Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]           [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Tình yêu Côn Sơn trong thơ Nguyễn Trãi

Đỗ Đình Tuân

Nguyễn Trãi sinh năm 1380 ở Thăng Long trong gia đình ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Đến năm 1385 thì cụ Trần Nguyên Đán xin cáo quan vè trí sĩ ở Côn Sơn. Về đây cụ đã cho xây dựng Thanh Hư động- một công trình kiến trúc nổi tiếng trong lịch sử. Trong bài Thanh Hư động ký , Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi có kể lại rằng: " Rồi ông xem xét đất đai, đo đạc hình thế, một hồi trống đánh lên, mấy vạn người xúm lại, phát lùm cây rậm rạp, san gò đá gồ ghề, dòng suối gạn trong, lối hoang mở rộng, có đủ nhân công vật liệu đắp móng xây tường, việc làm liên tiếp không đầy một tháng mà công trình xây trát kẻ vẽ đều đã hoàn thành. Chỗ cao hình vòm, chỗ thấp hình chảo. Nhìn chỗ xa, ngắm màu xanh, thu vẻ lạ quán nét đẹp, gồm biết bao cảnh trí để yên nghỉ hoặc vui chơ, gọi chung là động Thanh Hư ( có nghĩa là trong trẻo và lộng lẫy)"

Sau khi động Thanh Hư được xây dựng thì cảnh trí của Côn Sơn càng trở nên thơ mộng. Cũng trong bài ký ấy, ở một đoạn khác,Nguyễn Phi Khanh đã tả rằng: " Khói đầu non ráng ngoài đảo gấm vóc phô bầy; hoa dọc suối cỏ ven rừng biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem, phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối tuôn reo, xa vời mà hư không, sâu thẳm và yên lặng, hợp với tai mắt tâm thần người ta, ở đây đều có đủ cả".

Lúc ấy thì mẹ con Nguyễn Trãi cũng về Côn Sơn ở với ông ngoại, cho dù cha của Nguyễn Trãi vẫn đang dạy học ở Nhị Khê. Nhưng vì sao lại có việc này? Nguyên do như sau: thân phụ Nguyễn Trãi trước đây vốn tên là Nguyễn Ứng Long, người làng Chi Ngãi, huyên Phượng Sơn (nay thuộc Chí Linh), xuất thân nghèo khổ nhưng có tài và khá nổi tiếng trong giới nho sĩ ở Thăng Long. Vì thế mới được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán vời vào làm gia sư để kèm cặp một người con có tên là Trần Thị Thái. Không ngờ thày trò lại yêu nhau say đắm đến nỗi làm cô Thái có mang. Nguyễn Ứng Long hoảng quá bỏ chạy. Quan Tư đồ phải ngầm sai người đi dò tìm Ứng Long trở về và nói với Ứng Long rằng: "Người đời xưa đã có việc này, không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như sao? Nếu được như Tương Như để tiếng về sau thì ta cũng bằng lòng". Và ông đã tác thành cho đôi trẻ. Cảm động trước tấm lòng ấy, Nguyễn Ứng Long đã ra công dùi mài kinh sử và đến khoa thi năm 1374, lúc ấy ông mới có 19 tuổi đã đỗ Tiến sĩ. Nhưng Thượng hoàng Nghệ Tông lúc đó đã phán rắng: " Bọn ấy lấy vợ con nhà phú quý, là kẻ dưới mà phạm người trên, bỏ không dùng". Vì thế mà suốt những năm còn lại của nhà Trần, Nguyễn Ứng Long phải về làng Ngọc Ổi (thuộc Thường Tín ngày nay) ngồi dạy học, còn vợ con vẫn phải ở lại nhà nhạc phụ. Như vậy là từ khi mới năm tuổi Nguyễn Trãi đã về sống ở Côn Sơn. Mối giao cảm đầu tiên của ông đối với thế giới bên ngoài chính là thiên nhiên và kiến trúc đầy thơ mộng của Côn Sơn. Đó chính là cái lý do rất tự nhiên khiến suốt cuộc đời mình, ông đã giành cho Côn Sơn một tình yêu đặc biệt. Có thể nói, cả đời ông chưa có tình yêu nào lại gắn bó thuỷ chung và bền chặt như tình yêu đối với Côn Sơn.

Chúng ta đã nói rất nhiều về lý tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và chúng ta cũng biết ông đã tận tuỵ chiến đấu để thực hiện lý tưởng ấy như thế nào. Nhưng về cuối đời không phải không có lúc Nguyễn Trãi cũng cảm thấy bi quan bế tắc; thậm chí có lúc ông còn phủ nhận cả ý nghĩa của cuộc đời:

Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư
Giác lai vạn sự tổng thành hư
(Đời người chỉ là cái thừa của giấc mộng kê vàng
Lúc tỉnh lại muôn việc đều trở thành không cả)
                             Ngẫu thành
Hoặc:
Đời người trong trăm tuổi
Rốt cuộc như thảo mộc
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau
Một tươi một héo vẫn tương tục
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên
Chết rồi ai vinh với ai nhục
                             Côn Sơn ca
Và không phải không có lúc Nguyễn Trãi đã tự trách mình:
Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh
Vô thuật năng y lão cánh gia
(Viển vông vốn thật là bệnh của ta
Không thuật gì chữa được mà già càng thêm nặng)
                             Ngẫu thành
Nhưng riêng tình yêu đối với Côn Sơn của ông thì dường như lúc nào cũng gắn bó và vẹn nguyên:
Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình
Quy tứ dao dao nhật tự tinh
(Mười năm xiêu dạt thân mình như cỏ bồng cánh bèo
Lòng muốn về lay láy ngày nào cũng như cờ phất)
                             Quy Côn Sơn chu trung tác
Đọc thơ ông, ta thấy dường như trong suốt những năm tháng bận rộn đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng nhân nghĩa, chưa một lúc nào ông quên cái mảnh đất Côn Sơn muôn quý ngàn yêu đối với ông. Cho nên, có lúc thì nhớ Côn Sơn trong giấc ngủ:
Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng
Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền
(Núi cũ đêm qua vấn vương vào mộng nhẹ
Trăng chứa đầy sông Bình Than, rượu đầy thuyền)
                             Mạn hứng
Có lúc ông lại nhớ Côn Sơn khi vừa tỉnh giấc:
Mộng giác cố viên tam kính cúc
Tâm thanh hoạt thuỷ nhất âu trà
(Tỉnh mộng nhớ vườn cũ có ba rặng cúc
Rửa lòng cho sạch có nước chảy với một âu trà)
                             Mạn hứng III
Nhiều khi nhớ Côn Sơn quá mà không về thăm được thì ông về Côn Sơn trong giấc mộng:
Miến tưởng cố viên tam kính cúc
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao
(Nhớ nhung vườn cũ có ba rặng cúc
Hồn mộng đêm đêm vẫn lên thuyền để về)
                             Thu nhật ngẫu thành
Và nỗi nhớ nhung ấy nhiều khi trở thành một nỗi buồn thương vô cùng cảm động. Trong bài Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, ông viết:
Nhất biệt gia sơn kháp thập niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thì kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chảm thạch miên.
Nghĩa là:
Từ khi đi khỏi núi nhà đã vừa mười năm
Trở về thì tùng cúc đã nửa hoang rậm
Có hẹn với rừng suối sao ta nỡ phụ
Gục đầu nơi đất bụi chỉ tự thương mình
Làng quê mới qua như thấy chiêm bao đến
Can qua chưa dứt may được vẹn chiếc thân
Bao giờ làm được nhà ở dưới gió mây
Để múc nước khe nấu trà và gối đá ngủ.
Sau loạn về Côn Sơn, thấy cảnh vườn nhà tiêu điều hoang rậm ông đã không sao cầm lòng được và ông đã thương cảm như muốn khóc. Tình thương Côn Sơn của ông ở đây thật đúng như tình thương đối với một người thân, như đối với một mảnh máu thịt của mình vậy.
Cũng bằng những xúc động rưng rưng như thế, nhưng ở bài khất nhân hoạ Côn Sơn đồ tình cảm của ông còn não nuột hơn:
Bán sinh khâu hác phế đăng lâm
Loạn hậu gia hương phí mộng tầm
Thạch bạn tùng phong cô thắng thưởng
Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm
Yên hà linh lạc trường kham đoạn
Viên hạc tiêu điều ý phỉ cầm...
Nghĩa là:
Nửa đời phải bỏ cái thú leo trèo khe núi
Sau loạn quê nhà chỉ phí chiêm bao mà tìm về
Gió tùng trên bậc đá không có ai thưởng thức
Bóng hoa mai bên suối đành phụ thú ngâm nga
Thấy yên hà vắng vẻ lòng ta muốn đứt
Thấy vượn hạc tiêu điều tâm ý khó cầm...
Gắn bó với Côn Sơn như vậy, cho nên khi cuộc đời Nguyễn Trãi gặp bế tắc trên con đường thực hiện lý tường nhân nghĩa thì tình yêu Côn Sơn đã lên tiếng gọi và thôi thúc ông trở về đây sống cuộc đời nhàn dật. Về Côn Sơn càng ngày càng trở thành một niềm khao khát đối với ông:
Như kim chỉ ái sơn trung túc
Kết ốc hoa biên độc cựu thư
(Như nay ta chỉ muốn ở trong núi
Làm nhà bên hoa và đọc sách xưa)
                             Ngẫu thành
Cho nên khi được về sông ở Côn Sơn, ông cảm thấy nhẹ nhàng và sung sướng lắm:
Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm
Côn Sơn có đá tần vần
Mưa trơn rêu sạch ta nằm ta chơi
Côn Sơn thông tốt ngất trời
Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do
Côn Sơn trúc mọc đầy gò
Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.
                             Côn Sơn ca
                             (Theo bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật)
Hình như, ngoài bài Côn Sơn ca ra thì các bài thơ chữ Hán ông viết về Côn Sơn đều được sáng tác trong hoàn cảnh ông phải sống xa quê hay trong những lúc ông ghé thăm ít bữa mừng mừng tủi tủi rồi lại đi. Cho nên tình cảm thường rất thiết tha cảm động. Đến những bài thơ viết về Côn Sơn trong Quốc âm thi tập thì lại khác. Phần lớn những bài này đều được Viết khi Nguyễn Trãi đã về sống ở Côn Sơn. Có lẽ chỉ có bài Bảo kính cảnh giới số 28 là được viết trong những ngày cuối cùng khi ông còn ở Thăng Long :
Nghìn dặm xem mây nhớ quê
Chẳng chờ cởi ấn gượng xin về
Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại
Hai chữ công danh biếng vả vê...
Bài thơ cũng cho ta biết chuyện về Côn Sơn của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ là không bình thường. Hình như ông ở trong tình trạng tuy chưa mất chức nhưng đã bị nghi ngờ và không được tin dùng nữa. Ông bắt đầu thấy chán ghét công danh nên mới "Chẳng chờ cởi ấn gượng xin về". Nghĩa là chưa giả chức, mới là nghỉ tạm, nghỉ chờ chứ chưa nghỉ hẳn. Tuy vậy nghĩ đến chuyện được về Côn Sơn là lòng ông đã cảm thấy nhẹ nhõm và hào hứng lắm: "Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại/Hai chữ công danh biếng vả vê". Có lẽ ngay sau đó là ông về Côn Sơn sống một cuộc đời rất bình dị và thanh đạm. Ông ở trong những gian lều cỏ, kiến trúc rất sơ sài và tạm bợ:
Chụm tự nhiên một thảo am
Dầu lòng đi bắc miễn về nam.
                             Thuật hứng,19
Trong nhà cũng chỉ thấy có một chiếc giường thấp, một nồi hương, một cây đàn, mấy cuốn sách...Thậm chí còn không dùng cả đèn dầu và chổi quét, bởi lẽ:
Gió tịn rèm thay chổi quét
Trăng kề cửa khỏi đèn khêu.
Nghĩa là ông đã lấy trăng làm đèn và lấy gió làm chổi. Ngoài cái ngôi lều tạm ấy ra, những người hàng xóm gần gũi và thân thiết của ông là núi, là chim, là mây, là nguyệt:
Núi láng giềng,chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam.
                             Thuật hứng, 19
Nguồn sống thì dựa vào cái: "Vườn còn thông trúc đáng năm mẫu" (Mạn thuật, 2); cái "Ruộng đôi ba khóm đất con ong" (Thuật hứng, 11); cái "Ao cạn vớt bèo thả muống" (Thuật hứng, 24). Cũng có khi ông còn phải nhờ cả đất vườn của nhà chùa Côn Sơn này:
Ao quan thả gửi hai bè muống
Đất bụt ương nhờ một lảnh mùng
                             Thuật hững, 23
Cho nên bữa ăn của Nguyễn Trãi thường rất đạm bạc "cơm ăn chẳng quản dưa muối":
Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa
                             Ngôn chí, 17
Hoặc:
Lành thay cơm cám được no ăn
                             Trần tình, 2
Đến cái mặc của Nguyễn Trãi cũng thật bình dị "Aó mặc nài chi gấm thêu". Nhiều bài thơ như những bức chân dung tự hoạ ông tả như thế này: chân đi hài gai, hoặc hài cỏ; mùa rét thì sỏ thêm đôi bít tất cũng thấy đã cũ rách:
Miệt bở hài gai khăn cóc
Xuềnh xoàng làm mấy đứa thôn dân
Mạn thuật, 2
Nhưng lòng ông lại cảm thấy tự hào và thanh thản làm sao:
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh
Aó bô quen cật vận xênh xang
                             Tức sự, 4
Tâm hồn Nguyễn Trãi lúc này hoàn toàn không để ở công danh phú quý, không để ở ăn ngon mặc đẹp. Trái lại ông đắm mình vào trong cái thế giới thiên nhiên tạo vật kỳ thú của Côn Sơn:
Say minh nguyệt chè ba chén
Thú thanh phong lều một gian
Ngỏ cửa nho chờ khách đến
Trồng cây đức để con ăn
                             Mạn thuật, 5
Hoặc:
Bẻ cái trúc hòng phân suối
Quét con am để chứa mây
Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây
                             Mạn thuật, 6
Những "say", những "thú", những "tham", những "tiếc" ấy nói lên tất cả cái thiết tha đằm thắm của Nguyễn Trãi đối với cảnh vật Côn Sơn. Trong thơ ông, từ hình ảnh một ngày đi núi:
Con cờ quay, rượu đầy bầu
Đòi nước non chơi quản đâu
Đạp áng mây, ôm bó củi
Ngồi bên suối, gác cần câu...
                             Trần tình, 5
Đến một buổi chiều vãng cảnh:
Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trông thế giới phút chim bay
                             Mạn thuật, 4
Cho đến một buổi tối thưởng hoa:
Quét trúc bước qua lòng suối
Thưởng mai về đạp bóng trăng
                             Ngôn chí, 15
Ở đâu ta cũng thấy hiện ra một Nguyễn Trãi rất phóng khoáng và ung dung tự tại. Có thể nói Nguyễn Trãi đã sống ở Côn Sơn một cuộc sống tuyệt vời trong sáng và tinh khiết, một cuộc sống đầy văn hoá như ánh sáng, như khí trời vậy:
Tiên thư sổ quyển cửu sinh nha
Cơ thực tùng căn tước nhật hoa
Trúc hữu thiên can lan tục khách
Trần vô bán điểm đáo sơn gia
(Mấy quyển sách tiên là vốn sinh nhai
Đói ăn rể thông và hớp ánh nắng
Trúc có ngàn cây để ngăn khách tục
Bụi không nửa hạt bén vào căn nhà trong núi)
Sống trong sáng, sống đam mê với cảnh vật Côn Sơn, thực chất cũng chỉ an ủi, chỉ khuây khoả được đôi phần nỗi đau đời của Nguyễn Trãi. Trong đáy sâu tâm hồn ông vẫn cứ dây dưa một nỗi buồn không thể nguôi đi được:
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng
Nhìn hoa nở mới hay xuân
                             Bài 102, QÂTT
Đôi khi ông cũng như người ngất ngưởng dở tỉnh dở say:
Ngỏ tênh hênh nằm cửa trúc
Sây lểu thểu đứng đường thông
                             Bài 61, QÂTT
Ông hoài nghi con người và chán ghét thế sự:
Dễ hay ruột bể sâu cạn
Khôn biết lòng người ngắn dài
Sự thế dữ lành ai hỏi đến
Bảo rằng ông đã điếc hai tai
                             Bài 6, QÂTT
Nhưng chưa bao giờ ông quên trách nhiệm của một kẻ sĩ đối với đất nước, gia đình và xã hội:
Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ trung
                             Bài 68, QÂTT
Hoặc nữa:
Tơ tóc chưa hề báo sở sinh
Già hoà lủ tủi nhiều hành
Chông gai nhẹ đường danh lợi
Mặn lạt no mùi thế tình
Sách một hai phiên làm bầu bạn
Rượu năm ba chén đổi công danh
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa
Cầu được ngồi coi đời thái bình.
                             Bài107, QÂTT
Nguyện vọng "ngồi coi đời thái bình" là một tư tưởng lớn và khá cháy bỏng trong tâm hồn Nguyễn Trãi:
Mọi sự đã chăng còn ước nữa
Nguyện xin được thấy thuở thăng bình
                             Tự thán, 27
Có thể nói tình cảm của Nguyễn Trãi đối với Côn Sơn vừa là một biểu hiện tự nhiên của tình yêu quê hương đất nước, lại vừa là một thái độ chính trị, một quan điểm nhân sinh của một nhân cách lớn. Đồng thời nó cũng là một nỗi đau lớn, một bế tắc lớn của một lý tưởng xã hội không thể được thực hiện trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Lúc ấy Nguyễn Trãi tuy mới độ năm mốt năm hai tuổi nhưng những cuộc tranh quyền đoạt lợi thời hậu chiến của các phe cánh trong triều đình nhà Lê lại vô cùng khốc liệt và phức tạp. Một con người như Nguyễn Trãi không thể nào hoà nhập được. Tuy rất đau lòng nhưng ông cũng không còn cách nào khác là phải tự tách mình ra để tìm đến những thú riêng. Và cái thú riêng của ông chính là trở về sống nhàn dật ở Côn Sơn:
Tròn sáu mươi dư tám chín thu
Lưng gầy da xỉ dáng lù khù
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào-Hứa
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng-Chu
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc
Gian lều cỏ đội đức Đường-Ngu
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa
Dạy láng giềng mấy sĩ nho.
                             Ngôn chí, 143
Cộng cả hai thời kỳ, Nguyễn Trãi có khoảng 17 năm sống ở Côn Sơn và ông đã giành cho Côn Sơn một tình yêu thật đặc biệt. Tình yêu ấy đã tạo nên một nguồn thi ca rất phong phú trong cả Ưc Trai di tập và đặc biệt là trong Quốc âm thi tập. Tình yêu ấy từ lâu đã trở thành linh hồn của di tích lịch sử văn hoá Côn Sơn. Ngày nay, khi về thăm Côn Sơn, có lẽ phải đi qua cánh cửa thi ca mới có thể trực tiếp gặp được tâm hồn Nguyễn Trãi. Và gặp lại tâm hồn Nguyễn Trãi ta sẽ thấy danh thắng Côn Sơn giầu thi vị thêm rất nhiều.
Đỗ Đình Tuân