Chim Việt Cành Nam         Trở Về  ]           [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Lục bát Bút tre

Đỗ Đình Tuân

Bút Tre (Đặng Văn Đăng: 1911-1987) không cho mình là thi sĩ, ông chỉ nhận mình là "vè sĩ". Ông là người hay "xuất khẩu thành chương và chắp vần chắp vè. Thậm chí còn là một thứ vần vè thiếu gọn gàng sáng sủa. Cho nên đọc vần vè của ông thấy còn khá ức chế và cũng dễ nghĩ ông là người "văn hóa lùn". Nhưng thật ra không phải thế. Ông là một người rất có ý thức học hỏi và tiếp nhận linh hồn của văn hóa dân gian nói chung và thơ ca dân gian nói riêng. Từ đó ông cũng có một chủ trương rất rõ ràng trong việc tạo ra một lối ca vè mới:
Trăm năm ở một làng vè
Nghìn câu lục bát mấy đề vè nôm
Khi khuya sáng, lúc hoàng hôn
Bà con kể lại, xóm thôn vọng lời
Bút Tre nối bước những ai
Một dòng thơ mở đường quai kể vè
Năm năm dân dã lắng nghe
Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng
(Thơ và giai thoại Bút Tre, Ngô Quang Nam, trang 67)
Bây giờ nhìn lại ta có thể thấy rằng ông đã hoàn thành cái mong muốn sáng tạo của đời ông là mở ra một dòng thơ mới, là đắp thêm một con đường quai trong lối kể vè dân gian: "Một dòng thơ mở đường quai kể vè". Nhưng con "đường quai kể vè" do ông khai mở là cái gì vậy? Theo tôi, đó chính là một lối gây cười hoàn toàn mới mẻ, độc đáo và dễ bắt chước, xin được tạm gọi là "công nghệ thơ Bút tre".

Trong văn học dân gian nói chung và thơ ca dân gian nói riêng vốn đã có nhiều lối gây cười kinh điển và truyền thống rồi. Mục đích, đối tượng, nội dung, mầu sắc của những tiếng cười ấy có thể rất khác nhau, nhưng tựu chung cái cung cách dùng để gây cười thường gặp là: hoặc sử dụng yếu tố tục, hoặc dùng lối nói cường điệu, hoặc sử dụng tổng hợp cả hai

Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Cái váy thì cộc cái lông thì dài
Thuyền chài nó trả quan hai
Thưa rằng không bán để dài quét sân.
Nhưng đến Bút Tre thì khác. Ông rất ít sử dụng lối gây cười truyền thống mà chủ yếu sử dụng một lối gây cười hoàn toàn mới mẻ do ông sáng tạo ra. Công cụ chính ông dùng để gây cười là cái khuôn hình của câu thơ Lục bát. Ông đã dùng cái khuôn hình câu Lục bát dân gian trên 6 dưới 8 làm một cái khuôn cứng. Sau đó ông biến quá trình làm thơ thành một quá trình ép chữ tùy tiện và ngẫu nhiên vào cái khuôn cứng ấy. Kết quả là đã xẩy ra những tình huống sau đây:

1.Trường hợp đầu tiên khi ép chữ vào Khuôn lục bát đến cuối câu sáu vẫn còn một phần của chữ thừa ra. Không sao, ông sẽ bẻ chữ ấy ra và cái phần còn lại ông nhét xuống đầu câu tám. thế là xẩy ra hiện tượng "Xuống dòng bạt mạng, ngắt câu ngang phè":

Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.
Cái lối "bẻ chữ tùy tiện" này hình như khá dễ bắt chước, cho nên sau câu còn khá trong sáng trên của ông, dân gian lập tức "nhái" cái "công nghệ "ấy và sản xuất thêm hàng loạt những câu tương tự, nhưng thường là dung tục hơn:
-Anh đi công tác Pờ-lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra.

-Anh đi công tác Buôn Mê
Thuột xong một cái lại về với em.

-Bốn ông chung một đĩa lòng
Lợn, ngồi chễm chệ bên thùng bia to...

2.Lại có những trường hợp không thể bẻ chữ được, không thể uốn chữ từ cuối câu sáu xuống đầu câu tám được. Cũng không sao hết, ông sẽ cắt bỏ bớt chữ đi để cho vừa với cái Khuôn lục bát:
-Bây giờ đang đứng... Trưởng ty
Bút tre thơ phú tôi thì có sau
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là... đầu...chúng ta.
Nếu nói cho đủ thì sau chữ "đứng" phải có ít nhất là hai chữ nữa: hoặc là "cương vị" hoặc là "chức vụ"( vì ở cái cương vị ấy thì không thể đọc thơ tếu táo được); sau chữ "là" phải là ba chữ "nhiệm vụ hàng..." và sau chữ "đầu" phải có một chữ "của" nữa.

Cái lối này hình như bắt chước khó hơn một chút nên những câu dân gian "nhái" theo xuất hiện còn ít:

-Chị em du kích tài thay
Bắn tầu bay Mỹ rơi ngay cửa...mình.
(cửa Ty mình)

-Anh đi em ở lại nhà
Cửa...mình em mở kẻ ra người vào.
(Cửa nhà mình)

3.Lại cũng có những trường hợp khi ép chữ vào Khuôn thì thiếu chữ. Cũng không sao cả, ông sẽ chêm độn thêm chữ vào cho đẫy khuôn:
-Tầu xe đi lại nhịp nhàng
Thái Nguyên, Yên Bái lại càng Lào Cai
Ở câu trên ta dễ dàng nhận ra hai chữ "lại càng" là ông cố tình chêm độn vào. Cũng tương tự:
-Bỗng đâu tin sét đánh ngang
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần.
Cái nội dung tin sét đánh ngang cần được thông báo ấy chỉ là Bác Hồ từ trần. Nhưng chết nỗi nếu để vậy thì câu tám thiếu đi mất bốn chữ cho nên phải thêm bốn chữ "đang sống chuyển sang" vào cho đầy khuôn.

Kiểu này cũng được dân gian nhại lại nhưng còn rất ít:

-Trông xa cứ tưởng cô nàng.
Đến khi giáp mặt lại càng cô ta
4.Trường hợp phổ biến hơn trong cách gây cười của thơ Bút Tre là lối Cưỡng vần và cưỡng thanh điệu. Bất kể thanh điệu chữ mang vần là bằng hay là trắc, là thanh nổi hay thanh chìm, ông cứ ép tuốt tuồn tuột cả vào khuôn và bắt chúng phải theo vần và theo thanh điệu của Khuôn lục bát quy định
-Chú về công tác Bảo tàng
Cũng là công tác cách màng giao cho.
Ở ngoài đời chúng là cách mạng, nhưng vào thơ ông chúng phải thành cách màng. Tương tự ở ngoài đời chúng là Phú Thọ thì vào thơ ông chúng sẽ thành Phú Thò hoặc Phú Tho...

Dân gian cũng bắt chước lối cưỡng vần và cưỡng thanh điệu này của ông một cách rất thành thạo và sáng tác thêm rất nhiều câu khá lý thú:

-Không đi không biết Tam Đao (Đảo)
Đi thì chẳng biết nơi nào mà ngu ( ngủ )
Một giường nhốt những hai cu ( cụ )
Sướng khô (khổ ) đành chịu đến chu ( chủ ) nhật về.
...
Có thể nói Bút Tre là người đã phát minh ra cái công nghệ ép chữ vào khuôn thơ mà chủ yếu là khuôn thơ lục bát. Với công nghệ này quá trình làm thơ được đơn giản đi nhiều. Người làm thơ không cần phải bận tâm đến chuyện chọn vần, chọn chữ nữa mà chỉ cần biết bẻ chữ, chặt chữ và ép chữ... một cách tưởng như rất máy móc vụng về là được. Cho nên những con chữ khi vào thơ Bút Tre thường không còn giữ được cái dáng vẻ tự nhiên vốn có của nó nữa. Trái lại, chúng thường bị ép cho méo mó đi, cho vênh váo lên: con thì gẫy lưng, con thì dụt đầu ngoẹo cổ, con cụt chân, cụt tay...chí ít thì cũng ngơ ngơ ngác ngác như quạ vào chuồng lợn. Nhưng đó lại chính là sự thần diệu của thơ Bút Tre. Nhờ chúng mà câu thơ Bút Tre luôn có cái dáng vẻ ngô nghê, ngớ ngẩn làm người đọc phì cười. Nhưng ta cười là cười cái sự ngô nghê, ngớ ngẩn của câu thơ, chứ có cười chê gì ai đâu ? Có chăng thì cũng chỉ là chê tác giả làm thơ dở òm. Ai ngờ chính cái dở òm ấy lại là cái hay, cái làm cho người ta thích thú và dễ nghiện. Không phải là tất cả, nhưng phần lớn tiếng cười trong thơ Bút Tre là tiếng cười vui đùa. Nó chỉ làm nở môi, nở miệng và hớn hở lòng người đọc chứ không động chạm gì đến ai. Tiếng cười ấy cũng giống y như tiếng cười nổ ra khi ta xem trò bịt mắt bắt dê, thấy cái anh chàng bắt dê sắp túm được con dê rồi thì lại bỏ quay đi hướng khác. Hay thấy anh chàng làm dê vừa thổi còi chạy trốn thì lại đâm bổ vào chỗ anh chàng bắt dê để bị tóm cổ. Bản chất tiếng cười của thơ Bút Tre hồn nhiên và vô tư như vậy. Cho nên không phải ngẫu nhiên trong dân gian rất nhiều người thích đọc thơ Bút Tre vì nó vui, thích làm thơ kiểu Bút Tre vì nó dễ và cũng sẵn sàng hiến tặng những sáng tác của mình cho kho tàng thơ Bút Tre mà không cần phải giữ bản quyền. Người đọc thơ Bút Tre cũng như người làm thơ Bút tre chỉ cầu có vui thôi.
28/11/2009
Đỗ Đình Tuân