Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
 Nước chảy đôi dòng
Nhất Linh
Nước xuôi dòng, buồm thuận gió. Hai bên bờ sông hai dẫy đồi dài, sương buổi chiều đã lờ mờ phủ chân; trên ngọn đồi vài rặng thông như mấy vết mực nhạt... trời lạnh và trăng trong...

Sinh ngồi ở ngoài khoang thuyền, kéo cổ áo lên che cho khỏi lạnh, quay ra phía sông vơ vẩn nhìn cảnh nước trôi, trăng giãi. Chàng lặng yên để tâm trí phiêu lưu, không nghĩ gì, không vui, không buồn, có cái thú bình tĩnh vô tư.

Sinh lên chơi người quen ở Phả Lại, khi trở về, nhân có chiếc thuyền nâu cũng xuôi nên xuống thuyền, bao giờ đến nhà thì đến, vì chàng không vội gì. Mà Sinh cũng không bao giờ biết vội, chàng là con quan nhà giầu có, nên sống một cuộc đời nhàn nhã, cứ để năm, tháng đi qua hết ngày nọ đến ngày kia... đi qua như dòng nước chảy xuôi.

Sinh đương ngồi vơ vẩn, bỗng nghe trong khoang có tiếng người nói rất thanh tao. Sinh lấy làm lạ, vì lúc xuống thuyền chỉ có hai vợ chồng người lái đò đã già. Sinh quay lại thấy một người con gái trạc độ mười tám tuổi, mặc chiếc áo tứ thân vá vai đã cũ, chiếc khăn vuông đã bạc, tóc rủ xuống má bối rối, nhưng nét mặt xinh đẹp tuyệt trần, hai con mắt trong và sáng, trông thanh tao có vẻ con nhà khuê các. Sinh ngạc nhiên, giương mắt nhìn. Người con gái không để ý, không chút e lệ, ngây thơ nhìn Sinh, hơi mỉm cười, sẽ nói:

- Mời ông vào xơi nước.

Trên chiếc chiếu trắng Sinh thấy có để ấm nước và cái khay gỗ đựng mấy chiếc chén sứt miệng. Người con gái rót nước vào chén hơi lên nghi ngút, mời Sinh uống, rồi lại lui về khoang cuối thuyền vừa cầm lái, vừa đun bếp. Sinh cầm chén nước lên nhưng không uống, vẫn đăm đăm nhìn theo: dưới ánh lửa, hai mắt người con gái lại càng sáng, đôi má lại càng hồng.

Sinh ngẫm nghĩ:

- Quái, không lẽ hai vợ chồng lái đò cục kịch thế kia lại có người con gái thanh tao như vậy. Cái thân kia phủ tấm áo đã bạc rách, nghĩ kể đáng thương, đôi má kia nỡ nào để chịu gió sương mà hai tay kia tháng ngày dầm nước lạnh, mó cá tanh, sao cho xứng đáng.

Sinh đến gần chỗ đun nước, bảo người con gái:

- Trên thuyền có củi, cô cho mấy thanh củi to để tôi ra sưởi, đi thuyền không quen, chân tay tôi lạnh giá cả.

Người con gái rút ở dưới khoang thuyền mấy thanh củi, rồi nói:

- Thưa ông, ông chịu khó ngồi róm lửa lấy mà sưởi, cháu còn mắc cầm lái.

Sinh tò mò hỏi chuyện:

- Cô ngồi cả đêm thế không lạnh sao?

- Thưa ông, quen đi... vả lại cháu chỉ ngồi đến nửa đêm, thầy cháu đi ngủ sớm, nửa đêm lại ra thay.

Sinh nói đùa:

- Cô có lạnh vào mà sưởi, để tôi ra cầm lái cho.

- Ông cầm không quen, đâm vào bờ thì chết!

Cô nói xong cúi mặt, mỉm cười. Sinh giơ hai tay lên sưởi, nói:

- Thuyền này to mà sao đi ít người thế cô?

- Chuyến về, xuôi nước thuận gió, chúng cháu không phải lấy thêm người chở đò.

- Làm nghề này về mùa rét vất vả lắm nhỉ?

- Chúng cháu quen đi...

- Cô xuống làm dưới thuyền này được bao lâu?

Người con gái ngửng lên, hình như lấy làm lạ, cho câu hỏi là vẩn vơ nhưng cũng trả lời:

- Chúng cháu làm nghề này từ thủa bé, thầy u cháu đã già, tuy nghề vất vả nhưng vẫn phải làm, vì không làm thì không có cái ăn.

Sinh nhìn kỹ tay người con gái, thấy tay tuy nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng làm lụng nhiều vì đã sàm sạm đen, nhiều chỗ thành chai, tự nhiên đem lòng thương; từ sự thương một người con gái đẹp đến sự yêu tưởng không xa lắm. Sinh nhìn vào mắt người con gái hỏi vẩn vơ:

- Cô cả đời ở dưới thuyền chắc buồn lắm nhỉ?

Bấy giờ ngoài mặt sông bóng trăng rọi xuống như rắc hoa bạc trên làn sóng... còn ngoài xa thì sương đêm mơ mộng, mà trong cái cảnh như thực như hư ấy, Sinh tưởng chừng đương ngồi đối diện với một người tiên nữ trá hình làm người con gái chở đò...

- Cô vào đây ngồi sưởi cho khỏi lạnh, bây giờ đương ở giữa sông thì bẻ lái thẳng mặc cho thuyền nó đi.

Người con gái nghe lời, vào ngồi bên lửa giơ tay sưởi. Sinh để tay lên tay người con gái, nói:

- Tay cô lạnh giá cả, tội nghiệp quá!

Nhìn đến cô bé thì cô bé vẫn điềm nhiên như không, cho Sinh sờ tay mình là tự nhiên, cười nói một cách ngây ngô:

- Ngồi đây ấm quá nhỉ, nhưng ấm quá chốc nữa ra lại lạnh.

- ấy cứ ngồi bên tôi là ấm.

Người con gái lại cười một cách ngây thơ. Sinh âu yếm hỏi:

- Cô em năm nay bao nhiêu tuổi?

- Mười tám hay mười chín tuổi, tôi cũng chẳng nhớ.

- Thế cô em tên gọi là gì?

- Tên tôi là Duyên.

Sinh ngạc nhiên:

- Tên cô là Duyên à?

- Vâng tên tôi là Duyên, có gì mà ông lạ.

- Lạ vì tên tôi là Kim, tên hai người chắp lại thành Kim Duyên.

Người con gái như không hiểu, hỏi:

- Kim - Duyên có nghĩa thế nào?

- Là cô với tôi có duyên với nhau.

Cô bé cười... nhưng vẫn cái cười ngây thơ như trước.

Sinh nói mấy câu ngụ ý, người con gái đều không hiểu cả, chỉ trả lời bằng mấy câu mộc mạc, hay cười một cách ngây thơ. Sinh càng nhìn người con gái càng thấy xinh đẹp, cái vẻ đẹp lộng lẫy dẫu ai trông thấy cũng phải cảm, huống chi như Sinh ngồi đối diện tha hồ ngắm nghía, trên trời dưới nước, riêng mình với một tuyệt thế giai nhân.

Nhưng Sinh lấy làm chán nản vì không ngờ tấm linh hồn chất phác, mộc mạc ấy lại có thể ẩn dưới cái hình sắc đẹp đẽ đến như thế, khác nào chiếc áo nâu bạc rách bao phủ lấy tấm thân ngà ngọc, tuyệt mỹ kia.

Sinh ngồi sát vào người con gái, cô con gái không nói gì, vẫn một nét mặt thản nhiên, hai con mắt xinh đẹp vẫn một kẻ vô tình. Sinh nắm lấy tay người con gái, nhìn thẳng vào mặt, âu yếm hỏi:

- Cô Duyên...

Cô bé, khẽ kéo tay ra, gọi to:

- Thầy ơi sắp đến đống Mía rồi, thầy ra mà kéo dây.

Sinh đứng dậy lui vào trong khoang, vờ cầm chén nước uống - nhưng mãi cũng không thấy ông cụ lái đò ra. Sinh biết người con gái lúc nguy cấp vờ gọi cha cầu cứu, lại toan đến gần chỗ người con gái ngồi, nhưng chép miệng, nói một mình:

- Vô ích! Ra làm gì? ích lợi gì? 

Một người con gái xinh đẹp đến thế mà ta không thể nào yêu được, mà người đó cũng không thể nào yêu ta, không biết yêu là cái gì! Còn làm xiêu lòng người để mua vui một lúc thì không nỡ... Thôi chỉ thế này thôi, chỉ thế thôi để gọi là giữ cái kỷ niệm một đêm đông trên thuyền cùng người con gái đẹp. Rồi sau đây... cuộc đời mỗi người đi về một ngả...

Sinh giở chăn đắp, ngủ một giấc, tờ mờ sáng hôm sau mới dậy. Lúc bấy giờ thuyền vừa đến làng Sinh. Sinh từ giã hai vợ chồng lái đò và người con gái lên bờ. Người con gái còn đứng trên mũi thuyền trông theo, gió trên sông đưa mấy tà áo nâu bạc phất phơ... Sinh lát lát quay cổ trông với lại để thu vào trong trí nhớ cái hình ảnh của một người con gái đẹp chắc không bao giờ Sinh lại còn thấy một lần nữa.

*
* *

Nhưng một sự tình cờ lại làm cho Sinh gặp người con gái ấy một lần thứ hai... Từ lần gặp gỡ trước đến bây giờ đã mười năm.

Trong mười năm ấy Sinh đã lấy vợ đã có con, cuộc đời vẫn đi như dòng nước chẩy.

Sinh một hôm, bận chút việc phải đi đò liền gọi một chiếc thuyền đánh cá thuê chở. Một người đàn bà, bế con ở trong khoang thò đầu ra hỏi:

- Ông muốn thuê thuyền...

Sinh nhìn kỹ người đàn bà, sửng sốt buột miệng nói:

- Cô Duyên!

Người đàn bà cũng ngạc nhiên:

- Ông biết tên tôi?

- Cô không nhớ sao... Cô không nhớ người đi đò từ Phả Lại mười năm về trước...

Sinh nhìn người đàn bà thì người ấy vẻ mặt ngẩn ngơ như không hiểu, không nhớ ra. Mà Sinh thì không thể lầm được.

Người đàn bà không để ý đến Sinh, quay mặt vào trong khoang nói:

- Thầy cháu ra có ông khách hỏi thuê thuyền.

Người chồng đi ra, đầu quấn chiếc khăn nâu, mình mặc áo cộc nâu, quần buông lá tọa, vẻ mặt xấu xí, nói:

- Mời ông xuống, chúng cháu chở...

Sinh xuống ngồi ở mũi thuyền, nhưng vẫn đăm đăm nhìn người đàn bà; mười năm đã qua, mà trông vẫn phảng phất như người con gái năm xưa. Tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn một vẻ đẹp lộng lẫy, tươi tắn như khi còn là con gái. Sinh nhìn người đàn bà, nhìn đến người chồng, đến đứa con trong lòng mẹ, nghĩ đến cái mơ mộng của mình mười năm trước thở dài, lẩm bẩm:

- Cuộc đời! Cuộc đời người ta như thế đấy! Mà chỉ có thế! Ta tưởng người con gái đẹp thì không thể nào sống trong cảnh nghèo hèn được, ta ái ngại, ta thương... Nhưng người con gái đẹp mà ta thương này không biết mình là khổ, không bao giờ nghĩ đến xem mình có khổ không, vô tình thản nhiên sống theo cảnh đời họ... như dòng nước sông kia chảy trong lòng sông.

Sinh bùi ngùi, cúi mặt ngắm dòng nước, ngắm mấy cái rác, tan tác mỗi cái trôi về một phía... khác nào hình ảnh cuộc đời của Sinh với cuộc đời của người con gái chở đò, mỗi bên đi về một ngả, không bao giờ gặp nhau.

Người đàn bà không để ý đến Sinh, vẻ mặt thản nhiên như không biết mình vui hay khổ, không biết mình là xinh đẹp, như không bao giờ nghĩ đến rằng người đẹp như mình có xứng đáng với cái cảnh đời ấy không... vô tình khẽ cất tiếng hát ru con:

...Nước chảy đôi dòng...
...Con sông Thương... nước chảy đôi dòng...
Ngày 22 tháng 12 năm 1932
Rút từ tập truyện ngắn Anh phải sống,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1934

[ Trở Về  ]