Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]           [  Tác giả  ]

 
Phan Bá Thụy Dương 
 
Thơ Trần Tuấn Kiệt










Bút hiệu Sa Giang, Trần Tuấn Kiệt, sinh ngày 01 tháng 6 năm 1939, tại Sa Đéc và hiện sống tại Sàigon, Việt Nam.

Suốt đời TTK sống bằng nghề cầm bút. Ngoài 2 bút hiệu chính trên, vì nhu cầu sinh nhai anh còn dùng nhiều nhiều bút hiệu khác như Việt Thần, Việt Long, Duy Thức... để viết sách võ thuật, truyện thần thoại dân tộc... cho nhà sách Khai Trí và các nhà xuất bản do người Hoa làm chủ và đặt mua. Chủ trương nhà xuất bản Hồng Lỉnh.

Từ cuối thập niên 50 đến 75 anh đã cộng tác với báo Sinh Lực của Đồng tân, Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Vui Sống của Bình Nguyên Lộc, Sống của Chu Tử, Nghệ Thuật của Mai Thảo...
Chiếm giải nhất sáng tác VHNT quốc gia của Tổng Thống VNCH về thơ năm 1971 với thi tập Lời Gởi Cây Bông Vải.

Tuy viết đủ thể loại, nhưng nghiệp dĩ chính của Kiệt vẫn là thơ. Anh làm thơ rất nhanh có thể so sánh với chưởng môn Hà Thượng Nhân, hay Bùi Giáng. Những trường thi ca chính của anh đã viết như Bài Ca Thế Giới, Ngôi Đền Cổ, Trường Ca Đất, Triền Miên Ngâm Khúc Hồng Hạc, Niềm Hoan Lạc Của Thần Linh và Địạ Ngục, Lạc Đạo Thi...

có bài dài cả ngàn câu.

[theo Những Trích Tiên Phiêu Lãng Trong Dòng Thi Ca VN của Phan Bá Thụy Dương]

Lược trích những tác phẩm đã xuất bản :

Thơ:

  • Thơ Trần Tuấn Kiệt (1963) - Nai (1964) - Bài Ca Thế Giới (1964)
  • Cổng Gió (1965) - Triền Miên Ngâm Khúc - Cỏ Nội - Mê Cung
  • Màu Kỷ Niệm - Niềm Hoan Lạc - Lời Gởi Cây Bông Vải (1969)
  • Truyện:
  • Sa Mạc Lan Dần
  • Tiếng Đồng Nội
  • Biên khảo:
  • Thi Ca Việt Nam Hiện Đại
  • GIẢI LỤA ĐIỀU

    Thắt lưng với giải lụa điều
    Nàng trơ vóc hạc bên triều thanh thiên
    Trời cao bồng đảo nổi lên
    Nhân gian từ đó xa miền thái hư
    Mây giăng hải đảo xa mù
    Đỉnh non trường tại thiên thu hiện hình

    BÀI TẶNG CÁC THẦN SƯ
    ĐỜI LÝ TRẦN

    Trăng đời xưa sáng rọi
    Thời thế đã xoay vần
    Đỉnh Thiên - Thần trụ bóng
    Đảo nổi nhớ Tiên Dung
    Vũ trụ đầy vô hạn
    Tâm tư hướng muôn trùng
    Thiền sư ngồi mỏi mệt
    Thần nữ gối hương nồng
    Chuyện đời câu sấm ký
    Vạn sự khởi đầu - không !
    Hạc trình xa vạn dặm
    Nguồn vui tỏa muôn trùng

    BÊN SÔNG TRẦN GIỚI

    Non thần xa cách ngàn xưa
    Hạc về gợi tiếng sầu đưa muôn trùng
    Bến bờ sóng lớp mênh mông
    Trăng khuya vàng rụng mấy tầng trời xa
    Con thuyền giọng hát đêm qua
    Ngở như Thần Hạc ngân nga giữa trời
    Giòng sông chảy lạnh về khơi
    Mộng trường sinh cuộn bến đời ngược xuôi

    NIỀM HOAN HỈ

    Trăng say đêm tỏa sáng
    Bừng vui đón hạc về
    Lòng sông sâu vô hạn
    Bóng Hạc động hồn khuya

     DẠO  CHƠI

    Bảy miếu năm hồ mây dạo chơi
    Độ bao nhiêu trí tỉnh bao người
    Thi thiên tinh thể nào ai biết
    Giữa bóng vườn xanh hạnh sáng ngời

    HẠC ĐẬU

    Bến hồng bóng hạc về khuya
    Nghe như băng giá trời chia bến bờ
    Trăng sao thu khói tỏa mờ
    Nhành cao Hạc đậu bên bờ lau không

    GIẤC MƠ NÀO

    Đêm khuya dạo khúc Hạc cầm
    Gió thu mát dãy sông Ngân bến bờ
    Trời đầy mộng với cung tơ
    Nỉ non xa vắng bụi mờ thinh không
    Tóc mây ai vuốt nên giòng
    Thơ bay cánh Hạc lượn vòng thời gian
    Lửa hương về với cung đàn
    Giấc mơ thế kỷ muộn màng về khuya

    MÙA GIÓ THU NÀO

    Em theo mùa gió thu nào
    Để quên nửa giấc chiêm bao đêm rằm
    Ta về còn nửa vầng trăng
    Điểm trang mặt ngọc âm thầm bên hoa
    Hạc từ viễn phố rời xa
    Mênh mông trời đất sương pha ít nhiều

    HÌNH BÓNG MẸ QUÊ

    Lưng gầy lạnh gió đầu thu
    Tóc bay theo khói sương mù bãi xanh
    Cồn tiên sóng lớp vây quanh
    Năm mươi năm đã dấu hình mẹ xưa
    Đông buồn ngày ấy bơ vơ
    Lệ không chảy động hồn thơ giữa hồn
    Chiến tranh khói lửa chập chùng
    Biết đâu nội chiến quê hương oan cừu
    Thanh bình khúc hát vu vơ
    Đêm nay nhớ mẹ bên bớ lau không
    Cồn tiên bóng hạc lượn vòng
    Sầu riêng cúi mặt đôi giòng lệ sa
                                            Thu 96

    MỸ LINH

    Xa rồi vóc hạc nguồn thơ
    Vong niên em hỡi bến bờ tồn sinh
    Đêm say hồn mộng thanh bình
    Gió bay lớp áo viễn hành xa xăm
    Muôn thu bồi đắp chưa thành
    Nguồn ân bể ái lụy mình là đây

    NHẠC THỜI GIAN

    Khuya vắng dạo Hạc cầm
    Nào thiếu bạn tri âm
    Từ ẩn vào thiên cổ
    Thời gian ửng tiếng đàn
    Nhẹ ru đôi cánh mỏng
    Khe khẻ động ngàn thu
    Ngủ say bên bờ nước
    Sóng lớp giăng sương mù
    Hạc ơi dừng cánh lại
    Nghìn trùng mây trắng bay
    Người đâu kim cổ đó
    Hóa thành Hạc bên trời
     

    XUÂN NHỚ BẰNG HỮU
    tặng PBTD

    bạn về đây tóc điểm sương
    bao năm lưu lạc quê hương đất người
    bạn ta còn được mấy người
    thương nhau dẫu ở bên trời càng thương

    xa xăm cách một đường gươm
    gần như lằn chớp mưa nguồn ngàn khơi
    bạn thân nay cũng vắng người
    trong cơn thành bại ngút hơi căm hờn

    ngọn cờ dù gãy vẫn còn
    khí thù ngùn ngụt nước non muôn trùng
    bạn còn chí cả Tây Đông
    mối sầu sông núi vẫy vùng cõi xa

    ta ngồi ngậm bút quê nhà
    gởi vần thơ mọn xót xa khôn hàn
    xuân kia mai đã nở vàng
    mùi hương cúc cũ qua tràn đại dương

    nắng xuân hoan lạc ngùi thương
    gởi tình thương nhớ nhớ thương bao người

    TRĂNG XUÂN THU

    ví mà có chán đời
    lên núi nhìn chim bay
    chưa chắc lòng đã thỏa
    vì thiếu một bóng người

    ví mà có ước vọng
    về biển ngóng triều dâng
    chưa chắc lòng đã thú
    vì thiếu một vầng trăng

    tôi nhìn chiếc lá bay
    dửng dưng như cuộc đời
    gió đông chừng đã lạnh
    áo nàng ôm lấy vai

    tôi mơ chuyện đời xưa
    ồ ! dường như đã gặp
    nàng ngày trước quay tơ
    trong mùa trăng hiu hắt

    nay tôi nhớ đến nàng
    thắp cao ngọn đèn sáng
    ôi ngàn năm ngàn năm
    cớ sao buồn vô hạn

    tôi ngồi hết buổi chiều
    khói luồn bên quán nhỏ
    xa mù mây bay theo
    không biết lòng mờ tỏ

    mai tôi về sau núi
    mà cất am tị trần
    vẽ hình nàng bên gối
    ngồi ngắm suốt mùa xuân

    mai tôi về sau núi
    suốt đời ngắm ánh trăng
    tôi ngồi yên từ đó
    trong bóng sáng mơ màng

    tôi ngồi yên từ đó
    cầu nguyện áng mây trời
    vầng trăng huyền diệu lắm
    xin mây dừng lại thôi

    tôi nghe tiếng hát nàng
    văng vẳng lùa mây trôi
    và lùa cả hồn tôi
    trỡ về trong dĩ vãng

    từ đó hỏi trăng rằng
    mai này trăng của ai
    không gian vừa khẽ động
    buông ra tiếng thở dài

    XA

    Trăng ơi ngủ với hồn ta
    Ðầu hôm nghe vọng tiếng gà bình minh
    Lá kia sương bỗng rung cành
    Khói đồi chim lạ kêu thành xuân thu
    Ngàn hoa mai trắng lũng sau
    Hương đèo bóng núi chìm sâu tiếng rừng
    Cách tràng giang đến ngàn rừng
    Mà ta vẫn nhớ thương từng bước em

    TRẦN TUẤN KIỆT

     
    TÌM VỀ CỘI NGUỒN VĂN HÓA VIỆT:
    SỰ TÍCH VỀ THẦN ĐẠO VIỆT NAM

    Có lẽ từ thiên thu vạn đại... từ tạo thiên lập địa, đấng Thượng đế đã tặng cho mặt đất một vùng hào quang sáng lạn nhất là ánh bình minh để tạo nên sự sống, trong đó vang động đầu tiên là tiếng thần Linh Kê gáy giọng thanh kỳ trên đỉnh thiên sơn để hội tụ linh thần và phân bố cho công việc khai sáng vũ trụ vạn vật, làm sống động cõi u u minh minh của ma vương quỷ dữ.

    Lạc Long Quân cũng bắt đầu quăng chùy thần từ Động Đình Hồ đánh dẹp loài yêu tinh, mở nghiệp lớn về phương Nam, dựng nghiệp Tổ giòng Bách Việt và phối hiệp cùng Âu Cơ sinh ra giòng giống Lạc Hồng sau này, đời Hùng Vương mở nước Văn Lang đã cho xây đền để tạ ơn Trời Đất. Các vị thần sơn hà xã tắc đã được vua Hùng lập nên khắp cõi nước Nam để thờ thần linh như đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, đền thờ thần Đồng Cổ ở núi Đồng Cổ.

    Trải hàng ngàn năm, nước Việt đời vua Hùng đã tôn thờ các vị Thiên thần cao nhất là ông Trời, các vị linh thần của núi sông như Sơn Tinh Thủy Tinh. Về sau thần núi như Bạch Hạc, thần sông như thần Trương Hống, Trương Hác. Thần Đồng Cổ uy linh bảo vệ vương triều như là vị thần bách chiến bách thắng, vua quan đất Việt chinh phục nơi nào đều đem theo trống đồng lớn đi đánh dẹp giặc.

    Đời vua Thục thì có thần Kim Quy hiện lên giúp sức xây thành Cổ Loa như Hộ quốc công thần, cho nhà vua móng rùa vàng để thần Cao Lỗ (nhân thần) chế nõ thần để chống giặc Tần Hán hằng trăm năm.

    Các nhà nghiên cứu về binh pháp, về chế tạo vũ khí có thể coi đó là vị Tổ của nghề rèn đúc vũ khí của dân tộc Việt. Giặc Tần Hán cướp mất nước nhà Thục và giòng Triệu Đà (xưng là Nam Việt Vương) lập chế độ cai trị xâm lăng, tiêu diệt các đền đài thờ thần linh của người Việt, tiêu diệt chữ đầu tiên Khoa Đẩu của người Việt. Riêng tiếng Việt thống nhất của người Việt, tư tưởng và tôn giáo Thần đạo Việt vẫn tồn tại bất diệt trong suốt ngàn năm Tàu đô hộ. Trong tinh thần chiến đấu chống giặc Hán, Tề, Lương lúc nào cũng vẫn uy linh, dũng cảm thiêng liêng cho đến trận Bạch Đằng Giang (Đằng Giang thiên cổ huyết lưu hồng). Ngô vương Quyền chém thái tử Hoằng Thao của Nam Hán, phá tan thủy quân của nhà Hán bằng thủy chiến công đệ nhất trong lịch sử dân tộc. Ngài lên làm vua và từ đó nước Việt lại sống động, lại đoàn kết, lại xây dựng tất cả đền xưa miếu cũ thờ các linh thần sông núi, các chiến binh tướng sĩ có công dẹp giặc, lúc mất đều được tôn làm thần (thành hoàng) thờ ở quê hương mình.

    Và cũng từ đó, thần Đồng Cổ, thần Kim Quy do công bảo vệ tổ quốc nên trong nước các đền thần đều trùng tu và tái tạo lại. Từ nơi thiêng thờ trời cho đến chỗ thờ chiến sĩ trận vong, các vị quân vương, hảo tướng có công trạng lớn đều to rộng nguy nga nên gọi là đền. Đền thờ thần linh của người Việt như đền thờ Lý Thường Kiệt. Khi giặc Tần Hán Tề Lương đô hộ, văn hóa Khổng Mạnh và bách gia chư tử đem xuống "giáo dục dân bản xứ" theo cách thức thâm độc của giặc cướp nước định đồng hóa người Việt, có mang sang một cách thờ cúng mới, đó là đạo thờ thành hoàng (nhân thần). Các ngôi đình làng được dân Việt lập nên ở làng xã vừa là nơi tụ chúng, vừa là nơi thờ tụng nhân thần nơi đó văn hóa Việt gọi là cái đình.

    Giòng Bách Việt ở phiá Nam sông Trường Giang cho đến núi Ngũ Lĩnh, có cả các nước Sở, nước Việt cổ. Vùng Quảng Đông, Quảng Tây nơi Lý Thường Kiệt đánh Tống (châu Khâm, châu Liêm) cũng là đất Bách Việt cổ bị đồng hóa. Nơi phía Nam nước Tàu có một tôn giáo lớn sánh ngang với đạo Khổng của Khổng Mạnh từ phương Bắc, đó là Lão giáo. Đạo Hoàng Lão mà huyền sử con cho là Lão tử, Lão Đam là vị tổ của đạo Lão, còn để lại bộ Đạo Đức Kinh đến thời Trang tử viết thêm Nam Hoa kinh (Bùi Giáng cho bộ sáng này vĩ đại vào bậc nhất trong bốn bộ sách của nhân loại trong đó có thần thoại Hy Lạp, kinh Hoa Nghiêm). Lão tử người phương Nam cũng như thủy tổ về thơ của nhân loại là Khuất Nguyên, tác giả Ly Tao cũng là người Bách Việt. Đạo Lão là một tôn giáo vĩ đại trong buổi sơ kỳ của triết lý nhân sinh người Việt cổ. Vì thế mà tôn giáo văn hóa Việt có truyền thống tứ giáo đồng nguyên gồm thần đạo, đạo Phật, Khổng và Lão (sau này hòa nhập vào với Khổng giáo đời Trần, Phật giáo đời Lý). chứ không phải chỉ là Tam giáo đồng nguyên Khổng, Phật và Lão như mọi người thường tưởng. Tinh thần chiến đấu bách chiến bách thắng ta có thần Phù Đổng Thiên Vương, thần Kim Quy đến đời nhà Lê cho kiếm và lấy kiếm của Lê Thái Tổ).

    Khi nào có giặc thì có thần Kim Quy linh ứng hiện lên bảo vệ dân VN và khi nào tiến công chiến thắng đều có Thần Đồng Cổ (Trống Đồng) hộ chiến gây sấm sét đánh phía giặc. Vì thế chúng ta cần phải lập một ngôi đền thiêng để thờ thần minh của dân tộc Việt...

    Trong đền thiêng có các hệ thống thờ Thần đều đã hiện hữu trong tâm linh người Việt xưa nay:

    Thờ các vị thần siêu nhiên và ông Trời sáng tạo vũ trụ vạn vật mà ta còn gọi là Tạo Hoá-Hóa Công, là cao diệu nhất. Kế đó là các vị Thiên Thần trong văn hóa Việt: thần Sấm Sét, Tinh Tú...

    Các vị Nhân Thần: Thần Nông vì là đất nông nghiệp trồng lúa nước và Thủy Thần (Sơn tinh, Thủy Tinh...)

    Cách thờ Nhân Thần ở Đình là các vị Thiên thần hay Nhiên thần (từ trên Trời hay cảnh vật thiên nhiên được hóa thân thành hình người mà thờ trong các miếu đình)

    Nhân thần: Còn có các nhân vật trong cổ tích, huyền sử, thần thoại như An Tiêm, sự tích Trầu Cau, Táo Quân, bà Hỏa...

    Từ tổ Lạc Long Quân, Âu Cơ cho đến các vị quân tướng và người tài đức có công với dân tộc đều được tôn thờ. Đó là các vị thần trong thần thoại và lịch sử xã hội của người Việt chính thống.

    Ở các đình miếu Thần đạo, các làng xã tỉnh thành đều có thờ đủ các dạng thần:

    Thiên thần
    Nhơn thần
    Nhiên thần
    Linh thú (chim Lạc ở trống đồng)
    Linh vật (Trống đồng, nõ thần...)

    Các vị thánh của đạo Khổng, Các vị Phật của đạo Phật, các vị Tiên của đạo Lão khi hòa nhập vào văn hóa Việt đều đưo85c thờ chung với các vị thần chính thống nếu họ cò công lao và hữu dụng, linh thiêng phù trợ giống nòi Việt và tổ quốc VN. Tuy nhiên đạo Phật còn xây chùa để thờ Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ.

    Các miếu đình ngày nay bị xâm chiếm. Những người duy vật không được sự linh thiêng phù trợ, đã dùng đình miếu thay nhà văn hóa làm nơi công tác, kiểm tra tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc. Chính vì thế, mãi vẫn chưa nghe tiếng gà thiêng liêng gáy báo hiệu buổi bình minh và mùa Xuân đất nước.

    Tiếng gà báo hiệu sự sống thức dậy, là vô cùng quan trọng. Nghe tiếng gà gáy, chim kêu khiến lòng người sảng khoái , bình yên, hân hoan sáng sủa. Mùa xuân mới, sự thế đổi mới, lịch sử sang trang, đất nước phải tôn thờ thần minh chân thành, không gian trá, mỵ dân. Thần đạo Việt, tâm linh Việt, đền thiêng Việt, buổi sáng mới phải có tiếng Thần Kê gáy sáng xua tan bóng đêm của tư duy hẹp hòi chỉ biết có Đảng mà không biết đến tổ quốc giống nòi, làm hỏng tất cả tinh thần Đại Việt trường tồn. Thần linh Việt muôn đời hãy mau xua tan bóng tối Duy Vật, tạo lại mùa Xuân vạn cổ, tinh thần oanh liệt của nền văn hóa thần minh nước Nam muôn đời.

    Trong ngày Tết, người ta đặt mâm ngũ quả để đón ông bà tổ tiên, ra bàn thiên để cúng Trời Đất, thần minh, thành hoàng bản cảnh và các gia thần (thần thờ ở trong nhà như thần tài, thần Bếp, ông Địa phù hộ làm ăn phát tài, phát lộc). Trong không khí thiêng liêng đó, linh hồn của vũ trụ mới mẻ khơi hạnh phúc may mắn đều hội tụ về.

    Trời đất tổ triệu và các linh thần linh ứng về hộ trì cho toàn dân được điều tốt lành, trong dịp đầu năm Tý này vậy, nhân ngày tết an lành, chúng ta toàn dân Việt đều kính lễ trời đất tổ triệu và chư thần lúc nào cũng hộ trì cho mọi người bình an thịnh vượng cả vậy

    Trần Tuấn Kiệt

     
    MỘT MÙA XUÂN TRỞ LẠI CHO ĐỜI NGHỆ SĨ

    Ngày giáp Tết ở Saigon nóng ran ran, tôi đến Linh ở đường Nguyễn Thiện Thuật, cũng để nhờ anh ta giúp vài chuyện về dịch thuật.

    Trước nhà Linh có hai người đàn bà Trung hoa bán khoai lang nướng. Tôi mua hai củ khoai tím Dương Ngọc ăn rất thơm ngon, ngồi xuống xe nước mía, tôi hỏi bà chủ Linh chừng nào về. Bà ta bảo cậu mới đi uống cà phê đâu đó. Bác ngồi đợi không bao lâu Linh sẽ về. Ít khi nào Linh đi đâu vì bà mẹ bắt anh ta coi nhà không cho ra ngoài. Tôi cười Linh đã là bác sĩ rồi mà.

    Cách đây khoảng gần bốn mươi năm, đây là con đường thân thương của tôi nhất. Tôi ở đậu để đi học trong xóm ở đường Hai Mươi bây giờ đổi tên là ĐBPhủ. Lịch sử đã thay đổi hết. Và lớp trẻ như Linh lớn lên sau 75 không còn biết gì về những người tăm tiếng trước kia nữa.

    Con đường này trước 75 có rất nhiều quán cà phê văn nghệ. Quán nào cũng vang lên bài Sang Ngang của Đỗ Lễ "Đưa em sang sông...". Bọn thanh niên cứ quây lấy các cô gái xinh xinh và lãng mạn suốt ngày yêu cầu quán cho nghe cứ sang sông sang ngang... Xuyên qua đường này đến Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), tôi thường đi với người bạn cùng quê lên là dân Sa đéc bạn học lớp ba, lớp tư tiểu học. Hắn lên Saigon trước và gặp tôi ở quán cà phê vỉa hè ở đó. Hắn bảo:

    - Tôi có đọc anh trên báo Phổ thông. Anh có biết Đàm trường viễn kiến của ông Nguyễn Đức Quỳnh trong hẻm gần chùa đó không?

    - Không.

    - Ở đó, ngày nào cũng nhiều người tụ tập nói chuyện xôm tụ lắm.

    Lúc này tôi và Hàn Giang Dương Thành Long và anh Mẫn bút hiệu Giang Châu, cả ba thành lập thi đoàn Tam Giang, sau có thêm Chương Đình Thu (Bạch Lộ) nữa. Bọn trẻ chúng tôi thời đó mê thơ văn quên cả ăn cơm, thường thì chỉ lấy cà phê, thuốc lá làm thức ăn chính.

    Hắn dẫn tôi vào nhà cụ Nguyễn Đức Quỳnh, căn nhà nằm ngang chắn ở cuối con đường hẻm rộng. Thường khi có xe bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu vào đó. Cụ Quỳnh là cố vấn của ông Hiếu. Tôi nhớ hôm đó cụ Quỳnh đang ca ngợi tranh Nguyễn Trung, cho họa sĩ là người vẽ ngựa giỏi nhất. Cũng không ngờ trong buổi đầu tiên đến, tôi gặp nhiều người đã nghe danh trên văn đàn ở đó. Lý Đại Nguyên như đệ tử ruột của cụ Nguyễn Đức Quỳnh cùng Duy Sinh là con cả cụ Quỳnh lý luận, tranh luận sôi nổi về vấn đề văn hóa mới và văn hóa dân tộc.

    Ban đầu tôi ngỡ tất cả cùng nhóm nhưng không phải. Duy Lam và Thế Uyên thường bài bác tranh Tạ Tỵ, Duy Sinh lại có vẻ chống lại bố là cụ Quỳnh với tư tưởng hiện sinh mới nhập vào VN đang cùng nhóm Sáng Tạo có Mai Thảo làm chủ súy. Có mặt rất nhiều người như Hoàng Bảo Việt, Hồ Nam, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Mai Sử Giương là Nguyễn Nghiệp Nhượng...

    Hôm đó là ngày đầu xuân nên có bánh mứt Tết. Ngồi cạnh tôi là Trần Dạ Từ bút hiệu Hoài Nam dường như có xuất bản quyển thơ Hương Cau Quê Ngoại. Cả nhà nhiếp ảnh Nguyễn Cao Đàm đang phàn nàn về cái giải thưởng hạng nhất Quốc tế chưa được đi lãnh vì nhà nước bắt đóng thuế. Phần nhiều ở đó là các nhà văn miền Bắc di cư 54 vào Nam thời đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

    Cụ Quỳnh nói dõng dạc:

    - Tôi bảo đảm anh em cứ tự do phát biểu, cả chỉ trích chính quyền. Các anh em sẽ không hề bị hỏi han bắt bớ gì cả khi ở nhà này trở về.

    Tất nhiên cụ Quỳnh đã có bảo đảm của Ngô Trọng Hiếu, một ông bộ trưởng quyền uy đứng vào hàng thứ ba chỉ sau Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thời đó. Cho nên anh em văn nghệ tranh luận nhau quyết liệt nhất là nhóm Sáng Tạo có Duy Thanh với nhóm Văn Hóa Ngày Nay, hậu thân của Tự Lực Văn Đoàn với Thế Uyên và Duy Lam là hai kiện tướng.

    Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Hồ Nam... phát biểu hầu như thao thao bất tuyệt. Đã gọi là Đàm Trường Viễn Kiến thì tất mọi khuynh hướng, mọi tư tưởng văn hóa tôn giáo chính trị nghệ thuật đều được đem ra mổ xẻ thẳng thừng và với các nhà văn hóa mới đầy nhiệt huyết. Chẳng bao lâu, cái lò luyện người với tư tưởng tổng hợp, gọi là Tổng Thức Vận đó tiêm nhiễm tôi hồi nào không hay. Hồi đó còn có nhóm Hoa Mười Phương của Kiều Thệ Thủy. Tờ Mã Thượng của Linh Thi và Sinh Lực của Đồng Tân đã viết về tôi khi ấy chưa đầy mười tám tuổi. Có lần mọi người đề cập đến Bùi Giáng cho là một hiện tượng lạ. Cụ Quỳnh nói Bùi giáng là Lão tử thời nay. Tôi chơi thân và hiểu Bùi Giáng nên không đồng ý với nhận xét này. Tôi về ghé kể cho Bùi Giáng nghe. Ông cười cười lôi tôi ra khỏi nhà, nói:

    _ Mình đi ăn tiết canh vịt ở Ngã Bảy đi. Ông rất thích tiết canh.

    Rồi ông đem chiếc xe Mobylette ra chở tôi đến Ngã Bảy bây giờ là đường Lý Thái Tổ gần Ngã sáu Chợ Lớn, nơi đó bày đủ các hàng ăn uống nhậu nhẹt. Lúc này Bùi Giáng còn làm giáo sư dạy ở trường Tân Thanh, có cả nhà viết sử Thiên Giang, triết gia Đệ Tam là Tam Ích sau dạy Pháp văn, nghiên cứu viết về Hiện sinh và Phật giáo.

    Những người này là thày tôi ở trường Tân Thanh. Lúc đó tôi theo Nguyễn Vỹ muu sinh và hằng ngày vào nhà cụ Lê văn Trương ở Ngã tư quốc tế chơi, có lúc Trầm Tử Thiêng từ Khánh Hội cũng qua chơi. Cả Thanh Quang sau chịu ảnh hưởng Phi Lạc Sang Tàu của Hồ Hữu Tường cùng bà Trúc Lâm Nương làm giáo chủ đạo Hồng Môn ở Vạn Kiếp (Gia Định).

    Đi du xuân mà ăn tiết canh thì tôi không thích nhưng chiều Bùi Giáng nên theo cũng đi theo. Cách cái quán tiết canh đó là quán chị Lệ Liễu. Chị mở quán ca nhạc gần đó bày sân khấu nhỏ để các ca sĩ lên mà ca hát ngâm nga thâu đêm suốt sáng, phía trong quán nổi tiếng nhất là nơi ăn chơi một thời. Đại đức Trí Minh, bạn của Vũ Anh Khanh lúc chưa đi tu thường đến đây vừa nhậu, vừa hát và ngâm thơ của ông, dẫn theo Mặc Tưởng và Thùy Dương Tử. Tôi muốn dắt Bùi Giáng vào quán Lệ Liễu chơi nhưng ở đây quá bụi không thích hợp với ông nên thôi.

    Trời xuân rộn rã, tôi vừa uống chút bia thấy ngà ngà. Nhìn qua bên kia đường, một dãy nhà dọc Lý Thái Tổ đang bán đủ loại hàng hóa, máy móc như mọi con đường khác. Phía sau lưng dãy nhà mơí xây này ngày xưa bãi cỏ mọc vô tội vạ, con đường đó vào sâu hơn là nơi "cát cứ" của ban Văn nghệ địa phương quân do đại úy Tô Công Biên coi. Tôi không nhớ lúc đó Du Tử Lê là thiếu úy hay trung úy cũng ở đó.

    Hằngngày Du Tử Lê dẫn ca sĩ lên Đài phát thanh quân đội nơi có đại tá Cao Tiêu, Tô Kiều Ngân, Tô Thùy Yên, Tường Linh và Phan Bá Thụy Dương thường có mặt. Đó là Cục Chiến Tranh Tâm Lý ở ngay Sở Thú. Khi tôi đang làm báo, viết báo cho Phổ Thông, trong Tao Đàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, một hôm đại tá Phát (Nguyễn Tấn Phát), một bác sĩ từng là bác sĩ riêng của Ngô Đình Diệm bảo tôi vào lính Văn Nghệ Địa Phương Quân. Ông Phát cũng gia nhập tao Đàn Bạch Nga với Thu Nhi, Minh Đức Hoài Trinh, Tuệ Mai, Nguyễn Thu Minh, Bạch Yến. Thế là tôi vào Ban văn nghệ Địa phương quân, có nhiệm vụ viết sapô cho ca sĩ giới thiệu các bài hát.

    Ban văn nghệ này rất nổi tiếng, người điều khiển là anh Nguyễn Hữu Sáng, em ruột Nguyễn Hữu Thiết là người điềm đạm, ít nói và có tài.

    Thời ở Địa phương quân, tôi biết Lam Phương, anh hiền lành, cũng ít nói nhưng hay vào trại trễ, bị phạt chạy vòng sân. Cái thân hình bệ vệ của Lam Phương lúc bị đại úy Tô Công Biên phạt chạy vòng sân khiến ai cũng tức cười. Ngày nào mọi người cũng tập dượt ầm ĩ cả trại. Sáo có Nguyễn Đình Nghĩa, Khả Năng, Phi Thoàn là hai cây cười rôm rả nhất. Có một anh hề nổi tiếng chịu chơi nhất, hễ buổi sớm lôi nhạc cụ ra thấy thiếu cây đàn gì thì y như bắt anh ta phải "đi chuộc" ở tiệm cầm đồ về là có ngay. Đó là danh hề Thanh Việt có cả Tùng Lâm nữa. Cũng một ngày Tết khác, tôi gặp Khả Năng sau 75 ở rạp Rex thì anh vui vẻ nói "Mới ở trại cải tạo về". Nghe nói anh trốn qua Thái lan hay Mã lai gì đó rồi mất tăm hơi luôn.

    Tôi ngồi với Bùi Giáng mà nhớ tới những ngày cùng Du Tử Lê ở ban Văn nghệ Địa phương quân, sau tôi bị chuyển qua hậu bị quân đưa vô Rừng sác rồi biến luôn không vào trại nữa. Bùi Giáng gọi thêm rượu rồi ra ngoài, lát sau có người cầm vào hai dĩa bánh ướt to tướng. Bùi Giáng nói:

    - Aên đi. Anh còn vào Đàm trường viễn kiên không ?

    Tôi vừa ăn vừa lắc đầu.

    - Viết báo với Chu Tử lo kiếm cơm. Từ ngày cụ Quỳnh mất tôi không tới đó nữa.

    Bùi Giáng hỏi:

    - Chu Tử có tốt không?

    - Tốt, vui với anh em lắm. Có Hồ Nam, Trần Dạ Từ, Duyên Anh làm ở đó nữa, nhất là Tú Kếu.

    Tôi hỏi:

    - Ông có đọc thơ Tú Kếu?

    Bùi Giáng trả lời:

    - Tú Kếu làm thơ lục bát hay lắm. Còn thơ đen thì không có đọc.

    Sau đó tôi nói với Chu Tử lấy tập sách kiếm hiệp của Ngọa Long Sinh là Kim Kiếm Điêu Linh do Bùi Giáng dịch đưa vào báo Sống. Sau biến cố 75, mọi sự đều thay đổi. Bạn tôi Trầm Tử Thiêng qua Mỹ viết bản trường ca Áo dài Việt Nam tôi được nghe một lần. Rồi anh mất bên đó.

    Mùa xuân này tôi chợt có dịp trở về con đường hẻm Bàn cờ cũ gần nhà cụ Quỳnh nơi cư xá Đô Thành có trường Tân Thanh xưa nay đã biến thành khách sạn. Đi sâu vào cư xá Đô Thành tôi từng vào thăm chị em Khánh Ly ở một căn gác nhỏ dường như mướn trong đó. Thấy tôi đến cả hai ngó nhau cười như không tiền đãi cà phê đen nữa. Em gái Khánh ly rất đẹp, lần nào tôi đến cũng nói: Anh Kiệt ngâm thơ cho em nghe đi, sau này cô lấy Văn Quang, anh vẫn còn ở lại VN.

    Tôi ngồi tư lự một lát thì Linh và San Hà đi đâu trờ về. Linh mời:

    - Vào nhà chơi đi anh

    - Thôi mình ngồi uống nước mía, anh có việc nhờ em.

    San Hà báo tin:

    - Từ ngày chị Huệ Thu ghé thăm anh bị trợt thang gác đến nay cũng chưa lành.

    - Chị Huệ Thu là người có lòng tốt. Nghe nói chị tửu lượng cao. Trùng Dương không những viết truyện hay mà uống rượu cũng cừ lắm, Tú Trinh cũng vậy. Có lần Tú Trinh ghé nhà không gặp nói với con gái anh sẽ chở anh đi nhậu. Những người bạn trước đều rủ anh nhậu cả chỉ có em bảo anh thôi hút thuốc.

    - Anh bị bệnh, hút nhiều quá làm sao du xuân. Sao cây hải đường năm rồi anh không giữ lại?

    - Phải, cây hải đường cành lá xum xuê đẹp lộng lẫy, Phạm Cung xuống xem nói đó là đại hồng trà, hái lá nấu làm trà xanh uống ngon lắm. Nhà Hồ Hữu Thủ rộng rãi, năm nay anh định mua tặng anh ấy một cây hải đường, nhà mình chật hẹp không trồng lâu được.

    À quên nhắc lại ban Văn nghệ Địa phương quân, anh em văn nghệ kẻ còn người mất. Vừa rồi xem băng Thúy Nga thấy có chương trình về Lam Phương. Nhưng anh nay đã già, bị tai biến mạch máu não, tay phải không còn đàn được nữa. Nhớ tới Lam Phương ngày nào với hàng trăm bản nhạc đi vào lòng người. Thật buồn cho số phận tài hoa của một nhạc sĩ.

    Khi tôi làm báo Sống, thỉnh thoảng Khánh Ly ghé chơi. Chúng tôi hay ngồi ăn hủ tíu ở quán Tàu đường Gia Long. Lúc đó, ghế chủ tịch đại diện sinh viên Văn khoa có Trần Lam Giang, sau là Phạm Quân Khanh, Phạm Quốc Bảo, Ngô Vương Toại. Thêm anh em Cung Văn Nguyễn vạn Hồng, nhà thơ nữ Hồng Khắc Kim Mai ở Văn khoa thường lui tới nhà tôi. Chúng tôi ngồi quán bên hông Lê Thánh Tôn. Thường xuyên có Khánh Ly và các anh em nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ cũng ở đó. Một lần khách lạ quen với Khánh Ly tạt vào, nàng vội giới thiệu. Anh Kiệt nhà thơ nổi tiếng đấy... nhưng em không biết được thơ hay hay dở... rồi Khánh Ly cười rất vui.

    Ngày đó trong khuôn viên đại học Văn khoa có dựng một gian nhà gỗ nhỏ của nhóm họa sĩ trẻ gồm Mai Chửng điêu khắc, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức... Căn nhà gỗ này do Nguyễn Trung và Hồ Thành Đức xin được trong không quân đem về dựng lại. Hằng ngày Nguyên Khai và Nguyễn Thành Nhơn đến điêu khắc chơi và thoạt tiên cũng là chỗ ngủ của Nguyễn Nghiệp Nhượng và Cù Nguyễn. Sau 75, khi qua đường Lê Thánh Tôn, tôi nhớ lại cái quán cà phê cũ đã thay mới, các cây điệp (phượng đỏ) cội rất lớn, thân cây bị cưa cụt đã đâm ra thêm nhiều cành nhánh mới, có nhánh đã ra hoa. Tôi đứng lặng nhớ về bạn bè hay gặp nhau ở đấy. Trần Lam Giang, Lê Tài Tấn, Phạm Quốc Bảo và Bùi Ngọc Tuấn, nhớ tới các bạn họa sĩ, Khánh Ly, Nguyễn Thụy Long, Lam Thiên Hương thuở còn xuân sắc tươi đẹp. Bây giờ Lam Thiên Hương trở thành bà ngoại già thường dắt cháu ngoại đến Cung văn hóa Lao động chơi.

    Lê Thánh Tôn và những cành điệp cũ gợi cho tôi rất nhiều về lịch sử của một thời. Nay mùa xuân trở lại, con đường vẫn rộn ràng xe cộ, khách nước ngoài đi lại dập dìu. Cả mấy chục năm ở Saigon mà tôi cứ quanh quẩn mãi Thị Nghè như một thằng Mán không biết gì nhiều sự đổi thay. Năm 2005 Phan Bá Thụy Dương lần đầu tiên về nước ghé thăm tôi hai đứa mới trở lại nơi đây nhìn sang Pagoda cũ với tâm trạng ngậm ngùi. Cũng chính từ gốc phố nhộn nhịp này tôi và PBTD đã làm 2 bài thơ Tưởng Niệm Hoàng Trúc Ly.

    San Hà chở tôi trên chiếc xe Honda thời tiền sử chậm chạp, tôi nóí:

    - Chạy cẩn thận thôi coi chừng đụng người ta đấy

    San Hà cười.

    - Không sao đâu. Để đó em chạy an toàn chở anh đi xem hoa.

    - Anh nghe nói trong Tao đàn có dựng đền Hùng vương, xem hoa xong rồi ta vào lễ đền tổ nghe .

    Rồi San Hà cho xe rẽ qua cửa Tây Saigon đi về phía bùng binh. Chợ hoa chỗ ấy thật đông đúc, Hải đường, dạ lý và muôn hồng nghìn tía đua nhau khoe sắc mừng mùa xuân mới.
     

    Trần Tuấn Kiệt



     [  Trở Về  ]