Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
__________________________________________________________________________________
Thằng điên
Nguyễn Công Hoan
Trời nắng, cái nắng mới, làm cho người ta khó chịu, dễ sinh giận dữ, gắt gỏng với cả mọi người.Trên con đường nhựa Hải Phòng - Hà Nội, đen như con rắn nằm nhoài không cựa quậy, anh đĩ Mùi đi chợ về, quẩy một gánh nặng những khoai lang. Đi đã năm cây số, nên mồ hôi anh nhễ nhại, ướt cả áo, lấm tấm trên trán, trên mũi, và trên cằm...
Anh đang rảo cẳng bước cho chóng hết nốt hai cây số nữa, thì trông thấy ở cạnh đường, một cái ôtô hòm liệt máy, đứng đó. Nhân có bóng cây mát, anh nghỉ chân, hạ gánh khoai xuống, ngồi ở vệ đường. Anh phanh áo ngực, rồi lấy nón, vừa quạt, vừa nhìn cái xe chết.
Đằng mũi xe, một ông độ bốn mươi tuổi, mặt mũi phương phi, áo khăn chững chạc, đương loay hoay, chữa hết máy này, sang máy khác, mồ hôi chảy ra ròng ròng. Trong xe, một người đàn bà, cũng trạc tuổi ấy, ăn mặc cũng sang trọng, thỉnh thoảng lại thò đầu ra hỏi:
- Thế nào, xe có chạy được không?
- Chẳng ăn thua gì.
Một chốc, người đàn ông trèo lên xe, vẫy anh đĩ lại gần, và nói:
- Này bác, tôi nhờ bác đẩy hộ đi mấy bước.
Vốn quen tính giúp đỡ, anh đĩ chẳng quản công. Anh bèn ì ạch dun xe đi được vài bước. Nhưng người ngồi trên xe thất vọng, nói:
- Thôi, cảm ơn bác.
Rồi quay lại nói với người đàn bà:
- Thôi đành chịu. Hết cách rồi.
Anh đĩ nhìn hai vợ chồng người này - vì anh chắc là hai vợ chồng - thấy có ý lo lắng, thì anh cũng ái ngại thay. Đã được dịp làm quen, anh mới dám tò mò bóp cái lốp xe, sờ vào mặt kính, mó các máy móc, rồi ngó vào trong xe. Anh thấy hai cái va ly to lắm.
Người vợ nói:
- Làm thế nào về cho kịp được?
Người chồng băn khoăn, móc túi xem đồng hồ, trả lời:
- Phiền quá! Mười hai giờ rồi. Đành phải đi bộ đến ga cho kịp xe lửa. Nếu may mà gặp xe hàng thì lên vậy.
- Nhưng ai coi xe cho?
- Bà ở lại, tôi về một mình, kẻo lỡ việc.
- Nhưng hai va ly nặng lắm, mang thế nào nổi?
Hai vợ chồng nhìn hai cái va ly, rồi cùng quay ra phía anh đĩ Mùi, như trong óc cùng nảy ra một ý nghĩ giống nhau vậy.
Rồi người vợ vẫy người chồng lại gần, ghé tai nói thầm như bàn nhau một việc gì. Đoạn người chồng gọi anh đĩ:
- Này bác, bác có thể gánh thuê cho tôi hai cái va ly này đến ga được không?
Anh đĩ nhìn hai cái va ly, rồi nhìn hai thúng khoai lang. Anh gãi gáy, ra ý nghĩ ngợi, rồi bảo:
- Có nặng không, thưa ông?
- Hơi nặng. Nhưng gánh thì cũng cân.
Anh đĩ nhấc thử lên xem, thấy cũng vừa sức. Anh gật đầu:
- Được, ông để nhà cháu gánh giúp.
Anh đĩ đặt hai chiếc va ly lên hai thúng, rồi ghé vai vào, gánh đi. Người đàn ông theo sau. Còn người đàn bà thì ở lại.
Gánh nặng. Trời nắng. Anh đĩ mệt thở hơi tai. Người đàn ông đi trước, vừa nực, vừa nhọc, vì từ thuở bé, chưa từng bị khổ như thế này bao giờ. Nhưng thấy anh nhà quê rụt cổ, nhăn mặt vì gánh nặng, nên ông ta cũng ái ngại:
- Có nặng không, bác?
- Bẩm ông, nặng ạ. Ông đi đâu?
- Tôi đi lên tỉnh.
- Thưa thế ông ở đâu ta?
- Tôi ở ngay tỉnh.
- Thế thì thích lắm nhỉ. Tỉnh có nhiều phố vui lắm. Ngày trước, cháu đã được lên tỉnh một lần.
Anh đĩ thấy ông ấy nói chuyện dễ dãi, nên vì cũng muốn quên gánh nặng, đường xa, trời nóng, mới hỏi thêm:
- Ngoài tỉnh chắc bây giờ vui vẻ hơn trước, ông nhỉ?
- Phải, hôm nào bác rỗi, lên tỉnh mà chơi.
- Cháu chẳng quen ai, mà cũng chẳng có việc gì mà lên. Đi một mình, nhỡ lạc chết.
Thấy bác nhà quê thực thà, ông kia chẳng hẹp gì mà không tỏ hết cái tử tế với người giúp mình, bèn nói:
- Được, khi nào lên tỉnh, bác cứ lại nhà tôi chơi. Nhà bác ở đâu?
- Nhà cháu ở gần ga, cách một cây số. Qua làng cháu rồi mới đến ga.
- Vậy ra bác phải đi thêm cho tôi một thôi đường nữa à?
- Vâng, nhưng chẳng ngại. Cháu làm ăn vất vả quen đi rồi.
- Thôi được, tôi sẽ đãi bác hai hào cho bõ công.
- Ông đừng cho, cháu không lấy đâu. Nhân thể chuyến gánh, thì cháu giúp ông, chứ công sá gì.
- Bác không lấy, tôi không bằng lòng. Bác cầm về mua quà cho cháu.
- Không. Người ta ăn ở với nhau, cốt giúp nhau lấy tình, chứ tiền mà làm gì?
Người ấy thấy anh đĩ nói với mình một cách nghĩa hiệp, thì ngợi khen mãi. Từ lúc ấy, hai người nói chuyện thân mật như bạn. Khi tới ga, ông ta cứ lấy ra hai hào đưa anh đĩ. Anh đĩ cười, lắc đầu:
- Ông đừng làm thế. Hai hào chứ hai đồng cháu cũng không lấy đâu.
Ông ta lại nằn nì:
- Bác cứ cầm cho tôi bằng lòng. Tôi biết là công bác to hơn thế này kia.
- Không mà, cháu đã nói là ăn ở với nhau cốt lấy tình, chứ tiền mà làm gì.
Khi xe lửa đến, ông ta nắm tay anh đĩ, và nói:
- Bác thực có bụng tốt ít có. Bác là một người đáng quí, không bao giờ tôi quên. Khi nào bác lên tỉnh, nhớ lại nhà tôi chơi. Tôi sẽ đưa đi xem phố. Nhà tôi ở phố Bờ Sông, số 36. Nhớ nhé. Thôi, chào bác, cảm ơn bác.
- Vâng, không dám. Chào ông ạ.
*
* *Một câu mời dơi. Một câu hứa vượn. Ai ngờ đến cuối năm ấy, anh đĩ Mùi có tiền, lên tỉnh sắm tết.
Mua các khoản xong, anh mới đi xem các phố xá. Anh nhớ người khách qua đường, nhớ gánh va ly mấy tháng trước, cũng muốn tìm xem nhà người ấy ở đâu. Nhưng nào anh có nhớ phố và số nhà để hỏi thăm đến.
Đi hết phố này sang phố khác, nhà nào anh cũng ngắm, cũng nhận kỹ lắm. Vì không mấy khi lên tỉnh, lại được rảnh rang, nên anh chẳng chịu lỡ dịp mà chẳng đi cho khắp. Anh dừng chân trước hiệu cân gạo. Anh dừng chân trước xưởng ôtô. Anh xem cái cột đong dầu ét xăng, chiếc vàng, chiếc đỏ. Rồi anh đến phố Bờ Sông. Anh thấy một nhà có hàng rào sắt. Nhân có bóng cây, anh đứng nghỉ.
Anh đưa mắt vào trong nhà để nhìn. Người đi lên đi xuống tấp nập, người nào người nấy ăn mặc rất lịch sự.
Anh ngắm nghía các câu đối, hoành phi, sơn son thếp vàng. Anh nhìn các bồn cây, lá hoa bay tơi tả.
Bỗng anh thấy ở trong nhà có tiếng gắt toang toang, mà đầy tớ thì chạy cuống quít. Rồi có một người đứng ở hè, nét mặt hầm hầm. Anh thoạt trông người ấy, lấy làm ngờ ngợ. Nhìn kỹ, thì té ra chính là cái ông hỏng ôtô độ trước.
Vậy thì anh đĩ Mùi quen ông ấy rồi. Anh nghĩ lại cái việc anh đã giúp ông ấy, những câu ông ấy nói chuyện rất tử tế, dễ dãi, cùng những lời ông ấy khen anh và mời anh. Nay anh đã tìm thấy nhà ông ấy, không lẽ anh lại không vào một tý hay sao. Vì mấy khi anh đã lên đến tỉnh?
Anh đĩ đứng hẳn ở giữa cổng để nhìn vào cho cẩn thận. Anh sợ trông lầm chăng. Anh ở nhà quê quen, trông người trên tỉnh, thường thấy người nào cũng sang trọng giống người nào.
Anh thấy ông kia cũng nhìn anh một lúc. Nhưng quái, sao không thấy ông ấy gọi? Hay là hôm nay anh đội khăn và mặc áo dài, nên trông khác, mà ông ta chưa nhận ra chăng?
Anh bèn giơ tay ra vẫy, và gọi:
- Ông ơi!
Lạ quá, anh thấy ông ấy quay trở vào. Và tiếng gắt mắng lại to hơn ban nãy. Rồi bỗng có người đầy tớ ở trong chạy ra, hất hàm hỏi anh:
- Đi đâu? Vào đây làm gì?
- Tôi quen ông kia. Tôi vào chơi.
- Ai chơi với mày? Thằng điên!
- Tôi không điên đâu. Tôi quen thật đấy.
- Đừng láo! Liệu không tao báo đội sếp đưa vào nhà thương. Cút đi!
- Anh hỏi lại ông ấy mà xem. Tôi không điên đâu. Tôi quen ông ấy. Ông ấy mời tôi đến chơi thật đấy mà.
- Mày đừng giở thói điên ra đây. Cút đi!
Người đầy tớ vừa nói, vừa dắt tay anh đĩ, lôi ra cổng.
- Mày là thằng điên. Chỗ này không phải là chỗ mày đến nói láo. Ông ấy bảo tao đuổi mày đi, vì mày điên, nghe chưa!
- Tôi quen thật. Ông ấy nhờ tôi gánh va ly lên ga đấy, cái ngày ông ấy hỏng ôtô ấy mà.
Người đầy tớ nhìn qua nét mặt anh đĩ, rồi hỏi:
- Anh nói thực?
- Tôi nói dối làm gì? Ông ấy không mời, sao tự nhiên tôi dám đến. Tôi không điên đâu. Ông ấy tử tế lắm.
Người đầy tớ lại nhìn anh đĩ một lượt nữa, thấy bộ mặt anh quá thực thà, thì thương hại, nên mỉm cười, vỗ vai anh, và ôn tồn giảng:
- ồ! Thế thì anh chẳng điên là gì? Lúc người ta hỏng ô tô khác, lúc người ta ở nhà tiếp khách khác. Chứ anh tưởng người ta lúc nào cũng như lúc nào à? Thôi, anh về đi là khôn...
PTBNS số 48; 1-12-1939
[ Trở Về ]