Trong
văn học cổ, thời gian có tính chu kỳ, tuần hoàn dựa trên
sự dịch chuyển của nhật nguyệt, tinh tú, mùa màng và những
dấu hiệu của vạn vật. Thời gian còn là biểu trưng cho
sự sống bất diệt, an nhiên tự tại và bình tĩnh vượt
qua những chướng ngại tinh thần khi đối diện với sinh -
trụ - dị - diệt. Mùa xuân và hoa mai là một trong những thể
nghiệm của người đời, là bước đi của thời gian vô hạn
trong không gian hữu hạn, là sự tiếp nối lạc quan ,là sự
giác ngộ khi làm chủ được mình trong biến dịch vô thường
của trần hoàn tạo vật. Cáo tật thị chúng của Mãn
Giác Thiền Sư là một đại diện vượt thời gian như
thế.
Xuân khứ
bách hoa lạc
Xuân đáo bách
hoa khai
Sự trục nhãn
tiền quá
Lão tòng đầu
thượng lai
Mạc vị xuân tàn
hoa lạc tận
Đình tiền tạc
dạ nhất chi mai
Xuân đi thì trăm hoa
rụng, xuân đến thì trăm hoa nở, việc đời đuổi rượt
qua trước mắt, tuổi già tìm đến trên cái đầu. Nhưng đừng
tưởng xuân tàn là hoa sẽ rụng hết, đêm qua trước sân
một cành mai mới nở. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu " Qua
đi, qua đi, qua bờ bên kia đi, hoàn toàn qua bờ bên kia đi,
thì giác ngộ", đó chính là bước đi của thời gian
chiêm nghiệm đời người để mà thông suốt, tỉnh táo để
mà bước qua bờ bên kia. Đó cũng là sự viên giác của đấng
giác ngộ. Mãn Giác Thiền Sư là người thế !
Mãn Giác tên thật
là Nguyễn Trường sinh 1052, thân phụ ông là Hoài Tố làm
chức Trung thơ viên ngoại lang. Thuở thiếu thời, vua Lý Nhân
Tông thường mời con em các danh gia vào hầu, Nguyễn Trường
là người được học hỏi rất nhiều, tinh thông cả tam giáo
nên được dự tuyển. Khi Lý Nhân Tông lên ngôi vì mến chuộng
tài đức của ông nên ban cho hiệu là Hoài Tín. Sau đó , vì
muôn lẽ sự đời mà ông dâng biểu xin được xuất gia và
cùng học Phật với sư Quảng Trí rồi tứ hải vân du . Ông
được nhà vua và hoàng hậu vô cùng kính nể. Tháng 11 năm
1096 ông lâm bệnh nặng, chúng đệ tử thương khóc thầy vì
biết người sẽ ra đi vĩnh viễn . Trên giường bệnh ông
đã làm bài kệ
Cáo tật thị chúng để khuyến hóa,
an tâm học trò mình trước khi viên tịch.
Cáo tật thị
chúng là một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ, mượn cảnh
tình để trực chỉ nhân tâm, khai phóng nhân sinh. Hình ảnh
xuân đến xuân đi, hoa tàn hoa nở là một quy luật của tự
nhiên , một định luật hiển nhiên của cuộc sống. Trong
vạn pháp của thế gian, có sinh thì có diệt, không có gì
phải trăn trở đau buồn. Vì vậy phải giữ tâm ý thật bình
tĩnh, không để nó dao động trước sự sanh diệt vốn dĩ
phải có của đời người.
Xuân đi
trăm cánh hoa tàn
Xuân sang tươi
thắm muôn ngàn sắc hoa
Sự đời tuần
tự diễn qua
Trải bao năm tháng
tóc đà bạc phơ
Việc đời hay dòng
thế sự chính là dòng nước chảy miên man vô tận của cuộc
sống. Tuổi trẻ qua đi, tuổi già ắt sẽ đến. Cái được
mất bại thành của danh lợi, quyền chức, khen chê, buồn
vui, thương ghét mà ta từng nếm trải luôn trôi qua trước
mắt. Vì vậy mà ta cần phải thấy rõ. Đó cũng chính là
sự biến hoại thường tình của cuộc sống. Ta không nên
tham đắm quay cuồng , vật lộn với nó. Vì bản chất của
cuộc đời là vô thường và bản thân con người không thể
sở hữu bất cứ thứ gì trong chính nó. Cái vòng tiến trình
sinh - lão - bệnh - tử không một ai tránh khỏi. Bốn câu đầu
của bài kệ đã bao hàm tất cả quy luật đó. Nhưng quan trọng
hơn là người đời cần phải hiểu rằng cái chết không
phải là cái mất hẳn cũng không phải là sự chấm dứt mà
là sự chuyển hóa của cuộc sống này sang cuộc sống khác.
Việc đời tuần tự trôi qua thì cuộc sống cũng tuần tự
luân chuyển vô tận, không ngừng lại
Đừng tưởng
xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước
một nhành mai
Mùa xuân đi rồi mùa
xuân trở lại. Cành mai mới nở trong đêm chính là sự sống
trở lại, cũng như dòng thời gian bất tận luân hành. Hai
câu cuối của bài kệ đã nói lên cái chân lý cuộc sống
ấy. Sự tinh diệu mà nhà sư gợi nhắc cho đệ tử là cái
chết không phải là điểm tận cùng mà là chỉ là điểm
chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, giữa hai khoảng thời gian,
không gian được người đời quy ước bằng sự bắt đầu
và sự kết thúc và lại để bắt đầu
Vạn mộc
đống dục chiết
Cô căn noãn độc
hồi
Tiền thôn thâm
tuyết lý
Tạc dạ nhất
chi khai
Tảo mai - Tề Kỷ
Muôn cây đều tàn
lụi vì băng giá. Chỉ riêng một loại rễ vẫn trở mình.
Ngoài đầu thôn chỗ tuyết rơi dày đặc, một cành mai vừa
nở đêm qua. Vòng quay của tạo hóa hết đông sẽ tới xuân,
trong cái băng giá vẫn có cái hơi ấm của sự sống, cũng
như kết thúc đêm tăm tối để mà ngày mai tươi sáng. Chính
vì vậy mà con người không nên sợ hãi và chao động đến
tâm an nhiên. Xin lắng nghe Giáo Sư Hoàng Như Mai tự Ru
mình
Ngủ đi
một giấc ngày mai
Luân hồi kiếp
khác đầu thai cửa nào
Chưa mơ ai biết
chiêm bao
Sẽ qua địa ngục
hay vào động tiên ?
Mình vẫn chính là
mình, mình không mất đi mà cũng chẳng là ai khác trong cái
thế giới huyền diệu và phức tạp này.
Vòng đi
vòng lại luân hồi
Vẫn là mình đó
mình thời đã quên
Cuộc đời là dòng
thời gian miên man vô cùng vô tận. Hạnh phúc và khổ đau
luôn chồng chéo lên nhau, luôn hòa trộn vào nhau để rồi
con người chiêm nghiệm nó, hiểu nó và biết yêu thương nhau,
chia sẻ với nhau để cùng nhau phát triển. Cái sau cao đẹp
hơn cái trước. Con người được sống đã là hạnh phúc
nhưng con người biết sống càng hạnh phúc hơn. Điều cốt
yếu là phải nhìn thấy được bản chất của cuộc sống
và biết an vui với nó, đừng để những đám mây tăm tối
che mất bản tính sáng suốt và lương thiện.
Cành mai của Cáo
tật thị chúng có một sức sống mãnh liệt cũng vì lẽ
đó. Một sức sống cùng sự trường tồn của vòng thời
gian vô tận. Mãn Giác đã dùng trực giác để hình thành một
biểu tượng. Ông không dùng cách nói rườm rà của một nhà
lý thuyết mà dùng hình ảnh đơn giản miêu tả thực tại
, giúp người đời tự ngộ ra cái điều cơ bản nhất , quan
trọng nhất để có cách sống tốt đẹp và an nhiên, bình
tĩnh. Cành mai cũng như cuộc đời không mới cũng không cũ,
không đi cũng không về, không mất mát đâu cả. Tất cả
chỉ là một vòng tuần hoàn vô cùng vô tận như âm giai bất
diệt của mùa xuân :
Tế vũ thấp
y khan bất kiến
Nhàn hoa lạc địa
thính vô thanh
Tặng biệt Nghiêm Sỹ Nguyên - Lưu Trường Khanh
Ngày xuân mưa nhẹ
rơi ,thấy ướt áo nhưng lại không thấy mưa. Hoa thanh thản
rơi chạm đất nhưng nghe mà chẳng có âm thanh.
ĐÀO
THÁI SƠN
|