
Tử. Nguyễn Nể cũng được vua Gia Long để lại Bắc Hà giúp
Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành các nghi lễ cho sứ đoàn do Binh
Bộ Thượng thư Lê Quang Định làm Chánh sứ xin nhà Thanh phong
vương và đổi quốc hiệu là Nam Việt, nhưng không giữ chức
vụ gì. Nguyễn Nể không bị Đặng Trần Thường đem ra Văn
Miếu đánh đòn như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Nguyễn An
Lịch.. nhưng năm 1805 về Hà Tỉnh thì bị tri phủ Trần Văn
Chiêu tuy bức, ông uất ức mà chết. Nguyễn Du vợ mất năm
1804 để lại một con Nguyễn Tứ.
NIÊN BIỂU NGUYỄN DU
1766. Nguyễn Du sinh ngày
23 tháng 11 năm Ất Dậu, tính ra dương lịch là ngày 3-1-1766,
mới đúng. (Các tài liệu cũ đều lầm lẫn khi viết Nguyễn
Du sinh năm 1765).
1771 Cha là Nguyễn Nghiễm
xin về hưu trí sĩ, được gia thăng chức Đại Tư Đồ. Chúa
Trịnh cấp cho xe bồ, ngựa tứ và thuyền hãi mã đưa về
làng. Nguyễn Du theo cha về. Nguyễn Nghiễm lại được gọi
ra làm quan Tham Tụng.
1774. Nguyễn Nghiễm được
sung chức Tả Tướng cùng Hoàng Ngũ Phúc đánh Chúa Nguyễn
ở Đàng Trong.
1776 Nguyễn Nghiễm bị
nhiễm bệnh dịch cùng hàng ngàn quân sĩ, đưa về quê dưỡng
bệnh và mất tại Hà Tĩnh 7 tháng 11 Ất Mùi (7-1-1976). Được
truy tặng tước Huân dụ Đô hiến đại vương, Thượng đẳng
phúc thần.
1778 Bà Trần thị Tần
(1740-1778) mẹ Nguyễn Du qua đời ngày 20-7-1978.
1780 Trong vụ án Canh
Tý. Anh cả Nguyễn Khản (1734-1786) thầy dạy Trịnh Tông bị
khép tội mưu loạn cùng Trịnh Tông, được tha chết nhưng
bãi chứcx, giam ở nhà Châu Quận công. Nguyễn Du về Tiên
Điền học với chú Nguyễn Trọng.
1782.Chúa Trịnh Sâm mất,
Trịnh Tông nối ngôi Chúa, cử Nguyễn Khản làm Thượng Thư
bộ Lại, tước Toản Quận công.
1783 Nguyễn Du thi Hương
ở trường Sơn Nam, Nam Định đậu tam trường. Nguyễn Khản
thăng Thiếu Bảo, cuối năm thăng Tham Tụng kiêm trấn thủ
Hưng Hóa, Thái Nguyên. Cử Nguyễn Du làm Chánh Thủ Hiệu quân
Hùng Hậu Hiệu cai quản đội quân tinh nhuệ nhất Thái Nguyên.
Cai Gia Nguyễn Đăng Tiến tước Quản Vũ Hầu vốn là tay giặc
già, phản Thanh phục Minh Trung Quốc, gốc người Việt Đông,
là tân khách (thủ hạ) dưới trướng, thầy dạy võ cho Nguyễn
Du và các anh em được giao quyền Trấn thủ Thái Nguyên, nơi
có nhiều người Trung Quốc sang khai mõ bạc. Nguyễn Nể (1761-1805)
đỗ tứ trường trường thi Hương Phụng Thiên, Hà Nội, Nguyễn
Khản phong làm Cai quản đội quân Phấn Nhất trong phủ Chúa.
1784 Nhân vụ 7 kiêu binh
bị nhà chúa giết vì bữa tiệc vua Lê đãi kiêu binh có công
phò Hoàng Tự Tôn Lê Duy Kỳ từ trong tù ra, kiêu binh nổi
loạn đốt phá dinh thự Bích Câu. Nguyễn Khản chạy trốn
lên Sơn Tây với em Nguyễn Điều (1745-1786), trấn thủ Sơn
Tây, Nguyễn Nể phụ tá làm Hiệp tán Nhung vụ, họ toan hợp
quân các trấn về đánh kiêu binh, nhưng kiêu binh giữ chặt
chúa Trịnh Tông, âm mưu bất thành. Kiêu binh áp lực bãi chức
Nguyễn Khản và giáng chức Nguyễn Điều, hai người về Hà
Tĩnh. Nguyễn Điều về huyện Thanh Chương lập nhà ở đấy,
khi nghe nhà Trịnh mất ông uất ức mà chết năm 1786.
1786 Tây Sơn ra Bắc,
Nguyễn Khản từ Hà Tỉnh theo ghe mành ra Bắc giúp chúa Trịnh
chủ trương đóng quân theo lối vẩy sộp(theo Lê Quý Kỷ sự)
, nhưng kiêu binh vu cáo ông rước giặc Tây Sơn về. Nguyễn
Khản phải bỏ chạy, ông mất trong hoàn cảnh đó, thi hài
được đưa về an táng tại Hà Tĩnh.
1787 Nguyễn Du, Nguyễn
Quýnh cùng Cai Gia Nguyễn Đăng Tiến, quyền trấn thủ Thái
Nguyên khởi nghĩa tại Tư Nông thất bại, bị bắt và cùng
được Vũ Văn Nhậm tha chết, họ đi sang Vân Nam. Nguyễn Quýnh
quay trở về Hồng Lĩnh khởi nghĩa bị bắt và bị giết năm
1791 tròn 30 tuổi, dinh thự và làng Tiên Điền bị đốt sạch.
1787-. Đến Vân Nam, Nguyễn
Du bị bệnh ba tháng mùa xuân. Hết bệnh họ đi Liễu Châu
và chia tay, Nguyễn Đại Lang về thăm quê nhà vùng Quế Lâm,
cao sơn lưu thủy. Nguyễn Du đi giang hồ ba năm ở Trung Quốc
trong áo mũ nhà sư mang danh Chí Hiên, từ Quảng Tây theo thuyền
đi dọc sông và Hồ Động Đình đến Hán Khẩu, rồi theo
sông Hán rồi lên Trường An viết bài Dương Quý Phi, Bùi Tấn
Công mộ, Phân Kinh thạch đài, rồi lại theo kinh Đại Vận
Hà đến Hàng Châu .
1790 Tại Hàng Châu Nguyễn
Du cư ngụ tại chùa Hổ Pháo bên Tây Hồ, nơi Từ Hải tức
Minh Sơn Hoà thượng từng tu hành, trước khi đi giang hồ thành
cướp biển. Tại đây Nguyễn Du có được bản Kim Vân Kiều
truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Gặp lại Nguyễn Đại Lang
tại miếu Nhạc Phi cũng bên cạnh Tây Hồ,( nơi đây Nguyễn
Du viết 5 bài thơ, một bài Nhạc Phi hai bài Tần Cối và hai
bài Vương Thị), sau đó hai người đi Yên Kinh (gặp vua Lê
Chiêu Thống), trở về Hoàng Châu thì gặp Đoàn Nguyễn Tuấn
sứ đoàn Tây Sơn tại một lữ quán, gặp bạn văn chương,
Nguyễn Du bàn chuyện sôi nổi về Hồng nhan đa truân. Đoàn
Nguyễn Tuấn viết hai bài thơ tặng văn nhân họ Nguyễn. Nguyễn
Du về Long Châu và trở về Thăng Long.
1790-1793. Nguyễn Du về
ở với anh Nguyễn Nể, đang làm quan Tây Sơn tại Bắc Thành
giữ chức Hàn Lâm thị thư, sung chức Phó sứ tuế công, năm
1791 đi sứ về, đã xây dựng lại một phần dinh thự Bích
Câu, tại đây Nguyễn Du nghe cô Cầm, người nhạc nữ cũ
cung vua Lê đánh đàn. Nhưng Nguyễn Du thường ở gác tía,
nơi câu cá anh Nguyễn Khản cạnh đền Khán Xuân, tại đây
Nguyễn Du quen biết Xuân Hương Hồ Phi Mai, mối tình ba năm.
1794. Nguyễn Nể được
triệu về Phú Xuân thăng chức Đông Các Đại Học Sĩ, gia
tăng Thái Sử Tả Nghị Lang, chức vụ thầy dạy vua Cảnh
Thịnh. Nguyễn Nể giao phó cho hai em Nguyễn Du và Nguyễn Ức
tiền bạc để về Tiên Điền xây dựng lại từ đường
và làng Tiên Điền. Về Phú Xuân, quyền hành nhà Tây Sơn
trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên, cậu vua Cảnh Thịnh, Thái
sư đày Quân sư Trần Văn Kỷ ra Hoàng Giang làm lính thú. 1795
Nguyễn Nể xin ra Quy Nhơn vừa mới lấy được từ vua Trung
Ương Nguyễn Nhạc, trấn đóng để tránh xa xung đột triều
đình, cuối năm được cử làm Chánh Sứ (Hành Khánh Sứ)
lễ bộ mừng lễ truyền ngôi vua Càn Long cho vua Gia Khánh.
1794-1796. Nguyễn Du về
Tiên Điền, bị bệnh ba tháng cuối năm. Ở nhà cạnh Giang
Đình bến sông để tiếp nhận mua gỗ đá, vật liệu chỡ
bằng thuyền. Nguyễn Ức vẽ kiểu và chỉ huy thợ xây cất.
Nguyễn Du trao đổi thơ với Hồ Xuân Hương. Nguyễn Du đi
săn làm Hồng Sơn liệp hộ. Nguyễn Du có vào Phú Xuân thăm
anh và nhận một món tiền khác.
1796. Công việc xây dựng
tạm xong. Nguyễn Du làm Nam Hải Điếu đồ, người đi câu
biển Nam Hải toan theo thuyền về Nam. Lúc này chúa Nguyễn
Ánh đã đánh chiếm đến thành Diên Khánh (Nha Trang). Nguyễn
Du bị quận công Nguyễn VănThận trấn thủ Hà Tĩnh bắt giam
mười tuần. Nguyễn Du trở ra Thăng Long thì hay tin Hồ Xuân
Hương đã đi lấy chồng thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn
Du viết hai bài thơ ký tên Chí Hiên oán trách nàng tệ bạc.
Hồ Xuân Hương vẫn trân trọng chép trong Lưu Hương Ký. Nguyễn
Du sang nhà Đoàn Nguyễn Tuấn, anh Nguyễn Nể cũng vừa đi
sứ về được thăng chức Hữu Trung Thư, chức vụ quân sư
cho vua Cảnh Thịnh, trước biến loạn triều đình Nguyễn
Nể xin ra xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An thay
Trần Quang Diệu.
1797-1801 Nguyễn Nể cùng
Đoàn Nguyễn Tuấn tác thành hôn nhân cho Nguyễn Du cùng Đoàn
Nguyễn Thị Huệ và giao cho gia trang ở Quỳnh Hải. Từ đây
Nguyễn Du có vợ con sống hạnh phúc chấm dứt cuộc đời
gió bụi. Nguyễn Du hoàn tất Truyện Kiều, dạy văn, dạy
võ chiêu tập thủ hạ tại Quỳnh Hải.
1801 Nguyễn Nể được
lệnh vua Cảnh Thịnh đưa La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vào
chầu, còn ở Phú Xuân thì kinh đô thất thủ. Nguyễn Nể
và La Sơn Phu Tử được vua Gia Long gọi ra. Nguyễn Nể dâng
sớ được trọng dụng khen thưởng và cho theo xe vua ra Bắc
chỉ dẫn nghi lễ cho sứ đoàn ngoại giao Lê Quang Định, Trịnh
Hoài Đức đi sứ. Nguyễn Thiếp được cho về quê quán.
1802. Vua Gia Long ra Bắc
truy lùng vua Tây Sơn Cảnh Thịnh. Nguyễn Du dẫn học trò,
tráng đinh mang lương thực, bò, ngựa từ Quỳnh Hải đón
đường đi gặp Vua Gia Long, đến huyện Phù Dung thì gặp vua,
vua phong ngay làm tri huyện Phù Dung. Việc này tương tự với
Phi Tử đời Chiến Quốc dâng ngựa cho vua Chu Hiếu Vương
được chức Phụ Dung, nên Nguyễn Du có danh hiệu là Phi Tử,
Nguyễn Hành bài Đi Săn có nhắc đến danh hiệu này.
1803. Làm Tri huyện được
mấy tháng nhờ tài nói lưu loát ngôn ngữ Trung Quốc trong
thời gian đi giang hồ và tài năng ứng đối thi ca. Nguyễn
Du được thăng Tri phủ Thường Tín lên Lạng Sơn đặc trách
tiếp sứ sang phong vương cho vua Gia Long cùng Tri phủ Thượng
Hồng Trần Quý Chuyên. Tri phủ Thiên Trường Ngô Nguyên Viễn,
Tri phủ Tiên Hưng Trần Lưu. Thơ tống tiễn do Nguyễn Du viết.
1804. Xong việc ngoại
giao tiếp sứ, Nguyễn Du trở về Thường Tín, vợ mất để
lại một con Nguyễn Tứ. Nguyễn Du cáo bệnh xin nghĩ một
tháng về quê. Nguyễn Du tìm về Cổ Nguyệt Đường mong nối
lại duyên xưa thì Hồ Xuân Hương đang làm lẽ Cai Tổng Cóc
Nguyễn Công Hòa ở Vĩnh Yên, nàng đau ốm tâm sự như nàng
Tiểu Thanh. Bên song cửa Nguyễn Du viết bài Độc Tiểu Thanh
Ký gửi Hồ Xuân Hương và tự hỏi : Ba trăm năm lẽ nữa
ai khóc người phẩm hạnh cao quý như nàng Tiểu Thanh. Đó
là lý do bài Độc Tiểu Thanh Ký nằm cuối Thanh Hiên thi tập.,
và hai chữ tố như chỉ có nghĩa là người phẩm hạnh cao
quý như thế (như nàng Tiểu Thanh).
1805 Nguyễn Du được
thăng Đông Các học sĩ, hàm ngũ phẩm, tước Du Đức hầu
vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân. Chức vụ dâng sách cho
vua Gia Long đọc mỗi ngày. Nguyễn Nể về quê bị Tri phủ
Trần Văn Chiêu truy bức ông uất ức mà chết.
1807 Làm giám khảo trường
thi Hương, Hải Dương.
1808 Mùa thu, xin về quê
nghỉ.
1809 Đầu năm được
bổ làm Quan Cai Bạ (Trấn thủ) doanh Quảng Bình, một trong
bốn doanh đất kinh kỳ, hàm tứ phẩm.
1812 Cuối năm Nguyễn
Du xin về quê xây mộ cho anh Nguyễn Nể, được hai tháng thì
có chiếu chỉ triệu vào kinh.
1813 Thăng Cần Chánh
điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc.
viết Bắc Hành tạp lục.
1815 Thăng Hữu Tham tri
Bộ Lễ hàm Tam phẩm.
1816 Kết thúc vụ án
Nguyễn Văn Thuyên. Trung Quân thống lĩnh toàn quân đội Nguyễn
Văn Thành tự tử. Anh rễ Nguyễn Du, Tiến sĩ Vũ Trinh thầy
dạy Nguyễn Thuyên bị giam hậu và đày đi Quảng Nam 12 năm.
Vụ án Binh bộ Thượng Thư Đặng Trần Thường, vụ án Trần
Phúc Hiển chồng Hồ Xuân Hương.
1818. Trần Phúc Hiển
bị xử tử, Hiệp trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán, thi
tướng Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường chết, có lẽ tự tử.
1819 Được cử làm Đề
Điệu Trường Thi Quảng Nam, Nguyễn Du dâng biểu cố từ được
vua chuẩn y.
1820. Gia Long mất, Minh
Mệnh lên ngôi cử Nguyễn Du làm Chánh sứ đi báo tang và xin
thụ phong; Chưa kịp đi thì bị bệnh dịch mất ngày 10 tháng
8 năm Canh Thìn tức ngày 16-9-1820. Ngô Thời Vị làm Chánh sứ
thay thế. Thi hài Nguyễn Du được an táng đồng Bầu Đá,
xã An Ninh, huyện Quảng Điền Thừa Thiên. Năm 1924 con là Nguyễn
Ngũ cải táng đưa về làng Tiên Điền.
ĐÍNH CHÁNH NHỮNG SƠ
SÓT
Đọc sách anh Hoàng Khôi,
tôi xin nhặt ra những sơ sót, và bổ túc thêm những chi tiết,
mong rằng anh sẽ chữa lại , mài dũa thêm viên ngọc quý để
trở thành một tác phẩm hoàn hảo tuyệt tác, nếu có thì
giờ viết thành kịch bản truyện phim cũng nên.
Trang 14, Trấn Sơn Nam
thời Lê, đến đời Gia Long được chia làm Sơn Nam Thượng
đặt trị sở tại Châu Cầu. Sơn Nam Hạ đặt trị sở tại
Nam Định. Sang năm 1831 đời Minh Mạng chia Sơn Nam Thượng
gồm hai tỉnh Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Sơn Nam Hạ chia làm
hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Đời Gia Long, Bắc Thành
có 11 trấn : gồm 5 nội trấn là Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương,
Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ. 6 ngoại trấn là : Thái Nguyên,
Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Yên Quảng. Ngoài
ra có hai đạo Thanh Bình (Ninh Bình) và Hoà Bình và phủ Hoài
Đức gồm Thăng Long và vùng phụ cận. Do đó Ninh Bình và
Thăng Long đời Gia Long về trước, không thuộc về Sơn Nam.
Trang 18. Bà Đặng Thị
Thuyết (không phải Tuyết) sinh mẫu Nguyễn Điều, em bà chánh
thất Đặng thị Dương. Bà Nguyễn Thị Xuân quê Bắc Ninh,
sinh mẫu NguyễnTrứ, Nguyễn Nghi thay vì bà Hồ Thị Ngạn
( là sinh mẫu Nguyễn Nhưng, thay vì Nguyễn Nhung).
Mẹ Nguyễn Du là Trần
Thị Tần, con người thuộc hạ làm chức Câu kế lo việc
kế toán, quản gia cho cụ Nguyễn Nghiễm, quê làng Hoa Thiều
họ này có hai người đỗ Tiến Sĩ, bà Tần là vợ thứ ba
có con đông nhất (Nguyễn Trụ, Nguyễn Nể, Nguyễn Thị Diên,
Nguyễn Du, Nguyễn Ức) . Do đó tôi nghĩ mẹ Nguyễn Du là người
có thế lực trong gia đình, chứ không phải là mối tình qua
đường, số phận người hầu, con mọn như anh Hoàng Khôi
viết ? Theo phong tục ngày xưa bà chánh thất thường do cha
mẹ hỏi cưới để làm dâu phụng thờ cha mẹ, cai quản gia
trang nguyên quán, bà thứ hai do bà cả cưới cho chồng, thường
là em hay họ hàng của mình để " làm bạn " cho mình. Bà ba
là người được chồng lựa chọn, theo chồng đi khắp các
nơi trấn nhậm và được chồng yêu thương nhất, có nhiều
quyền hành nhất và có con đông nhất. Cụ Nguyễn Nghiễm
có tám bà vợ và 21 người con. Thường các gia đình quan lớn
ngày xưa, bà chánh thất giữ sổ sách kế toán và tiền bạc
cho một gia trang khoảng 50 người, vừa các bà, con cái người
hầu, người bảo vệ, tân khách, thầy dạy văn, dạy võ....
Trong trường hợp bà cả quê mùa không biết tính toán mới
có người làm câu kế.
Trang 30. Nguyễn Du không
thể về Hải An, Quỳnh Hải học với cha vợ là Đoàn Nguyễn
Thục năm 1782, năm Nguyễn Du 16 tuổi vì ông Đoàn Nguyễn Thục
sinh năm 1718 và mất năm 1775. Thời gian 1780-1782 Nguyễn Khản
bị phải vụ án Trịnh Tông, nên bị giam lỏng, chúa nghĩ
tình bạn cũ tha không giết, do đó Nguyễn Khản không thể
cưới vợ cho em, người trụ cột trong gia đình như thế,
thì còn vui gì mà lấy vợ. Nguyễn Du về Hồng Lĩnh học với
chú là Nguyễn Trọng. Trong bài thơ Tặng Thực Đình năm 1794
có câu : La Thành nhất biệt thập niên thâm. Một biệt
La Thành đã chục năm. Nguyễn Du có bạn ở thành Nghệ
An trước năm 1783, sau đó Nguyễn Du ra thi Hương trường Sơn
Nam, Nam Định, đỗ Tam Trường.( đỗ trường thi, phú, chiếu-biểu
và hỏng kỳ tứ trường thi văn sách).Năm 1783 Nguyễn Du không
thể vừa trấn đóng Thái Nguyên, vừa ở quê vợ Quỳnh Hải
?
Trang 98 bài biệt Nguyễn
Đại Lang : hai câu : Tống quân quy cố khâu, Ngã diệc phù
Giang Hán.(Tiễn anh về quê cũ, Tôi sang sông Hán đây) Nguyễn
Du tiễn Nguyễn Đại Lang về quê cũ vùng Quế Lâm nơi cao
sơn lưu thủy, vùng Việt Đông nơi quê hương người Choáng,(Tráng)
người Việt cổ thời Việt Vương Câu Tiễn và Triệu Đà,
ngày nay còn 15 triệu người vẫn còn giữ tiếng nói. Và cho
biết mình sẽ sang sông Hán để đi Trường An. Giáo sư Nguyễn
Huệ Chi dịch thành : Tiễn anh về núi cũ, tôi cũng trẩy
sang sông, bỏ sót mất địa danh Giang Hán.
Hai câu : Sinh tử giao
tình tại, Tồn vong thổ tiết đồng cho biết Nguyễn Du
có kết nghĩa sinh tử với Nguyễn Đại Lang, cùng khởi nghĩa
bị bắt và được tha.
Trang 109, 114,115 hai bài
Sơn Thôn và Sơn Cư Mạn Hứng tả cảnh Vân Nam : nơi non
sâu lớp lớp, Trưởng giả còn ăn mặc theo nhà Hán, ở trong
núi (lịch theo Tây Tạng) không theo lịch nhà Tần. Phạm
Tú Châu dịch áo mũ người già, và lịch năm trong túi không
đúng. Ông Quách Tấn dịch câu : Nam khứ Trường An thiên
lý dư (Phía Nam ngàn dậm cách Trường An), thành Ngoảnh
lại trời Nam khuất Đế thành không đúng. Vì ông không
nghĩ Vân Nam cách Trường An ngàn dậm. Nếu Trường An là Thăng
Long hay Phú Xuân thì Nguyễn Du không thể ở cách hơn ngàn
dậm phía Nam. Bài Thu Chí câu : Tuyết ám cùng thôn hiểu
giác ai (Tuyết xuống làng xa não tiếng tù) ông Phạm Khắc
Khoan, Lê Thước dịch : Cõi sớm làng xa tuyết phủ đầy,
thiếu tiếng tù nghe ai oán, não ruột và tù và là một nhạc
khí thường dùng ở Vân Nam. Cảnh tuyết này không thể ở
vùng Quảng Tây được.
Trang 105, 106 bài Thôn
dạ Nguyễn Du viết ở Hồng Lĩnh câu : Niên niên kết đắc
ngư tiều lữ - Ngư tiều là bạn quanh năm đó, Nguyễn
Du đang đi giang hồ không thể kết bạn với ngư tiều quanh
năm, bài Giang đầu tản bộ viết ở Quảng Bình : câu Bất
tài đa khủng tốc quan phi - Bất tài quan vẫn sợ đơn sai,
không hợp với thời đi giang hồ, chưa làm quan.
Trang 111, 112 bài Pháo
Đài : Nam Bắc xa thư khánh đại đồng - Nam Bắc mừng nay
cuộc đại đồng, thống nhất Nam Bắc sau Trịnh, Nguyễn
phân tranh, trong Nam Trung Tạp ngâm, Nguyễn Du làm lúc làm quan
Cai Bạ (Trấn Thủ) ở doanh Quảng Bình, chép vào cảnh lúc
Nguyễn Du đi giang hồ ở Trung Quốc không đúng.
Trang 116 bài , Thu dạ
II Nguyễn Du trả lời họa bài Thu Vũ của Hồ Xuân Hương,
Xuân Hương khóc khi nghe tin Nguyễn Du bị bệnh ba tháng cuối
năm ở Hồng Lĩnh. (Xem Phạm Trọng Chánh. Đi tìm Cổ Nguyệt
Đường và mối tình Nguyễn Du -Hồ Xuân Hương site Vanhoanghean).
Trang 123 Nguyễn Du đọc
Kinh Kim Cương nghìn lượt (Bài Phân Kinh Thạch đài), vì thời
bấy giờ, Lê Quý Đôn có viết quyển Kinh Kim Cương chú giải,
được trí thức Bắc Hà yêu chuộng, được nhà chùa Thăng
Long khắc bản in. Lê Quý Đôn nhà bác học, là một thần
tượng thời bấy giờ, khi mất được chúa Trịnh để tang
bãi chầu ba ngày, việc hiếm có. Nguyễn Du tất có bên mình
quyển Kinh của Lê Quý Đôn chú giải. Trên bước đường
giang hồ đi Trung Quốc, Nguyễn Du đọc kinh kim cương, nghìn
lượt, tức là ba năm, ngày đi du lịch tối về một ngôi
chùa trên đường đi tụng kinh làm công quả, nhà chùa thết
đãi món chay rau đậu. Đây là một chi tiết khá thú vị.
Trang 163, năm 1790, Nguyễn
Du đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Hàng
Châu, lúc đó Nguyễn Du mới 24 tuổi, chưa đến tuổi " tam
thập nhi lập ".
Trang 170, Nguyễn Nể
có hai lần đi sứ. Lần thứ nhất năm 1789 sứ bộ đầu tiên
của Tây Sơn, Vũ Huy Tấn Chánh sứ, Nguyễn Nể làm Phó sứ.
Vũ Huy Tấn đi sứ lần thứ nhất trở về, lại ở trong sứ
đoàn đi sứ lần thứ hai năm 1790. Theo học giả Thái Văn
Kiểm, Nguyễn Nể đi sứ đến năm 1791 mới về,( trong bài
Nguyễn Du đi sứ, Việt Nam Gấm Hoa, Làng Văn Canada xb 1797 tr
101). Khi sứ thần nhà Thanh sang Thăng Long phong vương cùng năm,
có cả Nguyễn Nể và Đoàn Nguyễn Tuấn tiếp rước, Đoàn
giới thiệu với các sứ thần nhà Thanh : Quế Hiên Nguyễn
Nể là đỉnh cao thi trận nước Nam. Lần thứ hai năm 1795
làm Chánh Sứ (Hành Khánh sứ) sang mừng lễ vua Càn Long truyền
ngôi cho con là Gia Khánh. Có thể Nguyễn Nể có trong sứ bộ
năm 1790 do Phan Huy Ích làm Chánh sứ, có Đoàn Nguyễn Tuấn,
đoàn có 158 người, có ông vua Quang Trung giả do Phạm Công
Trị đóng vai và hoàng tử Quang Thùy. Như thế Nguyễn Nể
đi sứ ba lần chăng ?
Nguyễn Công con Nguyễn
Khản và Nguyễn Thiện con Nguyễn Điều có tham gia Sùng Chính
Viện của Nguyễn Thiếp. Nguyễn Nhưng, đậu Tứ Trường đời
Lê, đời Tây Sơn có ra làm Trấn Thủ Sơn Tây thay thế Nguyễn
Công Tấn thân phụ Nguyễn Công Trứ năm 1801. Nhà Nguyễn lên
ông ở ẩn làm nghề thuốc.
Trang 171 Hai bài thơ Đoàn
Nguyễn Tuấn tựa : Chí Hoàng Châu thích Nguyễn khế văn
tự Yên Kinh hồi tẩu bút tặng chi. Đến Hoàng Châu thì vừa
vặn gặp người bạn văn chương họ Nguyễn từ Yên Kinh trở
về bèn phóng bút làm thơ tặng. Bài tựa chứng tỏ Nguyễn
Du đã lên Yên Kinh và trở về. Sự kiện vua Lê Chiêu Thống
và các quan lại đi theo muốn nhà Thanh làm áp lực để xin
đất Thái Nguyên, Tuyên Quang mà không xin đất Cao Bằng như
nhà Mạc, chứng tỏ đã gặp cựu trấn thủ Thái Nguyên Nguyễn
Đăng Tiến.
Trang 178, Bài Lưu Biệt
Nguyễn Đại Lang, đặt Nguyễn Du chia tay cùng Nguyễn Đại
Lang tại Hoàng Châu không đúng vì có địa danh Liễu Cao Lâm.
Liễu Châu ở vùng rừng cao nguyên, nơi sản xuất gỗ nam mộc
đóng hòm rất tốt, giữ thi thể rất lâu (Trung Quốc có câu
: sống ở Hàng Châu, cưới vợ Tô Châu, ăn ở Quảng Châu
và chết ở Liễu Châu) Từ Vân Nam vùng núi, về đến
Liễu Châu vùng cao nguyên, đến Quế Lâm là đồng bằng. Trong
thơ Nguyễn Du, Tây phong thường ám chỉ quân Tây Sơn : Vì
quân Tây Sơn ra Bắc cho nên chúng ta lưu lạc nơi chốn rừng
cao nguyên Liễu Châu, Tây phong qui tụ Liễu rừng cao.
Ông Trương Chính trong Thơ Chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn Học
1965, vì không nghĩ đó là địa danh, nên cho rằng câu thơ
không đúng cú pháp, ông chữa thành : Tây phong tiêu táp
phất cao lâm, Gió Tây thổi qua ống tay áo phơ phất cành
liễu. Ông Đào Duy Anh giữ nguyên nhưng dịch thành Rừng
liễu ra về buổi gió Tây. Chữ ra về ngược lại với
nghĩa chữ qui tụ.
Trang 181, Đoàn Nguyễn
Thục mất năm 1775, 57 tuổi, năm 1790 Đoàn Nguyễn Thị Huệ
16 tuổi, mồ cô cha lúc một tuổi, có thể con thứ thiếp,
được anh cả Đoàn Nguyễn Tuấn nuôi dưỡng và kết hôn
cùng Nguyễn Du năm 1796, 21 tuổi.
Trang 214, cụ Đồ Diễn
đã mất năm 1786, thọ 83 tuổi. Do đó năm 1790-1793 ba năm mối
tình Hồ Xuân Hương - Nguyễn Du cụ Đồ Diễn không còn nữa.
Hồ Xuân Hương nếu sinh năm 1772 lúc đó đã 18-21 tuổi với
tài hay chữ có thể đã dạy trẻ họ vỡ lòng. Văn bản Landes,
Lê Quý chép thường tả Hồ Xuân Hương đi đâu cũng có 5,
7 đứa hầu gái, có lẽ là học trò. Làng Nghi Tàm sau khi cụ
Đồ Diễn có Tử Minh tức Cả Tân học trò cụ Đồ Diễn
dạy học, Tử Minh mất 40 tuổi năm 1811, Hồ Xuân Hương sau
mười năm phong trần : Thập tải phong trần quán nhỉ linh,
mười năm phong trần như ăn trộm bị tai đi trộm chuông
(lấy lẽ Cai Tổng Cóc, trở về mở hiệu sách, rồi đi buôn,
vì tình bất an vùng Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ do loạn Đặng
Trần Siêu, Võ Đình Lục thường chặn đường cướp bóc
các thương nhân, nàng thôi đi buôn). Làng Nghi Tàm mời Xuân
Hương thay Tử Minh dạy học. Học trò các lớp thi Hương sang
học với ông nghè Phạm Quý Thích. Nguyễn Thị Hinh tức Bà
Huyện Thanh Quang, sinh sống cùng làng Nghi Tàm, học với Hồ
Xuân Hương sau đó học với Tiến Sĩ Phạm Quý Thích cùng
thời với Phương Đình Nguyễn Văn Siêu..
Trang 234 : năm 1774 cụ
Nguyễn Nghiễm cầm quân dẹp loạn vùng Hội An, điều này
không đúng. Đó là cuộc chiến lớn chấm dứt Trịnh Nguyễn
phân tranh sau hơn 200 năm. Nhân tại Phú Xuân Trương Phúc Loan
chuyên quyền. Tây Sơn nổi dậy đánh phá chiếm từ Bình Định
tới Diên Khánh. Chúa Trịnh Sâm biết như vậy bèn sai đại
tướng là Hoàng Ngũ Phúc, cùng Nguyễn Nghiễm làm Tả Tướng
quân đem thủy bộ 3 vạn quân cùng Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình
Thể, Hoàng Đình Bảo vào đất Bố Chính để đánh họ Nguyễn,
giả vào đánh Trương Phúc Loan. Các quan ở Phú Xuân bèn bắt
Phúc Loan đem nộp. Nhà Trịnh thừa cơ chiếm lấy Phú Xuân,
sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc phong cho Nguyễn Nhạc trấn
thủ đất Quảng Nam. Các chúa Nguyễn,Thái Thượng Vương và
Tân Chính Vương bị Nguyễn Huệ đuổi bắt và giết chết,
chỉ còn Nguyễn Ánh 17 tuổi chạy thoát. Trong trận này quân
nhà Trịnh hàng ngàn người bị bệnh dịch cụ Nguyễn Nghiễm
cũng nhiễm bệnh đưa về quê quán Tiên Điền dưỡng bệnh,
năm 1776 cụ mất tại quê nhà.
Trong tình hình đọc
sách hiện tại trong nước và hải ngoại, mỗi người Việt
Nam đọc không đến một quyển sách một năm, các nhà xuất
bản tại hải ngoại chỉ sống nhờ sự hy sinh của tác giả,
tự viết tự bỏ tiền in, không kể gì lời lỗ. Sách gửi
đi các nơi không hy vọng gì thu tiền lại. Trong nước sách
in được 1500 quyển như Nguyễn Du trên đường gió bụi anh
Hoàng Khôi là thuộc loại khá. Đáng cho chúng ta khuyến khích.
Phải chăng vì thiếu sách hay, các nhà văn ngày nay không đủ
sức hấp dẫn lôi kéo người đọc chăng. Nghĩ lại ngày xưa
thời Tự Lực Văn Đoàn, Thơ Mới, những năm 1930-1940 mỗi
năm người đậu Tú Tài chỉ vài chục người, người biết
chữ quốc ngữ có là bao nhiêu trên 25 triệu dân thế mà sách
đã tạo ra những trào lưu văn học lớn mạnh. Ngày nay chúng
ta có 90 triệu dân trong nước và 4 triệu người Việt hải
ngoại, mà tình hình sách vở còn thua các nước nhược tiểu,
nghĩ thật đáng buồn. Chúng ta không nâng cao được dân trí,
mà dân trí lại thụt lùi. Được một nhà văn như anh Hoàng
Khôi, hy sinh thức đêm thức hôm để viết sách, để mua vui
một vài trống canh, tôi mừng và mong có
nhiều người như anh Hoàng Khôi. Đừng để các thế hệ mai
sau không còn biết viết văn, biết đọc mà chỉ còn biết
bấm mấy câu vớ vẫn trên điện thoại di động.
Paris
9-11-2013
Phạm
Trọng Chánh
*Tiến sĩ Khoa Học
Giáo Dục Viện Đại Học Paris V
|