Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________

Một đời người
Thạch Lam
 
Tiếng còi tan việc nổi lên vang động trong không khí. Lập tức các công việc trong xưởng đều ngừng lại. Bọn thợ đàn ông với lấy áo mũ trên mắc rồi hấp tấp dồn nhau đi ra phía cửa như một lớp sóng người.

Liên cùng mấy chị em bạn gái thong thả hơn, vì công việc họ làm xong đã lâu rồi. Nhìn lại một lần nữa cái thùng giặt đầy quần áo sạch sẽ - họ làm trong một xưởng xe tay - bọn thợ con gái ra đến cửa sau hết mọi người. Họ vui vẻ nói chuyện luôn miệng như những con chim sẻ ngày mùa. Nhưng Liên không thể giữ được cái rùng mình sẽ rung chuyển thân thể nàng mỗi lần đến trước mặt chú Tây đen cao lớn ngồi canh cổng và khám các người làm công. Toàn thân Liên cứng lại dưới hai bàn tay mập mạp đen thủi. Nàng nhắm mắt như không muốn trông thấy cái cười khả ố của người gác và hai con mắt sâu hoắm của hắn ta long lanh ham muốn.

Ra đến ngoài, Liên nhẹ hẳn người. Cảnh tấp nập ở ngoài phố làm nàng vui vẻ. Mấy chị em bạn cùng rảo bước trên vỉa hè, vừa đi vừa nói những câu chuyện trong sở, thỉnh thoảng làm cho một cô bật lên tiếng cười trong trẻo, ròn rã như tiếng cười con trẻ. Liên và mấy cô bạn gái của nàng tuy đã có đến hàng nghìn lần, mà lần nào ở trong xưởng ra về, cũng thấy vui vẻ trong lòng như một người vừa làm xong công việc của mình. Cái vui giản dị ấy làm cho nàng quên trong chốc lát những nỗi khó nhọc và các ý nghĩ lo buồn.

Đến chỗ rẽ sắp phải chia tay, tất cả bọn đứng dừng lại dưới gốc cây bàng. Liên sẽ bảo các bạn:

- Các chị bây giờ về nhà, chắc chồng con vui vẻ lắm. Chỉ có em là khổ thôi.

Mọi người nhìn Liên không nói gì. Vì họ biết Liên lấy phải người chồng vũ phu ác nghiệt, hay đánh đập nàng. Lại thêm mẹ chồng cũng ác nghiệt chẳng vừa, hơi một tí là đay nghiến nàng thậm tệ, đến nỗi cấm cả không cho các bạn lai vãng đến nhà nàng nữa.

Khi Liên quay đi, mấy người bạn nhìn theo thương hại:

- Chị Liên thật là khổ. Đi làm cầm cập suốt ngày để nuôi cả nhà chồng, về nhà lại bị chồng nó hành hạ.

Cô Sinh, nhiều tuổi nhất trong bọn, giọng nói đầy vẻ tức giận:

- Tôi mà như chị ấy thì thôi bỏ quách đi lấy người khác. Mình làm kiếm được nuôi thân, có phải nhờ vả gì nhà chồng đâu mà sợ.

Một người khác chép miệng thở dài:

- Chẳng qua cũng là tại cái số chị ấy vất vả nên mới gặp người như thế.

*
* *

Liên một mình thong thả bước đi. Nàng không còn vui vẻ nữa vì sắp về tới nhà. Nàng buồn rầu nghĩ đến cái cảnh êm thấm trong gia đình của các bạn, khi đi làm về được chồng con săn sóc đến. Về phần nàng, không phải một cái gia đình mà nàng lui tới nữa, chính là một cái địa ngục. Liên không hiểu tại sao chồng nàng và mẹ chồng nàng lại ác nghiệt, ghét nàng như thế. Có lẽ vì xưa kia cha mẹ nàng đã bắt người ta phải dẫn cưới nhiều chăng? Nàng đoán có lẽ thế vì mỗi lần chửi mắng bà mẹ chồng lại nhắc đến chuyện ấy mà đay nghiến nàng.

Liên thở dài nhớ lại quãng đời nàng từ lúc đi lấy chồng. Bảy tám năm qua, mà Liên tưởng hình như lâu lắm, hình như đã hết nửa đời người. Nàng về nhà chồng từ năm không lấy Tâm, người nàng quý mến từ nhỏ và bây giờ cùng làm một sở với nàng, Liên cũng không rõ tại sao nữa. Khi cha mẹ nàng ngỏ ý gả cho Tích, lấy cớ rằng hai nhà vẫn quen biết nhau, Liên tuy không bằng lòng nhưng nàng cũng không từ chối. Mà nàng cũng không dám từ chối cái gì. Nàng tưởng rằng mình sinh ra chỉ để chịu sai khiến mà thôi, không dám phản kháng bao giờ cả.

Trong bảy năm ở nhà chồng, nàng chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, hành hạ mà không dám kêu ca. Liên chỉ âm thầm đau đớn.

Nàng thương hại cho Tâm đã khổ vì nàng. Khi được tin nàng đi lấy chồng, Tâm bỏ nhà trốn đi. Cách đây một năm, sự tình cờ lại khiến cho nàng với người cũ gặp nhau cùng một sở; Tâm vẫn yêu cầu nàng bỏ chồng cũ để lấy chàng.

Liên nhiều khi sung sướng tưởng đến cái đời dễ chịu của nàng nếu lấy Tâm. Nhưng Liên vẫn chối. Chính nàng cũng không hiểu tại sao mà từ chối. Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời. Liên lờ mờ thấy rằng nàng không đủ can đảm làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên chung quanh nàng. Không phải vì nàng quyến luyến đứa con lên sáu: nàng không yêu nó vì nó cũng xấc láo như bố. Nhưng bỏ chồng bỏ con để lấy Tâm, để được sung sướng riêng lấy mình nàng. Liên cho như là một việc không bao giờ có thể làm được.

Sáng nay, vào đến sở, nàng thấy Tâm khác mọi ngày thường. Chàng gọi nàng ra một chỗ và ứa nước mắt nói:

- Liên ạ, mai tôi phải đổi đi Sài Gòn, mà đi chưa biết đến bao giờ mới được về. Liên nghĩ thế nào? Nếu Liên còn yêu tôi, xin Liên đi hẳn với tôi, chúng ta sẽ xa hẳn chỗ này. Tôi cam đoan làm cho đời Liên được sung sướng. Liên bằng lòng đi, Liên!

Nàng chỉ cúi mặt khóc. Khi thấy Tâm thất vọng quay đi, nàng đau đớn, uất ức, như đứt từng khúc ruột. Hình như từ đây có cái gì gẫy nát không phương vớt lại được trong cả đời nàng.

Bước chân vào nhà, tự nhiên Liên thấy lo sợ. Không khí trong nhà nặng nề như sắp có tai nạn gì xảy ra. Tích và bà mẹ đương ngồi bàn tán, thấy nàng về ngừng lại, mỗi người ra ngồi một chỗ, nhưng thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nàng. Liên lặng lẽ vào buồng xem con ngủ, rồi ngồi bên mâm cơm nguội để phần. Nàng và vội vàng mấy miếng cơm, cố nuốt cho xong bữa.

Bỗng nhiên bà mẹ chồng lại gần, giọng dịu dàng làm nàng ghê sợ:

- Này cô Liên, thế cô định theo cậu Tâm vào Sài Gòn thật đấy chứ?

Liên giật mình, hoảng hốt đáp:

- Thưa mẹ, ai bảo mẹ thế?

- Lại còn ai bảo nữa. Mà cần gì phải có ai bảo tôi mới biết. Thôi, cô có đi thì cứ thu xếp mà đi đi, đừng ở đấy nữa. Phải, cô thiết gì cái nhà này...

Liên thưa:

- Mẹ nói oan cho con, chứ con đâu dám thế.

Bà mẹ chồng lồng lộn lên, xỉa nói:

- Đừng già mồm nữa, con kia! Có người rõ ràng trông thấy mày đừng nói chuyện với nó buổi sáng nay, còn chối gì nữa, đồ khốn nạn! Này tao bảo thật: mày tưởng mày đi thoát được cái nhà này à?

Bà cụ đay nghiến và diếc móc nàng bằng những lời chua cay. Tích vẫn ngồi trên ghế, yên lặng không nói gì. Liên ứa nước mắt, đặt bát cơm ăn dở xuống chiếu, phàn nàn:

- Mẹ cứ đặt điều cho con mãi. Thật là ác, không cho người ta nuốt trôi miếng cơm nữa.

Nàng nghẹn ngào, buông đũa đứng dậy toan bước xuống dưới nhà. Nhưng có tiếng xô ghế, rồi một bàn tay nắm chặt lấy cổ nàng:

- Mày bảo mẹ tao ác à? Không ác để cho mày tự tiện đi theo trai phải không?

Bàn tay như sắt bóp chặt xoay nàng lại. Liên thấy giáp mặt mình, cái mặt ghê sợ của Tích, hai mắt đỏ ngầu. Cái giận dữ làm tiếng hắn run lên:

- Con đĩ!

Liên thoáng nghĩ đến nét mặt thanh tao của Tâm ban sáng. Nàng khinh bỉ nhìn chồng:

- Buông tôi ra!

Rồi nàng gục xuống dưới những cái đấm, đá nặng nề. Lòng ghen ghét làm Tích khỏe thêm lên. Hắn nghiến răng lại đánh túi bụi. Hắn thấy ghét nàng đến cực điểm. Không phải vì nàng không yêu, mà hắn căm tức. Nhưng nàng lại đi yêu một người khác, như đâm vào lòng tự ái của hắn. Sự ấy không bao giờ hắn tha thứ được.

*
* *

Khi Liên thấy tiếng nói, tỉnh lại, thì đã chiều. Mở mắt, nàng thấy đứa con đứng bên cạnh sợ hãi nhìn nàng. Liên vùng ngồi dậy, lo sợ, vì sực nhớ đã mất buổi làm. Nhưng khi cử động, nàng thấy khắp người đau đớn như dần, và cái quang cảnh buổi trưa lại hiện ra trong trí.

Một sự căm hờn nổi dậy trong lòng nàng; Liên nhớ ra ngày mai Tâm phải đổi Sài Gòn. Sao nàng lại không đi với Tâm được? Ai cấm? Mà tội gì nàng ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế này? Phải đi, đi để thoát nơi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời.

Nhưng đến ngày mai, những điều dự định của Liên tiêu tán cả. Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa, mang theo đi cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nhiêu nỗi đau khổ trỗi dậy ngập lòng. Nàng gục đầu vào chiếc cột sắt rồi òa lên khóc.

Ngày nọ nối tiếp ngày kia. Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở, đau đớn mọi ngày. Cái mộng cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ có thể về nàng được.
 

Tập truyện ngắn "Gió đầu mùa",
Nxb Đời nay, Hà Nội 1937.

[ Trở Về  ]