Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
__________________________________________________________________________________
thế là mợ nó đi tây
Nguyễn Công Hoan
A bord du Chantilly, le 10 Décembre 1927
Cậu. Trời ơi, thực là tôi để lụy đến cậu! Nếu biết trước rằng cảnh ly biệt nó xé tan nát gan ruột tôi như thế này, thà cứ chịu ở nhà dạy học, đỡ cậu mỗi tháng ba bốn chục bạc lương, thì được gần gụi gia đình, sớm tối vui thú với cậu, với con, việc gì đòi xuất dương du học, đến nỗi bây giờ vất vả một mình, thân gái dặm trường, khóc thầm với bóng!Từ lúc con tàu chạy xa, nhìn vào bờ, chỗ cậu đứng bế con, chỉ thấy cái mùi soa bay phấp phới mà thôi, thì tôi bồi hồi tấc dạ, giọt lệ khôn cầm, tâm sự ấy bút nào tả xiết! Chỉ tiếc ngày thường không chịu nghiên cứu văn chương An Nam, để lúc ấy tôi làm một bài thơ kỷ niệm sự biệt ly!
Vào đến buồng, nằm lả trên giường, tôi không buồn dậy nữa. Đã toan lấy bút ghi chép mấy câu vào quyển sổ tay, nhưng thảm quá, nước mắt đã tràn trụa, không nghĩ ra câu nào mà viết! Cậu ơi! Cậu có làm thế nào cho tôi đỡ nhớ không?
Nhưng nay biết làm thế nào bây giờ? Con tầu ác nghiệt nó cứ mỗi lúc một làm cho mình xa nơi xứ sở thân thích, rồi nó lại che kín bằng bức màn sương. Nghĩ lại lúc mới cạo răng, mặc bộ quần áo đầm, lúc mới bước chân xuống tàu, trong bụng hăm hở thế nào, thì bây giờ nhớ đến cái tình vợ chồng, cái tình mẹ con, tối tối được xum họp cùng nhau dưới ngọn đèn, thì ruột tôi lại cũng đau như cắt thế!
Nhưng đã trót đi thì cứ dấn, tôi không nản chí đâu, cậu ạ! ở Hà Nội, thì chín khoa đã trượt cả, thì sang Tây phen này, ba năm ắt giật được mảnh bằng tú tài. Cậu sẽ chẳng xấu hổ mất tiền cho vợ du học đến nỗi tay trắng về không. Tôi buồn thực. Nhưng buồn bao nhiêu, tôi nhớ cậu bấy nhiêu. Tôi nhớ cậu bao nhiêu, tôi lại càng không dám phụ công cậu nuôi cho ăn học.
Thằng chó con, trông ảnh nó, tôi nhớ nó quá! Nó có hỏi tôi luôn không? Nó có biết rằng mợ nó đi Tây không? Mấy hôm nay, nó có hay quấy không? Cậu nhớ cho nó chủng đậu đi nhé. Mẹ tôi ở nhà có buồn không? Nếu cậu thương nhớ tôi, thì nhờ cậu thay tôi, thỉnh thoảng đi lại khuyên giải mẹ tôi cho khuây khỏa. Viết đến đây, nghĩ đến mẹ già, tôi lại tủi. Chẳng may nhà nghèo, đến nỗi bao nhiêu phí tổn đi Tây học, tôi để phần cậu chịu cả! Tôi thương cậu quá. Thực là một người chịu khó nhọc một mình để kiếm lương nuôi vợ đi du học như cậu, ít có lắm.
Nhưng cậu cũng nên thương tôi mà đừng chơi bời gì cả. Lúc nào cậu cũng nên nghĩ đến tôi, thui thủi quê người, vì thương cậu mà đêm ngày cố công đèn sách. Tôi nói thế, chứ chắc chả đời nào cậu lại phụ lòng yêu của tôi nhỉ! Quái, sao hôm nay tôi thấy lao đao thế này, hay là say sóng rồi đây?
à quên, cái hộp phấn của tôi dùng dở để ở bàn, cậu cho mang lại đằng chị Diệp hộ, vì chị ấy xin, mà tôi quên đi mất.
Xin chúc cậu và con mạnh khỏe luôn.
Tạ Tuyết Anh* A bord du Chantilly, le 1er Janvier 1928Cậu,Những thư trước tôi gửi về, chắc cậu tiếp được cả rồi. Lá thư thứ nhất và thứ ba, có lẽ cậu xem lấy làm buồn lắm thì phải. Sự đó tôi cũng biết lỗi, đáng lẽ người đi phải yên ủi kẻ ở bằng những câu vui vẻ, chứ tôi lại kể nỗi lòng thương nhớ chồng con, cho cậu phải phiền, thật bây giờ tôi lấy làm hối hận quá.
Gần tới Marseille rồi, cậu ạ. Từ khi con tàu qua kênh Suez, vào địa phận bể Méditerranée tới nay, tôi thấy phấn chấn trong lòng lắm. Trời tây bảng lảng bóng vàng, cái không khí êm đềm, nhẹ nhõm, làm cho tôi được thấy như khỏe mạnh hơn. Nhất là từ khi tôi được quen mấy bà người Pháp cùng đi một chuyến, thì những lúc nhớ nhà, nói chuyện cũng được khuây buồn. Cho nên càng khuây buồn bao nhiêu, tôi càng nhớ đến cậu bấy nhiêu. Chỉ thương cho cậu lúc này, có lẽ đang nằm thừ trên giường mà nghĩ đến vợ, lênh đênh giữa bể, không biết có bình yên mạnh khỏe không. Nhưng cậu nên yên tâm nhé. Vợ cậu buồn thì vợ cậu được thở than với bạn được viết thư nói chuyện với cậu, chứ những lúc cậu nhớ vợ cậu thì cậu than thở cùng ai? Cậu chỉ ngậm mối sầu trong bụng mà không viết được ra thư, vì thư của cậu dù có gửi ngay, tôi cũng chưa tiếp được! Sự đau lòng mà không tỏ ra được mới thật là nên thương!
Quái tôi lại nói chuyện buồn rồi! Thế nào? Hôm lễ Noel vừa rồi, cậu có mua cho con thức gì cho nó chơi hay không? Hôm nay cậu có đi chào Tết hay không? Chào những ai? ở dưới tàu, sáng ngày, hành khách cũng tụ họp để chúc nhau, vui đáo để. Mẹ tôi vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? Cậu đã khỏi thực đau mắt chưa? Hỏi thế khí lẩm cẩm, ngót một tháng rồi, còn gì mà chưa khỏi nhỉ!
Thôi, hôm nào tới Marseille, tôi sẽ đánh dây thép báo cậu biết.
Vợ yêu cậu
Tuyết Anh* Aix-en-Provence, le 7 Janvier 1928Cậu,Ban nãy tới Marseille, tôi đã đánh dây thép về cho cậu biết rồi. Chắc cậu đã tiếp được hơn một tháng nay, mà biết đâu, trong khi cái thư này vượt biển về Hải Phòng, nó không gặp cái thư của cậu gửi cho tôi sang Pháp. Thế mà chúng nó không bắt tay nhau, tệ nhỉ!
Tôi tới Aix mới được hơn một giờ đồng hồ! Tuy trong người vẫn còn lao đao như khi ở dưới tàu, nhưng không thể nào ngồi yên mà không thảo vài câu để nói chuyện với cậu biết được.
Ông bà Madron ra tận Marseille đón, cậu ạ. Ông bà ấy vẫn vui vẻ như xưa, duy ông ấy thì trông khác trước vì bây giờ cạo trụi cả râu đi rồi. Ông bà ấy nhận ra tôi chứ giá để kệ, có lẽ tôi không biết ông ấy nữa. Bà ấy có hơi già hơn trước, và nói rằng từ ngày về Pháp, thì sự làm ăn có vất vả hơn ở Hà Nội ta. Thằng Robert nó còn nhớ tôi! Bây giờ nó lớn lắm, bằng con người ta lên mười ấy! Ông bà Madron được mấy chai nước mắm của tôi biếu thì mừng rơn, nói rằng từ ngày về Tây, chỉ nhớ nhất là thứ đồ ăn đặc biệt ấy. Ông bà ấy quý lắm, đem cất kỹ vào trong tủ.
à quên, từ Marseille đến Aix, chỉ có 29 km thôi, chứ có phải 39 km đâu mà trước cậu cứ cãi mãi. Tôi đi xe điện chứ không đi xe lửa, chỉ độ ngót một giờ thì tới. Hai bên đường phong cảnh đẹp lắm, nhưng vì tôi mệt, nên chưa quan sát kỹ, để một thư sau, tôi sẽ tả rõ.
Mai tôi nhờ ông Madron giới thiệu hộ với giáo sư Bourguignon độ đến tháng Octobre này thì có thể thi vào lớp 1ère ở Lycée Mignet được.
Kính chúc cậu và thằng chó mạnh khỏe,
Je t'embrasse
Tuyết Anh* Aix, le 12 Janvier 1928Cậu,Từ nay, cậu viết thư cho tôi, thì cứ đề về No 2 phố Eméric David là nhà tôi thuê.
Tôi sở dĩ phải thuê nhà, là vì ở đằng ông bà Madron chật quá, không có chỗ tĩnh để học, mà chính bà Madron giữ ý, không muốn để tôi ở đằng ấy. Nhưng thế là tiện lắm. Nhà thuê mất 200 f một tháng. Rẻ đấy, vì chủ nhà là người bà con với ông Madron. Chỗ ở xinh lắm, lại được gần nhà hội quán của tụi học sinh An Nam, số nhà 25. Từ nhà tôi đến nhà ông Bourguignon cũng gần. Ông Bourguignon ở đầu phố, giáp ngay Cours Mirabeau. Mỗi khi tới đây, thấy xe điện chạy về phía Marseille, thì tôi lại nhớ nhà lắm. Nhất là ở trước cửa nhà trọ, có một cái cây sao mà giống cái cây trước cửa nhà ta thế! Cũng có cái cành cụt, trước cậu vẫn bảo như cái nắm tay giơ ra để ục nhau ấy mà!
à, gớm chiều hôm nay, ở Café Leaydet, gần phố tôi ở, có một chuyện xảy ra ghê cả người. Có hai người học sinh ta họ cãi nhau về nghĩa lý văn bài thế nào, thành ra to tiếng. May có anh em vào can mới yên. Học sinh An Nam ta, cứ chiều tối là hay ngồi đó. Học sinh người mình ở Aix có độ ngót trăm. Nhiều người học hành xuất sắc lắm, nhưng lắm bố con nhà giàu thì chỉ chơi bời mà thôi! Có ít người cũng ở phố David, vì gần hội quán, lại gần Lycée Mignet, đi độ 5, 6 phút thì tới.
Tối mai, bà Madron rủ tôi đi xem cinéma, cách chỗ tôi ở một quãng, tôi đã nhận lời.
Tôi xin thề rằng sẽ hết sức học hành để khỏi phụ lòng cậu trông cậy, xin cậu yên tâm. Ông Bourguignon giỏi khoa văn chương lắm, nghe ông giảng như nước chảy, mê cả tâm thần!
Chắc vài hôm nữa, tôi sẽ tiếp thư cậu. ở nhà có việc gì lạ, xin cậu đừng giấu tôi.
Tạ Tuyết Anh* Aix, le 4 Février 1928Cậu,Đọc thư cậu, nước mắt tôi tràn trụa đầy cả ra giấy. Trời ơi! Biết thế này, thì tôi chẳng đi Tây cho nó đành!
Thôi cậu ạ, cậu có thương tôi, thì cậu nên nghe tôi, cậu đừng đi làm thêm giờ nữa. Vẫn biết mỗi tối làm thêm vài giờ chẳng là bao, cuối tháng cũng được ba bốn chục bạc phụ cấp, nhưng cậu cứ cặm cụi quá sức thế thì đến kiệt lực mà ho lao mất! Cậu có khỏe gì bằng ai, tôi tưởng chả nên tham việc quá thế. Thì ra chỉ tại tôi mà đến nỗi một mình cậu vất vả, cậu làm cho tôi thương cậu đến nỗi ốm mất.
Cậu ơi! Cậu nên tĩnh dưỡng, nên coi sức khỏe làm trọng mới được. Lương cậu hiện đã được 140 đồng mỗi tháng, chỉ phải gửi cho tôi có 80 đồng, còn ăn tiêu ở nhà cũng tiệm đủ rồi, thì thôi, tôi xin cậu, đừng nên quá tham, lỡ có mang bệnh, lại để tôi ân hận suốt đời vì con vi trùng ho lao có nể người tốt bụng đâu?
Nếu cậu không nghe tôi, thà rằng cậu cho tôi xuất tàu để tôi về còn hơn.
Nhân tiện xin nói để cậu biết, cậu nghĩ vậy mà khuyên tôi như thế cũng là phải. Nhưng tuy tôi là thân gái một mình ở nước tự do, song, xin cậu biết rằng ở đây tự do thật, nhưng là cái tự do có giáo dục, chứ không như ở bên ta đâu. Vả lại bao giờ đi ra ngoại quốc cũng phải giữ sĩ diện cho nòi giống chứ. Tôi nói quá như thế để cậu yên tâm, chứ nào cậu có ngờ gì tôi đâu. Xin cậu biết cho rằng không phút nào là tôi không nhớ cậu, nhớ con, là hai người thân nhất của đời tôi. Trừ những khi mắt để vào quyển sách, thì lúc nào tôi cũng nhìn lên ảnh cậu và ảnh con để ngay trước bàn mà ngắm cho khỏi nhớ.
ở đây, tháng Février này rét lắm. Sáng hôm nay có mưa tuyết. Chiều đến, ở Cours Mirabeau, trẻ con nắm tuyết ném nhau trông thật vui mắt.
Mưa tuyết xong, tiếp luôn mấy trận gió mistral thổi rét thấu xương. Đường phố lội nhơm nhớp, bẩn quá. à, tôi đã nói chuyện cho cậu nghe cái lối đỗ ôtô ở phố chưa nhỉ? Mới trông lạ mắt, buồn cười lắm. Nó không đỗ theo dọc đường, sát hè phố như bên ta đâu. Xe nào cũng đứng ngang đường, quay mũi ra ngoài. Bây giờ trông quen, không thấy lạ nữa, mấy hôm đầu, đi sát vào mũi, tưởng hình như nó sắp xéo bẹp mình! Cậu đã nhận được áo đan chưa, sao không thấy nói trong thư? Cậu viết cho tôi đi, dài vào nhé! Nhớ cậu quá!
Tuyết Anh* Aix, le 2 Mai 1928Cậu,Khốn nạn thân tôi, sao cái tin đau đớn của tôi, cậu không báo cho tôi biết bằng dây thép. Đành rằng mẹ tôi chết, dù có biết sớm cũng không làm gì được, nhưng sao cậu ác nghiệt quá thế, trời ơi!
Cậu ơi! Tôi bất hiếu quá, mà ông trời kia sao khéo lừa dối tôi làm vậy, bắt tôi đi xa rồi đem mẹ tôi đi đâu?
Ông bà Madron thấy tôi có tin buồn, sang khuyên giải và tiêm cho tôi liều thuốc bổ. Bây giờ tôi không mê man như lúc mới tiếp tin nữa. Khốn nạn, dù tôi có than khóc hết hơi cũng không sao thấu được đến cửu tuyền, để yên ủi linh hồn mẹ. Sao tôi chẳng được chết đi cho rồi!
Nhưng đến trường hợp này, tôi mới rõ bụng cậu. Thực là ít thấy có. Mà nhà tôi cũng là đại phúc, nên trời kia xui khiến tôi được hầu hạ cậu. Mẹ tôi chẳng may chết đi, có tôi là lớn lại đi vắng, nhưng được cậu ở nhà, lấy tình rể cũng như con, mà cáng đáng lo lắng cho các việc ma chay, cái ơn trời bể ấy, tôi biết lấy gì đền lại. Tôi chỉ khấn cho cậu sẽ được trông thấy tôi công thành danh toại, một mai về nước, đem tiếng thơm về đền ơn trả nghĩa cậu mà thôi. Nếu kiếp luân hồi mà có thực, thì tôi xin cả kiếp sau cũng tìm được cậu để được trả nghĩa cho trọn cái ơn này.
Cậu ơi, tôi nói không sao xiết ý được. Mà nhất là trong lúc tôi gặp cảnh đau đớn này, thì tôi chỉ biết than thở, khóc lóc mà thôi. Còn thằng em bé tôi đấy, tôi cũng xin cậu trông nom cho nó được nên người, để tôi yên tâm học tập. Xin cậu vì thương tôi mà thương đến nó, chứ bây giờ tứ cố vô thân, nếu cậu không đoái hoài đến nó thì thật không còn bấu víu vào đâu được nữa. Khốn nạn cho tôi, ở vào cái cảnh nghèo! Tôi nghẹn lời, không sao viết được thêm nữa.
à, thư trước viết bằng tiếng tây là ý để cậu biết sức học của tôi bây giờ thế nào, chứ có dám nghĩ như thế đâu, cậu miễn trách cho. Cậu đừng chơi bời gì nhé, nên thương đến tôi.
Vợ khốn nạn của cậu
Tuyết Anh trăm lạy* Aix, le 29 Juillet 1929Cậu,Thế nào? Sao cậu không mời docteur cho con, uống thuốc ta, tôi tưởng chả ăn thua gì đâu. Nhưng nó cũng mệt xoàng thôi đấy chứ? Đầu tháng này, có kết quả kỳ thi tú tài, tôi trông thấy người đỗ, mà lại lo, chẳng biết sang năm, số phận mình ra sao.
Nhưng mà xem ra tôi học tấn tới lắm, cậu ạ. Cậu cứ yên tâm mà làm ăn. Cái bát họ của chị Tham, cậu nhận như thế cũng phải. Thà mua sớm mà trả nợ, còn hơn là để nó dây dưa, rồi đến hẹn, phải lo một món to. Cậu cứ chịu khó ăn sẻn để dành, nay mai phúc nhà còn vượng, tôi đỗ về, thì lúc bấy giờ ta làm giầu!
Nghĩ đến tương lai thì phấn chấn trong lòng, mà nghĩ lại riêng mình cậu khó nhọc, thì tôi lại đau từng khúc ruột. Vì tôi mà cậu mang công mắc nợ, một mình lo lắng năm canh! Nào cho tôi đi học, nào lo lắng ma chay cho mẹ vợ, nào nuôi cho em vợ đã đỗ được nên người.
Độ này cậu phải đi làm thêm như thế có mệt lắm không? Cậu nên mua thuốc bổ mà uống. Nếu không thì lại đằng ông lang Hai mà mua lấy mấy lạng cao ban long để ăn. Cậu chớ nên coi thường sức khỏe làm vậy.
Năm nay ở bên này nắng lắm, cái nắng khô khan ở miền Nam này, lắm lúc tôi cũng thấy khó chịu, nhưng vẫn được mạnh khỏe.
Tôi gửi theo đây gói đồ chơi cho con, nó mừng rỡ thế nào, cậu cho tôi biết. Cái ảnh cậu mới gửi sang, sao tôi trông gầy thế? Mà mũi con có vết gì đau, hay cái vết sờn trong ảnh, cậu cho tôi biết.
Tôi khỏi ốm ngay tối hôm tôi viết thư về cậu. Nếu biết rằng cậu lo, thì tôi chẳng nói cho xong.
Mille baisers
Tuyết Anh* Aix, le 15 Aout 1930Cậu,Thật là từ ngày tôi sang bên này tới nay, tôi tiếp thư nào ở nhà cũng lấy làm buồn bực, ân hận.
Ai ngờ vừa tháng trước đánh dây thép báo tin đỗ cho cậu biết, thì nay đã tiếp được tin cậu như sét đánh ngang tai.
Thế nào, cậu ho ra làm sao mà có máu thế? Tôi nói có sai bao giờ đâu. Cậu chả nghe tôi, cậu chả bổ dưỡng sức khỏe, để đến nỗi mang bệnh vào mình. Nếu cậu ho lao, thì cái vô phúc, trăm phần tôi xin chịu cả. Thà rằng tôi chết cho cậu được sung sướng, còn hơn tôi để cậu phải cáng đáng một mình hết nỗi nọ đến nỗi kia.
Cái ảnh phổi cậu chụp xong, cũng cho tôi xem với. Nếu thầy thuốc chiếu điện mà đã nói thế, thì tôi tưởng chỉ nên nghỉ việc đi là hơn.
Nhưng làm thế nào? Cậu trồng cây sắp tới ngày ăn quả. Đến sang năm, tôi thi nốt phần thứ hai kỳ tú tài rồi, vậy cậu nghĩ tôi thế nào, tôi cũng xin vâng theo.
ở bên này, ông Madron mấy hôm nay cũng ốm, đến nay bệnh vẫn chưa thấy lui.
Thì ra xung quanh mình, tôi chỉ thấy những sự buồn mà không đủ sức để can ngăn nó được. Tôi khổ lắm!
Bệnh tình cậu hiện nay thế nào, từ nay xin cứ mỗi kỳ tàu, cậu nhớ cho tôi biết. Con thế nào? Vẫn chơi ngoan đấy chứ? Chuyện gì bí mật mà tôi hỏi trong ba bức thư luôn, cậu chưa trả lời thế? Đừng chơi bời gì nhé!
Nay kính thư
Tuyết Anh* Aix, le Septembre 1931Thưa cậu,Tôi bất đắc dĩ cầm bút viết bức thư này để tạ tội cùng cậu, xin cậu tha thứ cho người vợ bạc bẽo, phản bội này.
Tôi chịu ơn cậu rất nhiều, cũng mong đến ngày công thành danh toại, về để hầu hạ cậu, giúp đỡ cậu trong lúc ốm đau. Nhưng mà... tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi, cậu cũng cầm lòng như tôi hư mà cậu bỏ tôi từ trước, hoặc duyên đôi ta giữa đường đứt quãng, thì từ nay xin cậu coi tôi như không có nữa mà thôi.
Sự vợ chồng ông trời đã định sẵn, có lẽ duyên nợ của cậu với tôi, đã hết từ ba năm trước, lúc đưa nhau ở bến tàu Sáu Kho.
Cậu cũng đừng nghĩ, đừng tìm tôi nữa, tôi sẽ ở Nam Kỳ với một người bạn học tôi mới đậu Y khoa bác sĩ.
Nay vĩnh quyết
Tuyết AnhAnnam tạp chí số 43; 1932
[ Trở Về ]