Trở Về   ]         [  Tác giả  ] 
Phạm Thảo Nguyên giới thiệu và bình chú
( tức Thảo Nguyên )
 
Nguyễn Du ở Quỳnh Côi
và bài thơ Trệ Khách

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền: Nguyễn Du (1765-1820) lấy bà họ Đoàn, con quan ngự sử Đoàn Nguyễn Thục, quê ở Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam nay là tỉnh Thái Bình vào năm 1783. Đến năm 1786, khi Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất dẹp chúa Trịnh, hai anh lớn là Nguyễn Khản và Nguyễn Điều bị bệnh chết, Nguyễn Du về Quỳnh Côi lánh nạn, ở đó suốt mười năm, thời gian này được gọi là thời kỳ Mười Năm Gió Bụi (1786-1796). Tới 1796 mới trở về quê mình ở Châu Hoan, dưới chân núi Hồng Lĩnh.

Nhưng, đọc các tác phẩm của Nguyễn Du trong thời kỳ Mười Năm Gió Bụi này, rõ ràng những năm đầu, ông không sống ở Quỳnh Côi, và có vẻ ông chưa lấy vợ.

Nhìn sang lịch sử, ta thấy :

Năm 1784 giặc Kiêu Binh nổi lên tại Thăng Long, vì thù ghét đã đánh phá đình Kim Âu, tư dinh Nguyễn Khản, dinh này đẹp nhất kinh thành, chỉ thua cung vua và phủ chúa. Cả gia đình họ Nguyễn chạy tán loạn: Nguyễn Khản chạy lên ở với em là Nguyễn Điều, trấn thủ Sơn Tây, sau này chết vì bệnh ở Thăng Long. Nguyễn Du đang ở Thái Nguyên làm quan võ, do tập ấm của người cha nuôi họ Hà từ 1783, chắc không phải chạy trốn.

Năm 1786 sau khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất diệt chúa Trịnh, tuy quyền bính có thay đổi, nhưng dân chúng cũng như vua quan nhà Lê còn yên vị, an ổn, chưa ai cần lánh nạn. Vua Lê Cảnh Hưng còn gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Đến năm 1789, sau 43 ngày chiếm đóng Thăng Long, Tôn sĩ Nghị cùng hai mươi vạn quân Thanh bị vua Quang Trung đánh tan tành tại trận Đống Đa, số sống sót kéo nhau chạy về nước, vua Lê Chiêu Thống trốn theo sang Tàu. Từ đó, các cựu thần nhà Lê một số ra hợp tác với nhà Tây Sơn, và những người còn chủ trương Phù Lê mới hoảng sợ tìm nơi lẩn trốn, lánh nạn, trong số đó có Nguyễn Du và một số anh em.

Nếu thi hào đã có vợ, thì chắc lúc này ông về Quỳnh Côi như gia phả viết, như Nguyễn Ức, em trai ông đã về Phù Đổng, quê vợ. Nhưng không, trong thơ ta thấy Nguyễn Du đi lánh nạn một mình, sống giang hồ bôn ba nghèo đói và thời gian này không ngắn, bài thơ Mạn Hứng viết rõ:

Lữ thực giang tân hựu hải tân (Bến sông bờ biển mãi ăn nhờ).
Tam xuân tích bệnh bần vô dược (Ba mùa xuân ôm bệnh nghèo không thuốc ..)
Nhiều lúc khốn cùng tới nỗi phải nhận cả lòng thương hại của người (Khất Thực).

Bài Sơn Cư Mạn Hứng còn cho thấy ông vào ẩn sâu trong núi, (trong khi Quỳnh Côi ở đồng bằng gần biển) giả làm người nhà quê để tránh Tây Sơn dòm ngó, lập vườn thuốc tính kế lâu dài:
 

... Quần sơn thâm sứ dã nhân cư
Sài môn trú tĩnh sơn vân bế
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ...
.(.Rừng sâu núi thẳm sống quê mùa (sống vờ là người quê mùa)
Ngày yên cửa liếp mây ngàn phủ
Xuân lạnh dậu tre vườn thuốc thưa...).
Cũng như bài U Cư :
Tha hương dưỡng chuyết sơ phòng tục
(Xa quê, nuôi cái vụng về quê mùa, để đề phòng thói đời)
Vì quả thật, ông không biết về đâu: Hà sứ quy ? (bài Tự Thán) . Khi đó, cả đại gia đình họ Nguyễn mỗi người một ngả, thất lạc nhau. Nguyễn Nễ viết Hoài Tố Như Đệ. (Nếu như Nguyễn Du vẫn ở Quỳnh Côi, do lấy bà vợ họ Đoàn từ 1783, thì ông không phải đi giang hồ nghèo đói, và Nguyễn Nễ không lạc em, ta biết rằng liên lạc giữa Thăng Long và Trấn Sơn Nam, Thái Bình bằng đường thuỷ rất tiện lợi.)

Nhìn lại sự việc các con trai gia đình Nguyễn Tiên Điền chạy tản mạn mỗi người một phương, trừ những người có mẹ là người Châu Hoan còn ở lại Tiên Điền, thường họ về quê mẹ hay quê vợ như Nguyễn Nễ về Bắc Ninh, quê mẹ, Nguyễn Ức về Phù Đổng, quê vợ, Nguyễn Trứ cũng về quê mẹ, và sau này Nguyễn Du về quê vợ ở Quỳnh Côi... Ta thấy như một sự việc có tổ chức, một kế hoạch có chủ ý, để tránh bị tàn sát, trả thù trong lúc loạn lạc. ...Cũng như việc Nguyễn Du, một thanh niên trẻ tuổi, văn chương tột bực, mới đỗ Tam Trường (tú tài), có ông bố nuôi vừa chết ( tại sao con trai quan đaị thần Nguyễn Nghiễm lại có ông bố nuôi không con lạ thế này ?), đã không tiếp tục học thi cử nhân, tiến sĩ như tất cả các sĩ tử khác, bỏ ngay Thăng Long lên Thái Nguyên để tập ấm, giữ một chức quan võ nhỏ. Điều này chắc chắn là nằm trong một kế hoạch khác : Phân chia các con trai đi giữ những chức quan võ để có quân trong tay, khắp mọi nơi. Như Nguyễn Khản rồi sau là Nguyễn Điền đã làm trấn thủ Sơn Tây, Nguyễn Quýnh giữ chức trấn tả đội (từ 1787)... Nguyễn Nễ cũng có chức vụ Hiệp tán quân cơ đạo quân Sơn Tây...Và ta có thể nói, sau này cả việc cho một người con rất giỏi văn chương và tính nết hiền hoà là Nguyễn Nễ ra làm quan với chính thể mới, cũng đã được tính trước, mục đích để có chỗ dựa cho anh em khi nguy khốn. (Việc con cái họ Nguyễn Tiên Điền muốn ra làm quan với triều nào cũng đều được trọng dụng ngay, và dùng hoặc làm Chánh, Phó sứ sang Trung Quốc, hay ít ra là học sĩ đi đón sứ Thanh, có những lý do lịch sử và chính trị của nó, mà gia đình họ hiểu biết rất rõ ràng.(Chúng tôi sẽ xin nói ra trong một dịp khác.PTN)

Dưới những kế hoạch khôn ngoan này, ta thấy bóng dáng của ông bố, cố Tham Tụng Nguyễn Nghiễm. Ông là quan đầu triều vua Lê chúa Trịnh, đã từng mang quân đi đánh Đằng Trong, ông phải tính sẵn mọi tình huống cho cả đàn con của ông trong tương lai xa đầy bất trắc. Việc tìm cho con trai một ông bố nuôi không hậu duệ để kế tục một chức quan võ chắc chắn có chủ ý.

Ngay từ năm 1788, Nguyễn Nễ đã ra hợp tác với nhà Tây Sơn, năm 1790 làm phó sứ sang Trung Hoa, trong sứ đoàn có Đoàn Nguyên Tuấn, (anh vợ Nguyễn Du sau này). Riêng Nguyễn Du một quan võ cũ của nhà Lê, sau một thời gian lẩn trốn, thất lạc gia đình, đã nghe tiếng anh Nễ ra làm quan mà tìm về, được ra mặt dưới sự che chở của anh. Vì vậy nhà thơ có thể trở lại sống ở Thăng Long, được nghe Cô Cầm đàn ...(bài Long Thành Cầm Giả Ca) và gập Hồ Xuân Hương với mối tình Hái Sen. (Mối tình này dài ba năm, theo bài thơ Gửi Người Cũ , nữ sĩ đề gửi Nguyễn Hầu, làng Tiên Điền, viết hai mươi năm sau, hãy còn ghi lại trong cuốn Lưu Hương Ký).

Năm 1791, một đại hoạ xẩy ra: Nguyễn Quýnh, anh cùng cha khác mẹ của ông, người đồng chí rất thân yêu, nổi lên chống nhà Tây Sơn, đã bị bắt, bị giết, và làng Tiên Điền bị tàn phá. (Tới nay, dân làng còn kể chuyện quân Tây Sơn giết lợn lấy mỡ tưới lên dinh thự nhà họ Nguyễn để đốt cho tan tành hết). Chắc chắn là cả đại gia đình rất hoảng sợ và Nguyễn Nễ rất lo cho sự an toàn của Nguyễn Du.

Có thể chính lúc này, Nguyễn Nễ tìm đến bạn đồng liêu Đoàn Nguyễn Tuấn, cầu hôn em gái bạn cho em mình, và xin cho gủi rể vì lý do an ninh. Thế là Nguyễn Du lấy vợ và về ở hẳn Quỳnh Côi quê vợ. Nhưng từ khi nào thế? Chúng ta không rõ, nhưng có thể chắc được là trước khi Nguyễn Nễ phải dời Thăng Long vào Phú Xuân làm việc năm 1793. Trước khi đi, Nguyễn Nễ đã đưa tiền cho hai em Nguyễn Du và Nguyễn Ức về Tiên Điền xây dựng lại từ đường bị tàn phá. (Nguyễn Ức đang trú ần tại làng Phù Đổng, quê vợ, gần Thăng Long, là người rất giỏi về kiến trúc, sau này làm Thiềm sự bộ Công cho nhà Nguyễn, ông đã xây dựng nhiều đền đài ở Huế). Từ đó Nguyễn Du dời hẳn Thăng Long, để Hồ Xuân Hương ở lại Hồ Tây chờ đợi mười năm, trước khi lấy lẽ ông Tổng Cóc. (Tới hai mươi năm sau, 1813, nhà thơ mới có dịp trở lại cố đô, nhân đi sứ cho nhà Nguyễn qua đây, theo bài Long Thành Cầm Giả Ca :

...đã qua hai chục năm
Tây Sơn thất bại, ta vào nam
Gang tấc Long Thành chẳng thấy lại..).

Tu sửa Tiên Điền xong, Nguyễn Du vào Phú Xuân thăm anh. Khi trở về lại đất Bắc, vẫn còn thuộc về năm 1793, Nguyễn Nễ có bài tiễn em: Tống Tố Như Đệ Tự Phú Xuân Kinh Bắc Hoàn, nói tới việc Nguyễn Du về sống ở Quỳnh Côi, đó là dấu tích sớm nhất mà ta có được:

Quỳnh Hải yên hà ngâm nhãn khoát ( Khói mây Quỳnh Hải em ngâm vịnh...).
Những bài khác Nguyễn Du viết ở Quỳnh Côi, như Quỳnh Hải Nguyên Tiêu, thường đã "ba mươi tuổi", nghĩa là từ năm 1794, không có bài nào sớm hơn.

Những năm sống ở Quỳnh Côi, Nguyễn Du không còn phải lo sinh kế, ông được sống yên ổn, nhưng hai vợ chồng trẻ đã trải qua những điều đau khổ nhất ở trên đời: Ông bà đã sinh ra những đứa con nhỏ không nuôi được.

Sau này Nguyễn Du đã khóc trong bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, những đứa trẻ yểu mệnh, một loại chúng sinh cần được chiêu hồn riêng, " khác hẳn các bài Khoa Nghi Chuẩn Tế đến từ Trung Hoa, trong đó không có phần chiêu hồn cho trẻ thơ chết yểu " (Thích Nguyên Hiền) * :

Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng
Đến khi vợ ông sinh được Nguyễn Tứ, ( Tứ tức là "con thứ tư ", hay " thứ ba ", tuỳ cách gọi từng miền), người con duy nhất sống sót, thì bà qua đời, 1795. Nguyễn Du quá đau khổ vì vợ mất, lại ôm trên tay một đứa con mất mẹ còn rất nhỏ. Ông thực sự đã đến bước đường cùng: Ở lại, nương nhờ anh vợ thì không còn lý do, về quê mình thì dù anh Nguyễn Nễ cũng làm quan cho Tây Sơn đấy, nhưng đang đi sứ Trung Quốc chưa biết bao giờ về (lần đi sứ thứ 2 : 1795-1796). Nguyễn Du nấn ná ở lại Quỳnh Côi chưa đi ngay vì đợi cho con cứng cáp hơn, và có ý chờ Nguyễn Nễ về để có chỗ dựa, trong tình thế quân Tây Sơn săn đuổi rất ráo riết những người chống đối. (Thật vậy, vào năm 1796, Nguyễn Du dự định đi Nam, bị quận công Nguyễn Thận bắt giam ở Nghệ An, chính Nguyễn Nễ đi sứ về kịp, đã cứu được em).

Khi sắp rời hẳn Quỳnh Côi, trong khung cảnh êm ả của đồng bằng sông Hồng, nhưng cõi lòng tràn đầy bão tố, Nguyễn Du viết bài thơ Trệ Khách, bài thơ cuối cùng của thời kỳ Mười Năm Gió Bụi, một bài thơ tuyệt tác.

滯 客
滯客淹留南海中
寂寥良夜與誰同
歸鴻悲動天河水
戍鼓寒侵夏夜風
人到窮途無好夢
天回苦海促浮蹤
風塵隊裡留皮骨
客枕蕭蕭兩鬢
 
Trệ Khách
Trệ khách yêm lưu nam hải trung
Tịch liêu lương dạ dữ thùy đồng
Quy hồng bi động thiên hà thuỷ
Thú cổ hàn xâm hạ dạ phong
Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng
Thiên hồi khổ ải xúc phù tung
Phong trần đội lý lưu bì cốt
Khách chẩm tiêu tiêu lưỡng mấn bồng.
Thơ dịch:
Người Khách Ở Lỳ
Biển nam khách trọ quá lâu rồi
Vắng vẻ đêm lành chẳng có ai
Trống thú lạnh se cơn gió hạ
Hồng kêu sầu động nước sông trời
Ta nay cùng lộ, không còn mộng
Biển khổ trời đưa giục chuyển dời
Xơ xác tóc mai xoà gối khách
Đãy da xương bọc kiếp con người.


Bình Chú:
 

Biển nam, chỉ Quỳnh Côi nằm bên biển Nam Hải.

Câu 1 : Nơi đây, ta đóng vai người khách trọ không lý do, đã quá lâu rồi.

Câu 2 : Đêm yên lành, nhưng tịch liêu, riêng ta thì quá cô đơn.
Hai câu 3, 4 Nguyễn Du dùng những tiếng kêu vang động thê thiết của chim hồng, để nói lên niềm tâm sự đang chất chứa trong lòng khiến cho thiên nhiên cũng phải xúc động, cảm ứng:

Trống thú lạnh se cơn gió hạ
Hồng kêu sầu động nước sông trời
Tiếng lòng thống khổ của Nguyễn Du vang ầm mãnh liệt, vút lên cao làm sông nước trên trời phải rung động, trải rộng từ ngoài biên ải về khắp đất nước núi sông làm se lạnh cả cơn gió đêm hè. Lời thơ đẹp lạ lùng đập ngay vào tim óc, chiếm lĩnh hồn người đọc lập tức, tràn đầy, không suy nghĩ.

Tới câu 5, ông viết về nỗi tuyệt vọng cùng cực của mình :

Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng
(Ta nay cùng lộ không còn mộng)
Tới tuyệt lộ rồi, Nguyễn Quýnh người anh đồng chí hướng thân yêu từng lui tới với Nguyễn Du trong những ngày trốn chạy, đã bị giết, anh mang đi hết những hy vọng cần vương. Vợ mất, người chia sẻ những đau buồn thất vọng không còn nữa, do đó ở lại nương nhờ quê vợ làm người khách ở lỳ mãi cũng không được. Vậy chỉ còn cách là phá tung, là "ra đi" với quyết định mang con thơ rời khỏi Quỳnh Côi: Ý này đã khởi lên ngay từ tựa đề Trệ Khách và câu 1

Câu 6: Vậy chuyện ra đi là bó buộc. Thôi thì coi như trời đã sắp đặt để ta lại đi vào nơi vô định thêm một lần nữa.

Hai câu 7, 8  nói về thân phận con người: Cay đắng thay, thân ta chỉ là túi da bọc xương, một tập hợp của những yếu tố vật chất.

Biết rõ như thế, nhưng thi nhân vẫn phải nằm dài nấn ná, gậm nhấm nỗi đau của mình chưa đi ngay được, (mà hồn thì đã theo cánh nhạn bay lên hú tiếng ngang trời).

Lời thơ quá sức mạnh mẽ hùng tráng, đau đớn xé lòng mà không hề uỷ mị, chứng tỏ tâm hồn cao thượng và tài hoa của thi nhân. Có thể nói Trệ Khách là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Nguyễn Du
.
Về phương diện văn chương vẻ sầu thương mà hùng tráng của hai câu 3, 4 ,có thể sánh ngang câu tuyệt bút rất thơ, rất nổi tiếng của bản dịch Chinh Phụ Ngâm :

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt.
Tuy nhiên chất thơ của Nguyễn Du trong bài này khác hẳn, đó là tự sự, là những đau đớn mãnh liệt, những dồn nén không khoan nhượng, là chỗ tận cùng của sự chịu đựng của con người. Lời thơ đi thẳng vào lòng người đọc, đầy thương cảm.

Với những ý thơ đó, trong bài dịch chúng tôi có ý dùng chữ Việt-Nôm nhiều nhất có thể được và giới hạn chữ Việt-Hán. Hy vọng chữ Nôm dễ hiểu, qua trực giác tạo cảm nhận lập tức, có thể chuyên chở ý thơ của nguyên tác, một vài... Cứ tưởng tượng câu :

"Hồng kêu sầu động nước sông trời",
nếu ta thay nhóm chữ "nước sông trời" bằng "sông Ngân Hà", thì chắc chắn sự hùng tráng mãnh liệt rứt khoát ào tới người đọc như một ánh chớp, một tiếng thét của câu thơ sẽ mất đi ngay. Người đọc sẽ phải qua một chút suy tư về sông Ngân, về định nghĩa và điển cố Việt-Hán, ý niệm trở thành trừu tượng, tạo sự suy nghĩ, sự cảm nhận sẽ chậm đi, không còn cái bén nhậy của trực giác nữa. Ý thơ vuột đi khá là xa rồi.
 
Phạm Thảo Nguyên
Theo Đọc và dich thơ chữ Hán của Nguyễn Du,
Thảo Nguyên, NXB Hội Nhà Văn, 2007
* Nguyễn Du và Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, Thích Nguyên Hiền: <http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vh/NguyenDu_va_VanTe.htm>