Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
Ngậm cười
Nguyễn Công Hoan
Làng tôi bây giờ sở dĩ được yên ổn, là nhờ lòng can đảm, nghĩa hiệp của anh cu Bản, đã liều mình khám phá ra cái tổ trộm cướp ở cánh rừng Thông.

Sáu tháng về trước, luôn một dạo, những lúc đêm khuya, tĩnh mịch, không có trăng, ít người dám đưa mắt ra ngoài sân tối mịt. Nghe ngọn gió rít qua khe liếp cũng đủ trợn! Hễ có tiếng chó rồ lên sủa khan ở xóm bờ sông, là ngay từ đứa bé lên hai cũng biết giật mình. Nó khóc thét lên, ôm chầm lấy mẹ... Mẹ nó vỗ, xoa, ru khe khẽ để lắng tai nghe. Rồi nếu một hồi tù và dậy lên, thì ông già vặn to ngọn đèn hoa kỳ, ngồi nhổm dậy, húng hắng ho, hoặc hút thuốc lào, cho đỡ vẻ lặng lẽ.

Nhưng bỗng vẳng nghe ở đâu kêu cướp, rồi trống đánh liên thanh, tiếng khóc như ri, tù và rúc, chó sủa lạc tiếng, liền liền nhau từ làng này đến làng khác, dài hàng mấy cây số, thì người cứng bóng vía đến đâu cũng phải lạnh run lên, đánh thức cả nhau dậy, ngồi đến suốt sáng.

Mười tối thì đến bốn năm tối kinh khủng như thế. Mà bọn cướp rất tài, ban ngày chúng khéo lẩn lút trong cánh rừng Thông. Các nhà chuyên trách mấy lần cho lính vào sục cũng không bắt được.

*
* *

Lúc ấy, vào khoảng bốn giờ chiều. Chị cu Bản đương ngồi nhặt rau trong bếp, thì chồng về. Nét mặt hăm hở, anh nói:

- Này u nó, quan đã cắt tôi rồi.

Chị ngơ ngác:

- Cắt gì?

- Cắt đi bắt tổ cướp rừng Thông?

Xám ngắt mặt, chị gắt:

- Quan bắt thầy nó vào chỗ chết mà cũng nghe à?

Anh cu vênh mặt, kiêu căng, đáp:

- Chỉ nói dại! Việc gì mà chết. Chính tôi tình nguyện với quan để xin đi!

Chị cu oà lên khóc:

- Thầy nó nỡ bỏ mẹ con tôi chết đói hay sao? Khổ quá! Tôi biết trông cậy vào ai được? Thầy nó đừng đi!

Ba đứa bé, ngơ ngác nhìn cha mẹ, cũng oà lên khóc.

Anh cu cảm động, an ủi vợ:

- U nó cứ yên lòng. Thế nào sáng mai tôi cũng về. Nếu tôi không ra tay, rồi quân cướp cứ nhũng nhiễu mãi, vùng này còn ai làm ăn gì được!

- Đành vậy, nhưng lỡ ra...

- Thì cũng đành chứ sao? Tôi làm việc ích cho mọi người mà u nó cũng cứ ngăn cản.

- Làm ích cho nhà giàu, chứ những hạng như mình thì lo gì bị cướp? Tôi chỉ sợ lỡ ra, thì một nách ba con mọn, tôi biết làm thế nào?

- U mày đừng dở hơi! Việc gì mà lo xa như thế? Tôi sẽ được thưởng. Quan hứa rồi. Nếu thành công, ta không phải vất vả như thế này nữa.

- Thôi, tôi van thầy nó đừng dại dột. Tôi không để cho thầy nó đi đâu.

Anh cu quắc mắt, nói:

- Việc quan nào phải việc trẻ con! U nó không được nói thế.

Chị cu lại oà lên khóc, túm chặt lấy áo chồng. Anh cu giằng ra, mắng:

- U nó không được giữ. Quan và lính chờ tôi ngoài đình kia. Để tôi đi, kẻo chậm.

- Không! Không đi! Thầy nó hãy ăn cơm đã, vội gì.

- Không cần. Đã có cơm của quan. Tôi phải đi ngay bây giờ mới kịp.

Nói đoạn anh cu nhất định dứt áo ra đi. Anh ôm ba con vào lòng, xoa đầu, dặn dò mấy câu, rồi ra cổng. Chị cu bế con, khóc lóc theo chồng. Nhưng vẫn thản nhiên, anh cu coi nhẹ nghĩa vợ chồng, tình cha con. Đến đầu làng, anh rỉ tai nói với khán thủ kéo chị cu trở lại.

*
* *

Sự thành công của anh cu Bản đã làm cho vợ anh goá chồng! Đêm hôm đó, nhờ anh can đảm, quân cướp lũ lượt bị giải lên huyện. Nhưng anh cu Bản bị bỏ mạng. Thương thay!

Từ bấy giờ, trên đầu chị một tấm khăn tang, kẽ nách chị ba mụn con mọn. Đoạn trường lắm lúc nghĩ mà buồn tênh...

Cả làng ai cũng ái ngại cho chị cu Bản và ngậm ngùi thương hại con người trọng nghĩa mà khinh thân.

Bọn nhà giàu được ăn no ngủ yên. Họ mổ gà mổ chó ăn mừng. Họ khen quan huyện tốt với dân, biết hy sinh một người để cứu nhiều người. Họ xui chị cu Bản bế cả ba đứa con lên kêu quan phụ mẫu thương đến tình cảnh nheo nhóc của chị mà cho một món tiền bồi thường.

Quan huyện rất tử tế. Ngài nói:

- Nhà chị không phải kêu, bổn phận ta là phải bẩm lên quan trên xét đến người có công. Cứ về mà chờ đợi ít lâu. Rồi chị sẽ không phải phàn nàn về sự ân thưởng đích đáng của chồng chị.

*
* *

Ôm tấm mong mỏi, chị Cu Bản vui vẻ về nhà, kể chuyện cho mọi người nghe. Ai cũng có bụng mừng thay cho chị.

Thường khi làm ăn vất vả, được bữa nay, lo bữa mai, chị lại nhớ thương chồng. Nhưng chị lấy ngay cái hy vọng ra để tự an ủi. Nếu được thưởng, chị dùng món tiền để sinh lợi, thì chắc được đủ ăn suốt đời.

Năm hôm, mười hôm. Cái trò mong vẫn hay thấy lâu. Chứ chị biết đâu lá đơn của chị còn phải qua tòa này sở nọ, có khi nó đi chậm và hay nghỉ như ông cụ già.

Rồi nửa tháng, lại một tháng. Chị cu Bản càng ngày càng quẫn bách. Cơm chẳng đủ nuôi con. Nhà dột, không ai giọi hộ. Sân rêu, cỏ mọc, chị chẳng có lúc nào sửa sang. Mấy đứa bé bêu rếch. Nhưng biết làm thế nào? Nếu chị ở nhà trông nom chúng, thì ai đi làm lụng kiếm miếng cho mà ăn? Giá chúng lớn, độ lên bảy lên tám cả, thì chị đã cho một đứa đi ở, để đỡ phải nuôi. Khốn nhưng thằng lớn mới lên năm tuổi.

Rồi nữa, một tháng, hai tháng. Người ta thấy chị cu Bản rách rưới. Không ai không phàn nàn cho chị. Mặt mũi chị hốc hác, đen đủi, xấu xa. Người ta hỏi thăm, chị đều trả lời:

- Nay mai, tôi sẽ có món tiền thưởng.

Thưởng. Cái đó không thể không có. Chắc lắm rồi. Quan đã hứa thế. Nhưng hôm nay chị chưa có gì cả. Chị nóng ruột. Khổ. Nhưng, nhất định chị chờ cái tương lai.

ở ngoài, họ đồn chán lên đấy. Có người mong chị được thưởng một nghìn bạc. Có người đoán chị được lương ăn suốt đời. Có người ở xa, lại nói dựng đứng ngay rằng đã gặp chị lên tỉnh lĩnh hai nghìn ở kho Bạc.

Nhưng sự thực chửa có thế. Sự thực thì chị cu Bản vẫn tự an ủi bằng cái hy vọng những khi đầu tắt mặt tối, và khóc thầm những lúc nhà vắng đêm khuya. Chị nhớ lại hôm chồng hăm hở đưa quan lính vào chỗ tổ cướp. Chị nhớ lại lúc trông thấy xác chồng nằm co ro trên vũng máu để tự nhiên chị thành góa bụa, với ba mụn cơn thơ. Chị đau đớn. Nhưng chợt chị nghĩ đến lời quan huyện hứa, quả quyết sẽ được bồi thường về công của chồng chị. Trời ơi, bao giờ nhỉ? Bao giờ cái đói, cái rách, cái khốn quẫn nó tha cho chị mà đừng dọa nạt chị nhỉ? Bỗng chị nhìn lên vách. Thấy bóng chiếc khăn ngang, chị cảm động, thút thít khóc.

*
* *

Một hôm, chị cu Bản hăm hở chạy sang nhà tôi. Tôi không thấy tay chị cầm chiếc rá. Mặt chị cũng không nhăn nhó như mọi khi. Chị giơ tờ giấy có dấu son đỏ loè, nhờ tôi xem hộ, và hỏi:

- Ông lý đưa tôi tờ sức, nói rằng quan bảo tôi đi lĩnh thưởng phải không?

Tôi mừng thầm cho chị. Chị lại hỏi:

- Có phải không? Bao nhiêu, hở cậu?

Xem xong, tôi nhìn chị, rồi khẽ đáp:

- Phải, thưởng, anh ấy được truy tặng cửu phẩm bá hộ, chị ạ.

- Chứ không phải tiền à?

- Không!

Bỗng chị cu Bản xám mặt lại. Chị run bắn lên, rồi mếu máo khóc. Chị giật lấy tờ giấy, chạy ù ra cổng, quên đứt rằng đáng lẽ chị phải vui vẻ cho chồng chị ở chín suối được ngậm cười.

Tiểu thuyết thứ bảy số 188; 1938.

[ Trở Về  ]