Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mai Siêu Phong

" Cái tít bài viết và câu chuyện của Mang Viên Long trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên số 99-2004 như ngọn roi mót quất vào cái trí nhớ giựt chọt của tôi... Đâu rồi những buổi trưa hè ngày trẻ dại đầy gió Nam cồ, Nam mái; Đâu rồi cái thuở bị bắt đưa em, đẩy võng gai kẽo kè kẽo kẹt, mắt muốn nhắm theo em mà miệng cứ chóp chép câu ru em học mót: " Chiều chiều.. mượn ngựa ông ô..  mượn kiệu chú lính ... à ..ơi đưa cô tui về.... ngựa ô......đi tới quán cau.....à ...à  ngựa hồng đủng đỉnh đi sau g ò đi..i...ều.. ều."

Buồn ngủ muốn chết mà Chú Tư hàng xóm còn ghẹo

- " Thằng cu, mày ru trật lất " .

- Trật sao chú Tư!

-" Ông Đô chớ không phải Ông Ô, Đô đây là Đô đốc, đô chỉ huy sứ, chớ không phải Ông  Hai Ô anh ông Ba Thước xóm trên, mày láp nháp Ông Ô, Ông Ô,  Ổng nghe ổng đá mày dập đít.

- Kiều là cái đồ bắt ngựa chớ không phải   mượn chú lính cái kiệu khiêng người, mượn ngựa rồi còn mượn chi cái kiệu! . Lớn chút nữa mày sẽ biết đây là câu hò Phú Yên đặc sệt. Ngoài Bắc gọi đùa là hò Phú Ơn. Ông Nhà văn “Vang bóng một thời” đã từng hò Phú Ơn trong buổi chia ly não nùng bên gốc sấu già ven ngả sáu Bồn kèn ngoài Hà nội để tiển người bạn Nhật Shosi Aki về Nhật.  Mày biết Shosi Aki là ai không. Shosi Aki là sinh viên Nhật theo Việt minh suốt chín năm kháng chiến ở Việt Bắc. Về Nhật làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nhật đầu tiên"

Trở lại bài viết của hai ông thầy    thời  trước là đồng nghiệp của ba tui: Thầy Long và Thầy Ân . Một thầy cũng viết trên báo văn nghệ Phú Yên biểu bà cô trong ca dao là " người quyền quý, đài các", một thầy biểu " Cô đây là cô em chớ hổng phải cô ruột thông thường". Một thầy biểu " Ông cháu (hò) không phải tay vừa.." Thầy kia biểu " Không có ông cháu ông chít, chỉ có chàng trai đa tình, giàu tưởng tượng".

Thôi thì, cứ để hai bà cô cho hai ông thầy. Tui cứ lãng đãng lần theo năm tháng đã xa xưa. Năm tháng  xa xôi đó có đoàn người lầm lũi từ phương Bắc xa xăm,  theo chân Nguyễn Chúa vào Đàng trong. Một buổi trưa nắng phương Nam gay gắt, trong đoàn người tiên phuông đi tìm tương lai no ấm ở đất Bà Diễn mênh mông, theo bước ông Đô đốc, ông Đô chỉ huy sứ ngang qua vùng Bà Đài, có ông ba bị . Một bị địu con, một bị đựng lương ăn, một bị chứa chút ít đồ tế nhuyễn. Tay dắt vợ giọng nặng trịch nghe như tiếng Thanh, tiếng Nghệ, dỗ người vợ trẻ  lê đôi chân đang tê lầm bụi đường thiên lý " Cô mình ráng thêm chút nữa, mai tê làm ăn khấm khá Chiều chiều ( tôi) mượn ngựa Ông Đô, mượn Kiều Chú lính (tôi) đưa cô tôi về. Về tôi chẳng để cô đi một mình, tôi mượn thêm ông Đô con ngựa nữa để con ngựa Ô đi trước,  Ngựa Hồng theo sau" nhưng cô đi mau mau một chút, đừng để Ngựa Ô đi tới quán cau (Mỹ phú An Hiệp), ngựa Hồng đủng đỉnh đi sau gò điều (Phú Điềm, An Hòa)!.

Ôi!, những cánh đồng Bà nông, Bà diễn mênh mông. Thượng nguồn  Hà di, Thạch thành. Hạ bạc Đa ngư, Phú lạc có nhớ người bạn hò năm xưa, đi khai sơn phá thạch trong mịt mùng chướng khí của sơn lam. Đất nước bao la giờ đây phải chăng khởi nguồn từ câu hò hy vọng kia, từ những  Ông Ba bị địu con dắt vợ trèo đèo lội suối năm nào.

Gắn câu hò Phú An với đoàn người viễn xứ không chỉ mỗi mình tui. Ông Tô Hoài  viết" ... Tôi bồi hồi nhớ xưa kia những khi họp mặt thanh niên hay truyền bá quốc ngữ nghe Trương Đình Chi giọng Bắc lại hò Phú ơn kể về người đàn ông lặn lội dắt vợ cõng con vượt đèo xa xứ kiếm miếng ăn...(*)"
Cũng xin thưa thêm với chư vị hiền giả, mấy câu hò Phú Ơn kia ngoài Bình định cũng có một dị bản: " Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/mượn kiều chú Xã đưa cô tôi về/ngựa Ô đi tới vườn cau/ ngựa Hồng đủng đỉnh đi sau vườn dừa"

(*)Tô Hòai: Cát bụi chân ai Nhà xuất bản hội Nhà văn 9/1995

Mai Siêu Phong
梁竹