Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
Thưa chị
Khái Hưng
Ngồi nhìn các món ăn nguội lạnh, Nga buồn rầu, bực tức đợi chồng. Đã bao lần nàng ngước mắt nhìn đồng hồ treo và lẩm bẩm tự hỏi:

- Không biết sao hôm nay về muộn thế?

Sau khoảng hai giờ, một cái ô tô rít lên, đỗ ngay trước nhà, Nga chưa kịp hỏi xem ai thì Địch, chồng nàng, đã như một luồng gió mạnh, đẩy cửa và bước vào trong phòng:

- Mợ bảo nó sắp va li cho tôi, mau!

Nga lạnh lùng:

- Cậu đi đâu?

Địch cau có:

- Mợ đừng hỏi tôi nữa. Vội lắm, vội lắm.

Nga vốn yêu và chiều chồng. Thấy chồng gắt thì tươi cười đứng dậy gọi đầy tớ, rồi cùng nó xếp quần áo vào va li.

- Cậu đi bao lâu?

Địch hai tay ôm đầu ngồi lơ đãng trông qua cửa sổ. Nga ôn tồn nhắc lại câu hỏi. Địch giật mình quay lại:

- Cái gì thế mợ?

- Cậu đi lâu hay chóng?

- Tôi đã xin mợ đừng hỏi tới tôi nữa, tôi cũng chưa biết đi lâu hay chóng.

Nga chau mày đăm đăm nhìn Địch:

- Cậu chỉ biết có một việc là gắt. Thì cũng phải xem cậu đi lâu hay chóng để mà xếp nhiều hay ít quần áo thay chớ.

Địch giọng hối hận:

- Tôi xin lỗi mợ, anh xin lỗi em, anh chẳng còn biết cái gì nữa... Anh mất hết cả trí nghĩ.

Nga thoáng thấy mắt chàng đỏ ngầu và ướt lệ; nàng vừa thương hại vừa ngờ vực:

- Cậu đi việc quan?

- Phải, phải... vâng, việc rất cần.

- Thì can chi cậu cuống cuồng lên thế? Hãy ăn cơm đã.

Địch yên lặng, không đáp, tâm trí để ở tận đâu đâu. Nga nghĩ thầm: "Chẳng lẽ việc quan gì mà vội vàng, lo sợ, buồn phiền đến thế!... Và làm tham tá ở buồng giấy, sao lại có việc quan phải đi xa? Chắc chồng ta giấu ta điều gì đây".

Xếp xong hành lý... Nga bảo Địch:

- Bây giờ thì anh ăn cơm đã.

- Thôi em ăn đi, anh no lắm.

- Đã ăn gì mà no... Hay anh có điều gì phiền muộn?

Vừa nói Nga vừa vuốt ve chồng. Bỗng vô tình nàng thò tay vào túi áo Địch lôi ra một bức điện tín. Địch toan giựt lại, Nga đã nhẩy một bước ra và tò mò đọc:

"Lan mệt nặng, mong đợi. Lên ngay"

Một phút im lặng, hai vợ chồng nhìn nhau.

- Lan? Lan... Ai thế cậu?

Địch ngập ngừng:

- Một người...

- Một người con gái, một người tình nhân của cậu, phải không? Phải không?

Địch cố ôn tồn lãnh đạm:

- Làm gì mà mợ hét lên thế?

Nga gào càng to:

- à, cậu đi thăm đĩ! Thế mà cậu nói dối tôi đi việc quan...!

Địch tức đỏ bừng mặt, đến gần vợ thì thầm:

- Mợ sẽ mồm chứ. Đầy tớ nó cười cho.

Nga bơ phờ, suy nghĩ. Rồi nàng bưng mặt khóc. Nàng vẫn tưởng Địch chỉ yêu một mình nàng cũng như nàng coi Địch là người yêu độc nhất ở đời, không phút nào để tình ái, để tư tưởng mơn trớn qua tới kẻ khác.

Địch dỗ dành, thề thốt. Nga lau nước mắt nức nở:

- Không, anh đã nói dối em một lần rồi, vì anh bảo anh đi việc quan. Vậy chỉ có một cách khiến em tha thứ anh được là anh đem chuyện thực, đem hết chuyện thực ra kể cho em nghe. Em cam đoan với anh rằng em sẽ không giận và sẽ để anh đi, dù câu chuyện làm đau khổ lòng em đến đâu, em cũng xin chịu.

Địch cảm động vì những lời kính cẩn ôn tồn, nhưng chàng còn ngần ngừ, băn khoăn nhìn vợ: trên gương mặt, lộ một vẻ buồn, hoàn toàn thành thực. Chàng liền thở dài thuật lại đoạn tình sử:

Cách đây hơn một năm. Địch xin phép nghỉ dài hạn lên chơi Lạng Sơn. Chàng trọ ở khách sạn. Một người bạn học cũ làm giáo sư thường rủ chàng đi xem xét các vùng quê dân thổ.

Về sau ông giáo mời Địch đến ở nhà mình cho vui và đỡ tốn tiền vô ích.

Gần đấy có một hiệu buôn lớn. Cô Lan, con gái chủ hiệu, có chút nhan sắc, thứ nhan sắc mảnh khảnh, yếu đuối, sầu mộng, mơ màng. Cố nhiên, chiều chiều qua cửa, hai anh em bạn thường liếc mắt mỉm cười. Thấy gái đẹp, ai nỡ không ngắm nghía và khen thầm...

Ngờ đâu sự ngắm nghía khen thầm và những cái liếc mắt mỉm cười chẳng bao lâu đã trở nên tình ái. Lan yêu Địch, yêu say mê, đắm đuối. Trước còn thư đi thư lại, sau hẹn hò ở những nơi vắng vẻ, trên núi Tam Thanh, trên đường Kỳ Lừa, Địch dối rằng mình là Nguyễn Văn Siêu, sinh viên năm thứ ba trường thuốc. Nguyễn Văn Siêu không phải là một tên bịa đặt, chính là tên bạn Địch mà lúc vội đáp lại câu hỏi của tình nhân chàng đã thốt đọc ra. Anh chị chỉ non thề biển trong mấy tuần lễ, đinh ninh rồi sẽ lấy nhau.

Địch vẫn tưởng đùa giỡn cho đỡ buồn, trong thời kỳ đi nghỉ mát, nhưng khi về Hà Nội chàng mới hiểu rằng "Không nên đùa với ái tình". Câu ngạn ngữ Tây phương ấy, chàng phải mỉm cười nghĩ đến, một lần tiếp được thư Lan gởi cho chàng qua tay người bạn học trường thuốc. Trong vòng một năm, chàng nhận được hơn năm chục cái bức thư, nghĩa là đổ đồng tuần lễ một bức. Chàng thì một tháng mới phúc đáp một lần, và chàng cố gọt dũa câu văn cho cảm động cho âu yếm, xứng với những lời thành thực, nồng nàn tha thiết của Lan.

Bẩy tám tháng sau, Địch cảm động thật vì chàng thấy Lan khổ sở, đau đớn, nhớ thương quá đỗi, nhất là chàng đã được tin Lan ốm, chẳng hạn ốm tương tư. Từ đó, thư của Lan một ngắn một thưa, tuy lời thư càng nồng nàn, âu yếm hơn trước.

Địch cũng toan lên Lạng thăm Lan, nhưng nấn ná mãi cho đến hôm nay nhận được tin Lan mệt nặng, có lẽ sắp từ trần.

Địch cố lấy giọng thản nhiên, lạnh lùng kể cho vợ nghe, thêm bớt sự thực đi đôi chút cho câu chuyện đỡ sống sượng mà khỏi làm phiền lòng Nga, người vợ mà chàng vừa yêu, vừa kính...

Nga yên lặng, ngồi đăm đăm nhìn qua cửa sổ ra đường, tưởng như câu chuyện tình kia không lọt vào tai nàng.

Đồng hồ đánh ba tiếng, Nga không quay lại.

- Vậy mợ ở nhà nhé, vậy em ở nhà, anh đi thăm người ta một tí chẳng không kịp, tội nghiệp, nghĩa tử là nghĩa tận, em tha thứ cho anh vì đã trót dại dột.

Nga vẫn ngồi im không nói, không động đậy.

Địch ghé mặt định hôn Nga, Nga se sẽ ẩy ra.

Địch đứng ngắm vợ vài giây, trong lòng do dự... Bỗng chàng thở dài, xách va li chạy tuột ra xe, bảo tài xế mở máy.

Nghe tiếng còi ô tô, Nga giật mình nhớn nhác nhìn quanh như người mất trí nghĩ. Vú già đến nói:

- Mời bà xơi cơm.

Nga nghiễm nhiên đứng dậy, cầm khăn bàn giật mạnh, bát canh đổ hoen màu trắng, và mấy đĩa món ăn rơi xuống đất vỡ loảng xoảng.

Rồi nàng vào buồng, trong khi vú già, người đầy tớ trai thu dọn, lau chùi. Một lát sau nàng đi ra xách ví, mặt hầm hầm tức giận.

*
* *

Gần bẩy giờ chiều, ô tô thuê của Địch đỗ ở trước cửa nhà Lan. Giữa lúc ấy, một cái ô tô cũng từ từ hãm máy ngay phía sau.

Nhưng Địch không lưu ý gì hết, vội vàng mở cửa xe, nhẩy bổ ra ngoài. Cửa xe sau cũng mở, một người thong thả bước xuống. Trời mùa đông đã tối hẳn, hai người theo nhau như hai cái bóng đen, dưới ánh đèn điện lờ mờ, lần bực thang gạch bước lên gác.

Đến hiên gác, gặp y sĩ, Địch giữ lại hỏi:

- Thế nào, thưa ông?

Ông kia lắc đầu.

- Hết hy vọng. Khéo lắm được đến nửa đêm.

Rồi ngắm nghía nét mặt lo lắng của người mới tới, nói tiếp;

- Ông là ông Nguyễn Văn Siêu sinh viên năm thứ tư trường thuốc.

- Vâng.

- Vậy ông vào ngay. Cô Lan mong ông từng giây từng phút.

Địch bắt tay thầy thuốc, rồi rón rén mở cửa phòng, nhưng vừa đóng, cửa phòng lại mở ra liền. Địch quay nhìn. Nga, vợ chàng đứng ngay sau lưng. Chàng hoảng hốt kêu:

- Trời!

Rồi đánh rơi cái va li xuống sàn gác.

Lan nằm trên giường bệnh, sẽ hỏi người mẹ ngồi bên:

- Ai đấy, mẹ?... Có phải anh Siêu đã lên không?

Nga vẫn đứng yên đó không dám tiến, không dám lùi, nhưng ngây đờ ngắm người sắp chết, gầy xẹp như bộ xương dưới cái chăn chiên trắng, và bao nhiêu sự ghen tuông, tức tối, thù ghét đã biến đi để nhường chỗ cho một lòng trắc ẩn, cho một lòng nhân đạo. Thong thả Nga tiến đến bên giường. Địch sợ hãi suýt ngã ngất. Vội vàng Nga đã lên tiếng giọng cảm động, thành thực.

- Vâng, thưa chị, anh em đã lên, anh em đã lên với chị. Em là Nga, là em gái anh Siêu. Em sợ anh em đau đớn quá ngất đi ở giữa đường chăng, nên em theo kèm để giữ gìn, để khuyên can.

Nga vừa nói vừa cầm lấy tay người ốm. Thấy chồng vẫn đứng sững giữa nhà, nàng quay lại gọi:

- Kìa anh, sao không lại với chị?

Ngoan ngoãn, thong thả, Địch đến gần chào người mẹ khốn nạn, rồi ngồi xuống một cái ghế đặt bên cạnh giường.

Lan ứa nước mắt nhìn tình nhân. Bà lão mếu máo, kể lể:

- Khổ quá, nó yêu thầy mà nó giấu tôi, mãi hôm qua nó mới thú thực cả với tôi. Nó bảo thầy chờ thi xong rồi cưới nó làm vợ. Có thế không?

Địch lo lắng nhìn vợ. Nhưng Nga đã đổi lời, thẳng thắn đáp lại:

- Thưa cụ vâng, có thế, anh cháu đã xin được phép thầy mẹ cháu rồi. Thầy mẹ cháu vẫn định ra giêng sẽ cùng cháu lên hỏi xin chị... Xin chị Lan cho anh cháu...

Rồi quay nói với Lan:

- Này chị Lan, chị cố uống thuốc cho chóng khỏi để em chóng được làm em dâu chị nhé, em nghe anh khen ngợi chị, mà em yêu chị quá, cả thầy lẫn mẹ em cũng thế, chị ạ.

Một nụ cười yên lặng hơi hé cặp môi nhợt nhạt của người sắp từ trần, và bàn tay Lan nắm chặt lấy tay Nga.

Nhưng Nga đã đứng dậy và thì thầm với người mẹ: "Cụ làm ơn đưa cháu sang buồng bên nằm nghỉ một lát". Bà kia hiểu ngay rằng cô em muốn để anh được tự tình mấy câu với con gái mình, liền cùng Nga xuống nhà dưới.

Ba ngày sau, Lan tắt nghỉ, đem theo trong giấc ngủ ngàn năm một nụ cười sung sướng.

Rút từ tập truyện ngắn Dọc đường gió bụi.
Nxb Đời nay, 1936.

[ Trở Về  ]