Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
 Sợ
Xuân Diệu
Đôi mắt nàng nhỏ và Tàu. Mi chẻ hơi xếch lên, màu xanh trong không khi nào mở rộng để ngạc nhiên hay giận dữ. Và hẳn không có những chấm vàng điểm lửa nó làm cho người ta tưởng thấy những chiếc cổ thuyền chạy trốn "trên bể cả mênh mông".

Những lông nheo dài óng ả, uốn cong lên, chỉ thêm một vẻ tương phản đặc biệt, xui những người nhìn càng bối rối thêm. Mắt đẹp cô Phi che dấu một linh hồn luôn luôn ở trong thầm kín mơ hồ.

Mà cả đôi má hồng chỉ phơn phớt bình minh, cả nét môi chúm lại chỉ thắm vừa vừa, cả khuôn mặt nhỏ nhắn cám dỗ người, cũng á đông như cô Phi e lệ.

Phi đã mười tám tuổi, nhưng vẻ đơn giản của nàng gần như là sự ngây thơ. Thực ra, nàng cũng đã biết yêu rồi: ái tình ở xã hội đời nay làm quảng cáo khắp cả mọi nơi, người ta thở nó cùng với không khí. Lòng nàng êm, êm biết mấy, mỗi khi nàng thêu đôi chim nhạn hay một cành mai trên áo gối, và dịu dàng đan hai chữ "Ngủ ngon". Nhưng Phi nghe ái tình như một bóng trăng; lòng nàng bảng lảng sương mờ, nàng cũng không đủ chú ý để gọi tên sự mới mẻ vừa đến trong ấy.

Có một điều chắc: Phi không lả lơi, bồng bột. Nàng vừa lớn lên. Nàng ít nói, tuy hay cười, - cười vừa đủ để có duyên thôi. Nàng chỉ nhè nhẹ, thơ thới, không sâu sắc, đắm mê; nàng á đông, á đông từ đầu xuống chân, từ trong lòng ra ngoài mặt.

*
* *

Và ấy đó, nỗi thắc mắc của người yêu nàng. Châu được Phi "thương", vì Châu đã bắt đầu tỏ tình một cách rụt rè ý vị. Thương hay yêu? ở Huế đây, người ta xô bồ trong một chữ nửa chừng. Kẻ tình nhân phải sờ trong giọng nói chữ thương, phải vào trong lõi của tiếng chập chựng thả một cách ngọt ngào, phải len và tìm gặp ý sâu, cũng như trong một chuyện Tàu, chàng trai rón rén luồn tay trong tay áo rộng của nàng duyên...

Châu không láu táu như rất nhiều thanh niên ở Thần Kinh, họ đưa sự chòng ghẹo đế sự vô lễ: khởi sự yêu, chàng e ấp, giữ gìn, chàng làm hèn mọn để bớt tính kiêu hãnh tự nhiên. Mà nhờ vậy, không gì hợp với lòng Phi cho bằng lòng Châu, - lòng Châu khi bắt đầu yêu mến.

Khi biết nhau, hai người chỉ cần trao đổi những lời đại khái "chúng ta trẻ, mùa xuân đẹp, và tình yêu thiêng liêng", nhưng khi sống dài ngày với nhau, trời ơi! Nàng không đồng ý với tôi nữa: mặt trời của tôi đỏ mà lại vàng, có pha một chút xanh và có hòa một chút tím, còn mặt trời của nàng thì chỉ đỏ mà thôi!

Buổi đầu từ biết đến yêu, Châu và Phi đồng một niềm dịu dàng, êm ái. Có Châu, Phi khoan khoái, thấy sự sống dễ chịu và xinh hơn. Có Phi, Châu nghe tâm hồn phơi phới như một làn gió hẩy. Châu vừa là một anh lớn của Phi, vừa là một bạn ngoan, vừa là một tình nhân. Phi yêu Châu lúc nào không biết, đến khi biết, thì Phi đã yêu rồi.

Châu thì biết lắm, chàng thấy rõ chàng yêu; cái đơn sơ của chàng chỉ là sự rụt rè, sự ngạc nhiên vì chưa tin được rằng có kẻ yêu chàng. Hai người hợp nhau lắm. Lúc đầu tiên,nhưng đôi cặp chỉ kịp nghĩ rằng người này yêu người kia, mỗi bên đều bận vì việc "có một người mến yêu", và chưa tưởng đến cách yêu mến.

*
* *

Sự rung động của nàng, Phi cũng biết đó là ái tình. Nhưng nàng yêu chính vì thấy lòng nàng thích trong bầu không khí mới này, cũng gần đồng loại với cái thích dưới một sáng trăng Nàng có tình một cách vô tình, như trẻ con, như đàn bà. Nàng không viển vông, không nghĩ ngợi, nhất là không biết đến cái triết lí hứng khởi của tình yêu. Yêu là dễ, yêu là thường: một cách ăn cơm, một sự đẩy xô của trời đất.

Thực nàng không xét, không rõ; nàng phớt qua trên mặt,nàng không đến trong tim của ái tình. Vậy đó, nàng yêu như vậy đó, cũng như nàng lịa ngón tay đẩy cây kim luồn trong vải, kéo theo sợi chỉ trắng nó lẩn trong áo trắng; ngồi may mà không nghĩ rằng mình may...

Mà sao nói được thứ mù mờ trong lòng Phi, trong lòng á Đông, vâng, của xứ á Đông nhác lười, bơi trong sự mang mang diêu diếu, làm việc cũng như nằm mơ, không dò la, lục soát, không tự biết, huống chi phân chất, giải phẫu tình yêu! Chả trách Châu buồn, ngay tháng sau, khi chàng đã nhiều bận gần Phi. Nàng yêu chàng chứ sao không; không yêu sao lại tiếp chàng, dầu phải dùng đến mưu mô dấu diếm. Không yêu sao lại nhớ, sao lại nằm chiêm bao; nói như Phi, "không yêu sao lại ...sao lại gì, anh biết lấy".

Mà Phi yêu Châu, đó càng là một lẽ để Châu yêu Phi càng hung. Chàng bồng bột thanh niên, sung sướng hay âu sầu, chàng đều lộ mà không che. Và bởi vậy, có lần chàng đã chịu tiếng oan: lơi lẳng.

Vẻ điềm tĩnh của Phi khiến chàng mất trí bao nhiêu lần. Phi đẹp, đẹp mà ẩn nhan sắc, đẹp bắt người ta phải tìm. Ôi, cái miếng đất ở trong linh hồn Phi, miếng đất chắc chưa ai vào được! Ôi, bí mật của bình yên! Lẽ nào lòng Phi chỉ có sự bình yên, nghỉ ngơi. Nàng không biết nàng, cho nên chàng nóng muốn biết.

Châu thường buột mồm than vãn: "Có lẽ, có lẽ ta là một linh hồn âu Tây lạc giữa thế giới ác ý, thầm trộm, dấu che này, lạc giữa á Đông mù mịt như sứ chiêm bao, đêm lửa bừng nóng để làm sôi nổi một sự thản nhiên nó không sôi nổi bao giờ, đem gió băn khoăn uổng công xáo trộn những hồ đứng sững".

Lời chua chát ấy Châu không dám ám chỉ về Phi, tuy đôi mắt u uẩn của nàng bóp lòng Châu một cách vô lý. Chàng ngó soi vào màu xa vắng của đôi mắt đẹp, làm cho Phi phải ngoảnh đầu nơi khác, và hỏi:

- Cái gì thế, anh?

*
* *

Bắt đầu từ lúc này, Phi thấy Châu có hơi kỳ lạ.

Chỉ vì Châu không ngừng lại nơi sự êm dịu buổi đầu. Chàng yêu, chứ chẳng thương hay mến. Tình của chàng không như dòng sông thỏa mãn chảy vào trong một cái hồ rồi thì đứng lại để tự ngắm nghía sự bình yên. Tình chàng mãnh liệt đi phăng, tới luôn, tới trước, càng lâu càng rộng lớn, để một ngày kia ra nơi biển cả, được biết cuộc sống phong ba của những làn sóng không nghỉ bao giờ.

Chàng quan niệm ái tình như một sự tiến tới: cho thêm, đòi mãi, yêu dấu thêm luôn. Chàng không hề ghì sự mãnh liệt của lòng chàng, nó bồng bột trong rượu, trong men, trong lửa hồng đỏ mãi. Chàng biết rằng hoa ái tình dễ nở dưới ánh mặt trăng, nhưng thế nào rồi cũng phải soi ánh mặt trời mới có những màu rực rỡ nguy nga.

Phi, trái lại, chỉ có một tâm hồn đàn bà. Nàng ưa sự xinh xảo, sự vừa vặn, đều đều khuôn khổ như núi Ngự, sông Hương. Nàng thực lòng yêu "anh Châu" của nàng, nhưng tình cô thiếu nữ mơ hồ điềm đạm quá. Nàng sung sướng được Châu yêu, nhưng nàng không dám thấy Châu yêu đến bực nào. Nàng đoán rằng ở đâu đó - hay ở trong lòng người yêu nàng? - có một thế giới khác. Nàng bắt được một cảm giác riêng: tựa hồ nàng ngủ một đêm, bỗng thức dậy giữa một chân trời đặc biệt. Nàng bỡ ngỡ, nàng lưu lạc dưới trời mới mà nàng đã thấy được một cách mập mờ.

Châu tha thiết quá, tình chàng rộng lớn và sâu xa, rất dồi dào, giàu có. Phi thấy chàng không giống Phi, tuy hai người vẫn yêu nhau. Phi bất giác nghĩ đến sự mênh mông, khi nghĩ đến tình của chàng. Phi giản dị, á Đông đến nỗi nàng không tự biết nàng cơ; thế bảo nàng biết Châu sao nổi? Nếu Phi hiểu rằng đó là Châu yêu nàng rất nhiều, thì cũng không sao. Nhưng rồi nhất là Phi chỉ biết rằng có cái mới, mà không biết cái chi mới, và cảm giác ấy biến thành một cảm giác không gian: nàng tưởng mình đặt chân lên một hoang đảo nào, hay tình cờ đứng giữa sa mạc.

Một thứ ngạc nhiên điểm thêm đôi luồng rờn rợn làm nàng hơi run rẩy, mỗi khi nàng đọc thư của Châu.

*
* *

Châu để cho chàng viết những lời rượu mạnh, không điều độ theo lẽ thường. Chàng nói sự băn khoăn khi thấy Phi chỉ êm đềm quá luôn luôn thành ra dửng dưng. Chàng không dấu nổi thắc mắc mỗi lần nhìn đôi mắt huyền bí. Những đoạn rối rít không có thứ lớp, nói những điều phiền phức, quanh co.

Tình yêu có biết mực thước bao giờ! Lúc nào người ta cũng quá đáng. Người ta thư thẩn một cách dễ dãi, và không hiểu vì sao những điều cỏn con, những ý vụn vặt lại bỗng dưng hệ trọng lên, có thể làm ngạt được người viết thư cũng như người xem thư. Nhưng Phi hiền lành quá, Châu mê đắm chẳng nhầm người rồi! Phi rối vì thư của Châu, ngợp vì tình của Châu. Một lần nàng nghĩ quá mau: "Dễ thường anh Châu của ta hơi điên". Rồi tuy nàng rất hối hận vì ý gở và vô lý của nàng, nàng thấy sợ...

Sợ, phải rồi! Phi sợ! Chính cảm giác mờ trong bấy lâu, bây giờ Phi mới thấy. Đó là một sự thực mà người ta không nên quên: tình yêu nhiều làm cho ta sợ.

Có phải không, tình yêu đã to lớn, mênh mông, thì có khác gì một sông to, một biển cả đâu! Người ta ngợp vì thấy tình nhiều, bởi vì bao giờ cái nhiều cũng làm ta tự thấy mình ít; ta không kịp ngó, ta cảm xúc không hết, ta thấy cái nhiều tràn ta, ngập ta, lụt đến quá cổ ta! Ta sợ khi nhiều hay nhiều trời, nhất là nhiều sắc xanh rờn rợn của không gian; huống chi nhiều ái tình, một thứ không gian và thời gian vô hình ảnh. Nếu gió mát làm ta ngợp sợ, thì sự quá êm đềm, quá thiết tha, quá yêu mến lại xui ta sợ sệt đến bao nhiêu.

Có ai thấy những đứa trẻ con xin bánh không? Nếu cho nó một cái, nó sẽ xin mười; cho nó năm mươi cái, nó sẽ ngạc nhiên, và nếu đưa cho nó cả một thùng bánh to, nó sẽ rợn rùng và sợ người cho nó.

Châu cho Phi nhiều quá, Phi nhận không kịp, nhận không hết, và linh hồn con gái của Phi không biết làm gì nhiều như thế kia, Phi không dám nhận nữa. Phi vẫn yêu Châu, nhưng tay nàng tự thấy rơi tình, cứ muốn buông ra, để được thong thả xếp vào nơi ngực. Phi sợ!

Cái sợ mập mờ, không rõ từ đâu và vì sao, nhưng cần chi biết nguồn gốc mới nghe một cảm giác? Phi không dám đưa chén nước của nàng đổi lấy một bể triều lên. Nàng sợ, nàng sợ...

*
* *

Rồi một đêm, Phi nhận được một cái thư, lần này ngắn:

"Anh thắp đèn lên để chép cho em Phi - em Phi rất yêu, quá yêu - mấy dòng mà anh đã đúc trong bóng tối. Phòng của anh đóng mít bóng đọng lại đen dày. Anh ngồi trong mực, xem thử linh hồn anh có sáng không".

"Nó sáng! Nó chói sáng! Nhờ mang hình ảnh của Phi".

"Phi, em Phi! anh yêu em không biết ngần nào, khi nói câu ấy, anh tưởng ngực bóp lại để rút đời anh ra tặng em; anh yêu đứt ruột, yêu quặn lòng, điên dại, ghê gớm, yêu tưởng giết được người, yêu tưởng chết. Em có thấy máu của hồn anh trên giấy chăng?"

Trời ơi, hai tay Phi run lên, Phi sửng sốt cầm tờ giấy nét chữ có góc như gươm nhọn. Phi hoa mắt thấy hai tay đỏ máu; nàng chùi hai tay vào vạt áo dài trắng và nhìn...

Máu? Chết? Giết? Thực là quá vai của Phi, quá lòng của Phi, Phi không mang nổi. Chân Phi yếu lắm, gánh tình nhiều quá, Phi sợ, Phi sụp!

Nàng hết dám yêu Châu.

*
* *

Từ đó...

Mà thôi, kể lại làm chi chuyện chia lìa, rời rẽ. Không lỗi của Châu, càng không lỗi của Phi.

Chỉ biết rằng Châu đã được một bài học khôn, giá bằng nước mắt. Và một lần, Châu nói với người bạn thân thiết tâm sự chàng:

-" Tại tôi. Tôi đương nhiều lý tưởng, đầy thanh niên, tôi hăng hái, sôi nổi quá".

- "Nàng như một cành lá hổ ngươi *, tôi không biết dỗ dành, chậm rãi; tôi chỉ giỏi mãnh liệt, tôi không có cái thuật nhẹ nhàng".

"Không phải tôi thô, nhưng tôi động mạnh vào cây; lá hổ ngươi khép lại rồi, anh ạ!"

*
* *

Một lần sau, không biết nghĩ sao, Châu cải chính lại, mặt rầu rĩ:

"Nàng như con ngọc trai, chỉ hé mở khi nước biển bình tĩnh êm đềm. Tôi quá xôn xao, tôi ưa gió sóng, nên trai đã đóng lại rồi, và than ôi! Đã giữ lòng tôi lại trong ấy".

Báo Ngày nay số 111, ngày 25/5/1938.

[ Trở Về  ]