Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Cơn Mưa Từ Ký Ức
Hạnh Diễm
-Tặng "Mưa và Sài Gòn" của Hoàng Định Nam.
Mỗi người đón mưa với một tâm trạng khác nhau tuỳ theo từng hoàn cảnh.Người nông dân sẽ rất mừng vui khi mưa ban tặng cho mảnh đất khô cằn một sự hồi sinh. Nhưng mưa lại làm tăng thêm sự nhọc nhằn cho người còn tảo tần khuya, sớm đường xa. Ngược với những gian nan của cuộc sống thì mưa đem đến sự ấm cúng vào trong những căn nhà khép cửa cho những người đang quây quần bên lò sưởi. Mưa cũng là niềm cảm hứng vô tận đối với các thi, nhạc sĩ nên từ đó đã có biết bao nhiêu là tuyệt tác về mưa dâng tặng cho đời. Và bây giờ! Mùa mưa đã về trên xứ sở của tôi với những buổi chiều mưa đan kín lối đi về, tôi cũng muốn đặt bút vào trang giấy...

Nhưng tôi không viết về cơn mưa đang xôn xao ngoài kia làm cho những cành Thông Thiên vung vẫy rơi hoa lá đầy sân. Cũng không viết về cơn mưa trong trí nhớ tôi, một thời mộng mơ khi môi cười chưa héo.Mà tôi sẽ viết về cơn mưa trong quá khứ của Hoàng Định Nam! Đó là cơn mưa của hoài niệm mà trong đời ai cũng có:

Những cơn mưa đầu mùa sớm trễ
Cũng ru ta bằng tiết tấu vỗ về
Cũng làm xanh những chồi lộc đam mê
Cũng gội rửa lòng anh trang giấy mới.
Tôi đã từng nghe câu hỏi "Thế nào là một bài thơ hay?", và tôi cũng từng đọc rất nhiều những bài phê bình văn học của các Nhà Phê Bình dành cho những bài thơ với sự phân tích tách bạch từng câu chữ thế nào là hay, dở. Nhưng với tôi từ góc độ của một người yêu thơ, tôi chỉ muốn dành cho thơ một cái nhìn chiêm ngưỡng như người ta nhìn ngắm một cái gì đẹp, ấn tượng mà không thắc mắc nó hình thành do đâu? tạo nên bởi cái gì? Và bài thơ hay đối với tôi là bài thơ có thể đi ngay vào tâm hồn người đọc, mang đến cho họ sự đồng cảm, niềm cảm xúc dù không phải hoàn cảnh hoặc tâm sự của mình, và tôi thật sự tìm thấy niềm cảm xúc đó khi tình cờ bắt gặp cơn mưa của Hoàng Định Nam đưa tôi quay về trú chân vào thời khắc khi đất nước không bình yên, để gặp lại những hình ảnh :
Bao thế hệ đã đi vào lửa đạn
Bọn anh cũng đã đi "vào nơi gió cát"
Một mùa mưa phong kín cổng học đường
Sài Gòn bấy giờ có vạn luyến thương.
Sài Gòn dù có ôm giữ vạn niềm thương nhưng cơn mưa binh biến buộc sự bình yên phải khép lại sau cánh cổng trường để những chàng thư sinh xếp bút nghiên lên đường vào nơi đạn lửa,
Những người đi theo tiếng gọi non sông
Những người đi, đi mãi không cùng
Cả con đường dài vào Trung tâm 3 mưa giăng bay trên hàng bả đậu nghiêng che một nỗi niềm rất riêng, con đường đón những người trai giã từ cuộc đời dân chính:
Chiều Trung Tâm 3 chưa là chiều thiên lý
Sao mưa giăng nghiêng hàng bả đậu ưu phiền
Và đó cũng là:
Những ngả đường đã xếp lại cánh viễn mơ.
Hoàng Định Nam đã hoà mình vào hơi thở của đất nước, để biết quặn đau với những sự chia lìa, thậm chí niềm vui cũng cần vội vã:
Các khoá quân trường ngăn cách nhau riêng
Cũng cố níu về phép chung chiều thứ bảy
Bởi ta phải vui, vì vui ta không còn mãi
Sông chi ly, nghe đâu có đợi chờ
Tôi nép vào trong câu thơ này để thấy màu áo Kaki vàng, Alfa trên cầu vai đen với những vòng dây Biểu Chương của các chàng trai từ ngả Thủ Đức về làm cho phố xá đẹp thêm. Nhắc đến đoạn trên tôi muốn gởi một chút tâm tình phần mình vào đây, chiều hôm qua một ông anh kết nghĩa từ thời xa lắc là "dân" Trừ Bị Thủ Đức (Khoá 9A/92) lâu rồi mới ghé thăm cũng là để mời đám cưới cho con trai, anh đã khuyên tôi "Phải chấp nhận hiện tại chứ cứ ôm giữ hoài những hình ảnh xưa thì làm sao tâm yên cho được!". Qua câu chuyện anh vô tình nói KBC của đơn vị anh cũng không nhớ! Tôi đã giận hờn nói mà cũng như trách "Nhưng KBC 4100 thì chắc không thể quên chứ?.." . Quá khứ dù buồn hay vui, dù tốt hay xấu cũng là của mình, trong một trường hợp nào đó chấp nhận hiện tại là trở thành kẻ phản bội, trước nhất là phản bội lại chính mình trong quá khứ. Tôi làm sao buộc tất cả mọi người phải suy nghĩ giống tôi! Tôi cũng không thể trách họ.Qua bao năm con người đã dần quên mà quen với cuộc sống mới, tôi lặn ngụp ngược dòng trong khúc sông tiếc nhớ đến đuối sức mà tìm kiếm, hồi tưởng những ảnh hình đã bị nhiều người lãng quên, để rồi buồn...

Có phải vì mang suy nghĩ ấy nên khi bắt gặp những bài thơ của Hoàng Định Nam tôi đã như gặp một hình ảnh cũ mà tôi không bao giờ muốn quên, tôi càng trân trọng vì sự đồng cảm với tác giả khi hồi tưởng về quá khứ thấy "Như vệt nắng xuyên qua màng ký ức", đất nước may mắn có những trái tim với một tình yêu lớn hơn tình yêu riêng tư, trái tim ấy "Muốn hạnh phúc chia đều cho muôn kẻ" họ lên đường là chấp nhận sự hy sinh, đến một lời hẹn cũng không dám dành ai đó:

Cơn chinh chiến gọi tên mình đi tiếp nối
Và chiến chinh có mấy ai trở lại
Thì hẹn chi một bưổi tương phùng.
Làm sao ta có thể dững dưng với hình ảnh một người lính đang trải qua những gian nguy từ chiến trường sôi động Thường Đức, Pleiku với cơn mưa lạnh nằm dưới poncho trấn thủ ngoài tiền tuyến! "Khi đang nghĩ đến một thằng đang xua quân Thường Đức/ Hay một thằng nắng gió Pleiku/ Là lúc ta đang nằm dưới poncho/ mưa phủ mịt mù"

Người về sau chuyến đi dài theo cuộc trường chinh, phố xá đông mà quán xưa khuyết một chỗ ngồi, tình bằng hữu ngậm ngùi trong ly cà phê đắng, có nhớ lời ai...

Lỡ mai một mình bạn về giữa phố xá đông
Xin uống hộ ly cà phê quán cũ.
Mưa khắc khoải một nỗi buồn! Nhưng không có cơn mưa nào cuồng nộ tan hoang như mưa tháng Tư không ai chờ, không ai đợi. Cơn mưa đó là nước mắt của trời rơi xuống hay nước mắt của chúng ta thương cho hình ảnh một thành phố bình yên với những cơn mưa dịu dàng bất ngờ đến và vội ráo tạnh trả lại cho mặt đường những bước chân vui, ngày mưa đó khuất xa rồi còn đâu, bây giờ ...
Nhưng mưa, em ơi không ai chờ vẫn đến
Mưa tháng tư, cơn cuồng lũ qua đời
Anh trở về bóng đổ tàn hơi
Chân lạc lỏng giữa phố phường thay chủ mới.
Không có từ buồn hay đau xót nào trong mấy câu thơ ở trên nhưng tôi vẫn nhận ra câu thơ bật ra từ nỗi đau hơn nhiều nỗi đau, buồn hơn những nỗi buồn xuyên suốt chặng đời một con người mà thân phận gắn liền với vận mệnh quê hương:
Thành phố mà khi đã mất
Anh hiểu ra xương máu của chính mình
Là cổ bàn của bao kẻ cầu vinh
Là nỗi nhục của người dân vong quốc
Đó không phải là tâm trạng riêng của Hoàng Định Nam, mà anh đã nói thay hàng triệu người không nhiều thì ít đã đổ mồ hôi, xương máu để gìn giữ. Là tiếng nấc nghẹn phải nuốt vào tim của những ai có liêm sĩ không tham dự vào bàn tiệc thời cơ, trong khi những cơn mưa phùn gió bấc đẩy dạt những mảnh đời bầm dập trong địa ngục lao tù sau cuộc chiến, họ phải trực diện với một bầy đầu người óc thú chỉ muốn cắn xé đồng loại.Nỗi đau của thể xác còn có thể xoa dịu, nhưng trong cõi sâu tâm hồn vết thương đó sẽ mang theo cả một đời người tha hương:
Mùa mưa tha hương
Chẳng giống như mưa phùn gió bấc
Vẫn đau tê như ngày rét, đói trong tù
Vẫn cào châm như ngàn mũi kim khâu
Trên da thịt hôm nay còn nguyên vết dấu.
Cơn mưa ngoài kia có khác gì những cơn mưa đã từng trút xuống phố phường bấy nay, sao tôi chợt thấy lòng mình chùng lại, :
Mưa gợi mãi những niềm đau chưa cũ
Hai mươi mấy năm là một trường đoạn bể dâu
Dù hôm nay có đổi áo, thay màu
Đâu dễ xóa những vết thương trầm tích.
Xếp trang thơ lại, bên tai tôi âm vang của một cơn mưa dài từ thiên thu vọng về, có một nỗi đau nào vướng mãi trong ngõ ngách hồn tôi:
Mưa âm vang như hành khúc cung đền
Đồ Bàn cũ dậy niềm đau Chiêm quốc
Tôi chờ đợi một cơn mưa của phép màu tưới xuống Sài Gòn tẩy sạch bụi bẩn đã dầy theo thời gian sau ba mươi mấy năm nằm im hứng chịu. Đó sẽ là những giọt mưa ngọt ngào nhất trong đời mà tôi mong chờ từng khắc, từng giây.
(6.10.2011)
Hạnh Diễm

Giới thiệu:
MƯA VÀ SAIGON
Tặng Sài Gòn & bạn bè một thời
và tặng em
Phải không em?
Trời đang mưa trên thành phố đó
Thành phố mà anh đã lớn lên
qua từng mùa phượng đỏ
Từng phố hè khao khát bước chân rong
Những tình thơ như cánh phượng ép bên lòng
Không gói kín những u tình niên thiếu
Thành phố, anh đã từng thở hơi bằng hữu
Để bay cùng trên đôi cánh viễn mơ
Thưở lòng trai chưa ngại vạn bến bờ
Muốn hạnh phúc chia đều cho muôn kẻ
Thành phố mà
những cơn mưa đầu mùa sớm trễ
cũng ru ta bằng tiết tấu vỗ về
cũng làm xanh những chồi lộc đam mê
cũng gột rửa lòng anh trang giấy mới
Thành phố ấy từng phen neo bến đợi
Những người đi theo tiếng gọi non sông
Nhưng người đi, đi mãi không cùng
Bao thế hệ đã đi vào lửa đạn
bọn anh cũng đã đi "vào nơi gió cát"
Một mùa mưa phong kín cổng học đường
Sài Gòn bấy giờ, có vạn luyến thương
Cũng "trả lại em yêu" con đường phượng vĩ
Chiều Trung Tâm 3 chưa là chiều thiên lý
Sao mưa giăng nghiêng hàng bả đậu ưu phiền
Các khóa quân trường ngăn tách nhau riêng
Cũng cố níu về phép chung chiều thứ bảy
Bởi ta phải vui, vì vui ta không còn mãi
Sông chia ly, nghe đâu đó chực chờ
Những ngả đường đẵ xếp lại cánh viễn mơ
Cơn chinh chiến gọi tên mình đi tiếp nối
và chiến chinh có mấy ai trở lại
Thì hẹn chi một buổi tương phùng
Lỡ mai một mình bạn về giữa phố xá đông
Xin uống hộ ly cà phê quán cũ
Hãy đi lại những con đường Phú Lâm, Tân Phú
Cầu Bình Tiên, Bến Bãi Sậy, Văn Thân...
Những con đường nay đã không còn gần
Như vệt nắng xuyên qua màn ký ức
Khi đang nghĩ tới một thằng
đang xuôi quân Thuờng Đức
Hay một thằng nắng gió Pleiku
Là lúc ta đang nằm dưới poncho,
mưa phủ mịt mù
Quân trấn thủ lạnh lưng phòng tuyến trống
Mưa Thất Sơn không cuồng phong vũ lộng
Mưa chỉ buồn như nhạc réo cô đơn
Buồn như "buồn tàn thu" nếu tôi biết sớm hơn
Có đổi được điều chi trong trường ca định mệnh?
Nhưng mưa, em ơi, không ai chờ vẫn đến
Mưa tháng tư, cơn cuồng lũ qua đời
Anh trở về, bóng đổ tàn hơi
Chân lạc lỏng giữa phố phường thay chủ mới
Những cơn mưa u trầm không dứt vội
Mưa thét gào trên thành phố bị xóa tên
Mưa âm vang như hành khúc cung đền
Đồ Bàn cũ dậy niềm đau Chiêm quốc
Thành phố mà khi đã mất
Anh hiểu ra là xương máu của chính mình
Là cổ bàn của bao kẻ cầu vinh
Là nỗi nhục của người dân vong quốc
Mùa mưa tha hương
chẳng giống như mưa phùn gió bấc
Vẫn đau tê như ngày rét, đói trong tù
Vẫn cào châm như ngàn mũi kim khâu
Trên da thịt hôm nay còn nguyên vết dấu
Quên sao được, Kà Tum, Bình Long, Suối Máu...
Những đê hèn Bù Gia Mập, Long Giao...
Những thú bầy nanh vuốt giống như nhau
Dù An Điềm, Z30 hay Vĩnh Phú...
Mưa gợi mãi những niềm đau chưa cũ
Hai mươi mấy năm là một trường đoạn bể dâu
Dù hôm nay có đổi áo, thay màu
Đâu dễ xóa những vết thương trầm tích
Dallas chiều nay mưa về hoang tịch
Em, bên thành phố ấy, có đang mưa ?

Dallas, 10/1998
Hoàng Định Nam