Trở Về   ]         [  Tác giả  ] 
Phạm Thảo Nguyên giới thiệu và bình chú
( tức Thảo Nguyên )
 
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Khám phá về người bạn gái của Nguyễn Du 
trong bài thơ Mộng Đắc Thái Liên.

Trong thời gian làm quan cho nhà Nguyễn, tại Phú Xuân và Quảng Bình (1804-1820), thi hào Nguyễn Du viết bài thơ duy nhất kể về một kỷ niệm thời trai trẻ: "Đi hái sen ở Hồ Tây, ngoại thành Thăng Long với một cô bạn gái". Lúc viết bài này ông đã vào tuổi trung niên, nhưng kỷ niệm còn tươi nguyên. Một bài thơ được một ông quan rất nghiêm trang và trầm mặc, lúc nào cũng buồn, tự nhận mình là "sầu nhân" viết ra, lại mỹ miều như một đoá sen tươi thắm nhất.
 
夢 得 採 蓮
(_)
緊 束 蚨 蝶 裙      採 蓮 掉 小 艇
湖 水 何 衝 瀜      水 中 有 人 影 
(二)
採 採 西 湖 蓮      花 實 俱 上 船
花 以 贈 所 畏      實 以 贈 所 憐 
(三)
今 晨 去 採 蓮      乃 約 東 鄰 女
不 知 來 不 來      隔 花 聞 笑 語 
(四)
共 知 憐 蓮 花      誰 者 憐 蓮 幹
其 中 有 真 絲      牽 連 不 可 斷
(五)
蓮 葉 何 青 青      蓮 花 橋 盈 盈
採 之 勿 傷 藕      明 年 不 復 生

 
Mộng đắc Thái Liên
I
Khẩn thúc giáp điệp quần
Thái liên trạo tiểu đĩnh
Hồ thủy hà xung dung
Thủy trung hữu nhân ảnh
II
Thái thái Tây Hồ liên,
Hoa thực câu thướng thuyền
Hoa dĩ tặng sở úy
Thực dĩ tặng sở liên
III
Kim thần khứ thái liên
Nãi ước đông lân nữ
Bất tri lai bất lai
Cách hoa văn tiếu ngữ
IV
Cộng tri liên liên hoa
Thùy giả liên liên cán ?
Kỳ trung hữu chân ti
Khiên liên bất khả đoạn
V
Liên diệp hà thanh thanh
Liên hoa kiều doanh doanh
Thái chi vật thương ngẫu
Minh niên bất phục sinh.
*
Giấc Mộng Hái Sen
I
Mau sắn quần cánh bướm
Chèo thuyền đi hái sen
Mênh mang hồ đầy nước
Trong nước bóng người in
II
Tây hồ đi hái sen
Để lên thuyền hoa, gương
Hoa, tặng người ta kính
Gương, tặng người ta thương
III
Sáng ngày đi hái sen
Hẹn cô nàng xóm bên
Chẳng biết tới không tới
Cách hoa, nói cười chen.
IV
Ai cũng thích hoa sen
Còn ai thích cọng sen ?
Trong cọng có tơ nhỏ
Không dứt vương liên miên
V
Lá sen màu xanh xanh
Hoa sen ôi đẹp xinh
Hái hoa đừng hại ngó
Sang năm hoa hồi sinh.

 
Bình Chú

Học giả Hoàng Xuân Hãn trong "Tình Sử Hồ Xuân Hương" cho rằng "cô xóm bên" trong bài này là nữ sĩ Hồ Xuân Hương và hai người Nguyễn Du, Xuân Hương có một mối tình dài ba năm ở Hồ Tây. Do bài thơ " Gửi người cũ " do Xuân Hương viết gửi Nguyễn Du có câu:

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn...
Ta có thể suy đoán rằng năm 1789 sau khi vua Quang Trung phá tan quân Thanh trong trận Đống Đa lừng lẫy, nhà Lê hoàn toàn sụp đổ, nhà Tây Sơn bắt đầu. Nguyễn Du sau nhiều năm lánh nạn, luân lạc một mình, tìm về sum họp với anh là Nguyễn Nễ, đang làm quan với nhà Tây Sơn. Dưới sự bảo hộ của anh, Nguyễn Du ở lại Thăng Long, sau đó quen nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Hồ Tây. Đệ nhất thi sĩ không thể không bị thu hút bởi mối tình văn chương đầy thách đố của " bà chúa thơ Nôm ".

Về phần thi hào, bài thơ này là bút tích duy nhất nói về người bạn gái không thể nào quên của thời thanh niên mới lớn. Chúng ta hãy đọc Mộng Đắc Thái Liên để thưởng thức vẻ tươi đẹp lạ lùng của một kỷ niệm có thực của Nguyễn Du.

Bài thơ có năm khổ, ta có thể đặt chú ý vào khổ III :

Kim thần khứ thái liên
Nãi ước đông lân nữ

(Sáng ngày đi hái sen
Hẹn cô nàng xóm bên)

Câu 3 :
Bất tri lai bất lai.
Tôi dịch từng chữ một :
Chẳng biết tới không tới
Đọc câu thơ dấm dẳn, lằng nhằng này, bỗng nhiên nghĩa ngoài chữ nổi lên :

Đó là phong cách ngúng nguẩy duyên dáng, là tính cách đỏng đảnh của "cô nàng xóm bên", có cuộc hẹn đi hái sen với tác giả.

Đó là việc rủ đi hồ hái sen, được trả lời rất lấp lửng, đại loại: "Có lẽ có (đi)" lại vừa "Có lẽ không (đi)", hoặc "Không ừ, không không ừ", hoặc vào lúc cô muốn hà tiện chữ thì "Để xem đã" ...

Phong cách có một không hai này ở thế kỷ thứ 18 có lẽ chỉ có một người!

Đó là sự nóng-lòng-trông-ngóng của chàng tuổi trẻ, ra đến bờ Hồ Tây rồi, vẫn không biết người ấy nói là "không hay có"!.

Đó là một quan hệ rất lý thú, luôn luôn là một cuộc "thách đố". Sự thách đố thật hiếm hoi của một cô gái Việt Nam cổ, có một hấp lực tuyệt vời: Từ những câu đối Nôm, khó tới mức ai nghe biết cũng chạy, tớí những tình huống "đi hay không đi", "ừ hay không ừ",.. hoặc nằm ở ngay trong những câu châm chọc nổi tiếng : "đi thì cũng dở, ở không xong" đưa người ta vào mê lộ không lối thoát. Mà hình như, "người thua", "người lép vế" chuyên môn là tác giả, là Nguyễn Du !

Bài thơ chợt tràn đầy sức sống. Và sau đây là câu thơ thứ tư:

Cách hoa văn tiếu ngữ
Chỉ vỏn vẹn có năm chữ, người thơ diễn tả sự xuất-hiện-được-chờ-đợi của "cô nàng". Ôi chao, sao mà mỹ miều! :

Hai chữ đầu là "Cách hoa,".một hình ánh sống động "Hoa sen và người" ( hay ví hoa sen với người, tuy không hề viết một chữ "người" nào cả!),

Ba chữ sau tả một chuỗi ríu rít âm thanh: Tác giả nghe thấy sôn sao rối rít vừa tiếng nói, vừa tiếng cười cùng một lúc. Đây là tiếng cười nghe được, chứ không phải chỉ là nụ cười trên môi! Nó dòn tan, nó rất thực, rất tự nhiên, rất lôi cuốn, và rất dân dã Việt Nam. :

Cách hoa, nói cười chen
Và quả là rất khác biệt với Kiều trong lần gập Kim Trọng đầu tiên, tuy Nguyễn Du cũng viết về "hoa và người đẹp" :

Hai nàng e lệ nép vào dưới hoa.

Năm1793, hai người trẻ tuổi chia tay nhau ở Thăng Long, Nguyễn Du và em là Nguyễn Ức trở về làng Tiên Điền trùng tu lại từ đường bị tàn phá, Xuân Hương ở lại Thăng Long, không ngờ là vĩnh biệt. Nguyên do là sau khi tu sửa xong Tiên Điền, Nguyễn Du vào Phú Xuân thăm anh Nguyễn Nễ, người đã xuất tiền làm việc trùng tu này. Ông anh vừa được triệu vào làm việc ở Phú Xuân, theo lệnh vua Quang Toản, sửa soạn giấy tờ cho sứ bộ Việt Nam đi Trung quốc báo tang vua Quang Trung (vua mất năm 1792). Sau đó không thể trở lại Thăng Long khi không có ai bảo vệ, Nguyễn Du về thẳng Quỳnh Côi, quê bà vợ họ Đoàn, có ông anh Đoàn Nguyên Tuấn đang làm quan cho nhà Tây Sơn.

Chúng ta không có bằng chứng ngày thi hào lấy bà họ Đoàn, ngoài gia phả. Việc cưới bà họ Đoàn từ 1783, có nghi vấn, vì thời gian đầu của " mười năm gió bụi ", Nguyễn Du đã lang thang bơ vơ chạy trốn một mình, nghèo đói tới cùng khổ, thời gian dài vài ba năm (bài Sơn Cư Mạn Hứng), nhưng tại sao ông không về Quỳnh Côi ?. Vì vậy chắc là lúc đó ông chưa cưới vợ. Chỉ bắt đầu từ 1793, 1794 chúng ta mới có thơ của thi hào hoặc anh em bạn hữu chứng tỏ Nguyễn Du đang sống ở Quỳnh Côi. Từ đây ta có thể đặt giả thuyết là " Trước khi Nguyễn Nễ phải rời Thăng Long sửa soạn đi sứ, ông rất lo cho Nguyễn Du, vì trường hợp của Nguyễn Quýnh vừa bị Tây Sơn bắt, giết ở Tiên Điền sảy ra năm 1791, nên đến bàn bạc cùng Đoàn Nguyên Tuấn, một người bạn đồng liêu cùng cảnh " người triều Lê cũ, theo Tây Sơn ", việc hôn nhân đã giúp Nguyễn Du chỗ trú chân an toàn nơi quê nhà một ông quan Tây Sơn khác.

Hai mươi năm sau, 1813, thi hào trở thành quan Chánh sứ của nhà Nguyễn, đi Trung quốc tiến cống. Lần đầu được trở lại Thăng Long, ông viết bài Long Thành Cầm Giả Ca, và ông không gập lại được Xuân Hương :

đã qua hai mươi năm
Tây Sơn thất bại, ta vào nam
Gang tấc Long thành chẳng được thấy..
Về câu hỏi tại sao ngày nay không còn tài liệu nào về thời kỳ chưa quá xa đó, Phạm Trọng Chánh trong cuốn "Hồ Xuân Hương nàng là ai?"(NXB Khuê Văn, Paris 2001) đưa ra giả thuyết sau: " Bản chính Lưu Hương Ký do Hồ Xuân Hương viết bị thất lạc sau khi chồng bà quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển bị kết án tử hình, gia sàn bị tịch thu. Thơ văn Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường do Trần Ngọc Quán ghi chép chắc cũng do gia đình đốt vì sợ có liên luỵ đến vụ án Nguyễn Văn Thuyên..". (trang 122)

Vụ án Nguyễn văn Thuyên là một vụ án chính trị, một trong những vụ án "diệt công thần" của vua Gia Long: Nguyễn văn Thành và con trai là Nguyễn văn Thuyên bị kết tội mưu phản chỉ vì một bài thơ ngông nghênh gửi bạn của Nguyễn văn Thuyên. Kết cục, con bị chém, cha phải tự tử, (1816-1818). Việc đó rung động cả nước, thêm nữa Nguyễn văn Thuyên là một văn nhân, cho nên, ngay từ những năm cha làm Tuyên Phủ Bắc Thành (Thăng Long thành), thế nào cũng đã đến tham dự hội thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Cổ Nguyệt Đường, Hồ Tây. Sau vụ án, tất cả những người từng tham dự hội thơ sợ liên luỵ đã bỏ trốn, hủy diệt tất cả các tác phẩm đã viết, có thể trong đó có bút tích của Nguyễn văn Thuyên chăng

Còn dân gian, vì quá yêu những nhân vật của Cổ Nguyệt Đường, nhất là Xuân Hương và Chiêu Hổ, nên họ đã học thuộc lòng, truyền khẩu cho nhau. Nhờ vậy, đã giữ lại cho chúng ta những bài thơ Nôm, những câu đối, những giai thoại ...tuyệt vời của văn học.

Nhưng còn câu hỏi: Ai có thể là chàng trẻ tuổi tài ba Chiêu Hổ, người bạn trai của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong những giai thoại câu đối Nôm này?

Để trả lời, chúng ta hãy nhìn lại vài nhân vật trẻ tuổi thời đó có quen biết nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Phạm Đình Hổ, ông này công khai viết là mình không thích thơ nôm, các tác phẩm không mấy đặc sắc, phong thái cổ kính. Ông cũng không bao giờ viết gì về chuyện làm thơ Nôm trong thời kỳ này, và không được tập ấm, vậy không là cậu Chiêu như Chiêu Hổ, một nhân vật làm thơ Nôm tuyệt vời thông minh hóm hỉnh.

Nguyễn Du trái lại, là cậu Chiêu (vì là con quan đại thần) tức Chiêu Bẩy, (tên gọi trong gia đình), với tài nghệ thơ Nôm bậc nhất thiên hạ, hồi (1789-1793) mới hơn hai mươi tuổi, có dư bản lĩnh để đối đáp lại những câu đối nổi tiếng trong suốt ba năm "tuổi trẻ Hồ Tây". Phải chăng đó chính là thuở "thiếu niên ngông cuồng " thi hào có nói tới trong thi ca chữ Hán?

Ta hãy đọc lại thơ ông, bài Dạ Toạ, trong tập Nam Trung:

Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên
(Sao được hát ngông như trẻ trai)
bài Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu Cố Trạch, tập Bắc Hành:
Tráng niên ngã diệc vi tài giả
Bạch phát thu phong không tự ta
(Trẻ trai ta cũng tay tài giỏi
(Tóc trắng than cùng thu gió ơi)
bài Từ Châu Đạo Trung, tập Bắc Hành:
Mỗi liên cố thái duy cuồng tại
(Thương cho tính cũ còn cuồng phóng )....
Đọc xong khổ III của bài thơ Mộng Đắc Thái Liên thì việc chấp nhận cô bạn gái của Nguyễn Du là Hồ Xuân Hương không còn mấy khó khăn. Nhưng, khi ta công nhận Nguyễn Du có liên hệ tình cảm với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thì không thể cho rằng ông không làm thơ, viết câu đối qua lại với chủ nhân của Cổ Nguyệt Đường. Thế mà thơ văn.cũng như tên tuổi ông tuyệt nhiên không còn lại chút nào trong cuốn Lưu Hương Ký. Vậy, gần như chắc chắn là tên ông đã được sửa đổi đi, xoá dấu tích, để giữ an ninh cho ông, vì ông đang làm quan ở Thuận Hoá khi vụ án Nguyễn văn Thành xẩy ra (Dù rằng Nguyễn Du đã rời khỏi Thăng Long từ 1793, trước khi nhà Nguyễn thống nhất nước nhà).

Cho nên việc thi hào Nguyễn Du chính là nhân vật huyền thoại Chiêu Hổ, có nhiều khả năng không phải là giả tưởng.

Phạm Thảo Nguyên
(Theo cuốn Đọc Và Dịch Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du, Thảo Nguyên
NXB Hội nhà văn, Tái bản 2009)